Trang

10/08/2021

Ngủ trước 11 giờ đêm là bạn đang nắm một nửa thành công trong tay


 Trong cuộc đời, bạn có thể hô mưa gọi gió, nhưng nếu một ngày mưa gió đột nhiên thay đổi, sức tàn lực kiệt, thì tất cả những gì bạn có đều trở nên vô nghĩa. Ban ngày nên là dốc sức làm vì công việc, ban đêm là nghỉ ngơi vì chính mình.

Anh là đồng nghiệp cùng công ty với tôi, mọi người vẫn tôn trọng gọi anh bằng cái tên Tài Tổng. Anh mới 33 tuổi, trẻ trung, nhiệt huyết, đa tài, tương lai đầy hứa hẹn, nhưng tiếc rằng căn bệnh ung thư lại cản trở mọi giấc mơ của anh.

Tài Tổng vốn là người sống kỷ luật, mỗi ngày đều uống một ly cà phê đen, thức đêm tăng ca. Một năm có 365 ngày thì ngày nào anh cũng bận rộn, ngay cả lễ tết và những dịp cuối tuần anh cũng không dám nghỉ ngơi. Ngoài công việc, Tài Tổng còn có kế hoạch học tập vô cùng khắt khe, vậy mà anh luôn có thể hoàn thành mục tiêu của mỗi ngày.

Lịch trình của Tài Tổng lúc nào cũng kín mít, nội dung nhiều tới mức khiến người khác cảm thán, lo lắng thay cho anh. Anh luôn tự nhủ rằng, chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa đi ngủ. Mỗi ngày anh đều thức khuya làm việc cho đến khi đôi mắt nặng trĩu, mãi đến khoảng ba giờ sáng hoặc muộn hơn mới cho phép mình nghỉ ngơi.

Tài Tổng thường nói với cấp dưới rằng: “Thành công của bạn được quyết định bởi sự nỗ lực ngoài 8 tiếng đồng hồ, cho nên người trẻ tuổi cần phải có kỷ luật tự giác”.

Câu nói của anh đã khích lệ các thành viên trong nhóm. Nhưng dường như anh đã quên mất rằng kỷ luật tự giác nên là nỗ lực từng phút giây, chứ không phải dùng mỗi phút đồng hồ đi nỗ lực, cuối cùng làm tổn hại đến thân thể của mình.

Ai cũng cho rằng kỷ luật tự giác sẽ tạo nên hiệu quả, bạn đầu tư thời gian vào đâu thì sẽ nhận được hồi báo ở đó. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ nhìn vào những lợi ích trước mắt, chỉ vùi đầu, liều mạng, cố chấp tiến về phía trước mà quên đi sức khỏe của bản thân. Cuộc sống không phải là chạy bộ cự li ngắn, mà là một cuộc chạy đường dài. Nếu vừa chạy nửa đường đã tiêu hao năng lượng, thì vinh quang cuối cùng sẽ mãi mãi chỉ ngoài tầm tay với.

Kỷ luật tự giác là bước đệm của thành công, nhưng sức khoẻ mới chính là tiền đề cho sự thành công ấy.

Rất nhiều người có tuổi trẻ, có sức khỏe, nhưng không biết trân trọng; chỉ đến khi mất đi rồi, họ mới biết sức khoẻ ấy đáng quý đến nhường nào. Rất nhiều nhân vật ưu tú cũng có tính tự giác kỷ luật cao, đam mê cuồng nhiệt dốc toàn lực cho công việc, họ đã dựa vào sức trẻ tuổi xuân để chăm chút cho sự nghiệp mà quên rằng cơ thể cũng cần được nâng niu.

Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó đứng bên lề sinh mệnh, giống như vực sâu bên vách núi đang chực chờ trước mặt, thì họ sẽ nhận ra rằng, tất cả hoài bão chỉ là phù vân, công danh, sự nghiệp cũng chỉ như mây trôi gió thoảng, đều là vô nghĩa, đều là hư không. Sau cùng thì, chỉ có sức khỏe mới tạo nên giá trị vĩnh bền.

Trong cuộc đời, bạn có thể hô mưa gọi gió, nhưng nếu một ngày mưa gió đột nhiên thay đổi, sức tàn lực kiệt, thì tất cả những gì bạn có đều trở nên vô nghĩa. Do vậy, ban ngày là dốc sức làm vì công việc, ban đêm là nghỉ ngơi vì chính mình.

Giữ vững kỷ luật mà vẫn có thể đảm bảo được thân thể khỏe mạnh, đó mới là kỷ luật tự giác lâu dài. Vì vậy, đỉnh cao của kỷ luật không phải tận hết toàn lực, mà là biết tiết chế bản thân; không phải đạt được mục tiêu bằng mọi cách, mà là có suy xét và cân nhắc đến kế hoạch hợp lý trường kỳ. Làm được như vậy, thì kỷ luật ấy mới có thể tạo nên sự phát triển ổn định và bước tiến lâu dài. Một bước tiến thông minh là biết dừng lại đúng lúc, biết lượng sức mình. Lúc làm việc thì tận lực làm cho tốt, nhưng lúc nên nghỉ ngơi, thì nhất định phải nghỉ ngơi.

