Trang

10/06/2024

Mệnh trời, nghiệp báo

MỆNH TRỜI (Quan niệm theo Nho giáo)

Với quan niệm của Nho giáo, ta có câu thường được nghe "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh" (lời Khổng Tử) tức năm mươi tuổi mới có khả năng biết được “mệnh trời”. Với năm mươi năm ấy, chúng ta đã đi được một hành trình khá dài, ít ra cũng nửa đời người. Và trong thời gian đó, chúng ta đã gặt hái được một số kinh nghiệm sống, đủ để hiểu được mệnh trời ra sao và nó đã ảnh hưởng đến đời sống như thế nào. Tuổi càng cao, sự chứng nghiệm về mệnh trời càng rõ ràng hơn vì có nhiều điều xảy ra trong cuộc sống, ta không thể dùng lý luận hoặc kiến thức khoa học mà giải thích hay chứng minh được.

Thiên mệnh, mệnh trời nôm na còn gọi là số trời hay số mệnh. Vậy mệnh trời, số trời hay số mệnh là gì?

Với cái nhìn của Nho giáo, mệnh trời được coi như một uy quyền đến tự trời và chúng được áp đặt vào đời sống của mỗi con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi. Con người được tạo sinh bởi trời, do đó con người là con cái và là công cụ của trời nên phải tuân thủ mọi ý muốn của "ông Trời" sắp đặt, không thể chống trả hay sửa đổi lại được, cũng như trong thời phong kiến vua bắt “thần” chết thì phải chết, “thần” không chết là bất trung vậy (theo Hán Nho của Đổng Trọng Thư chứ không phải nguyên thủy của Khổng, Mạnh).

Con người không có quyền tham dự vào việc quyết định số mệnh của mình mà phải hoàn toàn tuân thủ nơi số mệnh đã được đinh sẵn, nên mỗi khi gặp nghịch cảnh người ta thường nẩy sinh tinh thần thụ động, yếm thế, ỷ lại, chịu đựng, phó mặc chứ không tìm cách cải đổi số mệnh của mình hầu mang lại đời sống tốt đẹp hơn. Mệnh trời khi đã định sẵn cho người nào rồi thì dù cho người ấy có tài giỏi hay khôn ngoan đến đâu cũng không thoát ra được.

Những ý tưởng thụ động về số mệnh nêu trên đã được thể hiện không ít trong dân gian qua những câu ca dao, tục ngữ:

Số lao đao phải sao chịu vậy,

Tới số ăn mày bị gậy phải mang.

 Số giầu tay trắng cũng giầu,

Số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo.

Cây khô xuống nước cũng khô,

Phận nghèo đi tới chỗ mô cho giầu.

Số giầu đem đến dửng dưng,

Lọ là con mắt tráo trưng mới giầu.

Khó giầu muôn sự tại trời,

Nhân sinh ai cũng kiếp người mà thôi.

Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên.

Thuốc chữa được bệnh, chẳng chữa được mệnh.

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

NGHIỆP BÁO (Quan niệm theo Phật giáo)

Với quan niệm của Phật giáo, thiên mệnh hay số mệnh của Nho giáo, được hiểu là nghiệp báo. Nghiệp từ đâu đến? Nghiệp không đến từ “ông Trời” như quan niệm của Nho giáo. Nghiệp đến từ hành động của con người qua luật Nhân Quả. Ta gieo Nhân tốt thì gặt hái Quả tốt, ta gieo Nhân xấu thì gặt hái Quả xấu. Nghiệp báo có mặt trên thế gian này như định luật đền trả những điều mình đã làm trong quá khứ, hay ngay trong hiện tại với "quả báo nhãn tiền". Nghiệp gặp hoàn cảnh, tức nhân duyên, sẽ khởi động và tác động trực tiếp vào đời sống của người mang nghiệp. Nghiệp là động cơ chính đưa con người vào vòng luân hồi sinh tử. Muốn thoát được vòng sinh tử, con đường duy nhất là ta phải tự mình giải được nghiệp của chính mình.

Như thế, dựa vào quan niệm nghiệp báo của nhà Phật, con người được chủ động định đoạt số mệnh của mình, không ai có quyền ban bố sự an vui cũng như không có ai có thể áp đặt sự đau khổ cho mình mà chỉ có chính mình mới có quyền quyết định sự chọn lựa cuộc sống trong hiện tại hay tương lai mà thôi. Chính vì thế nghiệp báo trong đạo Phật có tính chất chủ động, tích cực, đầy sáng tạo và tôn trọng con người trong tinh thần dân chủ chứ không quan niệm số mệnh đầy tính chất áp đặt, phong kiến như của Nho giáo. Khi gặp nghịch cảnh, ta cố gắng chuyển hóa hay giải nghiệp để cải thiện hoàn cảnh hay tiến tới đời sống tốt đẹp hơn theo đúng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của Phật.

Tin ở sự công bình của luật Nhân Quả và cũng như tin ở khả năng chuyển đổi nghiệp lực của mình, ý tưởng về nghiệp cũng được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ truyền tụng trong dân gian dưới đây:

 Thiên đạo chí công.

 Đức năng thắng số.

 Nhân định thắng thiên.

