Đó là tựa của một bài báo trên tờ tuần san Phụ nữ Tân Văn số 219 ra ngày 5 tháng 10 năm 1933. Bài viết giới thiệu bà Lê Thị Ngọc, người phụ nữ Annam, một nách 3 đứa con thơ, ấy vậy mà sáng lập ra 8 cái tiệm cà phê hủ tiếu rải rác từ Sài Gòn lên Thủ Dầu Một, hiệu Đức Thành Hưng chuyên bán nước trà, cà phê, hủ tiếu và cơm tây.
Tranh vẽ minh hoạ một tiệm hủ tiếu mì tại Sài Gòn (Ảnh: Internet)
Nghề độc quyền của “Khách trú”
Bài
báo khen ngợi công việc làm ăn của bà và tặng cho danh hiệu “Bà hoàng hậu cà phê
hủ tiếu”. Nghe ra thực tế hơn mấy bà hoàng hậu sắc đẹp, hoàng hậu trồng nho,
hoàng hậu đào hát v.v. ở bên Âu, Mỹ. Câu chuyện thật thú vị, tại thời điểm thuở
đó nghề bán hủ tiếu mì, cà phê vợt chỉ do Hoa kiều làm chủ. Người Việt bản xứ
mình ra nghề ắt hẳn gặp phải sự cạnh tranh lớn, nên hiếm có người dám mạo hiểm
đứng ra làm công việc này.
Báo
viết: “Ai ở Sài Gòn lâu năm, chắc cũng biết hồi năm 1919 trở về trước, nghề bán
hủ tiếu cà phê là nghề độc quyền của Khách trú (Hoa kiều) hết thảy. Hình như là nghề riêng chỉ có họ
quen tay, chỉ có họ mới làm được mà thôi, người mình có chí làm cũng không thể
chen vô mà tranh giành đứng vững với họ cho đặng. Đường nào ngõ nào có tiệm hủ
tiếu cà phê, cũng là của Khách trú chủ trương, mà người mình lại có tính ghiền
2 món ăn uống đó. Mỗi sáng ai nấy phải đi điểm tâm bằng hủ tiếu, cà phê, trưa lại
còn phải tráng miệng bằng nước trà bánh ngọt, muốn dùng các thứ ấy ai nấy buộc
mình phải vô các quán Khách trú, chớ không có chỗ nào khác hơn”.
Ấy vậy, bà Lê Thị Ngọc lại không phải là người am hiểu nghề này. Nguyên bà có một cái quán bán đồ lặt vặt (tạp hoá) ở bên ga xe điện Đất Hộ (Đakao), vốn liếng chừng năm ba chục đồng, buôn bán kiếm tiền đồng lời nuôi đám con thơ. Thử hỏi một người đàn bà góa chồng, một tay xoay sở kiếm sống thì còn hơi sức đâu mà nghĩ ngợi tới chuyện làm ăn lớn, mở tiệm, lại là tiệm phục vụ ăn uống. Nội cái chuyện nấu nướng cho ngon, quản lý bên trong bên ngoài, thuê người phụ việc, dễ làm chùn bước những người có ý muốn làm ăn nhưng tài chánh trong tay lại eo hẹp. Có lẽ bà là người có tính mạo hiểm và lòng mong muốn thay đổi cuộc đời.
Thời cơ cho người bản xứ
Mở
tiệm làm ăn bán buôn đòi hỏi tính mạo hiểm là điều đương nhiên. Nhưng sự mạo hiểm
của bà dường như có tính toán kỹ càng khi thời cơ đang đến. Số là phong trào tẩy
chay Khách trú khởi phát từ giữa năm 1919, hô hào “người Việt Nam dùng hàng Việt
Nam”, “Người Việt Nam không gánh vàng đi đổ sông Ngô”, kêu gọi bất hợp tác mua
hàng của người Hoa. Phong trào tẩy chay tư sản người Hoa thu hút nhiều tầng lớp
tham gia, bắt đầu xuất hiện ở Nam kỳ rồi lan dần ra đến Trung kỳ và Bắc Kỳ. Thậm
chí, một số thanh niên người Việt manh động xông vào các cửa hàng người Hoa đập
phá khiến chính quyền ra tay đàn áp, xử tù.
