Trang

27/03/2023

Sông Rừng

Chiếc bè gỗ trôi dọc theo dòng nước đục lờ của nhánh sông Rừng. Gió đêm phần phật vỗ vào cánh buồm cói lớn bằng hai chiếc chiếu. Vành trăng hạ tuần lẻ loi trên cánh rừng trùng điệp miền nhiệt đới. Ánh sáng đơn chiếc, rụt rè qua làn sương đêm, gợi ra làn không khí vừa bí mật vừa đượm lo âu.
Dũng ngồi phía cuối bè, lắng nghe rừng đêm thức dậy.
Tiếng thú rừng vang lên từ hai ven sông, nghe thực lạ tai. Cao hơn hết là tiếng kêu lanh lảnh như tiếng sói tru hay tiếng rít của hổ đói mồi. Dũng quay lại ông Ba Lâm, lúc đó đang loay hoay mồi thuốc:
– Chắc cánh rừng nhiều hổ, hả chú?
Ông Ba gật đầu; ông đoán được Dũng nghĩ gì rồi:
– Hổ báo thiếu gì!… Nhưng đấy là tiếng khỉ hú đấy! Dũng lấy làm lạ:
– Kỳ há!… Khỉ lớn con lắm, chú nhỉ?
– Ðâu có… Loại này kêu “khỉ hú” vì đêm đêm đang ngủ cũng choàng dậy hú một hồi, rồi lại ngủ. Nó lớn cỡ con chó thường, nhưng hú nghe ghê cả thịt. Cả đàn mà hú, mình nghe tưởng chừng cả chục con hổ cắn nhau kia!
– Nó hiền không chú?
– Dữ nhất là nó… Bị săn đuổi, khỉ hú cắn lại người là thường, hàm răng nó mạnh ghê gớm… Ðã có lần chú thúc nòng súng vào miệng một con, vậy mà nó gặm đến xây xát cả nước thép đó!

Ðàn khỉ vừa bặt tiếng, đã vang lên tiếng ộp oạp trầm bổng của cả ngàn ếch nhái trong đám lau sậy bàng bạc dưới ánh trăng. Thỉnh thoảng bật lên giọng nấc khô khan của cá sấu. Rồi tới tiếng hộc của lợn rừng và những tiếng kỳ quái của chim đêm.

Ðặc biệt hơn hết là tiếng gầm của loài báo: tiếng báo gầm không lớn, nhưng có sức mạnh làm thú rừng im bặt. Dũng lắng nghe tiếng rừng, thao thức không nhắm mắt được.

Ðây là chuyến đi rừng đầu tiên của cậu bé, nên cái gì đối với Dũng cũng lạ mắt lạ tai. Vào khoảng nửa đêm, rừng xanh êm ả được đôi chút, để rồi lại tỉnh giấc vào lúc trời bình minh. Nhưng khi mặt trời lên cao, ngàn cây yên tĩnh hẳn, chỉ nghe xào xạc tiếng gió đùa. Ngoài xa vẳng lại tiếng đàn sếu lông hồng đang là là bay trên bãi sông, đôi cánh vươn dài, loang loáng trong nắng.

Bè ghé sát bờ. Một con cá sấu đang phơi mình trên bãi, nhích ra xa vài thước, nhường chỗ cho đám người lạ mặt cắm sào. Con vật cũng chẳng buồn bơi xa, nó dìm mình nhô nhốp chóp mõm và đôi mắt lồi như cặp bóng điện trên mặt nước. Chiếc mõm nhọn, dài của loại sấu vùng này khác hẳn mõm sấu dẹp và bẹt trên triền sông Cửu Long. Con sấu dạn người trôi lập lờ ngay cạnh bè. Dáng dấp hiền từ của nó làm cho Dũng quên bẵng loài sấu đôi khi đói ăn cũng bò lên bãi bắt người ăn thịt. Cái tinh nghịch của cậu bé mới lớn bừng dậy. Dũng lẳng lặng cởi sợi thừng neo bè, đánh chiếc nút thòng lọng, mon men lại phía đằng lái, rón rén choàng vào cổ con cá sấu đang lim dim ngủ.

Dũng giựt mạnh chiếc thừng, rồi nhảy vội sang một bên. Con sấu bị chọc bất ngờ, choàng dậy, chồm vào thành bè. Chiếc đuôi dài uốn cong như vành cung, quật mạnh trên không… Con vật lộn đi một vòng, lặn nhanh dưới làn nước vẩn đục…

Sợi thừng thẳng băng, giựt mạnh… Chiếc bè rung lên làm ông Ba và mấy người chân sào còn ngủ choàng dậy.

