Trang

04/06/2024

Hãn huyết mã hay hãn huyết câu, huyền thoại hay sự thật

Thời trẻ, khi đọc sách tới đoạn nói về con ngựa gọi là thiên mã ở Trung Hoa khi phi nước đại (gallopping) mồ hôi ngựa tuôn ra lẫn máu (Hãn= mồ hôi, Huyết = máu, Mã hay Câu= ngựa) thì tôi nghĩ đó là huyền thoại có nghĩa là không có thật (ngày nay các ông dốt chữ trên các báo ở VN chuyện gì cũng gọi là huyền thoại, như ông Pelé. danh thủ đá banh có thật, ông vô địch xe đua có thật v,v,,,đều được gắn cho nhãn hiệu huyền thoại, các ngài nói mà không hiểu mình nói cái gì). Còn chuyện con đà điểu chui đầu xuống cát khi sợ là không có thật, đấy mới là huyền thoại.

Trở lại chuyện con ngựa mồ hôi trộn máu, tôi đã xin phép học giả TS Nguyễn Duy Chính để trích một đoạn trong quyển: “Vó ngựa và cánh cung”, trang 17- 18 của ông:

Khi Hán Võ Đế lên ngôi đã đem đại quân ra đánh Hung Nô, đuổi được họ về sa mạc Gobi nhưng cũng bị tổn thất nặng nề, có trận chết sạch cả chục vạn quân, Võ Đế lại sai người đi tìm mua các giống thiên mã và năm 138 trước TL đã sai Trương Khiên đi sứ mưu tính liên minh với nước Đại Nhục Chi (Yuezhi) để chống lại Hung Nô. Trương Khiên đã vượt hơn 3,000 km, mất khoảng 12 năm và có lúc đã bị Hung Nô cầm tù nhưng sau cùng cũng tới đích, nay là khoảng Afghanistan nhưng Võ Đế đã không còn tha thiết với chuyện này nữa. Dẫu sao, Trương Khiên đã đem về nhiều tin tức thu thập được trong chuyến viễn hành, đặc biệt là về giống „hãn huyết mã „của vùng Ferghana (người Trung Hoa gọi là Đại Uyển) ở Trung Á (Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan). Giống ngựa bị một loại ký sinh có tên là Parofiliaria multipupillosa khiến cho khi chaỵ nhanh mồ hôi toát ra có trộn lẫn máu. Theo mô tả, giống ngựa này chính là tổ tiên của giống Turanian và Akhal Teke ngày nay.

So sánh với những giống ngựa mà Trung Hoa có thời kỳ đó, giống ngựa Ferghana cao to hơn nhiều. Chính vì thế, một mặt Võ Đế muốn có những ngựa tốt dùng trong quân đội, mặt khác lại đi tìm thiên mã, thần mã mong được cưỡi lên núi Côn Lôn là nơi thần tiên cư ngụ ngõ hầu trường sinh bất tử. Ông sai đại tướng Lý Quảng Lợi đem 6.000 kỵ binh, 20.000 lính sang cướp ngựa. Tuy nhiên, chiến dịch này không thành công và chiến sĩ nhà Hán chết gần hết. Ba năm sau, ông lại sai Lý Quảng Lợi đem 60.000 quân với 30.000 con ngựa, dẫn theo một đoàn gia súc 100.000 con để làm thực phẩm. Lần này họ Lý đem về được 50 con Hãn huyết mã và khoảng 1.000 con ngựa giống khác

Cũng trong chiến dịch đánh Ferghana, Trương Khiên đã đi qua nước Ô Tôn (Wusun) là nơi cũng có nhiều ngựa tốt, lai giống giữa ngựa Ferghana với ngựa Mông Cổ. Nhà Hán sụp đổ đưa đến việc người Tiên Ti (Xianbei) xâm lăng, chiếm lấy miền bắc Trung Hoa. Người Tiên Ti cũng là một tộc Hung Nô thuộc sắc tộc Đột Quyết (Turk) rất thiện thuật ky. mã, đã xây dựng được một quốc gia hùng mạnh trên lưng ngựa

Ở đoạn văn trên, xin nói rõ về hai điểm:

1/ Ferghana mà người TH gọi là Đại Uyển là một thành phố ở phía đông nước Ouzbekistan, thuộc Trung Á, để dể định vị trí, nó ở phía bắc Afghanistan.