Cuộc
tẩy chay Khách trú thực chất là cuộc đấu tranh tư sản giữa người Việt và Hoa kiều
vốn được chính quyền lúc đó dành cho nhiều quyền lợi. Tuy nhiên, người Việt
mình sẵn chuyện lớn nhỏ gộp chung. Ngay cả trong việc bán buôn nhỏ lẻ, tạp hoá,
tiệm nước của người Hoa cũng đều kêu gọi tẩy chay hết thảy. Báo Phụ nữ Tân Văn
viết: “Trò đời, cái gì người chiếm lấy một mình, thì tác oai tác quái làm sao
không được. Khách trú thấy cái món người bản xứ cần dùng, mà chỉ có một mình họ
bán, thành ra họ kiếm thế lên giá cho đặng lời nhiều. Ấy là chuyện tách cà phê
giá 3 xu ở Chợ Cũ hồi tháng 6 năm 1919, mà gây nên phong trào tẩy chay Khách
trú ở trong Nam ta trước, rồi sau tràn lan ra khắp ngoài Trung Bắc đó”.
Thời
cơ đó đã cho phép bà mạnh dạn bán hết tư trang, mượn tiền thân nhân gom góp chừng
bốn năm trăm đồng, mở ra căn tiệm Đức Thành Hưng ngay tại nhà. “Nhơn được dịp đồng
bào đang sốt sắng tỏ lòng ái quốc, thành ra tiệm Đức Thành Hưng thứ nhứt của bà
lập ra được phát đạt vững vàng, rồi do cái gốc đã trồng lên đó nó đâm nhành nẩy
lá ra, mà gây dựng lên được 7 tiệm sau nữa”.
Nhưng nói cho cùng, cà phê, hủ tiếu, cơm tây của quán Đức Thành Hưng mà không ngon, không hấp dẫn thì lòng ái quốc của cư dân sống ở Sài Gòn có cao đến đâu cũng thiếu sự ủng hộ nhiệt tình. Xét ra, chuyện mở tiệm cà phê hủ tiếu, bà làm được thì người khác cũng làm được. Người có tài chánh thuận lợi hơn thì điều kiện thực hiện càng dễ dàng hơn. Trăm người bán vạn người mua nhưng có mấy tiệm trụ vững trong một thời gian dài, thử hỏi đâu là bí quyết?
Chân dung bà Lê Thị Ngọc mệnh danh hoàng hậu cà phê hủ tiếu do Phạm Công Tâm vẽ lại theo hình trên báo Phụ Nữ Tân Văn năm xuất bản 1933 (Ảnh: Internet)
Hình thức “Franchise” đầu
tiên
Nhờ
sự chăm chỉ, cố gắng và lòng quyết tâm làm ăn của bà mà quán Đức Thành Hưng trở
nên đông đúc, ăn nên làm ra. Cho nên, ban đầu chỉ 1 quán cà phê hủ tiếu ra đời,
chỉ vài năm sau nhiều tiệm Đức Thành Hưng sang trọng sạch sẽ có mặt khắp Sài
Gòn, nào ở Tân Định, Chợ Đũi, Đa Kao, Gia Định, Gò Vấp, Bình Hoà, cầu Băng Ky,
rồi chạy tuốt lên Thủ Dầu Một.
