Trang

30/04/2021

Không chỉ là âm nhạc: Câu chuyện về nhạc cụ của người Maori

 

“Đó là trong màn đêm, các vị thần cất tiếng ca vang khi sáng tạo nên thế giới. Từ thế giới của ánh sáng, đến thế giới của âm nhạc,” thủ lĩnh bộ lạc Ngai Tahu là Matiaha Tiramorehu kể lại câu chuyện Thần tạo ra người Maori vào năm 1849.

Tất nhiên, Tiramorehu đã nói bằng tiếng của người Maori: Kei a te Po te timatatanga o te waiatatanga mai a te Atua. Ko te Ao, ko te Ao marama, ko te Ao tu roa.

Brian Flintoff, một nghệ nhân điêu khắc bậc thầy và là nhà sản xuất nhạc cụ truyền thống của người Maori, nhấn mạnh câu chuyện trên trong cuốn sách của mình “Taonga Puoro: Kho báu âm nhạc: Nhạc cụ của người Maori” (Taonga Puoro: Singing Treasures: The Musical Instruments of the Maori). Flintoff cho rằng để biết trân quý các nhạc cụ của người Maori, thì cần phải tìm hiểu nguồn gốc ra đời của chúng, đó chính là những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết của người Maori.



Thợ điêu khắc bậc thầy Brian Flintoff bên ngoài xưởng của ông ở Nelson trên Đảo Nam của New Zealand. (Ảnh: Được sự cho phép của Brian Flintoff)

Những câu chuyện này đã được truyền miệng qua nhiều thế hệ, với những chi tiết có đôi chút khác nhau. “Có rất nhiều phiên bản của câu chuyện này trong quá trình truyền miệng, trong đó những chi tiết quan trọng được thêm vào hoặc bỏ qua để phù hợp với hoàn cảnh kể chuyện, do vậy bản in sẽ có những sai sót không tránh khỏi,” Flintoff nói trong một email.

Nhạc cụ truyền thống của người Maori không chỉ giới hạn ở thứ âm nhạc mà họ tạo ra.

“Tất cả các thể loại bài hát của người Maori đều bắt nguồn từ cảm xúc của các vị thần trong suốt quá trình sáng tác. Đó là những bài hát về nỗi buồn, sự giận giữ, lời than khóc; nỗi cô đơn, niềm hân hoan hoặc nỗi khát khao; và sự yên bình và tình yêu. Âm thanh của những nhạc cụ kết hợp với các vũ điệu góp phần làm nổi bật các bài hát,” Flintoff viết.

Do đó, nhạc cụ của người Maori là một phần quan trọng trong việc duy trì truyền thống kể chuyện của dân tộc họ, chúng được sử dụng để truyền đạt những câu chuyện thần thoại, kiến thức của tổ tiên v.v., từ đó truyền thừa truyền thuyết Maori cho các thế hệ tương lai.

Bài hát cho cuộc sống hạnh phúc

Một trong những nhạc cụ đơn giản nhất là Porotiti, tiếng Maori có nghĩa là vòng tròn. Nhưng thực tế, một chiếc Porotiti có hình dạng rất phong phú miễn là nó cân bằng. Nó quay trên một sợi dây được kéo ra kéo vào qua hai lỗ ở trung tâm, khi tăng tốc độ nó phát ra âm thanh vo vo – Flintoff giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Flintoff nói: “Khi còn nhỏ, chúng tôi thường sử dụng nút áo bằng một miếng bông”. Trong di sản cổ truyền của người Scotland nhiều người có thể biết tới trò chơi yo-yo, nó tương tự như porotiti.

Nhưng người Maori đã làm một điều thực sự độc đáo với nhạc cụ này. Họ sẽ thổi vào porotiti khi nó đang quay, vì vậy nó trở thành một vật bắt những giai điệu âm nhạc, ông giải thích.



Một chiếc porotiti được nghệ nhân Brian Flintoff làm từ xương. Âm thanh được tạo ra bằng cách quay porotiti và thổi vào nó khi nó quay. (Ảnh: Được sự cho phép của Brian Flintoff)

Porotiti không chỉ tấu lên các bài hát mà âm nhạc của nó còn được cho là thần dược.

Trong những ngày đầu định cư ở Âu Châu, khi dịch cúm đến New Zealand, người Maori không có biện pháp phòng chống. Flintoff kể rằng có một nhóm người Taranaki ở phía tây Đảo Bắc của New Zealand đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ chơi trò porotiti không bị ốm. Vì vậy, người Maori đã chơi cùng tất cả bọn trẻ vào ban đêm và không ai bị cúm. Trong khi đó, các khu vực khác của New Zealand đều bị dịch cúm tàn phá.

Flintoff nói: “Những người già giống như tôi, sẽ xoay nó, nhảy theo nó và di chuyển nó qua nhiều vị trí khác nhau, và những rung động tạo ra trên sợi dây sẽ giúp chữa viêm khớp.”

Ngày nay, người ta đã thành công trong việc sử dụng nó để giúp đỡ những người mắc bệnh hen suyễn, ông nói thêm.

Những thông điệp ẩn giấu 

Lắng nghe thật kỹ tiếng koauau, loại sáo phổ biến nhất của người Maori, bạn có thể nghe thấy nhiều thứ hơn cả âm nhạc. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp có thể chơi koauau theo cách khiến bạn tưởng chừng như nghe thấy lời của bài hát thông qua ống sáo. Vì vậy, nếu bạn thực sự hiểu rõ về bài hát, bạn có thể hiểu được những gì nhạc sĩ đang “nói”, theo ông Flintoff.



Một cây koauau do Brian Flintoff tạo ra. Mỗi đầu sáo được chạm khắc một khuôn mặt: Đầu để thổi tượng trưng cho khuôn mặt của nhạc cụ, và đầu kia là khuôn mặt của âm nhạc. Âm nhạc được tạo ra bằng cách kết hợp hơi thở của cây sáo với hơi thở của nhạc sĩ. (Ảnh: Được sự cho phép của Brian Flintoff)

Có những câu chuyện tuyệt vời về những nhân vật đã truyền thông điệp bí mật thông qua các bài hát. Ông kể lại một câu chuyện như vậy về một chàng trai trẻ bị bắt gặp đang tán tỉnh công chúa của một bộ tộc khác, mà hình phạt của anh ta sẽ là cái chết: Người thanh niên hỏi liệu có thể vui lòng cho phép anh chơi cây koauau của anh trước khi chết không. Và anh ấy chơi một bản nhạc cho người yêu của mình. Nghe bài hát, cô gái hiểu rằng anh ấy đang nói với cô rằng hãy gặp anh ở một địa điểm nào đó. Ngoài cô ra không ai hiểu lời nhắn. Anh ấy tiếp tục chơi trong bốn giờ, và tất cả mọi người đều say mê với màn trình diễn tuyệt vời của anh ấy đến nỗi chìm vào giấc ngủ. Nhân cơ hội đó anh trốn thoát. Anh ta bỏ chạy và nhảy từ một vách đá xuống dòng nước bên dưới, nơi các anh trai của anh đang đợi trên một chiếc thuyền để đưa anh đến gặp công chúa.

Nhận thức về Thần

Kèn putatara hay kèn vỏ sò được nhắc đến đầu tiên trong câu truyện thần thoại của người Maori, đó chính là tiếng kèn vang lên báo hiệu sự trở về của Tane, thường được gọi là thần rừng. Câu chuyện kể rằng, Tane phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn là lên thiên đàng để mang về ba giỏ kiến thức (kete o te wananga) về cho con người. Mỗi một giỏ chứa một loại kiến thức khác nhau: kiến thức về thần, kiến thức về tổ tiên và kiến thức về cuộc sống.



