Trang

30/04/2024

Quang Trung Đại Đế

Sử Việt dở nhất là chỉ nói đến chiến tranh, làm cho nhiều người Việt cứ tưởng ông cha ta chỉ biết chém giết. Đọc chính sử và các các thể loại sách sử, thiếu hẳn lịch sử về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, kinh tế.

Do thiếu các phần này, nhiều khi các lý giải về chiến tranh cũng ngây ngô mà thiếu chiều sâu. Đó là chưa kể, lịch sử được viết nhiều khi cũng thiên lệch đến ngô nghê.

Ví dụ như sử nhà Lê hay nhà Nguyễn mô tả quân Tây Sơn là giặc cỏ (tất nhiên rồi, cả hai nhà đó đều có ân oán với Tây Sơn).

Thế là các “học giả” hiện đại trích cú tầm chương rồi phán quân Tây Sơn là giặc, đi đến đâu là cướp giết đến đó và sử dụng nó như là một luận điểm để chỉ trích chính sử Việt Nam hiện nay là tôn vinh Tây Sơn vì mục đích chính trị.

Thử lấy một vài sự kiện để tìm hiểu chuyện này. Trận Rạch Gầm-Xoài Mút, quân Tây Sơn phục kích ở trên sông và trên bộ mấy trăm chiến thuyền kèm theo pháo binh và quân sỹ mấy ngày trời. Việc điều động quân như vậy trên đồng bằng sông nước miền Tây thì khó mà che mắt hết người dân địa phương. Vậy mà không có một người dân địa phương nào báo tin cho liên quân Nguyễn Ánh-Xiêm. Như vậy thì biết lòng dân ở đâu. Đọc sách thì phải có tư duy chứ không phải chỉ đọc lấy con chữ.

Khi lên ngôi, vua Quang Trung cho dịch sách từ chữ Hán ra chữ Nôm, sử dụng chữ Nôm làm quốc ngữ, và xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông đến tận làng xã. Mục tiêu là mang giáo dục đến toàn dân.

Đây có lẽ là hệ thống giáo dục phổ thông đầu tiên trên thế giới.

Ngay cả cái nôi của cách mạng công nghiệp là Anh thì cũng mãi đến thế kỷ 19 mới có khái niệm này.

Nếu Quang Trung không mất sớm, hệ thống giáo dục này không bị nhà Nguyễn bãi bỏ, thì có lẽ Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới có toàn dân biết đọc biết viết. Nội chuyện đó không, không biết Việt Nam sẽ tiến về đâu! Giặc cỏ mà tư duy và hành động như thế? Người ta nói gió tầng nào gặp mây tầng đó. Không phải ai cũng hiểu được chính sách giáo dục của Quang Trung.

Một chuyện nữa là Quang Trung có tư tưởng rất tiến bộ về giới, trọng dụng nhiều quan viên là phụ nữ mà nổi tiếng nhất là Bùi Thị Xuân.

Trong khi đó phần lớn thế giới lúc đó vẫn xem phụ nữ là tài sản của đàn ông và không có địa vị gì trong xã hội. Có thể nói ông là ông vua hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ về tư tưởng.

Khác với các vương triều Á Đông thời đó vẫn còn bám vào Nho giáo để cai trị và vận hành xã hội, Quang Trung phát triển thương mại mạnh mẽ và xây dựng một nền kinh tế thực dụng gần gũi với thế giới tư bản hơn là phong kiến.

Giao thương mạnh mẽ với thế giới cũng giúp cho khoa học kỹ thuật thời Tây Sơn phát triển.

Dẫn tới việc trang bị vũ khí quân Tây Sơn hiện đại hơn của Xiêm (thời đó cũng rất mạnh, Xiêm duy trì được thế mạnh này khá lâu nên không bị thuộc địa hóa như các nước châu Á khác) và quân Thanh.

Do đó, dù ít quân hơn nhiều, quân của Quang Trung vẫn thắng Xiêm và Tàu áp đảo.

Ngoài mạnh hơn về hỏa lực, quân Tây Sơn hành quân cũng rất nhanh với đầy đủ hỏa lực đạn dược và lương thực, chứng tỏ trình độ logistics cũng vượt trội.

Nhiều người nói Quang Trung là thiên tài quân sự, nhưng mà thiên tài chỗ nào thì không lý giải được vì không nắm được chính sách kinh tế, xã hội, khoa học của ông.

Nội 3 chuyện này: xây dựng giáo dục phổ thông, bình đẳng giới, phát triển thương mại và khoa học kỹ thuật; vua Quang Trung có tư duy và trình độ vượt ra ngoài tư tưởng Nho giáo và rất hiện đại so với thế giới thời bấy giờ.

Vậy mà hôm qua có đọc một bài của một anh quản lý nhóm “khai phóng” gì đó lại lấy hệ quy chiếu Nho giáo ra đánh giá là vua Quang Trung có chính danh hay không.

Sau khi vua Quang Trung mất, vua Gia Long thống nhất đất nước.

Tuy vua Gia Long cũng là một người có tư tưởng khá tiến bộ về kinh tế như mở rộng giao thương, nhưng ông lại không có tầm nhìn về giáo dục phổ thông nên bãi bỏ luôn hệ thống giáo dục phổ thông còn trong trứng nước của nước nhà.

Đến các thế hệ sau của nhà Nguyễn thì càng ngày càng đi lùi về tư duy, bám vào Nho giáo để củng cố quyền lực, triệt tiêu giai cấp tư bản còn non trẻ. Chỉ sau 3 đời, VN yếu đến độ thua vài chiến thuyền của Pháp.

Nếu chính sách kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, xã hội của Quang Trung được tiếp nối, VN có lẽ đã khác!

Ho Dac Nga.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.