Trang

30/01/2023

TÌNH CHA - Truyện có thật.

        


Tôi là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng ơn Chúa, Người đã cho tôi có một gia đình đầm ấm đầy ắp yêu thương. Đó là gia đình ba má nuôi của tôi. Papa tôi, ông Charles-Théodore Millot, một thương nhân người Pháp.

Biến cố bất ngờ xảy đến với tôi vào một ngày Thu của Hà Nội năm 1855, khi tôi mới 5 tuổi. Mẹ mất năm nào thì tôi không nhớ, nhưng khi đó cha tôi làm nghề đánh giày, ngày ngày dắt tôi đi quanh những con phố nhỏ của Hà thành. Hồi ấy có mấy ai đi giày, chỉ có những thương nhân Châu Âu hoặc những người Việt Nam giàu có theo Tây học mới có giày thôi. Đánh giày cho họ cũng chẳng dám nói giá, cứ xin họ cho đánh là tốt rồi. Đánh xong, họ muốn cho bao nhiêu là tùy họ. Tuy thế, tiền công đánh giày cũng tạm đủ cho cha con tôi hai bữa qua ngày. Hôm nào cha tôi đánh được dăm ba đôi, được ông Tây bà Đầm nào cho thêm cho vài xu, là tôi lại có quà.

Hôm ấy, vừa được khoản bo, cha bảo tôi đứng bên này đường và chạy vội sang bên kia mua cho tôi chiếc bánh bao. Lúc quay trở về, một chiếc xe ngựa chạy vút qua đã làm cha con tôi xa nhau mãi mãi. Tôi lao ra ôm lấy cha khóc lóc gào thét, nhưng một ông cai đội kéo tôi dậy để người ta đưa xác cha tôi đi. Vừa lúc đó, ba má nuôi tôi đi qua. Hai ông bà đã ngoài bốn mươi mà chưa có con, chứng kiến cảnh đau lòng ấy, bèn nhận nuôi tôi.

Đêm đầu tiên ngủ ở nhà mới, cuộc sống thay đổi hoàn toàn, tôi không thể nào ngủ được. Mama dẫn tôi vào một phòng lớn, ga gối đệm trắng tinh, bà ra hiệu cho tôi nằm xuống, hôn lên trán tôi rồi ra hiệu cho tôi ngủ. Nhưng tôi chưa hề phải ngủ một mình. Dù phòng trọ chật chội tối tăm thì mùa hè vẫn có cha nằm bên cạnh phe phẩy quạt, mùa đông thì đắp chung chiếc chăn mỏng và cha ôm chặt để truyền hơi ấm cho tôi. Sự ôm ấp ấy làm tôi yên tâm và ngủ ngon lành. Nay nằm trong chăn gối trắng tinh, nhưng phải ngủ một mình, lại nhớ cha, tôi cứ ôm gối khóc rưng rức. Mama phải gọi chị sen vào vỗ về tôi, đọc chuyện cổ tích cho tôi nghe, mãi mới dỗ được tôi chìm vào giấc ngủ.

Sáu tuổi, tôi bắt đầu đi học với tên Leonardo Millot. Ở lớp, bọn bạn chỉ gọi tôi là Leo. Lớp học của tôi hầu hết là con các thương nhân Tây phương, một số ít là con nhà giàu người Việt. Tôi nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới. Đồng phục của học sinh rất đẹp. Đầu giờ, học sinh xếp hàng từ ngoài đi vào trường, các chị bán hàng rong, ông xe kéo, ông đánh giày, chị bán hoa quả, cứ đứng đằng xa nhìn, ngưỡng mộ.

Mama tuy là vợ thương nhân giàu có nhưng có lòng trắc ẩn, rất thương người. Mỗi bữa ăn, bà thường bắt tôi ăn món nào hết món đó, không được để thừa. Món nào không thích, bà để nguyên, gói cẩn thận, bảo tôi đưa ra cổng cho những người ăn xin. Tôi làm nhiệm vụ này một cách thích thú vì mỗi lần đưa thức ăn ra, những người ăn xin mắt sáng lên rạng rỡ hạnh phúc.

Thấm thoắt mười ba năm học cũng trôi qua, tôi đậu Tú tài loại ưu. Đã đến lúc phải xa ba má nuôi, tôi lên đường đi Pháp học đại học. Tôi thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo, và tôi cũng thích làm linh mục để an ủi cho những linh hồn khốn khổ. Papa bảo tôi không thể làm cả hai thứ đó trong đời. Ông khuyên tôi để hai năm đầu học khoa học cơ bản rồi ba năm sau chuyên về thần học.

Ngày lên đường, papa đưa tôi xuống Hải Phòng để đáp tàu thủy đi Pháp. Mama, chị sen và một số người làm công trong nhà ra cổng tiễn tôi lên đường. Tôi cũng ngạc nhiên khi ngoài cổng còn có một đoàn người khác đứng xem. Họ thấy lạ, tò mò muốn xem hay là họ cũng biết tôi sắp đi xa lâu ngày nên muốn tiễn?

Năm năm sau tôi tốt nghiệp Cử nhân Thần học, lại được Tòa thánh Vatican cho sang Roma tu nghiệp. Sau ba năm chăm chỉ học tập, nghiên cứu ở Roma, tôi có bằng Tiến sĩ. Vatican sẵn sàng bố trí cho tôi một vị trí tương xứng ở tòa thánh, nhưng tôi xin về Việt Nam.

Sau tám năm xa cách, cuộc gặp lại ba má nuôi thật là đặc biệt. Tôi rưng rưng trong vòng tay của mama và thật cảm động với sự sắp xếp hướng dẫn của papa trên đường đời. Ông ôm hôn tôi nhẹ nhàng rồi đẩy tôi ra để ngắm nhìn tôi: “Chà!
Một vị Tiến sĩ. Ta tự hào vì con, con ạ”.

Sau khi tôi về nước ít lâu thì đức Giám mục Paul-Francois Puginier đến thăm và làm việc với papa. Ngài là Tổng Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài, bao gồm các giáo phận Bắc kỳ và bắc Trung kỳ. Ngài đến để cám ơn papa về việc đã giúp đỡ để giáo hội có khu đất đẹp để xây nhà thờ.

