Bà Mậu thoải mái ngồi đợi ở phi trường LAX, bà biết rằng 1 tiếng đồng hồ nữa, khi hết giờ ở phòng mạch thì con trai bà mới đến đón.
Hai vợ chồng nó đều là bác sĩ, đều bận rộn nên sự chờ đợi vẫn là đặc ân và hãnh
diện đối với bà.
Khi bà Mậu sửa soạn hành lý đi California bà đã gởi gấm bà Diệu, hàng xóm cũng
là bà bạn thân ở bên cạnh để ý trông nom nhà cửa giùm.
Bà Diệu đã vui vẻ nhận lời và nói:
– Mẹ bác sĩ sướng thật, mỗi lần đến thăm con tha hồ mà khai bệnh cho con nó tận
tình khám chữa. Con giỏi giang cha mẹ được nhờ.
Bà Diệu luôn gọi bà bằng cái tên dài “Mẹ bác sĩ ” vừa thân mật vừa nể nang. Bà
Mậu thích thú nhưng vẫn khiêm nhường:
– Vậy chớ thằng nhỏ cũng còn khờ lắm chị à…
Bà Diệu dặn dò:
– Mẹ bác sĩ nhớ hỏi nó giùm tôi sao mấy tuần nay mắt trái tôi bị một chấm đen
hiện ra nhé, không biết có nguy hiểm gì không?
– Chị thiệt lo xa, đằng nào cũng sắp đi khám bác sĩ mắt rồi mà.
– Biết rồi, nhưng 2 tuần sau mới đến hẹn, tôi nóng ruột quá, bà cứ hỏi giúp tôi.
– Tui nhớ chứ, tui sẽ hỏi nó và gọi phone cho chị hay liền…
Con gái bà Mậu đã đến chở mẹ ra phi trường.
Bà Mậu có 2 đứa con, thằng Thông là bác sĩ lấy vợ cùng nghề, sống ở California,
cô Minh em gái thì học business và lấy chồng Mỹ, hiện sống cùng tiểu bang New
Jersey, cùng thành phố với mẹ, cách nơi ở của mẹ không xa.
Ông Mậu mất cách đây 2 năm, nên chỉ còn mình bà sống trong căn phòng của
apartment mà hai vợ chồng đã sống bấy lâu nay.
Bà Mậu ngồi ngắm nhìn thiên hạ xung quanh nhưng cũng không quên để mắt xem có
bóng dáng con mình không, khi vừa thấy Thông đi tới là bà mừng rỡ đứng dậy kêu
lên:
– Má nè con…
Gương mặt Thông không lộ vui mừng như bà mẹ, vừa kéo va ly cho mẹ vừa hối hả
đi, làm bà Mậu chỉ biết hấp tấp bước nhanh theo cho kịp với con.
– Má à, má đến chơi vào thời điểm này vợ chồng con rất bận.
– Ừa, má biết lúc nào vợ chồng con cũng bận, má không làm gì phiền con đâu, má
chỉ đến chơi, nhìn thấy mặt con và 2 đứa cháu nội là má thấy đủ vui rồi.
Khi ngồi vào chiếc xe sang đẹp của con trai, bà Mậu cũng cảm thấy chút khép nép
như đang đi nhờ xe ai đó, bà cất tiếng hỏi phá tan sự im lặng:
– Vợ con khỏe không? Hai cháu nội má chắc lớn dữ ha?
– Cả nhà đều bình thường.
Chắc thấy mình trả lời cộc lốc nên Thông dịu giọng lại:
– Hàng tháng con gởi má 500 đồng có đủ không? Má cần thêm thì cứ nói con biết…
– Không sao, má còn lãnh tiền quả phụ của ba con mà, con Minh cũng cho má tiền,
má còn dư chút đỉnh nữa nè, ráng hai năm nữa má đủ tuổi lãnh tiền già là khỏe
re, con khỏi phải gởi tiền cho má nữa.
Xe về tới khu nhà của Thông, phải qua một cổng security mới vào trong, nơi có
những ngôi nhà đẹp đắt tiền.
Cô Nguyệt con dâu bà Mậu đang đứng làm bếp chỉ chào “Hi, má” rồi tiếp tục công
việc của mình.
