Năm thứ hai đại học của tôi sắp sửa kết thúc. Vào một đêm nóng bức trong
tuần cuối cùng của tháng năm, tôi nhận được điện thoại của mẹ ở ký túc xá cho
biết tôi sẽ về nghỉ hè với ông bà để phụ giúp công việc đồng áng. Ý kiến này
khiến mọi người trong nhà đều hài lòng. Riêng tôi không hoàn toàn bị thuyết
phục lắm nhưng tự an ủi rằng dù gì cũng chỉ có một kỳ nghỉ mà thôi.
Sau khi thi xong môn cuối, tôi thu dọn đồ lên xe, chào tạm biệt bạn bè và
hẹn sẽ gặp lại vào mùa thu. Các bạn tôi cũng vậy vì hầu hết bọn họ cũng sẽ về
nhà.
Từ trường tôi về đến nông trại mất hết ba giờ lái xe. Ông bà tôi đều đã
qua tuổi bảy mươi, và tôi biết họ rất cần người phụ giúp công việc của nông
trại, ông không thể dọn cỏ khô một mình cũng như sửa chữa chuồng trại cùng hàng
đống việc khác.
Chiều hôm ấy tôi đến nơi muộn. Bà đã nấu nhiều đồ ăn đến nỗi cả ba chúng
tôi không thể nào ăn cho hết. Bà hết sức yêu thương và quan tâm tới đứa cháu
của mình. Tôi đã nghĩ rằng sự niềm nở này sẽ nhanh chóng phai nhạt một khi tôi
ở lâu cùng với bà. Nhưng không phải vậy. Còn Ông thì muốn biết tất
cả mọi điều về tôi. Đến giờ ngủ, tôi nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Dầu gì, tôi
cũng chỉ phải ở đây một mùa hè thôi.
Sáng hôm sau, tự ông chuẩn bị bữa sáng cho hai người. Ông bảo rằng bà bị
mệt vì đã vất vả cả ngày hôm qua nên sẽ nằm nghỉ lâu một chút. Tôi tự nhủ sẽ không
nhờ bà làm bất cứ điều gì cho mình trong thời gian lưu lại. Tôi đến đây để giúp
đỡ chứ không phải làm gánh nặng cho ông bà.
Buổi sáng đó, ông khiến tôi rất ngạc nhiên. Khi chúng tôi rời khỏi nhà,
ông dường như sinh động và linh hoạt hẳn lên. Nông trại này là lãnh địa của
ông. Mặc dù đã lớn tuổi, ông vẫn giữ được dáng vẻ tự tin khi đi khắp nơi trong
khu vực này. Ông không còn có dáng vẻ gì của con người đã thiếp đi trên ghế tối
qua trước lúc bản tin sáu giờ chấm dứt. Khi chúng tôi băng qua cánh cổng để đến
xem xét đàn gia súc, ông dường như biết rất rõ từng con bò. Mà có tới gần hai
trăm con trong đàn chứ ít gì!
Chúng tôi không thật sự làm nhiều việc trong ngày đầu, nhưng tôi lấy làm
cảm phục về tất cả những gì mà ông đã thực hiện trong suốt những năm tôi chưa
sinh ra. Ông không được ăn học đầy đủ nhưng đã nuôi dạy bốn người con khôn lớn
nên người nhờ vào nông trại này. Tôi thật sự ấn tượng sâu sắc về điều đó.
Nhiều tuần lễ trôi qua. Đến tháng sáu, chúng tôi đã gom xong cỏ khô, cột
lại thành bó và cất vào nhà kho. Tôi cũng dần quen với chuyện cùng ông làm việc
mỗi ngày. Những gì cần làm ông đều dự tính sẵn trong đầu và mỗi ngày chúng tôi
chỉ việc thực hiện từng phần.
