Trang

30/06/2024

Nguyên nhân bệnh rối loạn hoảng sợ

   Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh rối loạn hoảng sợ nhưng các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa các vùng ở não bộ với cơn sợ hãi, lo âu. Các chất dẫn truyền thần kinh (serotonin và epinephrine) có thể đóng góp vào nguyên nhân của bệnh.

Các cơn hoảng sợ có thể khởi phát đột ngột và không có cảnh báo, nhưng theo thời gian chúng thường được kích hoạt bởi một tình huống cụ thể. Một số yếu tố có thể đóng vai trò kích thích bao gồm:

•       Di truyền học

•       Căng thẳng, nhạy cảm với căng thẳng hoặc dễ bị cảm xúc tiêu cực

•       Một số thay đổi trong cách hoạt động của các bộ phận chức năng não

•       Caffeine, nicotine và các chất khác có thể làm tăng cơn hoảng loạn

•       Các thuốc như steroid, ống xịt thuốc dùng cho bệnh hô hấp, thuốc tuyến giáp, thuốc giảm cân, thuốc dị ứng, ho và cảm lạnh cũng có thể góp phần gây ra bệnh

Triệu chứng bệnh rối loạn hoảng sợ

Những triệu chứng của bệnh rối loạn hoảng sợ bao gồm:

•       Nhịp tim và huyết áp tăng

•       Đau ngực và dạ dày

•       Chóng mặt, thở gấp, khó thở hoặc yếu người

•       Toát mồ hôi lạnh

•       Cảm giác lo lắng, tuyệt vọng và suy nghĩ tới các vấn đề xấu xảy ra

•       Cảm giác sắp xảy ra nguy hiểm, sợ mất kiểm soát hoặc tử vong

•       Bồn chồn, đứng ngồi không yên, nói rất nhanh

•       Có thói quen như gỡ ngón tay hoặc ngón chân, siết chặt tay

Đối tượng nguy cơ bệnh rối loạn hoảng sợ

•       Rối loạn hoảng sợ thường gặp ở lứa tuổi thiếu niên, nhưng phổ biến ở lứa tuổi 18- 19 và tỷ lệ nữ giới bị bệnh cao hơn nam giới

•       Người phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống

Người có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn hoảng sợ như:

•       Trải qua những đau buồn trong cuộc sống (mất người thân, người yêu,…)

•       Bị tổn thương tâm lý trầm trọng trong quá khứ như bị lạm dụng tình dục, thân thể hoặc bị tai nạn nghiêm trọng

•       Có những biến cố lớn trong đời như ly hôn hoặc trầm cảm sau sinh

•       Nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng caffeine

•       Tiền sử gia đình có người bị cơn hoảng loạn hoặc mắc chứng rối loạn hoảng sợ

Phòng ngừa bệnh rối loạn hoảng sợ

Để phòng ngừa bệnh rối loạn hoảng sợ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

•       Ngủ đủ giấc, tập thể dục hàng ngày và xây dựng chế độ ăn uống điều độ

•       Cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc sống

•       Học thiền, xoa bóp, yoga, thái cực quyền và các bài tập làm giảm stress

•       Cần tới ngay các cơ sở y tế nếu gặp phải cơn hoảng loạn thường xuyên hoặc có tác dụng phụ từ thuốc, bị trầm cảm hoặc có ý định tự tử

Các biện pháp chẩn đoán bệnh rối loạn hoảng sợ

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh rối loạn hoảng sợ theo Hội Tâm thần học Mỹ (DSM IV) là có ít nhất 4/13 triệu chứng trong các triệu chứng sau:

•       Mạch nhanh, đánh trống ngực

•       Ra nhiều mồ hôi

•       Run tay, run chân

•       Cảm giác nghẹt thở

•       Cảm giác thở nông

•       Đau hoặc khó chịu ở ngực

•       Buồn nôn hoặc đau bụng

•       Cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng

•       Giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách

•       Sợ mất kiểm soát và phát điên

•       Sợ chết

•       Cảm giác chết lặng

•       Lạnh cóng hoặc nóng bừng

Các biện pháp điều trị bệnh rối loạn hoảng sợ

Tất cả bệnh nhân mắc rối loạn hoảng sợ đều nên giảm stress bằng cách theo đổi các sở thích cá nhân hoặc tham gia các hoạt động thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh.

Có nhiều phương pháp điều trị kết hợp có thể làm giảm hoặc mất chứng rối loạn hoảng sợ như:

•       Liệu pháp hành vi như phương pháp phản hồi sinh học

•       Bệnh nhân học cách thay đổi sức cơ hoặc sóng não bằng cách kiểm soát hơi thở

•       Phương pháp khác như thư giãn cơ tăng dần, tưởng tượng, thiền hoặc thôi miên. Các thuốc an thần cũng được cân nhắc chỉ định nhưng có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ hoặc nghiện thuốc. Người có tiền sử sử dụng các chất kích thích không nên cho dùng các thuốc này.

Sưu tầm  

29/06/2024

Bị bệnh gì thì nên hạn chế uống cà phê?

Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với tách cà phê. Thói quen này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc.

Cụ thể, caffeine có thể ngăn chặn sự hấp thu của một số loại thuốc hoặc có thể làm tăng tác dụng của chúng. Vì vậy, cần phải hỏi bác sĩ xem bạn có cần lưu ý gì về việc uống cà phê khi dùng loại thuốc cụ thể nào đó.

Các loại thuốc nên tránh dùng cùng với cà phê

Một số loại thuốc nếu uống gần giờ uống cà phê có thể gây bồn chồn và khó ngủ.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe từ lâu đã khẳng định một số loại thuốc có thể tương tác tiêu cực với cà phê. Đó là thuốc điều trị trào ngược axit, thuốc điều trị tăng động giảm chú ý (ADHD), thuốc điều trị suy tim, huyết áp cao, thuốc tuyến giáp...

Theo nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí khoa học BioMed Research International, caffeine có thể cản trở quá trình hấp thu, phân phối, chuyển hóa và bài tiết của nhiều loại thuốc khác nhau.

