Người Bắc Âu được
xem là những dân tộc “biết sống” nhất trên thế giới. Họ sống rất tự nhiên, đơn
giản và hạnh phúc – đó cũng chính là điều mà xã hội hiện đại chúng ta mong muốn
hướng tới.
Người Bắc Âu hiểu được tầm quan trọng của việc
dành thời gian cho gia đình và giáo dục con cái. Trong cuộc sống, mỗi khi có kỳ
nghỉ là họ lại cùng gia đình tận hưởng ngày tháng, cùng ra biển, tắm nắng, trượt
tuyết, cưỡi ngựa, và làm tất cả những gì để được ở bên nhau nhiều hơn.
Một buổi chiều cuối tuần, theo lời hẹn trước
tôi đến thăm vị giáo sư người Bắc Âu. Tôi vừa bước vào cửa đã thấy cô con gái 5
tuổi của giáo sư chạy ra lễ phép chào hỏi. Cô bé có mái tóc vàng kim óng ánh,
đôi mắt màu xanh lam tròn xoe. Lúc ấy tôi đang ôm chú gấu misa đứng cạnh cửa và
ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khiết như thiên thần của cô bé. Tôi chào giáo sư và quay
ra xoa đầu em: “Bé xinh quá!”.
Được tôi tặng quà, cô bé cười tươi như một
đoá hoa và lịch sự cảm ơn. Tôi quay sang giáo sư và nói: “Con gái thầy đáng yêu
quá ạ”.
Các bà mẹ Á châu luôn thích nghe những câu
khen ngợi con mình kiểu như vậy. Nhưng ngược lại, người Bắc Âu lại không cảm
kích vì điều đó. Khi khen ngợi cô bé, tôi bất chợt nhận ra sắc mặt của giáo sư
thay đổi. Giáo sư đợi cô bé đi khỏi rồi nói với tôi: “Trò hãy xin lỗi con bé vì
vừa rồi trò làm nó tổn thương”.
Tôi ngạc nhiên nhìn thầy chăm chú và hỏi: “Thưa
thầy, con chỉ mới khen chứ đâu có làm tổn thương cô bé?”. Với giọng nói trầm trầm
và cái lắc đầu kiên quyết, giáo sư tiếp tục: “Trò khen con bé xinh. Nhưng xinh
hay xấu không do chúng quyết định mà là ở gen di truyền. Nó có thể rất vui vì
điều đó, và bởi chưa biết cách phân biệt nên nó nghĩ đó là ưu điểm của mình. Thầy
không muốn sau này con bé lại coi thường những đứa trẻ không xinh bằng nó. Điều
này dễ làm con bé mắc lỗi. Nhưng con bé đã cố gắng cho trò biết nó ngoan ngoãn
như thế nào. Con bé sẽ buồn vì trò không nhận ra điều đó”.
Với tâm thái bình tĩnh vị giáo sư tiếp tục:
“Kỳ thực trò có thể khen sự lịch sự của con bé, bởi đó là nỗ lực của chính bản
thân nó. Vì vậy…”, giáo sư nhún vai: “…trò hãy xin lỗi con bé vì lời khen ban
nãy của mình”.
Đó chính là cách giáo dục của người Bắc Âu.
Nghe những phân tích của giáo sư, tôi cảm thấy vô cùng thuyết phục nên chỉ còn
cách xin lỗi và khen ngợi nụ cười cũng như sự lịch sự của cô bé.
Sự việc này làm tôi nhận ra nét khác biệt
trong cách giáo dục của người Bắc Âu và đại đa số phụ huynh Á châu chúng ta:
Khi khen ngợi con trẻ, nên khen ngợi sự nỗ lực cố gắng chứ không nên khen sự
thông minh hay xinh đẹp của chúng.
Tại sao lại như vậy?
Bởi vì thông minh và xinh đẹp là yếu tố vốn
có của một đứa trẻ chứ không phải thông qua cố gắng mà đạt được. Chính lời khen
đó sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành tư chất của con trẻ sau này.
Bởi vậy khi các bậc cha mẹ biểu dương con cái
mình, đừng quên ba nguyên tắc lớn sau đây:
1. Khen ngợi một việc
cụ thể, không khen ngợi chung chung
Khen ngợi “Con giỏi quá” là cách biểu dương
quen thuộc với bất kể bậc làm cha làm mẹ nào. Trong mắt chúng ta con cái luôn
là số một nên mới có câu ví rằng “con hát mẹ khen hay”. Trong cái nhìn của các
bậc cha mẹ, từng cử chỉ hành động của con đều đáng yêu, đáng khen ngợi. Từ khi
con chào đời cho tới lúc trưởng thành, bất kể cử chỉ nào của con cũng khiến cha
mẹ cảm thấy con mình thật thông minh và từ đó khen ngợi chúng không tiếc lời.
