Nếu ở Bắc thì giọng Hà Nội khác Hải Dương, Ninh
Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhiều khi xứ này nói xứ kia có thể rất khó
hiểu.
Nhưng tại Nam Kỳ thì tiếng Sài Gòn và tiếng các
tỉnh thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa, tức là toàn Miền Nam thì lại y chang nhau, tức
cùng chung tiếng nói không khác nhau nhiều lắm.
Người Nam Kỳ cùng kêu chiếc xe đò, cái bến bắc,
cái cầu quây, nồi canh chua, cọng bạc bà và chén cơm, uống cái chung rượu, quậy
ly cà phê và bực quá "xáng" hoặc "táng" một bạt tay vô mặt
...người đối diện.
Sáng sớm bửng, mới lụi hụi mở cái cửa đặng mà
hít khí trời, tai đã nghe mấy bà bạn hàng ngoài lộ cái rân trời.
"Dì Hai ơi! bi nhiêu một ký cá lóc cửng
này dzậy hả dì?"
Dân Nam Kỳ phân cá lóc ba loại, cá lóc bự là loại
lớn nhứt, cá lóc cửng là loại vừa cườm tay, ròng ròng là cá lóc con mới đẻ. Ai
rành ăn thì luôn chọn cá lóc cửng chiên và làm khô là ngon nhức nhối.
Còn các loại cá khác thì có loại bự và loại
"don don", don don là không lớn, không nhỏ.
Người Miền Nam nói chuyện hay đệm chữ
"xí" khi thể hiện tình cảm. Chàng trai năn nỉ người yêu, nàng mím môi
"xí" một cái là đang giận, còn bạn bè xí lại là có khi ghét.
Còn có "xí hụt", "xí được"
nữa. Xí hụt là làm cái gì lỡ hụt, xí được là lượm được, người Nam không nói lượm
mà nói là "lụm".
Khi diễn tả cái gì "trầm trọng" dân
Nam hay xài từ "bung nóc" hoặc "bung (banh) nhà lồng chợ". Thí dụ thấy làm đồ nhậu nhiều
quá la lên "Nhậu bung nóc bây ơi. Ai xấu quá thì "xấu banh nhà lồng
chợ".
Bung hay banh là banh chành té bẹ , banh ta
lông.
"Ầu ơ...!
Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành
Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em"
Người Miền Nam kêu xe đò, xe lửa, xe hơi, xe
cam nhông, xe con cóc.
Trong số đếm cái cuối cùng dân Nam sẽ nhứt định
kêu là "chót". Kể nè, nải chuối chót là nải chuối cuối quày nên nhỏ
xíu, ốm nhom ốm nhách.
Con cái đẻ thì năm một, thằng bé Hai, con bé Ba tới con bé Mười, chưa hết,
còn thằng út, mà Út mà còn lòi ra Út Nữa, Út Thêm, Út Rồi, Út Mót, Út Vét, tới
Út Chót mớt xong nha hôn.
Xe chuyến cuối, đò chuyến cuối, máy bay chuyến
đêm buồn ngủ thấy tổ kêu là "chuyến
chót".
Ông kia lấy vợ mà ly dị hai ba bận, bận mời cưới
gần nhứt bà con hỏi "Chuyến này chót hén chú Bảy?". Bảy trả lời :"Hông biết à
nghen".
Chuyến xe chót có gì vui? có sự quyến luyến và
dùng dằng khi chia tay, nó có chút mùi lãng mạn kiểu Quỳnh Dao.
-Cho tui nói ảnh chút chuyện nữa
-Anh đi
mạnh giỏi nha anh, nhớ biên thơ về cho em nha anh!
-Thôi em về đi, nghe hôn em, để anh đi, nói
giùm anh gởi lời chúc má ở nhà mạnh giỏi.
Khi đọc thư tịch Miền Nam, phận con cháu chúng
ta rất vui khi nghe cách ông bà mình nói chuyện kiểu bình dân.
