Nhân gian vô thường, thế sự khó lường, vật đổi
sao dời, con người cũng chỉ đang mò mẫm trong cõi nhân sinh. Đời người ngắn
chẳng tày gang, vậy thì, có những chuyện nào không thể đợi, không thể sợ, không
thể lựa chọn trong kiếp người?
Sinh mệnh như ngọn đèn trước gió, chẳng ai dám
tự tin nói rằng ngày mai mình vẫn còn trên thế gian này hay không. Chỉ mới gặp
hôm qua mà hôm nay choàng tỉnh, người ấy đã về cõi thiên cổ rồi. Chỉ trong chớp
mắt mà âm dương cách biệt nghìn trùng. Thân xác tuy còn đây mà linh hồn đã về
nơi xa lắm, vĩnh viễn chẳng có ngày gặp lại.
Vậy thì, có những chuyện nào không thể đợi,
không thể sợ, không thể lựa chọn trong kiếp người?
Hai việc không thể đợi:
1. Hiếu kính cha mẹ
Trên đời này chuyện gì cũng có thể đợi, duy
chỉ có việc hiếu kính cha mẹ là chẳng thể thong dong. Bởi lẽ: “Mẹ già như
chuối chín cây, biết ngày nào rụng, biết ngày nào rơi!”; “Cây muốn lặng mà gió
chẳng ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ chẳng đợi”.
Còn nhớ khi xưa, chúng ta lẫm chẫm tập đi, ê a
học nói, tới khi cắp sách đến trường, cha mẹ vẫn ngày ngày chăm bẵm, chẳng phút
nào quên nghĩ về chúng ta. Còn nhớ ngày ấy, khi mẹ lệ trào khóe mắt, cha yên
lặng nhìn xa xăm, cố kìm nén nỗi lòng tiễn đưa con gái về nhà chồng, rồi lại
phấp phỏng lo lắng con gái của mẹ có hạnh phúc hay không? Còn nhớ ngày đó, cha
mẹ cười rạng rỡ thi nhau đón lấy đứa con còn đỏ hỏn mà cưng nựng, mà vuốt ve.
Còn nhớ bóng dáng cha mẹ tóc điểm bạc, lặng lẽ ngóng trông đàn con quây quần
bên mâm cơm ngày Tết.
Có bước nào trên chặng đường con đi mà không
chan chứa tình yêu vô bờ và tâm huyết mẹ cha? Chúng ta lớn lên từng ngày thì
cha mẹ lại già đi từng ngày. Cứ mải miết với cuộc sống, bất chợt chúng ta phải
nhói lòng khi nhận ra: Mỗi mùa xuân qua mái tóc cha mẹ lại thêm nhiều sợi bạc,
khóe mắt lại thêm nhiều nếp nhăn, ánh mắt mờ đi và đôi chân chậm lại.
Ân tình dưỡng dục của cha mẹ như núi cao, như
biển rộng sông dài. Có lẽ nào chúng ta lại để mặc cho công việc bận rộn và cuộc
sống bộn bề kéo chúng ta rời xa cha mẹ? Có thể nào cha mẹ mãi ở đó trông ngóng
từng cuộc điện thoại của chúng ta, khắc khoải chờ mong bóng con về? Vậy nên mới
nói, việc hiếu kính, đền đáp ân tình sâu nặng của cha mẹ là việc chẳng thể nào
xếp sau.
2. Giữ gìn sức khỏe
Con người cả đời mải miết chạy theo Danh, Lợi,
Tình, Tiền mà quên mất vốn quý nhất của mình là Sức Khỏe. Tuổi trẻ thường dùng
sức khoẻ đổi lấy tiền bạc, tới khi già lại dùng tiền bạc đổi lấy sức khoẻ. Bởi
lẽ sức khỏe là cái gốc của chúng ta, không có sức khỏe thì dẫu tiền bạc như
núi, danh vọng vang dội, tình yêu chan chứa, chúng ta cũng chẳng thể hưởng thụ
và trải nghiệm niềm hạnh phúc ấy.
Có người nói rằng đợi đến khi có công việc tốt
rồi sẽ chăm lo sức khỏe của bản thân... Đến khi có được công việc rồi, họ lại
có những kế hoạch san sát phía sau như kết hôn, sinh con, nuôi con khôn lớn…
Nhưng bạn biết chăng, gánh nặng trên vai càng
lớn thì càng phải coi trọng sức khỏe của bản thân hơn. Đừng hoang phí sinh mệnh
của mình khi chúng ta vẫn còn trẻ trung, sung sức... Chỉ cần sức khỏe yếu đi
thì trăm thứ bệnh tật sẽ lăm le ùa tới. Đến khi ấy, chúng ta thật khó có được
những tháng ngày bình yên để tận hưởng hương sắc cuộc đời.
