Hình minh họa
Mẹ loay hoay trong bếp bữa ăn chiều với món phở, tôm càng hấp và
chè đậu ván. Mẹ lẩm bẩm “tội nghiệp con gái làm việc mệt trí, chỉ nghỉ được có
mỗi ngày Chủ Nhật”. Vì vậy mẹ cố gắng sửa soạn buổi cơm chiều thật ngon so với
những bữa khác.
Vân bước xuống theo tiếng mẹ gọi, nét mặt hơi sưng sỉa ngồi vào
bàn ăn im lặng.
Mẹ chẳng biết gợi câu chuyện gì cho vui, bèn mở lời kể chuyện
Facebook.
– Hôm nay mẹ nghe được bài Pháp do thầy Thích Pháp Hòa giảng vui
quá...
Ðang định kể tiếp thì Vân ngắt ngang, giọng gay gắt – Hình con
ngồi ăn cua với Tý, Tèo lúc hai cháu về chơi, ai cho phép mẹ để lên Facebook.
Mẹ trố mắt ngập ngừng.
– Không được hả con?
– Ðược sao mà được! Ðó là sự riêng tư của con, mẹ phải hỏi trước.
Thỉnh thoảng con vào xem nhìn thật chướng mắt. Lứa tuổi mẹ già rồi ai xem nữa
mà chụp hình đủ kiểu đưa lên mỗi ngày, chưa kể có nhiều người làm gì cũng khai
báo trên đó, nào là đi bệnh viện, đi chợ mua những gì, cúng giỗ nấu món chưng
bày cũng khoe, sao rảnh dữ vậy?
Mẹ cụt hứng nhận ra phần sai sót của mình nên cúi đầu im lặng
nhai những hột cơm nhạt thếch đắng nghẹn.
Ðêm đó thay vì sau 8 giờ mẹ thường mở Facebook tìm niềm vui, thì
mẹ lặng lẽ đi nằm sớm. Nhưng mẹ nào có ngủ được, ký ức xuôi về miền quá khứ
mông lung...
Lập gia đình kham nhẫn đủ điều với nhà chồng, sinh được một con
gái kháu khỉnh chào đời đã làm tăng sức mạnh lạ lùng của tình mẫu tử thiêng
liêng. Mẹ chỉ thích nâng niu, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, theo dõi con mọc
răng, con biết lật, con đi chập chững, con vui đùa theo tháng ngày trôi qua.
Lúc ba đi “học tập cải tạo”, mẹ bị mất việc dạy học, bươn chải đủ nghề kiếm sống,
cắc củm từng đồng nuôi con đầy đủ. Chồng trở về vài năm sau có cơ may được ông
bác bên chồng tổ chức vượt biên, nếu kiếm được 5 người thì hai vợ chồng sẽ đi
không đóng tiền. May mắn móc nối được người, ông bác cho đi cả 3 mạng, thiếu tiền
lúc thoát thân lọt được sẽ trả sau.
Ba mẹ cùng làm điện tử vùng Fremont, khi con học hành nên người
tốt nghiệp, bằng cấp cao thì ba phát hiện mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối...
đành xa vợ con. Mẹ bị laid-off đúng lúc con gái lập gia đình và mua nhà. Vân muốn
mẹ về ở chung khi mang thai đứa đầu, rồi kế tiếp đứa thứ hai. Công việc mẹ bận
rộn giữ cháu và nấu ăn cũng nguôi ngoai qua thời gian khi không có chồng bên cạnh,
nhất là được đùa chơi ôm cháu vào lòng, đẩy xe đi dạo ngoài công viên. Các cháu
vào trường học có bạn bè, về nhà làm Homework, không còn thời gian gần bà ngoại,
càng lớn dần thì không còn quan tâm đến ai ngoài chuyện vùi đầu vào việc học, đọc
sách và chơi phone. Con gái và rể ngày cũng như đêm, lúc nào cũng thấy ngồi
trên máy Computer mỗi người một cái, chăm chú và gõ chữ. Nhà bây giờ chỉ còn
mình mẹ ra vào lủi thủi ban ngày vì các con đi làm, các cháu đi học xa.
Ðôi lúc mẹ có cảm tưởng con gái bây giờ là mẹ của mẹ. Con học
cao hiểu rộng luôn chỉ huy mẹ chuyện này điều kia, những chuyện mẹ kể ngày xưa
con bác ra không cần nghe.
Giọng nói con từ từ oai phong và mang âm điệu ra lệnh, mẹ chỉ biết
tuân hành và không cần thắc mắc.
Tính tình mẹ trở nên trầm lặng, ít nói và lái xe cũng lười biếng.
