Trang

06/07/2024

Đà Lạt & phượng tím

 Cuối tháng Ba, đầu tháng Tư và kéo dài đến tháng Sáu, tháng Bảy, du khách đến với Đà Lạt, từ những con đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, đến hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt, hay Thung lũng Tình Yêu, Thiền viện Trúc Lâm … sẽ thấy lòng mình chùng xuống, trước sắc tím lãng mạn, êm đềm và thơ mộng của những cây “phượng vĩ tím” hay gọi tắt là “phượng tím”. Những cây phượng có nguồn gốc từ Châu Âu, du nhập vào Đà Lạt từ những năm 1962 của thế kỷ trước …

Hồ Xuân Hương Đà Lạt

Phượng vĩ tím, tên khoa học là Jacaranda Mimosifolia D.Don, thuộc họ Chùm ớt. Cây cao có thể lên đến 10m với đường kính tán lá từ 3 đến 7- 8m. Hoa hình ống, giống như cái chuông dài từ 4- 5cm, mọc thành chùm có màu tím biếc, được người đầu tiên là Kỹ sư Nông học Lương Văn Sáu mang từ Pháp về gieo giống và trồng tại “thành phố mộng mơ” Đà Lạt từ những năm 1962, thấm thoát đến nay đã gần 62 năm. Những cây có tuổi đời già nhất, hơn 60 năm, phần nhiều tập trung ở khu vực hồ Xuân Hương, càng tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng và cổ kính của bờ hồ, trung tâm của Đà Lạt.

Cũng theo những người dân Đà Lạt, am hiểu về hoa, khoảng những năm 80, 90, thành phố Đà Lạt, ngoài nhân giống vô tính, hoa phượng tím của Kỹ sư Lương Văn Sáu, còn cho nhập một loại hoa phượng tím khác, gốc từ Nam Mỹ, một loại hoa mới phát triển mạnh mẽ hơn, được trồng nhiều ở ngoại vi thành phố, tăng thêm nét đẹp dịu dàng, tinh tế, hấp dẫn du khách hơn cho thành phố ngàn hoa mỗi dịp đầu hè.

Quả phượng tím Đà Lạt

Nếu như trong ca khúc “Đà Lạt hoàng hôn” sáng tác của Minh Kỳ và Dạ Cầm vào những năm 1968, khi Đà Lạt mới bắt đầu trồng những cây phượng tím, và chắc cũng chưa kịp ra hoa lứa đầu? Cái màu tím trong ca khúc là “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ. Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ ...”, thì cái màu “lam tím” ấy là sương, là khói? Hay những màu hoa tím trên mặt đất như Pensé, hoa “đừng quên tôi” (forget me not), cẩm tú cầu … quyện cùng với sương chiều, trở thành cái màu “lam tím” lãng đãng, mơ mộng trong mắt du khách và những người yêu nhau … là dấu ấn đặc trưng của một thành phố ngàn hoa, nhiều mơ, lắm mộng? Nhưng khi những ca từ trầm xuống với lời buồn, da diết: “Khách du tìm đến thành phố ngàn thơ. Nhặt hoa thấy buồn lòng không bến bờ”, thì dường như … báo trước hình ảnh những hàng cây phượng tím màu lam, biếc, đẹp như một giấc mơ. Buổi chiều nắng nhạt, rơi rụng đầy trên lối đi, khiến người đa cảm chỉ dám bước nhẹ trên tấm thảm hoa màu “lam tím”, xúc động cúi xuống nâng nhặt những cánh hoa mà buồn, thương và nhớ…

Màu phượng tím Đà Lạt, đã sớm vào thơ, họa và hình ảnh cùng nhiều kỷ niệm đôi lứa của người bản xứ, cùng du khách phương xa, đặc biệt là rất nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc đặc sắc về phượng tím như “Phượng tím mùa thương”, “Phượng tím chờ người”, “Mùa hoa phượng tím”, “Phượng tím” v.v. Song với “Phượng tím mùa thương” của nhạc sĩ Song Tử Dương, một cái tên khá mới, nhưng đã để lại những ca từ ấn tượng nhất về phượng tím Đà Lạt: “Em không là tím hoa cà. Cũng không tím Huế mà là tím thương …”. Cái màu “Tím thương” độc đáo để thương, để nhớ mãi Đà Lạt khi xa của ngày hôm nay …

Phượng tím nở rộ cả một góc trời Đà Lạt.

THV    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.