Ngoài ra, một số loại thuốc cảm và dị ứng, như thuốc trị nghẹt mũi, có chứa chất kích thích giúp tỉnh táo. Uống chúng gần giờ uống cà phê có thể gây bồn chồn và khó ngủ. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc trị cảm và dị ứng đều gây ra vấn đề khi kết hợp với cà phê. Để chắc chắn, hãy hỏi bác sĩ xem thuốc có "kỵ" với cà phê không. Nếu không, nên dùng cách bao lâu thì an toàn.

Đang bị bệnh có nên uống cà phê?

Người bị cảm lạnh hoặc dị ứng, nếu uống cà phê, có thể gặp các vấn đề như mất nước, thiếu ngủ và đau bụng. (Ảnh minh họa: Pexels).

Người bệnh cần phải giữ đủ nước để chống lại nhiễm trùng. Nhưng uống nhiều cà phê có thể có tác dụng lợi tiểu gây ra tình trạng mất nước.

Cảm cúm đôi khi cũng gây ra một số vấn đề về tiêu hóa, uống cà phê có thể gây khó chịu hơn, đặc biệt nếu đường ruột nhạy cảm với caffeine.

Tiến sĩ Daniel Monti, Trưởng khoa Khoa học Dinh dưỡng và y học tích hợp tại Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson (Mỹ), giải thích: "Đối với người bệnh nặng, bù nước là rất quan trọng, vì vậy cần phải cẩn thận hơn về việc uống cà phê".

Ngoài ra, người bệnh cần nghỉ ngơi, nhưng cà phê lại gây tỉnh táo, vì vậy cũng nên cân nhắc khi uống.

Cuối cùng, để hồi phục sau cơn bệnh, cần ăn thực phẩm bổ dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và dùng đúng loại thuốc. Nếu tiêu thụ caffeine gây cản trở điều nào kể trên, bạn nên ngừng uống cà phê, theo Health Digest.

Sưu tầm

 

 

28/06/2024

Giận dữ gây hại cho sức khỏe mạch máu

 Bạn có bao giờ cảm thấy như thể cơn giận dữ đang chảy trong huyết quản của mình không? Theo nghiên cứu vừa được công bố, điều này là có thật.

Sự tức giận gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mạch máu - Ảnh: Discover Magazine

Theo CNN, một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy những cơn giận dữ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mạch máu.

Mối liên hệ giữa giận dữ và sức khỏe

Trong thử nghiệm ngẫu nhiên, 280 người tham gia được giao nhiệm vụ nhớ lại cảm giác tức giận, buồn bã, lo lắng hoặc trung lập trong 8 phút. Trước và vài lần sau khi thực hiện nhiệm vụ, các nhà nghiên cứu đã đo sức khỏe mạch máu của từng người.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Daichi Shimbo, giáo sư y khoa tại khoa tim mạch Đại học Columbia (Mỹ), chia sẻ: "Trước đây đã có một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa cảm giác tức giận, lo lắng và buồn bã với nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai".

Ông Shimbo cho biết so với cảm giác trung lập, khi người tham gia nghiên cứu nhớ nhớ lại cảm giác buồn bã và lo lắng, họ không thể hiện sự thay đổi đáng kể trên thang đo. Tuy nhiên, sự tức giận thì có.

"Có vẻ như những tác động bất lợi của sự tức giận lên sức khỏe và bệnh tật là do những tác động mà nó gây ra cho sức khỏe mạch máu", ông giải thích.

Tiến sĩ Joe Ebinger, phó giáo sư tim mạch và giám đốc phân tích lâm sàng của Viện Tim Smidt ở thành phố Los Angeles, nói thêm mặc dù không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa cảm xúc và tác động lên tim mạch, nghiên cứu này đã lý giải rõ hơn về cách thức hoạt động của mối liên hệ.

"Nghiên cứu đã thực sự chỉ ra những thay đổi trong mạch máu, xảy ra một cách sâu sắc để đáp ứng với những cảm xúc mà chúng ta đang cảm nhận", ông chia sẻ.

Tức giận ảnh hưởng thế nào đến mạch máu?

Tiến sĩ Shimbo cho biết các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy ba cách chính mà sự tức giận ảnh hưởng đến sức khỏe mạch máu.

Đầu tiên, tức giận khiến các mạch máu khó giãn ra hơn để đáp ứng với tình trạng thiếu máu cục bộ, hoặc bị hạn chế. Sự tức giận cũng ảnh hưởng đến dấu ấn tế bào của các tổn thương và khả năng tự sửa chữa của chúng.

Ông cho biết sau nhiệm vụ trong 8 phút nhằm khơi dậy sự tức giận, các tác động lên mạch máu được quan sát thấy kéo dài trong tối đa 40 phút. Điều này nghe không tệ lắm, nhưng Shimbo nhấn mạnh chúng ta cần lo ngại về hiệu ứng tích lũy sau mỗi lần giận dữ. "Chúng tôi suy đoán, nếu bạn liên tục tức giận, bạn đang làm suy yếu mạch máu của mình mãn tính. Chúng tôi không nghiên cứu điều này, nhưng đoán rằng những lần tức giận có thể tạo ra tác động bất lợi mãn tính đối với mạch máu", ông nói thêm.

Xử lý cơn giận ra sao?

Tiến sĩ Ebinger nói tức giận là một cảm xúc của con người, bạn không thể và không nên tránh né cảm xúc này. Còn theo tiến sĩ Brett Ford - phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto Scarborough, cách tiếp cận tốt nhất là học cách xử lý cảm giác tức giận mà không để nó "mưng mủ".

Hãy tự hỏi: "Điều gì có thể cản trở năng lượng hoặc suy nghĩ của bạn? Bạn đang bảo vệ bản thân khỏi điều gì? Bạn đang cần gì mà không được đáp ứng?" - Deborah Asway, người cố vấn sức khỏe tâm thần lâm sàng khuyến nghị. "Và khi bạn nhận thức được những điều này, bạn sẽ kiểm soát được cơn giận. Cơn giận sẽ không còn kiểm soát bạn nữa", cô nói.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Shimbo nói rằng nghiên cứu mới nhất về việc sự tức giận ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào có thể khuyến khích những người liên tục giận dữ hãy tìm kiếm các liệu pháp hành vi. Có thể có nhiều cách, chẳng hạn như tập thể dục hoặc dùng thuốc, để điều trị những tác động bất lợi của sự tức giận lên mạch máu.