Bà Mậu mang va ly vào một phòng trống, nơi mỗi lần đến bà thường ở, thay vội quần
áo bà ra phòng khách tìm hai đứa cháu nội, ôm thằng Peter một cái, ôm con bé
Sophia một cái, rồi bà ra chỗ bếp với con dâu:
– Con để đó má mần phụ cho…
Cô con dâu từ chối:
– Món này má không làm được đâu…
Con dâu bà luôn không cần sự giúp đỡ của bà, không phải vì cô tôn trọng bà như
1 người khách, mà cô muốn tạo ra một khoảng cách.
Bà Mậu đã từng cảm thấy mình xa lạ và vô dụng khi đến nhà con trai mình.
Bà lại ra phòng khách chơi với cháu, cũng may còn 2 đứa trẻ ngây thơ, có người
ôm ấp và chơi với chúng thì chúng vui thích lắm. Con bé Sophia 4 tuổi, giống mẹ
và đẹp gái như mẹ. Thằng Peter năm nay 6 tuổi, thì giống y hệt cha nó nên bà Mậu
vẫn gọi thầm nó là “thằng cu Đen” như cái tên ngày xưa vợ chồng bà hay gọi
Thông, cũng đôi mắt một mí duyên dáng, cũng nụ cười đẹp, cũng dáng người cao
ráo, chỉ khác là làn da nó không bị ảnh hưởng khí hậu và mùi biển mặn mà ngăm
ngăm như cha nó ngày xưa.
Bà thương hai đứa cháu, bà nhớ thằng con trai, bây giờ nó là một bác sĩ có
phòng mạch đông khách và nổi tiếng chẳng những trong cộng đồng người Việt mà cả
với người bản xứ.
Bà không được gần gũi con trai cả về thực tế lẫn tình cảm, thì còn cháu bà, nhất
là thằng Peter, mỗi lần bế cháu bà đã tìm lại cái cảm xúc hạnh phúc yêu thương
như ngày xưa bế thằng Thông, thằng cu Đen vậy.
Vợ chồng bà Mậu là ngư dân nghèo vùng biển Phước Tỉnh, Vũng Tàu, ông Mậu lái
ghe đánh cá mướn cho người ta, cái nghề cha truyền con nối.
Gia đình ông cũng nghèo cha truyền con nối, từ trước 1975, đến sau 1975 càng
nghèo khó hơn.
Năm 1987 có người móc nối nhờ ông làm tài công cho một chiếc ghe vượt biên, cái
gía họ trả công là vợ con ông được đi theo.
Bà Mậu và thằng Thông, con Minh cùng lên 1 chuyến “taxi”, chờ ghe lớn tới bốc
đi, nhưng khi chiếc “taxi” chở bà Mậu cặp sát được ghe lớn, bà vừa đưa được 2
con xuống ghe lớn thì bể chuyện, ghe của công an đang đi tới, nên chiếc “taxi”
phải vội vàng bỏ chạy, mang theo một số người chưa kịp lên ghe lớn, trong đó có
bà Mậu.
Ghe lớn do ông Mậu lái đã thoát được ra khơi, còn những “taxi” đều bị bắt hết
và người thì bị tù giam.
Những ngày đầu tiên ở trong tù bà Mậu như phát khùng vì lo lắng cho số phận chồng
con, được tin chiếc ghe lớn đi trót lọt ra khơi, ra hải phận quốc tế, lòng bà
càng thêm lo âu hơn là mừng rỡ. Ghe chồng con bà có vượt qua được sóng gió tới
bến bờ bình an không? hai đứa nhỏ sẽ ra sao khi không có mẹ bên cạnh? Bà thầm
trách số phận, trách chồng thà cứ bình yên ở nhà làm nghề cá no đói mà có nhau,
còn hơn là ra đi thập tử nhứt sinh, hay ly tán như thế này.
Những ngày ngồi trong tù là những ngày bà khóc ròng, đau đớn, buồn bã vì nhớ
con, nhớ chồng…
Ông Mậu đến đảo Mã Lai báo tin về, lòng bà Mậu cũng nguôi ngoai và vui mừng hy
vọng đợi chờ ngày đoàn tụ với chồng con.
