Mua bán thuốc chữa bệnh ở Việt Nam đang ngày càng phổ biến trên các trang mạng xã hội. Từ thuốc sản xuất trong nước đến thuốc nhập ngoại, xách tay, thuốc “nhà làm” gia truyền 3-4 đời (?)….Khi những người bán thuốc tỏ ra dễ dàng, người mua cũng dễ tính thì hình thức mua bán thuốc kiểu này càng có thêm nhiều cơ hội “ăn nên làm ra”.
Mua bán thuốc qua mạng ở VN đang thời nở rộ
Người bán dễ dàng, người
mua dễ dãi
Hiện nay mọi người rất dễ dàng tìm gặp các bác sĩ, dược sĩ, thầy thuốc Đông hoặc Tây y trên…mạng. Dù là ai, thực chất nghề nghiệp là gì, họ cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân thông qua hình thức “chat” (tán gẫu), gọi điện thoại và sau đó giới thiệu các loại thuốc để … bán.
Chuyện thật như đùa này bắt nguồn từ việc lâu nay nhiều người có thói quen tự mua thuốc chữa bệnh. Ngay cả trước khi mạng xã hội phổ biến thì nhiều người bệnh chỉ cần ra quầy thuốc tư nhân (hoặc các tiệm tạp hóa ở vùng nông thôn, miền núi) nói với người bán về tình trạng bệnh của mình, sau đó sẽ được người bán góp ý loại thuốc nào cần mua mang về điều trị.
Ông Hòa (65 tuổi, Tân Bình) mắc bệnh xương khớp, tiểu đường, mất ngủ dài ngày. Cách đây không lâu, ông tìm thấy trên … Facebook một loại “thuốc gia truyền 3 đời” được quảng cáo “chỉ uống một liệu trình sẽ khỏi”, bèn liên lạc qua điện thoại. Tiếp đó, một người tự xưng “bác sĩ Khoa” gọi cho ông và đề nghị về liệu trình điều trị. Sau 20 phút “tư vấn”, ông Hòa có cảm giác mình được “bác sĩ Khoa” bắt trúng bệnh nên bỏ tiền mua 10 hộp thuốc giá gần 5 triệu VNĐ. Kết quả, chưa uống hết 2 hộp, ông Hòa phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, vàng da, men gan cao.
Trường hợp khác, anh Lộc (46 tuổi, quận 12) kể: “Mới đây, tôi bị lừa hơn 3 triệu VNĐ vì mua thuốc trị bệnh rối loạn chuyển hóa lipid trên mạng. Sản phẩm được giao về tận nhà kèm tờ hướng dẫn sử dụng, cam kết mỡ máu trở về ngưỡng an toàn sau 2 tuần lễ. Sau 1 tháng dùng thuốc, chẳng những chỉ số mỡ máu không giảm còn thêm nhiều triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn…Khi tôi hỏi thì người bán hàng bảo chắc do cơ thể tôi chưa thích nghi với thuốc, cần dùng thêm một thời gian nữa mới công hiệu. Qua cách nói chuyện, nhận thấy người bán dường như cũng không hiểu rõ mấy về thuốc men nên tôi bỏ, không mua hàng nữa!”
Gần đây, nhằm giúp con em “tăng cường trí nhớ”, “tập trung siêu cao độ” trong giai đoạn học thi, nhiều phụ huynh đã tự mua các loại thuốc bổ não Ritalin, Nodafinil…được rao bán trên mạng với các công dụng được thổi phồng như thần dược cho con em mình. Theo các chuyên gia thần kinh, các loại thuốc này thực chất có giúp tăng khoảng 5 – 10% khả năng tập trung của trẻ bị bệnh giảm chú ý trong thời gian ngắn nhưng vốn là thuốc kê đơn chỉ dùng cho người bệnh. Cụ thể, Ritalin (chứa thành phần methylphenidate) là chất kích thích hệ thần kinh trung ương, điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý và chứng ngủ rũ. Hoặc Modafinil dùng để giảm tình trạng buồn ngủ do một số chứng rối loạn giấc ngủ gây ra. Cả 2 loại thuốc đều cần bác sĩ chỉ định mới được sử dụng.
Dễ dàng tìm thấy qua mạng các “nhà thuốc online”
Hiểm nguy tiềm ẩn
Theo Luật Dược VN năm 2016 quy định: thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, chỉ bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế địa phương và cơ sở bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền có dược sĩ hoặc đông y sĩ đứng tên bảng hiệu. Thế nhưng, hiện nay các nhà thuốc online đang nở rộ, tự quảng cáo và mua bán tràn lan vô tội vạ. Dĩ nhiên các nơi kinh doanh dược phẩm bán trực tiếp hay online này đều nắm rõ quy định, nhiều loại thuốc khi bán ra cần phải có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn, nhưng xem ra ở VN, quy định này chưa bao giờ được thực hiện nghiêm túc.
Bác sĩ Hải Yến (Bệnh viện Thống Nhất, Sài Gòn) cho biết: “Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ngay cả với những loại thuốc không kê đơn… Nếu bệnh nhân lạm dụng hoặc sử dụng quá liều có thể gây hậu quả khó lường. Thống kê của các nước đang phát triển cho thấy 75% – 80% thuốc mua bán qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Đây còn là vấn đề đau đầu nhất của các cơ quan kiểm soát dược phẩm vì giám sát thuốc giả ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và giải quyết vi phạm trên các trang mạng còn khó gấp nhiều lần! Người dân phải hiểu rằng: bác sĩ cần nắm được thông tin cũng như các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng mới có hướng điều trị đúng đắn, chính xác. Tốt nhất người dân không nên mua thuốc trên các trang mạng xã hội, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc để tránh tình trạng ‘tiền mất, tật mang’.”
Thuốc mê, thuốc đặc trị kê toa được bán tự do trên mạng
Bài
và hình NS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.