Đến
khu Phước Lộc Thọ, hai bà ghé vào một tiệm, tiệm không đông khách, bàn ghế
thênh thang nên bà Mậu tha hồ ngồi một ghế, gác chân lên một ghế, đủng đỉnh ngắt
từng cọng rau răm xanh tươi ăn với hột vịt lộn hiệu Long An nóng hổi rắc muối
tiêu ngon lành.
Rồi mỗi bà ăn một dĩa bánh bèo, một ly chè là vừa no bụng vừa ngon miệng…
Cách hai bà là một bàn khách đang ăn gỏi đu đủ bò khô, uống cà phê sữa đá, vui
vẻ nhộn nhịp cứ như đang ở Việt Nam.
Thật thú vị và thoải mái khi đi với bà Chung, bà Mậu không phải e dè như khi đi
với cô con dâu cao sang của bà. Bà từng theo vợ chồng Thông đi ăn nhà hàng coi
bộ sang trọng lắm mà chưa cho bà cảm giác như thế này.
Bà Chung kể:
– Con trai và con dâu chị ăn nên làm ra tại Cali này đó. Chồng bác sĩ nhãn
khoa, vợ bác sĩ phụ khoa, toàn là nghề hốt bạc.
Bà Mậu sung sướng:
– Tui thiệt hãnh diện vì tụi nó đó chị Chung à…
Bà hãnh diện thật, khoe thêm:
– Hai ông bà sui gia cũng bác sĩ luôn. Chèng ơi, sao mà họ giỏi dữ vậy không biết!
Bà Chung gật gù:
– Tui phát ganh với chị đó, được là mẹ bác sĩ.
Thật thế, bác sĩ vẫn là nghề cao siêu đối với bà Mậu từ đời tám hoánh nào rồi.
Ngày xưa ở Việt Nam đâu có tiền mà mỗi chút mỗi gặp bác sĩ, mỗi lần ốm đau bất
kể nhức đầu, đau bụng hay bịnh gì đi chăng nữa cứ… đè nhau ra cạo gió, xông
hơi, cực chẳng đã bịnh không hết mới đi khám bác sĩ.
Sau 1975 càng tồi tệ hơn nữa, bác sĩ là cấp cao không thèm đếm xỉa tới bịnh
nhân, thậm chí bịnh nhân lo lắng hỏi han cũng chẳng được bác sĩ mở miệng trả lời
trả vốn cho mấy chữ, nội mấy cô y tá phường xã cũng đủ uy quyền gắt gỏng, nạt nộ
những bịnh nhân vừa nghèo vừa dốt như bà.
Vậy mà bây giờ con trai bà là bác sĩ, có lần bà đến phòng khám của Thông để
khám mắt, nhìn cơ ngơi của con với những dụng cụ, máy móc soi mắt tinh vi, nhìn
mấy cô nhân viên vừa là Việt Nam vừa là người Mỹ răm rắp và nghiêm chỉnh làm việc
cho bác sĩ và Thông nói tiếng Mỹ vèo vèo với nhân viên, bà Mậu càng tự hào và nể
phục con trai mình.
Đến thăm phòng mạch của con dâu bà cũng cảm giác nể phục như thế. Cho nên bà vẫn
tự hào, tự an ủi mình là chiều chuộng con, nhường nhịn con, thua thiệt con cũng
xứng đáng lắm.
Bà Mậu thật thà nói với bà Chung:
– Tui cũng không ngờ con trai mình là bác sĩ, qua Mỹ chỉ cầu nó lớn lên đi mần
việc công nhân, thoát khỏi nghề đi biển cực nhọc như cha ông nó ở Việt Nam là
tui mừng rồi.
Hai bà ăn uống chuyện trò đủ thứ xong, bà Chung chở bà Mậu trả về nhà.
Vợ chồng Thông vẫn chưa về, bà Mậu lại thơ thẩn một mình trong căn nhà vắng.
Bà nào có đau bụng đau bão gì, chẳng qua bà nói thế để không đi dự đám tiệc
sinh nhật bà sui, điều mà bà cảm thấy con trai cũng như con dâu bà không hề
mong muốn bà có mặt, mà thật ra chính bà cũng thấy ngại ngùng giữa đám người
giàu sang có học thức cao ấy. Tới đó bà biết ăn nói làm sao cho xứng với họ?
Số bà không may, chồng chết trước, lại không được gần gũi con cháu. Xưa có lần
bà coi tử vi ông thày đã nói số bà “canh cô mồ quả” thui thủi một mình, thật
không sai.
