KÍNH CHÚC CÁC ANH CHỊ VÀ CÁC BẠN NĂM 2023 SẼ LÀ MỘT NĂM THÀNH CÔNG VÀ NHIỀU MAY MẮN.
31/12/2022
30/12/2022
Chuyên gia BMW chẩn đoán lỗi VinFast VF 8: Có thể do pin quá nóng?
Ông Nguyễn Ngọc Thuận đăng video trong nhóm
Facebook OFFB nói về lỗi pin của xe VinFast VF 8.
Trong ít ngày gần đây, hai chủ xe ô tô điện VinFast VF 8 ở
Việt Nam cho biết trên mạng xã hội rằng xe của họ bị “hỏng pin” hoặc “báo pin lỗi”,
không chạy được. Một chuyên gia thuộc hãng BMW ở Đức nhận định với VOA rằng pin
của VF 8 có thể bị nóng quá do chất lượng không đều.
Ông Nguyễn Ngọc Thuận, tự mô tả là một trong những người nhận
xe VF 8 đầu tiên và sớm nhất, đăng bài hôm 27/12 trong nhóm Facebook có tên
OFFB, gồm hơn 1 triệu thành viên, cho hay chiếc VF 8 của ông sau 50 ngày sử dụng
“bắt đầu có bệnh nghiêm trọng” vào ngày 20/12.
“Cụ thể là xe nằm yên một chỗ nhưng khởi động bấm số thì
không có được. Loay hoay một hồi cho đi được 20 mét sau đó nhảy về P bó cứng. Rất
may là xe đi trong nội khu đô thị nên chưa xảy ra mất an toàn”, ông Thuận
viết. Trên các xe có hộp số tự động, số P chỉ được sử dụng khi xe đã đỗ hoàn
toàn.
Xe của ông được đưa về xưởng để tìm lỗi nhưng sau hai ngày,
dù các kỹ thuật viên “tháo tung cốp xe, gầm xe ra”, họ vẫn không xác định được
nguyên nhân. Họ chỉ nghi là do phần mềm, không phải lỗi phần cứng, theo bài viết
của ông Thuận.
Vào ngày 22/12, ông nhận xe về và đi trong hai ngày, với
quãng đường khoảng 90 kilomet, xe lại bị lỗi đó. “Lần này nguy hiểm hơn là
xe nhảy về số P ngay khi xe đang đi gần khu vực ngã tư Huỳnh Thúc Kháng-Nguyễn
Chí Thanh (Hà Nội)”, ông Thuận kể.
Kể từ 15h ngày 24/12 đến nay, xe vẫn đang trong tình trạng
chờ nhà máy phân tích tìm lỗi, vị chủ xe cho biết.
Là người đã đi rất nhiều ô tô cũ, mới các loại, đây là lần
đầu tiên ông thấy “lo lắng, suy nghĩ” mỗi lần bước lên xe VinFast VF 8. “Nếu
từ nay có phải tiếp tục đi lại cái xe đó thì luôn có suy nghĩ trong đầu lỡ đang
phóng nhanh mà xe nhảy bất thình lình ngay giữa đường về P thì như thế nào. Cảm
giác cực bất an”, ông Thuận tâm sự trên OFFB.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng việc ông đăng bài cũng “nhằm
mục đích yêu cầu phía VinFast hãy chấm dứt việc bán hàng mà sản phẩm không hoàn
thiện về cả phần cứng lẫn phần mềm. Rồi hãy đào tạo nhân viên kỹ thuật cho nhuần
nhuyễn. Bao giờ thực sự làm chủ được sản phẩm mình làm ra thì hãy bán nó ra thị
trường”.
Vẫn vị chủ xe cho hay ông đã gửi 10 thư nêu ra vấn đề với
VinFast nhưng hãng “gần như vô cảm thờ ơ”, và hiện ông vẫn đợi xem phía hãng trả
lời và phản ứng như thế nào.
Theo quan sát của VOA, bài đăng của ông Thuận nhận được hơn
4.400 phản ứng “yêu, thích, sửng sốt” và hơn 1.800 lời bình luận mà phần lớn là
ủng hộ ông. Nhiều người cũng chia sẻ nội dung bài viết ra bên ngoài nhóm OFFB.
Ảnh chụp màn hình về đoạn video của ông Trúc LK, trên YouTube hôm 24/12/2022.
Không lâu trước bài đăng của ông Thuận, một người khác có
tên viết tắt là Trúc LK đăng video hôm 24/12 lên YouTube nói rằng xe VF 8 của
ông mới đi được 20 km đã “hỏng pin” với những hiện tượng giống trường hợp của
ông Thuận.
Ông Trúc LK, người có giọng nói miền nam, nói rằng nhân
viên của VinFast rất nhiệt tình, nhưng sau 3 lần kiểm tra vẫn không phát hiện
ra nguyên nhân lỗi. Trong phần lời văn tóm tắt đăng kèm video, ông bày tỏ rằng
“vẫn hoang mang chưa biết khi nào xe có thể chạy được”.
Trước đó, như VOA đã đưa tin, hồi đầu tháng 12, YouTuber có
tên Tom Peng đăng lên mạng 2 video nói rằng xe VF 8 của ông này ở thành phố Hồ
Chí Minh bị nhiều lỗi, bao gồm cả lỗi không thể chạy được giống những gì hai
ông Thuận và Trúc LK gặp phải. Hãng VinFast đã đưa xe về để sửa nhưng không giải
quyết được triệt để các vấn đề. Hai video của ông Tom Peng thu hút hơn 25.000
lượt xem.
Cho đến nay, theo quan sát của VOA, hãng VinFast thuộc tập
đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa có phản ứng chính thức về các
bài đăng của ba ông Thuận, Trúc LK và Tom Peng. VOA cố gắng liên lạc trực tiếp
với VinFast để tìm hiểu thêm nhưng không nhận được hồi đáp.
Những lời phàn nàn, chỉ trích về lỗi xe VF 8 xuất hiện ở Việt
Nam trong bối cảnh hãng VinFast vừa xuất khẩu 999 chiếc xe loại này thuộc phiên
bản City Edition sang Mỹ.
Một số trang tin chuyên về ô tô và công nghệ ở Mỹ gồm
Jalopnik, Carscoop, MotorTrend và dot.LA đưa ra đánh giá rằng với mức giá từ
52.000-55.000 đô la và tầm xe chạy mỗi lần pin sạc đầy là 180 dặm (290 km), bản
City Edition của VF 8 sẽ khó cạnh tranh ở Mỹ.
Về vấn đề pin của VF 8 mà một số chủ xe nêu lên, tiến sĩ
Trương Quí Hoàng Phương, chuyên gia kiến trúc dòng xe thế hệ mới của hãng BMW,
nhận định với VOA rằng có khả năng cao là pin của VF 8 bị nóng quá. Ông giải
thích:
“Có thể xe đang chạy thì nóng pin lên quá mức cho phép, xe
thấy có hiện tượng như vậy, phần mềm sẽ điều khiển ngắt mạch đi, ngắt nguồn điện
từ bình điện qua động cơ. Tại sao có xe bị, xe không? Theo tôi đoán, có thể cái
mạch họ hàn không tốt hay thế nào đó, có thể điện trở cao quá, làm nhiệt bị cao
quá mức cho phép. Tôi không nghĩ là nó sai thiết kế. Nếu sai thiết kế, có rất
nhiều xe cùng bị”.