Vậy
ra, với bà không chỉ có quyết chí làm ăn mà còn có quyết tâm làm nên sự nghiệp
lớn. Một chuỗi cửa tiệm cùng mang tên Đức Thành Hưng. Rõ ràng đây là một hình
thức trong kinh doanh gọi là Franchise (nhượng quyền thương mại). Hình thức
này, xuất hiện ở Châu Âu từ lâu rồi
nhưng đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn sơ khai. Nhất là đối với một đất nước thuộc địa
như Việt Nam. Thực tế, kiểu nhượng quyền thương mại ở các nước Châu Âu và Mỹ cũng chỉ mới phát triển sau Thế chiến
thứ II, nhất là các hiệu xăng dầu Mobil, Esso hay cửa tiệm ăn uống như KFC, McDonald’s,
Pizza Hut…
Ngay
cả ở Việt Nam, hình thức nhượng quyền bắt đầu từ trước 1975 khi các hãng xăng dầu
nhắm vào miền Nam và sau đó các tiệm thức ăn kiểu nhượng quyền kinh doanh xuất
hiện tại Sài Gòn vào những năm đầu của thế kỷ 21. Xem ra, với một người phụ nữ
Annam như bà Lê Thị Ngọc, từ những năm 1920 đã có ý tưởng kinh doanh kiểu
franchise thì thuở đó hẳn là điều làm cho người ta ngạc nhiên lắm. Có thể nói
không ngoa, hiệu tiệm ăn Đức Thành Hưng
là kiểu làm ăn nhượng quyền thương hiệu đầu tiên trên đất Sài Gòn nói riêng và
xứ Nam kỳ nói chung.
Nhượng quyền kinh doanh phải có hợp đồng bên nhận nhượng quyền trả khoản lệ phí hay tỉ lệ % cho bên nhượng quyền. Tuy thế, chuyện khế ước thương hiệu Đức Thành Hưng, không nghe báo xưa nhắc đến.
Tình
cờ tôi đọc được bài viết “Nữ hoàng hủ tiếu cà phê” của tác giả Phạm Công Luận.
Bài viết chi tiết giải thích điều thắc mắc của tôi. “Có lần, bà Lê Thị Ngọc
giao 1 tiệm trong chuỗi Đức Thành Hưng cho 1 người thân tín trông coi. Họ quản
lý kém, mang nợ, nên bà lại ra vốn và tiếp tục duy trì. Các chi nhánh lập ra,
bà quán xuyến như một Tổng giám đốc điều hành, chi nhánh nào sắp đi xuống là bà
lập tức tiếp sức, quyết giữ uy tín thương hiệu Đức Thành Hưng. Bà nói: “Sống chết
giàu nghèo gì tôi cũng phải bảo bọc cho cái tên của tôi đã khai sinh ra!”.
Tác
giả nhấn mạnh: “Xuất thân là người nghèo, bà Lê Thị Ngọc có lòng trắc ẩn với những
người làm việc cho bà và khi có điều kiện, bà giúp họ “ra riêng” mở tiệm, một
hình thức nhượng quyền thương mại sơ khai. Trong số 9 tiệm Đức Thành Hưng, bà
và các con điều hành 3 tiệm ở trung tâm Sài Gòn, cầu Băng Ky và Đa Kao. 6 tiệm
còn lại, trong đó có tiệm của ông Ba ở chợ Bà Chiểu, đều của những người từng
làm cho bà hoặc có quen biết, do bà giúp vốn lập tiệm”.
Theo tác giả, Đức Thành Hưng có tổng cộng đến 9 tiệm do có thêm tiệm của ông Ba ở chợ Bà Chiểu, tiệm này lớn đầu tư tốn kém lên tới 10,000$ hồi năm 1933. Tuy nhiên, thương hiệu Đức Thành Hưng lại không trụ vững lâu dài như những tiệm gia đình như hủ tiếu Thanh Xuân ở Đa Kao hay hủ tiếu bánh bao ông Cả Cần vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Loạt tiệm Đức Thành Hưng biến mất không còn hoạt động từ năm 1945 khi chiến tranh Đông Dương xảy ra.
Một
tiệm cà phê hủ tiếu ở Gò Vấp năm 1950 (Nguồn: Manhhaiflickr)
Sưu
tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.