Trang

02/06/2022

9 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm môi trường

Không khí ô nhiễm ở Bangkok, Thái Lan, 19/01/2022. AP - Wally Santana

9 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm môi trường, nhiều hơn bệnh tật, khủng bố và chiến tranh

Theo một nghiên cứu công bố trên The Lancet Planetary Health vào đầu tháng 5/2022, ô nhiễm không khí, nước và đất là nguyên nhân gây ra cái chết của nhiều người hơn là các bệnh như sida, ho gà và sốt rét, khủng bố và chiến tranh, đặc biệt là ở những nước đang phát triển.

Khoảng 9 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm trên toàn thế giới, tức là cứ 6 ca tử vong thì có một ca liên quan đến ô nhiễm môi trường, tương đương với 16 % số ca tử vong toàn cầu. Ô nhiễm được xem là “mối đe dọa hiện hữu đối với sức khoẻ con người và hành tinh”. Số người chết vì ô nhiễm cao gấp 3 lần so với bệnh si đa, lao, sốt rét, ma tuý, chiến tranh và khủng bố. Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số ca tử vong do ô nhiễm, lần lượt là gần 2,4 triệu và gần 2,2 triệu ca tử vong mỗi năm. (Nhưng không thể không xét đến việc hai quốc gia này có dân số lớn nhất thế giới.) 

Các con số trên được đưa ra dựa trên phân tích của khoảng 7000 nhà nghiên cứu về môi trường, qua số liệu của Chương trình Nghiên cứu Quốc tế về Dịch bệnh và viện nghiên cứu Institute for Health Metrics and Evaluation (Mỹ), được thực hiện bởi Uỷ ban ô nhiễm và sức khoẻ của tạp chí y khoa The Lancet. Những số liệu mới nhất có được từ năm 2019.  

Theo các nghiên cứu dịch tễ học, bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tiểu đường, thường tương quan chặt chẽ với ô nhiễm. Các nhà nghiên cứu xem xét số ca tử vong theo nguyên nhân, và tiếp xúc với ô nhiễm từ các yếu tố khác nhau. Cũng giống như cách mà các nhà khoa học tính toán số ca tử vong vì thuốc lá, do mối liên hệ giữa thuốc lá và bệnh tim và bệnh ung thư.  

Nguyên nhân ô nhiễm không được xác nhận trên giấy chứng tử  

Đồng tác giả của báo cáo, kiêm giám đốc của Liên Minh Toàn Cầu về sức khoẻ và ô nhiễm (The Global Alliance on Health and Pollution), bà Rachael Kupka cho biết, rất cần thiết để mọi người có thể nhận thức được rằng ô nhiễm chính là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về sức khoẻ mãn tính. “Vấn đề này sẽ được quan tâm nhiều hơn nếu tất cả các nguy cơ ô nhiễm được ghi trên giấy chứng tử”. Bà Kupka cho biết thêm :

“Tác động của các loại bệnh tật có thể được đánh giá rõ ràng dựa trên nguyên nhân tử vong. Chúng ta có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như ung thư, đột quỵ, hoặc các loại bệnh khác. Ô nhiễm là một yếu tố rủi ro, gây ra cái chết cũng như nhiều yếu tố khác. Khi chúng ta muốn phân tích loại ô nhiễm nào dẫn đến ca tử vong nào đó, thông thường được xét vào loại bệnh không lây nhiễm, và nguyên nhân cái chết không được ghi rõ ràng trên giấy chứng tử. Do vậy chúng ta sẽ không bao giờ thấy rằng ô nhiễm là nguyên nhân gây ra cái chết.” 

Ô nhiễm không khí là nghiêm trọng nhất 

Theo các nhà nghiên cứu, ô nhiễm không khí được đo bởi nồng độ bụi mịn, lưu huỳnh, và nitơ oxít. Ô nhiễm nước ngọt và đại dương bởi các loại chất thải như thuỷ ngân, ni tơ(nitrogen), phốt pho (phosphore), nhựa (plastic) và dầu. Ô nhiễm đất bị gây ra bởi chì, thuỷ ngân, thuốc trừ sâu, hoá chất công nghiệp, chất thải điện tử và chất thải phóng xạ.  

Ô nhiễm không khí (cả ngoài trời và bên trong) là yếu tố rủi ro đầu tiên, chiếm khoảng 75% số ca tử vong. Con số này gia tăng, đồng nghĩa với việc lượng khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông và việc tạo ra năng lượng ngày càng tăng. 

Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều bệnh mãn tính và các trường hợp tử vong sớm do hoá chất độc hại, đặc biệt là không khí bị ô nhiễm do chì, lên đến 1,8 triệu ca. Tiếp xúc với bụi mịn và khí nitơ oxit là nguyên nhân tử vong của 6,7 ​​triệu ca tử vong sớm mỗi năm. 

Nghiên cứu phân biệt rõ các chất ô nhiễm truyền thống và hiện đại. Ví dụ, các chất ô nhiễm truyền thống đó là khói, nước thải sinh hoạt. Các chất ô nhiễm hiện đại là ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, hoặc từ các hoạt động công nghiệp và hoá chất độc hại. Báo cáo cho biết các ca tử vong do ô nhiễm truyền thống đã giảm, nhưng do các chất ô nhiễm hiện đại lại tăng lên đáng kể, ở hầu hết các quốc gia.  