Vị chuyên gia hiện đang sinh sống, làm việc ở Đức nói thêm
rằng cần phải xem xét điều kiện hoạt động của xe khi xảy ra vấn đề. Ví dụ, nếu
những người trên xe xử dụng quá nhiều thiết bị, như vừa chơi game, vừa bật máy
lạnh, bên cạnh đó là các điều kiện riêng của Việt Nam, hoặc xe đang lên dốc,
lên cầu hay không… “Có nhiều cái gây ra tín hiệu là xe sử dụng nhiều năng lượng,
pin bị nóng, bị quá tải, phần mềm ra lệnh ngắt”, ông Phương nói với VOA.
Với kinh nghiệm của mình, tiến sĩ Phương nói rằng nếu các
nhân viên VinFast không tái hiện điều kiện hoạt động thực tế của xe, sẽ khó
phát hiện được lỗi:
“Khi họ tìm lỗi, họ đo ở chế độ bình thường, lúc đó pin
mát, họ đo không ra. Họ không chạy thử xe. Phải có khu thí nghiệm tạo mô phỏng
để xe chạy trong các chế độ khác nhau. Có thể các hãng trong điều kiện Việt
Nam, hay là ở Sài Gòn, họ không có máy móc để mô phỏng xe chạy giống như bên
ngoài. Nếu không có, họ phải chạy bên ngoài vừa gắn máy vừa đo, không biết họ
có làm điều đó hay không”.
Ông Phương lưu ý với VOA rằng vì không được tiếp xúc trực
tiếp với chiếc xe cụ thể nên điều ông nhận định chỉ có xác suất đúng khoảng
80-90%.
Chuyên gia lâu năm của BMW dự đoán rằng vấn đề của VF 8
thiên về phần cứng nhiều hơn là phần mềm:
“Phần mềm nó chỉ nhận biết những tín hiệu từ phần cứng
qua thôi. Có thể phần mềm nó thấy những dao động nhiệt độ trong pin cao hơn mấy
độ thì nó phải ngắt. Nếu mà như vậy, người ta chỉ sửa phần mềm là hết. Thế thì
đơn giản quá. Tôi không nghĩ như vậy”.
Một nguyên nhân khác làm xe ngắt điện của pin là khi phần mềm
nhận được tín hiệu “crash” (xe đâm, tông xe). Trong trường hợp này, việc ngắt
điện đột ngột xảy ra là để đề phòng xe cháy nổ, tiến sĩ Phương nói. Tuy nhiên,
các xe của ông Thuận, Trúc LK và Tom Peng dường như không thuộc vào trường hợp
này.
Theo tìm hiểu của VOA, VinFast đã giao 412 xe VF 8 cho
khách hàng riêng trong tháng 11/2022. Dự kiến từ tháng 12/2022, VinFast sẽ bàn
giao hàng nghìn xe VF e34 và VF 8 cho khách hàng.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
29/12/2022
Bệnh tự ảo tưởng về kiến thức của bản thân
Nếu bạn cho mình là thông minh và có học thức vừa phải, bạn có thể mặc định rằng mình nắm bắt vừa đủ về cách thức hoạt động cốt lõi của thế giới – kiến thức về những phát minh và các hiện tượng tự nhiên quen thuộc quanh mình.
Bây giờ, hãy nghĩ về những câu hỏi sau đây: cầu vồng được
hình thành như thế nào? Tại sao ngày nắng có thể lạnh hơn ngày âm u? Làm sao trực
thăng bay được? Bồn cầu xả nước như thế nào?
Tiếp theo, hãy tự hỏi bản thân: bạn có thể có câu trả lời
chi tiết cho bất kỳ hay toàn bộ những câu hỏi trên không? Hay bạn chỉ nắm bắt
mơ hồ những điều cốt lõi trong mỗi trường hợp?
Nếu bạn cũng giống như nhiều người tham gia nghiên cứu tâm
lý, ban đầu bạn có thể cho rằng mình sẽ làm tốt. Tuy nhiên, khi được yêu cầu
đưa ra câu trả lời đi sâu hơn cho mỗi câu hỏi, hầu hết mọi người đều hoàn toàn
bối rối – cũng như bạn vậy.
Sự thiên lệch này được gọi là ‘ảo tưởng kiến thức’. Bạn có
thể cho rằng những ví dụ cụ thể này là nhỏ nhặt – suy cho cùng, chúng là kiểu
câu hỏi mà đứa trẻ tò mò có thể hỏi bạn, mà hậu quả tồi tệ nhất có thể là đỏ mặt
trước mặt người thân.
Nhưng ảo tưởng kiến thức có thể gây hại cho phán đoán chúng
ta trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, ở nơi làm việc, nó có thể khiến chúng ta
đánh giá quá cao kiến thức của mình trong một cuộc phỏng vấn, bỏ qua đóng góp của
đồng nghiệp và nhận những việc mà chúng ta hoàn toàn không thể làm được.
Nhiều người chúng ta trong cuộc sống hoàn toàn không biết gì về sự kiêu ngạo trí tuệ này và hậu quả của nó. Tin tốt là một số nhà tâm lý cho rằng có thể có một số cách đơn giản không ngờ để tránh cái bẫy tư duy phổ biến này.
Ẩn số chưa biết
Ảo tưởng kiến thức – còn được gọi là ‘ảo ảnh về chiều sâu
giải thích’ – lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2002.
Trong một loạt các nghiên cứu, Leonid Rozenblit và Frank
Keil tại Đại học Yale trước hết đưa cho người tham gia những giải thích ví dụ về
các hiện tượng khoa học và cơ chế hoạt động công nghệ, được chấm theo thang điểm
từ 1 (rất sơ sài) đến 7 (rất thấu đáo). Điều này đảm bảo mọi người đều thống nhất
khi đánh giá thế nào là hiểu biết ‘sơ sài’ hay ‘thấu đáo’ về một chủ đề.
Kế đó là bài trắc nghiệm. Khi được hỏi thêm các câu hỏi về
khoa học và công nghệ, người tham gia phải đánh giá mức độ họ nghĩ mình có thể
trả lời từng câu hỏi đến đâu, sử dụng cùng thang đo, trước khi viết ra câu trả
lời càng chi tiết càng tốt.
Rozenblit và Keil nhận thấy đánh giá ban đầu của mọi người
về hiểu biết của họ thường lạc quan quá mức. Họ cho rằng mình có thể viết cả
bài dài về chủ đề này, nhưng thường chỉ kể ra được ý chính cơ bản nhất – và sau
đó, nhiều người ngạc nhiên về mức độ họ biết ít thế nào.
Các nhà nghiên cứu ngờ rằng sự tự tin thái quá nảy sinh từ
khả năng hình dung các khái niệm được nói đến; chẳng hạn, không khó hình dung
trực thăng bay thế nào, và sự xuất hiện dễ dàng của hình ảnh đó trong tâm trí
khiến mọi người thấy tự tin hơn để giải thích cơ chế chuyển động của nó.
Kể từ nghiên cứu bản lề này, các nhà tâm lý đã cho thấy ảo
tưởng kiến thức trong nhiều bối cảnh khác nhau. Ví dụ, Matthew Fisher, phó giáo
sư tiếp thị tại Đại học Southern Methodist, Texas, phát hiện rằng nhiều sinh
viên ra trường đánh giá quá cao khả năng nắm bắt chuyên ngành đại học của họ,
khi họ đã học xong.
Giống bài trắc nghiệm đầu tiên, người tham gia được yêu cầu
đánh giá hiểu biết của họ về các khái niệm khác nhau trước khi giải thích chi
tiết. Tuy nhiên, lần này, các câu hỏi thuộc chủ đề họ đã học nhiều năm trước.