Những lời khen được thốt ra một cách tự
nhiên, có thể bản thân chúng ta cũng không nhận ra rằng điều đó sẽ gây ra ảnh hưởng
tiêu cực cho con trẻ. Mãi cho tới một ngày khi đứa trẻ trở nên lo sợ bị thất bại,
thì…
Thay vì chỉ nhìn vào kết quả, hãy chú ý từng
sự thay đổi của trẻ nhỏ trong suốt quá trình các em học tập và trưởng thành. Vì
không có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng như người lớn, sự tiến bộ của các em diễn
ra rất từ từ, thậm chí chỉ thể hiện mờ nhạt qua những chi tiết nhỏ. Nhưng nếu
người lớn hiểu được sự thay đổi này và khen ngợi chúng, trẻ sẽ vui vẻ và
có động lực để cố gắng hơn.
Đơn giản như việc dạy con trẻ tập bơi, ngay cả
khi các bé chưa biết bơi, nhưng đã có sự nhuần nhuyễn về cử động tay chân, cha
mẹ hãy khen ngợi con bằng một câu đơn giản như: “Tay chân của con cử động rất
thuận, tiến bộ hơn nhiều so với trước đây rồi!”
2. Khen ngợi con cố
gắng, không nên khen ngợi con thông minh
Khi con trẻ khoe với bạn một thành phẩm đẹp,
điều ấy đồng nghĩa với việc trẻ muốn bạn ghi nhận sự nỗ lực của bản thân mình.
Bởi thành phẩm đó chính là thứ đúc kết từ tâm sức, trí lực và sự cố gắng của trẻ.
Vì vậy, thay vì quá đỗi vui mừng, bạn cũng đừng
quên rằng con đã phải nỗ lực ra sao để có được sản phẩm tuyệt vời này.
Những lúc đó, thay vì khen con thông minh, bạn
hãy dành tặng con một lời tán dương về sự cố gắng. Đó sẽ là điều khích lệ tuyệt
vời đối với trẻ. Mỗi bậc cha mẹ chúng ta nếu coi sự tiến bộ trong từng bước đường
trưởng thành của con là “thông minh”, kết quả cuối cùng sẽ biến đứa trẻ trở nên
tự phụ chứ không phải tự tin. Mặt khác khi gặp thử thách chúng sẽ chọn cách trốn
tránh chứ không phải đối diện. Nguyên nhân là bởi chúng sợ thất bại khi trong mắt
cha mẹ và mọi người chúng luôn được coi là người thông minh.
Người ta đã thực hiện một cuộc thử nghiệm với
hai nhóm trẻ có cùng độ tuổi. Cách thử nghiệm là yêu cầu trẻ thực hiện một số
nhiệm vụ. Sau đó nói với một nhóm trẻ: “Nếu trả lời được 8 câu hỏi các con rất
thông minh”; lại nói với nhóm còn lại: “Nếu trả lời được 8 câu hỏi các con đã rất
cố gắng”.
Tiếp đó, các em được lựa chọn hai loại nhiệm
vụ mình cần làm: Một loại nhiệm vụ có thể mắc sai sót nhưng cuối cùng chúng sẽ
học được nhiều điều mới lạ; một loại nhiệm vụ chắc chắn trẻ có thể làm tốt.
Kết quả thử nghiệm là 2/3 những đứa trẻ được
khen thông minh lựa chọn nhiệm vụ mà bản thân chúng dễ dàng làm được tốt; còn lại
90% những đứa trẻ được khen ngợi vì cố gắng đã lựa chọn nhiệm vụ có tính thử
thách hơn.
Khen ngợi sự việc,
không nên khen ngợi nhân cách của con
Lời khen cần đi cùng lời giải thích, nếu
không sẽ trở nên vô nghĩa. Bạn không nên khen chung chung: “Con ngoan lắm”,
“Con giỏi lắm”, mà có thể là: “Con làm mẹ rất vui vì con đã nỗ lực”. Hãy cho trẻ
biết tại sao trẻ lại được khen, như vậy trẻ mới hiểu đúng mẹ đang khen mình điều
gì để lần sau nỗ lực làm tốt hơn.
Có một câu chuyện về cách dạy con được chia sẻ
trên mạng xã hội như sau:
“Con trai 5 tuổi của tôi vô cùng thích thú
khi nhận được một bộ làm vườn mini. Con cẩn thận làm theo hướng dẫn, đặt chậu
cây vào nơi có nắng và chăm sóc chúng.
Một buổi tối, con chạy vào gọi tôi và hét
lên: “Mẹ! Mẹ ơi! Nhìn này! Nhìn này! Con đã có một cây cải non”. Lúc đó tôi cảm
thấy thôi thúc phải bật ra câu “Giỏi lắm!” nhưng tôi đã kịp dừng lại.
Tôi ngắm nhìn niềm yêu thích trong veo trong
đôi mắt con, và bỗng nhiên, tôi thấy lời khen đó thật thừa thãi và thụ động.
Thay vào đó, tôi quỳ xuống bên cạnh con và đề nghị con chỉ cho tôi xem thành quả
của mình. Tôi hỏi con cảm thấy thế nào và con đáp: “Con rất vui”.