Nhưng ông chồng bà bao năm trong nghề đánh cá, cá mắc vào lưới của ông thì bây
giờ trời quả báo sao đó, ông mắc vào lưới tình với một bà bỏ chồng đi vượt biên
tìm tự do, tìm hạnh phúc.
Hai người tằng tịu với nhau từ trên đảo Mã Lai, qua Mỹ họ tiếp tục chung sống
ăn ở như vợ chồng nên ông Mậu cứ tìm cách thoái thác chưa chịu bảo lãnh vợ, cho
đến khi ông bị bà kia bạc tình, phản bội, bỏ ông đi theo người đàn ông khác khá
giả hơn ông, thì ông Mậu mới tỉnh cơn mê, lo giấy tờ cho vợ sang sum họp gia
đình.
Bà Mậu sau đó biết chuyện này đã không oán trách chồng mà còn chất phác tuyên bố
với người quen biết:
– Thiệt cám ơn chị ta hết sức, thời gian đầu ở Mỹ cuộc sống khó khăn chị đã
chăm sóc an ủi ông Mậu, sau đó chị ra đi trả ông Mậu lại cho mẹ con tui. *
Bà Mậu sang Mỹ năm 1993. Khi đó thằng Thông đã 16 tuổi và con bé Minh 14 tuổi,
bà nhà quê, ít học, chữ Việt Nam viết không rành, nói chi đến học ăn học nói tiếng
Mỹ mà đi làm, nên chỉ ở nhà lo chuyện nội trợ, cơm nước, chăm lo cho chồng con…
Buổi chiều thứ Bảy vợ chồng Thông đều nhận khám ít bệnh nhân, phòng mạch đóng cửa
sớm, để gia đình quây quần bên nhau. Họ thích ra biển để thư giãn sau một tuần
lễ căng thẳng bù đầu vì công việc.
Bà Mậu cũng được dịp đi biển với con cháu, bà sửa soạn mặc quần áo cho Peter,
cho Sophia, lấy những chiếc mũ, chiếc khăn tắm hay đôi giày đôi dép cho cháu…
những thứ mà cô con dâu không thể ba đầu sáu tay làm hết được, dù cô khinh khỉnh
không muốn bà mẹ chồng đụng tay vào chuyện nhà của cô.
California có nhiều bãi biển tắm, ngày nào mà chẳng đông người, vì đất
California là nơi du lịch, ngày cuối tuần thì càng đông hơn.
Bà Mậu lăng xăng bên hai cháu nội. Bà âu yếm nhìn thằng Peter cởi trần vui đùa
trên mép biển, mỗi khi cơn sóng nhào tới thằng bé lại vội vàng chạy lên bờ, có
khi nó ôm chầm lấy bà tìm sự che chở và cười vang vì vui thích, nó nhút nhát
không dám ra xa hơn, cứ trò chơi ấy mà không biết ngán.
Chẳng bù cho cha nó, thằng Thông ngày xưa, ngay từ lúc 3-4 tuổi đã dạn dĩ, quen
với sóng với gió rồi. Những khi theo mẹ ra biển đón ghe cha về bến, nó dám lội
ra xa khi thấy bóng cha trên chiếc ghe đang lửng lơ thả trôi vào bờ, để cha sẽ
nhảy ra ẵm nó lên, công kênh nó lên vai mặc cho sóng biển xô tới phủ kín mặt
mũi hai cha con.
Vợ chồng bà âu yếm gọi Thông là “Thằng Cu Đen” vì thằng bé được sinh ra nơi miền
biển, nó được nuôi lớn bằng cá tôm từ biển, và được nếm bao lần mùi biển mặn,
mùi gió chướng, mùi gió mùa, cái thứ gió chở đầy mùi tanh của biển cả ngay trước
mặt hay dù từ chân trời, góc biển nào thổi về. Tất cả những thứ đó đã thấm vào
thằng Thông, làn da nó xạm lại, rắn rỏi và khỏe mạnh, đúng là con nhà nòi ngư
dân.
Ông Mậu thường khề khà bên chén rượu và hãnh diện nói với vợ:
– Thằng cu Đen lớn lên sẽ là tay đi biển giỏi như tui cho bà xem.
