Những năm đó, Sài Gòn chưa oi bức như bây giờ. Cái nắng buổi trưa không khắc nghiệt khi đường phố chưa nhộn nhịp xe cộ “như mắc cửi.” Ngày nào cũng thế, cơm trưa xong, ngoại cho tôi nằm trên chiếc divan (đi-văng) bóng lưỡng, mát rượi, rồi mở những tuồng cải lương để bà cháu cùng nghe. Tôi thiu thiu đi vào giấc ngủ trưa nhẹ nhàng với cuộc đời sầu bi của cô Lựu, hoặc cô Hương, hoặc cùng mũ áo quan trường của chàng Trần Minh hiếu học.
“Ông vua không ngai” Thành Được. (Hình: Tài liệu)
Tôi nhớ mình cứ mãi ráng chờ để nghe hết đoạn vọng
cổ: “…còn dượng Ba đây, là một thanh
niên, có học thức lại đàng hoàng…” rồi mới chịu
chìm vào giấc ngủ. Lúc đó, trong trí tưởng tượng của tôi, “dượng Ba” là một ông
nào đó phải cao to, rất đẹp, mang cặp kính trắng trí thức, và giọng hát đối lại
thì ngọt lịm.
Ký ức của tôi về những nghệ sĩ cải lương phần lớn
là từ băng cassette. Rất hiếm hoi những lần được đến rạp xem với bà. Do đó, mãi
đến sau này, tôi mới biết nhân dáng của “dượng Ba Tùng” qua những tài liệu trên
web. Lúc đó, tôi mới hiểu vì sao ngày xưa, ngoại hay nói “tuồng này ông kép đẹp
vai chánh nè.”
“Ông hoàng cải lương” cũng chính là ông; hoặc
“Ông vua không ngai” cũng chính là ông; hoặc “Kép đẹp” cũng chính là ông; “gã
si tình nặng nghiệp cầm ca” (cách soạn giả Viễn Châu gọi), cũng chính là ông –
Nghệ sĩ Thành Được, ông vua cải lương của đất Lục Tỉnh. Nhắc tới Thành Được,
người ta nhắc đến “Nửa đời hương phấn,” “Con gái chị Hằng,” “Tấm lòng của biển”…
Ông tên thật là Châu Văn Được. Ông sinh trưởng ở
huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, là con của một gia đình phú nông. Nghệ danh
Thành Được là do ông lấy chữ Thành từ sự kính nể giọng ca của đàn anh là Thành
Công, ghép với chữ Được là tên cúng cơm. Ông từng nói với soạn giả Viễn Châu là
đã có lúc ông muốn lấy tên Út Được vì cũng thích danh ca Út Trà Ôn nhưng lại
thôi.
Cái biệt danh “vua không ngai” ấy đến từ dáng vẻ
phong lưu tài tử, đẹp trai nhất sàn diễn cải lương năm xưa. Thêm với giọng hát
ngọt ngào, truyền cảm đậm chất cải lương, Thành Được lĩnh hết những vai “kép đẹp”
của những vở tuồng cải lương nào có ông diễn xuất.
Bởi một cơ duyên, năm 1954, ông lên sân khấu
trong gánh hát nhà của người chú, thế vai một nghệ sĩ bị bệnh. Chỉ hai năm sau,
với vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn, tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở của soạn giả Hà Triều Hoa
Phượng đã đưa Thành Được bước ra ánh hào quang của sân khấu cải lương. Vở tuồng
này thành công lớn về nghệ thuật lẫn tài chánh.