“Chiếc kèn Pumoana Karoro” của thợ khắc bậc thầy Brian Flintoff. Kèn vỏ sò thường được gọi là putatara. Trước đây, putatara được làm từ vỏ của một loài sò. Khi Brian Flintoff sử dụng loại vỏ sò khác, anh ấy gọi kèn vỏ sò của mình là pumoana. (Ảnh: Được sự cho phép của Brian Flintoff)

Chuyến đi đến thiên đường của Tane đầy thử thách, cũng như tất cả các nhiệm vụ thần thánh khác. Anh không chỉ phải lên thiên đường thứ 12 để thỉnh cầu vị hần tối cao, Io-matua-kore (Io) ban cho các giỏ kiến thức mà người anh trai Whiro của anh còn luôn cố gắng ngăn cản anh bằng mọi cách. Mặc dù Tane đã được thần lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ, nhưng Whiro tin rằng, với tư cách là người anh cả, anh ta mới xứng đáng mang về ba giỏ kiến thức.

Whiro thả rất nhiều sinh vật ghê tởm như côn trùng, bò sát và chim ăn xác từ Thiên đường xuống để ngăn cản hành trình của em trai mình. Những sinh vật ác độc này cố gắng lấy máu của Tane để nguyền rủa và tiêu diệt anh. Nhưng Tane vẫn tiếp tục bay lên trên bầu trời với sự trợ giúp của những cơn gió thiêng — cơn gió lốc và những đứa trẻ của gió là những người bảo vệ và đẩy anh lên cao hơn.

Khi tới Thiên đường, Tane gặp các vị Thần hộ mệnh của Io-matua-kore; anh được tẩy tịnh và sau đó được tôn vinh với nhiều danh xưng thiêng liêng. Tất nhiên, Io-matua-kore đã ban cho Tane 3 chiếc giỏ theo lời thỉnh cầu của anh. Các vị Thần hộ mệnh ban cho anh những chiếc giỏ và hai viên đá thần, để có thể phân biệt mong muốn của một người là thiện hay ác.

Câu chuyện kể về Tane chiến thắng cái ác và sự thanh tẩy của anh khi chịu đựng nhiều thử thách thiêng liêng trong quá trình lên trời và xuống đất.

Khi Tane quay trở lại trái đất, các thành viên gia đình của anh là Uru-ao và Tupai đã chơi một hồi kèn có thể lan tới khắp các thiên đường, báo hiệu cho các vị Thần rằng Tane đã trở lại trái đất thành công. Đó là lần đầu tiên chiếc kèn vỏ sò của người Maori do Tupai tạo ra được nhắc đến.

Lễ vật cầu hòa

Flintoff nói, người Maori là một trong số ít nền văn hóa trên thế giới, bao gồm cả người Tây Tạng, đã thêm đầu thổi vào chiếc kèn vỏ sò. Chiếc đầu thổi bằng gỗ lại có câu chuyện riêng của nó. Nó được thêm vào putatara vì gỗ đến từ đất liền và vỏ sò đến từ biển.

“Đất liền và biển luôn có chiến tranh. Nó đã từng là một cuộc chiến tẻ nhạt kinh khủng, nhưng bây giờ nó đã dịu lại một chút.”



Một chiếc kèn vỏ sò của người Maori, được gọi là putatara, do Brian Flintoff chế tạo. Maori là một trong số ít các nền văn hóa trên thế giới có thêm đầu thổi vào kèn vỏ sò (Ảnh: Được sự cho phép của Brian Flintoff)

“Đây là cách của các vị Thần. Họ nói, chúng tôi sẽ sử dụng gỗ và vỏ để làm nhạc cụ như một lễ vật cầu hòa. Và vì vậy, việc tặng quà để cầu hòa sinh ra dựa trên một câu chuyện đáng yêu, và nó trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống của bạn,” Flintoff nói.

Trên khắp New Zealand vẫn có thể nghe thấy kèn vỏ sò như một phần trong nghi lễ của người Maori tại các marae (nhà và sân họp của người Maori) và hơn thế nữa. Một số trường thậm chí còn sử dụng chúng thay cho chuông để báo hiệu kết thúc tiết học. Có lẽ các vị Thần tiếp tục được nghe thấy chúng vang vọng trên các tầng trời.

Lorraine Ferrier
Thuần Thanh biên dịch

Everett Alvarez Jr., một tù binh chính trực và danh dự


 Hình Wikipedia

Nếu cố nghị sĩ John McCain, một tù binh chiến tranh Việt Nam, đã quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam, thì một trong những cựu tù binh nổi tiếng khác, người được nhắc đến nhiều khi nói về chiến tranh Việt Nam, là Hải Quân Trung Tá Everett Alvarez Jr.. Ông là phi công Hoa Kỳ đầu tiên bị bắn hạ tại Bắc Việt và trở thành một trong những tù binh chiến tranh (POW) lâu nhất. Cuộc đời Trung Tá Everett Alvarez có nhiều điều đáng được nhắc lại trong tháng Tư hơn là việc ở tù lâu nhất.

Hoa Kỳ can dự trực tiếp vào Việt Nam từ sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ,” 2 tháng Tám, 1964. Hai ngày sau, thêm một sự kiện xảy ra. Trong đêm đó Tổng Thống Lyndon B. Johnson lên truyền hình thông báo cùng quốc dân về chiến dịch Xuyên Tiễn (Operation Pierce Arrow).

Ngay khi đó, phi công Hải Quân Everett Alvarez cùng các đồng đội đang được nghe kế hoạch về phi vụ không kích Bắc Việt trên chiến hạm USS Constellation neo ngoài khơi vùng biển Thái Bình Dương. Chỉ vài giờ sau, chiến dịch xung kích bắt đầu và hàng loạt các tàu đậu tại các cảng và những kho dầu của Bắc Việt bị phá hủy nhưng hai chiến đấu cơ của hải quân Hoa Kỳ cũng gặp nạn. Phi công một chiếc tử nạn, còn Everett may mắn sống sót khi chiếc A4 Skyhawk của ông bị hỏa tiễn bắn hạ. Để rồi người trung úy phi công trẻ, 27 tuổi và mới cưới vợ đã trở thành một trong những tù binh chiến tranh lâu nhất của Mỹ, với tám năm rưỡi tù, chỉ sau Đại Tá Lục Quân Floyd James Thompson, cũng là một POW tại Việt Nam với chín năm tù.

Sinh năm 1937 tại California trong một gia đình di dân gốc Mexico nghèo và ít học, Everett là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học. Vừa học vừa làm, Everett ra trường kỹ sư điện ưu hạng tại đại học Santa Clara University với ý định sẽ đi vào lãnh vực không gian đang có nhiều nhu cầu trước cuộc chạy đua với Liên Xô lúc bấy giờ. Nhưng Everett lại thử sức mình khi thi làm phi công. Và đậu! Kết quả khiến ông phân vân giữa hai chọn lựa. Nhưng rồi thôi thúc về một đời trai binh nghiệp hào hùng, phục vụ cho quốc gia đã chiến thắng. Ông hy vọng xong việc phục vụ, với kinh nghiệm bay cùng việc quay lại học cao hơn, ông sẽ có nhiều cơ hội trở thành phi hành gia của NASA, không từ bỏ giấc mộng không gian của mình. Everett được huấn luyện và trở thành một phi công tham gia chiến tranh Việt Nam ngay thời gian đầu như vậy.