"Tất cả chúng ta đều sẽ trải qua sự tức giận nhưng hãy tìm cách để vừa kiểm soát, vừa giảm thiểu sự tức giận, thay vì phủ nhận nó", ông Ebinger nói thêm.

Sưu tầm

27/06/2024

Tỷ phú của các tỷ phú Sài Gòn xưa

Từng dặn lòng phải giữ mình, tránh xa cờ bạc, trai gái nhưng khi trở thành “tỷ phú của các tỷ phú” Sài Gòn xưa, anh cọ thùng chứa dầu ngày nào lại tốn tiền để làm một việc. . . phung phí tiền cho mỹ nhân.

Thập niên 1960, người dân Sài Gòn không ai không biết đến danh tiếng Trần Thành, vị doanh nhân được mệnh danh là “tỷ phú của các tỷ phú Sài Gòn”. Tuy nhiên đến nay, có rất ít tài liệu ghi lại cuộc đời từ thuở thiếu thời của ông.

Sách Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975 của tác giả Dương Đức Dũng cũng chỉ ghi, Trần Thành sinh ra trong một gia đình người Hoa gốc Triều Châu. Ông rời quê hương, đến vùng Chợ Lớn vào những năm 1940.

Trước tháng 8/1945, Trần Thành còn là cậu thanh niên bữa đói, bữa no, lê mòn đôi dép đi xin việc tại các hãng, xưởng của người Hoa ở vùng Chợ Lớn. Cuối cùng, Trần Thành được người chủ xưởng chế biến dầu thực vật họ Trịnh nhận vào làm. Công việc là cọ rửa thùng chứa dầu.

Chàng trai không chê lương bèo bọt, làm việc rất chăm chỉ. Nhờ sự cần mẫn, trung thành, anh được ông chủ họ Trịnh rất mực tin tưởng, yêu mến.

Tờ quảng cáo bột ngọt Vị Hương Tố của tỷ phú Trần Thành. Ành sưu tầm

Ông chủ từng bước giao cho cậu thanh niên cọ thùng chứa dầu các vị trí: Phụ trách khâu vệ sinh nhà xưởng; quản lý vật tư và thu mua nguyên liệu sản xuất. Được giao trọng trách thu mua nguyên liệu, Trần Thành mở rộng địa bàn ra khắp các tỉnh miền Nam và sang cả Campuchia.

Từng bước, Trần Thành trở thành nhà cung cấp độc quyền nguyên liệu sản xuất cho xưởng chế biến dầu ăn của ông chủ họ Trịnh. Sau đó, Trần Thành tách ra để kinh doanh độc lập.

Trần Thành được ông chủ họ Trịnh tin tưởng, cho vay vốn để xây dựng cơ nghiệp riêng. Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, đặc biệt đề cao chữ tín, chỉ trong thời gian ngắn, Trần Thành thâu tóm tất cả nguồn nguyên liệu, trở thành nhà cung cấp độc quyền cho các cơ sở sản xuất dầu ăn.

Tuy nhiên, đỉnh cao sự nghiệp của Trần Thành chỉ đến sau khi ông quyết định nhập dây chuyền sản xuất bột ngọt của Nhật Bản về Sài Gòn. Năm 1960, ông thành lập công ty Thiên Hương để sản xuất bột ngọt hiệu Vị Hương Tố.

Bột ngọt Vị Hương Tố ngay lập tức chiếm được thị phần nhờ chất lượng tốt, giá rẻ. Chỉ trong một thời gian ngắn, bột ngọt của ông chiếm đến 80% thị trường.

Không lâu sau, Vị Hương Tố dần đánh bật sản phẩm bột ngọt của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) khỏi thị trường trong nước. Trần Thành từ “ông trùm” nguyên liệu sản xuất dầu ăn trở thành “vua bột ngọt” tại Sài Gòn.

Thành công trên giúp “vua bột ngọt” có đủ vốn đầu tư, phát triển thêm các mặt hàng mì ăn liền, nước tương, tàu vị yểu… Những mặt hàng trên đều thành công và mang lại cho ông nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Lợi nhuận ấy giúp ông thoải mái đầu tư ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học…

Sau khi chiếm lĩnh thị trường trong nước một cách vững chắc, Trần Thành dần lấn sang thị trường nước ngoài. Ông tung vốn đầu tư vào bất động sản, nhà hàng, khách sạn ở Singapore; Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Người cùng thời không có bất cứ con số thống kê cụ thể nào về tài sản của “vua bột ngọt”. Tuy nhiên, với sản nghiệp trải rộng từ trong nước ra nước ngoài, người Sài Gòn xưa phong cho doanh nhân Trần Thành là “tỷ phú của các tỷ phú”.

Vung tiền chinh phục mỹ nhân

Trong tác phẩm Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975, tác giả Dương Đức Dũng nhận định: “Với Trần Thành, làm ăn là phải cần kiệm và hết sức giữ mình, phải tránh khỏi các thói đam mê ăn chơi, tiêu xài phung phí”.

Đặc biệt, ông thường nhấn mạnh quan niệm: “Làm ăn cũng khổ như đi tu. Phải tránh cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách”. Tuy nhiên, khi có tài sản khổng lồ, ông cũng hưởng thụ, sa đà vào những cuộc tình ngốn tiền của.

Một địa chỉ trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5 -nơi trước kia là trụ sở công ty Thiên Hương của ông Trần Thành. Ành. Hà Nguyễn

Nổi tiếng nhất trong số này là cuộc tình chóng vánh nhưng tiêu tốn không ít tiền giữa ông và nữ ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc) Thang Lan Hoa.

Theo tác giả Dương Đức Dũng, tỷ phú Trần Thành gặp gỡ nữ diễn viên Thang Lan Hoa trong một lần bà đến Sài Gòn biểu diễn.

Theo các tư liệu cũ, nữ nghệ sĩ Thang Lan Hoa sinh năm 1951 tại Alishan, Đài Loan (Trung Quốc). Năm 18 tuổi, Thang Lan Hoa đã tham gia đóng phim và nổi tiếng xinh đẹp. Ngoại hình của Thang Lan Hoa khiến thế giới cho rằng, những cô gái đến từ Alishan đều là mỹ nhân.

