Trang

04/07/2024

Bưu chính Việt Nam xưa

 Trong thời kỳ chiến tranh và cả ngày nay, thông tin luôn là yếu tố quan trọng trong hầu hết mọi hoàn cảnh. Vì vậy ngay khi người Pháp vào được Sài Gòn họ đã thiết lập một trung tâm liên lạc để có thể nắm bắt tình hình thực tế trong mọi trường hợp.

Nhà dây thép (bưu điện) được người Pháp xây dựng đầu tiên vào năm 1860 khi chiếm được Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ngày còn đi học, trong giờ sử cô giáo đặt câu hỏi phương tiện vận chuyển bưu chính thời xưa. Đám học trò giơ tay xin trả lời nhưng cô giáo hướng mắt về bộ mặt ngơ ngác của tôi. Tôi đứng dậy lòng đầy bối rối, nói đại là chạy bộ marathon cho xong. Cả lớp ồ lên khiến tôi đỏ mặt. Nào ngờ cô giáo khen rằng “đúng”. Cô giải thích, chuyện một chiến binh Hy Lạp trong trận chiến từ thành Marathon đã chạy hết quãng đường hơn 42 km để đưa thư chiến thắng về thành Athens rồi đứt hơi ngã lăn ra chết. Từ đó, trong thể thao điền kinh có môn chạy Marathon ghi nhớ công lao của anh lính chuyển thư kiểu này.

Chuyện xưa tích cũ ngàn năm, ấy vậy mà khi tôi nhìn những tấm ảnh lịch sử bưu chính Việt Nam vào thời Pháp mới chiếm xong 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ lại thấy bùi ngùi cho nghề giao chuyển thư bằng “xe lô ca chân” (đi bộ). Hồi đó, đường sá chưa có, khắp nơi rừng rậm vây quanh, thú dữ luôn đe doạ tính mạng của người khuân gánh thư giao chuyển cho các bưu trạm để kết nối liên lạc với chính quyền các vùng trong tỉnh.

Con tem phát hành đầu tiên tại Sài Gòn năm 1863 có hình con đại bàng, cho nên dân chúng gọi con tem là tem con cò (Ảnh: Internet)

“Con cò”

Đọc “Đất Gia Định xưa” của nhà văn Sơn Nam mới hình dung vào thời Pháp chiếm Bến Nghé, ngoài khu vực nhỏ của thành Gia Định rộng vài ba cây số vuông, Sài Gòn còn là nơi nê địa hoang vu, rộng ra các vùng xa chung quanh là Đồng Nai, Bình Dương chưa có đường bộ thông suốt mà chỉ là một vài con lộ nhỏ giao thông bằng phương tiện đi chân đất hoặc xe ngựa, xe bò. Sau khi chiếm Gia Định, người Pháp thành lập ngay bưu cục để bảo đảm thông tin liên lạc cho bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Sài Gòn với chính phủ tại Pháp. Bên cạnh đó, bưu cục là nơi nhận chuyển thư từ của binh lính Pháp về cho thân nhân và ngược lại, chứ người dân An Nam trong nước chưa hề biết chuyển một lá thư theo cách thức trên góc phải bìa thư có dán con tem mà dân mình gọi là con cò.

Con cò ra sao, cho tôi mạn phép dông dài đôi chút về hình ảnh con cò thân thuộc đối với người dân Việt. Thời Pháp thiết lập bưu cục, dân ta chẳng biết mô tê gì về các loại tem (stamp) thư. Ngay thời vua chúa phong kiến, thư từ, bưu kiện chuyển đi từ các bưu trạm bằng ngựa cũng chỉ niêm đóng dấu bằng mực đỏ. Liên lạc thư tín, công văn chỉ dùng trong chính quyền quan lại không phải mất tiền vận chuyển. Khi người Pháp cho phát hành con tem hình vuông có vẽ hình con chim phượng hoàng, biểu tượng của hoàng đế Napoleon dán lên bao thư như một chức năng thanh toán vận chuyển thì người Việt mình thấy con chim có cái cổ dài không khác con cò nên gọi con tem là con cò cho tiện.

Theo tài liệu lịch sử bưu điện thời Pháp thuộc thì Nhà Bưu chính đầu tiên khánh thành tại Sài Gòn năm 1863 và đưa vào sử dụng công cộng một năm sau đó. Tuy nhiên trước đó, người Pháp đã thiết lập đường dây thép đầu tiên Sài Gòn – Biên Hoà dài 28 km nối liên lạc với vùng đất Nông Nại đại phố sung túc một thời từ khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào Nam phân chia địa giới, lập xứ Đồng Nai. Và tiếp theo là những cột dây thép mọc lên ở các tỉnh miền Nam kết nối giao thông liên lạc qua đường dây điện tín. Đến năm 1872, hệ thống thông tin điện tín đã mở rộng nhiều vùng Đông Nam bộ với tổng số đường dây lên đến 6,600 km trong đó có cả 36 đường cáp ngầm chui qua những con sông. 


