Theo Adobe Analytics, ngày mua sắm Cyber
Monday dự kiến đạt doanh thu lên tới 11,6 tỷ USD.
Sau sự kiện giảm giá Black Friday diễn ra ngày 25/11 vừa
qua, người tiêu dùng Mỹ lại tiếp tục “săn sale” trong dịp Cyber Monday (28/11).
Đây là dịp giảm giá lớn không kém Black Friday với hàng loạt “deal” mua sắm
online.
Nhiều người Mỹ cho biết họ tích cực mua sắm vào Cyber Monday để được giảm giá
nhiều hơn cho quà tặng và các mặt hàng khác đã tăng giá do lạm phát cao.
Theo Adobe Analytics - công ty chuyên theo dõi các giao dịch
tại 85/100 cửa hàng onlne hàng đầu của Mỹ, Cyber Monday dự kiến sẽ vẫn là ngày
mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm và đạt doanh thu lên tới 11,6 tỷ USD. Con
số này vào năm ngoái ở Mỹ là 10,7 tỷ USD.
Dữ liệu sơ bộ do Adobe Analytics công bố ngày 28/11 cho thấy
người tiêu dùng Mỹ đã chi 6,3 tỷ USD trước 6 giờ chiều. Công ty cho biết nhu cầu
đang tăng lên ngay cả khi yếu tố lạm phát được tính đến.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng tỷ suất lợi nhuận sẽ nhỏ
hơn đối với các nhà bán lẻ giảm giá sâu hơn để thu hút người tiêu dùng đang thực
hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh hiện tại.
Ảnh: Internet.
Theo Adobe, người mua sắm đã chi khoản tiền kỷ lục 9,12 tỷ
USD trực tuyến vào dịp Black Friday, tăng 2,3% so với năm ngoái. Hoạt động
thương mại điện tử tiếp tục diễn ra mạnh mẽ vào cuối tuần trước, với 9,55 tỷ
USD doanh số bán hàng trực tuyến.
Salesforce cho biết ước tính của họ cho thấy doanh số bán
hàng trực tuyến ở Mỹ đạt 15 tỷ USD trong dịp Black Friday và 17,2 tỷ USD vào cuối
tuần trước, với tỷ lệ chiết khấu trung bình là 30% cho các sản phẩm. Hai công
ty cho biết đồ điện tử, quần áo, đồ chơi và sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp
nằm trong số những mặt hàng bán chạy nhất.
Mastercard SpendingPulse - đơn vị theo dõi chi tiêu trên tất
cả các loại thanh toán bao gồm tiền mặt và thẻ tín dụng, cho biết tổng doanh số
bán hàng vào Black Friday đã tăng 12% so với 1 năm trước đó. Doanh số bán hàng
tại các cửa hàng truyền thống tăng 12%, trong khi doanh số bán hàng trực tuyến
tăng 14%.
Trong khi đó, công ty phân tích RetailNext báo cáo rằng lưu
lượng truy cập vào các cửa hàng đã tăng 7% vào Black Friday. Tuy nhiên, chi
tiêu cho mỗi khách hàng online đã giảm gần 7% do người mua sắm lướt xem nhiều
hơn là mua hàng.
Sensormatic Solutions - một công ty theo dõi lưu lượng truy
cập cửa hàng khác, cho biết lưu lượng truy cập cửa hàng online đã tăng 2,9% vào
Black Friday so với năm ngoái.
Brian Field, trưởng bộ phận phân tích và tư vấn bán lẻ toàn
cầu của Sensormatic, nhận định: “Người mua sắm đang cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Họ
có thể sẽ tham khảo giá của nhiều nhà bán lẻ khác nhau để đưa ra quyết định cuối
cùng”.
Danny Groner (39 tuổi), hiện sống ở thành phố New York, cho biết anh và vợ muốn mua một chiếc TV mới để thay thế chiếc TV cũ đã dùng được 7 năm. Dịp Cyber Monday vừa qua, anh đã tìm thấy một số deal giảm giá trực tuyến. Groner nói rằng gia đình anh hiện ưu tiên mua những thứ họ thực sự có nhu cầu.
Nhìn chung, chi tiêu trực tuyến tại Mỹ vẫn ổn định trong
vài tuần qua khi những người mua sắm háo hức mua thêm các mặt hàng bằng thử tín
dụng hay sử dụng các dịch vụ mua trước, trả sau không tính lãi suất.
Theo Adobe, trong 3 tuần đầu tiên của tháng 11, doanh số
bán hàng trực tuyến về cơ bản không thay đổi so với năm 2021. Tuy nhiên, công
ty nhận định nhiều người tiêu dùng vẫn muốn mua sắm trong kỳ nghỉ bất chấp sự
không chắc chắn về nền kinh tế.
Ảnh: Internet.
Một số nhà bán lẻ lớn ở Mỹ đang cảm thấy sự thay đổi.
Target, Macy’s và Kohl’s cho biết trong tháng này rằng họ nhận thấy chi tiêu của
người tiêu dùng chậm lại trong vài tuần qua. Chỉ có là Walmart là ngoại lệ.
Công ty báo cáo doanh số bán hàng cao hơn trong quý III năm nay.
Guru Hariharan - CEO của công ty quản lý thương mại điện tử
CommerceIQ, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy lạm phát đang bắt đầu thực sự ảnh hưởng
đến hầu bao và người tiêu dùng bắt đầu mắc nợ nhiều hơn vào thời điểm này. Điều
đó đã thúc đẩy họ lựa chọn những mặt hàng thay thế rẻ hơn”.
Sự kiện Cyber Monday năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử chậm lại đang lan rộng ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ trực tuyến – những công ty đã chứng kiến sự bùng nổ về doanh số bán hàng trong hầu hết thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Những người tiêu dùng sợ rời khỏi nhà và chọn thương mại điện
tử trong thời kỳ đại dịch đang quay trở lại các cửa hàng vật lý với số lượng lớn
hơn trong năm nay, khi mọi thứ bình thường trở lại.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết cuộc khảo sát gần đây
của họ cho thấy số lượng người mua sắm vào Black Friday dự định đến các cửa
hàng vật lý đã tăng 3%. Dự kiến có 63,9 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến
trong dịp Cyber Monday, so với 77 triệu vào năm ngoái.
Amazon là công ty chứng kiến hoạt động kinh doanh bán lẻ
phát triển mạnh trong hầu hết thời gian diễn ra đại dịch nhưng phần lớn nhu cầu
đã giảm dần khi cuộc sống trở lại bình thường.
Để đối phó với sự thay đổi này, Amazon đã thu nhỏ các kế hoạch
mở rộng nhà kho đồng thời giảm chi phí bằng cách loại bỏ một số dự án. Gã khổng
lồ thương mại điện tử cũng đang tiếp bước các công ty công nghệ khác trong việc
sa thải hàng loạt nhân viên. CEO Andy Jassy cho biết công ty sẽ tiếp tục cắt giảm
nhân sự cho đến đầu năm sau.
Nguồn: LA Times
người Mỹ tiêu dùng phóng khoáng lắm
Trả lờiXóa