Khi Thang Lan Hoa sang Sài Gòn biểu diễn, “vua bột ngọt” Trần Thành đã mê đắm vẻ đẹp sắc nước hương trời của nữ nghệ sĩ dù lúc đó, ông đã có gia đình.

Ông tìm mọi cách làm quen, gần gũi để chinh phục người đẹp. Sách Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975 viết: “Để có được cảm tình của người đẹp, ông đã không ngần ngại tiêu xài những món tiền to, những quà tặng đắt giá, những chuyến du lịch tốn kém ở Đài Loan, Hồng Kông”.

Cuối cùng, những viên đá quý đắt giá trong thế giới kim hoàn, vô số chuyến du lịch hạng sang… đã làm xiêu lòng minh tinh xứ Đài. Tuy nhiên, mối tình nhuốm màu kim tiền ấy không kéo dài được lâu.

Sau ít thời gian mặn nồng, tiêu tốn tiền bạc, tỷ phú Trần Thành và nữ nghệ sĩ chia tay.

Tuy nhiên, cuộc chia ly ấy không khiến "vua bột ngọt" Sài Gòn đau lòng. Ngược lại, nó chỉ là sự khởi đầu cho tình trường nhiều trắc trở của ông.

Chia tay Thang Lan Hoa không lâu, trong một dịp sang Singapore làm ăn, tỷ phú Trần Thành gặp gỡ và có quan hệ yêu đương với một phụ nữ khác. Lần này, ông và cô gái Singapore có một người con chung.

Tuy vậy, không có nhiều tài liệu về cuộc tình này. Cả hai không có với nhau quá nhiều kỷ niệm mặn nồng. Bởi, năm 1972, khi đến vũ trường Maxim’s chơi, ông đã gặp gỡ và yêu một cô vũ nữ.

Một số tài liệu cũ ghi lại rằng, cô vũ nữ trên trẻ hơn vị tỷ phú rất nhiều. Cô không chỉ xinh đẹp mà còn được lòng mọi người. Thế nên, khi trở thành nhân tình của vị tỷ phú, cô được ông hết mực cưng chiều.

Đổi lại, người này cũng hy sinh tuổi trẻ của mình để chăm lo cho “vua bột ngọt”. Thậm chí, ngay cả khi ông không còn tài sản, bà vẫn ở bên cạnh chăm sóc, yêu thương ông. Sau năm 1975, tỷ phú Trần Thành ra nước ngoài định cư. Từ đó, người dân không còn nhiều tin tức về hậu vận và tình trường của vị tỷ phú từng được mệnh danh là người giàu có bậc nhất Sài Gòn trước đây.

 Sưu tầm

24/06/2024

10 lầm tưởng tai hại về sét

   Sấm sét là hiện tượng tự nhiên thường xuất hiện khi trời bắt đầu đổ mưa, bão. Tuy nhiên, nếu như bạn bị sét đánh trúng có thể thiệt hại tới tính mạng. Sau đây là những lầm tưởng tai hại về sấm sét có thể cướp đi mạng sống của bạn.

Những quan niệm sai lầm về sấm sét

•       1. Sét không đánh hai lần ở một nơi

•       2. Sét chỉ gây nguy hiểm vào lúc trời mưa

•       3. Dùng tai nghe khiến bạn thành mục tiêu của sét

•       4. Quy tắc 30/30

•       5. Lốp cao su của ô tô sẽ bảo vệ bạn

•       6. Hoàn toàn an toàn khi di chuyển trong nhà

•       7. Con người có thể tích điện

•       8. “Greased Lightning” là một loại sét

•       9. Nếu ở bên ngoài, hãy nằm xuống

•       10. Benjamin Franklin và con diều

1.      Sét không đánh hai lần ở một nơi

Điều này nghe có vẻ hay ho, nhưng đó không phải là sự thật. Sét đánh lặp lại nhiều lần ở nhiều nơi.Ví dụ như tòa nhà Empire State từng 1 lần được sử dụng làm nơi thí nghiệm sấm sét bởi khả năng đặc biệt trong việc thu hút dòng điện tự nhiên từ khí quyển của nó.

Một thanh kim loại dài đã được gắn lên đỉnh của tòa nhà (dài 444m) để thu hút sét và tòa nhà đã bị sét đánh từ 25 đến 100 lần mỗi năm.

Hơn nữa, những tòa nhà cao tầng sẽ thường thu hút sét nhiều hơn, vì trong suốt cơn bão, những vật thể mang điện tích ở dưới đất sẽ gây ra xung đột với dòng điện tích trong những đám mây.

2.      Sét chỉ gây nguy hiểm vào lúc trời mưa

Bạn hoàn toàn có thể là đối tượng của sét dù trời còn đang khô ráo. Theo Cục quản lí đại dương và khí quyển của Mỹ thì sét thường giáng xuống xung quanh cách cơn bão 5km.

 Thậm chí, các chuyên gia đã đặt cho chúng một vài cái tên như “Sét dị hình xanh” - loại sét hình thành phía trên các đám mây bão trông giống như một ngôi sao băng và di chuyển trong tầng điện li cách mặt đất khoảng 40 km đến 80 km hay “Sét dị hình Elves” thường xuất hiện một cách mờ nhạt phẳng giống như ánh sáng phát ra từ một vụ nổ có đường kính khoảng 402 km nhưng chỉ xuất hiện trong một mili giây.

3.      Dùng tai nghe khiến bạn thành mục tiêu của sét

Khi đeo tai nghe, bạn có thể bị cuốn theo điệu nhạc và cất tiếng hát khiến người xung quanh khó chịu, đặc biệt là trên tàu hay xe buýt. Thế nhưng chắc chắn việc đeo tai nghe sẽ không khiến cho bạn trở thành mục tiêu của sét. Việc có dễ bị sét đánh hay không phụ thuộc vào chiều cao giống như trường hợp của tòa nhà Empire State. Bởi vậy, nếu như bạn thấp hơn 30m thì hãy cứ yên tâm mà nghe nhạc trên đường. Bên cạnh đó thì dây cáp trong tai nghe còn giúp làm chệch hướng luồng sét ra khỏi tim.