Con sấu không lặn sâu được vì còn vướng bè, nó nhoai lên, vọt về phía trước, vùng vẫy như ngựa rừng lôi theo chiếc bè. Chợt nó quay phắt lại, nhào vào bè, chiếc miệng đầy nanh táp thực nhanh… Nó nhằm tay ông Ba đang vịn vào đó, nhưng con người già đời đi rừng như ông Ba đâu có dại, ông rút tay thực nhanh, thành thử màn gỗ bị sấu táp nát…

Thấy không ăn thua gì, con sấu đổi chiến thuật: nó không táp nữa, mà dùng đuôi quật tứ phía.

Dũng nằm bẹp xuống, mặt tái mét, cậu bé không ngờ đuôi con vật mạnh tới độ rung chuyển cả bè gỗ. Dũng ngán quá, chắc phen này ông Ba giận cậu lắm đây!

Ông già không tỏ ra sợ sệt chút nào. Ông vẫy chú Siu:
– Con sấu dữ dằn quá, chú ra tay kẻo nát bè mất! Chú Siu chăm chú nhìn xuống nước, rồi gật đầu:
– Ông chủ mặc tôi… Ðể lũ cá thịt nó cho rồi!

Chú Siu là thổ dân trong vùng; chú đi rừng với ông Ba cả chục năm rồi, nên thuộc thung thổ cũng như cách săn bắt thú dữ.
Ông Ba gặp khó khăn bao giờ cũng kêu tới chú.
Chú Siu rút ngọn lao gài trong mái lá, bảo Dũng:
– Chỉ cần làm chảy chút máu là nó rồi đời… Rồi cậu xem!
Chú cuộn sợi dây mây, buộc cán lao vào tay trái, tay phải giơ lên cao, chờ cho con sấu phơi mình trên mặt nước. Chú phóng lao thật là nhanh: mảng da bụng con sấu vừa lộ ra, ngọn lao đã vút đi… Sức chú mạnh thiệt, chiếc lao nhọn ngập sâu dễ tới non thước vào bụng sấu… Dũng chỉ thấy chú giật khẽ sợi mây, mũi lao đã nằm gọn trong tay chú.

Con sấu bị đau lồng lộn một hồi… Làn nước sông loang đỏ những máu. Chợt Dũng thấy con sấu cong lưng, há miệng, hộc lên như lợn bị chọc tiết. Chiếc đuôi dài gai góc đập tứ phía, hiển nhiên là nó sợ một vật gì đến cùng cực.
Chú Siu xoa hai tay, gật gù:
– Thế là chết, con nhé!… Có mọc cánh cũng chẳng thoát, sấu ạ! Chú chỉ xuống nước, nhe răng cười với Dũng:
– Cậu trông kìa… Ðàn “cá răng’ kéo tới đó. Nó rỉa thịt con sấu cho coi.
Dũng ngơ ngác:
– Cá răng lớn lắm hả chú?
Chú Siu cười, nhe hàm răng cà sát tới lợi:
– Ðâu có… Bằng cẳng tay thôi, nhưng khi chúng há miệng ai cũng khiếp, răng đã nhọn lại sắc như dao. Cái giống này thấy máu là bu tới.

Bây giờ thì Dũng hiểu; Dũng đã nghe nói tới loài cá ghê gớm trên dòng sông rừng nhiệt đới, kéo nhau từng đàn, cứ theo vết máu tìm mồi. Chúng táp thịt bất cứ giống gì: trâu rừng, bò tót, cá sấu, chỉ loáng cái là lóc hết thịt, chỉ chừa lại bộ xương.

Cá sấu giãy như đỉa phải vôi, nước sông sủi bọt, máu loang rộng, nhuộm đỏ cả khúc sông. Ðàn cá răng xúm quanh con sấu bị thương, bám nhằng nhằng vào cổ vào bụng con vật để rỉa thịt. Ðôi lúc con sấu quẫy mạnh dăm bảy con cá phơi lưng trên mặt nước, nhưng hàm răng sắc bén vẫn bám chặt lấy mồi.


Chú Siu gọi hai người chân sào:
– Mình đâm mươi con làm bữa tối, các chú!
Ông Ba cũng gật đầu:
– Phải đấy! Mấy khi có dịp ăn cá răng.
Chú Siu quay lại Dũng:
– Thịt cá răng ngon có tiếng, mềm, lại ngọt hơn cá hương kia, rồi cậu coi.

Dũng chưa biết vị cá răng ra sao, nhưng cứ trông cung cách dữ dằn của đàn cá tranh nhau rỉa mồi, mỗi cái táp lại lôi cả mảng thịt sấu máu me đỏ lòm, cũng chẳng thấy thèm thuồng chút nào. Cậu bé tặc lưỡi:
– Ai đang bơi giữa dòng mà gặp đàn cá răng, thì thực vô phúc! Ông Ba cười:
– Chẳng cứ đang bơi, đến ngồi trên bè vô ý thõng tay xuống nước, có đôi khi cũng táp rụng ngón tay kia!

