Trang

08/02/2025

Hội bài chòi đầu xuân

 

Hồi nhỏ, cứ Tết về, bà dắt tôi đi bộ qua những cánh đồng, băng qua vài đụn cát và vài con mương để đến cầu ngói Thanh Toàn chơi hội bài chòi, hình như tôi không có ấn tượng về buổi chơi bài chòi bằng con đường bà dắt tôi đi. Lớn lên, làm dâu xứ Quảng, tôi cũng có vài lần được bà ngoại (chồng) dắt đi hội bài chòi, lúc này tôi sực nhớ tới bài chòi thời tôi còn bé ở quê nhà và ngẫm ra, trò chơi này biến tấu theo vùng miền, sắc thái cũng theo hơi đất, hơi người mà có, bài chòi Huế và bài chòi Quảng khác nhau một trời một vực…

Các chòi được cách tân theo kiểu hậu hiện đại

Bài chòi Huế

Bài chòi Huế khác xa so với bài chòi Quảng, nếu như bài chòi Quảng lý lơi, lả lướt và trắc ẩn bao nhiêu thì bài chòi Huế lại đơn điệu, nhạt và gây buồn ngủ bấy nhiêu, bài chòi Huế mang bóng dáng của thân phận cần lao, cuối đường hoặc một thứ gì đó ngoài rìa của những hoàng cung, điện ngọc cửa son … Ngay cả những nghệ nhân già của bài chòi Huế ở cầu ngói Thanh Toàn, khi nghe họ hô hát bài chòi, cảm giác sống lại ký ức tuổi thơ của tôi dâng trào, thế nhưng phải thừa nhận là đơn điệu quá. Như o Q., một nhà thơ dân gian sống bên cầu ngói Thanh Toàn, chia sẻ:

       Bài chòi Huế dựa vào sắc màu.

       Nghĩa là sao o?

       Các chòi ở Huế trang trí rất đẹp, rất bắt mắt, nghệ nhân hô bài chòi cũng ăn mặc chói lóa, xanh đỏ đủ màu, các thẻ bài và cờ, phướn cũng rất bắt mắt. Thế nhưng người hô bài chòi thì chỉ hô thôi, khác với nơi khác.

Phát thẻ bài chòi

       Vậy theo o, cái khác rõ nét là gì?

       Ở xứ khác người ta có hô hát bài chòi, tức hô con bài và hát những bài diễn xướng để tạo không khí mùa xuân, trong các bài diễn xướng này chở thân phận, thời thế và nó gồm cả ca ngợi hay than thân trách phận con người trước thời cuộc. Còn ở Huế, trước đây cũng có hô hát bài chòi, bây giờ chỉ còn hô bài chòi thôi.

       Theo o, việc chấm dứt hô hát bài chòi, chỉ dành lại phần hô bài chòi này bắt đầu từ bao giờ?

       Cái này, nếu nói bắt đầu, có lẽ từ Tết Mậu Thân – 1968, từ đó cho đến những ngày sau 1975, việc hát chỉ còn hô, mà chính xác hơn là bỏ toàn bộ phần diễn xướng, chỉ còn hô con bài lên cho đỡ nhớ thôi!

Nhận cờ và giải thưởng

       Theo o thì do đâu mà có chuyện dừng hát?

       Những ngày sau Tết Mậu Thân 1968, dường như chẳng ai còn dám nhắc tới nỗi đau này, nó kinh hoàng quá. Mà bài chòi Huế nếu hô hát thì những câu chuyện thời sự, những vui buồn diễn ra đều được diễn xướng trong dịp này. Chuyện như vậy, người ta không dám diễn xướng, và từ đó, việc diễn xướng trong hô hát bài chòi mất hẳn. Sau 1975, việc này càng bị mất dấu bởi các nghệ nhân ngại đụng chạm. Thời đó, dễ bị chụp mũ. Ngay cả những người in tranh bán ở làng tranh Làng Sình cũng bỏ nghề, không dám hó hé. Dường như mọi thứ đều mất dấu. Đến bây giờ, thói quen diễn xướng trong hô hát bài chòi hoàn toàn biến mất, các nghệ nhân già mệt mỏi, họ chỉ hô cho có mà chơi cho hết hội, kiếm chút tiền Tết …

 

Các thẻ bài trúng thưởng của mỗi hội, thường mỗi đêm diễn ra từ 10 đến 15 hội

Bài chòi Quảng Nam

Khác với bài chòi Huế, bài chòi xứ Quảng lại rất phong phú, tràn ngập thanh âm của lý lơi, dân gian, đồng dao trong mỗi hội. Như lời của anh Nhuận, một nghệ nhân hô hát bài chòi ở Quảng Nam cho biết:

       Bài chòi chỉ hô mà không hát thì nó thành chiếu bạc, bài chòi chỉ hát mà không hô thì nó thành sân khấu tuồng. Bài chòi mang lý âm dương, hô và hát như âm với dương. Thậm chí người ta dùng việc hô hát bài chòi để đoán định năm tốt xấu được đó.