4.      Quy tắc 30/30

Quy tắc này là bạn nên bắt đầu đếm sau khi tia chớp lóe lên. Nếu bạn nghe thấy tiếng sấm trong vòng ít hơn 30 giây, bạn phải nhanh chóng chạy vào nhà. Sau đó đợi khoảng 30 phút nữa đến khi cơn bão chấm dứt để quay ra ngoài. Hiện nay, các chuyên gia đã không còn áp dụng quy tắc này nữa bởi những tia sét không còn dễ dàng để dự đoán.

Thay vào đó, hãy cứ vào trong nhà, hoặc tìm một nơi được che chắn để chui vào, ngay khi bạn nghe thấy tiếng sấm. Tuy vậy, việc đợi đến 30 phút cho tới khi cơn bão đi qua vẫn là một ý tưởng tốt.

5.      Lốp cao su của ô tô sẽ bảo vệ bạn

Ô tô là nơi tương đối an toàn và hợp lý để ẩn trú trong cơn bão. Hầu hết phương tiện giao thông đều có bánh sử dụng lốp cao su. Nhưng đừng lầm tưởng, lốp xe không phải thứ giúp cho ô tô trở thành nơi trú ngụ tốt.

Sự thật là vài inch cao su trong lốp xe không thể ngăn ngừa việc bạn bị sét đánh. Điều khiến chiếc ô tô trở thành một nơi đủ an toàn để ẩn nấp là việc nó được che chắn ở mọi phía. Và bởi vậy, xe gắn máy và các phương tiện tương tự hoàn toàn không thích hợp để dùng khi có mưa bão, dù nó có dùng lốp cao su đi chăng nữa.

6.      Hoàn toàn an toàn khi di chuyển trong nhà

Ở trong nhà với 4 bức tường và mái che chắc chắn là an toàn hơn so với việc lái xe bên ngoài, nhưng điều đó không có nghĩa rằng sét sẽ không tìm đến khi bạn đi ngang qua các ô cửa. Thực ra, chúng ta nên tránh xa các cửa và cửa sổ hết mức có thể, cũng như những nơi có khoảng trống cho sét tấn công. Và tốt nhất, chúng ta cũng nên tránh xa những vật dẫn điện khi ở trong nhà. Hãy cố gắng rút dây điện của các thiết bị như TV, máy tính hay các thiết bị dẫn điện khác.

Sét vẫn có thể đánh trúng người thông qua các đường dẫn trong nhà. Nghĩa là qua hệ thống dây điện, hệ thống ống nước và qua dòng nước trong đường ống. Nói chuyện trên điện thoại có dây, tắm hoặc làm việc trên máy tính để bàn hoặc xử lý các dụng cụ điện khi có sấm sét sẽ nguy hiểm không thua đứng ngoài trời. Tốt nhất là tránh xa tất cả nước và thiết bị có nối với nguồn điện cho đến khi hết sấm sét, theo Reader’s Digest.

 7.      Con người có thể tích điện

Một số người thường tỏ ra là mình đang tích điện trong cơ thể. Bởi nếu trực tiếp chứng kiến một người bị sét đánh, bạn cho rằng người đó đã bị nhiễm điện nhưng trên thực tế, người bị sét đánh sẽ không tích trữ điện. Và mặc dù sét có thể khiến tim ngừng đập, bỏng và tổn thương thần kinh, thì hầu hết nạn nhân bị sét đánh có thể sống sót nếu nhận được cứu kịp thời.

8.      “Greased Lightning” là một loại sét

“Greased Lightning” là tên một ca khúc. “Greased” cũng là một cách ví von những điều mà xảy ra quá nhanh. Ví dụ như khi vận động viên Usain Bolt của Jamaica chiến thắng trong cuộc thi điền kinh 200m tại London, người ta đã ví ông như “Greased Lightning” Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng trong các tờ báo tiếng Anh thế kỷ 19 và một bài báo năm 1833 có câu "Anh nói nhanh như ‘Greased Lightning”

9.      Nếu ở bên ngoài, hãy nằm xuống

Bị kẹt bên ngoài trong một cơn bão thì quả là đáng sợ. Một số người chỉ đơn giản là cảm thấy bất lực nên sẽ cuộn tròn trong tư thế bào thai và khóc. Tin tốt là điều này thực sự là khá gần với những gì các chuyên gia khuyên chúng ta nên làm.

Khi sét đánh, nó có thể gửi một dòng điện xa tầm 30m xuống mặt đất. Vì vậy, nếu như chúng ta đang nằm dài trên đất thì thật là nguy. Vì vậy, cách tốt nhất là ngồi xuống, ôm lấy hai đầu gối, cúi đầu về phía trước và bịt chặt tai lại, giữ cho cơ thể tiếp xúc với mặt đất càng ít càng tốt.

 10.    Benjamin Franklin và con diều

Từ năm 1752, Benjamin Franklin đã bắt đầu khám phá sự thật về tia chớp/sét. Nhà sáng chế kiêm chính khách và học giả này đã tạo ra một chiếc diều từ chiếc khăn tay lớn bằng lụa kéo ngang qua hai cái gậy, hướng qua một sợi dây kim loại đính vào một mảnh dây bện xoắn cùng một chiếc chìa khóa treo ở trên. Ông đã tiến hành cuộc thử nghiệm này trong một cơn bão lớn và đã phát hiện ra sét.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng có thể nó đã không xảy ra. Những người nghi ngờ đã viện vào việc thiếu chứng cứ hỗ trợ cho giả thuyết thí nghiệm của Franklin. Không có chứng kiến sự kiện này, chỉ có Franklin tường thuật lại một cách mập mờ.

Sưu tầm  

23/06/2024

Mối quan hệ giữa tăng thân nhiệt và sức khỏe

Con người là động vật máu nóng, có khả năng duy trì thân nhiệt nhờ vào sự cân bằng quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt. Khi xảy ra rối loạn cân bằng này, thân nhiệt tăng quá cao sẽ ảnh hưởng các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, rối loạn hoạt động sống và đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng.

Tìm hiểu về hiện tượng tăng thân nhiệt

•       1. Tăng thân nhiệt là gì?

•       2. Các nguyên nhân gây tăng thân nhiệt

o      Các nguyên nhân gây tăng tạo nhiệt

o      Các nguyên nhân gây giảm thải nhiệt

•       3. Biểu hiện của tăng thân nhiệt

o      Hệ tuần hoàn

o      Hệ tâm thần kinh

o      Hệ cơ xương khớp

•       4. Phải làm gì khi bị tăng thân nhiệt?