Nguyên khu đất này trước kia là thuộc chùa Bảo Thiên, một ngôi chùa cổ kính được xây từ thời nhà Lý. Nhưng sau một tai nạn hỏa hoạn đã trở thành hoang phế. Lúc này Bắc kỳ đã là xứ bảo hộ, Đức Giám mục đến nhờ Thống sứ Bonal can thiệp để Nam triều cấp đất cho giáo hội, nhưng ngài Bonal nói việc đó không thuộc thẩm quyền của ngài. Papa tuy không có chức vụ chính thức nhưng giao thiệp rộng, rất có ảnh hưởng với bên Nam triều, người đã vận động để Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ lấy lý do ngôi chùa đã đổ nát và không tìm thấy hậu duệ của người thành lập nên đã cho phá sập và chuyển nhượng khu đất cho nhà thờ. Đức Giám mục đã cho xây một nhà thờ bằng gỗ để giáo dân có chỗ làm lễ hàng tuần.

Lần này, Ngài đến đề nghị ba tôi vận động cho mở vài kỳ xổ số để lấy tiền xây dựng thành nhà thờ gạch khang trang và bền vững cho mai sau. Ba nói người sẵn sàng ủng hộ và mời đức Giám mục nghỉ lại ăn trưa.  Trong bữa ăn, ba giới thiệu tôi với đức Giám mục. Ngài Giám mục phấn khởi, nói:
- Thế thì còn chờ gì nữa? Đây rồi. Tôi đã tìm được người kế vị. Một Tiến sĩ Thần học tài năng, trẻ tuổi, hào hoa phong nhã như thế này, không chọn thì còn chọn ai? Tôi sẽ đề nghị trước hết là truyền chức Phó Tế cho cậu nhà, rồi giao cậu điều khiển, trông coi việc xây dựng nhà thờ. Xây dựng xong sẽ truyền chức Linh mục cho cậu, và cậu sẽ thay mặt tôi quản nhiệm nhà thờ này. Tôi tin rằng trước sau thì Tòa thánh Vatican sẽ cho tách ra khu vực Hà Nội và các vùng lân cận thành một giáo phận riêng. Khi đó cậu nhà sẽ thăng tiến lên giám mục phó, rồi giám mục Chính tòa. Con đường tiến lên Hồng Y của cậu nhà là chắc chắn, thưa ngài.

Tiếp đó, hai ông còn thảo luận thêm nhiều chi tiết nữa. Tưởng là phải tổ chức ít nhất là dăm kỳ xổ số, nhưng không ngờ dân chúng hưởng ứng nhiệt liệt. Mới phát hành được hai kỳ, tiền thu được đã đủ để xây nhà thờ mới. Về danh nghĩa, Giám mục Puginier tự tay thiết kế và điều hành việc xây dựng, nhưng thực tế là tôi đảm nhiệm tất cả những công việc cụ thể. Cả ngài và tôi đều thống nhất rằng nhà thờ này phải là một Notre Dame Paris thu nhỏ. Hai tháp chuông và mái vòm phải y hệt để thoạt nhìn người ta đã nghĩ đến Notre Dame Paris rồi.

Xây dựng trong ba năm, đến năm 1884 nhà thờ được hoàn thành. Mọi người ngưỡng mộ, nhận ra ngay kiến trúc Gô tích trung cổ Châu Âu giữa lòng Hà Nội.  Xây dựng xong, tôi được bổ nhiệm quản nhiệm nhà thờ. Tên của nhà thờ là Nhà thờ thánh Giuse, nhưng dân chúng thường gọi là Nhà thờ lớn Hà Nội.

Tôi chăm sóc các con chiên, tổ chức các hoạt động đối ngoại của nhà thờ.
Còn việc trông coi trong nhà thờ là do sơ Maria. Nhiều giáo dân, già trẻ, ngày nào cũng tình nguyện vào phục vụ việc quét dọn nhà thờ, lau chùi đồ lễ… giữ cho mọi thứ lúc nào cũng sáng bóng. Một bà già rất phúc hậu và nhanh nhẹn đến bữa đem thức ăn lên cho tôi. Còn nấu ăn là một ông già thọt chân, kín tiếng, làm món rất ngon. Từ mấy chục năm nay tôi toàn ăn đồ Tây, nhưng từ ngày về ở hẳn trong căn nhà dành riêng cho linh mục đằng sau nhà thờ, thỉnh thoảng bà già lại mời tôi ăn vài món dân dã, như bánh cuốn, bánh bao, bánh giò, là những món quà thời thơ ấu.

Một lần, bà già đưa lên mời tôi một chiếc bánh, nhưng không đưa ngay mà cứ rào trước đón sau:
- Thưa cha, cha tha lỗi nếu có gì không phải. Con muốn cha thử món bánh sắn dân dã này, nhưng chỉ sợ cha giận vì mời cha thứ bánh quá rẻ tiền.
Tôi cười thân thiện:
- "Con cảm tạ Chúa ban cho con có thức ăn hằng ngày và con sẽ không quên những người đang đói khổ. Bà đừng lo. Đây là thứ quà quý mà ngày bé tôi rất thích đấy."  Và tôi ăn ngon lành. Tôi không muốn kể cho bà biết bánh sắn là kỷ niệm đặc biệt đối với tôi. Lần ấy, mấy ngày liền chẳng gặp khách, cha thì chỉ còn một xu, mà tôi thì đói quá. Ông hỏi: “Cha chỉ đủ tiền mua chiếc bánh sắn thôi, có được không con?”. Tôi nói “được”, và quả là chiếc bánh sắn hôm ấy ngon thật. Đó là chiếc bánh làm tôi nhớ nhất và cảm thấy ngon nhất trong đời.

Ông già tàn tật thọt chân (tôi cũng không để ý nhớ tên ông) rất ít nói. Cứ làm xong việc là ông chui ngay vào căn phòng nhỏ dành cho người làm của nhà thờ, vì ông không có nhà riêng. Nhưng thường vào bữa ăn của tôi, ông lại hay đứng chực ở phòng ăn. Tôi nhắc ông: “Thôi đủ rồi, tôi không cần gì nữa đâu, ông về phòng nghỉ đi”, nhưng ông vẫn luẩn quẩn quanh đấy xem tôi có cần gì không. Có hôm tôi phải sai bảo một điều gì đó như kiểu: “Lấy giùm tôi quả ớt” thì ông mới yên tâm làm xong về phòng.