Cột cờ Thủ Ngữ

Trong “Gia Định phong cảnh quốc âm ca vịnh” – tác giả Hai Đức ghi rằng: Gia Tân nền trạm thuở xưa / Ngày nay có dựng cột cờ gần bên (chỗ Cột cờ Thủ Ngữ ở bến Bạch Đằng) / Tư bề dây thép giăng lên / Lưu thông các thứ báo tin truyền lời”. Dù vậy, việc sử dụng thư từ, đánh dây thép vẫn còn là chuyện xa xỉ đối với người dân nghèo Sài Gòn – Chợ Lớn và cả vùng Nam bộ. Giá tiền thuở ban đầu đó là con tem mất 4 xu (tương đương 1.3 kg gạo), một bức điện tín đánh đi ít nhất phải tốn 20 kg gạo.

Thời chưa có xe vận chuyển, thư từ bưu phẩm phải vận chuyển bằng sức người đi bộ (Nguồn: Manhhaiflickr)

“Xe tờ”

Sau đó bưu điện đã mở thêm nhiều dịch vụ vận chuyển bưu kiện, hàng hoá. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là dịch vụ phục vụ dành cho khách hàng người Pháp và người giàu có.

Đây là thời gian phát triển ngành bưu điện vận chuyển giao phát thư từ, hàng hoá không còn dùng người gánh vác đi chân trần trên đường đất mà chuyển qua dùng xe ngựa thay thế cho nhanh vì lúc đó đường bộ bắt đầu được mở rộng kết nối nhiều tỉnh lỵ lân cận và việc giao chuyển thư từ, công văn đã dùng xe kéo, xe ngựa. Ở các vùng Tây Nguyên còn dùng đến voi thồ. Ca dao ghi nhận rằng: Biên Hoà còn dạng xe tờ / Mới bày bảy giờ xe máy Tây Ninh”.

Xe tờ là xe gì mà dùng trong vận chuyển cho ngành bưu chính. Tìm hiểu thêm thì ra đó là xe có 2 ngựa kéo một thùng rộng 4 bánh. Thùng xe cao có 2 băng ghế khách ngồi đối diện nhau. Loại xe này là kiểu xe ngựa dùng bên Pháp, nhận thêm nhiệm vụ vận chuyển bưu kiện, thư từ, tờ trác, công văn của chính quyền nên người dân gọi gọn “xe tờ” cho tiện, chứ lúc đó chưa gọi “xe thơ” như sau này bưu điện nhờ xe đò vận chuyển. Đến năm 1900, Bưu điện Sài Gòn xin độc quyền vận chuyển vật phẩm bưu chính bằng xe hơi gọi là omnibus automobile nhưng đến năm 1903 chiếc xe hơi đầu tiên mới theo tàu cập bến Sài Gòn.

“Xe máy”

Việc phân phát thư từ, điện tín, bưu phẩm ở các tỉnh như Tây Ninh, Gò Công đã dùng xe đạp mà người dân quen gọi là xe máy. Mãi đến năm 1917, các trạm bưu điện mới trang bị xe đạp. Nguyên cả tỉnh Gò Công, bưu điện được cấp cho 4 chiếc xe đạp, lúc này chính quyền phải thuê một “chuyên gia” người Pháp từ Sài Gòn về hướng dẫn cách đạp xe. Nhà dây thép Tây Ninh có 10 chiếc xe máy để phân phát thư. Hình ảnh chiếc xe đạp sườn ngang bằng nhôm, trên yên sau vắt ngang hai cái túi da với tiếng gọi tên chủ nhà ra nhận thư của người bưu tá thật khó quên đối với nhiều người lớn tuổi kéo dài nhiều thập niên. Trong khi đó ở Sài Gòn trước khi dùng xe đạp giao phát thư, người bưu tá còn ngồi xe kéo giống như ông chủ bảnh tẻn, người phu kéo xe dừng từng nhà, ông bưu tá dõng dạc kêu tên gia chủ ra nhận thư. Còn người muốn gởi thư phải đích thân đi ra nhà dây thép, chứ người phát thư không nhận. Đến sau này thời Cộng Hoà, ngành bưu chính mới cho đặt các thùng thư công cộng trên các đường phố để người dân tiện việc gởi thư mà không mất thời gian đi ra bưu điện. Mỗi ngày hai lần có nhân viên bưu điện đến mở thùng lấy thư giao cho bưu điện trung tâm phân phối về bưu điện quận hoặc chuyển đi các tỉnh theo xe đò.