1.      Tăng thân nhiệt là gì?

Cơ thể con người là một bộ máy không ngừng hoạt động. Dù có cho ngồi nghỉ, nằm yên, các hoạt động sinh lý vẫn liên tục diễn ra, tạo năng lượng cung cấp cho các tế bào và sinh ra nhiệt. Chính vì vậy, sự ổn định thân nhiệt là một trong các chỉ số quan trọng đánh giá sức khỏe, xoay quanh giá trị trung bình là 37 độ C. Sự tăng hay giảm thân nhiệt đều là những vấn đề bất thường cần quan tâm.

 

Tăng thân nhiệt là hệ quả của sự mất cân bằng giữa sinh nhiệt và thải nhiệt.

Tăng thân nhiệt được định nghĩa là khi nhiệt độ cơ thể đo thấy cao hơn bình thường. Đây là hệ quả của sự mất cân bằng giữa sinh nhiệt và thải nhiệt. Trong đó, quá trình sinh nhiệt tăng mạnh hoặc quá trình thải nhiệt bị hạn chế hoặc phối hợp cả hai.

Tăng thân nhiệt cần phân biệt với sốt. Đây cũng là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng hơn bình thường nhưng không phải là do mất cân bằng sinh thải nhiệt. Thay vào đó, sốt là biểu hiện của hàng loạt phản ứng sinh lý, sinh hoá nhằm chống lại các tác nhân bất thường bên ngoài xâm nhập vào hay ngay cả bất thường bên trong cơ thể.

2.      Các nguyên nhân gây tăng thân nhiệt. Các nguyên nhân gây tăng tạo nhiệt

•       Vận động cơ thể: Khi vận động, các khối cơ bắp tăng cường chuyển hóa tạo năng lượng co cơ kèm theo sinh ra nhiệt.

•       Dinh dưỡng: Một bữa ăn thịnh soạn, giàu chất đạm sẽ khiến sinh nhiệt cao hơn so

với chế độ ăn nghèo nàn, chỉ có chất xơ.

•       Thể trạng dư cân - béo phì: Nhu cầu năng lượng ở các đối tượng này cao hơn người bình thường nên nhiệt lượng sinh ra từ các quá trình chuyển hóa cũng cao hơn.

•       Dùng chất kích thích: Người hút thuốc lá, uống rượu, dùng chất gây nghiện...

thường có thân nhiệt cao hơn người bình thường.

•       Làm việc tập trung, tâm lý căng thẳng: Tình trạng này yêu cầu huy động nhiều

năng lượng cung cấp cho các hoạt động của trí óc nên cũng sinh ra nhiều nhiệt.

Các nguyên nhân gây giảm thải nhiệt

Mặc nhiều lớp quần áo: Da là cơ quan thải nhiệt chủ yếu của cơ thể. Nếu bị che phủ quá nhiều, mặc kín, đi tất, đội mũ, cơ thể sẽ khó thải nhiệt được. Điều này là rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi được cha mẹ ủ kín quá mức.

Thiếu nước gây giảm thải nhiệt.

•       Thiếu nước: Khi nước bay hơi sẽ lấy đi một phần nhiệt lượng. Theo đó, cơ chế bài tiết mồ hôi qua da giúp thải bớt nhiệt trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu không uống đủ nước hay mất nước do bệnh lý (nôn ói, tiêu chảy), bài tiết mồ hôi hạn chế, nhiệt lượng không giải phóng được sẽ làm tăng thân nhiệt.

•       Thời tiết: Nhiệt độ nóng bức, làm việc ngoài trời, không được che chắn hay không gian tù túng, ngột ngạt sẽ khiến cơ thể không chỉ không thể thải nhiệt ra môi trường bên ngoài được mà còn chịu hấp thụ thêm nhiệt.

3.      Biểu hiện của tăng thân nhiệt

Tăng thân nhiệt gây ảnh hưởng trực tiếp lên các quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể. Từ đó, hoạt động sống của các hệ cơ quan ít nhiều đều bị rối loạn, tổn thương.

Hệ tuần hoàn

Khi cơ thể bị tăng thân nhiệt, do yêu cầu cần thải nhiệt cấp bách, hệ tuần hoàn với sự

tham gia của tim và các mạch máu đều phải làm việc tích cực hơn. Tim tăng nhịp đập, tăng huyết áp trong lòng mạch, hệ mao mạch nông dưới da dãn ra để tăng thải nhiệt.

Trong trường hợp này, sự gắng sức của tim cao độ mà không đảm bảo cung cấp đủ oxi hay tim có những tổn thương trước đó như xơ vữa mạch vành, suy tim sẽ là nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch cấp như suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp, trụy tuần hoàn (thường biết đến với tên gọi sốc nhiệt) và tử vong.

Hệ tâm thần kinh

Tình trạng nóng nực bên trong thân mình sẽ không tránh khỏi xảy ra những mệt mỏi, căng thẳng đầu óc nhất định. Người bệnh dễ thay đổi tính tình, trở nên cáu gắt, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, kém tập trung vào công việc.

Nếu tăng thân nhiệt kéo dài, nhất là xảy ra ở trẻ nhỏ, người già không tự chủ được bản thân, tri giác sẽ trở nên giảm sút, chậm chạp, lừ đừ, ngủ gà, tiến triển nặng hơn là ngất xỉu, hôn mê, đột tử.

Hệ cơ xương khớp

Hoạt động của cơ bắp không còn giữ vững trong môi trường nóng bức hay bị tăng thân nhiệt. Nếu phải liên tục làm việc mà không được nghỉ ngơi, bồi hoàn nước, người bệnh dễ bị kiệt sức do nhiệt.

Biểu hiện ban đầu của say nhiệt là khát nước, yếu cơ, mau mỏi cơ, chuột rút và tiến triển nặng hơn là giảm phối hợp hoạt động, mất thăng bằng, dễ gây té ngã, tai nạn.