Trong hồi ký của mình, Thượng Nghị Sĩ John McCain kể khi phía Bắc Việt biết ông là con trai của một đô đốc Hải Quân Hoa Kỳ, họ đã có ý định thả ông có điều kiện, nhưng ông đã từ chối và đòi phải trả tự do cho Everett Alvarez, người bị phía Bắc Việt giam cầm trước ông. Everett được các bạn tù quý mến vì là tù binh thâm niên, cương trực và trung thành, có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cai tù Bắc Việt. Bị giam tại "Hilton Hotel", biệt danh của của nhà tù Hỏa Lò rồi qua các trại tù khác tại miền Bắc, có nhiều lúc bị biệt giam và tra tấn, Everett kể lại rằng khi không thể đối đầu với những cai tù bằng sức lực thì chỉ còn bằng tinh thần. Ông cùng các tù binh Mỹ khác đã xác quyết sẽ trở về nhà ngẩng cao đầu với lòng chính trực, trách nhiệm và danh dự của một người sĩ quan quân lực Hoa Kỳ. Đó là điều đã tôi luyện cho ông thêm ý chí và nghị lực.


Everett Alvarez được trao trả tù binh vào ngày 12 tháng Hai năm 1973, sau 3,113 ngày, tức khoảng tám năm bảy tháng tù, trong đó hơn sáu tháng đầu tiên ông là tù binh đơn độc và duy nhất trong trại tù cộng sản. Được trao tặng các huân chương cùng sự đón tiếp như người hùng, Everett được tái huấn luyện bay với Hải Quân và tiếp tục theo học tại học viện Hải quân cấp cao để tốt nghiệp cao học vào năm 1976. Khi ông xuất ngũ Hải Quân với cấp bậc trung tá sau 20 năm phục vụ quân ngũ vào năm 1980, ông được mời tham gia và làm việc tám năm với nội các tổng thống Ronald Reagan qua các chức vụ lãnh đạo các tổ chức Peace Corps, cơ quan cựu chiến binh VA...

Câu chuyện như vậy kể cũng đã đủ với một POW, một cựu chiến binh Việt Nam khí phách, mang đầy thương tích chiến tranh. Nhưng nó vẫn còn những điều để kể tiếp.

Trong năm năm trời, mỗi đêm ông vẫn tiếp tục đến trường và cuối cùng tốt nghiệp luật sư tại đại học George Washington University vào năm 1983. Rời chính phủ năm 1988, với kinh nghiệm cùng các mối quan hệ giữa các cơ quan chính phủ, ông mở hãng cố vấn về quản trị để thầu các công việc chính phủ. Hãng thành công và hoạt động đến năm 2003, ông bán đi và thành lập hãng thứ nhì mang chính tên ông, Alvarez LLC, một hãng cố vấn về IT để cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho khách hàng chính phủ liên bang và vẫn còn đang hoạt động mạnh tại Washington DC hiện nay.

Ở tuổi 83 hiện nay, Everett Alvarez viết sách, tham gia ban giám đốc các trường đại học và các tổ chức xã hội, tham gia ban cố vấn trong một số dự án chính phủ liên quan đến cựu chiến binh và chiến tranh Việt Nam, cũng như vài bộ phim liên quan chiến tranh Việt Nam cho đến vài năm qua. Ông tham gia các chương trình y tế cho cựu chiến binh, thỉnh thoảng lại đến trò chuyện tại các trung tâm huấn luyện phi công hải quân. Tên của ông cũng đã được đặt cho trường học, công viên, bưu điện tại nơi ông sinh ra hay từng sống và làm việc.

Khi được hỏi về bí quyết thành công cùng phương châm sống, Everett Alvarez trả lời rằng, không phải vì điều gì mà tất cả là tính cách. Một tính cách toàn diện về đạo đức, trách nhiệm, sự cam kết và lòng trung thành với quốc gia. Ông bảo, "đó là ý thức của lòng chính trực và danh dự của mỗi cá nhân".

Đinh Yên Thảo


29/04/2021

Quán bar khách ăn tối ở Slovenia, phải sang Croatia đi toilet

Nếu vị khách say xỉn nào vô tình bước qua hàng cây trước quán Kalin Tavern, cảnh sát Croatia sẽ lập tức có mặt để "bảo vệ biên giới".

Khi Nam Tư tan rã vào năm 1991, biên giới mới chạy dọc theo một dòng suối nhỏ chia cắt thị trấn Obrezje của Slovenia với thị trấn Bregana của Croatia. Kalin Tavern, một quán rượu cổ 180 tuổi, nằm ngay trên biên giới. Không chỉ vậy, Sasha Kalin, chủ quán 48 tuổi, có bố là người Slovenia và mẹ là người Croatia. Kalin quyết định vẽ một đường sơn neon trên sàn bên cạnh bàn bi-a để cho thực khách thấy đường biên giới quốc tế cắt đôi quán trọ như thế nào.

"Đây là vùng Balkan, vì vậy từng miếng đất nhỏ đều có giá trị", ông Kalin cho biết. Vào một ngày tháng 5/2004, Kalin thức giấc và nhận ra nửa nhà hàng của mình trên đất Slovenia thuộc về Liên minh châu Âu (EU) và còn nửa bên Croatia thì không.



Khu vực quầy bar và bàn ăn uống của thực khách nằm trên đất Slovenia, nhưng họ sẽ đứng trên lãnh thổ Croatia nếu muốn chơi bi-a hoặc đi toilet. Ảnh: Klevo

Bên ngoài Kalin, một dãy chậu cây bằng bê tông đánh dấu đường biên giới đã biến con phố trước quán bar thành ngõ cụt, chòi canh của lính biên phòng hai nước luôn có người túc trực.

Điều hành một quán rượu đa quốc gia ở một nơi xa xôi có thể khá phức tạp. Kalin chỉ nộp thuế ở Slovenia, nhưng dùng hai số điện thoại riêng biệt cho khách hàng ở từng quốc gia. Quán không có nhiều khách Croatia đến mức phải yêu cầu họ xuất trình hộ chiếu tại cửa, vì vậy ông chủ chỉ nhập các loại bia nội địa cho quầy bar nằm trên lãnh thổ Slovenia.



Sasha Kalin ngồi trong quán rượu của mình, phía sau là đường đánh dấu biên giới vẽ trên tường. Ảnh: Sun

Ngày nay, một số người Croatia vẫn dùng bữa tại quán Kalin, nhưng ông chủ than thở rằng khách ngày càng ít đi vì phiền toái khi phải xuất trình hộ chiếu mỗi lần qua biên giới.

Vào một buổi chiều mưa, hai lính biên phòng từ Slovenia buồn chán ngồi bên ngoài nhà hàng. Họ có thể ngửi thấy mùi thịt lợn quay thơm phức bên trong nhưng không dám bước vào. "Chúng tôi không bao giờ ăn ở đó. Nếu có, chúng tôi có thể vô tình bước vào lãnh thổ Croatia và gây ra một sự cố quốc tế", một trong hai người lính, cho hay.