Nghiệp có thể tác động lên một người, một nhóm người, hay cả một nước mà ta gọi là mệnh nước hay vận nước vậy. Nghiệp được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau tùy theo ngiệp nặng hay nhẹ. Nghiệp được thể hiện dưới hình thức mà ta dễ nhận biết nhất, đó là nghiệp thể hiện qua tính nết con người. Nghiệp có nghiệp lành, nghiệp dữ. Người có nghiệp lành thì được sinh ra với tính nết hiền hòa nhân hậu, người có nghiệp dữ thì sinh ra với tính nết dữ dằn độc ác dù có khi không do sự chịu ảnh hưởng của xã hội, gia đình hay tập quán chung quanh, mà do bẩm sinh mà có. Người có tính dễ dãi thì gặp mọi chuyện dù dữ cũng thành lành để được an vui, nó được coi như những sự ân thưởng của luật Nhân Quả. Người có tính khúc mắc thì gặp mọi chuyện dù lành cũng thành dữ để đau khổ và nó được coi như những sự trừng phạt của luật Nhân Quả, mình tự đập mình tan nát trong tâm. Cũng như định kiến, tiên kiến, cố chấp là mồ chôn, là hố thẳm của suy tưởng. Tâm đố kỵ là sợi dây thòng lọng, càng dãy càng bị siết chặt. Đức Phật đã có lần nói với các môn đồ: “Tư duy của các con cũng chính là ý nghiệp đó”.

Nếu biết được cái nghiệp của mình một phần nằm trong tính nết thì khi ta muốn chuyển đổi một phần nghiệp dữ thành nghiệp lành thì ít ra ta cần phải thay đổi tính nết. Tu là sửa đổi, mà sửa đổi tính nết là một phần khá quan trọng trong việc mở đường cho những bước thăng tiến cao hơn trên con đường giải nghiệp, diệt khổ. Thí dụ tính hay hờn giận, ghét người dễ tạo nên khổ, vậy hãy yêu người cho bớt hay hết khổ đi, "yêu người là yêu mình" hẳn là ý nghĩa như thế. Cứ ngồi rà soát lại tính nết của ta, ta mới thấy con người trầm luân bể khổ là phần lớn do tác động của nghiệp ẩn tàng qua tính nết của chính ta vậy.

Kinh Nhân Quả nói "Muốn biết Nhân đời trước, chỉ xem Quả hiện tại mà ta đang thọ; muốn biết Quả đời sau, chỉ xem Nhân gây tạo trong đời này". Cứ theo như thế, chúng ta chẳng cần phải có "thiên lý nhãn" cũng có thể nhìn thấu ba kiếp của ta gồm kiếp đã qua, kiếp hiện tại và kiếp sắp tới. Đối với các bậc đại sư hay thiền sư họ nhìn cuộc đời đau khổ chỉ vì vô minh. Khi ta hết vô minh thì Địa ngục và Thiên đường chỉ là một, nên nhà Phật có những câu như:

– Sắc tức là không, không tức là sắc.

– Phiền não tức bồ đề.

– Sanh tử tức Niết bàn.

Tất cả những điều ấy tưởng như đối nghịch, nhưng thật ra chỉ là hai mặt của một bản thể trong triết lý "bất nhị" của nhà Phật mà thôi.

Xin đưa ra đây một vài đoạn văn thơ tiêu biểu trong văn học Việt Nam đã chịu ảnh hưởng triết lý của số trời và nghiệp báo như:

Trong hai câu mở đầu của tác phẩm "Bích Câu Kỳ Ngộ" của tác giả Vô Danh, viết:

Mấy trăm năm một chữ tình,

Dưới trời ai kẻ lọt vành hóa nhi.

(Hoá nhi: Hóa là tạo hóa là trời; nhi là trẻ con. Ý nói trời oái oăm như trẻ con.)

Trong "Cung Oán Ngâm Khúc" của Ôn Như Hầu, tả cảnh người cung phi oán hận vì đơn chiếc trong cung:

Tay tạo hóa cớ sao mà độc,

Buộc người vào kim ốc mà chơi.

(kim ốc là nhà vàng, ý ám chỉ cung vua).

Đoạn kết của Đoạn Trường Tân Thanh (Kiều), Nguyễn Du viết:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao...

. . .

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Trong đoạn này, cụ Nguyễn Du đã nhắc lại hai triết lý “mệnh trời” của Nho giáo (bốn câu đầu) và “nghiệp báo” của Phật giáo (bốn câu cuối). Cụ cũng đã dùng hai triết lý này làm nền tảng để chứng minh cho thuyết "tài mệnh tương đố" trong truyện Kiều mà ta nhận ngay ra được với hai câu mở đầu:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Dựa vào những câu thơ tiêu biểu của các tác giả nêu trên, ta thấy được tinh thần hòa đồng tam giáo gồm Phật giáo, Khổng giáo, và Lão giáo, đã ảnh hưởng đến triết lý sống của dân ta một cách sâu sắc như thế nào.

Tôi xin chép ra đây lời nói của Thiền sư Thần Hội, đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng, để chúng ta cùng suy ngẫm.

Tâm là Phật

Vô tâm là Đạo.

Tôi viết bài này với sự dè dặt vì sự hiểu biết về đạo Nho và Phật của tôi hết sức giới hạn.

Nguyễn Giụ Hùng


3 nhận xét:

  1. MT sang thăm anh. Tuần mới mọi việc như ý anh nhé
    http://1986.1.9.pic.centerblog.net/e5b2d4f6.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc Mực Tím thân tâm an lạc.
      https://tiki.vn/blog/wp-content/uploads/2023/07/image-5.jpeg

      Xóa
  2. Kính mời các bạn đọc thêm bài DU TĂNG.
    https://fatasa1.blogspot.com/2018/05/du-tang.html

    Trả lờiXóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.