Nhưng ông đã đoán lầm, thời vận đã đẩy đưa cuộc đời gia đình ông sang hướng
khác, thằng cu Đen đẹp trai cao ráo của ông không là anh ngư dân giỏi, mà trở
thành một bác sĩ giỏi sống ở Mỹ, cái điều mà cả tổ tiên nhà ông, cho đến đời
ông, chưa ai dám mơ tới.
Cả nhà còn đang ngủ muộn vì chiều qua chơi biển thật lâu và vui, sau khi ăn uống
nhà hàng cho đến tối khuya mới về đến nhà.
Bà Mậu thức dậy trước đang dọn dẹp lau chùi chỗ bếp thì con trai đã đến bên cạnh:
– Má khỏi phải làm ba cái việc này, mỗi tuần vợ con đều thuê người đến dọn dẹp
nhà cửa rồi.
– Không sao, má rảnh thì làm cho sạch, trong khi người ta chưa đến có sao đâu
con…
Giọng Thông có vẻ ái ngại khi hỏi:
– Má có cần mua thêm quần áo gì không? Lát nữa con nói vợ con đưa má đi mua…
Bà Mậu ngạc nhiên:
– Chi vậy con? Khi không má mua quần áo làm gì chớ, đồ má mặc cả đời không hết…
– Chiều nay là buổi tiệc mừng sinh nhật bà mẹ vợ của con ở nhà hàng, mời nhiều
khách khứa, cả nhà mình sẽ tham dự… chỗ đông người má cũng nên tươm tất một
chút.
– À, má hiểu rồi…
Bà Mậu khựng lại rồi tiếp:
– Má có đem theo đồ đàng hoàng mà con, quần Tây và chiếc áo có bông thiệt bự, cổ
nhún tai bèo nè, chiếc áo sơ mi màu đọt chuối nè, bắt mắt lắm, người bạn mua về
từ Việt Nam giùm má đó. Má ưng hết sức.
Thông bỏ đi, còn lại một mình bà Mậu tự nhiên thấy lòng xốn xang buồn.
Ôi, phải chi nó cứ mãi là thằng cu Đen bé bỏng đi đâu cũng níu áo mẹ, túm áo
cha, dù là những chiếc áo cũ, chiếc áo rách sờn vai.
Mà thôi, bà đã quen với những điều này rồi, con bà là một bác sĩ tài ba thành đạt
thì nó phải cao sang với đời chứ, chẳng lẽ bà muốn nó là một anh ngư dân nghèo
khổ như bà hồi ở Việt Nam để mẹ con thông cảm, gần gũi với nhau sao!
Gia đình bên vợ của Thông rất danh giá, họ xuất thân giàu có từ trong trứng nước,
hai ông bà sui gia đều là bác sĩ từ thời còn ở Việt Nam, anh em, con cháu, dâu,
rể của họ cũng toàn là bác sĩ, nha sĩ, có lần bà nghe Thông hãnh diện kể về nhà
vợ, tổng số bác sĩ và nha sĩ trong đại gia đình cha mẹ vợ lên đến hơn 20 người.
Nghề nghiệp y khoa của họ cũng cha truyền con nối như nghề đánh cá đi biển nhà
bà.
Nếu Thông không là bác sĩ thì khoảng cách giữa Thông và gia đình vợ là một trời
một vực Bà Mậu vẫn hãnh diện khi kể cho bạn bè, người quen về bên sui gia danh
giá của mình.
Buổi chiều trong khi vợ chồng Thông sửa soạn quần áo để đi dự tiệc thì bà Mậu
than là bị đau bụng, bà hỏi xin con thuốc để uống và nằm đắp mền nghỉ ngơi.
Thông hỏi mẹ:
– Má thích ăn gì thì con sẽ mua về cho má?
Bà Mậu rên khe khẽ:
– Má đau bụng quá trời ăn gì nổi, mà nếu tối đói bụng thì có nhiều đồ trong tủ
lạnh rồi.
Thế là bà không thể đi đến nhà hàng dự tiệc sinh nhật bà sui gia được.