Dù sở hữu quán rượu nổi tiếng với địa chỉ đặc biệt, Sasha Kalin vẫn luôn chờ đợi ngày Croatia gia nhập khối Schengen để thực khách có thể đi lại tự do, và chuyện kinh doanh của anh dễ dàng hơn. Vào ngày đó, những chậu cây bê tông trước quán sẽ biến mất và ngõ cụt được canh phòng cẩn mật sẽ chỉ là một con đường bình thường chạy xuyên qua làng. Croatia đang trong quá trình đàm phán gia nhập khu vực Schengen, và dự kiến trở thành thành viên của khối này vào nửa cuối năm 2024.



Những chậu cây bê tông đánh dấu biên giới giữa Obrezje, Slovenia và Bregana, Croatia - giữa một quốc gia thành viên EU và một quốc gia ngoài khối này. Ảnh: Johan Spanner/New York Times

An An 

28/04/2021

Cân nặng tăng dần theo độ tuổi: Đó không hẳn là một chuyện xấu

Nếu bạn đang ở độ tuổi 40 và bạn khá gầy, thì việc tăng thêm vài cân có thể tốt cho sức khỏe của bạn khi bạn tiến đến độ tuổi 50 hoặc trên 50.

Tăng cân có thể kéo dài tuổi thọ của bạn.

Bạn đang đọc đúng rồi đấy.

Nghiên cứu mới cho thấy tăng thêm vài cân ở độ tuổi 50 trở lên có thể tăng tuổi thọ và giảm nguy cơ chết sớm.



(Cân nặng tăng dần theo độ tuổi: Đó không hẳn là một chuyện xấu. (Ảnh: Fizkes/Shutterstock)

Nếu bạn đang định đi ra phòng ăn để lấy thức ăn thì hãy dừng lại và đọc một số lưu ý sau đây trước đã. 

Đầu tiên là những lợi ích này chỉ áp dụng cho những người bắt đầu với cân nặng bình thường và không tăng cân quá nhiều đến mức bị béo phì. Thứ hai, những người tham gia nghiên cứu mà bị thừa cân hoặc béo phì khi bắt đầu thử nghiệm và sau đó lại tiếp tục tăng cân thì có nguy cơ tử vong sớm cao nhất.

Do đó, trong những năm còn trẻ, nếu bạn có mức cân nặng bình thường, thì việc tăng cân vừa phải có thể giúp bạn sống lâu hơn. Nếu không, bạn nên tập trung vào việc giảm cân thay vì tăng cân.

Nếu bạn có mức cân nặng bình thường ở độ tuổi 30 và 40, bạn có thể muốn bắt đầu tăng lên thay vì giữ nguyên như hiện tại.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Ohio đã sử dụng thang đo chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI) để phân loại những người tham gia là cân nặng bình thường (BMI 18,5–24,9), thừa cân (25–29,9) hoặc béo phì (30 hoặc cao hơn).

Họ đã xem xét hai thế hệ người tham gia công trình nghiên cứu Heart Framingham, bắt đầu vào năm 1948, để đưa ra kết luận của mình.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng khi họ xem xét chỉ số BMI của những người từ 31 đến 80 tuổi, những người bắt đầu ở mức cân nặng trung bình và dần dần tăng thêm cân nặng có nhiều khả năng sống lâu hơn những người duy trì cân nặng bình thường như thời còn son trẻ trong suốt cuộc đời.

Hui Zheng, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Trọng lượng cơ thể tăng thêm ở mức khiêm tốn khi về già, bao gồm cả khối lượng mô nạc và khối lượng mô mỡ, có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự thiếu hụt dinh dưỡng và năng lượng, căng thẳng trao đổi chất, sự hao mòn và mỏng mảnh hóa của cơ thể, và sự suy giảm mật độ cơ và xương do các bệnh mãn tính như suy tim gây ra ”.

Nếu bạn đang cố gắng nỗ lực để giữ được cân nặng và vóc dáng của tuổi 40, bạn nên giảm cân một chút bằng cách ăn nhiều hơn hoặc tập một số bài tập để tăng cường sức đề kháng. Có thể làm kết hợp cả hai thứ là tốt nhất.

Tất nhiên, bạn không muốn đi quá đà và tăng cân quá trớn. Làm cách nào để biết liệu bạn có đang tăng cân quá trớn hay không? Câu trả lời đơn giản là các dấu hiệu sức khỏe quan trọng bắt đầu có xu thế đi sai hướng. Huyết áp, lượng đường trong máu, cholesterol và các cơn đau khớp có thể tăng lên.

Nếu điều đó bắt đầu xảy ra, thì có thể bạn nên cố gắng giảm cân một chút. Điều quan trọng nhất cần nhớ ở đây là tăng cân vừa phải, từ từ. Chúng ta đang nói về có thể tăng một vài cân mỗi năm, và chỉ làm vậy khi bạn bắt đầu ở mức cân nặng trung bình thôi.

Mat Lecompte là một nhà báo tự do về sức khỏe thể chất và tinh thần. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên trang Bel Marra Health.

Mat Lecompte
Ngọc Anh biên dịch

  

Bộ bikini giá 30 triệu USD

Bộ bikini đắt giá nhất thế giới với trị giá lên tới 30 triệu USD, của hãng Thời trang Victoria’s Secret khi mới trình làng, đã tạo thành cơn lốc trong làng Thời trang Thế giới.  Tuy vô cùng mỏng manh, nhỏ bé, nhưng bộ bikini này lại có giá trị vô cùng đắt giá.

  


Bộ bikini đắt nhất này gồm 2 mảnh mỏng tanh với 159 cara kim cương tuyệt đẹp, và một viên kim cương 51 cara quý hiếm nhất thế giới.

 


Bộ bikini  gồm tất cả những viên kim cương đều thuộc nước D (độ trong tinh khiết nhất), trong đó có vài viên thuộc hàng quý hiếm nhất thế giới, như một viên 51 carat hình quả lê.


 ST

26/04/2021

NỖI LÒNG CỦA MẸ


 

Ông giáo Hai mất sớm để lại cho bà giáo đàn con nheo nhóc tuổi ăn tuổi học. Với đồng lương bậc tiểu học thì làm sao bà xoay sở được nên cảnh nhà rơi vào tình trạng túng quẫn, mấy đứa lớn phải nghỉ học đi buôn bán nhường cho mấy đứa nhỏ đi học .

 

Nhưng tiền ăn không đủ lấy đâu tiền học, lần lượt từng đứa nghỉ học làm thuê làm mướn kiếm sống.

Năm tháng dần trôi, bọn chúng cũng đã trưởng thành và lập gia đình , vì không học hành tới nơi tới chốn không bằng cấp , không vốn liếng nên chúng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống .

 

Chiều qua cô con gái út chạy qua nhà bà bật khóc nức nở , con nó bị bệnh sốt cao phải nhập viện cấp cứu , nhưng ngặt ở nhà không còn đồng bạc nào , ba nó đi làm ăn xa , mượn hết bà con lối xóm vỏn vẹn có hơn vài trăm ngàn không đủ trang trải tiền viện phí , nay cô gái út đến cầu cứu bà mong giúp đỡ .Nhìn con khóc bà quá xót xa , với đồng lương hưu còm cõi bà tần tiện lắm mới sống được qua ngày , bà nghĩ mãi không ra , nay thì còn đôi bông đám cưới là của hồi môn bà lấy cho nó rồi mai mốt tính sau .

 

Sáng nay có cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi về, nghe nói bà đang gặp hoàn cảnh khó khăn nên một vài bà con xa là chị em bạn dì hùn lại kẻ ít người nhiều tiền già của họ bên đó gởi cho bà giáo, sẵn có cô chị em bạn dâu bên Mỹ về Việt Nam chơi họ gởi cho bà , khi nào họ về sẽ gọi cho bà .