(Ví dụ, sinh viên vật lý cố giải thích định luật nhiệt động lực học).
Nhờ sự tiêu hao trí nhớ tự nhiên, các sinh viên dường như
đã quên nhiều chi tiết quan trọng, nhưng họ không thấy mình đã mất bao nhiêu kiến
thức – khiến họ quá tự tin vào dự đoán ban đầu của mình. Khi đánh giá hiểu biết
của mình, họ cho rằng họ vẫn biết nhiều như lúc họ hoàn toàn chìm đắm trong việc
học.
Nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng việc có sẵn tài nguyên trực
tuyến có thể nuôi dưỡng sự tự tin thái quá của chúng ta, vì chúng ta nhầm lẫn
kho tàng kiến thức trên mạng với trí nhớ của mình.
Fisher đã yêu cầu một nhóm trả lời các câu hỏi – chẳng hạn
‘dây kéo phéc-mơ-tuya hoạt động thế nào?’ – với sự hỗ trợ của công cụ tìm kiếm,
trong khi nhóm khác chỉ được yêu cầu đánh giá hiểu biết của họ về chủ đề này mà
không dựa thêm vào bất cứ nguồn nào. Sau đó, cả hai nhóm đã trải qua bài trắc
nghiệm ban đầu về ảo ảnh kiến thức với bốn câu hỏi bổ sung – chẳng hạn ‘lốc
xoáy hình thành thế nào?’ và ‘tại sao những đêm nhiều mây ấm hơn?’. Ông nhận thấy
những ai dùng Internet trong câu hỏi ban đầu của họ thể hiện sự tự tin thái quá
trong nhiệm vụ ngay sau đó.
Ảo
tưởng về tiếp thu kỹ năng
Có lẽ nghiêm trọng nhất, nhiều người trong chúng ta đánh
giá quá cao mức độ chúng ta học được bằng cách quan sát người khác – dẫn đến ‘ảo
tưởng về khả năng tiếp thu kỹ năng’.
Michael Kardas, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ về quản lý và
tiếp thị tại Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, đã yêu cầu người tham gia xem các
video lặp đi lặp lại về các kỹ năng khác nhau, chẳng hạn ném phi tiêu hoặc nhảy
điệu moonwalk, đến 20 lần. Sau đó, họ phải ước tính khả năng của mình, trước
khi tự mình làm việc đó. Hầu hết mọi người cho rằng chỉ cần quan sát các đoạn
video họ sẽ làm được. Và càng xem nhiều, sự tự tin ban đầu của họ càng lớn.
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng đáng thất vọng. “Mọi người nghĩ
họ sẽ ghi điểm cao hơn nếu họ xem video 20 lần so với xem một lần,” Kardas nói.
“Nhưng màn thể hiện của họ không cho thấy bằng chứng nào là họ đã học được.”
Khá kinh ngạc, quan sát thụ động còn có thể làm tăng sự tự
tin của mọi người vào khả năng họ làm được các công việc phức tạp mang tính sống
còn, chẳng hạn hạ cánh máy bay.
Kayla Jordan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Waikato,
New Zealand, người đứng đầu nghiên cứu này, đã được thôi thúc trực tiếp từ
nghiên cứu của Kardas. “Chúng tôi muốn kiểm tra giới hạn của hiện tượng này -
liệu nó có áp dụng cho các kỹ năng chuyên môn không.” Bà chỉ ra rằng phi công cần
hàng trăm giờ huấn luyện và hiểu biết sâu sắc về vật lý, khí tượng và kỹ thuật,
mà không thể tiếp thu được thông qua đoạn video ngắn.
Trước hết người tham gia được yêu cầu "tưởng tượng
mình đang ở trên máy bay nhỏ. Do trường hợp khẩn cấp, phi công trở nên bất lực,
và bạn là người duy nhất còn lại để hạ cánh". Sau đó, một nửa được cho xem
đoạn băng dài bốn phút cảnh phi công hạ cánh, trong khi nửa còn lại không xem.
Quan trọng là đoạn băng thậm chí còn không cho thấy bàn tay phi công làm gì trong quá trình – nó không có giá trị hướng dẫn nào. Tuy nhiên, nhiều người xem đoạn clip trở nên lạc quan hơn nhiều về khả năng tự hạ cánh an toàn. “Họ tự tin hơn khoảng 30%, so với những người không xem,” Jordan nói.
Thế lưỡng nan ngoài đời thực
Ảo tưởng về kiến thức có thể có những hậu quả quan trọng.
Quá tự tin vào kiến thức có thể có nghĩa là bạn chuẩn bị ít hơn chẳng hạn cho
phỏng vấn hay thuyết trình, khiến bạn xấu hổ khi bị ép phải thể hiện chuyên
môn.
Tự tin thái quá có thể là vấn đề khi bạn muốn thăng chức.
Khi quan sát mọi người từ xa, bạn có thể mặc định mình biết công việc đó làm thế
nào và bạn đã tiếp thu các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, một khi bắt tay vào việc,
bạn có thể nhận ra rằng công việc này có nhiều thứ mà chỉ nhìn thôi thì không
biết được.
Nó cũng có thể khiến chúng ta đánh giá thấp đồng nghiệp. Giống
như cách chúng ta nhầm lẫn kiến thức trên Google với kiến thức chính mình,
chúng ta có thể không nhận ra mình dựa vào kỹ năng và khả năng của người xung
quanh đến mức nào. “Khi thấy kỹ năng và nền tảng kiến thức của người khác – đôi
khi mọi người có thể nhầm lẫn đó phần mở rộng của những gì họ bản thân biết,”
Jordan nói.
Nếu chúng ta bắt đầu cho rằng kiến thức của đồng nghiệp là
của mình, chúng ta ít có khả năng nhớ và thể hiện lòng biết ơn đối với đóng góp
của họ - hình thức kiêu ngạo vốn là lỗi phổ biến nơi công sở. Đánh giá quá cao
kiến thức bản thân và quên đi sự hỗ trợ mà bản thân nhận được từ người khác
cũng có thể gây vấn đề nghiêm trọng khi chúng ta cố gắng một mình một chợ với dự
án solo.
Có
thể làm gì để tránh những cái bẫy này?
Một giải pháp rất đơn giản: kiểm tra bản thân. Ví dụ: nếu bạn
đánh giá năng lực bản thân trong việc thực hiện một công việc không quen, đừng
chỉ dựa vào ý tưởng mơ hồ, chung chung về nó sẽ là như thế nào.
Thay vào đó, hãy bỏ thêm chút thời gian suy nghĩ cẩn thận về
các bước phải làm để đạt mục tiêu. Bạn có thể thấy có những lỗ hổng lớn trong
kiến thức của bạn mà bạn cần phải lấp đầy trước khi tung mình ra.
Tốt hơn nữa, bạn có thể tìm đến chuyên gia và hỏi họ làm gì
– cuộc trò chuyện có thể dằn lại bất kỳ những gì mà bạn có thể kiêu ngạo rằng
mình biết.
Do công nghệ có khả năng thổi phồng niềm tin vào kiến thức
của bạn, bạn cũng có thể tiết chế thói quen lên mạng của mình.
Fisher cho rằng nên dừng lại một chút và cố gắng hết sức để
nhớ trước khi tìm kiếm trên mạng. Bằng cách ý thức những khiếm khuyết kiến thức
của mình, bạn có thể bắt đầu có đánh giá thực tế hơn về trí nhớ của mình và giới
hạn của nó.
