Trang

31/08/2022

NHỮNG ÔNG CHỒNG TỘI LỖI

 

Hơn một chục bà sồn sồn họp mặt, tranh nhau xôn xao cười nói ồn ào như chim vỡ tổ, ăn uống liên miên không dứt, tâm sự dông dài. Nói qua đủ các đề tài trên trời dưới đất. Rồi chuyển qua chuyện chồng con.

Chị Xuân “khai hỏa” :

     – Ông chồng em lười như hủi mấy chị ơi.. Không biết tại sao ông trời lại sinh ra được một kẻ lười đến như vậy. Không làm được việc gì nên thân. Nhờ đi mua mấy bó rau răm thì đem về rau húng. Mua trái cây, không khi nào chịu lựa, thò tay bốc đại, đem về toàn cả đồ hư thối. Ngay cả việc đổ rác cũng không xong.

Chị Hạ phụ họa lời chị Xuân :

     – Đàn ông, theo em định nghĩa, là một giống vật lười. Chị đừng than thở chi cho mất công. Cứ thử hỏi các chị quanh đây, có ông chồng nào không lười ? Thôi, trách móc kết án chỉ là thừa. Tôi hỏi thật chị nhé, ông xã chị lười, nhưng có lười trong chuyện… chuyện phòng the hay không ? Đó mới là điều quan trọng nhất.

Các bà ngồi quanh cười hi hi.

Chị Xuân đỏ mặt, nói lí nhí :

     – Lười thì mọi việc đều lười.

     – Hừ, lười chuyện phòng the… mà quần nhau có đến sáu đứa con ? Nếu không lười e có hai chục đứa hay sao ?

Chị Hạ nói tiếp :

     – Ông chồng chị đâu có lười bằng chồng chị Hương ? Nghe nói ông này lười đến độ những khi nào vợ chồng “vui vẻ” cũng vẫn còn để nguyên cả áo quần. Thế mà chị Hương có bao giờ than ông ấy lười đâu ? Này chị Xuân ơi, chị nói chồng chị lười, mà có lười việc sở không ? Có lần nào bị đuổi việc vì tội lười biếng chưa ?

Chị Xuân cao giọng :

     – Việc sở, ông ấy đâu có dám lười ? Lười để bể nồi cơm sao ? Lười để cả nhà dắt nhau đi ăn mày ? Ở sở, ông ấy chăm chỉ, đi sớm về muộn, đôi khi làm việc sở quên cả giờ ăn trưa đó ! Thỉnh thoảng lại còn mang công việc sở về nhà nữa !

Chị Hạ hỏi dồn :

     – Về nhà, ông ấy có dạy và kiểm soát việc học của các con hàng ngày không ? Có cắt cỏ, tưới cây không ? Có sửa chữa nhà cửa điện nước không ?

Chị Xuân hừ một tiếng dài :

     – Các việc đó mà lười nữa, thì ai lo cho !

Chị Thu lớn tiếng xen vào :

     – Tôi thì chỉ mong có ông chồng lười cho đỡ mệt. Ông chồng tôi ham làm vườn quên ăn quên ngủ, quên giải trí, quên hết. Ai đời đi làm việc về, vội vã thay áo quần, chạy mau ra vườn, xới đất trồng cây cho đến khi trời tối mịt thì thắp đèn lên làm tiếp. Mãi cho đến chín mười giờ mới chịu vào ăn tối. Cơm canh nguội lạnh. Thứ Bảy Chủ Nhật, cũng loay hoay ngoài vườn từ sáng sớm cho đến khuya. Vợ con không nhờ được việc gì cả. Quanh năm bốn mùa lăn lóc trong khu vườn. Những khi mưa đổ như trút, gió thét ầm ầm, thì co ro che dù, mang áo mưa, tưởng như bị trời hành. Tôi kêu gào rát cả cổ, cũng không suy suyển, chán quá, tôi cũng không thèm nói năng chi nữa !

     – Vườn có rộng không ? Ông ấy trồng gì mà quanh năm không hết việc ? Một bà tò mò hỏi.

     – Khá rộng. Ông ấy cứ bứng cây này, trồng cây kia. Làm non bộ, đắp núi giả, gầy uốn cây bonsai, bắt ống nước, chạy dây điện. Cứ thế mà từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm kia, không bao giờ xong. Những khi đau yếu chưa lành bệnh hẳn, còn ho hen, xịt mũi, cũng ra vườn không kể chi đến nắng gió.. Ông ấy còn bảo, nếu không ra làm vườn, bệnh càng khó thuyên giảm, lâu bình phục.

Bà bạn cười cười :

     – Chị có biết không, làm vườn cũng là một lối thiền cao độ. Hầu như tất cả các đại thiền sư Nhật Bản, đều say mê việc tạo cảnh. Thiền là đó, chứ không phải đâu cả. Hay là, hay là… chị cằn nhằn quá, nói nhiều quá, nên ông ấy lấy cớ ra vườn lánh nạn. Cho đỡ khổ cái lỗ tai, đỡ phiền muộn chăng ?

     – Vô duyên chưa ? – Chị Thu gắt – Chị cứ suy bụng ta ra bụng người. E rằng, ông chồng của chị cũng không khỏi khổ vì cái miệng hay chót chét của chị đó ! Chị Thu thở dài chán nản tiếp: – Ông ấy mê cái vườn còn hơn mê vợ con, mê công việc. Tôi thù ghét cái vườn. Không thèm nhìn đến, có khi cả tháng không bước chân ra vườn, Cái vườn giành mất tình yêu của vợ chồng tôi.

Người bạn vỗ vai chị Thu, dịu dàng nói :

     – Có được ông chồng không ham chơi, chẳng rượu chè, cờ bạc, trai gái, đàn địch, chỉ ham làm vườn, lành mạnh như thế, mà vẫn chưa bằng lòng, thì đòi gì nữa ? Chị muốn có gì hơn ?

Chị Thu đáp : 

     – Hạnh phúc.

Chị bạn cười mũi : 

     – Hạnh phúc ? Hạnh phúc thì phải do chị tự tạo lấy. Cứ ngồi không mà chờ, thì khó có, rồi trách móc người này, kẻ kia. Sao chị không ra vườn, tiếp tay với ông ấy, cùng cuốc xới, trồng trọt, tưới nước, chăm sóc cây trái. Rồi tâm sự, chuyện trò, thì hạnh phúc tự nhiên tới. Chị cứ thử trong vài ba tháng xem sao ? Có mất gì đâu. Không chừng rồi chị cũng say mê làm vườn như ông ấy, và từ đó, thuận vợ thuận chồng thì tát biển đông cũng cạn.

Chị Hạ lắc đầu nói ngang :

     – Kế sách đó cũng hay. Nhưng tôi có một mưu chước khác, làm ông chồng chị không dám ra vườn nữa. Nếu chị chịu, tôi bày cho. Nhưng sau này xong việc, phải trả công cho tôi hậu hĩ đấy ! Này nhé, chị cứ giả vờ yêu mến cây cỏ, thiên nhiên, ra vườn cùng ông chồng, cứ đứng chống nạnh chỉ tay. Đòi cây này phải bứng qua góc vườn, cây kia phải phải chuyển lại gần hàng rào, vồng hoa nọ không thích hợp với vị trí đó, nhổ hết trồng loại hoa khác, cái vòi phun nước phải để qua góc bên trái mới mỹ thuật, cứ thế mà đòi hỏi phê bình đủ thứ chuyện, lải nhải mãi. Tôi đoán, ban đầu ông ấy cũng sẽ làm vài việc theo lời yêu cầu cho vợ vui lòng. Nhưng rồi càng ngày càng mệt, và cứ bị đòi hỏi mãi, ông ấy cũng sẽ chán nản, bực mình và không dám ra vườn nữa. Mấy chị nghe kế sách này có cao không ?

Một chị la lớn :

      – Không đựợc đâu ! Lải nhải và yêu sách mãi, lỡ ông ấy nổi nóng, phang cho một cán cuốc vào đầu thì uổng đời. Đừng có dại.

Mấy bà cùng cười vang.

Chị Hạ cười nói tiếp :

      – Ông ấy có ăn học đàng hoàng, đứng đắn, đâu phải bọn ba trợn vũ phu mà làm càn ! Trong đám chị em chúng ta ở đây, coi bộ chỉ có ông chồng chị Hạ là không có vấn đề. Gia đình vui vẻ hạnh phúc nhất.

