Người ta đã
dùng những ngôn từ mỹ miều để mô tả giọng hát đầy ám ảnh của bà. Người ta gọi
bà là huyền thoại, "giọng hát vượt thời gian", "tiếng hát lên trời"...
Người phụ nữ có giọng ca đầy mê hoặc ấy, không ai khác chính là ca sĩ Thái
Thanh. Giờ đây, khi tiếng hát của Thái Thanh chỉ còn vang lên qua những dĩa DVD,
những bản thu âm nhuốm màu hoài cổ thì người nghe vẫn thường gõ nhịp, gật đầu
mà thán: "Trăm năm trước, trăm năm sau liệu có còn ai?"...
CHƯA THUỘC NỐT
NHẠC ĐÃ NGÂN THÀNH TIẾNG HÁT
Sinh ra ở thời
loạn lạc, giọng hát của Thái Thanh vút cao trong khói lửa, đạn bom. Người ta
nghe Thái Thanh trong mọi hoàn cảnh, vui cũng như buồn, tràn trề hy vọng lẫn
sâu thẳm niềm đau, trên những nẻo đường tị nạn hay chốn xa hoa rượu đèn ngây ngất...
Đối với những thính giả trung niên, lão niên, những người đã từng đi qua thời
máu lửa thì giọng hát Thái Thanh không đơn thuần là thứ thanh âm để giải trí mà
nó như khơi gợi lại một phần đời.
Thái Thanh
sinh năm 1934, bà bắt đầu sự nghiệp ca hát khi mới vừa tròn 13 tuổi. Từ những
ngày thủ đô Hà Nội chìm trong đạn lửa, cô bé "chưa thôi kẹp tóc" đã
rong ruổi theo chân quân đoàn cảm tử Trung đoàn 9, chợ Sim, Khu III, Khu IV để
vút cao giọng hát kêu gọi tình yêu dân tộc, lòng oán thù giặc ngoại xâm. Danh
phận của Thái Thanh như được báo trước khi bà sinh ra trong một gia đình mà tất
cả người thân đều là những tên tuổi gạo cội trong làng âm nhạc. Cha bà là Phạm
Đình Phụng - nghệ sĩ chuyên về nhạc cụ dân tộc. Hai người anh cùng cha khác mẹ
cũng trở thành nhạc sĩ, đó là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Từ thuở nhỏ,
ngoài chất giọng cao vút, trong trẻo bẩm sinh, Thái Thanh còn bộc lộ năng khiếu
cảm thụ âm nhạc một cách vô cùng mạnh mẽ.
Người thầy đầu
tiên tạo ảnh hưởng sâu sắc trong tư duy âm nhạc và cách xử lý ca từ của Thái
Thanh chính là người anh ruột nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Thứ hai là người nhạc
sĩ của những tình ca bất hủ - Phạm Duy, sau là anh rể của Thái Thanh. Sau khi
đã thành danh, Thái Thanh vẫn thường trìu mến kể về những người thầy, người anh
đã dìu dắt bà. Có lần bà kể: "Anh Phạm Duy hay ca cẩm với tôi: Cô này thay
lời nhạc của anh bằng những từ rất sướng. Còn anh Phạm Đình Chương thì dạy tôi
hát từ nhỏ, có lần cười cười mắng yêu: Cái cô này, nốt nhạc chưa vào đầu đã
thành tiếng hát của cô rồi".
Nốt nhạc
chưa vào đầu, Thái Thanh đã ngân nga thành tiếng hát, nên thính giả bị thứ âm
nhạc của bà vấn vít vào hồn, chạm vào sâu thẳm của trái tim trước khi kịp nhận
ra đó còn là tầng nấc của kỹ thuật xướng âm điêu luyện. Do ảnh hưởng từ ngón
nghề nhạc cụ dân tộc của cha, Thái Thanh đã tự luyện âm theo lối chầu văn, hát
chèo. Vì thế tiếng hát của bà chắt lọc tinh túy từ cách luyến láy của các làn
điệu dân tộc, pha trộn sắc thái biểu cảm của dòng nhạc bác học phương Tây. Bởi
vậy âm vực trong lời ca của Thái Thanh trở thành độc nhất vô nhị. Từ cách luyến
láy da diết tình quê, đến giọng ngân du dương sang trọng đã đưa Thái Thanh bước
đến được bục danh vọng đỉnh cao.
**GIỌNG CA
KHÔNG LỖI NHỊP THỜI GIAN **
Ở thập kỷ 50
- 70 của thế kỷ trước, Thái Thanh trở thành nữ ca sĩ đầu tiên giữ vị thế độc
tôn trong dòng nhạc thính phòng. Với cách luyến láy đặc biệt, bà trở thành người
mở đường cho "trường phái Thái Thanh" mà sau này đã ảnh hưởng rất lớn
đến những ca sĩ thế hệ sau, danh vọng vang bóng một thời như Mai Hương, Ánh Tuyết...
