Hơn
một chục bà sồn sồn họp mặt, tranh nhau xôn xao cười nói ồn ào như chim vỡ tổ,
ăn uống liên miên không dứt, tâm sự dông dài. Nói qua đủ các đề tài trên
trời dưới đất. Rồi chuyển qua chuyện chồng con.
Chị
Xuân “khai hỏa” :
– Ông chồng em lười như hủi mấy chị ơi.. Không biết tại sao ông trời
lại sinh ra được một kẻ lười đến như vậy. Không làm được việc gì nên thân. Nhờ
đi mua mấy bó rau răm thì đem về rau húng. Mua trái cây, không khi nào chịu lựa,
thò tay bốc đại, đem về toàn cả đồ hư thối. Ngay cả việc đổ rác cũng không
xong.
Chị
Hạ phụ họa lời chị Xuân :
– Đàn ông, theo em định nghĩa, là một giống vật lười. Chị đừng
than thở chi cho mất công. Cứ thử hỏi các chị quanh đây, có ông chồng nào không
lười ? Thôi, trách móc kết án chỉ là thừa. Tôi hỏi thật chị nhé, ông xã chị lười,
nhưng có lười trong chuyện… chuyện phòng the hay không ? Đó mới là điều quan trọng
nhất.
Các
bà ngồi quanh cười hi hi.
Chị
Xuân đỏ mặt, nói lí nhí :
– Lười thì mọi việc đều lười.
– Hừ, lười chuyện phòng the… mà quần nhau có đến sáu đứa con ? Nếu
không lười e có hai chục đứa hay sao ?
Chị
Hạ nói tiếp :
– Ông chồng chị đâu có lười bằng chồng chị Hương ? Nghe nói ông
này lười đến độ những khi nào vợ chồng “vui vẻ” cũng vẫn còn để nguyên cả
áo quần. Thế mà chị Hương có bao giờ than ông ấy lười đâu ? Này chị Xuân ơi, chị
nói chồng chị lười, mà có lười việc sở không ? Có lần nào bị đuổi việc vì tội
lười biếng chưa ?
Chị
Xuân cao giọng :
– Việc sở, ông ấy đâu có dám lười ? Lười để bể nồi cơm sao ?
Lười để cả nhà dắt nhau đi ăn mày ? Ở sở, ông ấy chăm chỉ, đi sớm về muộn, đôi
khi làm việc sở quên cả giờ ăn trưa đó ! Thỉnh thoảng lại còn mang công việc sở
về nhà nữa !
Chị
Hạ hỏi dồn :
– Về nhà, ông ấy có dạy và kiểm soát việc học của các con
hàng ngày không ? Có cắt cỏ, tưới cây không ? Có sửa chữa nhà cửa điện nước
không ?
Chị
Xuân hừ một tiếng dài :
– Các việc đó mà lười nữa, thì ai lo
cho !
Chị Thu lớn tiếng xen vào :
– Tôi thì chỉ mong có ông chồng lười cho đỡ mệt. Ông chồng tôi ham làm vườn
quên ăn quên ngủ, quên giải trí, quên hết. Ai đời đi làm việc về, vội vã thay
áo quần, chạy mau ra vườn, xới đất trồng cây cho đến khi trời tối mịt thì thắp
đèn lên làm tiếp. Mãi cho đến chín mười giờ mới chịu vào ăn tối. Cơm canh nguội
lạnh. Thứ Bảy Chủ Nhật, cũng loay hoay ngoài vườn từ sáng sớm cho đến khuya. Vợ
con không nhờ được việc gì cả. Quanh năm bốn mùa lăn lóc trong khu vườn. Những
khi mưa đổ như trút, gió thét ầm ầm, thì co ro che dù, mang áo mưa, tưởng như bị
trời hành. Tôi kêu gào rát cả cổ, cũng không suy suyển, chán quá, tôi cũng
không thèm nói năng chi nữa !
– Vườn có rộng không ?
Ông ấy trồng gì mà quanh năm không hết việc ? Một bà tò mò hỏi.
