Người Huế chọn chuối thờ kỹ lắm. Chuối tiêu, chuối lùn người Huế không thờ nên cũng chẳng ai bán trong dịp Tết. Chuối thờ phải là chuối cau, chuối mật mốc, mật lá, tốt nhất là chuối ngự, tức loại chuối ngày xưa các làng tiến vua.
Với các gia đình người Huế, một trong các mặt hàng Tết quan trọng nhất là chuối thờ. Về tục thờ chuối thì người Huế giống người miền Bắc.
Người miền Nam không dùng chuối để thờ bởi vì theo họ, “chuối” đọc chệch thành “chúi”, đầu năm mà thờ chuối thì cả năm không ngóc đầu lên nổi. Người Huế và người miền Bắc lại có quan điểm khác: nải chuối như bàn tay hứng lấy những gì tinh túy nhất của trời và đất.
Các gia đình ở Huế ít nhất một cái Tết phải chuẩn bị 12 nải chuối thờ. Có nhà mua hai buồng chuối ba, bốn chục nải vẫn không đủ thờ: chuối để bày mâm ngũ quả đặt ở phía dưới, những trái chuối cong lên như bàn tay đỡ trọn các quả khác ở phía trên; chuối để trên bàn thờ tổ tiên, trên trang bà, trang bếp, trang thờ sân thượng, am thờ ngoài trời, thờ trên bàn thờ Phật.
Rồi nải chuối cúng tiễn ông Táo, cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng sáng mùng Một, cúng đưa ông bà khi hết Tết... Càng nhiều trang thờ, càng nhiều lễ cúng thì số chuối thờ cũng càng nhiều.
Huế có 30 vạn dân, khoảng 6 vạn hộ gia đình, tính ra mỗi cái Tết tiêu thụ gần một triệu rưỡi nải chuối thờ. Đó là thị trường lý tưởng cho người trồng và buôn chuối thờ.
Chuối cúng Tết không thể bán sớm trước Tết hàng tuần được, mà nhà nào cũng đến 29, 30 Tết mới mua để chuối thờ được lâu, không chín sớm quá, nên người trồng chuối phải tính toán sao cho buồng chuối già vào dịp sắp Tết, người buôn chuối phải đưa chuối về các chợ đúng thời hạn, nếu không sẽ lỗ.
Trước đây, hầu hết người buôn chuối đều nhập chuối từ những huyện vùng cao A Lưới, Nam Đông, Khe Sanh, Hướng Hóa về Huế bán. Chuối vùng núi nải tốt, quả mập, giá lại rẻ.
Vài năm trở lại đây, nhiều người buôn chuối phải mua chuối từ các vựa chuối miền Nam. Họ vào tận Đồng Nai mua chuối thờ Tết với khối lượng lớn do chuối được thu hoạch cùng lúc.
Người Huế rất chuộng loại chuối mốc Khánh Hòa, đây là loại chuối dành riêng cho thờ cúng nên rất đắt khách. Ở các huyện vùng núi Khánh Hòa đã hình thành công nghệ trồng chuối bán vào dịp Tết, được tính toán chi ly lịch trồng, lịch trổ buồng, lịch chặt buồng.
Người buôn chuối muốn có chuối thờ tốt phải về tận nơi trồng, chọn từng buồng, đặt cọc tiền trước. Xe vận chuyển chuối phải có giá đỡ từng ngăn như vận chuyển trứng để từng buồng chuối không chồng lên nhau.
Khi vận chuyển không ủ rơm để chuối không chín sớm. Rồi xe phải chạy ban đêm hoặc chạy vào ngày râm mát... nghĩa là rất công phu.
Các chủ vựa chuối chở chuối từ A Lưới, Khe Sanh, Khánh Hòa, Đồng Nai về Huế bán sỉ, rồi người buôn chuối bỏ mối cho những người bán lẻ ở các chợ.
Những ngày giáp Tết, xe xích lô, xe lam kìn kìn chở chuối phóng về các chợ. Chợ nào cũng có một khu vực rộng dành riêng cho chuối. Ở chợ Bến Ngự gần nhà tôi, chuối được bày bán dọc bờ sông An Cựu, dài dài trên lề đường Phan Đình Phùng.
Dọc quốc lộ 49, đoạn qua xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, sát Tết năm nào cũng có phiên chợ chuối lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế để cung cấp chuối thờ cúng vào dịp Tết.
Người Huế chọn chuối thờ kỹ lắm. Chuối tiêu, chuối lùn người Huế không thờ nên cũng chẳng ai bán trong dịp Tết. Chuối thờ phải là chuối cau, chuối mật mốc, mật lá, tốt nhất là chuối ngự, tức loại chuối ngày xưa các làng tiến vua.
Chuối ngự có nhiều giống, người Huế thường thờ giống chuối ngự cau, quả nhỏ và đều, ngọt và thơm, chín có vỏ vàng xanh rất đẹp. Giống này được trồng nhiều ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Dưới thời vua Tự Đức, giống chuối này còn được gọi là chuối ngự tiến.
Chuối thờ là chuối chưa chín nhưng cũng không được xanh quá, lại phải tròn cạnh, không xây xát. Đắt hàng nhất là những nải chuối nhiều quả xòe ra tượng trưng cho bàn tay Phật che chở chúng sinh (Phật thủ), nên mỗi độ Tết đến, ai cũng muốn trên bàn thờ có một nải Phật thủ như thế.
Giá chuối thờ ngày Tết ở Huế đắt gấp năm, gấp mười ngày thường. Bình thường chỉ mười hai, mười lăm nghìn đồng một nải, ngày Tết lên tám, chín chục, một trăm ngàn đồng một nải. Có nải Phật thủ dáng đẹp có giá lên đến trăm rưỡi, hai trăm ngàn đồng. Mà đắt mấy cũng phải mua, vì không mua thì không có gì thờ Tết. Người Huế nói “Không có chuối thì bất thành Tết” là vậy.
Người Huế thờ chuối nhiều thế, nên khi hết Tết phải vất vả lắm mới dùng hết. Phần thì huy động con cháu ăn, phần thì làm mứt chuối, có nắng thì làm chuối khô. Nếu mưa dầm lâu ngày, chuối chín rã, chỉ có nước đổ đi. Tiếc ngẩn ngơ, nhưng Tết năm sau vẫn mua chuối thờ...
Ngô Minh
Fa trà khuya an lành ngủ ngon nhé !
Trả lờiXóaHùng Phi cuối tuần mát mẻ nhé!
Trả lờiXóa