Người Bắc hay nói "chết bỏ bu" và
"bỏ mẹ"
Tú Xương có bài thơ:
"Sơ khảo khoa này có Cử Nhu
Thật là vừa dốt lại vừa ngu
Văn chương đâu phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên sằng chết bỏ bu"
Nam Kỳ thì thẳng luôn, là "chết mẹ"
hoặc "chết cha" , "thấy ông bà ông vãi", "thấy mồ tổ."
"Cha già con mọn chơi vơi,
Cha làm chết mẹ, con chơi tối ngày"
"Chết mẹ" là một từ đệm, thêm thắt vô
những câu cảm thán.
Dân Lục Tỉnh như đã nói không thích rào đón trước
sau, nói là vô thằng cái rột, cái ót. Cũng không nói uốn lưỡi "tròn vành
rõ chữ". Thành ra quen phát âm "r" thành "g",
"tr" thành "ch" hết ráo.
Thí dụ: Tao nói dõ dàng dồi sao mày không nghe
dậy hả mậy?
- Chị quởn quá hà, ngày nào cũng nói, nghe muốn
điếc con ráy người ta hà. Nói gì mà quá chời quá đất.
-Con lạy bà nụi. Nói vậy mà mày còn chưa thấm
cái mốc xì gì đó. Mày hông hiểu ráo trọi gì hết hà.
Vốn lòng dạ thẳng ngay, luôn hạ mình xuống để
nâng người đối diện lên, biết thương người đồng cảnh, đồng loại, nhìn ra cùng một
phương đặng mà cùng kiếm chén cơm manh áo. Người Miền Nam luôn thiệt bụng, thiệt
lòng, không lòng vòng và gài bẫy bằng lời nói người đối diện.
Trong cách nói thường ngày ta sẽ thấy chữ
"thiệt" được xài rất nhiều.
Chàng đi ghe bầu thích nàng bán vàm, chàng hỏi:
"Anh đây muốn hỏi thiệt nàng
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được không?"
Nàng đáp lời:
"Thương anh ăn nói thiệt thà
Theo anh may rủi gọi là hên xui"
Trong những lời tỏ tình nam nữ ngày xưa, ông bà
mình luôn bày rỏ
"qua thiệt có tình thương với em
hai".
Nếu bạn quen người Sài Gòn bạn sẽ nghe hai chữ
"Thiệt hôn?" rất nhiều lần.
Trong những bữa cơm, bữa tiệc, giỗ quảy ở Miền
Nam, gia chủ luôn ép khách phải ăn no bụng bằng câu
"Em ăn thêm nữa cho thiệt no đi"
“Hôm nay có đám giỗ gần
Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”
Tiêu chuẩn để xài người, thực hiện lời nói của
người Miền Nam là trên tinh thần "thiệt", thành ra họ rất ghét người
giả dối, đánh vòng, léo quéo tư cách.
Khi nghe bà con mình nói "Để thủng thẳng
tao tính" khi đi đòi nợ là hiểu là họ không có tiền trả rồi, không có tiền
thì đòi bất tử quá tiền đâu mà trả liền.
Xin nhấn mạnh, người Miền Nam không xài vần
"ênh" như người Bắc, Nam Kỳ là "inh" và nhứt định là
"inh" và "anh"
Thí dụ: Sanh đẻ, sanh linh, sanh nhựt...
Rồi bị bịnh, lịnh ông lịnh bà, ra lịnh, tiếp
nghinh, nghinh ngang, kinh rạch, thác gành. Rồi "minh mông", phui pha, nươm nướp, cháng váng, lè lẹt…
Nhớ là Nam Kỳ tính "ngàn" chứ không
nghìn nha chưa? Bằng chứng là về Hậu Giang sẽ thấy bạt ngàn địa danh "Ngàn".
Đi dọc kinh Xáng Xà No là một loạt địa danh “Ngàn”, từ Một Ngàn tới Mười Bốn
Ngàn Rưỡi.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.