Xe vận chuyển thư từ hồi đầu thế kỷ 20 tại Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflickr)

“Nhà dây thép”

Đầu thập niên 20, Pháp đã thiết lập hệ thống nhà dây thép ở các tỉnh miền Nam và mãi đến cuối thập niên này, hệ thống nhà dây thép miền Trung và miền Bắc mới được hoàn chỉnh, đồng thời thành lập luôn hàng không bưu chính từ Đông Dương qua Pháp. Thư từ, bưu phẩm vẫn phải nhờ xe đò tư nhân làm nhiệm vụ trung chuyển. Chủ xe không nhận tiền thù lao mà được hưởng quyền ưu tiên chạy qua các chốt cảnh sát xét hỏi an ninh, ưu tiên qua cầu phà trước không cần xếp hàng nối đuôi. Do đó, nhiều nhà xe các tỉnh tình nguyện nhận nhiệm vụ này. Chuyến xe từ Sài Gòn đi mỗi tỉnh mỗi ngày đều có 3, 4 chuyến xe thơ. Chủ xe chỉ cần treo tấm bảng “xe thơ” chữ màu đỏ phía trước. Nhiều hành khách thích đi xe thơ vì xe ưu tiên, nhanh chóng về quê mà không phải mất thời gian chờ đợi qua phà. Ngoài xe đò chở thơ, còn các phương tiện giao thông khác như tàu thuỷ, tàu hỏa, tàu bay cũng tham gia vận chuyển các loại bưu phẩm của ngành bưu chính.

Người bạn cùng thời với tôi bỏ nghề dạy học mặc dầu sắp tới tuổi hưu, thành lập công ty chuyển phát nhanh cạnh tranh với nhiều công ty dịch vụ bưu chính khác. Bạn nói: “Bây giờ thông tin liên lạc viễn thông điện tử ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung đã thay thế nhiều chức năng giao nhận thư của ngành bưu chính. Bưu điện hầu như chỉ còn làm dịch vụ giao chuyển bưu phẩm”. Riêng tôi lại nghĩ đến những thùng thư công cộng trên các đường phố chẳng biết còn không hoặc đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Và từ sau 1975, xe đò chở thơ cũng chẳng còn nhiệm vụ vì bưu điện các tỉnh đều trang bị xe chuyên dùng.

Trang Nguyên

 

03/07/2024

Nhiễm "hơi lạnh" đám ma sẽ dễ mang bệnh?

Rất nhiều người kiêng đi đám ma khi cơ thể yếu, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già yếu, phụ nữ có thai vì sợ nhiễm hơi lạnh từ người chết sẽ sinh bệnh. Những cũng có rất nhiều người coi đây là mê tín dị đoan, không đáng tin. Vậy thực hư chuyện này ra sao?

Nhiễm hơi lạnh người chết là một điều rất đáng sợ đối với dân gian bởi nó được cho là nguyên nhân gây ra tật bệnh.

Có nên tin vào giờ trùng hay ngày trùng khi chết? Có cách hay thuốc xông nào để hoá giải mùi tử khí? Có phải người yếu bóng vía sẽ dễ bị bệnh khi đi đám tang về? Những câu hỏi trên xuất phát từ lo âu của người sống, do tin vào hậu quả của việc không kiêng cữ hoặc nghĩ "có kiêng có lành".

Từ trước đến nay, ở nhiều vùng quê và ngay cả thành phố, rất nhiều người kiêng đi viếng đám ma bởi họ sợ "hơi lạnh" ở nhà người mới chết. Nhiều người cho rằng hơi lạnh là nguyên nhân gây ra tật bệnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Hương – nguyên phụ trách Khoa U bướu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - thì đám ma có nhiều dạng khác nhau. Có người chết trẻ, người chết già, người chết không mang bệnh nói chung và cả người chết vì bệnh lây nhiễm như lao, suy giảm miễn dịch HIV, AIDS... Như vậy tuỳ nguyên nhân tử vong mà người ta có những quy định riêng khi an táng nhằm bảo vệ tránh lây lan bệnh tật. Người chết sau 6 giờ mới có "hơi lạnh".