– Khá rộng. Ông ấy cứ bứng
cây này, trồng cây kia. Làm non bộ, đắp núi giả, gầy uốn cây bonsai, bắt ống nước,
chạy dây điện. Cứ thế mà từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm kia, không
bao giờ xong. Những khi đau yếu chưa lành bệnh hẳn, còn ho hen, xịt mũi, cũng
ra vườn không kể chi đến nắng gió.. Ông ấy còn bảo, nếu không ra làm vườn, bệnh
càng khó thuyên giảm, lâu bình phục.
Bà bạn cười cười :
– Chị có biết
không, làm vườn cũng là một lối thiền cao độ. Hầu như tất cả các đại thiền sư
Nhật Bản, đều say mê việc tạo cảnh. Thiền là đó, chứ không phải đâu cả. Hay là,
hay là… chị cằn nhằn quá, nói nhiều quá, nên ông ấy lấy cớ ra vườn lánh nạn.
Cho đỡ khổ cái lỗ tai, đỡ phiền muộn chăng ?
– Vô duyên chưa
? – Chị Thu gắt – Chị cứ suy bụng ta ra bụng người. E rằng, ông chồng
của chị cũng không khỏi khổ vì cái miệng hay chót chét của chị đó ! Chị
Thu thở dài chán nản tiếp: – Ông ấy mê cái vườn còn hơn mê vợ con, mê công
việc. Tôi thù ghét cái vườn. Không thèm nhìn đến, có khi cả tháng không bước
chân ra vườn, Cái vườn giành mất tình yêu của vợ chồng tôi.
Người bạn vỗ vai chị Thu, dịu dàng nói :
– Có được ông chồng
không ham chơi, chẳng rượu chè, cờ bạc, trai gái, đàn địch, chỉ ham làm vườn,
lành mạnh như thế, mà vẫn chưa bằng lòng, thì đòi gì nữa ? Chị muốn có gì hơn ?
Chị Thu đáp :
– Hạnh phúc.
Chị bạn cười mũi :
– Hạnh phúc ? Hạnh phúc thì phải do chị tự tạo lấy. Cứ ngồi không mà chờ,
thì khó có, rồi trách móc người này, kẻ kia. Sao chị không ra vườn, tiếp tay với
ông ấy, cùng cuốc xới, trồng trọt, tưới nước, chăm sóc cây trái. Rồi tâm sự,
chuyện trò, thì hạnh phúc tự nhiên tới. Chị cứ thử trong vài ba tháng xem
sao ? Có mất gì đâu. Không chừng rồi chị cũng say mê làm vườn như ông ấy, và từ
đó, thuận vợ thuận chồng thì tát biển đông cũng cạn.
Chị Hạ lắc đầu nói ngang :
– Kế sách đó cũng hay. Nhưng tôi có một mưu chước khác, làm ông chồng chị
không dám ra vườn nữa. Nếu chị chịu, tôi bày cho. Nhưng sau này xong việc, phải
trả công cho tôi hậu hĩ đấy ! Này nhé, chị cứ giả vờ yêu mến cây cỏ, thiên
nhiên, ra vườn cùng ông chồng, cứ đứng chống nạnh chỉ tay. Đòi cây này phải bứng
qua góc vườn, cây kia phải phải chuyển lại gần hàng rào, vồng hoa nọ không
thích hợp với vị trí đó, nhổ hết trồng loại hoa khác, cái vòi phun nước phải để
qua góc bên trái mới mỹ thuật, cứ thế mà đòi hỏi phê bình đủ thứ chuyện, lải nhải
mãi. Tôi đoán, ban đầu ông ấy cũng sẽ làm vài việc theo lời yêu cầu cho vợ vui
lòng. Nhưng rồi càng ngày càng mệt, và cứ bị đòi hỏi mãi, ông ấy cũng sẽ chán nản,
bực mình và không dám ra vườn nữa. Mấy chị nghe kế sách này có cao không ?
