Tuổi
tác, tình trạng sức khỏe, di truyền và các yếu tố môi trường tất cả đều là những
yếu tố ảnh hưởng đến việc tóc bị bạc đi. Trong đó tuổi tác có vẻ là yếu tố quan
trọng và thường gặp nhất.
Bạc tóc có thể bắt đầu ngay từ lúc mười mấy tuổi. Tuy nhiên, tóc bạc thường bắt đầu được ghi nhận vào lứa tuổi 30 ở đại đa số.
Có
người cho rằng tóc bạc là khởi đầu của sự già cỗi. Có người coi nó như là một dấu
hiệu của sự từng trải.
Nhiều
người tin rằng bạc tóc là hậu quả của sự lo âu căng thẳng.
Nếu
quan niệm rằng “trẻ” là khả năng có thể hấp thụ được chất bổ, những điều hữu
ích, để thay đổi, vươn lên, thì dù bao nhiêu tuổi, tóc xanh hay bạc, đều vẫn
“trẻ.”
Còn
nếu không biết rút tỉa kinh nghiệm từ cuộc sống, cố chấp, sai bao nhiêu lần vẫn
cứ hoàn sai không học được gì, thì dù đầu bạc đến đâu, có “lên voi xuống chó” đến
đâu. Có lẽ, cũng không thể gọi là “từng trải.”
Dù
có nhiều truyền thuyết về một số nhân vật chỉ quá lo lắng trong một đêm mà tóc
chuyển sang bạc trắng, cho đến nay vẫn chưa có chứng cớ khoa học nào cho thấy rằng
sự lo lắng có thể làm thay đổi các tế bào sắc tố khiến cho tóc chuyển màu qua
đêm.
Tại sao tóc bạc?
Tóc
bạc bắt đầu khi cơ thể chúng ta ngừng sản xuất một chất tạo ra màu gọi là sắc tố
(melanin). Cả mái tóc của chúng ta bao gồm nhiều dải tóc (strands of hair). Mỗi
dải tóc mọc ra từ một nang tóc (follicle) trong đó có chứa các tế bào chứa sắc
tố gọi là các tế bào sắc tố (melanocytes). Các tế bào sắc tố chuyển sắc tố sang
các tế bào tạo ra lớp bọc ngoài của tóc (keratinocytes) làm cho tóc có màu và
sáng mượt. Có hai loại sắc tố: Eumelanin có màu nâu đậm hay đen, Pheomelanin có
màu vàng hoe (reddish yellow).
Theo
thời gian, số lượng sắc tố trong keratinocytes giảm đi. Tóc bạc đi, đơn giản chỉ
là tóc đã bị giảm sắc tố. Khi không còn chút xíu sắc tố nào cả thì tóc bạc trắng.
Sự suy giảm sắc tố cũng làm cho tóc bớt mượt đi. Do đó, khi tóc bạc đi, nó cũng
trở nên khô và thô hơn.
Tóc bạc đi như thế nào?
Trong
quá trình bạc tóc, các nang tóc tạo ra các dải tóc bạc một cách ngẫu nhiên. Các
dải tóc bạc đầu tiên thường xuất hiện ở vùng màng tang (thái dương) và đỉnh đầu.
Người ta vẫn chưa rõ tại sao tóc bạc thường bắt đầu ở các khu vực này trước
tiên.
Thật
ra, mỗi sợi tóc không chuyển từ đen sang bạc. Mỗi ngày, một cách bình thường,
bao giờ cũng có một số tóc rụng đi và được thay thế bằng tóc mới. Vào bất cứ
lúc nào cũng vậy, khoảng 85% đến 90% số lượng tóc của cả mái tóc ở trong tình
trạng hoạt động, trong khi phần còn lại trong tình trạng nghỉ ngơi.
Bình
thường, mỗi dải tóc phát triển trong vòng hai tới bốn năm. Sau đó, nó sẽ bước
vào giai đoạn nghỉ ngơi khoảng hai tới bốn tháng. Cuối cùng, nó sẽ rụng đi và
được thay thế bằng tóc mới.
Trung
bình, mỗi người chúng ta rụng khoảng 50 đến 100 dải tóc mỗi ngày. Tóc đen thường
che phủ tóc bạc, khi tóc rụng nhiều trong một thời gian ngắn, như khi bị quá
căng thẳng, bệnh nặng, sau khi mổ, số tóc đen bên ngoài rụng đi nhiều làm cho mớ
tóc bạc “lòi” ra, khiến cho người ta có cảm giác như là tóc bạc đi chỉ sau một
đêm. Các tình trạng bị stress như kể trên có thể làm rụng đi đến 300 dải tóc mỗi
ngày.
Khi nào tóc bắt đầu bạc?
Trong
giai đoạn đầu của quá trình bạc tóc, các tế bào sắc tố vẫn hiện diện nhưng
không hoạt động. Dần dần, chúng bắt đầu giảm đi. Quá trình bạc tóc tự nhiên này
có thể bắt đầu ngay từ lúc mười mấy tuổi. Tuy nhiên, tóc bạc thường bắt đầu được
ghi nhận vào lứa tuổi 30 ở đại đa số. Một số nghiên cứu cho thấy rằng đàn ông
thường bắt đầu có tóc bạc vào khoảng tuổi 30, trong khi ở phái đẹp, tóc thường
bắt đầu bớt xanh vào khoảng tuổi 35.