Báo chí thời
bấy giờ không tiếc lời ca ngợi Thái Thanh, người ta lấy câu thơ đầy chất liêu
trai của Hoàng Trúc Ly là: "Vì em tiếng hát lên trời Tay xao dòng tóc, tay
mời âm thanh" để mô tả cho hình ảnh Thái Thanh khi đứng trên sân khấu. Mặc
dù Hoàng Trúc Ly sinh thời không chủ định nhắm vào một danh ca nào, chỉ gợi lên
không khí các phòng trà của Sài Gòn cũ, nơi mà ca nhi trở thành trung tâm của cảm
xúc, nhưng thời ấy người ta lại mặc định "tiếng hát lên trời" là chỉ
có Thái Thanh. Đến nỗi, có người còn ngộ nhận Hoàng Trúc Ly chỉ viết về Thái
Thanh. Từ đó, Thái Thanh "chết danh" với mấy chữ "tiếng hát lên
trời". Mà thật vậy, "tiếng hát lên trời" dùng để chỉ Thái Thanh
không còn gì là vẹn tròn hơn nữa.
BAN HỢP CA
THĂNG LONG
Năm 1973,
Thái Thanh cùng với Thái Hằng, Hoài Bắc, Hoài Trung, Phạm Duy, Khánh Ngọc (vợ
nhạc sĩ Phạm Đình Chương) lập nhóm ca mang tên Thăng Long ra mắt lần đầu tiên tại
đại nhạc hội Nhạc Trẻ Taberd tại Sài Gòn. Thời điểm đó, phong trào ca nhạc tại
Sài Gòn đang ảnh hưởng nặng lối sống hippi, các ca sĩ trẻ đua nhau hát những ca
khúc sôi động của dòng nhạc twish hoặc country. Nhóm ca Thăng Long với dòng nhạc
trữ tình dân tộc tưởng chừng như lọt thỏm trong những tiết tấu rộn ràng của những
giai điệu Châu Mỹ - La Tinh hợp thời. Nhưng rồi, chính Thái Thanh và nhóm ca
Thăng Long đã đưa những "Bên ni bên nớ" của Phạm Duy, "Buồn tàn
thu"- Văn Cao, "Ca dao mẹ" - Trịnh Công Sơn, "Cho
nhau"- Phạm Duy, "Con thuyền không bến - Đặng Thế Phong trở thành thứ
âm nhạc thời thượng. Người ta đổ xô đi nghe Thái Thanh và nhóm Thăng Long hát
tình ca quê hương như một cách để thể hiện đẳng cấp và trí tuệ. Không những thế,
giọng hát của bà còn len lỏi vào những vùng quê, ru êm những vất vả cần lao của
người dân nghèo, khốn khó.
Có một thời,
người miền Nam còn đánh giá trí tuệ người khác bằng "đơn vị Thái
Thanh". Đại loại như, nếu yêu thích và cảm thụ được giọng hát của Thái
Thanh thì được đánh giá là dân... trí thức. Nếu thuộc dạng nghiện nặng, am tường
thì thuộc về nhóm... trí thức bác học. Những người "thích thì nghe, không
thì thôi, sao cũng được" thuộc hàng tầm tầm bậc trung. Còn ai đó vô ý hoặc
cố tình thốt lên: "Nghe không vô, chẳng muốn nghe" thì ngay lập tức bị
quở mắng. Thậm chí, người ta còn biểu đạt cảm xúc khi đọc thơ bằng "đơn vị
Thái Thanh". Kiểu như: "Đúng là một tuyệt phẩm như ... tiếng hát Thái
Thanh" hay "Hình như chỉ sâu sắc cỡ như tiếng ca K.L, M.L.H chứ chưa
thể đánh giá như Thái Thanh được".
Theo những
cao niên đã từng được nghe "Bà mẹ Gio Linh" vào đúng thời điểm
"quân thù bắt được con, mang ra giữa chợ chém đầu", thì Thái Thanh bằng
sự truyền cảm từ chính nội lực của mình đã tạo nên một sự xúc động mạnh mẽ đến
nỗi những người nghe như muốn mang khăn tang để tiễn đưa người anh hùng đã khuất.
Chính những sự xúc động mạnh mẽ như thế, đã đẩy giọng hát Thái Thanh trở nên
"vượt thời gian" cũng là điều không quá khó để hiểu.
Nhiều nhà
báo đã từng viết: "Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền
định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay "tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng
hát "long lanh đáy nước" trong thơ Nguyễn Du, "lơ lửng trời xanh
ngắt" trong Vòm thu Yên ổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang
(Huy Cận), hay "đẫm sương trăng, ngừng lưng trời" trong không gian
Xuân Diệu, tiếng hát "cao như thông vút, buồn như liễu" đến từ cõi
thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ".
Sức mạnh của
thơ là ngôn từ, nhưng một Thái Thanh đã khiến thanh âm cũng gợi tưởng về những
con chữ đang trải dài trước mặt người đang nhắm mắt để lặng nghe. Nên người ta
ưu ái Thái Thanh, ví hình ảnh bà đang hát như ca nhi đứng giữa một bầu trời
thơ. Nhạc sĩ có thể là một thi nhân với những ca từ diễm lệ, nhưng hiếm có ca
sĩ nào nắm được nghệ thuật truyền cảm để chính bài hát trở thành một bài thơ
không chỉ lay động lòng người bằng sức mạnh của ngôn từ, của thị giác và cảm tưởng
mà mạnh mẽ hơn là bằng thứ thanh âm sẵn sàng vọng động đến tận đáy tâm hồn...,
Thái Thanh đã làm được. Và giọng ca Thái Thanh đối với một thế hệ luôn là người
"chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ".
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.