Một chị la lớn :
– Không đựợc đâu
! Lải nhải và yêu sách mãi, lỡ ông ấy nổi nóng, phang cho một cán cuốc vào đầu
thì uổng đời. Đừng có dại.
Mấy bà cùng cười vang.
Chị Hạ cười nói tiếp :
– Ông ấy có ăn học đàng hoàng, đứng đắn, đâu phải bọn ba trợn vũ phu mà
làm càn ! Trong đám chị em chúng ta ở đây, coi bộ chỉ có ông chồng chị Hạ là
không có vấn đề. Gia đình vui vẻ hạnh phúc nhất.
Chị Hạ phản đối liền :
– A ! Phải “nằm
trong chăn, mới biết chăn có rận”. Trông như không có vấn đề gì cả, mà sự
thực lại trầm trọng. Ông chồng tôi là một nhà giáo nghiêm nghị, nghiêm nghị
trong lớp học, tại trường, nghiêm nghị ngoài xã hội và nghiêm nghị cả với gia
đình, vợ con. Lấy nhau mấy chục năm mà chưa bao giờ thấy ông ấy cười. Nụ cười
hiếm hoi còn hơn nàng Bao Tự đời xưa trong truyện Tàu, mà U-Vương phải đốt
phong hoả đài, gạt chư hầu về cứu giá, mới có được nụ cười của người đẹp. Ông
chồng tôi, chẳng có đẹp gì cho cam. Mẹ tôi nói đùa rằng, hôm nào cả nhà đè ông
ra mà thọc lét, để xem ông có biết cười hay không ! Người ta bảo, một nụ cười bằng
mười thang thuốc Nụ cười quý lắm. Mấy chục năm chưa lần thấy nụ cười trên môi
ông chồng. Tôi cũng biết vui, biết buồn, chứ phải gỗ đá đâu mà cứ trơ trơ.
Chị Đông nãy giờ chưa nói, bây giờ hứng chí
cũng góp chuyện :
– Không biết cười còn đỡ. Ông chồng tôi thì mít ướt, thấy chuyện gì cũng cảm
động mà khóc được. Những khi xem phim bộ Đại Hàn, cứ khóc thút thít mãi như con
nít bị đánh đòn, lau hết cả hộp khăn giấy. Đọc truyện cũng thế, khi đọc đến những
đoạn lâm ly, thì khóc oà, bỏ sách xuống, không đọc tiếp được nữa. Đi đám ma bạn
bè, gia đình người chết thì tỉnh khô, mà mắt ông thì ướt nhẹp, đỏ lòm, xụt xịt
mũi nước. Tưởng như đóng kịch. Có lần trong bữa cơm, ông kể chuyện hai vợ chồng
bên Tàu thời Cách Mạng Văn Hoá, đói quá, bà vợ đồng ý để chồng gả bà cho người
khác, để có cơm ăn, cho bà vợ khỏi chết đói. Mới kể nửa chuyện, ông khóc oà ra,
để chén cơm xuống. Khóc như cha mẹ chết. Đứa con gái nói : “Ơ kìa Ba, khéo
dư nước mắt khóc người đời xưa !”. Mỗi lần nghe chuyện gia đình nào tan
vỡ, mắt ông cũng đỏ hoe. Lòng ông ấy mềm nhũn, yếu xìu, nên chẳng bao giờ nói
“không” với người khác được. Bởi thế cho nên các cô thư ký trong sở
tranh nhau, đánh ghen nhau tơi bời. Ông chẳng dám binh ai, bỏ ai. Tôi cũng khổ
vì cái tình cảm yếu mềm sướt mướt của ông. Tôi cũng biết sôi máu ghen lên chứ !
Đàn bà mà ! Chồng của mình, chứ đâu phải là của chung thiên hạ, dù biết ông
chẳng bao giờ đủ can đảm để bỏ bê gia đình.
Một bà nói:
– Tôi cứ tưởng
ông ấy hiền lành, chứ đâu ngờ đào hoa đến thế !