2/ Con kí sinh tên là: Parafilaria Multipapillosa chứ không phải là Parofiliaria Multipupillosa.

Có 2 giả thuyết giải thích vì sao có sự xuất huyết khi con ngựa Ferghana phi nước đại Theo GS về Trung Hoa học Victor Mair:

1/ Các vi mạch dưới da vỡ ra khi ngựa phi nước đại.

2/ Hoặc do các con kí sinh dạng ống (nematode) Parafilaria Multipapillosa tạo nên các u nhỏ rồi loét da mà chảy máu, không biết thuyết nào đúng. Nếu ngựa bị nhiễm con kí sinh này thì trị bằng IVERMECTIN , ngày nay được nhắc đến nhiều vì có tin đồn là thuốc chữa được covid 19?! nhưng FDA không chấp nhận.

Vậy thì Hãn Huyết Mã là con ngựa có thật, tồn tại cho đến ngày nay, là ngựa Akhal Téké. gốc từ Turmenistan, là biểu tượng của quốc gia này. tên nó do tên ốc đảo Akhal,thuộc bộ tộc Teke là địa danh và tên tộc người cư ngụ tại đây. Được coi là loài ngựa quí hiếm nhất thế giới, tốc độ chạy cực nhanh, khả năng chịu đựng dẻo dai, được thuần hoá khoảng 3.000 năm trước, nhập vào TH nhiều lần nhưng không sống được.

Có 12 đặc điểm về hình dạng:

3 thứ dài: cổ dài, tai dài, chân trước dài

3 thứ ngắn: lưng ngắn, xương đuôi ngắn, chân sau ngắn.

3 thứ rộng: trán rộng, ngực rộng, mông đùi rộng.

3 thứ thanh: da thanh, mắt thanh, móng thanh.

Hai bên hông sườn không thịt. Xin xem hình đinh kèm ở trên

 


Có một bức tượng đồng thau đời Đông Hán, đào được trong một phần mộ, gọi là thiên mã, Gansu Flying horse nay được lấy làm biểu tượng cho ngành du lịch TH, tạc hình một con ngựa, cái móng chân sau bên mặt đạp lên một con chim én đang bay, nên tượng được gọi là mã đạp phi yến. Các ông Tàu thì trí tưởng tượng vô cùng phong phú, dùng hình ảnh hết sức tài tình. Chữ phi mã này được một ông tổng trưởng kinh tế thời VNCH lúc vật giá leo thang hết mức ông dùng chữ lạm phát phi mã thật là hay.

 Nhưng nếu nhìn kỹ tượng mã đạp phi yến, thì không đúng 12 tiêu chuẩn của con ngựa Akhal Teke, vì nó mập lù, bị bịnh béo phì, tròn trịa, có lẽ dựa theo tiêu chuẩn đẹp của đời Hán Đường,mập chảy mỡ mới là đẹp như Dương Quý Phi, hoặc điêu khắc gia thời đó chưa bao giờ được thấy con ngựa Akhal Teke bằng xương bằng thịt.

Nhân đây, xin nói về chuyện một ông tỷ phú TH tên Chen Zifeng, đã bỏ ra 312M đô la US để mua và nhân giống ngựa Akhal Teke của Turkmenistan, đem về trại ngựa của ông ở Urumqui Tân Cương từ năm 2009 tới nay vị tỉ phú này có 300 Hãn huyết Mã, mục tiêu ông nhắm là 1.000 con trong vòng 8 năm tới. Cho tới nay, trên toàn thế giới chỉ có 8.000 HHM. Trên thế giới, trừ các con ngựa đã đoạt giải Derby Kentucky USA, Hãn Huyết Mã là con ngựa đắt giá nhất.

Tăng Quôc Kiệt 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.