“Bạn cần chấp nhận tình trạng mình thấy bối rối,”
ông nói. “Bạn phải cảm nhận được sự thiếu hụt kiến thức của mình, là điều vốn
mấy không dễ chịu.”
Mục tiêu của tất cả những việc này, là để trở nên khiêm tốn
thêm một chút - một trong các ‘đức tính trí tuệ’ cổ điển được các triết gia tôn
vinh.
Bằng cách nhận ra ảo tưởng kiến thức của chúng ta về và thừa
nhận giới hạn trong hiểu biết của mình, tất cả chúng ta có thể gạt qua các bẫy
tư duy đáng tiếc để có được suy nghĩ và quyết định khôn ngoan hơn.
Tác giả : David Robson
Nguồn: BBC Worklife
Ngày đăng: 2022-12-26
28/12/2022
Một số người Ukraine đón Giáng Sinh sớm hơn để đoạn tuyệt với Nga
Linh mục ban phép lành
cho các chiến sĩ Ukraine trong Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ tại một vị trí gần
biên giới với Nga ở vùng Kharkiv, 24/12/2022. Ảnh; AP
BOBRYTSIA, Ukraine (AP)
Người Ukraine thường ăn
mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng, người Nga cũng vậy. Nhưng không phải
năm nay, hoặc ít nhất là không phải tất cả mọi người.
Một số người Ukraine
theo Chính thống giáo đã quyết định đón Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, giống
như nhiều người theo Thiên chúa giáo trên khắp thế giới. Vâng, điều này có liên
quan đến cuộc chiến, và vâng, họ có lời ban phước từ giáo hội địa phương.
Ý tưởng kỷ niệm sự ra đời
của Giêsu vào tháng 12 được coi là cực đoan ở Ukraine cho đến gần đây, nhưng cuộc
xâm lược của Nga đã làm thay đổi nhiều trái tim và tâm trí.
Vào tháng 10, ban lãnh đạo
Giáo hội Chính thống Ukraine, không liên kết với giáo hội Nga và là một trong
hai nhánh của Cơ đốc giáo Chính thống ở nước này, đã đồng ý cho phép các tín đồ
được cử hành lễ vào ngày 25 tháng 12.
Việc chọn ngày Giáng
Sinh mới có ý nghĩa chính trị và tôn giáo rõ ràng trong một quốc gia có các
giáo hội Chính thống giáo đối địch nhau, và là nơi mà những sửa đổi nhỏ đối với
các nghi lễ có thể mang ý nghĩa mạnh mẽ trong một cuộc chiến văn hóa diễn ra
song song với cuộc chiến dùng súng đạn.
Đối với một số người, việc
thay đổi ngày tháng của Lễ Giáng Sinh thể hiện sự tách biệt với nước Nga, với nền
văn hóa và tôn giáo của nước này. Người dân tại một ngôi làng ở ngoại ô Kyiv gần
đây đã bỏ phiếu ủng hộ việc tổ chức sớm lễ Giáng Sinh.
Olena Paliy, 33 tuổi, cư
dân Bobrytsia, cho biết: “Cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào ngày 24 tháng 2
là sự thức tỉnh và khiến chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không còn có thể là một
phần của thế giới Nga nữa”.
Giáo hội Chính thống
giáo Nga, nơi tuyên bố chủ quyền đối với Chính thống giáo ở Ukraine, và một số
giáo hội Chính thống giáo Đông phương khác tiếp tục sử dụng lịch Julian cổ đại.
Theo lịch này lễ Giáng Sinh muộn hơn 13 ngày, rơi vào ngày 7 tháng 1, so với lịch
Gregorian được hầu hết các Giáo hội và thế tục sử dụng.
Giáo hội Công giáo lần đầu
tiên áp dụng lịch Gregory hiện đại, chính xác hơn về mặt thiên văn vào thế kỷ
16, và những người theo đạo Tin lành và một số giáo hội Chính thống kể từ đó đã
sắp xếp lịch của riêng họ để tính toán ngày Giáng Sinh.
Hội đồng cấp cao của
Giáo hội Chính thống giáo Ukraine đã ra sắc lệnh vào tháng 10 rằng các lãnh đạo
giáo hội địa phương có thể chọn ngày cùng với cộng đồng của họ, cho biết quyết
định này sau nhiều năm thảo luận nhưng cũng xuất phát từ hoàn cảnh chiến tranh.
Ở Bobrytsia, một số tín
đồ đã thúc đẩy sự thay đổi trong giáo hội địa phương, gần đây đã chuyển thành một
phần của Giáo hội Chính thống Ukraine, vốn không có quan hệ gì với Nga. Khi một
cuộc bỏ phiếu được thực hiện vào tuần trước, 200 trong số 204 người đã đồng ý với
việc chọn ngày 25 tháng 12 là ngày mới để đón Giáng Sinh.
“Đây là một bước tiến
lớn bởi vì chưa bao giờ trong lịch sử của chúng tôi, chúng tôi có cùng ngày tổ
chức lễ Giáng Sinh ở Ukraine với toàn thế giới Cơ đốc giáo“. Roman
Ivanenko, một quan chức địa phương ở Bobrytsia, và là một trong những người
thúc đẩy sự thay đổi, cho biết trong suốt thời gian chúng tôi bị chia cắt. Ông
nói, với việc chuyển đổi, người dân đang “phá vỡ mối liên hệ này” với người
Nga.
Như ở tất cả khu vực
Kyiv, sáng Chủ nhật ở Bobrytsia bắt đầu bằng tiếng còi báo động, nhưng điều đó
không ngăn cản mọi người lần đầu tiên tập trung tại nhà thờ để tham dự Thánh lễ
Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Cuối cùng, không có cuộc tấn công nào được báo
cáo ở thủ đô cả.
“Không kẻ thù nào có
thể lấy đi ngày lễ vì ngày lễ xuất phát từ tâm hồn”, Linh mục Rostyslav
Korchak nói trong bài giảng của mình. Trong bài giảng, ông đã nói các từ “chiến
tranh”, “binh lính” và “ác quỷ” nhiều hơn cả từ “Jesus Christ”.
Ảnh: Người Ukraine tham dự lễ Giáng Sinh tại một Nhà thờ Chính thống giáo ở
Bobrytsia, ngoại ô Kyiv, Ukraine, Chủ Nhật, ngày 25 tháng 12 năm 2022. Nguồn:
AP
Anna Nezenko, 65 tuổi, đến
nhà thờ ở Bobrytsia vào mỗi dịp Giáng Sinh kể từ khi tòa nhà được khánh thành
vào năm 2000, luôn luôn vào ngày 7 tháng Giêng. Nezenko nói rằng, bà không cảm
thấy lạ khi đến nhà thờ lần này vào Chủ Nhật 25/12.
“Điều quan trọng nhất
là Chúa được sinh ra trong trái tim”, bà nói.
Vào năm 2019, Thượng phụ
Đại kết Bartholomew, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Chính thống Đông
phương, đã trao quyền độc lập hoàn toàn, hay quyền tự trị, cho Giáo hội Chính
thống Ukraine. Những người Ukraine ủng hộ việc công nhận một giáo hội quốc gia
song song với nền độc lập chính trị của Ukraine khỏi Liên Xô cũ từ lâu đã tìm
kiếm sự chấp thuận như vậy.
Giáo hội Chính thống Nga
và nhà lãnh đạo của nó, Thượng phụ Kirill, đã phản đối quyết liệt động thái
này, nói rằng Ukraine không thuộc thẩm quyền của Bartholomew.
