Trang

31/10/2023

Đào cát ven sông, người đàn ông phát hiện báu vật quốc gia

Thanh sắt khổng lồ dưới lòng sông

Năm 1988, khu vực tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc bị hạn hán nặng nề khiến cuộc sống của người dân tại huyện Duyễn Châu khó khăn hơn bao giờ hết, trong đó có gia đình người đàn ông họ Triệu.

Vì sinh kế gia đình đều dựa vào đàn lợn trong nhà, do đó, gia đình anh Triệu quyết định sửa lại chuồng để đàn lợn có chỗ trú tốt hơn trong mùa nắng nóng. Lúc đó, sông Tứ gần làng đang cạn nên vợ chồng anh đã nghĩ đến việc đào một ít cát dưới lòng sông để dùng.

Một hôm trong lúc đang lấy cát, chiếc xẻng của anh Triệu bỗng đụng phải một vật cứng. Lúc đầu vì nghĩ đó chỉ là tảng đá nên anh Triệu né sang một bên để tiếp tục đào.

Tuy nhiên lần tiếp theo, chiếc xẻng của anh tiếp tục đụng trúng vật thể đó. Tò mò, anh Triệu tiến gần kiểm tra thì nhận ra đó là miếng sắt gỉ. Nghĩ vật này có thể bán lấy tiền, anh mừng khôn xiết nên tiếp tục đào nó lên.

Tuy nhiên, càng đào, anh Triệu nhận thấy đây không phải là miếng sắt nhỏ mà là thanh sắt lớn, kéo mãi chẳng nhúc nhích. Thấy vậy, mọi người xung quanh cũng tiến lại giúp sức. Cuối cùng thanh sắt mà anh Triệu tìm được cũng được dân làng kéo lên khỏi lớp cát. Ai nấy đều bất ngờ khi đó là một thanh kiếm khổng lồ, dài tới 7,5m.

Một số người ước tính đồ vật này nặng ít nhất vài nghìn cân, nếu đem bán, nhất định sẽ thu được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, anh Triệu lại không nghĩ vậy. Người đàn ông này cho rằng thanh kiếm khổng lồ này phải là một bảo vật vô cùng quý giá. Do đó, anh quyết định thông báo và tặng thanh kiếm lạ cho các chuyên gia từ Cục Di tích Văn hóa để nghiên cứu.

Những lời đồn đoán về thanh kiếm này ngày càng nhiều. Tuy nhiên, chỉ đến khi các chuyên gia xuất hiện thì nguồn gốc của nó mới được sáng tỏ.

Bảo vật trăm năm lộ diện

Việc thanh kiếm khổng lồ xuất hiện khiến các chuyên gia cổ vật cũng rất tò mò nên đã

lập tức tới hiện trường để giám định. Khi vừa đến nơi, họ vô cùng ngạc nhiên khi trước mắt là một thanh kiếm dài bằng hai chiếc ô tô, chuôi kiếm dày đến mức họ không thể cầm bằng hai tay. Ngay lập tức, các chuyên gia đã yêu cầu phong tỏa hiện trường và bắt đầu kiểm tra xung quanh, họ suy đoán rằng có thể có những ngôi mộ cổ gần đó. Tuy nhiên, sau khi thăm dò, các chuyên gia hoàn toàn không tìm thấy dấu vết gì của những ngôi mộ cổ. Sau khi rà soát lại khu vực này bằng các máy móc hiện đại, các chuyên gia kết luận nhận định ban đầu là không đúng và bắt đầu tiến hành giám định thanh kiếm.

Do bị vùi sâu dưới sông trong thời gian dài, người ta không thể xác định được nguồn gốc của thanh kiếm. Để làm sáng tỏ bí ẩn này, các chuyên gia đã quyết định dùng xe tải để vận chuyển nó tới phòng thí nghiệm. Ban đầu, các chuyên gia làm sạch thanh kiếm cẩn thận bằng bàn chải nhỏ. Sau thời gian dài cố gắng khôi phục nguyên trạng, cuối cùng, người ta cũng xác định được lai lịch của thanh kiếm nặng 3.079 kg và dài 7,5 mét này.

Theo các chuyên gia, đây có thể là một thanh kiếm có niên đại khoảng 300 năm tuổi, thuộc thời Khang Hy, do Kim Nhất Phượng, thứ sử Duyễn Châu lúc bấy giờ tạo nên.Theo ghi chép, vào năm 1712 sau Công nguyên, quận Tư Dương lúc bấy giờ gặp phải trận lụt ngàn năm có một khiến mực nước sông Tứ dâng cao cuốn trôi mọi thứ, thiệt hại về người và của nặng nề.

Điều này khiến quan huyện Duyễn Châu lúc bấy giờ là Kim Nhất Phượng vô cùng lo lắng. Thấy dân tình lâm vào cảnh lầm than, ông đã lãnh đạo mọi người bắt tay vào việc điều thủy, chống lũ, không chỉ dùng tiền lương của mình để sửa cầu mà còn đích thân giám sát việc đắp đê bên sông Tứ. Sau đó, thiên tai lũ lụt đã được giải quyết hoàn toàn, cuộc sống của người dân dần trở lại yên bình.

Tuy nhiên, nhiều người mê tín lan truyền tin đồn sai sự thật về đợt thiên tai này. Kim Nhất Phượng cảm thấy nếu không làm yên lòng dân thì họ sẽ không thể yên tâm làm việc. Do đó, ông đã quyên góp tiền lương của mình trong một năm và nhờ một thợ thủ công rèn thanh kiếm khổng lồ dài 7,5m này rồi cắm xuống dưới đáy sông.

Cũng kể từ đó, thanh kiếm này còn được dùng để đo mực nước sông và phân tán dòng nước, thuận lợi cho việc làm ruộng của người dân. Sau việc này, Kim Nhất Phương được triều đình khen thưởng vì có công trị thủy. Thanh kiếm kia cũng trở thành bảo vật của người dân trong vùng.

Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia cũng nhận định rằng quá trình để đúc ra thanh kiếm này khá phức tạp. Có thể được tạo ra bằng cách ghép từng bộ phận thông qua phương pháp đúc từng bước, có nhiều hoa văn tinh xảo. Hiện thanh kiếm này được đặt trong Bảo tàng Duyễn Châu, tỉnh Sơn Đông, thuộc di tích văn hóa cấp 1 của Trung Quốc.

Ánh Lê 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.