Chị Hạ phản đối liền :

      – A ! Phải “nằm trong chăn, mới biết chăn có rận”. Trông như không có vấn đề gì cả, mà sự thực lại trầm trọng. Ông chồng tôi là một nhà giáo nghiêm nghị, nghiêm nghị trong lớp học, tại trường, nghiêm nghị ngoài xã hội và nghiêm nghị cả với gia đình, vợ con. Lấy nhau mấy chục năm mà chưa bao giờ thấy ông ấy cười. Nụ cười hiếm hoi còn hơn nàng Bao Tự đời xưa trong truyện Tàu, mà U-Vương phải đốt phong hoả đài, gạt chư hầu về cứu giá, mới có được nụ cười của người đẹp. Ông chồng tôi, chẳng có đẹp gì cho cam. Mẹ tôi nói đùa rằng, hôm nào cả nhà đè ông ra mà thọc lét, để xem ông có biết cười hay không ! Người ta bảo, một nụ cười bằng mười thang thuốc Nụ cười quý lắm. Mấy chục năm chưa lần thấy nụ cười trên môi ông chồng. Tôi cũng biết vui, biết buồn, chứ phải gỗ đá đâu mà cứ trơ trơ.

Chị Đông nãy giờ chưa nói, bây giờ hứng chí cũng góp chuyện :

      – Không biết cười còn đỡ. Ông chồng tôi thì mít ướt, thấy chuyện gì cũng cảm động mà khóc được. Những khi xem phim bộ Đại Hàn, cứ khóc thút thít mãi như con nít bị đánh đòn, lau hết cả hộp khăn giấy. Đọc truyện cũng thế, khi đọc đến những đoạn lâm ly, thì khóc oà, bỏ sách xuống, không đọc tiếp được nữa. Đi đám ma bạn bè, gia đình người chết thì tỉnh khô, mà mắt ông thì ướt nhẹp, đỏ lòm, xụt xịt mũi nước. Tưởng như đóng kịch. Có lần trong bữa cơm, ông kể chuyện hai vợ chồng bên Tàu thời Cách Mạng Văn Hoá, đói quá, bà vợ đồng ý để chồng gả bà cho người khác, để có cơm ăn, cho bà vợ khỏi chết đói. Mới kể nửa chuyện, ông khóc oà ra, để chén cơm xuống. Khóc như cha mẹ chết. Đứa con gái nói : “Ơ kìa Ba, khéo dư nước mắt khóc người đời xưa !”. Mỗi lần nghe chuyện gia đình nào tan vỡ, mắt ông cũng đỏ hoe. Lòng ông ấy mềm nhũn, yếu xìu, nên chẳng bao giờ nói “không” với người khác được. Bởi thế cho nên các cô thư ký trong sở tranh nhau, đánh ghen nhau tơi bời. Ông chẳng dám binh ai, bỏ ai. Tôi cũng khổ vì cái tình cảm yếu mềm sướt mướt của ông. Tôi cũng biết sôi máu ghen lên chứ ! Đàn bà mà ! Chồng của mình, chứ đâu phải là của chung thiên hạ, dù biết ông chẳng bao giờ đủ can đảm để bỏ bê gia đình.

Một bà nói:

      – Tôi cứ tưởng ông ấy hiền lành, chứ đâu ngờ đào hoa đến thế !

Chị Đông đáp lại :

      – Đúng, ông hiền lành ! Nhưng nếu có ai thương, thì ông không nỡ từ chối. Không nỡ làm mất lòng ai. Khi nào tôi cũng cứ dặn lòng, cứ bình tâm mà hưởng hạnh phúc dành riêng cho mình. Không thể nào thay đổi cái mềm yếu của ông chồng, thì cứ chấp nhận. Vì ông rất trân quý gia đình, chăm sóc con cái hết lòng, hy sinh mọi thứ cho vợ, con, và cả người ngoài nữa.

Câu nói của chị Đông như gãi đúng chỗ ngứa của chị Hoa. Chị bắt đầu nở máy thở than :

      – Tôi khổ và giận nhất là chuyện ông chồng bao đồng lo việc bên ngoài. Ăn cơm nhà, vác ngà voi. Bất cứ chuyện gì, có ai kêu, vội nhảy nhổm lên mà chạy đến cho kịp. Ai giao việc gì cũng ôm vào làm “chùa” không công, ngày đêm. Rồi tụ họp nhau ăn uống, cà phê, cà pháo liên miên. Lấy tiền nhà chi tiêu cho việc chung thiên hạ. Không có tiền thì cà thẻ tín dụng. Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Mấy cái bóng đèn ở nhà đứt dây tối thui, kêu gào rát cả cổ mới chịu thay. Cái vòi nước cứ ri rỉ long tong hoài, nghe bực đến nhức đầu, không bao giờ chịu sửa. Những người như ông này, có lẽ đừng bao giờ lập gia đình, để sức lực, thời gian mà lo cho việc thiên hạ.

      – Thế thì sao chị lại chịu lấy ông, để rồi bây giờ than van ?

      – Tôi đâu có biết. Ngày xưa mới quen nhau, đến nhà chơi, ông làm đủ thứ việc, nào là sửa điện, đóng lại cái bàn long chân, bắt ống khóa, mở cái đồng hồ chết ra mà vô dầu, quét vôi tường ngày tết, cưa cây, trồng hoa, chỉ dạy bài học cho các em tôi, đến cả nấu cơm, kho cá, làm đủ việc hằm bà lằng. Chịu khó giống như các cụ ngày xưa đi ở rể. Tôi cảm động lắm, nhưng không ngờ, ở đâu ông ấy cũng hăng hái nồng nhiệt làm việc như vậy cả. Ông ấy sống cho thiên hạ, chứ không sống cho gia đình. Tôi xét đoán sai, chọn lầm người. Đáng ra ông phải dành mọi sự ưu tiên cho gia đình, vợ con đã, rồi nếu dư năng lực, thì giờ, mới lo cho việc chung của thiên hạ.

Một chị la lớn :

       – Nghĩ cho cùng, ông ấy là người tốt, có tấm lòng. Đáng khen, không đáng trách. Nếu ai cũng lơ là việc chung, thì xã hội này đi đến đâu ? Làm chi có những sinh hoạt xã hội ?

Chị Nguyệt có chồng thi sĩ tiếp lời :

      – Ông chồng chị Đông, làm việc còn ích lợi thiết thực cho thiên hạ. Chứ như ông chồng em, suốt ngày mơ mơ màng màng, tỉnh không ra tỉnh, say không ra say. Cứ suy nghĩ vẫn vơ tìm vần dệt thơ, quên trước, quên sau. Không nhờ được việc gì. Ban đêm đang ngủ, nằm mơ hay chợt tìm ra một câu thơ lạ, thì vội vàng bật dậy chép liền. Có khi ngồi bóp đầu, bóp trán từ nửa khuya đến sáng, làm được mấy câu thơ. Buổi sáng mặt mũi bơ phờ như người bệnh. Đem ra khoe. Không cần biết hay hay dở, em chê liền. Rồi có trách móc, dằn vặt, thì ông ấy nói rằng ngày xưa, có ông Giả Đào nào đó viết : “Ba năm mới làm được hai câu thơ, ngâm lên một tiếng, hai giòng lệ rơi không cầm được, người tri âm nếu không cùng hưởng, mùa thu sang ta về núi nằm”. Chưa hết đâu nghe các chị. Lại véo vào ngân quỹ tiết kiệm của gia đình mà in thơ, chất đống trong nhà. Rồi ra mắt sách, tốn thêm tiền thuê hội trường, mua nước ngọt, thức ăn, phải có gì cho người ta ăn uống mới chịu khó ngồi lại nghe. Còn phải gởi thơ mời, tốn thêm tiền in thiệp, tiền bưu phí. Cũng phải chi chút chút cho ban nhạc phụ giúp vui, năn nỉ ca sĩ hát “chùa”. Đáng ra em phải tránh xa các nơi ra sách này cho đỡ buồn, tủi, nhưng thấy ông chồng hăm hở tội nghiệp quá, em đi theo ủng hộ. Lại càng buồn hơn. Khách tham dự thì lèo tèo mấy chục người nói chuyện riêng ồn ào, không thèm để ý đến diễn giả đang nói gì, ca sĩ đang hát hò gì. Chỉ bán được mười mấy cuốn thơ cho đám bạn bè thương tình mua ủng hộ. Buổi ra mắt chưa xong, mà khách đã về gần hết.

Đáng ra, họ đã đến, thì ráng chịu khó thêm một chút, ở lại cho đến khi kết thúc, nó lịch sự hơn. Cũng tốn bộn tiền đấy chứ ! Cái giống thi sĩ, xem tiền như rơm, như rác, nhẹ bấc. Nhưng mình là con vợ, thì phải xem tiền là cơm, là gạo, là điện, nước. Tiền là mồ hôi nước mắt. Chưa xong, đi đâu cũng lè kè mấy tập thơ, gặp ai cũng hí hửng ký tặng. Ông ấy đâu có biết người ta đem về nhà, vất lăn lóc đâu đó, không đọc, hoặc thương tình lắm, thì đọc phớt một hai bài. Thời buổi này ai rỗi mà đọc thơ ?