Một nhánh lớn khác của
Chính thống giáo trong nước này, Chính thống Giáo hội Ukraine, vẫn trung thành
với Matxcơva cho đến khi chiến tranh bùng nổ. Giáo hội này tuyên bố độc lập vào
tháng 5/2022, mặc dù nó vẫn nằm dưới sự giám sát của chính phủ. Giáo hội này có
truyền thống tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng.
Tác giả : Renata Brito và Hanna Arhirova
Biên dịch : Cù Tuấn
Ngày đăng: 2022-12-26
27/12/2022
Ca khúc “Hai mùa Noel” của nhạc sĩ Đài Phương và câu chuyện có thật gần 50 năm trước
Là một tình khúc được lồng vào không gian Giáng sinh và trở thành một bài hát quen thuộc với mọi người. Và đó không chỉ là bài hát…
Nhạc sĩ Đài Phương Trang, tác giả của nhiều bản nhạc vàng nổi
tiếng, trong đó có bài Hai mùa Noel rất quen thuộc với công
chúng mỗi mùa Giáng Sinh về. Ông đã kể về hoài niệm của một mùa Noel cách đây
45 năm.
Từ một sự tình cờ
Đài Phương Trang kể: “Từ
xưa đến nay, người dân Sài Gòn vẫn giữ nét văn hóa là cứ vào mỗi dịp Noel, dù
là lương hay giáo đều đổ ra đường vào đúng đêm 24.12 để đón mừng Giáng sinh và
xem đây là một lễ hội chung của khắp hành tinh.
Tôi nhớ đêm Noel năm
1972, tôi hòa vào dòng người đi dự lễ ở Vương cung Thánh đường Sài Gòn (nhà thờ
Đức Bà), vào khoảng 9 giờ đêm. Đến nơi, tôi thấy một thanh niên trang phục lịch
sự đứng bên một gốc cây, có vẻ đang ngóng đợi ai đó. Trong khi mọi người đều tiến
về phía giáo đường thì người thanh niên ấy vẫn mãi đứng đấy, mắt nhìn bốn phía,
gương mặt lộ vẻ lo âu, thỉnh thoảng xem đồng hồ… Hình ảnh đó cứ ám ảnh trong
tôi. Rồi khi tan lễ vào lúc nửa đêm, đoàn người lũ lượt ra về, tôi để ý và rất
ngạc nhiên khi thấy người thanh niên vẫn còn đứng ở chỗ cũ với vẻ bồn chồn, buồn
bã. Tôi đi ngang qua và khẽ nhìn khuôn mặt người ấy, lòng thầm cám cảnh cho một
người mãi đợi chờ mà người kia không hiểu vì sao lại không đến chỗ hẹn?”.
Theo lời nhạc sĩ thì mùa
Noel năm sau (1973), nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông lúc đó là chủ Hãng đĩa Continental
có đề nghị ông viết một ca khúc về Noel. Nhạc sĩ Đài Phương Trang nhớ lại hình ảnh
năm trước và cảm xúc cũ lại ào ạt hiện về. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ ông
đã hoàn thành ca khúc Hai mùa Noel. Bài hát này được ca sĩ Anh Khoa
thu âm đầu tiên và được phát hành vào dịp Noel năm 1973.
Gặp lại người trong nhạc phẩm
Hơn 40 năm, nhạc sĩ vẫn
nhớ rõ: “Không ngờ chỉ sau 2 tuần phát hành ca khúc, tôi nhận được bức thư của
người tên Thanh, thư ký của một hãng in tư nhân. Trong thư, Thanh tự nhận mình
là người thanh niên trong ca khúc Hai mùa Noel và ngỏ lời cảm
ơn tôi đã viết lên nỗi lòng của mình. Thanh cho biết nhờ ca khúc này mà anh đã
gặp và nối lại tình yêu với Duyên, người con gái đã không đến chỗ hẹn vào đêm
Giáng sinh năm 1972 vì một sự hiểu lầm. Tình yêu của họ ngỡ đã tan vỡ, nhưng nhờ
bài hát với những ca từ và hình ảnh về chàng trai cứ đứng chờ người yêu, mãi đến
lúc tan lễ mà vẫn chưa về đã gây xúc động cho Duyên. Cô cảm nhận được tình cảm
chân thành của Thanh, bao nhiêu hờn trách, hiểu lầm vụt tan biến và họ đã nối lại
mối duyên tình”.
Sau đó, nhạc sĩ có hẹn gặp
Thanh và nhận ra đúng anh là người thanh niên năm trước đã để lại trong trí ông
một ấn tượng khó quên. Càng vui hơn vì khoảng 3 tháng sau ông nhận được thiệp hồng
và đã đến dự lễ cưới của Thanh – Duyên.
“Tôi được thêm 2 người bạn
mới. Nhưng sau ngày 30.4.1975 Thanh và Duyên không còn ở Sài Gòn nữa mà chuyển
về quê tận Cần Thơ sinh sống. Bẵng đi một thời gian, khoảng 3 năm sau tôi nhận
được tin vợ chồng họ đã ra nước ngoài. Từ đó đến nay, đã gần 40 năm rồi, tôi
không hề nhận được một tin tức nào về Thanh và Duyên. Không biết họ ở đâu? Mỗi
năm vào mùa Giáng sinh, lòng tôi lại rộn lên những cảm xúc buồn vui khó tả. Vui
vì ca khúc Hai mùa Noel qua mấy chục năm vẫn được công chúng
hát lên đón mừng Giáng sinh. Buồn vì không biết hai người bạn có liên quan đến
nội dung của ca khúc này, bây giờ trôi dạt đến phương trời nào? Nhưng dù bây giờ
hai bạn ấy ở bất cứ nơi đâu tôi vẫn luôn mong họ được an lành trong mỗi mùa
Noel và trong cuộc sống hằng ngày. Qua đây, tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn và
tri ân đến các bạn yêu nhạc, dù qua mấy mươi năm nhưng cứ mỗi dịp đón Giáng
sinh lại vẫn nhớ đến và hát lên ca khúc Hai mùa Noel đầy cảm xúc và nỗi niềm của
tôi”, nhạc sĩ trầm ngâm nói.
Hà Đình Nguyên
26/12/2022
Nhạc phẩm: Bài Thánh ca buồn
“Hầu như tất cả ca sĩ đều hát sai hoặc vô tình đổi ca từ khi hát Bài Thánh Ca Buồn của tôi”
Mỗi dịp Giáng sinh về, từ làng quê cho đến thành phố, đâu
cũng vang lên giai điệu vui tươi rộn ràng của những bài hát quen thuộc như:
Jingle Bells, Last Christmas hay We Wish You a Merry Christmas… Để rồi cũng
trong không khí ấy, người nghe bỗng nhiên thấy lòng chùng lại bởi một giai điệu
sâu lắng trầm buồn đến nao lòng: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm
nào chúng mình có nhau…”. Lời hát ray rứt, khắc khoải đầy hoài niệm và tiếc nuối
về một cuộc tình đã xa.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thời thanh niên (1968) – Ảnh do tác giả cung cấp
Nguyên bản lời ca Bài Thánh Ca Buồn tôi viết nguyên bản là
“Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau” bị các ca sĩ
cũng như các bản in đổi thành “Rồi một chiều áo trắng phai màu”. Cái sai cơ bản
ở đây ở đây rất khó chấp nhận được là chữ “thay” của tôi bị đổi thành chữ
“phai”. Hai chữ này về mặt ý nghĩa rất khác nhau”.