Chị Đông đáp lại :
– Đúng, ông hiền lành
! Nhưng nếu có ai thương, thì ông không nỡ từ chối. Không nỡ làm mất lòng ai.
Khi nào tôi cũng cứ dặn lòng, cứ bình tâm mà hưởng hạnh phúc dành riêng cho
mình. Không thể nào thay đổi cái mềm yếu của ông chồng, thì cứ chấp nhận. Vì
ông rất trân quý gia đình, chăm sóc con cái hết lòng, hy sinh mọi thứ cho vợ,
con, và cả người ngoài nữa.
Câu nói của chị Đông như gãi đúng chỗ ngứa
của chị Hoa. Chị bắt đầu nở máy thở than :
– Tôi khổ và giận nhất là chuyện ông chồng bao đồng lo việc bên ngoài. Ăn
cơm nhà, vác ngà voi. Bất cứ chuyện gì, có ai kêu, vội nhảy nhổm lên mà chạy đến
cho kịp. Ai giao việc gì cũng ôm vào làm “chùa” không công, ngày đêm. Rồi
tụ họp nhau ăn uống, cà phê, cà pháo liên miên. Lấy tiền nhà chi tiêu cho việc chung
thiên hạ. Không có tiền thì cà thẻ tín dụng. Việc nhà thì nhác, việc chú bác
thì siêng. Mấy cái bóng đèn ở nhà đứt dây tối thui, kêu gào rát cả cổ mới chịu
thay. Cái vòi nước cứ ri rỉ long tong hoài, nghe bực đến nhức đầu, không bao giờ
chịu sửa. Những người như ông này, có lẽ đừng bao giờ lập gia đình, để sức lực,
thời gian mà lo cho việc thiên hạ.
– Thế thì sao chị lại
chịu lấy ông, để rồi bây giờ than van ?
– Tôi đâu có biết.
Ngày xưa mới quen nhau, đến nhà chơi, ông làm đủ thứ việc, nào là sửa điện,
đóng lại cái bàn long chân, bắt ống khóa, mở cái đồng hồ chết ra mà vô dầu,
quét vôi tường ngày tết, cưa cây, trồng hoa, chỉ dạy bài học cho các em tôi, đến
cả nấu cơm, kho cá, làm đủ việc hằm bà lằng. Chịu khó giống như các cụ ngày xưa
đi ở rể. Tôi cảm động lắm, nhưng không ngờ, ở đâu ông ấy cũng hăng hái nồng nhiệt
làm việc như vậy cả. Ông ấy sống cho thiên hạ, chứ không sống cho gia đình. Tôi
xét đoán sai, chọn lầm người. Đáng ra ông phải dành mọi sự ưu tiên cho gia
đình, vợ con đã, rồi nếu dư năng lực, thì giờ, mới lo cho việc chung của thiên
hạ.
Một chị la lớn :
– Nghĩ cho cùng, ông ấy là người tốt, có tấm lòng. Đáng khen,
không đáng trách. Nếu ai cũng lơ là việc chung, thì xã hội này đi đến đâu ? Làm
chi có những sinh hoạt xã hội ?
Chị Nguyệt có chồng thi sĩ tiếp lời :
– Ông chồng chị
Đông, làm việc còn ích lợi thiết thực cho thiên hạ. Chứ như ông chồng em, suốt
ngày mơ mơ màng màng, tỉnh không ra tỉnh, say không ra say. Cứ suy nghĩ vẫn vơ
tìm vần dệt thơ, quên trước, quên sau. Không nhờ được việc gì. Ban đêm đang ngủ,
nằm mơ hay chợt tìm ra một câu thơ lạ, thì vội vàng bật dậy chép liền. Có khi
ngồi bóp đầu, bóp trán từ nửa khuya đến sáng, làm được mấy câu thơ. Buổi sáng mặt
mũi bơ phờ như người bệnh. Đem ra khoe. Không cần biết hay hay dở, em chê liền.
