Về những tỉnh có đồng, rừng, rộng và còn
hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp
thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long.
Vào mùa nước nổi, có khá nhiều du khách về
ĐBSCL để hòa mình với thiên nhiên sông nước, khám phá, tìm hiểu những đặc trưng
độc đáo của vùng đất phương Nam nhiều huyền thoại…
Mùa nước nổi thường vào đầu tháng 9 dương lịch,
bạn có thể ngược dòng sông Hậu lên chợ biên giới Khánh An, huyện An Phú (An
Giang) giáp với xã Pẹt Chạy, huyện Kor Thum, tỉnh Kandal, Campuchia. Khi nước
lên, vùng đất này có rất nhiều sản vật như cá linh, cá lóc, lươn, rùa, bông
điên điển… Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất với chúng tôi là "rắn"!.
Nhà thơ Trần Biên Thùy (Hội VHNT An Giang) là
"thổ địa" của vùng đất ven biên này đưa chúng tôi đi tham quan chợ rắn,
anh thuyết minh vài nét về loài bò sát tiêu biểu của ĐBSCL.
Rắn độc đầu hình tam giác, rắn lành đầu tròn
dẹt. Độc nhất là rắn mái gầm, mình khoang vàng, khoang đen. Ai chẳng may bị nó
cắn, trong chốc lát sẽ tươm máu chân lông. Phải garô, nằm im chờ kiếm thuốc đổ,
nếu giãy giụa hay di chuyển, nọc độc sẽ theo máu về tim làm đông đặc máu tim,
sôi đờm và chết ngay tức khắc!.
Hổ đất có khá nhiều ở đồng bằng, khi nó phùng
"bàn nạo" lên, trên đầu có hình mặt trăng khuyết, hai con mắt nó sáng
lạ lùng như muốn thôi miên con mồi hay địch thủ. Bị nó cắn, trong vài tiếng đồng
hồ nếu không chữa trị kịp sẽ tử vong ngay!.
Rắn lục đầu vồ, đuôi đỏ thường sống trên cây
rậm, loài này cắn trúng đâu, thịt sẽ hoại tử chỗ đó! Rắn ri voi không độc nhưng
lẹ và dữ. Người ta vẽ vòng tròn, cột nó ở giữa. Đố ai nhảy qua mà không bị nó
táp trúng. Nó cắn ai rồi thì bỏ nguyên hàm răng giống như những hạt tấm mẵn.
Rắn râu đen đúa, sống trong rong rêu dưới ao,
đìa. Ai bị nó cắn sẽ buồn ngủ và ngủ li bì, nếu không được đánh thức, thì người
bị cắn sẽ "ngủ" luôn. Rắn "mồ côi" sống trong ống tre, trắng
bợt, trong suốt, thuộc loại tuyệt độc. Rắn hổ hèo dài lê thê hàng mấy mét.
Rắn hổ ngựa khi di chuyển cất đầu như ngựa
phi. Rắn hổ lửa mình đen mốc thếch, cổ có khoang đỏ da cam, trông rất dữ. Rắn hổ
mây to như cột nhà, đi lướt trên ngọn cây. Trăn gấm, trăn mặt võng ngày xưa nhiều
lắm, mỗi lần chúng "hội" hàng mấy chục cặp, quần nhừ nhão, lầy lội cả
một vùng đất. Con nưa cực độc, nó giống hệt như trăn nhưng da mốc vàng và có
chín lỗ mũi!.
Chúng tôi xuống ghe "cà dom", một
loại ghe (thuyền) có lườn thon, mũi vút lên, đi trên đồng nước rất cơ động, loại
ghe có rất nhiều ở miệt Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự. Vượt qua sông Bình Di, là
ranh giới tự nhiên của Việt Nam và Campuchia ở xã Khánh An nơi đầu nguồn sông Hậu
(Bassac hay Ba-Thắc) ghe đi sâu vào rạch Prec-Chạy rồi trổ ra cánh đồng mênh
mông có cái tên rất ấn tượng là"Măng-Yú".
Đồng Măng Yú mùa nước nổi chỉ còn thấy những
cây gáo vàng lưa thưa giữa biển nước với vài ba con thuyền nhỏ nhoi của ngư dân
thả lưới, giăng câu mưu sinh trên đồng nước.