Tôi viết: Áo trắng thay màu, có nghĩa chiếc áo trắng thơ
ngây của cô nữ sinh ngày nào giờ đã đã đổi thay sang một màu áo nào khác, cụ thể
ở đây từ chiếc áo nữ sinh đã thay qua màu áo cưới. Nếu như hiểu theo kiểu “áo
trắng phai màu” thì tôi không hiểu nó “phai” kiểu gì nữa. Áo trắng mà đã phai
thì chắc từ trắng đổi thành màu cháo lòng à (?!)”.
Trong ca khúc Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ, có đoạn ca
sĩ hát khi nghe có vẻ rất hợp lý đó là: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”.
Thật ra đây là đoạn ca từ bị nhiều ca sĩ hát nhầm nhiều nhất. Nguyên gốc trong
bài hát được của tôi Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết: “Rồi những đêm thế trần đón Noel”.
Vì sao không phải là “thánh đường” mà lại “thế trần”? :
Với tôi, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel đã trở thành một lễ hội chung của mọi người. Tất cả đều hân hoan đón đợi lễ Giáng Sinh và đó là ngày hội lớn được đón nhận bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Chính vì điều đó, tôi chọn câu: “Thế trần đón Noel”. “Thế trần” ở đây là đảo ngược hai từ “trần thế” có nghĩa là “thế gian” là cõi của tất cả mọi người.Tôi rất mong các ca sĩ và mọi người hát đúng nguyên theo nguyên bản bài hát và ca từ của tôi”.
Nhạc
sĩ Nguyễn Vũ và "Bài thánh ca buồn” với lời ca nguyên bản:
Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ ra đời vào tháng
10.1972 từ lời đề nghị của một nhà sản xuất âm nhạc nhân mùa Noel năm ấy. Nhiều
ngày liền, Nguyễn Vũ loay hoay tìm đề tài thì bất chợt giai điệu của bài hát bất
hủ Silent Night (Đêm thánh vô cùng, lời: Josef Mohr, nhạc: Franz Xaver Gruber)
vang lên tại nhà. Bài hát này gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời
thơ ấu. Thuở khi tôi chỉ là cậu bé 14 tuổi. Lúc đó, nhà tôi ở cạnh con dốc lên
nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Mỗi lần chuông nhà thờ đổ, tôi lại thấy bóng dáng một
người con gái rất xinh đi lễ ngang nhà. Tôi lặng lẽ theo sau cô ấy nhiều lần
cho đến một hôm đúng ngày lễ Giáng Sinh, trời mưa lất phất khiến cả hai không hẹn
mà tình cờ cùng núp dưới mái hiên…
Về mặt nghệ thuật âm nhạc, Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ
được viết theo tiết tấu của giai điệu slow rock, giọng La trưởng (A). Tác giả
dùng hình thức ba đoạn đơn (ABA’), một cấu trúc thường gặp trong nhiều bản tình
ca trong âm nhạc thế giới cũng như tân nhạc Việt Nam. Hình thức ba đoạn đơn có
một đặc điểm, trong đa số trường hợp, đoạn A’ không giống hoàn toàn đoạn
A. Sự tái hiện đó có ý nghĩa rất quan trọng, nó giúp cho tác phẩm đạt tới tính
như trước về mặt cấu trúc.
Ca khúc Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ mang đầy đủ những điều căn bản để làm nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Đến nay, ca khúc này vẫn luôn là một trong những bài tình ca Việt Nam tinh tế trong giai điệu lẫn ca từ, thấm đẫm tâm hồn lãng mạn, nồng nàn của một nhạc sĩ.
“Tôi bất ngờ xúc động khi nghe cô nhẩm hát theo bài Đêm Thánh Vô Cùng với một chất giọng khá hay. Vì vậy, nghe lại bài hát này, trong tôi, kỷ niệm xưa chợt ùa về và những giai điệu cứ thế tuôn trào. Chỉ trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi đã ký âm xong bài hát và khi cầm đàn guitar chơi lại, chính tôi cũng cảm thấy xúc động. Ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên hát bài hát này và ngay sau đó, nó trở thành ca khúc ‘hot’ nhất trong mùa Giáng sinh năm đó”.
Mỗi mùa Giáng sinh về, Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ lại vang lên như một hoài niệm chung của những ai từng có tình yêu chớm nở trong đêm Giáng sinh lạnh giá. Chính tác giả cũng đôi lần tự nhận thấy: “Đến nay, Bài thánh ca buồn vẫn luôn được người nghe yêu thích. Đó là điều chính tôi cũng không ngờ. Thật ra, ai trong đời cũng trải qua một thời yêu thương mơ mộng, mà thường những kỷ niệm buồn bao giờ cũng khắc sâu và dễ làm mềm lòng người mỗi khi được gợi lại. Có lẽ Bài thánh ca buồn của tôi phần nào đã làm được điều đó chăng?”.
Tôi, Nguyễn Vũ muốn nói về một ca sĩ cố tình hoặc vô tình hát sai ca từ của tác phẩm âm nhạc cũng là trăn trở chung của rất nhiều nhạc sĩ hiện nay. Khi sáng tạo nghệ thuật, người nhạc sĩ luôn để lại những dấu ấn, tâm tư cá nhân trong mỗi tác phẩm cụ thể. Mỗi ca từ đều là sự chọn lọc rất tinh tế để gửi gắm những ý nghĩa của mình. Hát đúng và trung thành với nguyên bản của tác phẩm là tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm nghệ thuật và tôn trọng người sáng tác ra tác phẩm đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ
25/12/2022
MÓN QUÀ GIÁNG SINH BẤT NGỜ.
Hằng năm, Lễ
Giáng Sinh là dịp vui đặc biệt trong gia đình tôi. Mọi sự đều được sửa soạn và
trang hoàng lộng lẫy để mọi người quây quần mừng lễ bên bố mẹ.
Nhưng năm nay mọi
sự đã đổi thay. Bố tôi đã ra đi hôm 26-11, và đây là Lễ Giáng Sinh đầu tiên thiếu
mặt bố. Mẹ tôi cố gắng tỏ ra là bà chủ nhà dễ thương, nhưng tôi thấy bà vất vả
quá!
Tôi cảm thấy cổ
mình nghẹn lại và tôi tự hỏi có nên trao tặng bà món quà Giáng Sinh như đã dự định,
hay nó đã trở nên không thích hợp khi bố tôi vắng mặt?
Chả là từ mấy
tháng trước đây, tôi bắt đầu vẽ chân dung bố mẹ tôi và định sẽ tặng mỗi người một
tấm vào dịp Giáng Sinh. Mọi người chắc sẽ ngạc nhiên lắm vì tôi chưa bao giờ cố
gắng vẽ tranh đàng hoàng, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy nhu cầu rất bức thiết
về vấn đề này. Tôi thấy hai bức chân dung rất giống bố mẹ tôi nhưng về phương
diện nghệ thuật hội hoạ thì tôi không chắc lắm!
Một hôm, khi tôi
đang vẽ bỗng nghe tiếng xe đỗ, tôi vội thu xếp đồ vẽ và ra đón. Hôm nay, tôi biết
bố đến có một mình, còn mọi khi ông thăm tôi bao giờ cũng có mẹ tôi đi cùng.
Tôi muốn khoe bố
các bức tranh, nhưng lại hơi do dự vì sợ không còn bất ngờ trong dịp trao quà
Giáng Sinh nữa. Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó thúc giục tôi phải cho bố tôi xem
tranh ngay lúc này. Vì vậy, sau khi bắt bố phải giữ bí mật, tôi yêu cầu bố nhắm
mắt lại tới khi những bức chân dung được đặt trên giá vẽ:
- Bố ơi xong rồi!
