Trang

08/02/2022

Kể chuyện mẹ nghe


 Đêm nay Giao Thừa, mai qua năm con Cọp, chả phải năm tuổi của ai trong nhà mình để lo lắng. Lần đầu bố và các con ăn Tết không có mẹ. Mẹ chỉ còn một mình, buồn không? Đã làm quen với ai chưa?


 (Hình: Tác giả cung cấp)

Nhớ hồi nào, cả nhà quây quần làm bánh chưng, lăng xăng lái xái, vui hở? Cả những năm, Tết tới là mẹ thở dài thườn thượt, lo biếu xén, sắm sửa, nuôi tù mà tiền thì không có, cứ phải chạy vạy đầu nọ đầu kia, rồi mẹ lăn đùng ra ốm, ốm nặng mới chết chứ.

Ừ, mẹ từng tổng kết, cứ nhè Tết là mẹ bệnh đủ thứ. Một bữa Giao Thừa, mẹ uống nhầm hai viên thuốc cảm thành hai viên thuốc ngủ loại mạnh, mẹ nằm liệt mấy ngày Tết, tụi con còn bé chả biết phải làm sao, cứ ra vào buồn thiu buồn thỉu, bánh trái chả có, không về ngoại về nội chúc Tết nên miễn tiền lì xì, cũng không biết đưa mẹ đi nhà thương nhà ghét. Mà thời ấy, bệnh chịu chết, chỉ dân giàu mới đi nhà thương, đâu đến phiên mình.

Một vài cái Tết mẹ cáo ốm, chẳng về thăm họ hàng. Con cháu cả đống, không lì xì, kỳ lắm. Nằm nhà nhưng mẹ khóa cửa im ỉm để hàng xóm tưởng mình đi vắng, khỏi tiếp khách. Tết, khách đến chơi mà bánh mứt chả có để đãi đằng, vừa buồn vừa tủi.

Đến khi thoát nghèo thì mẹ xa tụi con, xa đến nửa vòng trái đất, Tết chả ra Tết, bánh trái ê hề nhưng có ai để ăn, để “ôn cố tri tân,” để kể lể những buồn vui? 

Hôm nay con đi làm, kéo theo chiếc xe đẩy “tổ bố.” Khách hàng nhìn con, nhếch mày thắc mắc. 

“Tết Việt Nam. Lát tôi đi chợ. Thông cảm.” Con cười cầu tài. Khách gật gù hiểu ý.

Con gái bác Phan Lạc Phúc vô tình gọi điện, con bảo đang trên đường tới chợ Cabramatta sắm Tết. Chị dọa:

– Bà mà đi giờ này gửi xe cho bà chết!

– Tôi đi xe lửa, biết thân mà, khỏi lo!

À, dạo này con hay gặp mấy anh em con bác Phúc, tuy mới quen nhưng các anh chị kể bố mẹ hay đến thăm hai bác tự nhiên con thấy thân với họ như hồi đời nào. Có bữa, anh chị gom lại một nhà, rủ tụi con tới đánh đàn, hát hỏng rồi bốc phét làm con nhớ không khí nhà mình dễ sợ. Cũng cái kiểu cà khịa, cường điệu hóa rặc Bắc kỳ…Vui lắm mẹ.

Vừa bước khỏi toa tàu, con đã thấy hai ba bà tay xách nách mang, đẩy xe trolley đầy ắp hàng hóa. Vì giỏ bọc bằng vải dày, nên không rõ có gì bên trong nhưng vậy đủ Tết rồi. Tại COVID-19 nên chợ búa vắng hơn mọi năm hay tại hôm nay Ba Mươi, thiên hạ sắm Tết từ 29?

Hàng hoa ở đầu chợ nên con vào trước dù sợ mình đi năm non bảy nước, chen lấn mua sắm, dập hoa. Thôi kệ, ráng chút. Hàng hoa đông nghẹt, bày tràn qua bên kia đường luôn, thêm quầy gói hoa và tính tiền bên ngoài cho kịp buôn bán. 