Nhưng khi cả nhà Thông lên xe đi khỏi thì bà Mậu tung mền ra, nhà cửa vắng tanh
chẳng có chuyện gì làm, bà bỗng nhớ đến một bà bạn cũng ở gần đây, là đồng
hương Phước Tỉnh của bà, thuở đó hai bà nhà ở gần nhau, cùng nghèo khổ như
nhau, cùng chia sẻ bao nỗi vất vả, bao nỗi buồn lo chồng chất của cuộc sống nơi
miền biển, nơi chôn nhau cắt rốn của họ.
Lần nào đến California bà Mậu chẳng ghé thăm bà Chung, nhân dịp trống trải này
thì gặp bạn luôn.
Bà Chung cũng góa chồng, lớn hơn bà Mậu mấy tuổi nhưng lanh lợi hơn nhiều, qua
Mỹ bà nhanh chóng hội nhập vào đời sống mới. Bà sống ở apartment diện housing,
tiền nhà hầu hết do chính phủ trợ cấp, mấy con bà sống gần đó, nên bà vẫn chạy
qua chạy lại phụ giúp con cháu khi cần, mà vẫn giữ được cuộc sống tự lập không
lệ thuộc con cái là bao.
Bà Mậu mở cuốn sổ tay tìm số phone và gọi bạn, bà Chung nói sẽ lái xe đến đón
bà Mậu đi chơi. Bà Mậu hẹn bà Chung ở ngoài cổng khu nhà.
Bà Chung đưa bà Mậu đi vòng quanh thăm mấy chợ Việt Nam, vì sống ở tiểu bang New
Jersey đâu có nhiều chợ, nhiều hàng quán Việt Nam như khu Bolsa này.
Rồi bà ghé vào một khu shopping rộng lớn, lái xe đến trước cửa một nhà hàng,
bãi đậu xe đã đông, nên bà Chung đang tìm cách len lách vào, trong khi bà Mậu
tò mò nhìn ngó xung quanh.
Bà Mậu bỗng giật mình khi nhìn thấy gia đình Thông đang sánh vai cùng bố mẹ vợ
bước vào một nhà hàng, hai đứa cháu nội của bà đang tíu tít bên ông bà ngoại của
chúng. Họ thật là những khách hàng lịch sự, sang trọng trong bữa tiệc sinh nhật
chiều nay
Bà Mậu vội quay ra hốt hoảng hỏi bạn:
– Chị tính vào nhà hàng này hả?
Bà Chung khoe:
– Ừ, nhà hàng này có nhiều món ngon lắm, nhưng hôm nay chắc có người đặt tiệc
nên đông quá, tôi chưa tìm ra chỗ đậu xe…
– Thôi, thôi, thôi… đi chỗ khác, tôi không thích ăn nhà hàng đâu.
– Làm gì mà chị phản đối liên hồi như tôi sắp đưa chị vào hang hùm, ổ rắn vậy? Ở
Mỹ mà, tiền già của tôi cũng dư sức bao chị vô bất kể nhà hàng nào. Chị thích
đi ăn ở đâu, tôi sẽ đãi chị?
– Ra Phước Lộc Thọ đi, ở đó cũng ngon rồi.
Bà Chung cụt hứng trách bạn:
– Tưởng gì, lần nào đến Cali chị cũng đòi ra ăn hàng ở Phước Lộc Thọ, lúc nào
cũng nhà quê in như hồi còn ở Phước Tỉnh với ba con cá con tôm vậy đó…
Bà Mậu chống chế:
– Tui theo con đi ăn nhà hàng nhiều lần rồi, lạ gì đâu, ra chỗ Phước Lộc Thọ, vừa
ăn vừa ngắm nhìn ông đi qua bà đi lại cho vui, có khi lại gặp được người quen.
May quá, bà Chung đã mải lo tìm chỗ đậu xe trước nhà hàng nên không trông thấy
những gì bà Mậu đã thấy. Nếu không, bà không biết giải thích làm sao với bà bạn
thân này.
Đến khu Phước Lộc Thọ, hai bà ghé vào một tiệm, tiệm không đông khách, bàn ghế
thênh thang nên bà Mậu tha hồ ngồi một ghế, gác chân lên một ghế, đủng đỉnh ngắt
từng cọng rau răm xanh tươi ăn với hột vịt lộn hiệu Long An nóng hổi rắc muối
tiêu ngon lành.