Bây giờ xin bố mở mắt ra xem.
Ông có vẻ ngạc
nhiên bối rối nhưng không nói gì. Ông đứng lên và bước lại gần hơn rồi đi ra một
khoảng khá xa. Tôi cố gắng bình tĩnh quan sát phản ứng của ông xem sao. Cuối
cùng, với đôi mắt đẫm lệ, ông lẩm bẩm:
- Thật không thể
tin được! Đôi mắt thật đến nỗi chúng theo bố khắp nơi. Và con hãy nhìn xem: mẹ
con trông đẹp biết bao! Con để bố đem đi đóng khung nhé!
Tôi rất xúc động
trước thái độ của bố và rất vui lòng để bố đem hai bức chân dung đi tiệm đóng
khung.
Vài tuần qua đi.
Rồi một ngày trong tháng 11, chuông điện thoại reo và một cảm giác lạnh cóng
làm tê liệt toàn thân tôi. Tôi nhấc máy và nghe tiếng chồng tôi đang làm bác sĩ
trực tại bệnh viện:
- Anh đang ở
trong phòng cấp cứu. Ba bị đột qụy, tình hình có vẻ nguy hiểm nhưng ông vẫn còn
sống...
Bố tôi bị hôn mê
vài ngày trước khi ông qua đời. Khi tới thăm, tôi cầm tay ông và hỏi:
- Bố ơi, bố có
biết con là ai không?
Ông làm mọi người
ngạc nhiên khi thì thầm:
- Con là... con
gái cưng... của bố...
Hôm sau ông qua
đời và dường như đem theo tất cả niềm vui trong cuộc sống của mẹ tôi và tôi.
Cuối cùng thì
tôi cũng nhớ về hai bức chân dung được đem đi đóng khung và cảm tạ Chúa vì đã
cho bố tôi có dịp nhìn thấy chúng trước khi qua đời.
Tôi thật ngạc
nhiên khi chủ tiệm khung nói rằng bố tôi đã ghé tiệm trả tiền đóng khung và nhờ
gói chúng lại như quà tặng. Trong nỗi đau buồn, tôi dự tính không tặng bức chân
dung cho mẹ tôi nữa.
Mặc dù đã mất cột
trụ của gia đình, chúng tôi vẫn tụ tập trong Lễ Giáng Sinh và cố gắng vui
lên... Khi nhìn vào đôi mắt u buồn của mẹ, tôi quyết định trao cho bà món quà của
tôi và bố tôi. Khi bà mở giấy bọc, tôi thấy bà dường như thất thần khi nhìn tấm
danh thiếp nhỏ gắn vào bức tranh.
Sau khi nhìn các
bức chân dung và đọc tấm danh thiếp, thái độ mẹ tôi thay đổi hoàn toàn. Bà bật
dậy khỏi ghế, trao tấm danh thiếp cho tôi và bảo các anh tôi treo hai bức chân
dung đối diện nhau trên lò sưởi. Với đôi mắt long lanh ngấn lệ và nụ cười rạng
rỡ, mẹ tôi vội vã quay lại và nói:
- Mẹ đã biết bố
muốn ở với chúng ta trong ngày Lễ Giáng Sinh!
Tôi nhìn tấm
danh thiếp với dòng chữ nguệch ngoạc của bố tôi:
“Em thân yêu,
con gái chúng ta đã nhắc cho anh biết tại sao anh được may mắn như thế. Anh sẽ
luôn ngắm nhìn em. - Anh”.
ST
24/12/2022
BÌNH AN DƯỚI THẾ
Thế chiến II: Lính Mỹ và lính Đức mừng lễ Giáng Sinh với nhau.
Ba lính Mỹ bất ngờ chạm trán bốn binh sĩ Đức giữa những ngày đối
đầu ác liệt nhất trong thế chiến II. Không ai dám nghĩ đến một kết cục tốt đẹp
trong bối cảnh đó...
Câu
chuyện diễn ra vào một đêm giáng sinh năm 1944. Vào thời điểm đó, tình hình chiến
sự ở châu Âu đã đảo chiều. Quân đội Đức ngày càng rơi vào trạng thái bất lợi,
quân đồng minh đổ bộ vào đất liền qua Normandie, tiến hành phản công.
Tuy
nhiên, vào ngày 16/12 – 8 ngày trước lễ giáng sinh năm đó, Hitler đã mệnh lệnh
cho quân Đức đóng tại khu vực Ardennes của Bỉ phát động một chiến dịch, bất ngờ
tấn công quân đồng minh, cắt đứt mạch cung ứng của đối thủ, ép quân đồng minh
phải giảng hòa.
Đây
là chiến dịch đẫm máu nhất trong thế chiến II. Cả chiến dịch kéo dài hơn 1
tháng với số lượng người thương vong quá lớn, gây tổn thất nặng nề cho cả hai
bên.
…
Tại một nơi sâu hun hút trong khu rừng Hürtgen, một phụ nữ Đức
tên Elisabeth Vincken dẫn theo cậu con trai 12 tuổi Frisbey lánh đến đây dựng một
căn nhà gỗ ở tạm, bởi tiệm bánh của họ trong thành phố đã bị những trận oanh tạc
trên không của quân đồng minh phá hủy tan tành.
Đêm
giáng sinh, hai mẹ con Frisbey rất mong chồng và cha của họ đang làm việc trên
thị trấn về nhà đoàn tụ, cùng đón Chúa sinh ra đời. Thế nhưng hôm đó tuyết rơi
nhiều bao trùm cả ngọn núi nên có thể bố của Frisbey khó trở về nhà.
Đột
nhiên, tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Cậu bé Frisbey ngỡ rằng cha về, vội chạy
ra mở cửa, song mẹ cậu đã nhanh hơn. Elisabeth vừa hé cửa thì thấy có 2 binh sĩ
đội mũ cối sắt đứng ngoài, còn một người khác đang nằm trên tuyết nhìn như đã
chết.
Elisabeth
ý thức ngay được rằng đó là lính Mỹ - đối thủ không đội trời chung của quân Đức
thời điểm đó.
Họ
thuộc sư đoàn 8 binh đoàn bộ binh 121, bị lạc mất đội ngũ và loanh quanh trong
rừng sâu suốt 3 ngày, vừa phải tìm cách tránh quân Đức, vừa phải tìm lối thoát.
Vừa đói vừa rét, họ thâm tím cả mình, trong đó có một người bị trúng đạn ở
chân, mất rất nhiều máu, có thể sống được hay không chẳng ai có thể nói được
vào lúc đó.
Mặc
dù cầm súng trong tay song họ vẫn gõ cửa nhà Elisabeth một cách lịch sự.
Người
mẹ dù không hiểu họ nói những gì nhưng cô hiểu ý của những binh sĩ Mỹ. Trầm
ngâm một lúc, cô mời họ vào nhà và đưa người bị thương lên giường của cậu con
trai cho anh nghỉ ngơi, giúp anh làm ấm tay, đồng thời sai con đi bắt gà, lấy
thêm vài củ khoai tây để làm cơm giáng sinh.
Không
lâu sau, mùi gà nướng thơm phức bay ngào ngạt khắp nhà. Cùng lúc đó, Elisabeth
nhận ra cô có thể nói chuyện với một lính Mỹ bằng tiếng Pháp, không khí căng thẳng
trong nhà lập tức giảm đi rất nhiều.