4.      Phải làm gì khi bị tăng thân nhiệt?

Khi bản thân cảm nhận thấy có những khó chịu, mệt mỏi trong cơ thể trong khi điều kiện môi trường nóng bức thì việc cần làm ngay là cách ly khỏi môi trường này. Nhanh chóng di chuyển vào trong nhà, mái che hay nơi có bóng râm. Cởi bớt quần áo, lau thân mình bằng khăn vắt ráo nước, chườm mát trên trán, ngực, hai hố nách, hai bên bẹn. Đồng thời, tích cực cho bệnh nhân uống nước. Tuyệt đối không làm hạ thân nhiệt quá nhanh vì dễ gây sốc nhiệt.

Trong tình huống bệnh nhân có tăng thân nhiệt biểu hiện nặng, mạch nhanh, huyết áp thấp hay tụt, thay đổi tri giác, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời, bù dịch qua đường tĩnh mạch, cân bằng điện giải hay có các biện pháp hạ thân nhiệt tích cực hơn.

Tuy nhiên, những biện pháp điều trị tăng thân nhiệt hiệu quả nhất không thể có ý nghĩa bằng các biện pháp dự phòng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với mặt trời trong thời gian dài, nhất là khoảng giữa trưa. Khi có yêu cầu cần ra ngoài trời, nên mặc quần áo bảo hộ, nón mũ, đeo kính chống nắng.

Bên cạnh đó, tăng cường lượng nước uống vào, đảm bảo đạt 2 đến 3 lit, chú ý bổ sung điện giải với dung dịch oresol. Nếu thời tiết nóng ẩm liên tục kéo dài, có thể tắm hoặc lau mát cơ thể nhiều lần với nước sạch, giữ làn da sạch sẽ, tránh bít tắc các lỗ chân lông, trang phục mỏng nhẹ, hút ẩm, thoáng mát giúp tăng cường khả năng thoát nhiệt bằng cách bài tiết mồ hôi.

Bên cạnh đó, cần hạn chế dùng chất kích thích, hút thuốc lá, uống cà phê, nước có cồn, nước ngọt có gas... sẽ giảm bớt sinh ra nhiệt. Cuối cùng là học cách giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, thoải mái, giảm stress để những ngày nắng nóng trôi qua yên ả hơn.

Tóm lại, cơ thể khó tồn tại nếu không có nhiệt nhưng thân nhiệt tăng quá cao cũng gây tổn hại đến sức khỏe. Hiểu biết những điều này và học cách phòng tránh tăng thân nhiệt là một cách quan trọng bảo vệ sức khỏe, tinh thần cho chính mình và cả nhà, nhất là với người già, trẻ nhỏ trong những ngày hè oi ả.

Sưu tầm

 

22/06/2024

Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại

 Trong hàng chục năm trời sau Thế Chiến II, người ta không còn chứng kiến những chiến dịch quân sự quy mô cực lớn nữa, thay vào đó là những cuộc chiến, xung đột lẻ tẻ, quy mô nhỏ. Bởi vậy, những cơ hội tham chiến của lính dù ngày càng ít ỏi, song không vì thế mà quân đội các nước dám coi nhẹ tầm quan trọng của lực lượng này.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lính nhảy dù ngày càng ít được sử dụng trong tác chiến là do sự ra đời của máy bay trực thăng, một phương tiện cơ động, vận chuyển hàng không vô cùng lợi hại trên chiến trường.

Với khả năng cơ động linh hoạt, cất hạ cánh thẳng đứng, máy bay trực thăng có thể đưa những nhóm nhỏ lính đặc nhiệm lợi dụng địa hình để bay thấp, luồn lách vào sâu trong hậu phương của quân địch và đổ quân xuống những địa điểm đã định mà vẫn giữ được bí mật, bất ngờ.

Sự ra đời của trực thăng làm thay đổi căn bản chiến thuật của lực lượng lính dù

Với những đặc tính ưu việt như vậy, trực thăng quân sự ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong tác chiến, đến mức trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, "trực thăng vận" là hình thức di chuyển chủ yếu của lính Mỹ. Có trực thăng trong tay, các chỉ huy quân sự không còn muốn tung những người lính dù của mình phiêu bạt theo chiều gió xuống những nơi vô định trong lòng địch nữa.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc lực lượng lính dù đã trở nên tuyệt chủng. Năm 1989, lần đầu tiên trong suốt 50 năm, Sư đoàn Dù 82 của Mỹ lại thực hiện chiến dịch nhảy dù đầu tiên để đưa quân can thiệp xuống Panama.

Đến năm 2001, Trung đoàn Biệt kích 75 của Mỹ đã nhảy dù xuống tỉnh Kandahar của Afghanistan để chiếm lĩnh một sân bay quan trọng từ tay phiến quân Taliban. Mới đây nhất, vào đầu năm 2013, quân đội Pháp đã cho 250 lính thuộc Lữ đoàn Dù 11 nhảy dù xuống Mali để hỗ trợ một chiến dịch tấn công giành lại quyền kiểm soát Timbuktu từ tay lực lượng nổi dậy.

Vậy tại sao lực lượng lính dù vẫn được tin dùng trong quân đội các nước như vậy, trong khi chiến thuật sử dụng trực thăng phổ biến và dễ dàng hơn cho các chỉ huy quân sự cũng như an toàn hơn cho binh lính rất nhiều?

Một chiến dịch nhảy dù của quân đội Mỹ ở Afghanistan.

Có thể nói dù các trực thăng chiến thuật hiện đại tỏ ra rất hữu dụng trên chiến trường, tuy nhiên nó vẫn không thể nào sánh được với lực lượng lính dù được đào tạo bài bản, tinh nhuệ trong những môi trường tác chiến đặc biệt phức tạp của chiến tranh hiện đại. Điều dễ nhận thấy nhất là phạm vi hoạt động của máy bay trực thăng khá hạn chế so với các loại máy bay vận tải thả lính dù. Những chiếc máy bay vận tải như A-400 hoặc C17 là những vũ khí chiến lược có thể đưa lực lượng lính dù tới được những mục tiêu ở quá xa so với tầm hoạt động của trực thăng.

Với khả năng tiếp dầu trên không và phạm vi hoạt động xa hơn, máy bay vận tải ngày nay có thể đưa lực lượng lính dù tới bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 18 tiếng đồng hồ. Đây là một ưu thế chiến lược mà các lực lượng mặt đất và hải quân khác không dễ gì có được, đem lại cho lính dù một ưu thế vô cùng nổi bật.