Rồi có trách móc, dằn vặt, thì ông ấy nói rằng ngày xưa, có ông Giả Đào nào đó
viết : “Ba năm mới làm được hai câu thơ, ngâm lên một tiếng, hai giòng lệ rơi
không cầm được, người tri âm nếu không cùng hưởng, mùa thu sang ta về núi nằm”. Chưa
hết đâu nghe các chị. Lại véo vào ngân quỹ tiết kiệm của gia đình mà in thơ, chất
đống trong nhà. Rồi ra mắt sách, tốn thêm tiền thuê hội trường, mua nước ngọt,
thức ăn, phải có gì cho người ta ăn uống mới chịu khó ngồi lại nghe. Còn phải gởi
thơ mời, tốn thêm tiền in thiệp, tiền bưu phí. Cũng phải chi chút chút cho ban
nhạc phụ giúp vui, năn nỉ ca sĩ hát “chùa”. Đáng ra em phải tránh xa các
nơi ra sách này cho đỡ buồn, tủi, nhưng thấy ông chồng hăm hở tội nghiệp quá,
em đi theo ủng hộ. Lại càng buồn hơn. Khách tham dự thì lèo tèo mấy chục
người nói chuyện riêng ồn ào, không thèm để ý đến diễn giả đang nói gì, ca sĩ
đang hát hò gì. Chỉ bán được mười mấy cuốn thơ cho đám bạn bè thương tình mua ủng
hộ. Buổi ra mắt chưa xong, mà khách đã về gần hết.
Đáng ra, họ đã đến, thì ráng chịu khó thêm
một chút, ở lại cho đến khi kết thúc, nó lịch sự hơn. Cũng tốn bộn tiền đấy chứ
! Cái giống thi sĩ, xem tiền như rơm, như rác, nhẹ bấc. Nhưng mình là con vợ,
thì phải xem tiền là cơm, là gạo, là điện, nước. Tiền là mồ hôi nước mắt. Chưa
xong, đi đâu cũng lè kè mấy tập thơ, gặp ai cũng hí hửng ký tặng. Ông ấy đâu có
biết người ta đem về nhà, vất lăn lóc đâu đó, không đọc, hoặc thương tình lắm,
thì đọc phớt một hai bài. Thời buổi này ai rỗi mà đọc thơ ?
Chị Hạ khoa tay nói lớn :
– Đáng ra chị
Nguyệt phải hãnh diện có ông chồng thi sĩ chứ ! Ngày xưa, tôi cứ mơ có được một
chàng thi sĩ đem tôi vào thơ, để ngàn năm sau, hình bóng mình cứ thấp thoáng
mãi trong văn chương. Chị Nguyệt ơi, ông chồng chị làm văn hoá, đóng góp, thêu
gấm dệt hoa cho đời, còn quý gấp trăm, gấp ngàn lần làm ra tiền bạc. Tiền bạc
chỉ có mình tiêu xài, và tiêu đi là hết. Văn hóa còn đó, còn mãi mãi, phục vụ
cho bây giờ và cho cả ngàn sau. Chị nghĩ sao ?
Chị Nguyệt lắc đầu :
– Không, tôi thực
tế, tôi chỉ muốn có cơm gạo. Còn mai sau, có xui mà được lưu truyền tán tụng,
tôi đã ra ma rồi, đâu biết chi nữa ! Ông chồng nhiều lần làm tôi sượng mặt, ông
nghe thiên hạ xúi dại, trong các bữa tiệc, ngâm thơ. Đã già rồi mà lời thơ cứ
anh anh, em em, khổ đau thất tình, lửa yêu cháy bỏng, quằn quại, trái tim máu
me, thân xác vật vã. Toàn cả những hình ảnh ướt át thương đau. Anh em, khổ đau,
da diết, với ai đó, chứ đâu phải với tôi ! Thử hỏi, bây giờ chúng ta cứ làm
thơ thương tiếc người tình xưa, công khai phô diễn cái đớn đau, xót xa cho
mối tình cũ, thì các ông có chịu hay không ?
– "Thôi thôi, đủ
rồi. Lý do nào cũng đúng".