Một
lúc sau, lại có tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Frisbey chạy ra mở cửa. Thấy bốn
lính Đức đứng ngay trước cửa, cậu bé quá đỗi sợ hãi, cả người như bị đóng băng.
Dù là trẻ con, Frisbey cũng biết rõ quy định của Đức Quốc Xã khi đó, rằng cứ chứa
chấp quân địch là giết ngay, không cần giải thích.
Elisabeth
điềm tĩnh bước ra, nói với viên sĩ quan chỉ huy trong nhóm: "Mừng Chúa
Giáng sinh!"
Viên
sĩ quan nói anh ta và cấp dưới của mình bị lạc đường, muốn ở nhờ trong nhà
Elisabeth một đêm.
Người
phụ nữ này vẫn bình tĩnh trả lời: "Mời các anh vào nhà cho ấm, và cũng
mời các anh ăn cơm giáng sinh với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những
vị khách khác, họ không phải là bạn của các anh, hi vọng các anh có thể chấp nhận
họ."
Viên
sĩ quan người Đức lập tức cảnh giác và hỏi dồn: "Ở trong nhà có người?
Người Mỹ phải không?"
Elisabeth
đáp: "Vâng, đây là đêm giáng sinh, không ai được phép động thủ, mời các
anh để vũ khí ở bên ngoài."
Viên
sĩ quan Đức nhìn Elisabeth một cái, rồi ra hiệu cho những người khác để vũ khí
ngoài cửa trước khi bước vào nhà.
Những
viên lính Mỹ trong phòng bỗng chốc trở lên căng thẳng, vội vã cầm chắc súng
trong tay. Một người thậm chí còn rút súng lục, chuẩn bị bắn lính Đức đang tiến
vào. Thế nhưng Elisabeth đã ngăn cản anh ta và lặp lại những câu nói mà cô vừa
nói với lính Đức: "Đây là đêm giáng sinh, không được phép tàn sát, hãy
đưa súng cho tôi."
Rồi
cứ như thế, người phụ nữ thu hồi cây súng trong tay viên lính Mỹ đang lo lắng
hơn là chủ động.
Elisabeth
sắp xếp để khách ngồi quanh một cái bàn. Vì ngôi nhà khá chật hẹp nên lính Mỹ,
lính Đức phải ngồi sát cạnh nhau, không khí lúc ấy rất căng thẳng. Hai bên, ai
cũng nâng cao cảnh giác, đề phòng vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp
theo.
Chỉ
có nữ chủ nhà là vừa cười nói, vừa bận rộn chuẩn bị cho bữa tối giáng sinh. Vài
phút sau, mùi thức ăn hấp dẫn cộng thêm thái độ nhiệt tình của chủ nhà nên trạng
thái căng thẳng dần dần được thả lỏng.
Một
lính Mỹ lấy ra một hộp thuốc lá mời những viên lính Đức, trong khi một viên
lính Đức lại rút ra một bình rượu vang và một cái bánh mỳ trong chiếc ba lô
trên lưng ra chia cho mọi người, thậm chí một viên lính Đức khi thấy viên lính
Mỹ bị thương còn lại gần kiểm tra và chăm sóc vết thương cho người lính mà nếu ở
chỗ khác, anh ta sẽ là kẻ thù không đội trời chung.
Vì
được học qua trường y nên viên lính này có chút kinh nghiệm về y tế, lại có thể
nói được tiếng Anh nên anh ta nói với viên lính Mỹ rằng vì trời lạnh, vết
thương không bị nhiễm trùng nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Đến
lúc này, sự hoài nghi lẫn nhau giữa hai nhóm lính mới bắt đầu tan biến.
Đồ
ăn được đưa ra bàn. Elisabeth bắt đầu cầu nguyện trước bữa ăn. Cô cầu nguyện
trong nước mắt:
"Cảm ơn Chúa đã ban ơn để mọi người có thể ngồi ăn chung một
bữa trong trận chiến khủng khiếp này. Trong đêm giáng sinh hôm nay, chúng con
đã hứa sẽ không coi nhau là kẻ thù mà sẽ đối xử với nhau bằng tình bạn, cùng
thưởng thức bữa cơm giáng sinh đơn giản; chúng con cầu mong cuộc chiến đáng sợ
này sẽ kết thúc trong thời gian sớm nhất để mọi người có thể bình an trở về quê
hương của mình."
Elisabeth
nói xong cũng là lúc nước mắt lăn dài trên má những người lính. Họ bị những lời
cầu nguyện của cô chủ nhà lay động, thù hận trên chiến trường bỗng chốc tiêu
tan, lòng họ hướng về quê nhà, về người thân, ai nấy cũng đang mong hòa bình sẽ
lập lại.
Dùng
xong bữa tối cũng là 12h đêm, mọi người ra ngoài đi dạo. Lúc này, tuyết ngừng
rơi và gió cũng đã ngừng thổi, trên trời sao sáng lấp lánh.
Sau
đó, bảy viên lính vốn không đội trời chung vào nhà cùng ngủ một giấc thoải mái
cho đến sáng hôm sau. Cô chủ nhà làm một ít canh trứng gà cho viên lính Mỹ bị
thương. Viên sĩ quan Đức thì lấy bản đồ ra chỉ cho lính Mỹ sơ đồ trận mạc và nhắc
họ những nơi không nên đi tới. Thậm chí những viên lính Đức còn làm tặng cho
viên lính Mỹ bị thương một cái cáng.
Hai
bên cảm kích chào tạm biệt mẹ con Elisabeth rồi đường ai nấy đi.
…………
Vào
năm 1958, cậu bé người Đức Frisbey đã 26 tuổi, sau khi kết hôn và di dân sang Mỹ,
anh đã cư trú tại Hawaii và mở một tiệm bánh Pizza. Nhờ có bạn bè cổ vũ động
viên, Frisbey đã viết lại câu chuyện trên và gửi cho nhà xuất bản
"Reader’s Digest".
Năm
1995, chương trình truyền hình "Unsolved mysteries" (những điều bí ẩn
chưa ai hiểu) đã đem câu chuyện của Frisbey quay thành phim.
Không
lâu sau, một nhân viên dưỡng lão viện ở thị trấn vùng Maryland gọi điện thoại
cho người phụ trách tiết mục, nói rằng ở chỗ họ có một người lính già hay kể
chuyện y hệt như vậy.
Người
lính đó là một trong ba người lính Mỹ đêm hôm đó, ông tên là Ralph. Rất nhanh,
họ bố trí cho hai người gặp mặt.
Sau
52 năm xa cách, vào năm 1996, Frisbey và Ralph lại gặp nhau, hai người ôm nhau
cảm động đến phát khóc. Ralph nức nở: "Mẹ cậu đã cứu sống chúng
tôi".
Về
sau, Frisbey lại tìm được thêm một người lính Mỹ, nhưng chưa tìm lại được ai
trong số những lính Đức năm xưa.
Năm
2002, Frisbey qua đời, cùng năm ấy, Hollywood đã sản xuất bộ phim có tên "The
Silent Night" dựa trên chính câu chuyên đầy chất nhân văn này.
Cố
tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã dùng câu chuyện trên để tổng kết lại những gì
ông có thể cảm nhận từ thế chiến thứ II, rằng "Cái thiện nhất định sẽ
đẩy lùi cái ác, tự do nhất định sẽ đẩy lùi bá quyền!"
Tình
yêu tinh tuyền là cái thiện đích thực, có sức đẩy lùi cái ác.
Khi
mọi người sống yêu thương nên một với nhau, đó là lúc câu hát hôm xưa của các
thiên thần lại được cất vang lên: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
và bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
ST