Nếu bạn cho mình là thông minh và có học thức vừa phải, bạn có thể mặc định rằng mình nắm bắt vừa đủ về cách thức hoạt động cốt lõi của thế giới – kiến thức về những phát minh và các hiện tượng tự nhiên quen thuộc quanh mình.
Bây giờ, hãy nghĩ về những câu hỏi sau đây: cầu vồng được
hình thành như thế nào? Tại sao ngày nắng có thể lạnh hơn ngày âm u? Làm sao trực
thăng bay được? Bồn cầu xả nước như thế nào?
Tiếp theo, hãy tự hỏi bản thân: bạn có thể có câu trả lời
chi tiết cho bất kỳ hay toàn bộ những câu hỏi trên không? Hay bạn chỉ nắm bắt
mơ hồ những điều cốt lõi trong mỗi trường hợp?
Nếu bạn cũng giống như nhiều người tham gia nghiên cứu tâm
lý, ban đầu bạn có thể cho rằng mình sẽ làm tốt. Tuy nhiên, khi được yêu cầu
đưa ra câu trả lời đi sâu hơn cho mỗi câu hỏi, hầu hết mọi người đều hoàn toàn
bối rối – cũng như bạn vậy.
Sự thiên lệch này được gọi là ‘ảo tưởng kiến thức’. Bạn có
thể cho rằng những ví dụ cụ thể này là nhỏ nhặt – suy cho cùng, chúng là kiểu
câu hỏi mà đứa trẻ tò mò có thể hỏi bạn, mà hậu quả tồi tệ nhất có thể là đỏ mặt
trước mặt người thân.
Nhưng ảo tưởng kiến thức có thể gây hại cho phán đoán chúng
ta trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, ở nơi làm việc, nó có thể khiến chúng ta
đánh giá quá cao kiến thức của mình trong một cuộc phỏng vấn, bỏ qua đóng góp của
đồng nghiệp và nhận những việc mà chúng ta hoàn toàn không thể làm được.
Nhiều người chúng ta trong cuộc sống hoàn toàn không biết gì về sự kiêu ngạo trí tuệ này và hậu quả của nó. Tin tốt là một số nhà tâm lý cho rằng có thể có một số cách đơn giản không ngờ để tránh cái bẫy tư duy phổ biến này.
Ẩn số chưa biết
Ảo tưởng kiến thức – còn được gọi là ‘ảo ảnh về chiều sâu
giải thích’ – lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2002.
Trong một loạt các nghiên cứu, Leonid Rozenblit và Frank
Keil tại Đại học Yale trước hết đưa cho người tham gia những giải thích ví dụ về
các hiện tượng khoa học và cơ chế hoạt động công nghệ, được chấm theo thang điểm
từ 1 (rất sơ sài) đến 7 (rất thấu đáo). Điều này đảm bảo mọi người đều thống nhất
khi đánh giá thế nào là hiểu biết ‘sơ sài’ hay ‘thấu đáo’ về một chủ đề.
Kế đó là bài trắc nghiệm. Khi được hỏi thêm các câu hỏi về
khoa học và công nghệ, người tham gia phải đánh giá mức độ họ nghĩ mình có thể
trả lời từng câu hỏi đến đâu, sử dụng cùng thang đo, trước khi viết ra câu trả
lời càng chi tiết càng tốt.
Rozenblit và Keil nhận thấy đánh giá ban đầu của mọi người
về hiểu biết của họ thường lạc quan quá mức. Họ cho rằng mình có thể viết cả
bài dài về chủ đề này, nhưng thường chỉ kể ra được ý chính cơ bản nhất – và sau
đó, nhiều người ngạc nhiên về mức độ họ biết ít thế nào.
Các nhà nghiên cứu ngờ rằng sự tự tin thái quá nảy sinh từ
khả năng hình dung các khái niệm được nói đến; chẳng hạn, không khó hình dung
trực thăng bay thế nào, và sự xuất hiện dễ dàng của hình ảnh đó trong tâm trí
khiến mọi người thấy tự tin hơn để giải thích cơ chế chuyển động của nó.
Kể từ nghiên cứu bản lề này, các nhà tâm lý đã cho thấy ảo
tưởng kiến thức trong nhiều bối cảnh khác nhau. Ví dụ, Matthew Fisher, phó giáo
sư tiếp thị tại Đại học Southern Methodist, Texas, phát hiện rằng nhiều sinh
viên ra trường đánh giá quá cao khả năng nắm bắt chuyên ngành đại học của họ,
khi họ đã học xong.