Mẹ nhờ con gái mở Facebook để chơi. Không ngờ khi vào Facebook đã truyền sức sống
trở lại. Mẹ gặp bạn bè năm xưa đang ở trên quê hương Việt Nam, hẹn hò tụ họp uống
cà phê Nội Thành mỗi tháng hai lần. Mẹ thấy bạn ăn diện đẹp, ngồi dưới các tàn
cây có ánh nắng hồng buổi sớm mai xuyên qua cành lá, nhâm nhi cốc cà phê hưởng
tuổi già, hoặc mặc áo dài lên chùa Thiên Mụ, đồi Thiên An cầm nón chụp hình rất
có duyên, mẹ ưa nhìn ngắm hoài.
Mẹ cảm thấy chung quanh mình có nhiều bạn bè nói chuyện ríu rít
thăm hỏi, cười đùa tuy xa mà rất gần.
Chưa hết, mẹ được xem phong cảnh các ngôi Chùa từ nhiều tiểu
bang của Mỹ, Pháp, Úc, Canada v.v. Ðược xem những buổi lễ lớn, những sinh hoạt
công quả trong các Chùa rất vui, được đọc những bài Phật Pháp, những bài thơ của
Thầy Thích Thiện Long, Thầy Thích Tánh Tuệ tìm được sự an lạc của tâm hồn. Bây
giờ ai có con cháu, có áo đẹp, có tiệc tùng hay đi chơi đâu đều chụp hình bỏ
lên facebook. Mẹ quan niệm đó là niềm vui khi thích chia sẻ, nên cũng vào khen
vài câu. Mẹ nghĩ có như vậy mới tăng tuổi thọ được chứ, tiền bạc sức khỏe thì
chính phủ Mỹ chăm đầy đủ, thân già rồi có gì đâu để lo sợ.
Thỉnh thoảng sáng tác bài thơ theo mùa, theo ngày lễ, hoặc cảm hứng
khi ngắm Quỳnh nở. Mẹ bỏ lên mời bạn bè ghé nhà uống trà hàm thụ đọc thơ chơi,
như vậy ở nơi đó mẹ đã có ngôi nhà tự do tiếp bạn với sân chơi tao nhã, còn gì
thú hơn bằng.
Cũng có rất nhiều người lạ đòi làm bạn, nhưng mẹ chỉ nhận ai học
chung trường, hay người đã quen biết từ lâu, hoặc bà con, mới dám add friends,
rất giới hạn. Nhất là phái nam, mẹ lại càng tránh, chẳng qua nhác nói chuyện và
không thích giao thiệp rộng. Nhiều chuyện nghĩ cũng nực cười, mỗi mùa sinh nhật
mẹ để lên bài thơ ghi rõ tuổi thất thập cổ lai hy, vậy mà đàn ông trẻ tuổi cứ
mù mắt bắn vào lời lẽ tha thiết chung chung giống nhau “tôi theo dõi trang của
bạn với những bài viết có tính cách văn hoá gây sự chú ý của tôi, nên đã gởi lời
mời kết bạn nhiều lần nhưng không thành công, vui lòng... chúng ta hãy là bạn”,
tiếu lâm hơn nữa “Em đẹp lắm, cho anh làm quen” của những đứa đáng cháu ngoại.
Một chuyện khôi hài nữa là có ông tướng người Mỹ gốc VN thỉnh thoảng nhảy vào
đòi kết bạn và nhắn nơi mục messenger, làm mẹ càng đề phòng bọn hacker vì ông
tướng nào mà rảnh rỗi dữ vậy, lại đòi đi quen bà già. Mẹ chẳng quan tâm, xem
như không có nên chẳng cần nhìn trang cá nhân của họ...
Nói tóm lại hiện tại Facebook là niềm vui của mẹ, mẹ yêu
Facebook và mẹ cũng yêu con gái. Thôi thì mẹ đành dẹp bỏ Facebook để không làm
con bực dọc, mẹ muốn làm vui lòng con vì mẹ yêu thương con nhất trần đời.
Sáng nay Chủ Nhật, Vân thức dậy sớm vì không ngủ được, muốn mở
Facebook xem trang cá nhân của mẹ có viết gì thêm? Bạn bè nói chuyện ì xèo mà
sao mẹ im hơi vậy?!!
Mẹ mê Facebook lắm mà!
Tình cờ có bài Chùa nào đăng về Phật Pháp, những từ ngữ khó hiểu
gây thêm sự tò mò muốn đọc “Ðức Phật dạy: tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh
Phật. Cha mẹ là bậc đáng được cung kính cúng dường. Từ vô lượng kiếp đến nay,
chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi
sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”
(Kinh Tương Ứng).
