Trang

13/08/2022

Để bồi dưỡng cho trẻ một nội tâm mạnh mẽ: Cha mẹ đừng là ‘siêu nhân’

Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ có thể động viên về mặt tinh thần, chứ không nhất thiết lần nào cũng đều ra tay giúp đỡ như siêu nhân. (Ảnh: Shutterstock)

 

Một hôm khi tôi đang ở phòng khám, tôi hỏi đứa trẻ đến khám sức khỏe như mọi ngày rằng: “Con có tập thể dục hàng ngày không?” Đứa trẻ 9 tuổi trả lời: “Không”.

Tôi lại hỏi: “Con có nhìn vào màn hình điện tử, bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, TV, v.v. trong hơn hai giờ một ngày không?” Đứa trẻ trả lời: “Tất nhiên rồi! Sao cô lại hỏi lạ như vậy? Điều đó chẳng phải rất bình thường sao?”

Tôi nhìn vào nhân vật chính của tương lai đất nước này và nói, “Con đang nói rằng việc nhìn vào máy tính hơn hai giờ một ngày mà không tập thể dục là điều bình thường phải không?”. Cậu bé nói: “Bình thường ạ!”.

“Vậy khi chưa phát minh ra máy tính, trẻ con sẽ làm gì?” Cậu bé không trả lời. Tôi không nghĩ cậu bé có thể tưởng tượng được “những ngày tháng đó”.

Bạn có thấy việc cho trẻ ăn đôi khi rất đau đầu không? Trẻ con thì kén ăn, cái này không ăn cái kia không ăn, một bữa ăn dùng điện thoại di động để dỗ cũng phải mất hai tiếng đồng hồ. Bạn có phải đưa con đến sân chơi hoặc sở thú khi bạn đang trong kỳ nghỉ, khiến bạn không thể nghỉ ngơi? Có vẻ như tất cả trẻ con hàng xóm đều từng đi rồi, nếu con bạn không đi đến đó, phải chăng sẽ bị chế giễu là không có tuổi thơ? Khi cùng con xem tivi, bạn luôn phải cùng con xem các chương trình hoạt hình, thậm chí dẫu ông bố rất muốn xem trận bóng nhưng cũng phải nhường cho con xem?

Rốt cuộc là từ khi nào mà quan niệm xã hội và cuộc sống của chúng ta đã biến thành “lấy trẻ em làm trung tâm”? Khi thực hiện bất kỳ việc gì, trước tiên cha mẹ phải xem xét cảm xúc của con cái, chọn món gì con thích ăn, con thích xem gì và những nơi nào con thích đi chơi. Trong thời đại thiếu thốn về vật chất, ngay từ nhỏ con trẻ đã cần phải học cách tự lập, nhưng bây giờ, khi đã được ăn mặc đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn, tại sao con trẻ lại có tính ỷ lại rất lớn và luôn kêu ca?

Có thể thấy, hệ thống giáo dục hiện đại chỉ chú ý đến việc phổ biến kiến ​​thức, mà không có sự khai sáng về tâm linh. Sự trưởng thành của trí óc cần phải trải qua những khó khăn và nghịch cảnh, giống như câu chuyện về Câu Tiễn nếm mật nằm gai vào thời Xuân Thu hay cách giáo dục của người Sparta cổ đại, họ để học sinh thường xuyên chịu khổ, khiến khắc khổ cần mẫn trở thành một thói quen, từ đó mà vươn lên. Dù ngày nay không còn ở thời chiến tranh loạn lạc, nhưng bạn cũng không cần phải chiều chuộng trẻ con bằng những cách cực đoan, mà hãy nhường lại những “khó khăn phù hợp” cho con trẻ.

6 nguyên tắc để bồi dưỡng cho trẻ một nội tâm mạnh mẽ

1. Để trẻ tự giải quyết vấn đề

Ví dụ, nếu hai anh em đang đánh nhau hoặc cãi nhau, và một trong số chúng định mách với bạn, thì bạn nên trả lời “Mẹ tin con có thể giải quyết được tốt chuyện này”, và sau đó rời đi. Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ có thể động viên tinh thần, không nhất thiết lần nào cũng phải ra tay giúp đỡ như một siêu nhân.

2. Hãy để trẻ học cách đồng cảm 

Ví dụ, bạn có thể nói với đứa trẻ: Lần trước chúng ta đã xem phim hoạt hình, lần này con phải xem một trận bóng với bố hoặc chương trình nấu ăn với mẹ; lần trước đã đi công viên giải trí, lần này chúng ta sẽ lên núi… Làm cho con bạn quan tâm đến nhu cầu của người khác.

3. Cha mẹ không thỏa hiệp 

Nếu bạn bảo trẻ không được nhìn vào điện thoại khi ăn và trẻ òa khóc, phản ứng của bạn nên là: “Mẹ hiểu con không vui, con có thể bình tĩnh lại một chút rồi tiếp tục ăn cơm”. Con không thể bình tĩnh? Không sao cả, vậy con có thể ăn bữa sau. Hãy cho trẻ biết rằng cha mẹ sẽ luôn ủng hộ con, nhưng sẽ không thỏa hiệp với những đòi hỏi vô lý của con.

4. Để trẻ chịu trách nhiệm về các quyết định của mình 

Nếu trẻ lười biếng, không chịu làm bài, cha mẹ không cần phải vội vàng thúc giục, hãy để trẻ tự giải thích với giáo viên. Hãy để trẻ biết rằng việc học là cho bản thân, và cha mẹ không được lợi gì từ việc trẻ làm bài tập. Cha mẹ có thể cố ý làm giảm chất lượng cuộc sống của con cái (quan sát xem trẻ quan tâm đến điều gì), chẳng hạn như chơi game, mua sắm quần áo, v.v. Nói với trẻ rằng bởi vì con không nỗ lực, nên con không thể có được những điều kiện sống tương ứng (trong xã hội hiện thực cũng là như vậy).

5. Hướng trẻ tham gia các hoạt động nhóm 

Các hoạt động nhóm như Hướng đạo sinh, trại hè, ban nhạc, đội bóng đá hoặc các tổ chức từ thiện, nhóm tình nguyện, v.v. Từ đó, giúp trẻ học được cách tự chủ trong các hoạt động nhóm, thích nghi với môi trường và quy củ của đoàn thể. Điều này sẽ giúp trẻ cải thiện được kỹ năng ứng phó trong xã hội.

6. Cho trẻ xem những tin tức phù hợp

Chẳng hạn như tin tức xã hội hoặc thậm chí là tin tức quốc tế, để trẻ học cách quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh và đưa ra ý kiến ​​của mình. Hãy cho con bạn biết việc quan tâm đến các động thái xã hội sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình như thế nào.

Thông tin sơ lược về tác giả:

Bác sĩ Hoàng Ngạn Hồng (Grace Yen Hoong Ooi, MD) là giáo sư lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Weill Cornell và Bệnh viện Lutheran Đại học New York, và là Giám đốc Phòng khám Nhi khoa Hạnh Phúc ở New York. Bà tốt nghiệp Trường Y Harvard và Đại học McGill ở Canada.

Lý Giai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch

 

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.