Chì có mặt ở mọi nơi

Bên cạnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm do hoá chất gây ra 1, 8 triệu ca tử vong mỗi năm, từ các loại kim loại nặng và các chất thải công nghiệp, thuốc trừ sâu hoặc các chất gây ô nhiễm có trong các sản phẩm được sử dụng trong tiêu dùng hàng loạt chất chống cháy, hợp chất perfluorinated, bisphenol, phthalate).

Các nhà nghiên cứu cho rằng con số này trên thực tế có thể cao hơn, do rất ít hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp được theo dõi đầy đủ, và thường chỉ ở những nước đã phát triển. Ô nhiễm chì là loại phổ biến nhất. Bà Kupka giải thích việc tiếp xúc với chì có thể xảy ra trong nhiều tình huống.  

“Bình điện của ô tô đều được tái chế ở một nơi nào đó. Ở các nước thu nhập cao, pin thường được tái chế theo chu trình cẩn thận và nhiêm ngặt. Còn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, có thể hơn một nửa tổng số bình điện bị bỏ đi hoặc không được tái chế và xử lý đúng cách. Điểm thứ hai, điều khiến chúng tôi lo lắng là các loại gia vị và hương liệu bị pha tạp chất, đặc biệt là ở các nước sử dụng nhiều gia vị trong ẩm thực như Ấn Độ, Bangladesh, Maroc và Gruzia, hay cả trong các loại gia vị nhập khẩu vào Mỹ. Trong quá trình chế biến, họ thêm chì cromat (lead(II) chromate), hoặc muối chì, tạo ra màu vàng hoặc đỏ, bắt mắt cho gia vị. Thứ ba, đó là việc sử dụng đồ gốm tráng men chì hoặc dụng cụ nấu nướng bằng nhôm có chứa chì. Khi nấu ăn bằng các loại vật dụng này, chì có thể ngấm trực tiếp vào thực phẩm.” 

Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 25/4, đã công bố một kế hoạch nhằm loại bỏ hàng loạt các hóa chất nguy hiểm nhất cho sức khỏe và môi trường khỏi các sản phẩm tiêu dùng vào năm 2030. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng “hầu hết các quốc gia làm chưa đủ”. 

Đồng tác giả của báo cáo Richard Fuller cho biết : “Mặc dù ô nhiễm gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, ngày càng được ghi nhận rõ ràng, và mối quan tâm ngày càng tăng trong dân chúng, sự chú ý mà các phương tiện dành cho cuộc chiến chống ô nhiễm chỉ tăng rất ít kể từ năm 2015”. 

Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm 

Một vấn đề khác được giới chuyên gia quan tâm, đó là thiệt hại kinh tế liên quan đến các ca tử vong sớm do ô nhiễm. Điều này có thể được đánh giá qua việc mất đi nguồn nhân lực trong xã hội. The Lancet gọi đây là tổn thất phúc lợi. Báo cáo sử dụng phương pháp đánh giá chi phí ô nhiễm hiện đại, dựa trên các triển vọng tăng trưởng kinh tế xã hội của các quốc gia.  

Theo báo cáo được uỷ ban về ô nhiễm và sức khoẻ của Lancet, thực hiện dựa trên số liệu của năm 2015, thiệt hại kinh tế liên quan đến ô nhiễm vào năm 2015 tương đương với 6,2 % GDP thế giới. Tình trạng không khí ô nhiễm tác động đến kinh tế, đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực Đông Á (10,3% GDP), và Thái Bình Dương (9,3% GDP). 

Các nước nghèo chịu hậu quả nhiều nhất 

92% số ca tử vong tập trung ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt là ở Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, v.v.). Ở các nước có quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Madagascar hoặc Kenya, cứ bốn người tử vong thì có đến một ca có liên quan đến ô nhiễm. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng kinh tế của những cuộc sống bị rút ngắn này đối với các quốc gia liên quan: hơn 4.600 tỷ đô la mỗi năm, hay tương đương với 6,2% GDP thế giới. 

Tuy nhiên, gánh nặng ô nhiễm này vẫn bị cả chính phủ và các tổ chức hỗ trợ phát triển bỏ qua. Tạp chí The Lancet kêu gọi  xoá bỏ “lầm tưởng” rằng ô nhiễm là hệ quả tất yếu của sự phát triển kinh tế. 

Các nhà nghiên cứu kêu gọi tăng cường tài trợ cho việc kiểm soát ô nhiễm từ các chính phủ và các nhà tài trợ, giám sát tốt hơn và một cơ quan khoa học độc lập mới để đánh giá vấn đề, theo mô hình của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, có các báo cáo có ảnh hưởng được tất cả các chính phủ đồng ý. Theo bà Rachel Kupka, từ lâu ô nhiễm chỉ được xem là một vấn đề cần giải quyết ở mức độ địa phương với các quy định quốc gia. Thế nhưng, cũng giống như hiện tượng trái đất nóng lên, “ô nhiễm là một mối đe doạ toàn cầu và không bị giới hạn bởi đường biên giới và cần một phản ứng quốc tế”.  

Chi Phương - RFI

 

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.