 

Bà nghe mà như người chết đuối vớt được tấm phao, bà mong mỏi hàng ngày, có bọn nhỏ cho bà mượn điện thoại để canh họ gọi vào, rồi chiều hôm qua cô ấy đã bay về Việt Nam và có gọi cho bà hẹn ngày mốt tới lấy và không báo là biết nhiêu tiền làm bà hồi hộp vô cùng ...

 

Cả đêm bà không ngủ được, tờ mờ sáng hôm sau bà dậy thật sớm đón xe honda ôm lên sớm, đúng địa chỉ đây rồi, bà hỏi thăm người ta chỉ bà phải lên lầu ba vì cổ ở trên đó .

 

Tội nghiệp thân già hơn bảy mươi chứ ít gì phải leo lên tầng ba, tới nơi vẫn còn sớm quá bà không dám nhấn chuông, nhưng vì nhớ lại cảnh đứa con gái khóc quá xót xa thôi thúc bà phải nhón chân nhấn đại ...

 

Tiếng chuông nghe vang lên làm phá cảnh vật im lìm lúc sáng sớm, có tiếng bước chân ra mở cửa kèm theo tiếng lầm bầm:

-Mới sáng sớm giờ này mà ai bấm chuông không biết nữa?

 

-Dạ thưa cô cho tôi gặp cô Thấm phải ở đây không ạ?

Cô gái nhìn bà không thèm trả lời quay gót bước vào trong nói trỏng vào:

-Dì Thấm ơi, có ai tìm dì ngoài cửa kìa?

Có tiếng sột soạt và tiếng bước chân ra ngoài cửa, đó là người đàn bà luống tuổi nhưng vóc dáng vẫn còn thon gọn nhìn bà châm châm rồi hỏi:

-Có phải bà là bà giáo Hai phải không?

-Dạ thưa phải, cô có phải là Cô Thấm phải không ạ? 

-Tôi có hẹn bà đến nhưng sao bà đến sớm quá vậy, lần sao có đến thì trưa trưa đó nha !

-Dạ bị vì tôi có nỗi khổ riêng xin lỗi cô!…

 

Bà giáo chưa kịp nói hết câu người đàn bà đó quay gót bước vào trong và trở ra trên tay là hai tờ giấy bạc màu xanh, bà ta bước tới để trên bàn rồi lẳng lặng đi vào trong.

Một cơn gió nhẹ thoáng qua làm hai tờ giấy bạc rơi xuống đất mỗi nơi một góc, bà giáo lê từng bước chân nặng nhọc nhặt từng tờ giấy bạc mà trong cổ họng nghẹn ngào, nước mắt nhạt nhoà, sóng mũi cay cay ...bà nói lí nhí trong cổ họng :

-Cảm ơn cô, cảm ơn cô! 

Nếu không vì con, vì cháu thì bà đâu có lê từng bước chân nặng nhọc đến đây leo lên tận lầu ba để nhận những đồng tiền nhục nhã, đau đớn, ê chề đắng cay, có thể đây là số tiền không lớn lắm đối với ai kia nhưng đối với bà đây là cả gia tài nó giúp bà giải quyết được nhiều việc trước mắt là đóng tiền viện phí cho con .

Ngoài trời mưa đang rơi như những giọt nước mắt rơi vào tận đáy sâu thẳm nỗi lòng của người mẹ!

 

Dinh van son.

25/04/2021

TÂM HỒN VÀ TÌNH YÊU CỦA THIÊN NGA


 

Năm thứ hai đại học của tôi sắp sửa kết thúc. Vào một đêm nóng bức trong tuần cuối cùng của tháng năm, tôi nhận được điện thoại của mẹ ở ký túc xá cho biết tôi sẽ về nghỉ hè với ông bà để phụ giúp công việc đồng áng. Ý kiến này khiến mọi người trong nhà đều hài lòng. Riêng tôi không hoàn toàn bị thuyết phục lắm nhưng tự an ủi rằng dù gì cũng chỉ có một kỳ nghỉ mà thôi.

Sau khi thi xong môn cuối, tôi thu dọn đồ lên xe, chào tạm biệt bạn bè và hẹn sẽ gặp lại vào mùa thu. Các bạn tôi cũng vậy vì hầu hết bọn họ cũng sẽ về nhà.

Từ trường tôi về đến nông trại mất hết ba giờ lái xe. Ông bà tôi đều đã qua tuổi bảy mươi, và tôi biết họ rất cần người phụ giúp công việc của nông trại, ông không thể dọn cỏ khô một mình cũng như sửa chữa chuồng trại cùng hàng đống việc khác. 

Chiều hôm ấy tôi đến nơi muộn. Bà đã nấu nhiều đồ ăn đến nỗi cả ba chúng tôi không thể nào ăn cho hết. Bà hết sức yêu thương và quan tâm tới đứa cháu của mình. Tôi đã nghĩ rằng sự niềm nở này sẽ nhanh chóng phai nhạt một khi tôi ở lâu cùng với bà. Nhưng không phải vậy.  Còn Ông thì muốn biết tất cả mọi điều về tôi. Đến giờ ngủ, tôi nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Dầu gì, tôi cũng chỉ phải ở đây một mùa hè thôi.

Sáng hôm sau, tự ông chuẩn bị bữa sáng cho hai người. Ông bảo rằng bà bị mệt vì đã vất vả cả ngày hôm qua nên sẽ nằm nghỉ lâu một chút. Tôi tự nhủ sẽ không nhờ bà làm bất cứ điều gì cho mình trong thời gian lưu lại. Tôi đến đây để giúp đỡ chứ không phải làm gánh nặng cho ông bà.

Buổi sáng đó, ông khiến tôi rất ngạc nhiên. Khi chúng tôi rời khỏi nhà, ông dường như sinh động và linh hoạt hẳn lên. Nông trại này là lãnh địa của ông. Mặc dù đã lớn tuổi, ông vẫn giữ được dáng vẻ tự tin khi đi khắp nơi trong khu vực này. Ông không còn có dáng vẻ gì của con người đã thiếp đi trên ghế tối qua trước lúc bản tin sáu giờ chấm dứt. Khi chúng tôi băng qua cánh cổng để đến xem xét đàn gia súc, ông dường như biết rất rõ từng con bò. Mà có tới gần hai trăm con trong đàn chứ ít gì!

Chúng tôi không thật sự làm nhiều việc trong ngày đầu, nhưng tôi lấy làm cảm phục về tất cả những gì mà ông đã thực hiện trong suốt những năm tôi chưa sinh ra. Ông không được ăn học đầy đủ nhưng đã nuôi dạy bốn người con khôn lớn nên người nhờ vào nông trại này. Tôi thật sự ấn tượng sâu sắc về điều đó.

Nhiều tuần lễ trôi qua. Đến tháng sáu, chúng tôi đã gom xong cỏ khô, cột lại thành bó và cất vào nhà kho. Tôi cũng dần quen với chuyện cùng ông làm việc mỗi ngày. Những gì cần làm ông đều dự tính sẵn trong đầu và mỗi ngày chúng tôi chỉ việc thực hiện từng phần.