Một chị lớn tuổi cắt ngang. Rồi chị tiếp lời
:
- “Khổ đau của các chị
là chuyện nhỏ, như đi đường đạp gai. Đáng ra phải nhổ cái gai ra, các chị không
chịu, để thế mà đi, gai cứ làm nhức nhối mãi. Tôi còn nghe chị Hồng, chị Lê, chị
Huệ than thở các ông chồng cứ ôm chặt lấy cái computer suốt ngày suốt đêm, bỏ
bê việc nhà. Chồng chị Phương, chị Dung thì say mê thể thao, cá độ, mất hết tiền
bạc, nợ nần. Chồng chị Thành tối ngày say sưa bí tỉ, nhậu nhẹt tì tì từ khi mở
mắt cho đến khi đi ngủ. Lái xe trong khi say rượu, bị bắt còng tay. Còn chồng chị An, chị
Bích, chị Chi thì đóng đinh ở quán cà phê, đánh cờ tướng, nói chuyện chính trị
suốt ngày quên ăn trưa, ăn tối. Nào chị Giang, kể cho các bà nghe về nỗi khổ vì
chồng con của chị đi nào !
Chị
Giang trẻ nhất trong đám các bà. Mặt mày thanh tú. Nét đẹp kiêu sa của thời con
gái chưa phai tàn. Chị bình tĩnh vuốt tóc và thong thả kể :
– Ông chồng em sáu mươi chín tuổi rồi, gặp lại một bà bạn học
chung lớp ngày xưa. Bà này là cô giáo cũ của em thời trung học. Khi đi học, chồng
em và bà cũng chẳng có tình ý chi với nhau. Có lẽ học cùng lứa, thì các cô xem
bọn con trai như em út, và các anh nhỏ cũng không dám chơi leo tơ tưởng tới các
đàn chị. Năm trước họ vô tình gặp nhau, cả hai tuổi đều đã xấp xỉ bảy mươi. Thế
mà họ lại yêu nhau mê mệt. Em có thể hiểu được ông chồng mình, thứ đàn ông mà
trẻ không tha, già không kiêng, vốn tính trăng hoa xưa nay. Em cũng đã chán, hết
cả ghen tương từ lâu. Nhưng không hiểu được bà kia, tuổi tác đó, chồng con đề
huề, cháu nội cháu ngoại cả chục đứa. Thế mà hai người chơi ngông, mết nhau,
say sưa điên cuồng quên hết mọi sự. Ngày nào cũng điện thoại cho nhau vài ba giờ,
không biết chuyện đâu ra mà nói nhiều đến thế. Mỗi tuần họ gặp nhau ba lần tại
khách sạn, hú hí đú đởn. Em cứ vô tình, không hay biết. Cho đến một hôm, trong
lúc say rượu, ông ủi xe vào hàng cây bên đường, bị thương ngất đi. Cảnh sát chở
vào bệnh viện. Em kêu hãng bảo hiểm nhờ kéo xe về nhà. Lục thùng xe tìm giấy tờ,
thấy nguyên một bao thư mấy trăm trang, in điện thư trao đổi qua lại của hai
người này. Đọc thư họ, em không khóc, mà chỉ cười, vì họ viết cho nhau lời lẽ
tình tứ như còn ở tuổi mười sáu, hai mươi. Già tuổi đó, mà viết được cái tình cảm
yêu đương mê muội của bọn con nít, thì họ cũng tài tình đáng phục. Bà ấy liều mạng,
nhiều lần viết rằng : “Em sẵn sàng chịu bị cạo đầu bôi vôi, bị lột trần truồng
dẫn đi rong bêu rếu và bị ném đá cho đến chết để có được tình yêu của anh”.