Trong một bài viết của soạn giả Viễn Châu năm
2012 ghi lại, vào năm 1958, Thành Được về Đoàn Kim Chưởng. Từ nơi này, ông đóng
đinh những vai diễn để đời với “sầu nữ – đệ nhứt đào thương” Út Bạch Lan. Cả
hai tạo thành cặp đào – kép “vàng” của tổ nghiệp cải lương. Làn hơi ngọt ngào,
mùi mẫn của “kép đẹp” cùng với giọng ca thiên phú buồn như lá mùa thu của sầu nữ
Út Bạch Lan, tạo thành cặp đào kép lừng lẫy khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Riêng Thành
Được khi ấy nổi danh là “Anh hùng lưu diễn” vì “đi đến sân khấu ở đâu là cỏ nơi
đó không thể mọc nổi do khán giả quá đông,” theo bài viết của soạn giả Viễn
Châu ghi lại.
Tổ nghiệp đưa họ đến với nhau bằng duyên sân khấu. Ông tơ bà nguyệt se duyên cho họ nên vợ nên chồng năm 1961. Soạn giả Viễn Châu từng viết: “Cuộc hôn nhân của Thành Được – Út Bạch Lan có hôn thư giá thú, đàng trai được cô Bảy Phùng Há đứng chủ hôn, bên đàng gái có bà bầu Kim Chưởng. Đám cưới được tổ chức long trọng, hầu hết các ký giả kịch trường, soạn giả và nghệ sĩ tài danh đều được mời tham dự.
Nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan năm 1960.
(Hình: Báo Người Lao Động)
Nhưng “duyên nợ ba sinh” của hai người qua rất
nhanh. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài vỏn vẹn ba năm. Soạn giả Viễn Châu từng viết:
“Tình duyên đào – kép thường đến rồi đi, sum vầy đó rồi lại chia biệt đó… Theo
tôi, không thể đổ lỗi do ai, vì ai, mà chỉ nên xét về mặt hiệu quả của nghề
hát. Cuộc tình Thành Được – Út Bạch Lan đã để lại cho đời nhiều vai diễn hay,
nhiều bài ca cổ bất hủ cùng năm tháng, bởi trong lời ca dạt dào tình cảm có phần
đời của chính họ.”
Sau này, báo chí trong nước viết khá nhiều bài
để ca ngợi tấm lòng bao dung như trời biển của sầu nữ Út Bạch Lan. Bà đã nuôi
hai những người con riêng của chồng, lo đến khi yên bề gia thất. Có một chi tiết
được báo chí kể lại:
“Sau năm 1975, có lần Út Bạch Lan tái ngộ Thành
Được trong vở “Người ven đô”. Vở có một cảnh không nằm trong kịch bản vì ông
Thành Được ứng khẩu thốt lên câu hát:
“Bà ngồi xuống đi rồi nghe tôi nói. Bà sống với
tôi bao nhiêu năm qua bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc. Tôi đã làm khổ bà
nhiều quá phải không?”
Út Bạch Lan khi ấy sững sờ và khóc. Nước mắt
như chảy ra từ tận tâm can…”
Nghệ sĩ Thành Được những năm cuối đời sống tại Mỹ cùng với gia đình
Năm 1984, nhân chuyến lưu diễn ở Đức, Thành Được xin tị nạn chính trị. Năm 1995, ông sang Hoa Kỳ và sinh sống ở San Jose cho đến ngày mãn phần, ngày 16 Tháng Mười Một, năm 2023.
Gánh hát nào cũng đến hồi khép lại. Sinh ly rồi
tử biệt. Nghiệp dĩ có nợ mấy tầng cũng phải đến hồi cuối trả dứt một lần rồi
thôi. Nhưng, chỉ có những tiếng ca ngọt ngào, nức nở trong tiếng đờn vọng cổ sẽ
còn vọng mãi.
Cũng vào Tháng Mười Một, năm 2016, sầu nữ Út Bạch
Lan khép lại bức màn sân khấu, “trở về lòng rũ sạch sầu thương.”
Cặp đào kép lừng lẫy một thời của sân khấu cải
lương, nay đã:
“Khép cánh màn nhung danh vọng hết. Trả cả vinh
quang lẫn đoạn trường.”
Kalynh Ngô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.