 Buổi chiều tối ở nhà, tôi thường đọc sách hay nói chuyện với bà. Bà không bao giờ chán những câu chuyện ở trường hay bất cứ chuyện gì có liên quan đến tôi. Bà còn kể cho tôi nghe về thời bà mới gặp ông, về tình yêu của ông dành cho bà, về ánh mắt thuở ban đầu mà bà còn nhớ mãi về ông…

 

Sáng chủ nhật tuần cuối cùng của tháng sáu, ông rủ tôi đi câu cá vì chúng tôi đã hoàn tất mọi việc. Hồ nước nằm trong một cánh đồng trũng gần khu rừng. Những năm trước ông đã thả cá xuống hồ. Hôm đó chúng tôi lái xe đến hồ, tiện thể coi qua đàn gia súc. Chúng tôi không thể ngờ đến những gì mình trông thấy sáng hôm đó: Một con trong cặp thiên nga mà ông tặng bà vào ngày lễ Kim Khánh đã chết. Con còn lại không chịu ăn mà cứ ngước nhìn về một hướng xa xăm.

– Sao mình không mua một con khác thế vào hở ông? – Tôi đề nghị với hi vọng có thể cứu vãn được tình thế.

Suy nghĩ một lát. Cuối cùng ông nói: 

– Không… không dễ dàng vậy đâu con ạ! Con biết không, loài thiên nga cả đời chỉ có một bạn tình.

Ông đưa tay chỉ, trong khi tay kia giữ cần câu, – loài khác thì được, còn thiên nga thì không. Có thể mang đến cho nó một con khác nhưng chẳng thể mang lại một tâm hồn như nó vốn đã từng mong chờ, tìm được và thấu hiểu. Chúng ta chẳng thể làm được gì hơn cho con thiên nga còn lại. Nó phải tự xoay xở lấy mà thôi. 

Suốt buổi sáng chúng tôi đã bắt đủ số cá cho bữa trưa. Trên đường về, ông dặn tôi đừng kể cho bà nghe về chuyện con thiên nga. Bà không còn đi về phía hồ nhiều nữa. Vì thế, cho bà biết việc đó cũng chẳng ích gì. 

Vài ngày sau, ông và tôi có đi ngang hồ trong khi làm công việc kiểm tra đàn gia súc mỗi sáng. Chúng tôi trông thấy con thiên nga còn lại đang nằm đúng nơi bạn nó được tìm thấy trước đó. Và… Nó cũng đã chết…

 


Ông và tôi bắt đầu tháng bảy bằng công việc dựng một hàng rào mới. Đến ngày 12 tháng 7, bà tôi qua đời. Sáng hôm ấy tôi ngủ dậy muộn và ông cũng chẳng gõ cửa phòng gọi. Đến  gần tám giờ sáng, tôi mới vội vã thay đồ và xuống bếp. Bác sĩ Morgan đang ngồi tại bàn trong nhà bếp. Ông ấy đã là hàng xóm của ông bà tôi từ lâu kể từ khi về hưu. Trước đây, ông có tới nhà tôi vài lần mỗi khi cần kíp. Ngay lập tức, tôi nhận ra có điều gì bất ổn. Sáng nay, bên cạnh chân bác sĩ là chiếc cặp đen cũ kỷ. Và, rõ ràng ông tôi đang run rẩy. 

Bà tôi đã đột ngột qua đời bởi chứng đột quy. Cha mẹ tôi đến ngay trong buổi chiều ấy. Người thân và bạn bè của ông bà cũng nhanh chóng tề tựu tại căn nhà cũ này.

Đám tang được tổ chức ngay ngày hôm sau vì ông nhất quyết muốn nó diễn ra càng sớm càng tốt. Vào ngày thứ hai sau đám tang, ông nói trong bữa sáng: 

– Đây là một nông trại bận rộn. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Những người còn lại hãy trở về với công việc của mình. 

Hầu hết mọi người trong gia đình đều đã đi khỏi, nhưng đó là cách ông bảo mọi người là đã đến lúc phải về nhà. Cha mẹ tôi là người cuối cùng ra về sau bữa trưa.

Ông tôi không phải là người có thể dễ dàng bộc lộ nỗi đau của mình cho ai khác. Cho nên, tất cả chúng tôi đều lo lắng cho ông. Mọi người đã bàn tính khuyên ông từ bỏ việc đồng áng. Cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng ông đã già quá rồi nên không thể nào sống một mình ở đấy. Tuy nhiên, ông không hề bận tâm đến chuyện đó. Tôi thật sự tự hào về cách mà ông tự khẳng định mình.

Những ngày hè còn lại dần trôi qua. Chúng tôi vẫn bận rộn với công việc. Tôi lờ mờ nhận thấy ông có điều gì đó khang khác nhưng không chắc lắm. Tôi bắt đầu nghi ngại liệu ông có thể sống tốt hơn được với một ai đó không, nhưng tôi biết ông không thể nào rời bỏ nông trại.

Tháng chín đang đến gần, nhưng tôi lại không muốn ra đi. Tôi cũng tính đến việc bỏ học kỳ mùa thu này để ở với ông thêm vài tháng cho ông bớt cô đơn. Khi tôi đề cập đến việc này, ông lập tức phản đối, bảo rằng chỗ của tôi là trường đại học chứ không phải chốn này. 

Cuối cùng đã đến lúc tôi phải thu dọn đồ lên xe và rời khỏi đây. Tôi bắt tay và ôm ông chào tạm biệt. Khi lái xe đi, qua kính chiếu hậu tôi còn nhìn thấy ông vẫy tay chào rồi quay về hương đồng cỏ để bắt đầu công việc kiểm tra đàn gia súc mỗi sáng. Đó là hình ảnh về ông mà tôi hằng lưu giữ trong tâm trí.

Mẹ gọi điện đến trường cho tôi vào một buổi sáng dông bão để báo tin ông mất. Một người hàng xóm ghé ngang nhà uống cà-phê sáng hôm đó và tìm thấy ông trong bếp. Ông mất vì chứng đột quy giống như bà. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã hiểu ra được những điều mà ông đã cố gắng giải thích cho tôi về con thiên nga vào buổi sáng chúng tôi đi câu bên hồ.

ST

24/04/2021

TRẦM CẢM DO ẢNH HƯỞNG CỦA COVID

Nhiều ít trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta gặp những biến cố đặc biệt mà khi đối mặt với chúng, chúng ta thường cảm thấy mình khó chịu, càu nhàu, bực bội, cô đơn, buồn bã, mất ăn, mất ngủ, và mệt mỏi cả tinh thần lẫn thân xác. Đôi khi trong những khó khăn dồn nén đó, chúng ta có những ý nghĩ chán đời, buông thả, rút kín, cô lập, và không muốn sống nữa. Tâm lý học gọi đó là những triệu chứng của trầm cảm.    

 

Sau hơn một năm tác oai tác quái trên trái đất, Covid-19 (dịch Vũ Hán) đã để lại không biết bao nhiêu hậu quả tiêu cực bao gồm từ lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị, và tôn giáo. Riêng trong lãnh vực tâm thần và tâm bệnh, nó đã và đang tạo ra một hậu chấn tâm lý gây hoang mang, sợ hãi và bất ổn.

 

Nhiều gia đình trở nên mất vui, bầu khí gia đình biến thành lạnh lẽo, buồn tẻ. Ngôi nhà hạnh phúc nay biến thành địa ngục. Vợ chồng xào xáo, dẫn đến gây lộn, hành hung, ly thân và ly dị vì một người hoặc cả hai bị trầm cảm.