Chị Hạ khoa tay nói lớn :

      – Đáng ra chị Nguyệt phải hãnh diện có ông chồng thi sĩ chứ ! Ngày xưa, tôi cứ mơ có được một chàng thi sĩ đem tôi vào thơ, để ngàn năm sau, hình bóng mình cứ thấp thoáng mãi trong văn chương. Chị Nguyệt ơi, ông chồng chị làm văn hoá, đóng góp, thêu gấm dệt hoa cho đời, còn quý gấp trăm, gấp ngàn lần làm ra tiền bạc. Tiền bạc chỉ có mình tiêu xài, và tiêu đi là hết. Văn hóa còn đó, còn mãi mãi, phục vụ cho bây giờ và cho cả ngàn sau. Chị nghĩ sao ?

Chị Nguyệt lắc đầu :

      – Không, tôi thực tế, tôi chỉ muốn có cơm gạo. Còn mai sau, có xui mà được lưu truyền tán tụng, tôi đã ra ma rồi, đâu biết chi nữa ! Ông chồng nhiều lần làm tôi sượng mặt, ông nghe thiên hạ xúi dại, trong các bữa tiệc, ngâm thơ. Đã già rồi mà lời thơ cứ anh anh, em em, khổ đau thất tình, lửa yêu cháy bỏng, quằn quại, trái tim máu me, thân xác vật vã. Toàn cả những hình ảnh ướt át thương đau. Anh em, khổ đau, da diết, với ai đó, chứ đâu phải với tôi ! Thử hỏi, bây giờ chúng ta cứ làm thơ thương tiếc người tình xưa, công khai phô diễn cái đớn đau, xót xa cho mối tình cũ, thì các ông có chịu hay không ?

      – "Thôi thôi, đủ rồi. Lý do nào cũng đúng". 

Một chị lớn tuổi cắt ngang. Rồi chị tiếp lời : 

      - “Khổ đau của các chị là chuyện nhỏ, như đi đường đạp gai. Đáng ra phải nhổ cái gai ra, các chị không chịu, để thế mà đi, gai cứ làm nhức nhối mãi. Tôi còn nghe chị Hồng, chị Lê, chị Huệ than thở các ông chồng cứ ôm chặt lấy cái computer suốt ngày suốt đêm, bỏ bê việc nhà. Chồng chị Phương, chị Dung thì say mê thể thao, cá độ, mất hết tiền bạc, nợ nần. Chồng chị Thành tối ngày say sưa bí tỉ, nhậu nhẹt tì tì từ khi mở mắt cho đến khi đi ngủ. Lái xe trong khi say rượu, bị bắt còng tay. Còn chồng chị An, chị Bích, chị Chi thì đóng đinh ở quán cà phê, đánh cờ tướng, nói chuyện chính trị suốt ngày quên ăn trưa, ăn tối. Nào chị Giang, kể cho các bà nghe về nỗi khổ vì chồng con của chị đi nào !

Chị Giang trẻ nhất trong đám các bà. Mặt mày thanh tú. Nét đẹp kiêu sa của thời con gái chưa phai tàn. Chị bình tĩnh vuốt tóc và thong thả kể :

      – Ông chồng em sáu mươi chín tuổi rồi, gặp lại một bà bạn học chung lớp ngày xưa. Bà này là cô giáo cũ của em thời trung học. Khi đi học, chồng em và bà cũng chẳng có tình ý chi với nhau. Có lẽ học cùng lứa, thì các cô xem bọn con trai như em út, và các anh nhỏ cũng không dám chơi leo tơ tưởng tới các đàn chị. Năm trước họ vô tình gặp nhau, cả hai tuổi đều đã xấp xỉ bảy mươi. Thế mà họ lại yêu nhau mê mệt. Em có thể hiểu được ông chồng mình, thứ đàn ông mà trẻ không tha, già không kiêng, vốn tính trăng hoa xưa nay. Em cũng đã chán, hết cả ghen tương từ lâu. Nhưng không hiểu được bà kia, tuổi tác đó, chồng con đề huề, cháu nội cháu ngoại cả chục đứa. Thế mà hai người chơi ngông, mết nhau, say sưa điên cuồng quên hết mọi sự. Ngày nào cũng điện thoại cho nhau vài ba giờ, không biết chuyện đâu ra mà nói nhiều đến thế. Mỗi tuần họ gặp nhau ba lần tại khách sạn, hú hí đú đởn. Em cứ vô tình, không hay biết. Cho đến một hôm, trong lúc say rượu, ông ủi xe vào hàng cây bên đường, bị thương ngất đi. Cảnh sát chở vào bệnh viện. Em kêu hãng bảo hiểm nhờ kéo xe về nhà. Lục thùng xe tìm giấy tờ, thấy nguyên một bao thư mấy trăm trang, in điện thư trao đổi qua lại của hai người này. Đọc thư họ, em không khóc, mà chỉ cười, vì họ viết cho nhau lời lẽ tình tứ như còn ở tuổi mười sáu, hai mươi. Già tuổi đó, mà viết được cái tình cảm yêu đương mê muội của bọn con nít, thì họ cũng tài tình đáng phục. Bà ấy liều mạng, nhiều lần viết rằng : “Em sẵn sàng chịu bị cạo đầu bôi vôi, bị lột trần truồng dẫn đi rong bêu rếu và bị ném đá cho đến chết để có được tình yêu của anh”. Ghê khiếp chưa, một cô giáo có trình độ đại học mà rồ dại đến thế. Em hẹn gặp bà, ban đầu bà định chối, nói là bạn cũ gặp nhau nhắc chuyện thời đi học xa xưa. Em đưa cả xấp thư cho bà ấy xem. Bà hết hồn, mặt xanh như tàu lá và run rẩy gần ngất xỉu. Thấy thái độ của bà, em cũng thương hại. Em lên mặt dạy đời cô giáo cũ rằng : “Thưa cô, ngày xưa em kính trọng cái tư cách và phong thái đứng đắn của cô. Có những điều cô dạy, đến nay em còn nhớ. Cô thử nghĩ xem, nếu ông chồng cô, con trai con gái cô, dâu rể và cháu nội ngoại đọc được một phần trong những lá thư này, họ sẽ nghĩ gì, và đối xử ra sao với cô ?” Cô ngồi run cầm cập, mặt trắng bệch như xác chết, im lặng, điếng người, có lẽ vì quá xấu hổ, quá sợ, thở dốc từng hồi. Em nói tiếp: “Thưa cô, em ước mong rằng, đừng ai gọt đầu bôi vôi, đừng lột trần truồng dẫn cô đi bêu rếu, và đừng ai ném đá cô đến chết. Đây, cô giữ lấy tập điện thư trao đổi này. Đây là bản duy nhất, em không muốn giữ làm gì. Em thương em, và thương cả cô, vì chúng ta đều là nạn nhân khốn khổ của một ông chồng mất nết. Xin cô hãy thương thầy, ông chồng già đáng kính của cô, đã chia vui xẻ buồn cùng cô, hy sinh cho cô suốt trong gần nữa thế kỷ dài. Cũng đã đi gần hết đời người rồi. Không còn bao lâu nữa”. Em đứng dậy và bước đi, không quay lại nhìn bà ấy.

Tất cả các bà nghe đến đó, đều nhao nhao lên phản đối :

       – Tại sao ngu vậy? Tại sao không chụp ra vài bản, gởi cho ông chồng và các dâu rể của bà để trừng phạt ?

Chị Giang bình tĩnh :

      – Để làm chi ? Nếu không kéo ai lên được, thì cũng đừng nên xô họ xuống hố sâu thêm. Người ta đau khổ, xấu hổ, mà mình cũng chẳng được gì ?

Các bà đồng thanh nói :

      – Để trả thù, để trừng phạt. Thế thì bây giờ ông chồng của chị ra sao ?

Chị Giang thở ra :

      – Em không thù, thì trả thù làm chi ? Bây giờ ông chồng em vẫn bình thường, vào ra trong nhà như con chó cúp đuôi biết lỗi. Con người đó, trăng hoa phóng đãng khó chừa, nhưng ông cũng còn khá nhiều cái tốt khác mà ít người có được. Em phải biết tự cứu mình, và cứu gia đình. Chắc các chị mới thấy cái bề mặt cư xử nhân từ của em đối với bà ấy mà thôi, chứ chưa thấy cái thâm độc nham hiểm còn hơn cả Hoạn Thư. Nếu em hùng hổ xỉ vả chửi mắng thô tục, thì bà đó ít đau, ít thấm thiá hơn là những lời nói nhẹ nhàng nhân hậu đó.