Rồi mỗi bà ăn một dĩa bánh bèo, một ly chè là vừa no bụng vừa ngon miệng…
Cách hai bà là một bàn khách đang ăn gỏi đu đủ bò khô, uống cà phê sữa đá, vui
vẻ nhộn nhịp cứ như đang ở Việt Nam.
Thật thú vị và thoải mái khi đi với bà Chung, bà Mậu không phải e dè như khi đi
với cô con dâu cao sang của bà. Bà từng theo vợ chồng Thông đi ăn nhà hàng coi
bộ sang trọng lắm mà chưa cho bà cảm giác như thế này.
Bà Chung kể:
– Con trai và con dâu chị ăn nên làm ra tại Cali này đó. Chồng bác sĩ nhãn
khoa, vợ bác sĩ phụ khoa, toàn là nghề hốt bạc.
Bà Mậu sung sướng:
– Tui thiệt hãnh diện vì tụi nó đó chị Chung à…
Bà hãnh diện thật, khoe thêm:
– Hai ông bà sui gia cũng bác sĩ luôn. Chèng ơi, sao mà họ giỏi dữ vậy không biết!
Bà Chung gật gù:
– Tui phát ganh với chị đó, được là mẹ bác sĩ.
Thật thế, bác sĩ vẫn là nghề cao siêu đối với bà Mậu từ đời tám hoánh nào rồi.
Ngày xưa ở Việt Nam đâu có tiền mà mỗi chút mỗi gặp bác sĩ, mỗi lần ốm đau bất
kể nhức đầu, đau bụng hay bịnh gì đi chăng nữa cứ… đè nhau ra cạo gió, xông
hơi, cực chẳng đã bịnh không hết mới đi khám bác sĩ.
Sau 1975 càng tồi tệ hơn nữa, bác sĩ là cấp cao không thèm đếm xỉa tới bịnh
nhân, thậm chí bịnh nhân lo lắng hỏi han cũng chẳng được bác sĩ mở miệng trả lời
trả vốn cho mấy chữ, nội mấy cô y tá phường xã cũng đủ uy quyền gắt gỏng, nạt nộ
những bịnh nhân vừa nghèo vừa dốt như bà.
Vậy mà bây giờ con trai bà là bác sĩ, có lần bà đến phòng khám của Thông để
khám mắt, nhìn cơ ngơi của con với những dụng cụ, máy móc soi mắt tinh vi, nhìn
mấy cô nhân viên vừa là Việt Nam vừa là người Mỹ răm rắp và nghiêm chỉnh làm việc
cho bác sĩ và Thông nói tiếng Mỹ vèo vèo với nhân viên, bà Mậu càng tự hào và nể
phục con trai mình.
Đến thăm phòng mạch của con dâu bà cũng cảm giác nể phục như thế. Cho nên bà vẫn
tự hào, tự an ủi mình là chiều chuộng con, nhường nhịn con, thua thiệt con cũng
xứng đáng lắm.
Bà Mậu thật thà nói với bà Chung:
– Tui cũng không ngờ con trai mình là bác sĩ, qua Mỹ chỉ cầu nó lớn lên đi mần
việc công nhân, thoát khỏi nghề đi biển cực nhọc như cha ông nó ở Việt Nam là
tui mừng rồi.
Hai bà ăn uống chuyện trò đủ thứ xong, bà Chung chở bà Mậu trả về nhà. Vợ chồng Thông vẫn chưa về, bà Mậu lại thơ thẩn một mình trong căn nhà vắng.
Bà nào có đau bụng đau bão gì, chẳng qua bà nói thế để không đi dự đám tiệc sinh
nhật bà sui, điều mà bà cảm thấy con trai cũng như con dâu bà không hề mong muốn
bà có mặt, mà thật ra chính bà cũng thấy ngại ngùng giữa đám người giàu sang có
học thức cao ấy. Tới đó bà biết ăn nói làm sao cho xứng với họ?
Số bà không may, chồng chết trước, lại không được gần gũi con cháu. Xưa có lần
bà coi tử vi ông thày đã nói số bà “canh cô mồ quả” thui thủi một mình, thật không
sai.
Hai đứa con qua Mỹ từ nhỏ, cách sống và cách suy nghĩ của chúng như người Mỹ.