Sau một năm quản nhiệm nhà thờ tôi được truyền chức linh mục. Buổi thánh lễ truyền chức linh mục rất trang trọng. Ba má nuôi của tôi rất hài lòng và hạnh phúc. Cuộc sống tưởng như đã an bài. Tôi sống giữa lòng Chúa và có một gia đình ba mẹ nuôi đầy ắp yêu thương.

Nhưng một sự kiện đã làm xáo động tất cả. Hôm ấy sơ Maria bẩm với tôi rằng ông già tàn tật ốm rất nặng, không dậy được. Tôi bảo sơ đưa ông vào nhà thương, và nhớ trả tiền cho việc chăm sóc ông, chứ đừng đưa vào nhà thương làm phúc, bởi vì ông đã phục vụ nhà thờ suốt mấy năm ròng, ông xứng đáng được trả tiền cho việc chữa bệnh. Căn dặn thế, tôi coi như đã xong phận sự và có tình có nghĩa với ông. Nhưng một tuần sau thì sơ Maria báo tin ông già đã mất, đã an táng cho ông xong xuôi. Có vài món đồ tư trang lặt vặt nhà thương đưa lại và sơ muốn trình tôi xem. Lúc đầu tôi gạt đi, bảo sơ cất vào đâu đó chứ tôi xem làm gì. Nhưng sơ bảo có cái này lạ lắm, cha cứ nhìn qua xem sao.

Cái mà sơ thấy lạ là chiếc mặt dây chuyền tôi vẫn đeo trước đây. Đó là ảnh của tôi năm 6 tuổi ba má nuôi gắn trong hộp nhỏ mạ vàng đeo vào cổ cho tôi suốt bao năm. Hôm tôi được tấn phong linh mục, ba má nuôi lại trao tặng một sợi dây chuyền mới với cây thánh giá. Tôi cởi sợi dây chuyền cũ để trong nhà tắm. Mấy ngày sau, tôi tìm lại để cất đi thì thấy mất chiếc hộp có ảnh. Nghĩ rằng nó bị rơi ở đâu đó, chứ ai mà có tính gian tham thì họ lấy cả sợi dây chuyền vàng chứ sao lại chỉ lấy nguyên cái ảnh. Tôi cũng không để ý nữa. Thế mà nay, sơ phát hiện ra là ông già đã đánh cắp và giữ làm của riêng suốt mấy năm qua.

Xem thêm mấy thứ nữa thì tôi giật bắn mình. Tư trang của ông già lại có con quay gỗ mà ngày trước tôi thường chơi ở vỉa hè khi cha tôi đánh giày cho khách. Hai bộ quần áo của tôi hồi nhỏ. Lại nữa, máy bay giấy với các hình tôi vẽ ngày mới đi học. Một quyển vở nháp hồi trung học. Và đôi giày thể thao đã vẹt gót, há mõm mà tôi chắc chắn rằng chính tay tôi đã mang ra trước cổng bỏ vào thùng rác trước nhà.
- Trời ơi! Chẳng nhẽ ? … Chẳng nhẽ ? … Thôi đúng rồi! … Cha ơi!

Tôi vội đến đồn cảnh sát nhờ lục tìm hồ sơ lưu trữ những vụ tai nạn giao thông lúc cha tôi mất. Ơn trời, họ cũng ghi chép cẩn thận. Có một vụ tai nạn giao thông, người cha tưởng đã chết, đứa con được nhận nuôi. Xe chở người cha vào nhà xác thì ông tỉnh lại, chỉ bị thương ở chân. Vậy là, sau trận tai nạn ấy, cha tôi đã hỏi thăm và biết tôi được ông bà Tây danh giá nhận nuôi. Ông không đến nhận con, xin lại đứa con trai duy nhất của ông để dắt theo trên hè phố nữa. Ông chấp nhận sống cô đơn để dành cuộc sống ấm no đầy đủ cho đứa con của mình. Hóa ra, ông vẫn đứng đằng xa nhìn tôi khi tôi đem thức ăn ra cho những người ăn xin. Ông vẫn tới cổng trường đứng đằng xa nhìn tôi xếp hàng vào lớp. Và ông cũng đến tiễn tôi khi cùng ba nuôi lên xe đi Hải Phòng để xuống tàu đi Pháp. Ông đã săn sóc tôi với những chiếc bánh bao, bánh giò, bánh sắn như những ngày thơ ấu. Ông lấy cắp chiếc ảnh để đêm đêm tưởng như tôi vẫn nằm ngủ trong lòng ông thuở nào.

Mọi kỷ niệm về cha tràn về. Tôi lang thang trên phố vắng Hà Nội để tìm lại những nơi cha con tôi đã từng đi qua. Tôi mong trời mau sáng để được đến trước mộ cha mà cất lên tiếng gọi: Cha ơi!

***

Thưa các bạn, chuyện này do bạn Anna Nguyệt, một giáo dân nhà ở phố Ấu Triệu cạnh nhà thờ lớn Hà Nội, kể lại cho tôi. Gia đình bạn ấy nhiều đời tình nguyện vào phụng sự trong nhà thờ. Cụ tổ của bạn có một người con gái là là sơ Maria, người đã được đọc những dòng ghi chép trên và đã chứng kiến đêm hôm ấy, một đêm mùa đông lạnh buốt và ướt át, cha Leonardo Millot đi lang thang suốt đêm ngoài phố.

Ít lâu sau, đức cha nhận được tin mẹ nuôi đã mất tại Paris, người cha nuôi của ngài là Charles-Théodore Millot còn lại một mình đang rất cô đơn. Đức cha làm đơn xin từ nhiệm để về Paris chịu tang và chăm sóc cha nuôi. Với đức cha, tình yêu thiêng liêng của cha đẻ cũng như tình yêu lý trí của cha nuôi đều cần được đền đáp. Vì thế ngài không tiếp tục sự nghiệp và bàn giao cho đức cha Pierre-Marie Gendreau.