Bà chị lớn tuổi nhất đám đua hai tay lên trời mà than :

      – Ôi sao kiếp đàn bà chúng ta chịu lắm khổ đau như thế này. Tất cả cũng đều do bọn đàn ông gây ra cả. Thế nhưng, thiếu đàn ông, thì đâu có sống bình thường được, đàn bà sẽ khô héo như đem cây trồng vào sa mạc. Nhưng có phải khổ đau trong đời sống vợ chồng, một phần lớn cũng do chúng ta tự tạo ra chăng ? Bởi thế, tôi nhớ có gã triết gia cà chớn nào đó viết đại ý rằng : “Nguyện vọng thiết tha nhất của đàn bà con gái là kiếm cho ra một tấm chống, nhưng khi có một tấm chồng rồi, thì họ muốn có tất cả”. Cũng không phải hoàn toàn sai đâu.

Tràm Cà Mau

30/08/2022

Bố Già Đi Tẩm Quất

    


 

Ngày sinh nhật; bố nhận qùa,

Con mừng cái thẻ massage một giờ.

Bố kẹp vào giữa quyển thơ,

Một hôm mở sách, bất ngờ rớt ra.

 

Thế là đến tiệm massage,

Bị con Mỹ đấm thấy bà !... Mẹ ơi!!!

Khớp xương, nó bẻ gập đôi,

Chần lưng đến toát mồ hôi. Tản thần !

 

Băm vai, tưởng đã bong gân,

Vắt giò, xoắn thịt, tay chân rụng rời!

Nó dần ê ẩm cả người!

Lại còn tiền tip, chi mười đô-la.

 

Thank you con nhỏ Monica,

You do so good... Bố già…Bye bye!

 

           Trần Quốc Bảo

         Richmond, Virginia

29/08/2022

Cái Dáng Rất Buồn


 

Anh bước vào giai đoạn lú lẫn (Alzheimer ) ở cuối đời. Mấy năm nay anh đã thay đổi rất nhiều. Bắt đầu anh quên quên nhớ nhớ, tiếp đến là anh dễ xúc động, anh hay khóc. Mấy năm trước, nghe cô bạn đọc Thơ của anh, anh cười, anh nhớ lại, đọc tiếp theo, chỉ độ một năm sau đó, anh không đọc theo nữa, anh chỉ nghiêng đầu lắng nghe, rồi bật khóc. Hình như anh biết được người kia vừa nói ra những câu gì rất thân yêu, rất thân thuộc với mình, và điều đó làm anh xúc động, anh khóc rưng rức. Chị lại nhỏ nhẹ dỗ anh:

- Nín đi, nín đi, Thơ của anh, cô ấy nhớ đấy mà, phải vui chứ.

Anh nghe chị, ngoan như em bé, lau nước mắt, bằng mấy ngón tay, rồi cười, một nụ cười rất thơ trẻ.

Những năm kế tiếp, anh bắt đầu quên mặt họ hàng, quên mặt những người bạn thân, anh chỉ nhớ có chị thôi. Anh 85 tuổi, chị 80 tuổi. Hai vợ chồng già sống với nhau, con trai, con gái đều có gia đình. Đứa ở xa, đứa ở gần cũng vậy thôi. Một năm tụ họp gia đình đôi ba lần vào dịp Lễ, Tết.

Khi anh mới bắt đầu lãng quên, sức khỏe anh vẫn còn tốt, sáng sáng chị chở anh tới Gym. Chị bơi lội, anh ngồi ngoài nắng hóng mặt trời. Chị đi chợ, đi tới nhà bạn họp mặt luôn luôn có anh đi theo. Mỗi ngày anh một chậm hơn và quên nhiều hơn nhưng anh vẫn tự lo được vệ sinh cho mình, chị chỉ cần nhắc.

Rồi bỗng một ngày anh không làm gì một mình được nữa, chị phải phụ anh. Cơ thể chị nhỏ quá so với anh, chị không thể khênh vác, tắm gội cho anh được. Anh bắt đầu ngu ngơ như một đứa trẻ còn mặc tã, mà anh đang mặc tã thật, chị không thể nào khênh, đỡ anh làm những việc vệ sinh cá nhân cho anh. Chị gọi con, con trai chị từ tiểu bang xa về tìm Home Care để gửi Bố vào.

Tìm mãi mới được một nơi gần nhà, Mẹ chỉ lái xe có 8 phút là thăm được Bố. Số tiền hơi cao, nhưng để con lo.

Con ở lại thêm vài ngày nữa yên tâm có chỗ tốt cho Bố mà Mẹ không phải đi xa, muốn thăm Bố lúc nào cũng được. Chị ngậm ngùi : - Ừ thôi con về nhà với vợ, con đi.

Mấy hôm có con, chị yên tâm. Con đi rồi, chị một mình trống trải, thấy căn nhà của mình sao nó rộng mênh mông thế này, căn nhà không có anh bỗng tự nhiên thành xa lạ, giống như chính chị cũng vừa dọn vào một ngôi nhà mới, chị buồn trống cả hồn. Buổi tối đi ngủ chị nghĩ tới anh ở nhà mới với những người xa lạ chắc anh còn buồn hơn chị bây giờ. Thương anh quá, chị mong sao cho đến sáng để vào thăm anh.

Anh ở đã nhà mới được hai tuần, mỗi ngày chị tới thăm, người ta không cho chị vào hẳn phòng anh, ngay cả phòng khách cũng chưa được vào (Vì đang thời Đại Dịch) họ đưa anh ra ngoài hàng hiên, nơi đó có sẵn mấy cái ghế cho anh chị ngồi gặp nhau. Chị thấy anh sạch sẽ, tươm tất chị cũng mừng, nhưng mỗi lần thấy anh hiền lành như một đứa trẻ ngoan, chị lại mủi lòng.

Sao anh thay đổi nhanh thế! Gặp chị anh không vui, chị đứng lên về anh không buồn, trên nét mặt anh chị không thấy một cảm xúc nào, anh nhìn chị như nhìn cái cây hay bức tường trước mặt, ánh mắt anh không vui, không buồn. Con chim sẻ sà xuống sân cỏ trước mặt hai người, chị cầm tay anh lay lay, chỉ anh, anh nhìn mà như không nhìn, ánh mắt anh không biểu lộ mộ cảm xúc nào.

Khi tới thăm anh, chị cứ đinh ninh là khi anh bước ra, thấy chị, ánh mắt anh sẽ sáng lên, miệng anh sẽ mỉm cười và khi chị bịn rịn chia tay về, ánh mắt anh sẽ buồn buồn, tay anh sẽ nắm chặt tay chị. Nhưng không, anh thản nhiên đứng lên đi vào, không hề quay đầu lại.

Chị không thấy anh khổ, không thấy anh buồn hay vui. Hình như anh không còn cảm giác buồn vui nữa. Sao anh thay đổi nhanh thế!

Chị nghĩ tới ba tháng mùa Đông sắp tới, người ta đã cho chị biết là sẽ không có thăm viếng vì trời lạnh người già yếu không thể ra ngoài hiên được và thân nhân vẫn chưa được quyền vào bên trong, nếu đại dịch vẫn còn.

Chị nghĩ tới nét mặt vô cảm xúc của anh, nghĩ tới hình ảnh anh đi vào không hề quay đầu lại và chị đứng ứa nước mắt nhìn theo dáng cái lưng im lặng của anh khuất sau cánh cửa.

Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó, chị cũng không được nhìn thấy, mặc dù nó vẫn hiện hữu.

Bất giác chị ôm mặt mình nấc lên.

Trần Mộng Tú

28/08/2022

Có thể bạn chưa biết hết về chiếc điện thoại di động của mình

Chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) ngày nay đã trở thành một điều cần thiết cho mỗi người chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, khi sở hữu một chiếc ĐTDĐ người ta chỉ biết 2 chức năng chính là nhận cuộc gọi hoặc gọi đi, cùng lắm là “lướt” Web, chơi game, chat với bạn bè…

Theo ước tính, toàn thế giới hiện có đến khoảng 4,5 tỷ người dùng ĐTDĐ nhưng số người hiểu cho hết những chức năng của chiếc điện thoại có lẽ chỉ khoảng 10% số người sử dụng! Một số chức năng đó sẽ giúp chúng ta “thoát hiểm” một cách ngoạn mục nếu ta biết được những “tuyệt chiêu” của chiếc ĐTDĐ. 

 

Trường hợp phổ biến nhất là lúc cần gọi hay đang gọi ĐTDĐ lại báo… hết pin! Đừng hốt hoảng khi bạn gặp trường hợp này ở những nơi không thể sạc pin. ĐTDĐ nào cũng được thiết kế với lượng pin dự trữ, tương đương với 50% dung lượng pin khi được sạc đầy. Vấn đề là biết được cách nào để khởi động nguồn pin dự phòng đó.

Đơn giản thôi, chỉ cần bấm: *3370# và bạn sẽ thấy pin của bạn lại đầy 50% lằn vạch báo dung lượng… Lúc đó, bạn có thể tiếp tục các cuộc gọi ít ra trong vài tiếng đồng hồ nữa! Xin nhắc lại, chỉ cần 6 động tác trên bàn phím, khởi đầu là dấu hoa thị (*), tiếp đến là 4 chữ số (3370) và kết thúc với dấu thăng (#): điện thoại của bạn sẽ báo đang có 50% dung lượng!  