Giống bài trắc nghiệm đầu tiên, người tham gia được yêu cầu
đánh giá hiểu biết của họ về các khái niệm khác nhau trước khi giải thích chi
tiết. Tuy nhiên, lần này, các câu hỏi thuộc chủ đề họ đã học nhiều năm trước.
(Ví dụ, sinh viên vật lý cố giải thích định luật nhiệt động lực học).
Nhờ sự tiêu hao trí nhớ tự nhiên, các sinh viên dường như
đã quên nhiều chi tiết quan trọng, nhưng họ không thấy mình đã mất bao nhiêu kiến
thức – khiến họ quá tự tin vào dự đoán ban đầu của mình. Khi đánh giá hiểu biết
của mình, họ cho rằng họ vẫn biết nhiều như lúc họ hoàn toàn chìm đắm trong việc
học.
Nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng việc có sẵn tài nguyên trực
tuyến có thể nuôi dưỡng sự tự tin thái quá của chúng ta, vì chúng ta nhầm lẫn
kho tàng kiến thức trên mạng với trí nhớ của mình.
Fisher đã yêu cầu một nhóm trả lời các câu hỏi – chẳng hạn
‘dây kéo phéc-mơ-tuya hoạt động thế nào?’ – với sự hỗ trợ của công cụ tìm kiếm,
trong khi nhóm khác chỉ được yêu cầu đánh giá hiểu biết của họ về chủ đề này mà
không dựa thêm vào bất cứ nguồn nào. Sau đó, cả hai nhóm đã trải qua bài trắc
nghiệm ban đầu về ảo ảnh kiến thức với bốn câu hỏi bổ sung – chẳng hạn ‘lốc
xoáy hình thành thế nào?’ và ‘tại sao những đêm nhiều mây ấm hơn?’. Ông nhận thấy
những ai dùng Internet trong câu hỏi ban đầu của họ thể hiện sự tự tin thái quá
trong nhiệm vụ ngay sau đó.
Ảo
tưởng về tiếp thu kỹ năng
Có lẽ nghiêm trọng nhất, nhiều người trong chúng ta đánh
giá quá cao mức độ chúng ta học được bằng cách quan sát người khác – dẫn đến ‘ảo
tưởng về khả năng tiếp thu kỹ năng’.
Michael Kardas, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ về quản lý và
tiếp thị tại Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, đã yêu cầu người tham gia xem các
video lặp đi lặp lại về các kỹ năng khác nhau, chẳng hạn ném phi tiêu hoặc nhảy
điệu moonwalk, đến 20 lần. Sau đó, họ phải ước tính khả năng của mình, trước
khi tự mình làm việc đó. Hầu hết mọi người cho rằng chỉ cần quan sát các đoạn
video họ sẽ làm được. Và càng xem nhiều, sự tự tin ban đầu của họ càng lớn.
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng đáng thất vọng. “Mọi người nghĩ
họ sẽ ghi điểm cao hơn nếu họ xem video 20 lần so với xem một lần,” Kardas nói.
“Nhưng màn thể hiện của họ không cho thấy bằng chứng nào là họ đã học được.”
Khá kinh ngạc, quan sát thụ động còn có thể làm tăng sự tự
tin của mọi người vào khả năng họ làm được các công việc phức tạp mang tính sống
còn, chẳng hạn hạ cánh máy bay.
Kayla Jordan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Waikato,
New Zealand, người đứng đầu nghiên cứu này, đã được thôi thúc trực tiếp từ
nghiên cứu của Kardas. “Chúng tôi muốn kiểm tra giới hạn của hiện tượng này -
liệu nó có áp dụng cho các kỹ năng chuyên môn không.” Bà chỉ ra rằng phi công cần
hàng trăm giờ huấn luyện và hiểu biết sâu sắc về vật lý, khí tượng và kỹ thuật,
mà không thể tiếp thu được thông qua đoạn video ngắn.
Trước hết người tham gia được yêu cầu "tưởng tượng
mình đang ở trên máy bay nhỏ. Do trường hợp khẩn cấp, phi công trở nên bất lực,
và bạn là người duy nhất còn lại để hạ cánh". Sau đó, một nửa được cho xem
đoạn băng dài bốn phút cảnh phi công hạ cánh, trong khi nửa còn lại không xem.
Quan trọng là đoạn băng thậm chí còn không cho thấy bàn tay phi công làm gì trong quá trình – nó không có giá trị hướng dẫn nào. Tuy nhiên, nhiều người xem đoạn clip trở nên lạc quan hơn nhiều về khả năng tự hạ cánh an toàn. “Họ tự tin hơn khoảng 30%, so với những người không xem,” Jordan nói.