Những ngày này, nhiều người vẫn còn thổn thức, tiếc nuối chưa có dịp được đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris, thì đây, nhà thờ lớn Hà Nội, một phiên bản của nhà thờ Đức Bà Paris vẫn còn đó. Hy vọng câu chuyện về một tình yêu cha con thiêng liêng trong lòng Chúa sẽ dẫn dắt các bạn đến thăm nhà thờ này. Hàng ngày nhà thờ vẫn mở cửa đón du khách thập phương đến tham quan. Còn nếu hỏi câu chuyện trên đây có thật hay không, thì xin hỏi bạn Anna Nguyệt. Người viết truyện này không dám cam đoan.

Người kể: Anna Nguyệt
Người viết: Pháp Vân

29/01/2023

Đây không phải là một trò đùa - Hãy cảnh giác !!??????

 

CẨN THẬN THÌ HƠN...!??

 


Tôi không biết điều này có đúng hay không, nhưng nếu nó là và nó sẽ cứu một số cuộc sống thì nó đáng để đọc và cẩn thận

Xin vui lòng chuyển cái này cho gia đình và bạn bè ... !!!

Một hành động mới đang được thực hiện trong các thành phố, đặc biệt là ở Houston Texas nơi nó bắt đầu.

Một chiếc khăn ăn được đặt trong chốt cửa bên ngoài của xe và được tẩm bằng chất độc hoặc loại thuốc làm cho cơ thể ngay lập tức bị tê và không mạch lạc.

Đó là fentanyl !!!

Nó được sử dụng như một phương pháp mới để gây mê , để thực hành hành vi hãm hiếp, bắt cóc hoặc đánh cắp một chiếc xe.

Nếu bạn tìm thấy như thế nầy trên xe của bạn , tốt nhất không chạm vào nó

Thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật, hãy ở lại và tránh xa chiếc xe của bạn, nhìn quanh mình xem có người nào theo dõi bạn ?  Tại thời điểm này bạn đang bị theo dõi và họ có thể có một kế hoạch sao lưu về cách họ sẽ tấn công bạn

 


Hãy gởi nó cho mọi người biết để cảnh giác !

 ST

27/01/2023

Những mẩu chuyện nhỏ về gia đình có thể khiến bạn rơi nước mắt

Trên thế giới này, tình cảm thân thương nhất chính là tình cảm gia đình; người có thể yêu thương chúng ta vô điều kiện cũng chỉ có thể là người thân; hãy yêu quý những người thân xung quanh ta khi còn có thể…

1. Ông ngoại qua đời và mẹ rất đau lòng

Mẹ tôi bình tĩnh giải quyết việc tang gia, đến tối vừa về nhà thì ngã xuống giường khóc nức nở: “Con gái à, con biết không, mẹ không còn ba nữa rồi…”

Lòng tôi cũng đau xót cùng cực…

2. Mẹ tôi bị mất trí nhớ, tôi sợ mẹ không nhận ra tôi nữa

Ra nước ngoài được một năm, khi trở về thì mẹ tôi đã bị bệnh Alzheimer (giảm trí nhớ), bà mơ hồ không nhận ra ai ở trong nhà nữa. 

Khi tôi bước đến bên giường để nhìn mẹ, mẹ đột nhiên mỉm cười và nói với tôi: “Con mập lên rồi, gần đây con khỏe không?”.

3. Chị ơi! Đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau trong đời

Trên nhà ga ngày hôm đó, có hai bà lão đang ngồi trên ghế bên cạnh tôi; một người đến đây để tiễn người kia. Hai người nắm tay nhau không ngừng nói chuyện.

Tàu chuẩn bị lăn bánh, một bà lão quay đầu lại nói một câu trước khi lên tàu: “Chị ơi, năm nay em 89 tuổi, còn chị cũng 90 tuổi rồi. Đây có thể là lần cuối cùng chúng ta có thể gặp nhau trong đời này…”


4. Những đứa trẻ muốn gọi “mẹ”

Gần nhà có một đứa bé bị mất mẹ từ sớm, hàng ngày nó đều được bà nội đưa đón đi học.

Có lần đứa bé nói với bà nội rằng: “Con muốn gọi bà là mẹ, được không ạ?

5. Vì bạn, dù gia đình có phá sản cũng không thành vấn đề

Tôi hỏi chồng: “Nếu em bị bệnh nan y, anh có để cho em đi chữa bệnh không?”

Chồng sắp ngủ, vừa ngáp vừa đáp: “Đừng nói lung tung, khuynh gia bại sản cũng phải chữa cho bằng được!”

Tôi nói: “Nếu anh mắc bệnh thì sao?”

Anh nói: “Vậy thì không chữa. Còn lại mỗi mình em, kiếm tiền khó khăn lắm!”


6. Ba ở trên thiên đường vẫn luôn chăm sóc tôi

Một lần vô tình, khi tôi đang nghịch điện thoại của chồng thì nhìn thấy một đoạn tin nhắn; đó là tin nhắn của ba tôi đã gửi cho chồng tôi trước khi qua đời. 

“Ba sẽ để lại con gái của ba cho con, con phải chăm sóc cho nó thật tốt. Ba ở trên thiên đường sẽ rất cảm kích và chúc phúc cho hai con!” Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn bật khóc khi nhớ đến tin nhắn này.

7. Đừng rời xa gia đình quá lâu

Đây là cái Tết đầu tiên tôi trở về nhà sau mấy năm đi làm ở thành phố khác. Khi ngồi trên xe lửa trở về tôi đã mua một chai trà xanh, về tới nhà, mẹ tôi uống một ngụm rồi nói: “Mẹ chưa bao giờ uống thứ gì như thế này, nó thật là ngon!”.

8. Gia đình tan vỡ nhưng con vẫn mãi là đứa con ngốc nghếch của ba

Sau khi bố mẹ ly hôn, tôi đã đi theo mẹ. Ba tôi đã có gia đình khác, có một người con gái khác. Tôi cảm thấy mình là người thừa, dù khó khăn đến mấy tôi cũng không bao giờ nói với ba. Về sau này, có một chuyện mà tôi phải nhờ ba giúp. Sau khi làm xong rồi tôi mới gửi một tin nhắn để cảm ơn ba. 