50% là phần năng lượng dự trữ trong máy điện thoại gọi là "Third Hidden Battery Power" để điều hành bộ phận báo hết pin của máy và lưu trữ các dữ liệu như ngày giờ, danh sách phone book... Khi bạn sạc lại pin, lượng pin dự trữ sẽ đầy lại trước khi lượng pin của máy được sạc đầy.

 

Ở Mỹ số Điện Thoại cấp cứu là 911 nhưng bạn hãy nhớ số điện thoại cấp cứu trên toàn thế giới là 112, số này được tất cả các ĐTDĐ công nhận. Nếu chẳng may bạn đi lạc vào rừng, trượt chân trên núi tuyết, bị lạnh cóng ở Bắc Cực hay bất cứ một nơi nào đó, nếu không có ai cứu thì bạn sẽ chết. Hãy bình tĩnh bấm số 112 trên điện thoại di động của bạn.

Khi bạn bấm số 112, ĐTDĐ của bạn sẽ tự động tìm bất cứ mạng khẩn cấp nào hoặc những số cấp cứu nào gần nhất và tự động nối mạng cho bạn với đường dây đó. Điều thú vị là con số cấp cứu 112 này có thể thao tác ngay cả khi bàn phím đang bị khóa mà bạn không biết mật mã để mở ra. Bạn cứ thử đi, nhưng ngay khi máy thông thì phải ngắt cuộc gọi kẻo lực lượng cấp cứu sẽ tìm đến bạn!

 

Trường hợp xe hơi của bạn có chìa khóa điện tử (tức là loại chìa khóa bấm để mở cửa hay khóa cửa xe) mà bạn sơ ý bỏ quên chìa khóa trong xe rồi xe tự động khóa cửa lại hoặc bạn làm mất chìa khóa xe. Bạn chớ vội lo.

Nếu bạn có một chìa khóa điện tử phụ đang cất ở nhà thì bạn nên dùng ĐTDĐ của bạn gọi về nhà cho thân nhân của bạn để nhờ người nhà giúp bạn mở cửa xe theo các bước như sau:

-       Bước 1: Bạn để điện thoại di động của bạn gần sát cửa xe của bạn.

-       Bước 2: Bảo người nhà lấy chìa khóa điện tử của xe để sát vào điện thoại di động của họ và bấm nút mở xe.

-       Bước 3: Khi người nhà bấm nút mở cửa xe thì xe của bạn dù đang ở một thành phố nào đi nữa sẽ được mở cửa.

 

Nếu chìa khóa xe bạn để quên trong xe thì bạn tiếp tục lái bình thường. Nhưng trong trường hợp bạn đã bị mất chìa khóa thì sau khi mở được cửa xe theo cách trên, bạn có thể rút dây điện nối ở phần start cho nổ máy xe và chạy tạm đến chỗ thợ làm chìa khóa để làm chìa khóa phụ!

 

Mỗi ĐTDĐ đều có “số căn cước” (serial number) hay còn gọi là ID của máy. Bạn cần làm ngay sau khi đọc bài này. Hãy bấm các phím *#06# (xin nhắc lại: hoa thị (*), dấu thăng (#), hai số 06 và kết thúc bằng dấu thăng (#)… lập tức màn hình điện thoại sẽ hiện lên một hàng số gồm 15 con số nối tiếp nhau. Đây là số căn cước của máy. Bạn phải ghi 15 số nầy vào cuốn sổ hay một miếng giấy bỏ riêng trong bóp của bạn để khi cần có thể lấy ra.

 

Trong trường hợp bạn bị mất máy điện thoại, hãy gọi cho công ty đang cung cấp dịch vụ nối mạng. Vinaphone, Viettel, FPT… Thông báo cho họ biết số căn cước của máy. Công ty sẽ khóa ngay điện thoại của bạn và kẻ nào lấy chiếc điện thoại đó cũng không thể sử dụng được. Nếu khi bạn tìm lại được điện thoại thì nhớ gọi cho công ty cung cấp dịch vụ để mở khóa và bạn tiếp tục sử dụng.

 

Nếu bạn bị mất điện thoại di động và nghi có kẻ đang sử dụng máy của bạn, bạn chỉ cần mang số Serial Number gồm 15 con số này đến báo cho cảnh sát. ở Mỹ và các nước tiên tiến khác thì cảnh sát và ngành An ninh Viễn thông sẽ dùng vệ tinh theo dõi số Serial Number để biết máy của bạn đang ở địa chỉ nào và cảnh sát sẽ đến đó lập biên bản tịch thu máy và người sử dụng máy của bạn sẽ bị mời về văn phòng cảnh sát để lấy lời khai và đưa ra tòa xét xử. 

Nhiều trường hợp người đang sử dụng đã mua của một kẻ khác nên cảnh sát đã phanh phui được cả một đường dây tội phạm trộm cắp điện thoại. Nếu bạn đi ra Chợ Trời (Flea Market) để mua lại ĐTDĐ đã qua sử dụng, hãy nhớ bấm phím *#06# để lấy ra hàng 15 con số. Yêu cầu người bán ký nhận có bán cho bạn cái máy điện thoại với hàng số đó để nhỡ có ai đi truy tìm thì bạn không phải là người ăn cắp!

 

***

Làm thế nào để biết nguồn gốc nơi sản xuất ĐTDĐ của bạn? Hãy đếm từ trái qua phải trên dãy số gồm 15 con số của Serial Number. Tại con số thứ 7 và thứ 8, bạn sẽ biết quốc tịch nơi sản xuất ra chiếc máy điện thoại của bạn đang sử dụng:

 

- Nếu số hàng 7 và 8 là số 02 hoặc 20 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Trung Quốc, điều này có nghĩa là chất lượng của nó khá tệ, không bảo đảm!

- Nếu hai số đó là số 08 hoặc 80 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Đức (Germany) nên chất lượng bảo đảm rất tốt. 

- Nếu hai số này là 01 hoặc 10 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Phần Lan (Finland) theo tiêu chuẩn Âu Châu nên rất tốt.

- Nếu hai số kia là 13 thì đáng buồn cho bạn vì máy của bạn được sản xuất tại Azerbaijan với phẩm chất rất tệ ngang với… hàng mã để đốt cúng cô hồn! Nhiều người mua nhầm máy điện thoại có số 13 của Azerbaijan hay số 02 hoặc 20 của Trung Quốc nên khi sử dụng đã bị nổ, cháy khi sạc pin. Để tránh những trường hợp này, nên bấm số Serial Number của máy để biết xuất xứ sản xuất trước khi mua!

 

- Nếu hai số ở hàng thứ 7 và thứ 8 là hai số 00 tiếp nhau thì chắc chắn máy ĐT Di Động của bạn được sản xuất ngay chính quốc giả phát minh ra nó. Ví dụ: iPhone có số 00 là do Apple của Mỹ sản xuất; hoặc Galaxy có hai số 00 là do chính hãng Samsung của Nam Hàn sản xuất.

***

Trên đây là những lượm lặt nho nhỏ mà nhiều người sử dụng ĐTDĐ hầu như không bao giờ để ý đến. Bây giờ biết rồi nên cũng chưa muộn phải không bạn!!!

 

NGUYỄN BÍCH 

 

27/08/2022

Trả đồ ở Costco Mỹ mà cứ như đùa!


 Cười ra nước mắt với chuyện trả đồ ở Costco Mỹ


Dường như không một hệ thống cửa tiệm nào trên thế giới có quy định trả đồ (return policies) dễ dàng, phóng khoáng như Costco. Nghĩa là, về căn bản, khách hàng có thể trả lại bất kỳ món hàng nào đã mua, bất kể mua từ đời nào, và được thối lại đầy đủ số tiền đã bỏ ra, ngoại trừ hàng điện tử thì có 90 ngày được hoàn trả cùng với hóa đơn mua hàng.

Với chính sách “hào phóng” này, về lý thuyết, bạn có thể mang trả lại một nải chuối chỉ vì nó chín sớm quá, hoặc bạn có thể trả lại một hộp đủ các loại hạt nếu bạn không thích vị của nó. Trên qui mô lớn hơn, bạn có thể trả lại tấm nệm đã mua không giới hạn thời gian, hoặc một cái vali hiệu Kirkland sau khi sử dụng đã đời!

Tuy nhiên, một số ít khách hàng đã lạm dụng chính sách hoàn trả của công ty một cách thái quá. Trong một đề tài của Reddit dành riêng cho nhân viên Costco, có chủ đề “Món hàng ‘kinh dị’ nào đã được mang trả lại Costco?”, nhiều người đã và đang là nhân viên của Costco (chỉ dùng nickname) đã kể lại những thứ “kinh dị” mà họ nhìn thấy khách hàng mang trả lại sau khi mua.