Sau sự kiện cây cải non, tôi đã tìm được bài
báo của Alfie Kohn, tác giả cuốn “Unconditional Parenting” (tạm dịch: Làm cha mẹ
vô điều kiện), trong đó liệt kê lý do không nên khen con “Giỏi lắm”.
Ông khẳng định, lời khen “Giỏi lắm” ít hướng
đến nhu cầu cảm xúc của trẻ, bởi đó chỉ là câu nói thuận miệng của người lớn.
Việc này cũng khiến trẻ mất đi hứng thú vào
việc chúng làm bởi mục tiêu là phần thưởng chứ không phải quá trình thực hiện.
Dần dần, trẻ trở nên bớt tự tin vào bản thân và đòi hỏi sự đánh giá nhiều hơn từ
bên ngoài.
Kohn cũng trích dẫn một nghiên cứu của Mary
Budd Rowe tại Đại học Florida (Mỹ). Theo đó, những sinh viên quen nhận được lời
khen ngợi sẽ cẩn trọng hơn trong việc trả lời câu hỏi, dè dặt hơn khi theo đuổi
những thứ sáng tạo và dễ đầu hàng hơn khi nhiệm vụ trở nên khó khăn.
Tôi nhận ra lời khen “Giỏi lắm” không gây hại
nhưng nó rỗng tuếch. Câu đó bật ra khỏi miệng tôi như một thói quen hơn là sự
trân trọng đúng mực.
Một buổi tối, tôi thấy con trai út 2 tuổi của
mình đang dán những mẩu giấy lên tường. Con làm theo những hướng dẫn có sẵn và
thực hiện việc đó với niềm yêu thích. Suýt chút nữa tôi đã thốt lên “Giỏi lắm
con!” nhưng tôi kịp thời kiểm soát được. Thay vào đó, tôi đi tới gần bên con.
Con ngước lên nhìn tôi, tôi mỉm cười và cháu tiếp tục công việc của mình.
Ở bên con khiến tôi cảm thấy có ý nghĩa hơn bất
cứ ngôn từ nào. Ngày hôm sau, tôi lựa chọn cách hành xử tương tự khi con muốn tự
mình mở một hộp sữa chua. Con không cần những lời khen. Con đã 2 tuổi và muốn tự
mình làm mọi thứ. Tôi im lặng quan sát, con có vẻ hài lòng trước sự chú ý của
tôi về khả năng của mình.
Khi con mở được hộp sữa chua, tôi không hề khen
ngợi. Tôi chỉ nói: “Con làm được rồi, giờ là lúc vất nắp hộp vào thùng rác đấy”.
Và con làm như vậy bằng phong thái tự tin nhất. Tôi không tỏ ra bất ngờ trước
những khả năng nho nhỏ của con nữa, mà tôi trông đợi và tin tưởng vào năng lực
của con – việc đó mang lại cảm giác tự tin hơn rất nhiều so với khen ngợi”.
***
Chúng ta cũng vậy, khi được khen ngợi chúng
ta sẽ cảm thấy mình thật giỏi giang, sẽ thấy thật đắc ý. Tuy nhiên, lâu dần cảm
giác ấy sẽ tạo ra áp lực, thậm chí khiến chúng ta không dám làm gì vì sợ bị mọi
người đánh giá mình khác đi.
Trẻ nhỏ cũng vậy, nếu thường xuyên được khen
ngợi quá mức, trẻ sẽ cảm thấy áp lực; nếu không làm tốt sẽ thấy bản thân không
xứng đáng với những lời khen ngợi tán thưởng đó.
Trong cuốn sách “Cha mẹ Nhật dạy con tự lập”,
tác giả bày tỏ: Nếu cha mẹ lấy việc khen ngợi con làm động lực để trẻ hành động,
thì trẻ sẽ chỉ làm việc khi được khen ngợi. Nhưng khi trẻ làm được việc nào đó,
thay vì nói những câu “Con mẹ giỏi quá”, thì cha mẹ hãy nói những lời cảm ơn về
việc con đã làm bằng thái độ vui vẻ chân thành. Bởi vì khi giúp đỡ cha mẹ, trẻ
luôn muốn biết cha mẹ cảm nhận gì về hành động ấy. Khi có thể, hãy nói cho trẻ
biết cảm xúc của bạn, càng thể hiện niềm vui và lợi ích bạn nhận được sẽ càng
khích lệ trẻ nhiều hơn.
Ghi nhận hành động của con bằng cách nói ra cảm
xúc của bạn cũng chính là một cách khen ngợi ý nghĩa nhất mà trẻ mong đợi. Bởi
vậy, các bậc phụ huynh, xin đừng ngại ngần mà hãy thay đổi cách hành xử với con
trẻ ngay từ hôm nay!
Tổng Hợp
https://www.lovethispic.com/uploaded_images/296996-Happy-Tuesday-Gif-Quote.gif
Trả lờiXóaHay nhỉ!
(rỗng rồi) :))
Đúng, hay thật.
Xóahttps://vuongquocnoithat.vn/images/2016/12/05/tranh-co-dien-phong-cach-chau-au-hyy162.jpg