Di truyền cũng là một yếu tố. Ở một số gia đình, nhiều người bắt đầu có tóc bạc
vào tuổi 20.
Tuy
nhiên, việc khi nào tóc bắt đầu bạc rất khác nhau giữa người này với người
khác, sắc dân này với sắc dân khác. Và do đó các chuyên gia về da và tóc cũng
như các nhà nghiên cứu về di truyền đã kết luận rằng tuổi tác không phải là yếu
tố chính xác nhất để biết được khi nào tóc bắt đầu bạc.
Một số tình trạng có thể là nguyên nhân bạc tóc
Vì
thiếu tài trợ cho việc nghiên cứu về vấn đề bạc tóc (chẳng làm chết ai) này,
người ta vẫn không có nhiều chứng cớ khoa học về chuyện này. Tuy nhiên, một số
nghiên cứu lẻ tẻ cho thấy một số yếu tố có thể góp phần vào việc làm cho tóc bạc:
-Thuốc
lá: Một nghiên cứu cho thấy rằng những người hút thuốc dễ bị bạc tóc sớm gấp bốn
lần so với những người không hút.
-Đôi
khi, tóc bạc đi bất thường có thể là dấu hiệu của một số bệnh như:
+Bệnh thiếu máu ác tính (pernicious anemia): Thường do thiếu sinh tố B12. Đôi
khi liên quan đến việc giảm việc sản xuất các sắc tố.
+Hội chứng Werner (một hội chứng bao gồm các triệu chứng lão hóa vào tuổi 20).
-Bất
cứ bệnh nào làm rụng tóc đều làm cho tóc bạc bị “lòi” ra (như đã trình bày bên
trên).
+Một số thuốc gây ra rụng tóc cũng làm cho mái tóc nhìn có vẻ bạc đi. Ví dụ như
thuốc lithium thường dùng trị bệnh hưng trầm cảm (bipolar disorder),
methotrexate thường dùng trị ung thư và viêm khớp dạng thấp.
Tuy
nhiên, có một hiện tượng người ta vẫn chưa giải thích được là ở một số bệnh
nhân bị rụng tóc bạc do hóa trị liệu (chemotherapy – thường dùng để trị ung
thư), khi tóc mọc trở lại, nó có thể lại đen trở lại. Hiện tượng này gợi ý rằng
các tế bào sắc tố tạo ra ít sắc tố có thể được kích thích để tạo ra nhiều sắc tố
hơn. (Hy vọng hiện tượng này sẽ được nghiên cứu kỹ hơn để chế ra thuốc trị bạc
tóc sau này).
Có cách nào trị bạc tóc không?
Nếu
bị bạc tóc một cách bất thường do rụng quá nhiều tóc, cách điều trị là trị hoặc
tránh các nguyên nhân (nếu có thể được) như đã kể trên.
Trên
thị trường, có một số sản phẩm hứa hẹn sẽ làm cho tóc bạc trở lại màu như lúc
còn trẻ. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có chứng cớ khoa học nào về sự hiệu quả của
các loại thuốc này.
Cho
tới nay, cách trị bạc tóc duy nhất là… nhuộm tóc thường xuyên (tuy nhiên nếu
lông mũi cũng bị bạc thì rất khó… che giấu).
Kỹ
nghệ nhuộm tóc hiện nay rất đa dạng và tiện lợi: Có loại nhuộm có tác dụng dài
hơn, lại có loại chỉ cần quẹt vài quẹt, là hôm đó có thể “trẻ hẳn ra,” tối về gội
đầu, tóc sẽ trở lại màu tự nhiên.
Nếu
có triệu chứng gì khác bênh cạnh việc có vài sợi tóc bạc, ta nên đến bác sĩ để
được thăm khám xem có bị bệnh gì (ví dụ như là thiếu máu ác tính) hay không.
***
Bạc
tóc có thể là một dấu hiệu (đáng tự hào) của sự từng trải (thật sự).
Bạc tóc chưa hẳn là già.
Những người hút thuốc dễ bị bạc tóc sớm gấp bốn lần so với những người không hút. (Hình minh họa: Dimitri Bong/Unsplash)
Già
(cỗi) hay trẻ (trung) thường được quyết định bằng những gì nằm bên dưới mái
tóc.
“Hạnh phúc là cuộc hành trình” chứ không phải là đích đến.
Sống
an nhiên tự tại, thưởng thức từng giây phút của cuộc sống.
Dù ra sao về sau.
Dù Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Dù cuối năm hay đầu năm.
Hình như là cách hiệu quả, để “trẻ mãi không già.”
Nếu sự lo lắng, đau khổ, là yếu tố quan trọng nhất, thật sự làm ta già đi.
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Hãy sống an nhiên tự tại, thưởng thức từng giây phút của cuộc sống.
Trả lờiXóa