Một hộp quần lót đã được mở ra

“Nếu còn nguyên gói bao bì, nó có thể được trả lại cho nhà cung cấp sản phẩm. Nếu nó đã được sử dụng, cũng có người chịu mua nếu cửa hàng bán với giá rẻ. Đôi khi, những hộp đồ lót đã bị mở ra như thế sẽ bị vứt luôn, bởi vì nhà cung cấp không muốn nhận lại hoặc các đại lý cũng chẳng có hứng thú quan tâm vì bất cứ lý do nào.” Đó là điều mà Hobovalentine từng chứng kiến.


Một chai rượu không

Người có nickname jb2255 kể, “Một người phụ nữ đã mang trả lại một chai rượu chả còn giọt nào với lý do nó làm cô ta bị nhức đầu khi uống!”

Một cái chuồng gà đã xài

Syst3m1c, người có 8 tháng làm việc ở Costco cho biết, “Điều tệ hại nhất mà tôi từng thấy là người ta mang trả lại một cái chuồng gà đã xài rồi và bắt đầu bị mục. Cái chuồng vẫn còn dính đầy phân gà. Mọi người đều nhìn chầm chầm vào cái gia đình mang cái chuồng gà đi trả. Anh chàng kia đã mua cái chuồng trên ‘online’ từ năm ngoái. Dĩ nhiên, theo qui định, người quản lý vẫn đồng ý trả lại tiền đầy đủ cho gia đình anh chàng kia.”

Một cái máy tính xách tay cũ nhưng không phải là cái từng mua

“Vài tháng trước, có một ông mang đến trả lại một cái máy tính xách tay mà ông ta nói mới mua ‘trên mạng’ được hai tuần. Không sao cả, ông ta có thể trả lại trong vòng 90 ngày nếu như ông ta không thích cái laptop đó,” nhân viên có nickname Bloodsponge nhớ lại.

Bloodsponge kể tiếp, “Tuy nhiên, cái mà ông đó mang trả không phải là cái laptop mới ‘order’ từ Costco. Ông ta trả lại một cái laptop đã hư, đã cũ, đã mua từ 8 năm trước. Mà nó cũng không cùng nhãn hiệu nữa chứ. Ông ta ‘chơi trò’ gỡ cái nhãn mã hàng trên laptop mới mua, rồi đem dán nó vào cái cũ rít để mang trả.”


Các món hàng bán theo mùa

Nhân viên có tên “ManicHispanic85” chia sẻ, “Thường vài tháng sau khi quầy bán cây kiểng đóng thì nhiều người mang trả lại những cây cối họ làm chết vì không biết chăm sóc. Rồi vào mỗi Tháng Giêng, người ta lại mang đi trả lại những vật trang trí mùa Giáng Sinh. Tương tự như thế, Tháng Chín thì bà con lại vác đi trả những vật dụng đã mua sử dụng trong Mùa Hè như lò BBQs, quần áo tắm, phao bơi, đồ che mái patio…”

“Nói thiệt là tôi muốn sống cuộc sống như thế, sống mà không cảm thấy xấu hổ khi thực hành tiết kiệm tiền bằng cách giống như những người đó,” ManicHispanic85 nói một cách ngao ngán.

Costco là nơi khách hàng có thể trả lại bất kỳ món hàng nào đã mua, bất kể mua từ đời nào, và được thối lại đầy đủ số tiền đã bỏ ra. (Hình minh họa: Getty Images)

“Cá già”

“Một con cá 13 tuổi! Người phụ nữ để quên con cá trong tủ trữ đông và quên béng nó đi. Giờ bà ta mang đến cửa hàng, đòi trả nó lấy lại tiền. Khi chúng tôi nói ‘không được’ thì bà ta la toáng lên, làm ầm ĩ náo loạn hết. Nếu tôi nhớ không lầm thì cuối cùng người quản lý đã để cho bà ta trả lại con ‘cá già’ và hoàn tiền đủ cho bả,” người có nickname Xianricca nhớ lại điều “hãi hùng” mà mình từng chứng kiến.

Gói thịt bò “ribeye steak” giá $200

“Có người đã mua gói thịt bò loại ‘ribeye bone’ được đóng trong bao bì với giá khoảng $200 trong mùa lễ hội, rồi sau đó mang một cái thùng đựng xương và mỡ đã nấu chín đến trả! Vậy mà họ cũng vẫn được hoàn tiền lại đầy đủ nha. Thiệt là trợn trắng mắt luôn,” người lấy nickname “inglorious” nhớ lại.

Máy rửa nhà

Nhân viên lấy tên “hobovalentine” lại có “kỷ niệm” với một người mang đến trả lại chiếc máy rửa nhà mua đã… 15 năm.

“Món hàng cũ nhất mà tôi từng thấy người ta mang đến trả để đòi tiền lại là một cái máy rửa nhà. Họ trả với lý do là nó không hoạt động nữa. Nhưng có phải là quá ‘lố bịch’ không khi mà cái máy đã được mua lâu đến chừng ấy thời gian. Xin lỗi chịu hỏng nổi!” Hobovalentine kêu trời.

Hình rửa

“Thứ tệ nhất là tôi thấy người ta mang đi trả là những tấm hình mà họ mang tới rửa. Họ cứ rửa hết đống hình họ chụp, xong rồi trả lại cả trăm tấm, mà họ không thích, tấm thì tối quá, tấm thì ‘out of focus’, tấm thì bị đỏ mắt, và yêu cầu trả lại tiền. Có người còn ‘ngon lành’ hơn nữa khi họ mang hình đến trả với lý do cái khung hình ở nhà họ là 5×7, mà họ lại đi rửa 4X6,” nickname Gundamk nói về điều mình chứng kiến.


Cái bàn ping pong mua đã 10 năm

“Một khách hàng muốn trả lại cái bàn chơi ping-pong ngoài trời mua từ 10 năm trước. Họ nói nó được xếp vào loại bàn chơi ngoài trời, nghĩa là nó được đặt ngoài trời, đúng không? Tuy nhiên, các yếu tố thời tiết ở Florida, nơi mà gần nửa thời gian là mùa mưa bão, đã không thích hợp với nó. Khung kim loại bên ngoài bị rỉ sét, một vài tấm chắn bắt đầu bong tróc. Và giờ, sau 10 năm mua về, họ muốn trả để lấy lại tiền,” nhân viên Alan tường thuật.

Bản thân tôi từng chứng kiến một người đàn ông chở tới Costco Fountain Valley một cái hộp cũ kỹ trong có cánh cửa lớn. Nhân viên quầy trả đồ đứng kiểm tra trên máy tính một đỗi, rồi nghe họ nói chuyện với nhau, mới biết ra là cánh cửa đó mua từ năm 1996. Nhưng quan trọng hơn là sau khi coi tới coi lui, họ trả lời với người đàn ông rằng món hàng đó chưa từng được bán ở Costco!
Còn bạn, bạn đã từng chứng kiến người ta lạm dụng chuyện trả đồ như thế nào?

ST

26/08/2022

Nhân ngày Lễ Độc Lập - Những nét độc đáo của Ukraine

 Trước khi chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, không mấy ai để ý đến đất nước này. Khi chiến sự bùng phát, mọi thông tin nhắc tới Ukraine thường là những hậu cảnh hoang tàn, và sự chống trả kiên cường của người dân Ukraine.

Mời bạn tìm hiểu thêm vài nét độc đáo ở đất nước này.

Lâu đài The Swallow’s Nest tại Gaspra, một thị trấn spa nhỏ giữa Yalta và Alupka (xây năm 1911 theo thiết kế Tân Gothic) là một trong những điểm thu hút du khách nhất ở Crimea.

1.Đường hầm tình yêu (Tunnel Of Love)

Ðường hầm Tình yêu là một phần của đoạn đường sắt gần Klevan, Ukraine. Ðường hầm xe lửa  này được bao quanh bởi những vòm cây xanh đan thành một mái vòm xanh biếc. Theo truyền thuyết, các cặp đôi đến thăm nơi này sẽ đạt được ước nguyện, không rõ họ có tin hay không nhưng rất nhiều cô cậu chọn đây làm nơi chụp ảnh cưới, ra vào rộn rịp như bươm bướm.

Rất nhiều đôi bạn trẻ chọn Đường Hầm Tình Yêu để chụp ảnh cưới (nguồn ảnh: https://coupletraveltheworld.com)

2.Thành phố ma

Ðây là tên gọi thành phố bị bỏ hoang (ghost town). Vụ nổ nhà máy nguyên tử ở  Chernobyl năm 1986 khiến một khu vực rộng lớn bị phong tỏa, gồm 800 ngàn mẫu đất nông nghiệp và 700 ngàn mẫu rừng, dân cư trong vòng bán kính 30 km phải di tản. Ban đầu Liên Xô đã chi khoảng 18 tỉ đô la để khử nhiễm phóng xạ và dự trù mất 30 năm để làm sạch.