Vậy nên, nhân khi còn trẻ hãy chăm lo sức khỏe
của bản thân nhiều hơn. Hãy ăn uống ngủ nghỉ điều độ, tạo cho mình những thói
quen lành mạnh. Bắt đầu từ hôm nay hãy dậy sớm, cùng chạy bộ đón ánh bình minh,
hay đánh cầu lông hít thở khí trời trong lành. Đặc biệt là hãy mở rộng tấm lòng
bao dung, giữ cho mình một tâm thái tốt, mang đến hạnh phúc cho mọi người. Khi
tâm hồn khoáng đạt, thư thái, thì sức khỏe cũng sẽ mỉm cười với bạn.
Hai thứ không thể sợ:
1. Cái chết
Đã sinh ra làm kiếp con người, thì dẫu là
người quyền quý cao sang hay bần cùng túng thiếu, có ai mà không một lần “yên
giấc nghìn thu”?
Vũ trụ rộng lớn mênh mang luôn mang theo quy
luật “Thành, trụ, hoại, diệt” mà luân chuyển vạn vật trong cõi thế gian. Con
người cũng chỉ ở trong vòng quay vĩ đại ấy mà thôi. Sinh lão bệnh tử đã là quy
luật tự nhiên, chẳng thể thay đổi, thì chúng ta lo sợ nào có ích chi?
Chi bằng chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và thay
đổi góc nhìn của mình về cuộc đời. Nếu ai cũng một lần phải rời xa cõi thế gian
thì thay vì tiếc nuối, hãy trân quý từng phút giây chúng ta được sống. Đừng
hoài phí tháng năm vào những trò chơi vô bổ, vào những thú vui tầm thường.
Hãy biến mỗi ngày thành một ngày có ý nghĩa và
tràn ngập niềm vui; hãy lưu lại cho thế hệ sau những điều tốt đẹp. Nếu muốn
sống mãi trên cuộc đời, thì hãy sống mãi trong lòng người; muốn sống mãi trong
lòng người, thì cần phó xuất nhiều hơn, nghĩ tới người khác nhiều hơn. Chỉ có
như vậy thì vào giây phút cuối cùng khi từ biệt cõi trần chúng ta mới không
thảng thốt, cũng không tiếc nuối...
Nếu “chết” chỉ là cái cớ để trở về với đất mẹ
yêu thương, trở về ngôi nhà chân chính của mình, thì chắc hẳn trong lòng chẳng
có sợ hãi, mà chỉ còn lại yêu thương và hạnh phúc vô bờ.
2. Nỗi cô đơn
Chúng ta sinh ra đã sợ nỗi cô đơn. Khi còn thơ
bé, chúng ta sợ phải ở nhà một mình, lúc nào cũng chỉ muốn sà vào lòng mẹ yêu
thương. Lúc ấy chỉ cần thức giấc nhìn quanh không thấy bóng người, chúng ta lại
òa khóc, mong một vòng tay đưa ra hay nghe thấy giọng nói của mẹ cha.
Khi cắp sách đến trường chúng ta lại vui cùng
bè bạn, sợ cảm giác cô đơn, thui thủi một mình. Lớn lên, nỗi cô đơn đã thúc
giục chúng ta tìm một nửa yêu thương của mình, cùng nhau vun vén một mái ấm
hạnh phúc. Khi những đứa con tung cánh bay xa, chúng ta lại sợ phải một mình
đối diện với nỗi cô đơn của tuổi già, chỉ mong có người bầu bạn, con cháu sum
vầy.
Chúng ta trốn tránh sự cô đơn bằng cách tìm
cho mình những mối quan hệ thân mật, nhóm nọ nhóm kia.
Nhưng có khi nào đang vui vầy cùng bè bạn,
đứng giữa biển người mênh mang, chúng ta lại thấy lòng cô đơn đến lạ lùng? Như
ánh mắt ai đó đang khắc khoải, như trái tim ai đó đang chờ mong chúng ta trở
về? Chúng ta không nghe thấy hơi thở của họ, không nghe thấy nụ cười của họ,
không nhìn thấy đôi mắt họ, nhưng chúng ta mơ hồ cảm nhận được họ bằng trái tim
mình.
Trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống của mỗi
người tạo nên những suy nghĩ khác nhau và cảnh giới khác nhau. Mỗi người đều là
tác phẩm độc nhất vô nhị của tạo hóa. Nên chăng sự khác biệt của mỗi người cũng
là điều quá đỗi bình thường? Nếu mọi người không hiểu chúng ta, không tán đồng
với ý kiến của chúng ta, thì cứ cười xòa cho xong chuyện. Những gì cần làm thì
cứ bình tâm mà làm cho đến nơi đến chốn.