Theo định nghĩa y học, chết thực sự là tình trạng ngưng tim, ngưng thở và chết não, các hoạt động cơ thể lần lượt đình chỉ và không hồi phục, năng lượng không còn sản sinh và thân nhiệt tử thi giảm xuống. Khi chết thực sự, quá trình oxy hoá chấm dứt, cơ thể bắt đầu biến đổi do hiện tượng phân huỷ. Khi đó có hai giai đoạn xảy ra:

•       Biến đổi sớm: Kéo dài 8 - 10 giờ sau khi chết thực sự. Đồng thời với hiện tượng cứng bên ngoài tử thi, bên trong ruột do không còn yếu tố bảo vệ, vi trùng và ký sinh sẽ sinh sôi nhanh chóng, gây hiện tượng phân huỷ mô và thối rữa, bụng chướng lên, tử thi bắt đầu bốc mùi.

•       Biến đổi muộn: Là từ sau 10 giờ trở đi, các vi trùng lên men thối tạo khí khiến toàn thân phình lên, mặt biến dạng, nội tạng rữa nát, dịch thối chảy ra từ các lỗ tự nhiên...

Đó là diễn tiến của một cơ thể bình thường chết do già yếu. Nếu chết do chấn thương tai nạn, mắc các bệnh nhiễm trùng, hay chết trong điều kiện chiến tranh..., thời gian phân huỷ sẽ sớm hơn, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường người sống nếu chậm xử lý và khâm liệm. Như vậy, với trường hợp chết do già yếu thì quan niệm một số người phải tránh xa do tuổi "trùng" chỉ là mê tín dị đoan, nhưng đối với trường hợp chết do bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng... thì việc liệm nhanh, yêu cầu một số người có sức đề kháng yếu tránh xa là có cơ sở khoa học.

 Trẻ nhỏ, người mắc các chứng bệnh kinh niên như phong thấp, huyết áp cao... dễ bị ảnh hưởng do hệ miễn dịch của họ lúc này không cao.

Dân gian xưa nay vẫn sợ hơi lạnh ở nhà người mới chết, đây là hiện tượng là có thật. Hiện tượng bị bệnh do vướng phải hơi lạnh cũng phổ biến, nhất là với những người có sẵn bệnh phong thấp, huyết áp cao... Thật ra, "hơi lạnh" chính là dấu hiệu môi trường nhiễm khuẩn do xác chết phát tán. Để phòng bệnh, các thầy thuốc thường khuyên người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người ốm hay mắc bệnh mãn tính... nên tránh đến đám tang.

Một số nơi đặt sẵn ở cửa ra vào một lò than đốt vỏ bưởi và quả bồ kết để trừ uế khí. Xét về tính năng, hơi nóng của than và mùi khói bưởi, bồ kết có thể hỗ trợ sát khuẩn môi trường, giúp thân nhiệt người đến dự đám tang ổn định, khả năng nhiễm khuẩn vì vậy ít đi. Nhiều người cũng hay ngậm gừng sống, uống rượu tỏi, nước lá nhót... trước và sau khi đến lễ tang. Cách này cũng tốt cho sức khoẻ vì những thực phẩm đó có nhiều dược tính tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.


Thực hư chuyện người bệnh ung thư kiêng đám ma

Đám ma hay đám hiếu là phong tục truyền thống của nhân dân ta để bày tỏ sự thương tiếc, tưởng nhớ của mọi người tới những người đã khuất.

Chính vì ý nghĩa quan trọng như vậy mà hầu hết nhiều người thường cố gắng thu xếp để đến dự những đám tang. Trong số những người đó, không ngoại trừ là cả những bệnh nhân ung thư.

Hầu hết bệnh nhân ung thư đều có chung suy nghĩ rằng nên kiêng đi đám ma bởi điều này sẽ làm giảm thời gian bệnh nhân ung thư sống được bao lâu.

Theo các chuyên gia y tế, cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng việc đi đám ma làm cho mức độ bệnh của người bệnh ung thư nặng hơn.

Cũng theo các chuyên gia, sở dĩ việc đi đám ma về mà bệnh của họ ngày càng trầm trọng hơn có thể là do cảm xúc buồn rầu, đau thương của những người có trong đám ma ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý của những người bệnh.

Sự ảnh hưởng này đã tác động trực tiếp tới cảm xúc, tâm trạng của người bệnh và làm họ có những suy nghĩ tiêu cực. Chẳng hạn như họ có thể tự tưởng tượng ngày chính mình rời xa cõi đời, họ lo lắng cho con cái, gia đình họ sẽ sống thế nào sau khi họ mất đi. Chính những cảm xúc xấu này đã khiến sức khỏe của họ ngày càng yếu đi, các tế bào ung thư nhờ đó mà có cơ hội phát triển và di căn mạnh mẽ và làm người bệnh hốt hoảng khi nhận ra rằng sau khi đi đám ma và thấy mức độ bệnh tật ngày càng phức tạp hơn.