Khi gõ hai chữ “cảm ơn”, tim tôi dường như thắt lại. Rất lâu sau ba tôi mới trả lời, chỉ vỏn vẹn có hai chữ: “Đồ ngốc!”

9. Ông nội không phàn nàn, chỉ sợ bạn lo lắng

Ông nội luôn nói với tôi: “Ông khỏe lắm, đừng có lo, con phải chú ý đến sức khỏe nhé, ăn nhiều đồ ngon một chút…”

Rõ ràng lúc đó trên bàn tôi chỉ nhìn thấy có một bát cháo trắng nhỏ, nước mắt lưng tròng… hôm đó là sinh nhật lần thứ 80 của ông nội.

10. Gia đình luôn bao bọc cho con

Ba tôi ốm nặng một lần, nằm trên giường nửa tháng vẫn chưa tỉnh. Về sau, vào một buổi chiều nọ thì đột nhiên tỉnh lại. Khi tỉnh dậy thì miệng ông mấp máy muốn nói gì đó, mẹ tôi ghé tai sát vào ba tôi và nói: “Không sao đâu, anh cứ nói từ từ, em nghe đây!”

Ba yếu ớt nói: “Con gái đi học về rồi, em đi nấu cơm cho nó ăn đi!”

11. Tình yêu vô bờ bến

Đêm giao thừa, tôi không thể về quê ăn Tết vì đi làm thêm ở nơi khác. Dù đã nói với ba mẹ tôi không thể về nhưng ba tôi vẫn bất chấp gió rét thấu xương đến đợi tôi ở nhà ga.

Mẹ tôi gọi ba về nhưng ba nói: “Lỡ con lừa chúng ta thì sao? Lỡ nó trở về vào buổi tối thì sao?”

Sau này nghe mẹ kể lại chuyện này, lòng tôi vừa thấy ấm áp như mùa xuân, vừa thấy đau buốt như mùa đông lạnh giá…

12. Ba mẹ nhớ bạn rất nhiều

Trong kỳ nghỉ đông đầu tiên sau đại học, mẹ tôi bắt đầu học cách gửi tin nhắn. Tôi là người thiếu kiên nhẫn, thấy có mấy câu mà mẹ tôi lóng ngóng nhắn mãi không xong, vì vậy tôi không muốn chỉ cho mẹ nữa.

Sau bữa tối, ba mẹ đang xem TV ở trong phòng. Tôi đang luyện nghe tiếng Anh thì chợt thấy điện thoại có tin nhắn, chỉ có mấy chữ, mẹ tôi hỏi: “Con gái, con đang làm gì thế?”

Ngọc Lan

26/01/2023

NHÀ SƯ - TÊN TRỘM VÀ LÒNG BAO DUNG

1) 

Thuở xưa, có một vị hòa thượng thiền sư Ryokan tu hành ở một ngôi chùa nằm trên ngọn núi. Một đêm, Thiền sư đi tản bộ trong rừng. Dưới ánh trăng, thiền sư đột nhiên ngộ ra một điều gì đó nên trong lòng rất vui sướng. thiền sư liền hân hoan trở về chùa. Nhưng vừa về đến chùa thì thiền sư phát hiện một người ăn trộm đến chùa trộm đồ.
Người ăn trộm sau một hồi tìm kiếm, đã không tìm được vật gì để lấy cả. Anh ta vừa quay trở ra thì gặp vị thiền sư. Vốn dĩ, vị hòa thượng thiền sư đã đứng im lặng chờ ở ngoài cửa được một lúc mà không vào vì thiền sư sợ làm kinh động đến người ăn trộm kia. Thiền sư đã sớm biết rằng người ăn trộm kia sẽ không thể tìm được thứ gì để mà lấy đi, cho nên thiền sư đã cởi sẵn chiếc áo khoác và cầm trên tay.
Người ăn trộm vừa ra cửa thì kinh ngạc nhìn thấy vị thiền sư. Thiền sư nói:
“Người đã phải đi từ xa đến đây thăm ta, dù sao thì cũng không thể để người tay không mà ra về. Đêm đang lạnh, người hãy mặc chiếc áo này vào mà đi !”. Nói xong, vị thiền sư liền khoác chiếc áo của mình cho người ăn trộm. Người ăn trộm bất giác không biết làm sao liền cúi đầu đi vội.
Thiền sư nhìn thấy bóng dáng của người ăn trộm đi dưới ánh trăng rồi biến mất vào trong rừng, không khỏi cảm khái mà thốt lên rằng: “Thật đáng thương! Chỉ mong ta có thể tặng cho ông ấy một vầng trăng sáng !”. Vị thiền sư nhìn người ăn trộm đi khuất liền vào trong phòng, để trần như vậy mà tọa thiền.
Ngày hôm sau, vị thiền sư thấy chiếc áo khoác của mình được để ở ngoài cửa một cách ngay ngắn, chỉnh tề, trong lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Ông mừng rỡ tự nói: “Cuối cùng thì ta cũng đã tặng được cho ông ấy một vầng trăng sáng”.
Trong kinh Phật từng nói: “Chỉ một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi”. Khổng Tử cũng nói: “Khoan dung thì được lòng mọi người”. Cho nên, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ để khiến cho người xấu quay đầu hướng thiện.
2)
Với những người bình thường, gặp một tên trộm là việc chẳng vui vẻ gì. Thế nhưng, đối với các bậc Thánh nhân, gặp một tên trộm lại là một điều thú vị. Câu chuyện cảm hóa những tên trộm dưới đây của các trí giả mang đến cho chúng ta thật nhiều cảm xúc.

Khi Bồ Tát Long Thọ tu hành, cuộc sống của ông vô cùng giản dị, gia sản duy nhất chỉ là một cái bát. Nhưng ông lại là thiên tài với trí tuệ vô song, ngay đến cả đức vua cao quý, hoàng hậu hay những người có địa vị, quyền lực đều là học trò của ông.