Hai đứa con qua Mỹ từ nhỏ, cách sống và cách suy nghĩ của chúng như người Mỹ.
Con Minh lấy chồng Mỹ càng Mỹ hóa hơn, bà Mậu không thể đến nhà con gái thường
xuyên chứ đừng nói chuyện dọn vào ở chung, dù bà đã từng mong muốn kể từ khi
ông Mậu từ trần.
Mỗi lần đến nhà con gái, gặp con rể bà Mậu chỉ chào được một chữ “Hi.” rồi
thôi, rồi bà cười trừ thay cho lời nói mỗi khi đối diện với thằng rể Mỹ, mà con
rể cũng không mấy thân thiện với bà mẹ vợ, anh ta không muốn “người lạ” ở lâu
trong nhà, dù người ấy là bà mẹ vợ.
Nó đã hỏi vợ nó:
– Tại sao mỗi lần mẹ em nhìn anh bà lại cười? Anh có cái gì khôi hài lắm sao???
Con Minh phải giải thích:
– Mẹ em cười là thân thiện với anh đó, vì mẹ không thể nói chuyện với anh.
Vợ chồng con gái vẫn thỉnh thoảng ghé đến apartment thăm bà, mỗi dịp lễ Mẹ, Lễ
Tạ Ơn, Giáng Sinh và Năm Mới họ đều tặng bà quà, và bà phải hiểu rằng bà cũng
chỉ được đến nhà thăm họ như khách thế thôi.
Chỉ khi nào con rể đi công tác xa nhà mấy hôm thì bà Mậu mới cảm thấy tự do thoải
mái khi đến thăm con gái và cháu ngoại, bà được ngủ lại nhà con gái. Đó là những
ngày bà sung sướng hạnh phúc mà không món quà tặng nào sánh nổi.
Thỉnh thoảng không thể đến thăm cháu ngoại, bà Mậu lại sốt ruột gọi phone cho
con gái và thật thà hỏi:
– Chồng con sắp đi công tác chưa? Má trông nó đi quá trời nè…
Hoặc bà hỏi kỹ hơn:
– Chuyến này nó đi công tác mấy ngày, hả?
Chẳng ai như bà, cứ mong con rể thường xuyên đi công tác mà không sợ con gái buồn,
miễn là bà được thảnh thơi đến nhà nó.
Còn về vợ chồng con trai bác sĩ của bà cũng chẳng khác vợ chồng con gái bà là
bao, cả hai đều giữ khoảng cách với bà. Dù họ không tìm được người giúp việc, mấy
lần bà Mậu ngỏ ý về ở chung để trông cháu và lo cơm nước cho hai vợ chồng,
nhưng Thông đều từ chối với lý do:
– Má là má con làm sao con có thể để má làm như người giúp việc được.
Con trai bà cũng có lý của nó, nhưng bà mẹ nào chẳng muốn đỡ đần cho con cho
cháu? Đối với bà được chăm lo cho con cháu là niềm vui, bà tha thiết muốn được
làm điều đó mà con không chịu thì bà đành phải tiếp tục sống một mình, càng rảnh
rang bà càng buồn vì nhớ cháu.
Cả cháu nội, cháu ngoại đều xa quá tầm tay của bà. Nhưng bất cứ ai hỏi đến chuyện
này thì bà Mậu đều hớn hở trả lời và giải thích luôn:
– Thằng con trai bác sĩ của tui, hai vợ chồng nó giàu có, lại có cha mẹ vợ ở gần,
đâu cần tui giúp đỡ gì nữa, thỉnh thoảng tui đến thăm là chúng nó mừng vui rồi,
tui ở gần con gái để chạy qua chạy lại thăm cháu ngoại, tụi Mỹ đâu thích mẹ vợ ở
chung, nhà ai nấy ở cho thoải mái, chớ thằng rể Mỹ cũng biết điều với tui lắm.
Bà Mậu ngồi suy nghĩ lan man và ngóng ra cửa chờ đợi vợ chồng Thông về. Bà nhớ
hai cháu, chỉ mong có chúng nó để bà chơi đùa với chúng và âu yếm chúng.
Lòng bà rộn ràng chờ đợi, bà chẳng dại gì tự ái để mất con mất cháu, máu mủ ruột
thịt của mình mà. Bà đánh đổi tất cả sự lạnh nhạt của vợ chồng Thông để được đến
gần họ.
Nguyễn Thị Thanh Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.