Thành phố Chernobyl một thời rộn rịp đã trở thành bãi hoang cho thú rừng. Ảnh: Sergei Supinsky

3.Đường xe điện ngầm sâu nhì thế giới

Ga điện ngầm Arsenalna tại Kiev Metro là nhà ga ở độ sâu 100 mét, chiếm hạng nhì thế giới (ga tàu điện sâu nhất là ga Pyongyang Metro ở Bắc Hàn). Hiện nay Ga điện ngầm Arsenalna là nơi trú ẩn tránh bom trong trận chiến giữa Nga và Ukraine.

Ga điện ngầm Arsenalna tại Kiev, từ trạm xuống tàu mất 5 phút đi thang cuốn. Ảnh anteres610 wikimedia

4.Đất nước cà phê

Hiện nay Ukraine và Áo (Austria) đang “giành” nhau chức vị là quốc gia xuất phát quán cà phê lâu đời nhất Châu Âu. Ðược biết quán cà phê ở Ukraine xuất hiện từ năm 1680. Thói quen uống cà phê khá mạnh mẽ ở Ukraine: nhà nhà uống cà phê, người người uống cà phê. Riêng tại Lviv, một thành phố thời Trung Cổ đã có đến hàng trăm quán cà phê.


Tại một quán cà phê ở Ukraine. Ảnh trên: https://perfectdailygrind.com. Ảnh dưới: Blur Coffee

5.Ông trùm của dầu hướng dương

Hoa hướng dương được trồng ở Ukraine hồi thế kỷ 18, và trở thành một món ăn bình dân, nhưng sau đó nhanh chóng trở thành nguồn thu nhập quan trọng của đất nước này với  những điền trang hướng dương mênh mông bát ngát. Nga và Ukraine chiếm gần 80% thị trường xuất cảng dầu hướng dương trên toàn thế giới.

6.Vùng đất lâu đài

Ukraine có lịch sử và văn hóa rất lâu đời và phong phú. Có 6 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Nhiều công trình lịch sử lâu đời được bảo tồn chu đáo. Trong đó có những nhà thờ cổ kính tuyệt đẹp, những lâu đài và pháo đài khiến khách nhàn du gợi tưởng đến quá khứ huy hoàng của đất nước này.

Pháo đài Khotyn Fortress, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Ukraine. (nguồn ảnh https://historiceuropeancastles.com/ukraine/

7.Quốc gia Châu Âu lớn nhất

Người ta vẫn xem Nga là quốc gia lớn nhất Châu Âu, nhưng Ukraine chiếm chức  vị là quốc gia lớn nhất nằm hoàn toàn trong lục địa. Ukraine có tổng diện tích 603,628 km vuông, gần gấp đôi Việt Nam hoặc Ðức.




8.Rổ bánh mì của Châu Âu

Loại đất đen giàu màu mỡ ở Ukraine đã giúp quốc gia này thích hợp cho việc canh tác lúa mì và các loại cây lương thực khác. Với những đồng lúa mì cò bay thẳng cánh, Ukraine cung cấp phủ phê bột mì cho cả Châu Âu.  Ukraine hiện đang là một trong những quốc gia sản xuất lúa mì nhiều nhất thế giới.



Diện tích đất nông nghiệp (màu sậm) chiếm 70% diện tích của đất nước Ukraine

9.Máy bay lớn nhất thế giới

Chiếc máy bay vận tải Antonov An-225 Mriya được chế tạo ở Kiev, thời Ukraine còn là một phần của Liên Xô cũ. Chiếc máy bay này có trọng lượng 285,000 ký, sải cánh 88 mét. Quân đội Mỹ cũng nhiều lần mướn chiếc máy bay này chở quân cụ và hàng hóa đến Iraq thời chiến tranh Iraq 2003. Ðiều đáng tiếc là ngay trong những ngày đầu cuộc chiến, chiếc Antonov AN-225 đã bị quân Nga đánh bom tiêu tùng.


Máy Antonov An-225 Mriya (trái) và tỉ lệ so với Airbus 320 và Boeing 747

Thiên An

Nhạc: Dừng chiến tranh!

25/08/2022

Phụ Nữ cũng bị... bất lực!

              Phụ Nữ cũng bị... bất lực!

Một cô nàng đến phòng khám của bác sĩ và nói với vẻ đầy lo lắng: 

– Thưa bác sĩ, em bị mắc chứng bất lực rất nặng. Bác sĩ giúp em với.

– Tại sao cô lại nghĩ như vậy?

– Em cũng không rõ cho lắm.

– Vậy biểu hiện bệnh của cô như thế nào?

– Dạ, em không thể từ chối được bất cứ lời tán tỉnh nào của đàn ông con trai. Nói gì em nghe, em cũng khoái, cũng OK hết trơn...

 


Thi đố lạ đời

Có một trường đại học nọ khi tuyển học sinh vào…

Có 3 em nữ sinh đã đạt được số điểm rất cao, nhưng bằng nhau nên người ta mới tổ chức một cuộc thi để các em đó thi với nhau.

Đích thân thầy hiệu trưởng ra câu hỏi cho các thí sinh:

– Các em đều là nữ sinh, các em đều có 2 cái miệng, 1 cái miệng trên và một cái miệng dưới, vậy các em hãy nêu điểm khác biệt lớn nhất rồi từ đó kết luận xem cái nào già, cái nào trẻ hơn.

Câu hỏi phát ra, cả 3 thí sinh đều vắt óc suy nghĩ. Bỗng một cô trả lời:

– Theo em cái miệng ở trên già hơn cái ở dưới, vì cái ở trên đã mọc răng mà cái dưới chưa mọc răng.

Ngẫm thấy cũng đúng, học sinh này có một đầu óc rất logíc. Định cho em này đậu thủ khoa nhưng một em khác lại lên tiếng:

– Theo em cái miệng dưới già hơn cái miệng trên, bởi vì cái miệng trên chưa có râu mà cái dưới đã có râu rồi.

Thầy rất ngạc nhiên về câu trả lời này, em này không những chuyên môn tốt mà còn giỏi cả xã hội nữa. Đang phân vân giữa em này với em kia thì người còn lại nói:

– Còn theo em thì cái miệng ở trên già hơn cái miệng ở dưới……………………Bởi vì cái ở trên đã bỏ bú rồi mà cái ở dưới bây giờ vẫn còn bú…

Thầy: !! bái phục….bái phục!!

 Sưu tầm...bậy...                   

24/08/2022

GỠ RỐI TƠ LÒNG


Hình minh họa


 Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ có một đài phát thanh tiếng Việt. Tôi ít khi nghe, nhưng vợ tôi, thỉnh thoảng có mở nghe. Hôm đó, vợ tôi làm việc dưới bếp, để cái ra-dô (radio) ở phòng khách, mở hết cỡ, tôi điếc óc mà không dám cằn nhằn. Mà không muốn nghe cũng không được. Thế nên, tôi tình cờ nghe được chương trình "Hạnh Phúc Gia Đình" sau đây.


         Chương trình này cũng giống như mục "Gỡ Rối Tơ Lòng" của các bà trên báo nhưng do một cô nhân viên của đài điều khiển. Có hai vị bác sĩ tâm lý phụ trách trả lời các câu hỏi của thính giả gửi thư, email hay gọi vào nêu câu hỏi. Hai vị nầy, sau khi tốt nghiệp bác sĩ còn phải học thêm mấy năm về tâm lý, xã hội nên chương trình thực hiện rất súc tích, có căn bản, đúng sách vở, chứ không tùy hứng, góp ý bậy bạ, kiểu "Bà Tùng Long" trên các báo ngày xưa, ở Việt Nam đâu.

         Thông thường, khởi đầu, cô nhân viên đọc lá thư của thính giả gửi vào kể chuyện "tình duyên, gia đạo" của người viết thư, sau đó xin ý kiến của hai vị bác sĩ cùng thính giả nghe đài để nhờ giúp đỡ trong lúc lo lắng. Đa số các lá thư đều gửi Email, không có dấu tiếng Việt, khiến cô nhân viên đôi khi bối rối, ngập ngọng, không biết nên đọc như thế nào. Có khi phải đoán mà đọc rồi cười với nhau.


