Có tuổi già không?
Các đây gần 20 năm, khi đến thăm GS Trần Văn
Khê ở Paris về, tôi có viết một bài trên báo tựa là “Đời thường GS Trần Văn
Khê”, đã thân tình gọi ông là “một ông già Nam Bộ dễ thương”, bất ngờ bị ông
Khai Trí – chủ nhà sách Khai Trí trước kia ở Saigon mà ai cũng biết – lên tiếng
cự nự, trách tôi tại sao dám gọi ông Trần Văn Khê là mộtvaan “ông già” khi ông
mới 77 tuổi, dù là “một ông già dễ thương” bởi theo ông Khai Trí, không có cái
tuổi nào gọi là tuổi già cả! Ông dẫn chứng bằng một câu trong sách Tây mà ông
đã đọc từ xưa:
“ Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá
trẻ;
30-40 tuổi, đang trẻ;
40-50, hãy còn trẻ;
50-60 trẻ không ngờ;
60-70 trẻ lạ lùng!
và trên 70 ngưòi ta trẻ vĩnh viễn!”…
“Thấy chưa? Có cái gì là già đâu?”, ông Khai
Trí bảo tôi!
Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lời bạt cho
cuốn Gió heo may đã về của tôi (1997) thì bảo:“… Nói với một người trẻ, tôi già
rồi em ạ là một điều vô lễ… Không có già không có trẻ…”. Nói khác đi ta không
bao giờ nên nói với một người trẻ “Tôi già rồi!”, vì nói như vậy là “vô lễ”! Phải
nói “em là tôi và tôi cũng là em!” mới đúng. Thế nhưng, chính nhạc sĩ có lúc
cũng đã thấy “cát bụi mệt nhoài” của mình mà đành phải “…về thu xếp lại/ ngày
trong nếp ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… cuồng phong cánh mỏi/ về bên
núi đợi/ ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…” (TCS). Cuồng phong cánh mỏi rồi đó
thấy chưa?
André Maurois thì khác. Ông nói có già có trẻ.
Nhưng, ông lại nói có những người mới hai mươi mà đã già trong khi có những người
ngoài tám mươi hãy còn trẻ! Và chính ông, khi ngoài tuổi 80, ông đã viết một cuốn
sách cho tuổi hai mươi, bày cho họ một lối sống thành công và hạnh phúc!
Kinh nghiệm riêng tôi thì thực ra mình chẳng
bao giờ biết mình đã già cả! Bạn bè cùng lứa mình già thì có chứ mình thì
không! Cho đến một hôm có người bạn cũ kể chuyện nửa thế kỷ trước đã từng đi
câu cá, đi hái chùm ruột trộm… ở quê nhà với mình, rồi đột nhiên cười lỏn lẻn bảo
bây giờ em đã là… bà Cố thì mình mới giật mình đánh thót! Mới vài năm trước đây,
ở tuổi 72, khi được mời đi nói chuyện đây đó, tôi tự giới thiệu tuổi mình,
thính giả vổ tay rào rào và nói trẻ quá, tưởng mới sáu mươi thôi chứ. Khoái
chí, năm rồi, tôi tự giới thiệu mình 74, ai nấy im re! Thì ra có một cái “cột mốc”!
Nhớ lại hồi 15 mà coi, tự dưng ta cao phổng lên, tay chân lòng thòng, tóc râu
tua tủa, mắt sáng mày tươi… đó là cái tuổi dậy thì, bây giờ tới một cột mốc
khác, mọi thứ quay ngược lại: già tốc hành, già khú đế, “nhìn lại mình đời đã
xanh rêu!” (TCS) . Vậy thì có cái già đó. Vấn đề là làm thế nào để có một tuổi
già hạnh phúc, già mà khỏe, mà vui!
Cụ bà Như Không viết lúc ngoài tuổi 80:
Rù rờ đổ vở thật là hư!
Chẳng biết mần răng được nữa chừ!
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư…
Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn
Để trước quên sau kiếm mệt đừ
Đâu biết ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!