Có một vị hoàng hậu rất sùng kính Thiền sư Long Thọ, đã đặc biệt làm ra một cái bát quý giá cho ông. Khi hòa thượng Long Thọ cầm cái bát bằng sứ đến hoàng cung, hoàng hậu nói với ông rằng: “Ta muốn ngài đáp ứng cho ta một việc”.

Thiền sư Long Thọ nói: “Trên người tôi chẳng có thứ gì ngoài cái bát này, hoàng hậu muốn tôi làm chuyện gì nào?”.
Hoàng hậu nói: “Ta chính là muốn cái bát đó”.
Ông nói: “Vâng, vậy mời người nhận lấy nó”.
Hoàng hậu lại nói: “Vẫn chưa hết, ta muốn đổi cho ngài cái bát của ta, hãy nhận lấy cái bát này”. Hòa thượng đáp: “Không vấn đề gì, bát nào cũng được”.

Ông hoàn toàn không biết rằng hoàng hậu đã ngầm đưa cho mình một cái bát bằng vàng quý giá. Trên đường trở về, ông dừng chân tại một ngôi miếu đổ nát. Trước đó, có một tên trộm đã phát hiện chiếc bát quý giá quý giá trên tay Thiền sư Long Thọ, liền bám theo ông đi vào trong miếu.

Ngôi miếu chỉ còn lại 4 vách tường, không có mái che, mọi thứ hoang tàn đổ nát. Trên bức tường có một cánh cửa sổ, và tên trộm trốn ở bên ngoài thám thính. Anh ta biết rằng các nhà sư Phật giáo mỗi ngày chỉ ăn một bữa, liền tính toán: “Đợi đến khi ông ta ăn no ngủ say, mình có thể ra tay, đó là thời điểm thích hợp nhất. Hơn nữa, ngôi miếu này đã hoang phế nhiều năm, một bóng người cũng không có, quả là thuận lợi”.

Sau khi Thiền sư Long Thọ ăn xong liền ném cái bát ra ngoài cửa sổ ngay chỗ tên trộm đang ẩn nấp. Tên trộm không thể tin vào mắt mình:
“Sao lại có loại người như thế này? Ăn xong rồi lại vứt cái bát quý giá này đi, hay là cái bát này không có giá trị gì?”.

Thế là tên trộm đứng dậy hỏi: “Tôi có thể vào hỏi ông mấy điều được không?”.

Thiền sư Long Thọ nói: “Chàng trai, để dẫn cậu vào đây, ta đã phải ném cái bát ra đó! Cậu vào đi, cái bát đó ta cho cậu, nên cậu không phải là tên trộm, nó là món quà của ta. Ta là một người nghèo không có gì ngoài cái bát này, ta cũng biết rằng mình không thể giữ nó được lâu, bởi vì khi ngủ cũng sẽ có người lấy mất. Cậu đã không ngại phiền phức mà đi theo ta từ thủ phủ về đây, ta sớm đã biết điều đó rồi. Thời tiết mùa hè rất nóng, xin đừng từ chối món quà của ta!”.

Tên trộm nói: “Ông thật kỳ lạ, ông không biết cái bát này rất quý giá sao?”

Thiền sư Long Thọ nói: “Sau khi ta lĩnh ngộ được chân lý cuộc đời thì những điều khác đều không còn giá trị nữa rồi!”.

Tên trộm nhìn Long Thọ và nói: “Vậy xin ông hãy nói cho tôi biết, ông đã lĩnh ngộ được chân lý gì mà còn giá trị hơn chiếc bát vàng này vậy?”.

Thiền sư Long Thọ đáp: “Một điều rất đơn giản!”

Tên trộm nói: “Trước khi ông nói ra hãy để tôi giới thiệu, tôi là một tên trộm nổi tiếng”.

Thiền sư nói: “Ai mà không như thế chứ, đừng quan tâm đến những thứ vụn vặt đó! Bởi vì con người sinh ra đều tay trắng, về sau lại có được rất nhiều thứ từ những người khác, nên tất cả mọi người đều là tên trộm, cho nên đừng lo lắng. Dù cậu làm gì cũng không thành vấn đề, chỉ cần làm tốt là được, và cần nhớ kỹ: Khi cậu ăn cắp đồ của người khác, cậu hãy nghĩ đến cảm giác của họ. Nếu cậu không thể cân nhắc đến cảm xúc của người khác, vậy đừng ăn cắp nó. Chỉ có nguyên tắc đơn giản vậy thôi!”.
Tên trộm nói: “Điều này quá dễ dàng. Nhưng sau này liệu tôi có thể gặp lại ông không?”
Thiền sư Long Thọ nói: “Ta sẽ ở lại đây hơn 10 ngày. Thời gian này cậu đều có thể đến, nhưng trước tiên cậu hãy làm theo những gì mà ta đã nói”.
Tên trộm đã thử điều này trong mười ngày, và anh ta thấy rằng đó là việc làm khó nhất trên đời. Có những lúc muốn trộm đồ, nhưng khi nghĩ tới cảm giác của người khác, thì ham muốn ăn trộm đồ của anh ta lại tan biến đi. Ngay cả khi anh ta vào ăn cắp trong cung điện, lúc mở ra những ngăn tủ đầy vàng bạc châu báu khiến anh ta không suy nghĩ gì hết, nhưng anh ta lại nhớ tới lời hứa, nên đành không trộm đồ nữa.
Cuối cùng, anh ta không trộm một thứ gì, liền đến gặp Thiền sư Long Thọ và nói: “Cuộc sống của tôi đã bị ông đảo lộn hết rồi. Bây giờ tôi không thể ăn cắp bất cứ thứ gì hết”.
Long Thọ đáp: “Vấn đề là ở cậu chứ không phải ở ta. Nếu cậu muốn quay trở lại nghề cũ, thì hãy quên đi cảm giác của mình”.
Tên trộm lại nói: “Nhưng những khoảnh khắc đó rất quý giá. Cả đời tôi chưa bao giờ được tự do như hôm nay, yên ổn, an tĩnh, vui vẻ, kể cả những vật báu trong vương quốc cũng không thể so sánh được. Bây giờ thì tôi đã hiểu ra ý nghĩa trong câu nói ‘sau khi hiểu được chân lý thì những điều khác đều không có giá trị’ của ông rồi. Tôi đã nếm được hương vị của nước cam lộ, và tôi nghĩ ông mỗi thời mỗi khắc đều đang đắm mình trong đó rồi. Ông có thể nhận tôi làm đệ tử và cho tôi đi theo được không?”
Thiền sư Long Thọ nói: “Quả thực mỗi thời mỗi khắc ta đều tham ngộ chân lý. Lúc đầu khi cậu đi theo, ta đã muốn cảm hóa để cậu trở thành đệ tử của ta rồi. Lúc đó, cậu muốn trộm cái bát vàng của ta, nhưng ta lại muốn giữ tâm cậu ở lại. Việc làm của chúng ta ngẫu nhiên nhưng lại trùng hợp thần kỳ”.

