Trang

04/01/2023

NGỌT NGÀO HAI CHỮ DẠ THƯA

Người miền Nam không nói ” vâng, ạ!” mà nói ” dạ, thưa”.

– Một cân củ đậu hết hai mươi nghìn chị ạ! – người miền Nam sẽ nói:” Dạ, một ký củ sắn của chị hết hai chục ngàn!”

– Vâng, đúng rồi đấy ạ! – người miền Nam sẽ nói:” Dạ thưa, đúng rồi!”

– Vâng, cháu chào bác, bác mới đến chơi ạ! – người miền Nam sẽ nói :” Dạ thưa cô, cô mới tới chơi! “

Từ nhiều năm đổ lại đây, tiếng ” dạ thưa” vắng bóng dần trong văn hóa nói, viết của người dân miền Nam, thay vào đó là tiếng ” vâng, ạ” được xài tùy tiện, đại trà tới mức nghe hoài nhàm lỗ tai, đôi khi biến câu nói trở nên vô hồn, khuôn khổ, giả tạo.

Chẳng biết rõ nguồn cơn từ đâu tiếng ” vâng, ạ” in sâu và bén rễ trong lớp trẻ miền Nam tới làm vậy.

Khi xem lại các phim nhựa của Sài Gòn làm trước năm 75, hoặc gần hơn, nếu xem các cô, chú ca sĩ của thế hệ trước 75 trả lời phỏng vấn, các bạn dễ dàng nhận thấy rằng không bao giờ thiếu vắng tiếng dạ tiếng thưa trong đối đáp với nhau, dù đó là nói chuyện với người lớn tuổi hơn hoặc nhỏ tuổi hơn thì đều như vậy.

Hoàng Oanh – cô ca sĩ, cựu nữ sinh Gia Long quê ở Mỹ Tho, khi trả lời phỏng vấn của các đài ở hải ngoại, vẫn xưng là “dạ thưa chị”, “dạ chưa anh”… dù người đối diện chỉ đáng tuổi con cháu.

Điều đó không phải chỉ có trong phim ảnh hay trong các đoạn phỏng vấn, đó là một nét văn hóa nói chuyện thông thường của Sài Gòn xưa, và ít nhiều vẫn còn cho đến nay đối với những người Sài Gòn gốc.

Người Sài Gòn thân tình, lịch sự, không trịch thượng, luôn nói chuyện một cách hòa nhã và ngọt ngào như vậy không biết từ bao giờ, không phải ngọt theo kiểu khen lấy lòng hay xã giao. Mà là những tiếng dạ, thưa, cám ơn, xin lỗi… đã nằm sẵn trong tim và nằm ngay cửa miệng.

Những tiếng dạ thưa đó, ngày nay có lẽ trở thành thứ quý hiếm. Xưa có mà nay tự nhiên biến mất, có phải là do cuộc sống hiện đại quá vội vàng, người ta cắt bớt chữ nghĩa đi để nói cho nhanh, phù hợp với chủ nghĩa yêu cuồng sống vội, hay là do giá trị của vật chất đã tỉ lệ nghịch với giá trị của con người?

Nhắc về tiếng dạ, tiếng thưa là tôi lại nhớ đến cụ Bùi Giáng khi đưa 2 chữ này vô bài thơ ngắn của ông về Huế như sau:

Cô nương mắt ngọc răng ngà

Nhìn bồ tát gọi rằng là: dạ thưa

Dạ thưa phố Huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

Dạ thưa của con gái Huế nó khác vùng miền khác, rất nhỏ nhẹ và ngọt như mía lùi.

Sống ở cuộc đời chưa lâu lắm, nhưng cũng vừa đủ để tôi nhận ra một điều rằng người ta có thành công hay không, quá nửa là tùy thuộc vào thái độ của họ khi giao tiếp với mọi người, đó là những tiếng dạ, thưa… làm mát lòng người khác. Đó không phải là sự xun xoe lấy lòng, mà đó là văn hóa giao tiếp thông thường giữa những con người văn minh và lịch sự. Mà thú thật là tôi thì chưa thấy người nào có sự nghiệp thành công (tự thân) mà không văn minh, lịch sự cả.

Xin chép ra đây câu chuyện được kể trên mạng, không biết là có thật hay là sáng tác, nhưng đọc xong ngẫm thì thấy nó rất đời thường và quen thuộc trong cuộc sống:

***

Vào một buổi chiều muộn, sau khi mua ít đồ từ chợ bước ra, tui thấy một bà cụ chừng bảy mươi. Bà ăn mặc đẹp đẽ thẳng thớm, tóc bới cao, gương mặt trang điểm nhẹ, bày chiếc bàn xếp ra sau đuôi xe mình, đặt mấy nải chuối xanh trên đó. Ngang qua, bà cười thật tươi với tui:

– Cậu ơi, mua dùm tui nải chuối đi cậu, chuối xiêm nhà trồng ngon dữ lắm.

Cái thằng chẳng mấy khi ăn chuối định cám ơn rồi lướt qua nhưng đành dừng lại. Có lẽ bị nắm níu bởi cái giọng nói quá chừng ngọt.

– Bao nhiêu một nải vậy bà ơi?

– Dạ thưa cậu, năm đồng. Cái này là chuối xiêm nên nó mắc hơn chuối thường một chút.

– Vậy bà cho con hai nải nhe.

– Cậu ơi, sắp tối rồi, hay là cậu lấy giúp bà già bốn nải này luôn đi. Ăn hổng hết mình bỏ tủ lạnh hoặc nấu chè hay làm chuối chiên cũng ngon. Chưng cẳng tui bị khớp, ngồi từ chiều giờ bán được có một nải. Tối rồi, cậu lấy hết, tui tính 18 đồng thôi.

– Dạ được rồi, bà lấy hết cho con đi.

Bà cẩn thận gói mỗi nải vô từng bịch riêng, còn dặn dò thêm cách phân biệt chuối xiêm đen và xiêm thường. Thằng tui cứ đứng xớ rớ hoài, hỏi thăm đủ thứ. Là để được nghe cái giọng nói ngọt mềm, được nghe cái cách nói của một người Sài Gòn, khi trước mỗi câu trả lời, bà đều “dạ thưa cậu”. Thấy đâu đó bóng dáng bà nội bà Tư, thấy mình như đang đứng giữa cái vùng đất đã từng được lớn lên, với những con người hiền hoà, khiêm nhường và quá đỗi ngọt ngào trong ứng xử. Tự nhiên thấy quê hương ở ngay trân chỗ này, ngọt ngào vô phương.

Bà Tư, bà nội hay bà bán chuối của tui, chẳng ai được học cao nhưng cái văn hoá ứng xử của họ sao mà văn minh mà dễ thương quá trời quá đất.

Sưu tầm

 

 

3 nhận xét:

  1. Xưa là thế, nay trốn ở đâu mà để tìm hoài...

    https://www.lovethispic.com/uploaded_images/399949-Girl-Holding-Sunflowers-Happy-Thursday-Gif.gif

    Trả lờiXóa
  2. Ngọt ngào hai tiếng: Dạ, Thưa
    Trẻ nay lạ lẫm, người xưa quen dùng
    Buồn trông cái đẹp mất dần
    Phải chăng giáo dục " cách tân" quá đà ?!
    Chúc Fa luôn nhiều sức khỏe,hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  3. lễ phép là điều nên dạy trẻ thơ

    Trả lờiXóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.