Con Minh lấy chồng Mỹ càng Mỹ hóa hơn, bà Mậu không thể đến nhà con gái thường
xuyên chứ đừng nói chuyện dọn vào ở chung, dù bà đã từng mong muốn kể từ khi
ông Mậu từ trần.
Mỗi lần đến nhà con gái, gặp con rể bà Mậu chỉ chào được một chữ “Hi.” rồi
thôi, rồi bà cười trừ thay cho lời nói mỗi khi đối diện với thằng rể Mỹ, mà con
rể cũng không mấy thân thiện với bà mẹ vợ, anh ta không muốn “người lạ” ở lâu
trong nhà, dù người ấy là bà mẹ vợ.
Nó đã hỏi vợ nó:
– Tại sao mỗi lần mẹ em nhìn anh bà lại cười? Anh có cái gì khôi hài lắm sao???
Con Minh phải giải thích:
– Mẹ em cười là thân thiện với anh đó, vì mẹ không thể nói chuyện với anh.
Vợ chồng con gái vẫn thỉnh thoảng ghé đến apartment thăm bà, mỗi dịp lễ Mẹ, Lễ
Tạ Ơn, Giáng Sinh và Năm Mới họ đều tặng bà quà, và bà phải hiểu rằng bà cũng
chỉ được đến nhà thăm họ như khách thế thôi.
Chỉ khi nào con rể đi công tác xa nhà mấy hôm thì bà Mậu mới cảm thấy tự do thoải
mái khi đến thăm con gái và cháu ngoại, bà được ngủ lại nhà con gái. Đó là những
ngày bà sung sướng hạnh phúc mà không món quà tặng nào sánh nổi.
Thỉnh thoảng không thể đến thăm cháu ngoại, bà Mậu lại sốt ruột gọi phone cho
con gái và thật thà hỏi:
– Chồng con sắp đi công tác chưa? Má trông nó đi quá trời nè…
Hoặc bà hỏi kỹ hơn:
– Chuyến này nó đi công tác mấy ngày, hả?
Chẳng ai như bà, cứ mong con rể thường xuyên đi công tác mà không sợ con gái buồn,
miễn là bà được thảnh thơi đến nhà nó.
Còn về vợ chồng con trai bác sĩ của bà cũng chẳng khác vợ chồng con gái bà là
bao, cả hai đều giữ khoảng cách với bà. Dù họ không tìm được người giúp việc, mấy
lần bà Mậu ngỏ ý về ở chung để trông cháu và lo cơm nước cho hai vợ chồng,
nhưng Thông đều từ chối với lý do:
– Má là má con làm sao con có thể để má làm như người giúp việc được.
Con trai bà cũng có lý của nó, nhưng bà mẹ nào chẳng muốn đỡ đần cho con cho
cháu? Đối với bà được chăm lo cho con cháu là niềm vui, bà tha thiết muốn được
làm điều đó mà con không chịu thì bà đành phải tiếp tục sống một mình, càng rảnh
rang bà càng buồn vì nhớ cháu.
Cả cháu nội, cháu ngoại đều xa quá tầm tay của bà. Nhưng bất cứ ai hỏi đến chuyện
này thì bà Mậu đều hớn hở trả lời và giải thích luôn:
– Thằng con trai bác sĩ của tui, hai vợ chồng nó giàu có, lại có cha mẹ vợ ở gần,
đâu cần tui giúp đỡ gì nữa, thỉnh thoảng tui đến thăm là chúng nó mừng vui rồi,
tui ở gần con gái để chạy qua chạy lại thăm cháu ngoại, tụi Mỹ đâu thích mẹ vợ ở
chung, nhà ai nấy ở cho thoải mái, chớ thằng rể Mỹ cũng biết điều với tui lắm.
Bà Mậu ngồi suy nghĩ lan man và ngóng ra cửa chờ đợi vợ chồng Thông về. Bà nhớ
hai cháu, chỉ mong có chúng nó để bà chơi đùa với chúng và âu yếm chúng.
Lòng bà rộn ràng chờ đợi, bà chẳng dại gì tự ái để mất con mất cháu, máu mủ ruột
thịt của mình mà. Bà đánh đổi tất cả sự lạnh nhạt của vợ chồng Thông để được đến
gần họ.
Nguyễn Thị Thanh Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.