       Nghe có vẻ hấp dẫn, anh có thể giải thích thêm tí được không?

Cờ dành cho người trúng thưởng, đúng 3 thẻ ứng với 3 con trên tấm thẻ lớn của người chơi thì được một cờ

       Trong bài chòi, thường có 8 chòi, tượng trưng cho 8 quẻ, Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. 8 chòi, 8 quẻ này mang màu sắc ngũ hành của nó, gồm xanh, thuộc hành Mộc, đóng ở phía đông, đen, thuộc hành Thủy, đóng ở phía bắc, đỏ, thuộc hành Hỏa, đóng ở phía nam, trắng thuộc hành Kim đóng ở phía tây. Cứ hai chòi đóng một màu, ở giữa có chòi trung tâm màu vàng, thuộc hành Thổ, trung tâm. 9 chòi cũng là tượng trưng cho cửu trùng – bát quái.

       Nhưng anh vẫn nói gì về lý âm dương?

       À, ví dụ năm đó vui, trong hội bài chòi, người ta rút ra toàn những con vui, con bạch tuyết, con thái tử, con vua… những năm không vui, người ta rút toàn những con như lá liễu, ba bệnh, trộm… Tôi còn nhớ cái năm trước dịch Covid-19, năm đó tôi hô hát bài chòi liên tục 7 ngày 7 đêm mà thấy hội nào cũng ra toàn con ba bệnh rồi cái thẻ có ba bệnh lại tới, lãnh thưởng. Các bài diễn xướng của tôi cũng tự dưng cứ buồn buồn làm sao, mình có cố vui cũng không vui được, cái này nó do linh cảm hay thứ gì đó chứ mình không tự bịa ra được. Vậy đó, mình không tin không được, năm đó dịch giã, chết chóc, đủ thứ hết …

Thu hồi thẻ không trúng thưởng

       Mấy năm gần đây anh hô hát ra những con gì?

       Thường thì ra những con cũng không vui mấy, nên 2 năm nay tôi quyết định bỏ, không hô hát bài chòi nữa. Thực ra hô hát bài chòi chỉ để thỏa cái tình của mình với ngày Tết, mà cũng vì đam mê nữa, chứ nó chẳng có gì thú vị nếu như xét về mặt kinh tế, kiếm vài đồng lẻ thôi. Nhưng nó cũng giống như hát tuồng vậy, hễ đã có máu nghề rồi thì cứ đến mùa xuân lại nghe âm vang trong đầu, trong ngực, không hô, không hát là bứt rứt, chịu không nổi chị ạ!

Còn nói để kiếm tiền nhờ hô hát bài chòi thì chẳng đáng gì đâu.

       Hiện tại, các nghệ nhân hát tuồng có sống được không, vì tôi thấy vẫn có một số người cũng tham gia hô hát bài chòi dịp Tết?

       Hầu hết các nghệ sĩ, nghệ nhân hát tuồng bây giờ đi làm ông công đám tang, tức tổng nội và tổng ngoại đó, họ di chuyển từ sân khấu sang đầu roi, tức sang chỗ đầu và đuôi quan tài. Và đứng đó múa may, hát cung tiễn người quá cố. Đó là những ngày thường, còn trong dịp Tết, có vài đoàn còn đủ anh em, đạo cụ thì đi hát thuê ở một nơi nào đó để kiếm tiền tiêu Tết, chẳng mấy đồng đâu, hát do đam mê cả! Còn những người không còn đủ hội đoàn anh em thì họ chuyển sang hô hát bài chòi.

       Anh có nghĩ đến một lúc nào đó, hô hát bài chòi sẽ bị lai chạ, không còn chất gốc?

       Chuyện đó thì chắc rồi chị ơi! Nhưng cái thời cơm áo gạo tiền khó khăn, đời sống chật chội và ngột ngạt, người ta phải chấp nhận mọi thứ để sống.

Tết đang về, tiếng hô hát bài chòi mải miết theo gió trời rong chơi, qua những đám ruộng mạ, qua những bờ cá lúa xanh, qua những con mương róc rách, qua những nẻo giao lộ heo hút, bất định của đời sống. Chưa biết khi nào một sinh hoạt văn hóa cổ truyền đẹp như vậy được hồi sinh đúng nghĩa?

UC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.