Trang

07/02/2025

Come From Away

 Khó thể tưởng tượng vụ khủng bố 9/11 năm 2001 lại được dùng làm bối cảnh cho một vở ca nhạc kịch đầy những tràng cười vỡ rạp. Nhưng ‘Come From Away’ không những đem lại cho người xem những giây phút sảng khoái, nó còn khiến khán giả đôi khi phải sững sờ im lặng, và không ít người có lúc phải chậm nước mắt. Có thể nói đây là một vở nhạc kịch ai coi cũng hiểu, cũng thấm.



Ảnh: Sara Krulwich/NYT

Được soạn bởi cặp vợ chồng người Canada – Irene Sankoff và David Hein, cốt truyện xoay quanh một ngôi làng tên Gander ở bang Newfoundland, Canada, dân số khoảng 9,000 người. Thuở xưa, trước khi máy bay có thể bay thẳng từ Âu Châu sang Mỹ, Newfoundland là điểm trung chuyển đầu tiên để tiếp nhiên liệu, vì vậy Gander International Airport có một thời từng là phi trường lớn nhất Bắc Mỹ. Nhưng giờ nó chỉ đón chừng nửa chục chuyến bay mỗi ngày. Cho đến một ngày tháng Chín năm 2011, dân số Gander bỗng tăng lên gần gấp đôi, và tất cả mọi người dồn hết nỗ lực vào việc đón nhận những vị khách bất đắc dĩ.

Ảnh: Instagram

Như ta biết, ngay sau khi cuộc tấn công diễn ra, mọi chuyến bay vào New York City đều bị cấm. Tổng cộng 38 chuyến bay đến từ Âu Châu buộc phải đáp xuống Gander, với gần 7,000 hành khách. Hầu hết đều không biết chuyện gì đã xảy ra, vì thời đó rất ít người có điện thoại di động có khả năng gọi liên lục địa. Họ mắc kẹt trên phi cơ hai mươi mấy tiếng đồng hồ.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, chính quyền Gander và các khu vực lân cận liền bắt tay vào việc chuẩn bị tiếp đón. Các trường học và trung tâm Salvation Army được lập tức biến thành chỗ tạm trú. Xe bus của trường được trưng dụng để chuyên chở mọi người tới lui. Sở cảnh sát và cứu hoả cũng lập tức nhập cuộc.

Một trong những cái hay của ‘Come From Away’ là kịch bản dựa hoàn toàn vào những câu chuyện có thật, do người dân trong vùng và một số hành khách kể lại cho hai nhà soạn giả khi có cuộc hội ngộ tại Gander kỷ niệm 10 năm. Có nhiều chi tiết rất bình thường, nhưng khi đặt trong tình huống bất ngờ bỗng trở thành chất liệu hài hước. Chẳng hạn như dân làng phải đi lùng sục, gom góp hết các chợ để kiếm đủ … băng vệ sinh cho phụ nữ! Chưa kể nào là tã sữa cho các em bé, rồi thì thực phẩm để nuôi mấy ngàn miệng ăn cộng thêm vài con chim và hai chú khỉ, trong một khoảng thời gian vô hạn định vì lúc bấy giờ không ai biết tình trạng bất di dịch sẽ kéo dài bao lâu.

Ảnh: Broadway Dallas

Một điểm độc đáo nữa là mỗi diễn viên phải đóng nhiều vai. Khi thì làm hành khách, lúc thì là dân làng. Khi phải nói giọng Đức, lúc thì giả giọng Canadian. Gần như không ai là nhân vật chính, mọi người đều có những câu chuyện riêng để kể, góp phần dệt nên một bức tranh đầy màu sắc với nhiều thành phần xã hội. Ngoài người Mỹ còn có người đến từ Phi Châu, Á Châu, Âu Châu… Có người đồng tính, người Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Công Giáo… Già trẻ bé lớn, cao gầy mập thấp, giàu nghèo đủ kiểu. Bi hài nhất có lẽ là nhân vật Ali, người Trung Đông, là một đầu bếp giỏi nhưng không được phép phụ giúp nấu ăn vì mọi người đều … sợ anh ta!

Ảnh: Broadway Dallas

Đáng nhớ nhất và vui nhộn nhất có lẽ là màn các hành khách đến một cái bar trong làng để ăn uống, nhậu nhẹt. Trong bar có sẵn một ban nhạc “cây nhà lá vườn”. Thế là mọi người được tha hồ hát hò nhảy nhót để xả xì-trét sau mấy ngày căng thẳng. Họ được thưởng thức những món đặc sản như rượu whisky Canadian, thịt hươu, đặc biệt là truyền thống hôn con cá hồi để trở thành “công dân Gander.” Trong buổi party, hai du khách bất đắc dĩ còn tình cờ trở thành tình nhân và sau này có quay lại Gander trong buổi họp mặt thập niên.

Ảnh: Sara Krulwich/NYT

Newfoundland là nơi có cộng đồng di dân Irish lớn nhất thế giới, nên âm nhạc của vở này cũng độc đáo không kém, với những nhạc cụ của người Irish như trống Bodhran (phải), đàn cò fiddle (giữa), sáo whistle (trên, giữa), cùng các loại đàn dân dã khác như Accordion (phải), mandolin (trên, trái). Đặc biệt ban nhạc còn có một tay đàn guitar người Việt tên Tonie Nguyễn (trái). Các nhà soạn giả và đạo diễn đã lồng thật tài tình một ban nhạc sống vào giữa một vở kịch thuộc dạng drama, tạo nên bầu không khí tươi vui trong một hoàn cảnh không thể nào căng thẳng hơn, về một sự kiện cực kỳ nghiêm trọng vô tiền khoáng hậu. Thảo nào vở này được đề cử mấy chục giải thưởng khác nhau, và thắng cũng không ít.

Ảnh: Broadway Dallas

Đây là lần thứ ba ‘Come From Away’ đến Dallas, nhưng là lần đầu được diễn tại rạp Winspear Opera House thay vì rạp Fairpark Music Hall. Tuy Winspear nhỏ hơn nhưng không khí ấm cúng lại thích hợp hơn với câu chuyện thấm đẫm tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn. Khán giả ngồi chật rạp, khi ra về ai nấy đều có vẻ đăm chiêu trộn lẫn những nụ cười mỉm một cách thoải mái nhưng kín đáo. Ít thấy người nào cười nói hể hả như nhiều vở nhạc kịch khác. ‘Come From Away’ làm người viết mơ ước một ngày nào đó sẽ có một vở nhạc kịch về thuyền nhân, kể từ góc nhìn của người Việt, với nhạc cụ dân tộc. Có khó quá không?

Winspear Opera House

 (LanBui/TRẺ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.