Chú Siu phóng lao nhanh lắm, mũi lao chĩa vào đàn cá đang chen chúc quanh con sấu; loáng cái chú lôi lên bè cả chục con cá nhỏ, khoảng ba tấc, trông như cá trôi nhưng đầu lớn hơn, môi dưới trề ra, răng nhọn hoắt. Dũng toan nhặt lên coi, ông Ba vội gạt tay ra:
– Coi chừng, giống cá quái ác này lên cạn vẫn táp mồi như thường… Phải chặt đầu ngay đã!

Miệng nói tay làm, ông Ba nhặt con dao phay phạt luôn mấy nhát; mấy chiếc đầu cá rời khỏi mình mà còn táp lấy táp để. Ông Ba vẫy Dũng:
– Này cháu coi… Hàm cá cứng như lò xo thép, thấy không?
Ông đặt lưỡi dao vào miệng cá, hai hàng nanh nhọn nghiến mạnh tới độ gẫy vụn. Lưỡi dao thép in hằn vết răng sắc, khiến Dũng phát rùng mình:
– Trời!… Thế này thì tới da voi cũng đứt!
Chú Siu cười:
– Chứ sao!… Voi tôi chưa thấy, nhưng trâu rừng thì là chuyện thường. Ta xuôi phía ghềnh đá, là thấy xương trâu trắng xóa cả đó!
Ông Ba giơ một con cá có mấy vết xước dài trên lưng:
– Cái giống này phàm ăn lắm… Mình đâm trúng mà không lôi lên mau là cả đàn xúm vào rỉa ngay con cá bị thương, thành thử khi rút lao, còn có bộ xương không…

Chú Siu chỉ xuống nước:
– Trông kìa… Con sấu lớn thế mà chẳng còn dính tí thịt nào!
Dũng nhìn theo tay chú. Ðàn cá răng đã biến đâu hết, dòng sông lại trong veo, trên mặt cát lập lờ bộ xương sấu trắng toát, với chiếc mõm dài, hàm nanh nhọn như một thứ quái vật tiền sử.
Ông Ba Lâm lắc đầu:
– Ấy thú vật miền này khổ vậy đó. Ðêm thì dơi hút máu, ban ngày có lội xuống sông, lại gặp cá răng. Ðằng nào cũng tội!
Ðêm ấy, nhóm người trên tàu ăn bữa cá răng chiên thực là ngon. Dũng thực sự thấy thịt cá răng thơm, mềm, đậm vị, ăn không chán miệng.
Ông Ba Lâm chỉ tay vào lớp lau sậy bạt ngàn hai bên bờ sông, bảo chú Siu:
– Giá mình nán lại đây lâu được, tôi phải bắt vài con sấu… Giống sấu miền này lớn con, dáng đẹp lắm, bán được tiền.
Dũng chưa nghe ông Ba tính tới chuyện bắt sấu bao giờ:
– Chú tính lột da chăng?
– Da sấu hồi này có giá… Nhưng chú tính bắt mấy con lớn bán cho sở thú ngoại quốc, họ trả khá lắm.
Chú Siu như nhớ ra chuyện gì:
– Thế đôi sấu năm ngoái mà chẳng lớn con à? Ông để đâu chưa bán cho rồi?
Ông Ba lắc đầu:
– Tôi quên chưa kể cho chú nghe nhỉ… Còn có một con thôi, thế mới tiếc chứ!
Ông bập vài hơi thuốc, thong thả thuật lại câu chuyện nuôi sấu cho mọi người nghe. Dưới ánh trăng ngàn bàng bạc, trong khung cảnh núi rừng hoang vắng, câu chuyện của ông nghe thực đậm đà…

…Từ ngày có người đặt mua, tôi đã cho xây sẵn một khoảng vườn chứa sấu. Vườn khá rộng, có tường bao quanh, ngay giữa là một hồ nước sâu hơn thước, phía trên soai soải trải đá cuội cho sấu phơi nắng. Tôi kiếm được một con sấu sáu năm, dài trên bốn thước. Con này dữ lắm, cứ thấy người là đuổi… Mỗi lần thay nước hồ, tôi phải cho bốn người lực lưỡng, làm thòng lọng chịt lấy cổ nó, ghì sát vào hàng rào, như ta giữ chó dữ… Giống sấu dài chừng đó đã khỏe lắm rồi. Nó chỉ táp nhẹ mình cũng rụng tay rụng cẳng như không!