 

Hậu quả dễ thấy nhất trong những gia đình này đến từ người chồng quen thói lười biếng, ươn lười viện dẫn lý do công ăn việc làm bị hạn chế, hoặc các hãng xưởng giới hạn công nhân do ảnh hưởng của Covid, cộng thêm đam mê cờ bạc, rượu, nghiện hút, games, và phim ảnh khiêu dâm trên internet…Hoặc người vợ không việc gì làm “nhàn cư vi bất thiện,” tối ngày shop trên online, đặt mua những món hàng mà chẳng bao giờ dùng tới, gây thiếu hụt ngân qũy gia đình.

 

Con cái vì không đến trường ở nhà tự học, hoặc giờ học không nhất định đã tạo nên sự lười biếng, điểm học xuống cấp. Cha mẹ la mắng, con cái cãi lại, hỗn hào, anh chị em hục hoặc khiến bầu khí gia đình trở thành căng thẳng. Tin tức về các trẻ em, thanh thiếu niên tự tử vì chán nản không được đến trường, không được tiếp xúc với bạn bè, gò bó trong môi trường gia đình, thiếu thông cảm giữa cha mẹ, anh chị em đã tạo ra mối quan tâm và lo lắng cho giới phụ huynh.  

 

Tóm lại, hậu quả của trầm cảm gây ra do ảnh hưởng của Covid là một mối đe dọa cho đời sống và sự phát triển của tâm lý hiện nay. Nó đang bao trùm khắp thế giới.

 

TRẦM CẢM (DEPRESSION) VÀ CĂNG THẲNG (STRESS)

 

Một điều quan trọng mà nhiều người ít để ý và quan tâm tới là những hội chứng tâm lý cần được chữa trị. Họ nghĩ những cái đó là do tính nết sẵn có, do hoàn cảnh khó khăn, do người khác hiểu lầm, hoặc do xã hội gây nên. Lạc quan một tí thì cố gắng chịu đựng cho qua, hy vọng “ngày mai sẽ sáng!” Bi quan hơn thì nổi nóng, cáu giận, bực tức người này, người khác, hoặc chán nản, buông xuôi để mặc cho định mệnh. Và cùng quẫn, hoang mang, tự ty quá thì tìm cách kết thúc cuộc đời!!!  

 

Sau đây là một số triệu chứng thông thường liên quan đến trầm cảm dưới cái nhìn của tâm bệnh: 

 

Những triệu chứng thông thường của stress:

 

-Trầm mặc hoặc cáu gắt.

-Bực bội, tức giận hoặc bất an.

-Cảm thấy chán nản, bần thần, hoặc lơ là.

-Mất ngủ hoặc ngủ vùi cả ngày.

-Nghĩ ngợi lung tung hoặc quá lo lắng.

-Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng chú tâm.

-Có những quyết định sai lầm. 

 

Những triệu chứng trên lúc ẩn, lúc hiện, lúc mạnh lúc yếu, và thông thường chỉ làm ta khó chịu ở bước đầu. Nhưng nếu không tìm cách vượt qua, từ từ chúng sẽ biến thành những triệu chứng dẫn đến trầm cảm.

 

Triệu chứng của trầm cảm:

 

-Cảm thấy buồn bã, trống  rỗng, vô vọng và hay khóc.

-Cáu giận, bực tức, hoặc khó chịu mặc dù chỉ là những chuyện nhỏ mọn.

-Mất hứng thú, cảm xúc trong tất cả những sinh hoạt thường ngày, kể cả như nhu cầu sinh lý vợ chồng, hoặc những thú vui, sở thích.

-Mất ngủ hoặc ngủ vùi.

-Mệt mã, mất nhiệt huyết khi làm những việc dù nhỏ mọn.

-Mất cảm giác và ăn uống mất ngon.

-Cáu giận, khó chịu và hay gây gỗ.

-Suy nghĩ, nói năng chậm chạp, hoặc di chuyển khó khăn.

-Thấy mình vô dụng hoặc tội lỗi và tự phàn nàn về mình, về những lỗi lầm quá khứ.

-Có vấn đề về suy nghĩ, chủ tâm, quyết tâm hoặc trí nhớ.

-Thường xuyên hay nghĩ đến chết, có tư tưởng tự tử hoặc muốn đi tìm cái chết.

-Có những vấn đề về thể lý không giải thích được, thí dụ, đau lưng, nhức đầu.

 

Đối với nhiều người những triệu chứng trên không nghiêm trọng (severe) đủ khiến họ phải lưu ý trong những công việc thường ngày như việc làm, học hành, những hoạt động xã hội hoặc những giao tiếp xã hội. Cũng có những người tự nhiên thấy mình cảm thấy như bất hạnh, đáng thương, và chán nản mà không hiểu tại sao.     

 

Có nhiều loại trầm cảm, nhưng điều quan trọng là khi có những dấu hiệu trên một hoặc hai tuần, ta cần phải tìm sự chữa trị của bác sỹ tâm lý (psychologist) và bác sỹ tâm thần (psychiatrist). Tránh để rơi vào tình trạng trầm cảm ở giai đoạn nghiêm trọng (major depression) mà không có sự giúp đỡ của các bác sỹ tâm lý và tâm thần.   

 

ĐỐI DIỆN VỚI TRẦM CẢM

 

Vì là hội chứng thuộc tâm lý và tâm thần, nên không bao giờ để mình hoặc người thân rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Thí dụ, mất nghị lực, mất hứng thú và tự cô lập, mất ngủ hoặc ngủ vùi triền miên, hoang mang, bi quan, vô vọng, chán sống, và có ý định tự tử.  

 

Dưới đây là một số hướng dẫn tạm gọi là chuyên môn có thể giúp cho những ai đang cảm thấy mình bị ảnh hưởng nhẹ hoặc mới có những triệu chứng trầm cảm. Những gợi ý bao gồm:

 

1: Cởi mở và trao đổi với bạn bè.  

2: Làm những gì mà mình cảm thấy thích thú.

3: Hoạt động và không ngồi một chỗ. 

4: Ăn uống điều độ và kiểm soát chế độ ăn uống. 

5: Bắt đầu bằng một ngày mới với những sinh hoạt ngoài trời.

6: Thay đổi những tư tưởng bi quan thành những tư tưởng lạc quan. 

 

Ứng dụng thực hành, về phía người đang mang những dấu hiệu của trầm cảm, cách tốt nhất là chia sẻ những khó khăn, những uẩn khúc của hiện tại với những ai mà mình tin tưởng để tìm sự đồng cảm, khích lệ, và những hướng dẫn tích cực. Trong hoàn cảnh hiện nay là những ảnh hưởng của Covid mà mình hoặc người thân đang gặp phải.  

 

Tiếp đến là tìm một việc gì thích hợp để giải trí lành mạnh trong những điều kiện có thể. Những sinh hoạt không bị giới hạn do khoảng cách xã hội, hoặc những đòi hỏi về mặt y tế, xã hội. Thí dụ, những sinh hoạt ngoài trời ở những nơi mà gia đình có thể tổ chức picnic, câu cá, đi dạo, hoặc leo núi…

 

Nhất là thay đổi, chuyển hướng những tư tưởng bi quan thành những tư tưởng lạc quan.  Chỉ có những tư tưởng lạc quan, tích cực mới giúp xua tan những lo lắng tiêu cực gây ra do trầm cảm. Kinh nghiệm thực tế cho biết, tự thay đổi, và thay đổi theo chiều hướng tích cực là một việc khó làm nhất. Như những người nghiện rượu rất ít khi nhận mình là người nghiện, người mang những triệu chứng tâm lý cũng hầu như không bao giờ nhận mình là người đang gặp những khó khăn về mặt tâm lý và cần được giúp đỡ. Do đó, những người có trách nhiệm như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em là phải tìm cách nào vừa tế nhị, vừa khôn ngoan, vừa hợp lý để giúp người có bệnh chấp nhận tìm gặp những bác sỹ chuyên môn cũng như chịu uống thuốc.