“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn Nhục)
“Tương lai của đứa con luôn là công trình của người mẹ”
(Napoleon)
Con gái càng đọc càng thấy nặng đầu, kiểu nặng đầu khó tả, nên
thôi đọc và nằm lại nghỉ ngơi. Buổi trưa có hẹn đến ăn trưa nhà Sơn, bạn của chồng,
mất liên lạc đã lâu, tình cờ gặp lại cách đây 2 tuần. Ngôi nhà nhỏ nhắn xinh xắn
nằm trên đường Quimby thuộc thành phố San Jose. Chủ nhà đãi món phở đặc biệt
ngon, nhưng so thầm, Vân vẫn thấy mẹ mình nấu ngon hơn. Người vợ tên Tuyết có
nét mặt thuỳ mị đẩy mẹ chồng ra phòng khách cho thoáng mát sau khi lo tiếp
khách ăn xong. Vân đến gần thăm hỏi bác, bác gái nhìn cười không trả lời, Vân
hơi lúng túng thì Sơn lên tiếng:
– Mẹ tôi bị mất trí nhớ mấy năm rồi, con cái cũng chẳng nhận ra,
hỏi để khơi lại trí nhớ nhưng mẹ chỉ đưa đôi mắt ngơ ngác và cười thôi.
Vân nhìn hình ảnh người dâu đút thức ăn, thỉnh thoảng lau miệng
và cho bà uống nước bỗng như có luồng khí lạnh xâm nhập vào người.
– Bà xã tui làm việc tại nhà, nên có thì giờ take care mẹ.
Tiếng Sơn nói bên tai khiến tim Vân đập mạnh. Liên tưởng mẹ
mình, Vân thấy run run một cảm giác ray rứt khó chịu. Mấy hôm nay buổi tối chẳng
thấy mẹ xem phim hoặc ngồi bàn computer, chỉ thấy mẹ đi ngủ sớm. Vân thì cứ vùi
đầu vào con số, có những lúc rối nùi ngồi gỡ không biết thời gian và không gian
nữa. Khi rảnh rỗi thì nói chuyện với chồng hoặc gọi phone thăm hỏi dặn dò con học
hành ở tiểu bang xa. Vân giật mình nhớ lại câu nói hay bài viết gặp đâu đó “Người
cao tuổi thường bị con cái lãng quên, và khi họ mất đi rồi mới biết trân trọng.
Chỉ đến khi điều đó xảy ra, người ta mới cảm thấy hối tiếc biết bao, nhưng thời
gian không thể quay ngược lại, mọi thứ đã không còn thay đổi được nữa”
Cám ơn buổi ăn trưa, cám ơn hình ảnh người con dâu thể hiện sự
hiếu thảo, cám ơn hình ảnh người mẹ bị Alzheimer chỉ còn cái xác không hồn đã
như mũi tên bắn vào đầu óc của Vân.
Trên đường về, mặc ánh nắng đang xuyên qua người, mặc dòng xe chạy
ngược xuôi, mặc chồng ngồi lái xe đang nói điều gì bên tai, Vân để tâm hồn mình
trở về bến yêu thương ngày nào...
Khi 3 tuổi luôn đeo mẹ, đi đâu cũng như cái đuôi, khiến các bác thường
chọc “mẹ với con như cơm với cá”. Nhớ giai đoạn khổ cực sau 75. Ba mẹ trưa nhai
bột mì hấp, chiều nhai bo bo, nhưng mẹ luôn nấu cơm riêng cho con gái. Còn nhớ
thùng gạo nhỏ để chung trứng gà, chuối, cam mẹ thường nói thức ăn riêng của
con. Nấu chè vài chén cúng xong mẹ để ba và con gái ăn, con gái thì chẳng để ý,
chỉ nhớ ba đã hỏi.
– Sao mẹ không ăn?
– Em bị đau bụng lâm râm.
Rất nhiều lần Vân bắt chước hỏi như ba, mẹ vẫn trả lời một câu
giống nhau. Lớn lên con gái mới hiểu
trong hoàn cảnh nghèo khó, mẹ nhường nhịn cho chồng con ăn, nhất là con gái.
Qua Mỹ ba mẹ tiện tặn từng đồng, không dám tiêu cho bản thân
nhưng vẫn chiều theo mỗi khi con gái thích gì. Ði học xa, mẹ bới xách và cung cấp
tiền bạc đầy đủ, luôn gọi phone nhắc nhở con phải bồi dưỡng ăn uống đầy đủ mới
có sức mà học. Con gái lập gia đình mẹ nuôi cháu, tiền bạc mẹ chẳng quan tâm,
có bao nhiêu gởi hết vào bank của Vân.
Mỗi chiều đi làm về, vợ chồng được hưởng cơm ngon canh nóng, sau
đó vợ chồng con cái rút vào phòng như chui trốn tổ ấm riêng. Mẹ nói gì con gái
cũng cho sai và chỉ muốn hướng dẫn mẹ theo tánh độc tài của mình, riết rồi mẹ từ
từ câm nín và như chiếc bóng.
Mẹ chỉ còn niềm vui trên mạng xã hội, vậy mà Vân cũng cấm đoán hết
điều này đến điều khác.
Vân tự hỏi từ lúc nào đã trở chứng thay đổi tính nết như vậy.
Con gái cảm thấy bị giày vò với một cảm giác bất an.
Vân quay mặt qua bên phải né tránh chồng, vì thấy mắt cay cay,
hai giọt nước mắt trào ra, hình như lâu lắm rồi con gái mới biết khóc...
MTTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.