Sưu tầm

 

 

24/01/2023

ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ XUÂN QUÝ MÃO

                                                                                      


 





























PHOTO BY FATASA

22/01/2023

Lý do người Việt bỏ Thỏ chọn Mèo làm con giáp

Nhiều bạn bè ở Anh có hỏi và tôi đã giải thích ngắn trên Facebook cá nhân.

Trong bài viết này tôi muốn tìm hiểu quá trình dịch chuyển, biến đổi của các biểu tượng tử vi như một hiện tượng văn hóa, không có tham vọng xác lập lý do chính xác của chuyện Mèo thay Thỏ.


Hướng đi là ta tìm đến những nền văn minh "cao tuổi" hơn Trung Hoa cũng đã có 12 biểu tượng của chu kỳ năm tháng cho nông lịch ra sao.

Điều được xác nhận là việc soạn lịch theo chu kỳ của Mặt Trăng đã có ở Lưỡng Hà, Babylon, ở đồng bằng sông Hằng và cả vùng Trung Mỹ, trong văn hóa Maya.

Đầu tiên xin bàn về biểu tượng, lịch số và linh vật


Không chỉ châu Á mới dùng các con giáp trong chiêm tinh, tử vi để diễn tả thế giới tự nhiên, vũ trụ và tính cách con người.

Hy Lạp cổ đại đã đặt ra thế giới của các chòm sao (constellation) với hình tượng con vật. Tiếng Hy Lạp đã có khái niệm 'zoidiakos' tức chuỗi các con thú (cycle of animals), dùng để chỉ bầu trời sao.

Ngày nay, các bảng tử vi Phương Tây có 12 'zodiac signs', tương xứng với cung hoàng đạo của 12 tháng sinh và thể hiện bằng Kim Ngưu, Bạch Dương, Cự Giải, Song Ngư, Xử Nữ, Sư Tử, Bọ Cạp, Thiên Bình, Ma Kết, Nhân Mã, Song Ngư và Bảo Bình.

Đây là sự pha trộn cả biểu tượng totem thú vật, và đồ vật.


Zeus từng hóa thân thành bò mộng, nữ thần Venus của người La Mã thì đã hiện ra như Libra (Thiên Bình- cái cân), tượng trưng cho sự cân bằng, toàn vẹn.

Cả 12 biểu tượng zodiac của cổ Hy Lạp có biểu tượng Ấn Độ (Rashi) tương xứng:

Kim Ngưu-Mesha; Bạch Dương - Vrishaba; Cự Giải - Mithuna; Song Ngư - Karkata; Xử Nữ - Kanya; Sư Tử - Simha; Bọ Cạp -Vrishchika; Thiên Bình - Tula; Ma Kết - Makara; Nhân Mã- Dhanus; Song Ngư -Meena; Bảo Bình - Kumbha. Tuy thế, hai bộ lịch này lại lệch nhau khá nhiều về ngày tháng.

Người Do Thái tính các tháng khác lịch thời cổ Hy Lạp nhưng có dùng nhiều biểu tượng chung: Adar là Song Ngư (Pisces -hai con cá), Nisan là Kim Ngưu (Aries)...

Văn minh Maya cũng có lịch 12 tháng trong năm, đánh dấu bằng 12 loài chim thú:


Chim ưng đỏ (Red Hawk) tương ứng với Kim Ngưu (Aries) trong lịch tử vi châu Âu. Các con tiếp theo là Hải ly, Hươu, Gõ kiến, Cá hồi, Gấu nâu, Quạ, Rắn, Cú, Ngỗng tuyết (Snow Goose), Rái cá và cuối cùng là Sói.

Tương tự như người Maya, dân Trung Hoa thời cổ đại đã lấy 12 con giáp hoàn toàn là các loại động vật để thể hiện hàng Địa Can (Earthly Branches) của chiêm tinh học cổ đại: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi.



Thiên Can (Heavenly Stems), gồm 10 biểu tượng Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, kết hợp với 12 Địa Chi được dùng để tính chu kỳ 60 năm, theo âm lịch.

Tuy thế, ta cần nhận thấy trong Hán tự, hàng Địa Chi dùng các chữ khác để tính lịch, ví dụ Quý Mão là 癸卯, không có chữ Mèo hay Thỏ gì ở đây.

Có thể hiểu việc dùng 12 con vật để thể hiện hàng Địa Chi xảy đến sau khi lịch số đã hình thành, và việc này chịu tác động của văn hóa bản địa, đưa tới khác biệt vùng miền, khu vực văn hóa.

Ví dụ Hợi ở Trung Hoa và Việt Nam là con heo (pig), nhưng ở Nhật là con lợn rừng (boar).


Còn Sửu với người Việt lại là con trâu thân thuộc (Thủy Ngưu-Water Buffalo) gắn bó với đồng ruộng lúa nước của họ.

Các con thú trên tuy thế vẫn là một loài, còn sự khác biệt Mèo-Thỏ trong 12 con giáp Việt Nam và vùng Đông Bắc Á mới là lạ và rất rõ rệt.

Thỏ thành Mèo khi tới vùng đất của người Việt?


Các trang về lịch sử tử vi Trung Hoa cho rằng 12 con giáp xuất hiện lần đầu vào thời Xuân thu Chiến Quốc (thế kỷ 5 trước Công lịch), và được chế độ phong kiến tập quyền chuẩn hóa thời nhà Hán (206 trước Công lịch-9 sau Công lịch).