Buổi chiều tối ở nhà, tôi thường đọc sách hay nói chuyện với bà. Bà
không bao giờ chán những câu chuyện ở trường hay bất cứ chuyện gì có liên quan
đến tôi. Bà còn kể cho tôi nghe về thời bà mới gặp ông, về tình yêu của ông
dành cho bà, về ánh mắt thuở ban đầu mà bà còn nhớ mãi về ông…
Sáng chủ nhật tuần cuối cùng của tháng sáu, ông rủ tôi đi câu cá vì chúng
tôi đã hoàn tất mọi việc. Hồ nước nằm trong một cánh đồng trũng gần khu rừng.
Những năm trước ông đã thả cá xuống hồ. Hôm đó chúng tôi lái xe đến hồ, tiện
thể coi qua đàn gia súc. Chúng tôi không thể ngờ đến những gì mình trông thấy
sáng hôm đó: Một con trong cặp thiên nga mà ông tặng bà vào ngày lễ Kim Khánh
đã chết. Con còn lại không chịu ăn mà cứ ngước
nhìn về một hướng xa xăm.
– Sao mình không mua một con khác thế vào hở ông? – Tôi đề nghị với hi
vọng có thể cứu vãn được tình thế.
Suy nghĩ một lát. Cuối cùng ông nói:
– Không… không dễ dàng vậy đâu con ạ! Con biết không, loài thiên nga cả
đời chỉ có một bạn tình.
Ông đưa tay chỉ, trong khi tay kia giữ cần câu, – loài khác thì được, còn
thiên nga thì không. Có thể mang đến cho nó một con khác nhưng chẳng thể mang
lại một tâm hồn như nó vốn đã từng mong chờ, tìm được và thấu hiểu. Chúng ta
chẳng thể làm được gì hơn cho con thiên nga còn lại. Nó phải tự xoay xở lấy mà
thôi.
Suốt buổi sáng chúng tôi đã bắt đủ số cá cho bữa trưa. Trên đường về, ông
dặn tôi đừng kể cho bà nghe về chuyện con thiên nga. Bà không còn đi về phía hồ
nhiều nữa. Vì thế, cho bà biết việc đó cũng chẳng ích gì.
Vài ngày sau, ông và tôi có đi ngang hồ trong khi làm công việc kiểm tra
đàn gia súc mỗi sáng. Chúng tôi trông thấy con thiên nga còn lại đang nằm đúng
nơi bạn nó được tìm thấy trước đó. Và… Nó cũng đã chết…
Ông và tôi bắt đầu tháng bảy bằng công việc dựng một hàng rào mới. Đến
ngày 12 tháng 7, bà tôi qua đời. Sáng hôm ấy tôi ngủ dậy muộn và ông cũng chẳng
gõ cửa phòng gọi. Đến gần tám giờ sáng, tôi mới vội vã thay đồ và xuống
bếp. Bác sĩ Morgan đang ngồi tại bàn trong nhà bếp. Ông ấy đã là hàng xóm của
ông bà tôi từ lâu kể từ khi về hưu. Trước đây, ông có tới nhà tôi vài lần mỗi
khi cần kíp. Ngay lập tức, tôi nhận ra có điều gì bất ổn. Sáng nay, bên cạnh
chân bác sĩ là chiếc cặp đen cũ kỷ. Và, rõ ràng ông tôi đang run rẩy.
Bà tôi đã đột ngột qua đời bởi chứng đột quy. Cha mẹ tôi đến ngay trong
buổi chiều ấy. Người thân và bạn bè của ông bà cũng nhanh chóng tề tựu tại căn
nhà cũ này.
Đám tang được tổ chức ngay ngày hôm sau vì ông nhất quyết muốn nó diễn ra
càng sớm càng tốt. Vào ngày thứ hai sau đám tang, ông nói trong bữa sáng:
– Đây là một nông trại bận rộn. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm.
Những người còn lại hãy trở về với công việc của mình.
Hầu hết mọi người trong gia đình đều đã đi khỏi, nhưng đó là cách ông bảo
mọi người là đã đến lúc phải về nhà. Cha mẹ tôi là người cuối cùng ra về sau
bữa trưa.