Thứ hai, lính dù là lực lượng có thể triển khai với tốc độ nhanh nhất trong một trận chiến. Các chỉ huy quân đội không thể có phương án nào khác để có thể đưa 1.000 binh sĩ xuống mặt đất gần như đồng thời trong một chiến dịch tấn công.

Các chiến dịch nhảy dù tỏ ra hiệu quả vượt trội và là chiến thuật ưa thích của quân đội các nước khi tấn công chiếm giữ các sân bay có vị trí trọng yếu của đối phương. Với khả năng xâm nhập sâu, đổ bộ đồng loạt, ồ ạt của lính dù, các lực lượng bảo vệ sân bay sẽ nhanh chóng thất thủ và mất quyền kiểm soát vị trí chiến lược mà họ đang phòng thủ.

Lính dù dần được hoàn thiện thành các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ.

Thứ ba, lính dù đang ngày càng được trang bị hiện đại hơn, với các loại vũ khí, khí tài hạng nặng. Trong Thế Chiến II, lính dù chỉ được mang theo vũ khí cá nhân và thiếu sự yểm trợ của các loại hỏa lực mạnh, bởi họ không có cách nào để thả xuống mặt đất những cỗ xe thiết giáp nặng nhiều tấn hay những khẩu pháo lớn.

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các kỹ sư quân sự đã thiết kế ra những xe thiết giáp, xe chở quân có trọng lượng nhẹ hơn để có thể thả được bằng dù từ máy bay vận tải C17 để yểm trợ cho lực lượng lính dù. Với những trang bị, vũ khí này, lính dù sẽ được bảo vệ tốt hơn, nâng cao khả năng sống còn và năng lực tấn công của họ.

Ngoài ra, chiến thuật "trực thăng vận" cũng thể hiện một nhược điểm chết người khác liên quan đến sinh mạng của các binh sĩ. Để thực hiện nhiệm vụ chuyển quân, trực thăng phải cất hạ cánh hoặc treo mình lơ lửng phía trên mục tiêu, trở thành những "miếng mồi" béo bở cho hỏa lực cỡ nhỏ và súng phóng lựu của đối phương.

Khi phải bay thấp để đổ quân, trực thăng cũng chịu những nguy cơ tai nạn lớn hơn rất nhiều. Trong vụ đột kích vào Abbottabad, Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, đặc nhiệm Mỹ đã mất một trực thăng vì vướng vào tường rào trong lúc hạ cánh, rất may là không biệt kích nào bị thương vong.

Máy bay trực thăng của Mỹ bị rơi trong khi đột kích để tiêu diệt trùm khủng bố Osamabin Laden.

Trong khi đó, máy bay vận tải chở lính nhảy dù thường bay ở độ cao 1000-4000 mét ở vận tốc hơn 200 km/h, giảm thiểu rủi ro cho cả máy bay và lực lượng nhảy dù.

Với những ưu điểm trên, ngày nay lực lượng lính dù thường được triển khai ở phía sau phòng tuyến địch để chiếm giữ các mục tiêu chiến lược như sân bay, cầu cống, các cơ sở hậu cần hay những khu vực mà phương tiện đường bộ không thể tiếp cận được.

Ngoài ra, lính dù còn được sử dụng để đổ bộ chiếm lấy các vị trí có lợi, đánh tạt sườn nhằm ngăn cản đối phương tiếp cận được với các tuyến đường trọng yếu hoặc các nguồn tài nguyên chiến lược. Sau khi chiếm được mục tiêu, lính dù sẽ đóng chốt để bảo vệ nó cho đến khi có lực lượng tiếp viện. Trong một số tình huống, lính dù được thả xuống chỉ để làm chậm bước tiến quân của địch, tạo thêm thời gian cho quân mình rút lui.

Hãy thử tưởng tượng một đại đội dù 100 người được trang bị quần áo dù bay (wingsuit) trên một chiếc máy bay vận tải C-17 bay dưới tầm của radar để tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 10 km. Ở khoảng cách này, máy bay bất ngờ vọt lên độ cao 3000 mét và cả đại đội dù đồng loạt nhảy ra ngoài hướng tới mục tiêu.

Với bộ quần áo dù bay có khả năng thay đổi hướng lượn, người đội trưởng dẫn đầu đội hình lướt gió theo tuyến đường đã định sẵn. Đến độ cao 200 mét, các binh sĩ lần lượt mở dù và đáp xuống trong một khu vực chỉ bằng một sân bóng đá theo đội hình đã quy định sẵn trong thời gian chưa đầy 2 phút. Như vậy một đại đội dù đã được triển khai ngay trong lòng địch một cách nhẹ nhàng mà không hề bị radar của đối phương phát hiện.

Những bộ wingsuit hiện đại sẽ được lính dù sử dụng để nhanh chóng tiếp cận mục tiêu.

Nếu đó không phải là một chiếc C-17 mà là 10 chiếc, ta có thể đưa cả một lữ đoàn dù tiếp cận mục tiêu với độ chính xác gần như không tưởng vào ngay trong lòng địch, khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ.

Trên những chiến trường sa mạc như Afghanistan, bất cứ sự di chuyển nào của các phương tiện trên bộ đều để lại những vệt cát mù mịt, khiến tung tích của đoàn quân dễ dàng bị phát hiện ở khoảng cách xa, khiến họ dễ bị phục kích bằng mìn hoặc hỏa lực của đối phương.

Còn nếu sử dụng lực lượng lính dù, ta có thể triển khai quân tới bất kỳ địa điểm nào gần như đồng thời. Nếu bị quân địch phát hiện và nổ súng, một vài lính dù có thể bị trúng đạn, tuy nhiên lực lượng còn lại sẽ nhanh chóng tấn công để áp đảo đối phương. Chiến thắng bất ngờ của lính dù sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý rất lớn, khiến đối phương vô cùng hoang mang trên chiến trường.

Nói tóm lại, lực lượng lính dù có những ưu điểm về chiến thuật và chiến lược không thể coi thường trong tác chiến hiện đại, khiến họ vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của quân đội các nước trên khắp thế giới. Dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu, những người lính dù tinh nhuệ vẫn là lực lượng quan trọng có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường.

Sưu tầm