Không có hoa mai, Úc mà. Hoa giả thì xấu tệ, từng đóa xâu vào một cành be bé, thẳng tuột từ trên xuống dưới. Ai làm thế? Chơi mai là chơi cành, gấp khúc, gồ ghề, đằng này… Ngoài bốn năm đứa trẻ trẻ, chắc là sinh viên ôm một bó chừng chục cành về chơi Xuân, còn ai cũng chăm bẳm mua cúc Vạn Thọ, cúc vàng, tí, đỏ, lys, lay ơn. Con sẽ mua cúc vàng thay cho mai, cắm bàn thờ cũng đẹp há mẹ. $12/bó, như giá ngày thường, lạ?

Xa hơn một chút là quầy bánh chưng, trái cây. Chao ơi là đông. Mấy ông rao rổn rảng: 

– Vải đi chị. 60 đồng hai ký. Nhỏ trái 45.

Con nhìn kỹ, thấy vải không tươi lắm nên chỉ mua bánh chưng và một trái dừa. Đáng lẽ mua luôn “Cầu Dừa Đủ Xài” nhưng như thế mình không đi hết chợ, tiếc! 

Xếp hàng tính tiền, trời nóng như vãi mỡ, bà con thở vắn than dài: “Đông quá, chờ muốn chết!” mặt nhăn như cái bị. Ông bán hàng đổ thêm trái cây lên quầy, vểnh râu, tay chỉ ra phía trước “ Hôm qua còn xếp hàng ra tới ngoài cửa, quẹo qua quẹo lại mấy vòng nữa kìa.” Bà mặt nhăn nghe vậy, giãn hai lông mày, thở đánh khì một cái rồi tự động đứng nối đuôi người trước ngay ngắn.

– Dưa leo, cà chua 4 đồng ký hả? Tiếng đàn ông la to.

– Ừa. Bốn. Cô bán hàng nho nhỏ xinh xinh trả lời.

Cô bé đứng ở quầy tiền bên cạnh uống vội ly nước mía đánh sột một phát, lấy tay quẹt miệng rồi nói:

– Để giá lên đi ngoại.

Con liếc một vòng, chả có ai già bên cạnh con bé, nó nói ai vậy?

– Giá gì? Con bé nho nhỏ xinh xinh hỏi.

– Giá dưa leo, cà chua đó. Nhắc ngoại quài mà ngoại cứ quên.

– Ngoại già cả, quên là phải. Nhỏ xinh đáp lại.

Tổ cha tụi bay, làm tao phì cười.

Qua hàng khác để mua “Cầu Đủ Xài,” trái nào cũng to vàng, chỉ mãng cầu bé tí, quằn quèo. Thôi có để cúng là may rồi. Một chị áo bà ba xốc xếch, tóc nhuộm vàng đứng trước cửa hàng í ới: 

“Đào đi cô bác ơi. “Seo…Seo…!” 7 đồng/ ký tươi ngon nè. Bán lẹ về sớm cúng ông bà đi cô bác ơi.” 

Mấy bà cụ chất bánh tét bánh chưng trong xe đẩy cũng nhanh nhẩu không kém, mời chào đon đả, nhìn là biết bánh các cụ tự làm, để tìm lại không khí Tết hay để kiếm thêm chút tiền còm chả rõ. 

Mẹ mà nghe rao hàng, bảo đảm mẹ hết nhớ nhà. Việt Nam chính hiệu con cào cào, nhớ gì nữa. 

Bạn con bảo tiệm đó có bán hành tím ngâm chua, con đẩy trolley tới thẳng những hàng kệ chất hũ lớn hũ bé, thôi thì đủ cả củ kiệu, dưa góp, dưa mắm, gừng cắt mỏng ngâm chua, ngó sen, cà pháo…tỷ tỷ thứ nhưng tiệt không có hành tím ngâm. Buồn thế!

Một con bé xách giỏ đứng cạnh con, miệng lẩm bẩm “Kiệu …kiệu…” mắt nhòm trên nhòm dưới. Con chỉ ngay “Đây nè cháu.” Con nhỏ rối rít “Con cám ơn cô. À, còn dưa món.” Đúng tủ con mới lướt qua “Ra đây, cô chỉ cho.” Chỉ luôn cho nó hũ tôm chua, tự nhiên mình thành “bà trùm” cửa hàng bách hóa, tếu.