 

Sau cùng, với kinh nghiệm nghề nghiệp, theo tôi không gì mau chóng và đem lại kết quả tốt cho chính mình hoặc một người trong gia đình khi gặp những triệu chứng về tâm lý hoặc tâm thần là:

 

*Sự giúp đỡ và khích lệ của gia đình, người thân:

 

Những sự giúp đỡ của cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, ông bà là những giúp đỡ rất cần thiết và hiệu nghiệm để nâng đỡ tinh thần một người khi gặp những khó khăn về mặt tình cảm, tâm lý, hoặc tâm thần.  

 

Điều này bao gồm những quan tâm, sự cảm thông, chia sẻ, những nụ cười, những lời khích lệ. Đặc biệt tránh dùng những lời lẽ nặng nề, chê trách hoặc chỉ trích người thân, con cháu, hoặc vợ chồng trong những trường hợp này. Nên nhớ, người bệnh rất nhậy cảm và rất dễ tự ty về những lời nói hoặc nhận xét tiêu cực!  

 

*Cầu nguyện và tinh thần:

 

Lời cầu nguyện của người thân cũng như của chính người bệnh là phương thuốc tuyệt vời nhất cho những bệnh nhân tâm thần - cũng như thể xác. Đối với Phật Giáo, phương pháp ngồi thiền, yoga cũng là một cách cầu nguyện, giữ tâm hồn yên tĩnh. Trong những trường hợp này, thật ra không ai ngoài Thượng Đế là người có quyền năng tác động và thay đổi tâm hồn của bệnh nhân, và thổi vào đó niềm tin tưởng, lạc quan. Tôi đã có kinh nghiệm về những lời cầu này trong thời gian giúp các bệnh nhân tâm lý cũng như tâm thần. Giá trị của nó hiệu nghiệm, vượt trên mọi thứ thuốc tâm thần, những phương pháp trị liệu, cũng như những lời khuyên dù rất nhiệt tình và tha thiết của bất cứ ai.

 

Trong hoàn cảnh hiện nay của cơn đại dịch, không những chúng ta cần phải cầu nguyện cho người thân, vợ chồng, con cháu mà còn cầu nguyện cho thế giới, cho những nạn nhân đang phải đối đầu với những thử thách do dịch bệnh gây ra. Lời cầu nguyện là liều thuốc vạn năng có khả năng giúp chữa lành mọi tật bệnh tâm hồn và thể xác. “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được.” (Lc 1:37)

TS. Trần Mỹ Duyệt


 

23/04/2021

MƯỜI ĐIỀU TÂM YẾU

1/- Hạnh TỪ-BI.(慈悲行)

Trọng mạng sống của muôn loài. Xót thương và tận tâm giúp đở người đói khổ, cô đơn, đau ốm, tật nguyền. Buồn khi thấy kẻ làm dữ, khuyên nhủ họ bỏ dần và dứt hẳn việc dữ. Vui khi thấy người làm lành, khuyến khích giúp đỡ họ phát triển thêm điều thiện; ấy là Hạnh TỪ-BI.(
慈悲行)

2/- Hạnh HỈ-XẢ.(
喜捨行)

Ai chê bai không giận, ai khinh ghét chẳng hờn. Đại lượng với người chống đối lại mình. Lấy ơn trả oán, chứ không lấy oán báo oán. Trong đời chỉ có “Những Bạn đã và đang thông cảm, hiểu biết mình” và “Những Bạn chưa thông cảm, hiểu biết mình”. Tuyệt nhiên không có ai là “Kẻ Thù”; ấy là Hạnh HỈ-XẢ.(
喜捨行)

3/- Hạnh NHU-HOÀ.(
柔和行)

Với người đối nghịch dùng mềm mỏng mà khuyên lơn, dùng ôn hoà mà hoá độ. Dầu gặp rối ren, gay cấn thế nào cũng bình tỉnh điều đình cho ổn thoả; ấy là Hạnh NHU-HOÀ.(
柔和行)

4/- Hạnh NHẪN-NHỤC.(
忍辱行)

Vui chịu đủ các phương thử thách, gặp biến cảnh thế nào cũng biết cách chìu theo, không phiền muộn trách than, không ngã lòng thối chí. Thành công không kiêu căng, thất bại không nãn chí; ấy là Hạnh NHẪN-NHỤC.(
忍辱行)

5/- Hạnh CHÍ-THÀNH.(
至誠行)

Thành thật với mọi người, dù trong đạo hay ngoài đời cũng vậy. Từ  lời nói đến việc làm, nhứt nhứt đều ngay thẳng thật thà, xử sự chẳng mưu mô lừa đảo. Tự mình siêng năng học hỏi để tiến bộ không ngừng, đem sự hiểu biết thực lòng giúp người được hiểu biết, để cùng nhau làm lợi ích cho chúng sinh; ấy là Hạnh CHÍ-THÀNH.(
至誠行)

6/- Hạnh TINH-TẤN.(
精進行)

Cố tâm tiến lên con đường lập công bồi đức. Trong không khởi một niệm ác để tâm hồn luôn thư thái, ngoài không biếng nhác tháo lui, dù lâu dài cũng một mực chăm lo tu học và chăm làm việc thiện, gắng làm tròn bổn phận mình với đạo, với đời; ấy là Hạnh TINH-TẤN.(
精進行)

7/- Hạnh BÌNH-ĐẲNG.(
平等行)

Xem vạn vật vốn đồng thể, xem muôn loài đều đồng tánh. Đối đãi với người không phân biệt giai cấp, quốc tịch, màu da; cùng chẳng so đo phú quí, sang hèn…
Lấy đức làm trọng, lấy tình người mà đối đãi nhau. Không cậy thế ỷ quyền, không xu phụ người thế lực, xem ta như người, xem người như ta; ấy là Hạnh BÌNH-ĐẲNG.(
平等行)

8/- Hạnh  BÁC-ÁI. (
博愛行)

Xem tất cả chúng sanh là con một cha, thương người mến vật, trọng mạng sống muôn loài không phạm giới sát. Tiến lên một bậc, tùy duyên mà cứu vật cứu người; ấy là Hạnh BÁC-ÁI. (
博愛行)

9/- Hạnh TỰ-TẠI.(
自在行)

Phàm ở đời lâm vào cảnh ngộ nào cũng biết tuỳ phận mà yên. Gặp may không đắc chí, gặp rũi chẳng nao lòng. Được ca ngợi không tự cao, bị chê trách không oán giận. Gặp cảnh khổ hay vui, lành hay dữ, đều biết đó là do nhân quả tạo ra nên tâm không dao động; ấy là Hạnh TỰ-TẠI.(
自在行)

10/- Hạnh GIẢI-THOÁT.(
脫行)

Trong không dấy lên vọng tưởng, ngoài không mắc kẹt cảnh trần. Tâm cảnh không hai, thân vật làm một; tuỳ duyên với công việc mà không vướng mắc, siêng làm mọi việc lợi ích quần sanh mà thật thấy như không làm; ấy là Hạnh GIẢI-THOÁT.(
)

Sưu tầm