“Ăn uống vãi rơi làm họ bực/ Vào ra đụng chạm
thấy mình dư…” nghe mới cảm khái làm sao!
“Một tuổi già hạnh phúc” viết riêng cho những
người đã già, đang già, sắp già, để cùng nhau chia sẻ những tâm tình, những
kinh nghiệm riêng tư…
Sống trong hiện tại
Có lần tôi viết một bài về người già có tựa
là: “Già sao cho sướng?”, không ít bạn bè vừa đọc cái tựa đã kêu lên: Quái, cái
ông bác sĩ này bây giờ bày đặt viết chuyện “tục tĩu”!
Cái chữ “sướng” thiệt là tai hại, gây hiểu lầm
nhiều quá!
Thiệt ra “sướng” tôi dùng đây là trái với “khổ”.
Phật dạy “sinh bệnh lão tử” là khổ, thương yêu mà xa cách là khổ (ái biệt ly),
oán ghét mà gặp gỡ là khổ (oán tắng hội), mong muốn mà không đạt là khổ (cầu bất
đắc); ngũ uẩn không điều hòa là khổ…
Kể đủ thứ “khổ” như vậy thực ra không phải để
bi quan, yếm thế, mà trái lại, khi đã nhận chân được sự thực thì sẽ có cách giải
thoát khổ đau; Như người thầy thuốc phải chẩn đoán đúng bệnh, tìm ra được
nguyên nhân thì mới có phương cách chữa trị hiệu quả.
Già là một cái khổ không chối cãi được. Ít có
ai già mà khăng khăng bảo mình sướng lắm, sướng lắm chớ! Sướng sao nổi. Lực bất
tòng tâm. Muốn mà không làm được, tức lắm chớ, buồn lắm chớ. Muốn bay nhảy như
hồi thanh xuân đâu có dễ! Nhiều nỗi cay đắng ngậm ngùi không tiện nói ra, không
biết bày tỏ cùng ai. Người già đôi khi như hổ nhớ rừng: “Gặm một khối căm hờn
trong cũi sắt/ Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…” (Thế Lữ).
Đó là không kể già thì thường có bệnh. Bệnh
thì không đơn giản. Đủ thứ bệnh ở lục phủ ngũ tạng, “ba cao một thấp”… Bệnh này
kéo bệnh kia. Thuốc chữa được bệnh này thì sinh ra bệnh khác. Lòng vòng mãi
không dứt.
Một người bạn ở nước ngoài về cho biết, lúc
này bạn bè có tuổi của mình bên đó bị bệnh “ba cao một thấp” nhiều lắm. Tôi ngạc
nhiên hỏi bệnh ba cao một thấp là bệnh gì? Đó là bệnh cao máu (tăng huyết áp),
cao đường (tiểu đường) và cao mỡ (tăng axít béo, cholesterol xấu). Còn một thấp
là gì? Bạn nói, một thấp là thấp khớp! Thì ra vậy. Nhưng đâu chỉ có ở nước
ngoài, ở ta bây giờ cũng đầy “ba cao một thấp” đó thôi. Mấy năm trước, tỷ lệ tiểu
đường (type II) rất thấp, nay đã tăng gấp mấy lần. Bệnh tim mạch, huyết áp, thấp
khớp, béo phì… đang tăng nhanh. Ra đường bây giờ thấy thanh niên trai tráng thì
cà phê thuốc lá, nhậu nhẹt tưng bừng, còn người già thì cà lết cà nhắc tập đi bộ,
huơ tay múa chân thiệt là náo nhiệt!
Có một nhà báo nằm mơ thấy mình gặp thượng đế,
và xin được phỏng vấn ngài. “Được, muốn hỏi gì thì hỏi”, thượng đế nói. Nhà báo
bèn thưa: “Từ lúc tạo ra loài người đến giờ, ngài có thắc mắc hay ngạc nhiên gì
về họ không?”.