Thế lưỡng nan ngoài đời thực
Ảo tưởng về kiến thức có thể có những hậu quả quan trọng.
Quá tự tin vào kiến thức có thể có nghĩa là bạn chuẩn bị ít hơn chẳng hạn cho
phỏng vấn hay thuyết trình, khiến bạn xấu hổ khi bị ép phải thể hiện chuyên
môn.
Tự tin thái quá có thể là vấn đề khi bạn muốn thăng chức.
Khi quan sát mọi người từ xa, bạn có thể mặc định mình biết công việc đó làm thế
nào và bạn đã tiếp thu các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, một khi bắt tay vào việc,
bạn có thể nhận ra rằng công việc này có nhiều thứ mà chỉ nhìn thôi thì không
biết được.
Nó cũng có thể khiến chúng ta đánh giá thấp đồng nghiệp. Giống
như cách chúng ta nhầm lẫn kiến thức trên Google với kiến thức chính mình,
chúng ta có thể không nhận ra mình dựa vào kỹ năng và khả năng của người xung
quanh đến mức nào. “Khi thấy kỹ năng và nền tảng kiến thức của người khác – đôi
khi mọi người có thể nhầm lẫn đó phần mở rộng của những gì họ bản thân biết,”
Jordan nói.
Nếu chúng ta bắt đầu cho rằng kiến thức của đồng nghiệp là
của mình, chúng ta ít có khả năng nhớ và thể hiện lòng biết ơn đối với đóng góp
của họ - hình thức kiêu ngạo vốn là lỗi phổ biến nơi công sở. Đánh giá quá cao
kiến thức bản thân và quên đi sự hỗ trợ mà bản thân nhận được từ người khác
cũng có thể gây vấn đề nghiêm trọng khi chúng ta cố gắng một mình một chợ với dự
án solo.
Có
thể làm gì để tránh những cái bẫy này?
Một giải pháp rất đơn giản: kiểm tra bản thân. Ví dụ: nếu bạn
đánh giá năng lực bản thân trong việc thực hiện một công việc không quen, đừng
chỉ dựa vào ý tưởng mơ hồ, chung chung về nó sẽ là như thế nào.
Thay vào đó, hãy bỏ thêm chút thời gian suy nghĩ cẩn thận về
các bước phải làm để đạt mục tiêu. Bạn có thể thấy có những lỗ hổng lớn trong
kiến thức của bạn mà bạn cần phải lấp đầy trước khi tung mình ra.
Tốt hơn nữa, bạn có thể tìm đến chuyên gia và hỏi họ làm gì
– cuộc trò chuyện có thể dằn lại bất kỳ những gì mà bạn có thể kiêu ngạo rằng
mình biết.
Do công nghệ có khả năng thổi phồng niềm tin vào kiến thức
của bạn, bạn cũng có thể tiết chế thói quen lên mạng của mình.
Fisher cho rằng nên dừng lại một chút và cố gắng hết sức để
nhớ trước khi tìm kiếm trên mạng. Bằng cách ý thức những khiếm khuyết kiến thức
của mình, bạn có thể bắt đầu có đánh giá thực tế hơn về trí nhớ của mình và giới
hạn của nó.
“Bạn cần chấp nhận tình trạng mình thấy bối rối,”
ông nói. “Bạn phải cảm nhận được sự thiếu hụt kiến thức của mình, là điều vốn
mấy không dễ chịu.”
Mục tiêu của tất cả những việc này, là để trở nên khiêm tốn
thêm một chút - một trong các ‘đức tính trí tuệ’ cổ điển được các triết gia tôn
vinh.
Bằng cách nhận ra ảo tưởng kiến thức của chúng ta về và thừa
nhận giới hạn trong hiểu biết của mình, tất cả chúng ta có thể gạt qua các bẫy
tư duy đáng tiếc để có được suy nghĩ và quyết định khôn ngoan hơn.
Tác giả : David Robson
Nguồn: BBC Worklife
Ngày đăng: 2022-12-26
Rất thú vị và có phần đúng, chúc bạn luôn có nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Trả lờiXóaChúc bạn Năm Mới Thành công trong công việc nhé!
Xóahttps://stc.subi.vn/image/1/221207/decal-trang-tri-tet-happy-new-year-2023.jpg
kiến thức càng rộng càng thấy thiếu
Trả lờiXóa