Hơn thế nữa, việc các tế bào ung thư hay các khối u phát triển mạnh mẽ sau khi đi đám ma có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chính điều này làm cho mọi người lầm tưởng đi đám ma về làm bệnh nặng hơn.

Nếu người bệnh ung thư có sức khỏe ổn định, tinh thần kiên cường thì vẫn có thể đi đám ma được. Ngược lại, nếu họ có tâm lý bất ổn và sức khỏe vẫn còn yếu, chưa hồi phục thì cũng nên hạn chế đi đám ma.

Sưu tầm

 

02/07/2024

Nam giới khỏe “chuyện ấy” thường có đặc điểm này: Nghiên cứu đã chứng minh

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Hàn Quốc đã chỉ ra rằng nam giới có đặc điểm này ở tay thường sung mãn hơn trong “chuyện ấy”.

Nam giới mạnh trong "chuyện ấy" thường có đặc điểm này ở tay

Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) được công bố trên tạp chí khoa học The Ageing Male đã chỉ ra rằng lực bắt tay có liên quan tới khả năng “yêu” của nam giới.

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 1.771 nam giới trên 50 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá sức mạnh cái bắt tay của họ bằng một đồng hồ cơ học chuyên dụng cũng như khảo sát khả năng cương cứng của họ khi quan hệ tình dục. Đương nhiên, lực bắt tay phải được đo khi nam giới thực hiện động tác này một cách hoàn toàn tự nhiên, vô thức.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nam giới có lực bắt tay mạnh ít có khả năng bị rối loạn cương dương hơn. Cụ thể, nam giới có lực bắt tay đo được là 5kg sẽ giảm 18% nguy cơ rối loạn cương dương. Điều này đồng nghĩa với việc nam giới có lực bắt tay yếu ớt thường có nguy cơ cao mắc rối loạn cương dương.

Lực bắt tay có liên quan tới khả năng “yêu” của nam giới. (Ảnh minh họa)

Theo các tác giả, bắt tay là một trong những động tác thể hiện sức mạnh cơ bắp tự nhiên nhất ở con người. Những người đàn ông bắt tay đủ cương quyết, mạnh mẽ thường có mức testosterone cao. Hormone sinh dục testosterone đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh cơ bắp và khả năng tình dục của nam giới.

Thông thường, hormone sinh dục nam sẽ giảm dần khi tuổi tác của nam giới tăng lên. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi lực bắt tay lẫn khả năng tình dục của đàn ông dần suy giảm theo thời gian. Tuy nhiên, với những nam giới còn trẻ, lực bắt tay yếu đuối chứng tỏ họ có nguy cơ mắc rối loạn cương dương ở mức trung bình đến nặng.

Nên làm gì để tăng cường sức mạnh phái nam?

Bác sĩ Trình Duy Minh, làm việc tại Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Thống nhất Thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết khi tuổi tác tăng lên, chức năng tình dục của nam giới dần bị suy giảm. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết nam giới hoàn toàn có thể làm chậm quá trình suy giảm chức năng tình dục thông qua việc duy trì lối sống lành mạnh. Cụ thể, nam giới nên:

-       Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Nam giới nên ăn đa dạng thực phẩm, tăng cường ăn các thực phẩm giàu kẽm, vitamin để duy trì sinh lực phái mạnh. Ngoài ra, nam giới nên hạn chế ăn các thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn. Các thực phẩm này làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, ảnh hưởng tới tim mạch, cản trở quá trình lưu thông máu và nồng độ testosterone, từ đó tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương.

-       Hạn chế sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn: Việc sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu và các chất kích thích sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ sinh lý như: giảm chất lượng tinh trùng, giảm ham muốn, rối loạn cương dương…

-       Không hút thuốc lá: Các thành phần tìm thấy trong thuốc lá, các sản phẩm chứa nicotine, có khả năng kìm hãm sự hoạt động của hệ thống enzym choline

acetyltransferase làm dị dạng tinh trùng, giảm sản xuất tinh trùng, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng.

-       Tăng cường tập thể dục: Tập luyện thể dục không chỉ giúp nam giới tăng cường sức khỏe thể chất mà còn thúc đẩy cơ thể sản xuất testosterone. Nam giới có thể tham khảo tập các động tác như cách chống đẩy, chạy bộ, tập tạ,… để tăng cường sinh lực.

-       Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya: Thói quen thức khuya, thiếu ngủ, ngủ ít hơn 5 tiếng/ngày kéo dài liên tục có thể làm suy giảm nồng độ testosterone nội sinh trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới chức năng sinh lý của nam giới.

Sưu tầm