Anh Ba Khum, tài công người Khmer nói cho
chúng tôi biết, rắn lục tránh nước gom, tập trung trên những cây gáo rất nhiều.
Rắn trun, bông súng, hổ hành trốn trong cỏ, lục bình, trôi nổi liêu phiêu. Rắn
hổ đất, mái gầm tìm các gò cao trú ẩn. Nắm bắt quy luật ấy, các thợ săn rắn đã
tìm bắt khá dễ dàng loài bò sát này với những dụng cụ thô sơ như cuốc, len, thuổng,
kẹp, thòng lọng…
Đối với các loại rắn độc, họ thường có đem
thuốc giải dự phòng, nhưng không phải không có những trường hợp đáng tiếc
"sinh nghề, tử nghiệp". Thỉnh thoảng, vài năm có người bắt rắn bị rắn
cắn chết!.
Buổi sáng, khi mặt trời vừa ló dạng ở ven cây
mờ mờ của cánh đồng mênh mang nước. Chợ rắn phía sau trung tâm thương mại Khánh
An nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Nông, ngư dân người Việt, Khmer tấp nập ghe xuồng
ghe "giao hàng" là những túi, bao rắn đã được phân loại:
Rắn trun, bông súng, rắn nước, rắn râu đồng
giá 120.000/kg. Rắn hổ hành, hổ ngựa, hổ hèo đồng giá 140.000kg. Ri cá
150.000/kg. Ri voi 400.0000/kg, Rắn hổ đất 600.000/kg. Mái gầm 800.000/kg…
Anh Nguyễn Văn Tú - lái rắn ở chợ Khánh An
cho biết, vào mùa nước, mỗi ngày ở chợ này xuất đi Sài Gòn, Cần Thơ và các nơi
khác chừng 150kg rắn các loại (Ảnh: Xuân Nhi).
Rắn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khá nhiều.
Thịt rắn là món ẩm thực ngon, bổ, độc đáo qua nhiều cách chế biến dân dã và cầu
kỳ. Rắn mùa nước gặp phổ biến là rắn ri voi, ri cá, bông súng, rắn trun, rắn nước,
rắn hổ hành (không độc). Rắn hổ đất, mái gầm (độc) và rắn ri voi là các loại có
giá trị thương phẩm nhất, không phải lúc nào cũng có!.
Theo anh Nguyễn Văn Tú - lái rắn ở chợ Khánh
An cho biết, vào mùa nước, mỗi ngày ở chợ này xuất đi Sài Gòn, Cần Thơ và các
nơi khác chừng 150kg rắn các loại. Mỗi tháng trên 4 tấn rắn!.
Thường người ta bắt rắn bằng cách giăng lưới,
đào hang hoặc tìm đâm chúng bằng chĩa trong đám lùm, bụi cỏ. Hồi trước, cách
đây vài mươi năm, rùa rắn săn bắt được, người ta ít bán lắm! Chủ yếu để làm mồi
nhậu, món ăn đãi khách hoặc cho, biếu người thân quen.
Ngày nay, vì bị tàn sát để phục vụ cho ẩm thực
và làm thuốc (?) nên họ hàng nhà rắn đã ít đi rất nhiều và đứng trước nguy cơ
tuyệt chủng. Có lẽ một ngày nào đó, ĐBSCL sẽ không còn những loài động vật
hoang dã có thời rất phong phú trong thiên nhiên miền sông nước!.
Về những tỉnh có đồng, rừng, rộng và còn
hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp
thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài
rắn trun nướng lèo, khách còn có thể "đưa cay" với rắn bông súng nướng
mọi, rắn trun bằm xào lá cách, lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách, rắn
hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong, canh chua ba ba nấu
con mẻ, bắp chuối xiêm...
Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, bổ
thận, trị đau lưng nhức mỏi… Rắn trun, rắn bông súng, hổ hành, không nằm trong
danh sách các động vật hoang dã bị cấm nên du khách có thể tìm thưởng thức thoải
mái ở những nhà hàng đặc sản hoặc các quán ẩm thực bình dân có ở khắp ĐBSCL.
Đặng Xuân Nhi