Điều thật kỳ lạ là những người tu luyện trên
núi cao, rừng già, xung quanh chẳng một bóng người mà họ lại không hề thấy cô
đơn. Phải chăng họ đã tìm được sợi dây liên hệ vô hình giữa mình và vũ trụ bao
la này, nên mới sống an nhiên, tự tại đến vậy? Phải chăng khi con người tìm
được chính Đạo, tìm được ý nghĩa chân chính của đời mình thì sẽ không còn cảm
giác cô đơn ấy nữa? Chỉ còn lại trong họ tình yêu cuộc sống và trân quý những
phút giây họ đặt chân trên thế gian này.
Hai điều không thể lựa chọn:
1. Xuất thân
Con người sinh ra ở đâu, sinh vào thời khắc
nào cũng không thể tự mình lựa chọn. Có người sinh ra trong nhung lụa, được
người người tung hô tán tụng. Nhưng cũng có người lại sinh ra trong cảnh bần
hàn, khốn khó. Dường như hoàn cảnh thuận lợi sẽ giúp con người bay cao, bay xa
hơn và có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Nhưng cũng có câu rằng: “Thời thế tạo anh
hùng”. Trong cảnh loạn lạc, khi vật đổi sao dời, cảnh đời rối ren lại
thường xuất hiện những bậc vĩ nhân tế thế cứu đời. Hay như càng những ngày đông
rét buốt thì những đóa hoa mai lại càng tươi tắn hơn.
Kỳ thực không ai chọn được xuất thân cho mình.
Nhưng xuất thân tốt hay xấu cũng không quan trọng bằng tự tu dưỡng tâm tính và
khí phách của bản thân. Hoàn cảnh càng gian khó lại càng là môi trường tốt để
tôi luyện nên những bậc vĩ nhân và anh hùng lưu danh sử sách.
2. Vận may
Sống trên đời ai cũng mong muốn sẽ gặp nhiều
may mắn, nhưng lại chẳng có ai lựa chọn được vận may cho mình. Tuy nhiên, chúng
ta vẫn có thể lựa chọn cách mình ứng phó như thế nào.
Khi gặp vận rủi, xin hãy nhẫn nại hơn một
chút. Mỗi khi cánh cửa lớn khép lại, Thượng Đế sẽ ban cho bạn một cánh cửa sổ
được mở ra. Ông Trời không tuyệt đường của ai bao giờ, sự việc cũng thường biến
chuyển vào thời khắc cuối cùng. Vậy nên khi gặp vận rủi xin đừng quá thất vọng,
gặp vận may cũng đừng quá đắc ý. Câu chuyện “Tái ông thất mã” vẫn còn nguyên
vẹn giá trị đến tận ngày nay. Phúc họa khôn lường, thật giả, đúng sai thì cặp
mắt phàm trần khó có thể nhìn thấu suốt. Chi bằng trầm tĩnh và cẩn trọng thì
hơn.
Xưa có câu rằng: “Ở hiền gặp lành”; “Thiện
ác hữu báo”. Muốn gặt may mắn ắt phải gieo duyên lành, bởi lẽ “người yêu
nên phúc, người ghét nên họa”. Dẫu là họa hay là phúc, chỉ cần trong tâm mỗi
người trước sau luôn giữ vững một ý niệm này: Ý nghĩa của đời người là ở sự phó
xuất, là ở việc cho đi, chứ không phải nhận lại, cũng không phải là giành giật,
bon chen.
Dẫu không có sức mạnh xoay chuyển cả ngọn núi,
nhưng chúng ta vẫn có thể di chuyển tới góc độ phù hợp với bản thân mình. Cuộc
sống có nhiều điều không thể lựa chọn, nhưng chúng ta lại có thể thay đổi tâm
thái của mình, biến buồn thành vui, biến nguy thành an, biến điều nhạt nhẽo
thành sự thú vị.
ST
...Cuộc sống có nhiều điều không thể lựa chọn, nhưng chúng ta lại có thể thay đổi tâm thái của mình, biến buồn thành vui, biến nguy thành an, biến điều nhạt nhẽo thành sự thú vị.
Trả lờiXóaCảm ơn Fa đã chia sẻ.Ngày mới nhiều niềm vui.Mến
http://i.imgur.com/ZKdUxF7.gif
http://hoitho.vn/wp-content/uploads/2015/03/thi%E1%BB%81n-l%C3%A0-g%C3%AC.jpg
XóaAnh nói chí lý.
Chúc anh luôn vui.
Thiệt lòng, dù gắng công tự nhủ bằng rất nhiều lý do rằng cái chết không đáng sợ, nhưng DVD thấy mình cứ luôn sợ chết... hi hi hi... :D
Trả lờiXóaThôi, ta cùng nhâm nhi thưởng thức cái đẹp của cuộc sống, tạm quên cái chết vậy... hi hi hi :D
http://img11.hostingpics.net/pics/866944151n.gif
Có lẽ là Fa có lý do riêng nào đó... may là chỉ có "Đôi lúc" thôi...
Xóahttps://www.flynow.vn/blog/wp-content/uploads/2017/01/3-1.jpg
XóaĐôi lúc buồn chán nên có ý nghĩ tiêu cực.