Ghê khiếp chưa, một cô giáo có trình độ đại học mà rồ dại đến thế. Em hẹn gặp
bà, ban đầu bà định chối, nói là bạn cũ gặp nhau nhắc chuyện thời đi học xa
xưa. Em đưa cả xấp thư cho bà ấy xem. Bà hết hồn, mặt xanh như tàu lá và run rẩy
gần ngất xỉu. Thấy thái độ của bà, em cũng thương hại. Em lên mặt dạy đời cô
giáo cũ rằng : “Thưa cô, ngày xưa em kính trọng cái tư cách và phong thái đứng
đắn của cô. Có những điều cô dạy, đến nay em còn nhớ. Cô thử nghĩ xem, nếu ông
chồng cô, con trai con gái cô, dâu rể và cháu nội ngoại đọc được một phần trong
những lá thư này, họ sẽ nghĩ gì, và đối xử ra sao với cô ?” Cô ngồi run cầm
cập, mặt trắng bệch như xác chết, im lặng, điếng người, có lẽ vì quá xấu hổ,
quá sợ, thở dốc từng hồi. Em nói tiếp: “Thưa cô, em ước mong rằng, đừng
ai gọt đầu bôi vôi, đừng lột trần truồng dẫn cô đi bêu rếu, và đừng ai ném đá
cô đến chết. Đây, cô giữ lấy tập điện thư trao đổi này. Đây là bản duy nhất, em
không muốn giữ làm gì. Em thương em, và thương cả cô, vì chúng ta đều là nạn
nhân khốn khổ của một ông chồng mất nết. Xin cô hãy thương thầy, ông chồng già
đáng kính của cô, đã chia vui xẻ buồn cùng cô, hy sinh cho cô suốt trong gần nữa
thế kỷ dài. Cũng đã đi gần hết đời người rồi. Không còn bao lâu nữa”. Em đứng
dậy và bước đi, không quay lại nhìn bà ấy.
Tất
cả các bà nghe đến đó, đều nhao nhao lên phản đối :
– Tại sao ngu vậy? Tại sao không chụp ra vài bản, gởi
cho ông chồng và các dâu rể của bà để trừng phạt ?
Chị
Giang bình tĩnh :
– Để làm chi ? Nếu không kéo ai lên được, thì cũng đừng nên
xô họ xuống hố sâu thêm. Người ta đau khổ, xấu hổ, mà mình cũng chẳng được gì
?
Các
bà đồng thanh nói :
– Để trả thù, để trừng phạt. Thế thì bây giờ
ông chồng của chị ra sao ?
Chị
Giang thở ra :
– Em không thù, thì trả thù làm chi ? Bây giờ ông chồng em vẫn
bình thường, vào ra trong nhà như con chó cúp đuôi biết lỗi. Con người đó,
trăng hoa phóng đãng khó chừa, nhưng ông cũng còn khá nhiều cái tốt khác mà ít
người có được. Em phải biết tự cứu mình, và cứu gia đình. Chắc các chị mới thấy
cái bề mặt cư xử nhân từ của em đối với bà ấy mà thôi, chứ chưa thấy cái thâm độc
nham hiểm còn hơn cả Hoạn Thư. Nếu em hùng hổ xỉ vả chửi mắng thô tục, thì bà
đó ít đau, ít thấm thiá hơn là những lời nói nhẹ nhàng nhân hậu đó.
Bà
chị lớn tuổi nhất đám đua hai tay lên trời mà than :
– Ôi sao kiếp đàn bà chúng ta chịu lắm khổ đau như thế này.
Tất cả cũng đều do bọn đàn ông gây ra cả. Thế nhưng, thiếu đàn ông, thì đâu có
sống bình thường được, đàn bà sẽ khô héo như đem cây trồng vào sa mạc. Nhưng có
phải khổ đau trong đời sống vợ chồng, một phần lớn cũng do chúng ta tự tạo ra
chăng ? Bởi thế, tôi nhớ có gã triết gia cà chớn nào đó viết đại ý rằng :
“Nguyện vọng thiết tha nhất của đàn bà con gái là kiếm cho ra một tấm chống,
nhưng khi có một tấm chồng rồi, thì họ muốn có tất cả”. Cũng không phải
hoàn toàn sai đâu.
Tràm Cà Mau
phức tạp thật
Trả lờiXóa