Tôi chỉ chờ có thêm con nữa là gởi đi cho rảnh. Bữa đó, nhóm thổ dân mang tới bán cho tôi một con sấu mõm nhọn, có phần lớn hơn con của tôi. Ông già cùng đi với họ bảo tôi:
– Thầy chớ nhốt hai con một chỗ… Nó không chịu đâu.
Tôi ngắm đôi sấu: con của tôi tuy nuôi lâu, nhưng nhỏ hơn chút, chắc chẳng sinh sự nào. Còn con mới tới lớn xác, lạ phong thổ, có hung hăng lắm cũng phải chờ vài bữa chứ! Tới khi đó, tôi đã gởi đi rồi, có gì mà ngại. Vả lại, tôi biết giống cá sấu cũng vài năm rồi, thường thường đàn sấu lớn mỗi con một nơi, nằm lim dim cả ngày, ít cắn lộn lắm. Tôi bảo họ cứ thả con sấu vào vườn cho tôi. Trước khi ra về, ông già Thượng còn lắc đầu:
– Thầy không tin tôi thì thôi… Nhưng đôi sấu này thể nào cũng có con chết cho coi…
Nghe nói vậy tôi chỉ cười. Con sấu mới vừa thả vào vườn, con sấu của tôi lẳng lặng nép một xó. Con kia bò xuống hồ nước, dìm mình chán, nhoai lên táp một miếng thịt rồi lại lặn mất dưới nước, nhô chỏm mũi phập phồng thở… Không có vẻ gì gay cấn hết. Tôi đã toan bỏ đi, bỗng gã gác vườn la lên:
– Thầy coi kìa!
Trên lớp đá cuội góc vườn, con sấu của tôi bắt đầu hộc lên như tàu hỏa. Con dưới nước cũng từ từ nhoai lên, mon men từng bước ngắn, lưng gù tròn như rồng uốn khúc, miệng há hốc, đỏ lòm… Chỉ một loáng hai con đã lại gần nhau… Chúng không chồm lên ngay, mà chỉ lượn vòng tròn như hai võ sĩ thủ thế. Ðôi đuôi dài quật lên quật xuống, làm cát bụi, đá sỏi bắn tứ tung.

Tôi biết chuyện gì sẽ xảy tới, nhưng chẳng làm sao được. Ba bốn người phu ra sức liệng thừng để thòng lấy cổ một con, mà không nổi… Họ mang sào dài tới, cũng chẳng ăn nhằm gì, vì chẳng thân tre nào chịu nổi hai cái táp của con vật… Tre đực hẳn hoi, mà nó cắn nát như tăm. Tôi đứng trơ ra đó, nhìn đôi miệng sấu há rộng, những hàm răng ghê gớm loang loáng dưới nắng.

Lúc này chúng xáp lại gần hơn ghì lấy nhau, ra sức cắn lấy cắn để. Mỗi lần nghe hai hàm răng kháp lại côm cốp, tôi phát rùng mình.

Chợt tôi thấy một mảng da lưng con sấu mới bị lột mất máu đỏ lòm… Con vật hộc lên mấy tiếng khô khan, rồi rút lui xuống hồ nước, nhưng địch thủ của nó đâu có tha, lạch bạch đuổi theo liền… Thế là nước bắn tung tóe, tới độ chẳng còn ai nhìn thấy gì nữa, chỉ nghe tiếng đuôi quật, tiếng va chạm của móng, của nanh, tiếng rít lồng lộn của đôi sấu say máu. Ðôi lúc, một con đứng dựng lên, gần như chống bằng đuôi, nhưng rồi lại nhào xuống ngay.

Tôi tưởng chúng cắn nhau một hồi, rồi thôi… Ai ngờ đâu, con sấu cũ lừa miếng, ngoạm được gáy địch thủ rồi nhai nghiến cho đến khi con này nằm im mới chịu nhả ra… Nó mệt nhoài, bò lên bờ nằm thở như trâu. Tôi lấy thòng lọng ghì nó vào hàng rào rồi lại bên hồ nước… Lúc đó con sấu mới mua về đã chết cứng: Nó bị cắn gẫy đốt xương sống phía gáy.

Tôi ân hận không nghe lời ông già Thượng. Nhưng cũng từ đấy, tôi biết giống sấu cứ mỗi con một giang sơn, hễ lấn của nhau là có chuyện. Có điều khi biết ra thì đã mất toi một con sấu đẹp…

Xa xa, lại vang lên tiếng khỉ hú quen thuộc. Lần này Dũng không còn ngạc nhiên. Cậu bé đã bắt đầu dạn dày với cảnh sông rừng, 
nên chợp mắt lúc nào không hay.


Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác


1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.