Tuy các tài liệu về chiêm tinh và lịch số cổ Trung Hoa không nhắc đến Việt Nam nhưng nếu căn cứ vào sử liệu thì cuộc xâm lăng của Mã Viện đã tiêu diệt chính quyền Trưng nữ Vương năm Quý Mão (43 trước Công lịch), xóa các luật lệ Việt cổ, áp đặt luật Hán.

Đây có thể là thời điểm hệ thống lịch cùng các con giáp Trung Hoa vào vùng nay là Bắc Việt Nam.

Việc Trâu thay Bò, Mèo thay Thỏ trong 12 con giáp có thể đã xảy ra trong thời kỳ Bắc Thuộc.


Tuy nhiên, không loại trừ khả năng âm 'Mao' trong một số phương ngữ Trung Hoa đồng âm với 'Mao' -
trong từ 'dã miêu', có hai nghĩa, thỏ rừng và mèo hoang.

Việc chuyển hóa "thỏ thành mèo" ở vùng đồng bằng sông Hồng sẽ không quá lạ nếu ta chấp nhận là người di dân gốc từ vùng Nam Trung Hoa (Bách Việt) đã dùng từ chung chỉ hai loài thú này.

Một số báo Việt Nam trích nguồn nước ngoài cho rằng người Việt Nam đọc nhầm 'Mão Thố Niên"-mao-tu-nian (thỏ) trong Trung văn nên đã lấy con mèo thay thỏ trong 12 con giáp.


Cách giải thích này khá vô lý vì ngoài việc xác định rõ con mèo...là con mèo, và lấy trâu thay cho bò, người ta còn có hình vẽ rõ ràng về mèo, trâu trong các con giáp Việt, cho thấy đây là việc có chủ ý.

Điều chắc chắn là trong văn hóa dân gian Việt Nam, mèo xuất hiện nhiều, trong khi thỏ, con vật bản địa của văn hóa thảo nguyên và tundra đầy băng tuyết thường chỉ xuất hiện cùng thần thoại Trung Hoa, để chỉ Mặt Trăng: Ngọc Thỏ, Hằng Nga.

Các con giáp đều có gốc Ấn Độ?

Thế nhưng cần xem xét một giả thuyết nữa là các con giáp Trung Hoa cũng có gốc ngoại.

Không ít biểu tượng tưởng là thuần tuý cổ Trung Hoa và từ đó sang Việt Nam (trục Bắc-Nam) thực ra đã Trung Hoa theo tuyến Tây-Đông, và có gốc từ các nền văn minh cổ hơn.


Ví dụ, nghiên cứu của Basiri Faranak mô tả kỹ quá trình sư tử có cánh của thần thoại Ba Tư vào Trung Hoa thời Hán và trở thành biểu tượng được tôn thờ, (xem thêm: Iconology of the Winged Lion in Iran & China). Sư tử vốn không là thú bản địa ở Trung Hoa cũng "tới Trung Hoa" bằng đường Phật giáo.

Tương tự, con rồng là quái thú thần thoại, được Trung Hoa sáng chế từ cá sấu của vùng sông nước Đông Nam Á, rắn thần naga của Nam Á, con hươu có sừng của vùng đồng cỏ.


Các sách báo Trung Hoa có nhắc đến tác phẩm của một giáo sư ĐH Tân Cương (Li Shinhui) cho rằng thực ra lịch 12 con giáp của Trung Hoa là sản phẩm từ văn minh Babylon, qua cải biên của Ấn Độ rồi tới Trung Hoa qua con đường Tơ lụa trên bộ.

Một số chương của Kinh Vệ Đà và chiêm tinh học Ấn Độ (Vedic astrology) được cho là đã xuất hiện 10 nghìn năm trước Công nguyên.


Toàn bộ hệ thống chiêm tinh và lịch số này phát triển qua nhiều thế kỷ và có chịu ảnh hưởng từ Ai Cập, vùng Lưỡng Hà và văn minh Ba Tư cổ đại.

Trong Kinh Vệ Đà, Mặt Trời được thể hiện bằng hổ, hươu và bồ câu. Mặt Trăng là cá, thỏ, loài sơn dương, chim hạc và chim trĩ. Sao Hỏa biểu hiện qua cừu, gà trống, khỉ và ác điểu...Sao Kim hiện thân bằng bò và vẹt, Sao Thổ là voi, quạ. Sao Thủy được vẽ ra bằng con đại bàng của thần Vishnu, nhưng đôi khi là linh vật Garuda hoặc mèo...Sao Mộc là thiên nga hoặc ngựa....


Ấn Độ cổ đại có hai tinh tú-thần linh Rahu và Ketu, chỉ nhật thực và nguyệt thực trong tích Rahu nuốt Mặt Trăng.

Thiên văn học nay xác định đây không phải là hai hành tinh mà là hai giao điểm của Mặt Trăng và Mặt Trời trên đường giao tuyến mặt phẳng của bạch đạo và hoàng đạo: North and South Lunar Nodes.

Các vật chủ của Rahu và Ketu trên trần thế gồm cú, sói, rắn và các loài côn trùng.


Khi vào Trung Hoa, Rahu được phiên âm là La Hầu, Ketu thành (sao) Kế Đô trong Hán tự.

Chừng 27 con chim, thú của Ấn Độ khi sang Trung Hoa còn lại 12 con giáp và người Hoa cho Rồng để thể hiện Thìn.

Cũng không thể loại trừ việc du nhập chiêm tinh học Ấn Độ cùng các linh vật đi qua con đường Tơ lụa trên biển, ghé bến Thuận Thành (Bắc Ninh) rồi mới tới Quảng Châu, như cách Phật giáo đợt một từ phía Nam đi lên phía Bắc.

Kết luận, mèo thay cho thỏ là câu chuyện rất đặc trưng Việt Nam mà vẫn nằm trong dòng văn hóa cổ đại chung của nhân loại một thời.


Chú miu thân quen không chỉ chiếm vị trí thứ tư trong 12 con giáp mà còn là dấu tích của một quá trình giao lưu, du nhập, biến đổi các biểu tượng cổ xưa ở quê hương của tộc Việt.

Nguyễn Giang
Ngày đăng: 2023-01-20