         Có một bà gửi email vào đài kể rằng. Năm ngoái, năm kia gì đó, vợ chồng bà ta về Việt Nam, có đến thăm và ở lại nhà vợ chồng người bạn (ở Việt Nam) mấy ngày. Vợ chồng bà ta có mời vợ chồng người bạn qua Mỹ chơi, ở nhà bà ta cho vui. Không ngờ, ít lâu sau, ông chồng bà bạn (ở Việt Nam) lăn ra chết (qua đời), bà bạn chết chồng nầy buồn quá, gọi điện thoại qua Mỹ bảo rằng sẽ sang Mỹ ở chơi nhà bạn vài ba tháng. Bà bạn ở Mỹ mới gửi Email vào đài, bảo rằng, bà bạn chồng chết nầy rất giàu lại trẻ đẹp hơn bà ta nên bà ta sợ chồng mình và bà bạn (từ Việt Nam qua) sẽ xảy ra chuyện gì không? Tuy hai vợ chồng đều đi làm, nhưng khác giờ nhau. Vợ đi làm buổi sáng, chồng đi làm buổi chiều. Nếu để bạn qua Mỹ chơi thì sợ chồng mình và bà bạn tằng tịu nhau mà từ chối thì phải nói sao để khỏi mất lòng bạn?

         Khi cô nhân viên của đài vừa đọc xong lá thư thì các bà tới tấp gọi vào nêu ý kiến. "Cái đó gọi là lửa gần xăng chứ không phải lửa gần rơm đâu. Gần một chút là nó nổ bùng, tiêu tan sự nghiệp. Đừng nên cho bà kia qua đây, làm gì hai người cũng "oánh xà nẹo" nhau mà mình đi làm, không cách chi biết được!" Một bà khác thì la lên "Chết, chết! Không được đâu! Người đàn bà chồng mới chết, chịu đựng không nổi đâu. Kinh nghiệm bản thân, tôi biết rõ. Đừng cho bà ta qua. Mất chồng là cái chắc!" Nhiều bà can ngăn lắm, đại ý bà nào cũng "suy bụng ta, ra bụng người", "biết người biết ta", coi như đàn bà là nguyên nhân duy nhất khiến cho gia đình tan nát. Đúng là phe ta hại phe mình!

         Riêng phe đàn ông thì ngược lại. Có ông góp ý là cứ để cho bà bạn qua Mỹ, ở chơi cho vui. Ông ta nêu mấy câu triết lý đông, tây, kim, cổ rồi kết luận là "Tới đâu hay đó. Cứ bình tỉnh đón bạn về, vui vẻ với bạn. Thương chồng thì cũng nên đãi chồng “ăn phở” vài lần, bắt ăn “cơm nhà” mãi thì cũng tội nghiệp. Cũng chẳng hao mòn, mất mát gì mà sợ. Sau đó chồng sẽ biết ơn mình, thương yêu mình nhiều hơn”

         Nghe mấy bà, mấy ông góp ý một cách sôi nổi, tôi cũng bon chen cầm điện thoại lên, bấm số của đài, xin có ý kiến. Lúc đó vợ tôi ở trong bếp, tôi thì ở trong phòng ngủ, tôi lại mạo danh là "anh Tám" nên tôi không sợ vợ tôi biết. Tôi góp ý như thế nầy " Đề nghị là cứ vui vẻ mời bà bạn đó qua Mỹ chơi cho thêm tình đoàn kết. Tôi hiện có ông bạn độc thân, vui tính sẽ sẵn sàng đưa bà bạn đó đi chơi, mấy tuần, mấy tháng cũng được. Xin cho số điện thoại, địa chỉ, bạn tôi sẽ đến, giúp một tay, đưa bà bạn nầy đi chơi, cho đến khi bà ta lên máy bay, về lại Việt Nam". Thấy vợ tôi thấp thoáng ở phòng khách, tôi gác điện thoại ngay.

         Có lẽ bạn đọc thắc mắc là sau đó thì sao? Cô kia có qua Mỹ không? Bạn tôi đón đưa cô ta đi chơi không? Xin thưa là, sau đó, bà ở Mỹ (xin gỡ rối tơ lòng), qua trung gian của đài phát thanh, liên lạc với tôi nhờ tôi và ông bạn giúp đỡ khi bà bạn ở Việt Nam qua. Thế là, tất cả mọi người, gồm tôi (anh Tám), ông bạn (bị vợ bỏ) và bà có bạn sắp qua, hội ý, phân công, phân nhiệm rõ ràng, chỉ chờ người đẹp từ máy bay bước xuống là chương trình khởi động, đâu vào đấy ngay.

         Hôm người đẹp đến Mỹ, chúng tôi đến thăm, thấy cô ta rất mát mẻ, chỗ nào cũng tròn trịa, trắng nõn, láng mướt. Tuổi hồi xuân nên hai gò má hồng tự nhiên. Đôi mắt long lanh, sóng tình dào dạt. Tính tình lại vui vẻ, dịu dàng. Thật là, đẹp từ tâm hồn đến thể chất.

         Bạn cũng biết, hiện nay kinh tế Mỹ xuống dốc thê thảm. Tôi thì thất nghiệp, ông bạn tôi đã thất nghiệp còn bị vợ bỏ, buồn phiền không biết để đâu cho hết, cứ rủ nhau ra tiệm cà phê ngồi tán phét suốt ngày. Khi người đẹp ở Việt nam sắp qua, tôi nhờ ông ta, giả làm người bạn khi thì ở tiểu bang này, khi thì tiểu bang khác, lần lượt gọi điện thoại mời tôi qua chơi. Vợ tôi tưởng thật còn cho tí tiền để đi chơi đây đó cho vơi nỗi buồn thất nghiệp, đâu có biết chúng tôi âm mưu với nhau để phục vụ người đẹp. Thế là hai đứa tôi thay phiên nhau đưa cô ta đi du lịch khắp nước Mỹ.

         Bạn bắt đầu nghi ngờ rồi? Thất nghiệp, tiền đâu mà chi cho người đẹp? Đã nói người đẹp giàu lắm, “đại gia” mà! Chi phí tàu xe, ăn uống chỉ là tiền lẻ. Người đẹp đi du lịch, lại có bạn đưa đi thì sá gì tốn kém. Nghĩa là cô ta bao cho hai thằng đàn ông thất nghiệp đang tuổi sung sức, mọi phí tổn. Hễ ông bạn tôi đưa người đẹp đi chơi thì tôi (ở nhà) chờ. Vài tuần sau, ông bạn (kiệt sức!) về, gọi điện thoại (làm như người ở tiểu bang khác mời tôi qua chơi) bàn giao người đẹp cho tôi. Tôi lại đưa em đi tiếp. Nước Mỹ bao la, đi cả năm cũng chưa hết. Đi ngắm cảnh, ngắm thành phố, ngắm thiên hạ… khắp nơi. Nhưng, thông thường, “lang thang trên phố” độ một tiếng đồng hồ thì em kêu mỏi chân, đòi về khách sạn nằm “nghỉ”, rồi sai tôi bóp chân, bóp tay. Tuy không tốt nghiệp ngành tẩm quất nhưng tôi ra tay rất điệu nghệ. Chỗ nào cần đấm, chỗ nào cần bóp, tôi biết rành, khiến em bủn rủn tay chân, rên như người lên cơn sốt rét. Sở dĩ tôi phục vụ em hiệu quả là nhờ ông bạn tôi mách nước “Trông em mủm mỉm, tròn trịa như thế nhưng em yếu lắm. Có mấy chỗ trên thân thể em thường đau nhức thì phải để ý mà “massage” cho cẩn thận”. Hai thằng đàn ông chúng tôi, to như trâu, thay phiên nhau đưa em đi chơi, lại phải đấm bóp tận tình nên chỉ mấy tháng sau, hai thằng hốc hác, mắt thụt vô, lờ đờ, nói không ra hơi, đi đứng lọm khọm, giống hai thằng ho lao đến thời kỳ cuối. Kiểu nầy mà tiếp tục vài tháng nữa,  hai đứa tôi, e sẽ thành “quá cố”!

         Cũng may, ba tháng sau, người đẹp về lại Việt Nam.

         Hai thằng thất nghiệp lại ra tiệm cà phê ngồi nhớ người đẹp. Con ruồi đậu cũng không buồn đuổi! Kể cũng lạ, hai thằng đàn ông cùng yêu, cùng nhớ một người đàn bà mà không ghen nhau. Mỗi lần đi chơi xa với người đẹp về còn báo cáo lại tỉ mỉ rồi vỗ vai nhau cười ha hả!

         Ông thứ ba, chủ nhà (có bà vợ đã đón người đẹp từ Việt Nam qua chơi) coi bộ đau khổ lắm. Cục mỡ thơm phức cứ nhởn nhơ trước miệng mèo mà mèo đành trơ mắt ngó, vì bên cạnh cục mỡ có con sư tử Hà Đông. Đã vậy, lại có hai thằng cà chớn (là chúng tôi) không biết từ đâu đến, thay phiên nhau, ngang nhiên tha cục mỡ đi khắp ta bà thế giới. Tưởng tượng thôi, cũng đủ cho ông ta, đứt gân máu (vì tức) mà chết!

PHẠM THÀNH CHÂU