Một số người thức khuya là do họ quá chăm chỉ, cần mẫn, đặt ra yêu cầu nghiêm khắc với bản thân mình; nhưng rất nhiều người không ngủ lại là vì ban ngày không làm được điều gì.

Có người nói rằng, chúng ta phải thức khuya làm việc là bởi ban ngày đã không tận dụng thời gian, không làm được gì, cho nên phải bù đắp vào ban đêm, chứ không phải vì ban đêm làm việc có hiệu quả.

Hãy nghĩ thử xem, rất nhiều người đều như vậy.

Ban ngày lướt web, xem video, đi mua sắm, lên mạng xã hội ấn “like”, “share”, rồi bình luận, rồi tán gẫu với bạn bè. Mò mẫm bên Đông, tất bật bên Tây, cuối ngày mới giật mình hoảng hốt: “Thời gian đi đâu mất rồi?”. Lúc đêm về, hồi tưởng lại thấy một ngày chưa kịp làm gì, mà thời gian đã trôi qua mất rồi. Công việc dồn cả lại, họ buộc phải thức khuya để bù đắp, tự nhủ với bản thân rằng: Ít nhất mình đã không phí hoài thời gian.

Tuy nhiên càng ngủ trễ lại càng mất tinh thần, đầu óc căng thẳng, một việc cũng không thành, lúc đêm về lại càng thêm mệt mỏi, cuối cùng khiến người ta rơi vào vòng tuần hoàn luẩn quẩn: Vì thức khuya nên ban ngày không tỉnh táo, ban ngày không tỉnh táo nên lại phải thức khuya để làm bù. Vì vậy, những cao nhân đích thực sẽ biết “đoạn tuyệt” với việc làm đêm khuya để tận hưởng giấc ngủ của mình. Đời người có một phần ba thời gian là đang ở trong giấc mộng, giấc ngủ là một bộ phận quan trọng của đời người.

Có câu chuyện kể rằng:

Một ngày có người đến hỏi vị thiền sư: “Hòa thượng tu hành khác người thường như thế nào?”

Vị thiền sư trả lời: “Đói bụng thì ăn, buồn ngủ thì đi ngủ!”.

Người ấy hỏi lại: “Người thông thường đều như vậy cả, đâu có gì khác biệt?”.

Vị thiền sư nói: “Cũng là ăn cơm, cũng là ngủ nhưng lại có những kết quả khác nhau. Người phàm lúc ăn cơm thì nhìn dọc nhìn ngang, nghĩ điều này nghĩ điều kia, trong đầu có muôn vàn suy tính. Còn lúc ngủ thì mơ tưởng điên đảo, mơ cái này mơ cái kia, suy nghĩ đủ loại. Người tu luyện thì khi ăn cơm chính là ăn cơm, khi ngủ chính là ngủ chứ không có suy nghĩ gì!”.

Ở trên đời, điều đơn giản nhất cũng là điều khó làm nhất, những việc như ăn, uống, ngủ, nghỉ đều được coi là chuyện nhỏ nhặt, nhưng quả thực lại không hề dễ dàng.

Nhưng kỷ luật tự giác không phải là sự rèn luyện mãnh liệt, sự nhiệt tình quá độ trong công việc, mà kỷ luật tự giác là khi bạn không hay biết nó đã dần dần hòa nhập vào cuộc sống của bạn, khiến bạn không cần phải gắng gượng hết sức mà vẫn có thể thảnh thơi. Đỉnh cao của kỷ luật tự giác là phải tích lũy theo năm tháng, tích tiểu thành đại, thường ngày đối xử tốt với bản thân. Cho dù bạn có bận như thế nào, có thành công ra sao, bảo trọng thân thể mới là việc quan trọng nhất, bảo vệ sức khoẻ chính là việc làm lâu dài.

Người tu luyện thì khi ăn cơm chính là ăn cơm, khi ngủ chính là ngủ chứ không có suy nghĩ gì.

Lúc đêm dài yên tĩnh, nên tắt máy tính và điện thoại, uống một ly sữa nóng, hoặc uống một ly trà thảo dược hay trà hoa Nhài, để an thần, ngâm chân, thả lỏng tinh thần, hít thở sâu. Sau đó cố gắng ngủ trước 11 giờ, đi vào giấc mộng, vì ngày mai mà dưỡng nguyên khí, vì tương lai mà dưỡng tinh thần.

Sức khỏe chính là tài phú lớn nhất trong đời người, là mục đích cao nhất của kỷ luật tự giác. Nỗ lực tốt nhất không phải là dùng hết toàn bộ sức lực, dùng hết năng lượng, mà là bảo tồn thực lực, bồi dưỡng sự tinh nhuệ, mạnh mẽ. Đỉnh cao của kỷ luật tự giác không phải là khiến bản thân hao mòn, mà là đối xử tốt với bản thân. Bởi vì, quản lý người khác không phải là vĩ đại, mà vĩ đại chính là tự quản lý bản thân mình.

Thanh Bình

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.