Con mua thêm hai hộp xôi nữa rồi kiếm chỗ đổ xăng cho bao tử. Nghĩ mãi chả biết ăn món gì cho đúng điệu Việt Nam. Chả lẽ ăn cơm tấm? Cơm suốt năm rồi, ngán thấy mồ. Phở là tiện nhất.

Tiệm đông nghịt. Mọi hôm còn có mẹ con bà chủ, hôm nay khách đông, lại vắng bóng hai mẹ con, nhân viên chạy long tóc gáy. Người xin thêm miếng chanh, người kêu thêm nước uống, ba nhân viên hai trẻ một già, nhoay nhoáy như gà mắc đẻ. Khách càm ràm, rên rỉ suốt. 

“Tui đợi nãy giờ, làm gì lâu dữ?”

“Bún mắm của tui đâu? Nãy tui trả tiền rồi mà.” 

“Con ơi, miếng thịt này còn sống, ăn không được.” Bà áo bông, váy đỏ lên tiếng.

Chị đầm xanh điệu đàng, môi son má phấn dày cui, lông mi giả cong vút, rậm rịt, ngồi cùng bàn với bà áo bông, giãy nảy, đẩy đĩa thức ăn ra phía trước “Nè, còn món này mặn quá, khỏi ăn luôn. Buôn bán gì kỳ.”

Thằng nhỏ chạy bàn mặt sượng trân. Tội nghiệp, có thể nó là du học sinh, dịch nên kẹt lại hay biết lo thân, tự kiếm tiền thêm, bị người ta mắng mỏ chắc khổ lắm. 

– Cho cô một tô phở đuôi bò nhỏ. 

Thằng bé ghi vào giấy, lật đật xuống bếp rồi lăng quăng tiếp khách, tính tiền, lau bàn, bưng nước… một hồi sau, nó đến cạnh con, nhỏ nhẹ:

– Cô ơi, con hết đuôi bò rồi. Cô ăn thứ khác được không ạ?

Con chau mày nhưng thấy thằng nhỏ ngoan, lễ phép, mặt mũi sáng sủa, tội tội, con đổi ý ngay:

– Cho cô tái bò viên nhe.

Chị lông mi giả cong vút, rậm rịt ơi, Tết mà, khách đông, có mắng thì mắng đầu bếp, thằng nhỏ chỉ biết bưng bê, “luộc” nó ích chi? Sắp Giao Thừa rồi, hỷ xả để năm mới gặp hên nhiều hơn. Nó mà tức, trù ẻo thì mình đi đoong đấy, nhất là COVID-19 cứ lăm le ngoài cửa, lạng quạng nó nhảy xổng vào nhà thì toi. 

Thế là con có vải, thanh long, cam nho, có cả bánh giò bé Su tự làm để bà xơi Tết nhé. Ở đó có ai mời mẹ ăn Tết chung không? Tết ra làm sao? Mẹ nhớ giữ ấm không lại nhức đầu xổ mũi, lấy ai cạo gió, lấy thuốc đâu uống? Mai, bố và mấy ông con trai mới làm cỗ cho mẹ ăn. Cứ ăn đẫy vào, đừng nhường tụi con nữa.

Con kể mẹ nghe Tết của con rồi đó. Cười tươi lên chứ sao cứ buồn hoài vậy? 

Hình như mẹ lặng lẽ gật đầu.

Giao Thừa năm Tân Sửu - Đón năm mới Nhâm Dần

Nguyễn Đình Phượng Uyển

3 nhận xét:

  1. MN ghé anh Fa đọc câu chuyện hay đầu năm,chúc anh vạn sự như ý nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc Mặc Nhiên luôn tươi trẻ và vui vẻ.
      https://hinhanhdephd.com/wp-content/uploads/2016/08/anh-dong-chuc-mung-nam-moi-2.gif

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.