Ông tôi không phải là người có thể dễ dàng bộc lộ nỗi đau của mình cho ai
khác. Cho nên, tất cả chúng tôi đều lo lắng cho ông. Mọi người đã bàn tính
khuyên ông từ bỏ việc đồng áng. Cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng ông đã già quá rồi
nên không thể nào sống một mình ở đấy. Tuy nhiên, ông không hề bận tâm đến
chuyện đó. Tôi thật sự tự hào về cách mà ông tự khẳng định mình.
Những ngày hè còn lại dần trôi qua. Chúng tôi vẫn bận rộn với công việc.
Tôi lờ mờ nhận thấy ông có điều gì đó khang khác nhưng không chắc lắm. Tôi bắt
đầu nghi ngại liệu ông có thể sống tốt hơn được với một ai đó không, nhưng tôi
biết ông không thể nào rời bỏ nông trại.
Tháng chín đang đến gần, nhưng tôi lại không muốn ra đi. Tôi cũng tính
đến việc bỏ học kỳ mùa thu này để ở với ông thêm vài tháng cho ông bớt cô đơn.
Khi tôi đề cập đến việc này, ông lập tức phản đối, bảo rằng chỗ của tôi là
trường đại học chứ không phải chốn này.
Cuối cùng đã đến lúc tôi phải thu dọn đồ lên xe và rời khỏi đây. Tôi bắt
tay và ôm ông chào tạm biệt. Khi lái xe đi, qua kính chiếu hậu tôi còn nhìn
thấy ông vẫy tay chào rồi quay về hương đồng cỏ để bắt đầu công việc kiểm tra
đàn gia súc mỗi sáng. Đó là hình ảnh về ông mà tôi hằng lưu giữ trong tâm trí.
Mẹ gọi điện đến trường cho tôi vào một buổi sáng dông bão để báo tin ông
mất. Một người hàng xóm ghé ngang nhà uống cà-phê sáng hôm đó và tìm thấy ông
trong bếp. Ông mất vì chứng đột quy giống như bà. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã
hiểu ra được những điều mà ông đã cố gắng giải thích cho tôi về con thiên nga
vào buổi sáng chúng tôi đi câu bên hồ.
ST
Thật xúc động!
Trả lờiXóahttps://i.pinimg.com/originals/c4/96/a6/c496a605e4ae45a936f8b3c39e7171be.gif
Nhiều năm về trước Fa thường đi Đà Lạt, lúc đó ra hồ Xuân Hương thấy 2 con Thiên nga thật đẹp. Lần sau lên DALAT thấy chỉ còn một con bơi lội cô đơn trong hồ nước lạnh giá thật tội nghiệp. Lúc đó Fa không hiểu nên hỏi sao người DaLat không mua thêm một con thả vào cho con đang sống đỡ buồn. Lần sau lên DALAT thì chẳng còn thấy con nào nữa.
Xóahttps://img.otofun.net/upload/v7/images/4409/4409040-ee460930a1685b915c12c1268600bb57.gif
https://3.bp.blogspot.com/-raHe6Vv1SMw/TkEyvOfUPAI/AAAAAAAAArI/vC2w2r2Mooo/s1600/animated+swam+for+mobile.gif
XóaCâu chuyện thật hay và rất cảm động cho TY của đôi thiên nga còn tuyệt vời hơn cả loài người chúng ta anh nhỉ?
Trả lờiXóaHN sang thăm chúc anh một tuần mới nhiều may mắn cv làm tốt nhé anh!
https://aws-cf.imdoc.fr/prod/photos/7/3/0/10601730/26349657/big-26349657210.gif
Hằng Nga nói đúng. Phục cho tình yêu chung thủy của Thiên Nga.
Xóahttps://netplaygamez.com/wp-content/uploads/2021/03/mo-thay-thien-nga-1.jpg
https://i.pinimg.com/originals/f3/e9/aa/f3e9aa53359bb24f7ebbfb393348bf37.gif
Xóa