“Nhiều lắm”, thượng đế trả lời: “Ta ngạc
nhiên không hiểu sao con người lúc nhỏ thì mong cho mau lớn, lớn rồi thì mong
cho nhỏ lại! Ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc trẻ thì đem hết sức khỏe
ra để kiếm thật nhiều tiền để rồi sau đó đem tiền ra phục hồi… sức khỏe! Lại nữa,
ngạc nhiên thấy con người luôn sống trong tương lai hoặc trong dĩ vãng, mà
tương lai thì chưa tới, dĩ vãng đã qua rồi, nên có thể nói con người chưa bao
giờ… biết sống cả!”.
Sống trong hiện tại “ở đây và bây giờ” chính
là cách sống tốt nhất của người già vậy.
Già kiểu nào thì tốt ?
Già là một vấn đề sinh học, nhưng trước hết
là một vấn đề văn hóa. Về sinh học, người ta có thể “đo già” bằng nhiều cách
như đo mức tăng huyết áp, khả năng điều tiết của thủy tinh thể, khả năng nghe…
Ta biết mạch máu giống như cái ống dẫn nước bằng
cao su, dùng càng lâu càng khô cứng, không dẻo dai như lúc mới. Càng có tuổi, mạch
máu càng căng giòn, huyết áp tăng dần lên và do đó mạch máu dễ vỡ. Thủy tinh thể
ở mắt như một cái ống kính của máy hình, co dãn để điều tiết nhìn gần nhìn xa,
khi có tuổi, độ co dãn không còn linh hoạt nữa, đơ cứng và vì thế phải mang
“kính lão” để điều chỉnh mỗi khi cần đọc sách báo…
Có nền văn hóa, ở đó người ta ham già, mong
chóng già; có nền văn hóa người ta sợ già, trốn già. Ở Đông phương ngày trước,
với nền văn minh lúa nước: “kính lão đắc thọ”, “già làng”, “lão làng”, người ta
thích già sớm, có khi phải sắm vai… già. Ở Tây phương tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh,
nhan sắc, nên người ta che giấu tuổi già, luôn sắm vai… trẻ. Cái gì quá cũng trở
nên lố bịch. Chưa già mà làm bộ già đã khó coi, quá già mà làm bộ trẻ càng khó
coi. Tiếng Việt ta rất hay, có già cả, già khú, già khú đế, già dê, già dịch,
già không nên nết…!
Phim ảnh, tiểu thuyết, kịch nghệ, truyện cười
bên Tây… hễ có một ông già thì thường là người biển lận, bủn xỉn, còn một bà
già thì là mụ phù thủy độc ác. Ta thì khác. Ông Bụt, ông Tiên trong cổ tích
luôn là một ông già phúc hậu nhân từ, bà Tiên thì hiền lành, xinh đẹp, hiện ra
giúp đỡ mọi người.
Trong một thế giới “toàn cầu hóa” như hiện
nay thì sự phân biệt già Tây, già Ta không còn rạch ròi rõ nét như xưa. Người
ta quan tâm đến chất lượng cuộc sống (quality of life) của người già nói chung.
Chất lượng cuộc sống là “những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ
trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến
các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ” (Tổ chức Sức khỏe
Thế giới, WHO).
Một bà cụ “nhà quê” sống vui với cánh đồng
lúa vàng, với dòng sông xanh mát, cá kho tộ, canh chua, bông bí chấm kho quẹt
được con cái – nay là đại gia – hiếu thảo mang về thành phố với phòng máy lạnh,
ăn uống toàn cao lương mỹ vị… chắc chắn sẽ rất buồn khổ, chỉ mong tìm cách trốn
thoát.
Người già còn khỏe, có thể “tự lập” được
nhưng con cháu… quá chiều chuộng, quá “hiếu thảo”, đút từng món ăn, nâng từng
bước đi, bắt khám bệnh liên tục, bắt uống thuốc liên tục sẽ… làm cho nhanh
chóng kiệt quệ và trở nên lệ thuộc.
CÒN TIẾP