Trang

31/10/2016

Halloween ở Mỹ

Những ngày đầu tới Mỹ, có lần tôi được cô em đưa đi chợ. Quang cảnh trong chợ làm tôi ngạc nhiên! Kẹo, toàn là kẹo! Đủ loại, đủ màu sắc. Tôi nghĩ thầm: Mỹ ăn kẹo dữ hả, hèn chi ông bà nào cũng cao lớn mập mạp! Mùi chocolate thơm thoang thoảng, tôi muốn mua mà không thấy người bán đâu hết. Khi đi dạo đi vòng trong chơ, tôi đã thắc mắc, sao chỉ thấy toàn người mua, họ tự động bỏ món mình cần vô xe đẩy tiếp, không hỏi ai hết, nhiều món coi đã rồi quăng đại đâu đó, không sắp lại ngay ngắn cho người ta mà cũng không bị ai mắng chửi như ở Việt Nam, chủ tiệm đâu mất tiêu rồi?

Đến một khu vực khác, ơ kìa, sao toàn mặt nạ đủ hình thù quái dị, áo quần cũng kỳ lạ không kém. Tôi thấy người ta lựa nhiều lắm, nhất là cho trẻ con. Mấy đứa nhỏ tíu ta tíu tít nói nói cười cười, dễ thương làm sao....
Đi một vòng nữa, lúc này, em tôi mới dẫn tôi tới quày trả tiền. À, thì ra là vậy! Công nhận xứ văn mình có khác... mua thì tự chọn lấy, ra ngoài tính tiền, giá cả đâu ra đó không sợ nói thách, mua hớ!

Ra khỏi chợ, mặt trời vẫn chói chang, tôi ngạc nhiên, hỏi em tôi:
- Mấy giờ rồi? Hồi nãy mình rời nhà gần 7 giờ, đi thiệt lâu mà sao trời vẫn còn sáng trưng?
Khánh nói:
- Chín giờ rồi, mùa hè mặt trời lặn trễ lắm...

Không bao lâu sau đã là một ngày cuối tháng Mười, mới 6 giờ chiều, ngoài trời đã tối om! Anh Thọ nói hôm nay lễ Halloween, tối nay sẽ có nhiều trẻ em đi xin kẹo. Anh đã mua sẵn một bịch thật to.
Độ một giờ sau, có tiếng gõ cửa, anh Thọ mở cửa ra, tôi hết hồn vì một đám năm bảy người, lớn nhỏ, trai có, gái có... ăn mặc thấy ghê quá, người thì đeo nguyên một cái đầu lâu, kẻ mặc nguyên bộ đồ đen, mặt mày vẻ trông thiệt ghê rợn. Mấy đứa nhỏ cũng không khác gì, tay cầm một quả bí màu cam, miệng nói, “Trick-or-Treat!” (Bị Ghẹo hay Tiếp đãi - bằng cách cho kẹo - ngụ ý dọa vui kiểu con nít).
Anh Thọ lấy kẹo bỏ vô trái bí, mấy em nhỏ nhận kẹo, cảm ơn rồi tiếp tục sang nhà khác. Tôi hỏi anh lễ gì mà thấy ghê quá vậy, thì anh giải thích, đây là một lễ truyền thống của Mỹ, ngày này người lớn, con nít đều hoá trang thành những hình thù quái dị tay cầm quả bí đi từng nhà xin kẹo. Mấy ngày trước, tôi đi chợ, nhà nào cũng trang trí trước sân những tượng, hình, ma quái, thậm chí, có nhà còn làm một cái nghĩa địa ngay trong sân nhà, tôi cứ thắc mắc, cái xứ gì mà quái lạ, trước nhà mà rinh mồ mả để đầy...
À thì ra là Halloween! Giờ thì tôi đã hiểu tại sao ngày đầu tiên đi chợ ở đây, tôi thấy cả một khu bán loại đồ này và kẹo thì quá trời quá đất, làm tôi nghĩ người Mỹ ăn kẹo quá nên ai nấy đều mập và cao lớn! Đúng là Tư Ếch đi Mỹ!

Thời ấy, thành phố nơi tôi đến định cư có rất ít người Việt Nam cư ngụ, chưa có chùa, chưa có những cộng đồng người Việt Quốc gia. Do đó, mỗi năm, vào ngày 31 tháng 10, tôi cũng mua mấy bộ costumes cho Khương và Bình mặc đi xin kẹo.
Ngày lễ ma quỉ này vui lắm, mặc dù có những người hoá trang trông thật dữ dằn nhưng họ không hại ai hết, họ là những con quỷ dễ thương, miệng nhe nanh với màu son đỏ như máu nhưng vẫn có nụ cười hiền hoà, ánh mắt vui vẻ khi nhận những viên kẹo của người ta, còn biết nói cám ơn rất lịch sự.

Có một năm, cũng vào ngày lễ này, tôi đưa các con tôi đến Central Mall, một khu buôn bán lớn nhất của thành phố; bỗng tôi thấy một cô gái Mỹ khoảng 20 tuổi, mặc một bộ đồ sát thân người bằng ren mỏng dính, thấy hết bên trong. Mọi người bu quanh cô ta, nhất là đám thanh niên trẻ, cứ cười và đi theo một bên, còn cô nàng thì tỉnh queo! Thiệt hết biết!
Thình lình, hai anh chàng cảnh sát cao lớn, đi tới trước mặt cô gái, nói gì đó, xong 2 anh chàng kè cô nàng ra khỏi Mall. Tôi biết là cho dù xứ này văn minh cỡ nào đi nữa, cho dù lễ này mọi người có quyền hoá trang thế nào cũng được nhưng vẫn ở trong một giới hạn, không thể tuỳ tiện!

Ngày Halloween năm nay sắp đến, những gương mặt quỷ hiền hoà dễ thương sẽ xuất hiện trên khắp nẻo đường, trẻ con vẫn nôn nao chờ đón...

Mừng đón Halloween đang tới, xin cầu nguyện cho thế giới hoà bình, cho nước Mỹ an lành, sẽ không còn bọn khủng bố trên đời này, để trên những gương mặt quỷ trong ngày Halloween của tôi mãi mãi vẫn hiền hoà, miệng nói: TRICK OR TREAT với nụ cười rạng rỡ khi đón nhận vài viên kẹo ngọt ngào!

Fort Smith, Tháng 10, 2016.


Người Đẹp MOTUL







Photo by Fatasa

29/10/2016

Vui Cuối tuần



Thay đổi quá nhiều từ khi bạn gái có thai
Một anh chàng tìm đến phòng khám tâm lý than vãn với bác sĩ:
– Thưa bác sĩ, mọi thứ trong cuộc sống của tôi thay đổi quá nhiều và nhanh chóng, tôi cảm thấy vô cùng khó khăn để thích nghi được với điều đó.
Bác sĩ ôn tồn hỏi:
– Vấn đề đó đến từ khi nào?
– Từ khi bạn gái tôi có thai.
– Tôi nghĩ việc làm bố là một bước ngoặt lớn của cuộc đời, có nhiều thay đổi là chuyện tất nhiên. Nhưng hãy nói cho tôi nghe cụ thể anh đã trải qua những thay đổi gì?
Anh chàng thở dài:
– Đổi chỗ ở, nơi làm việc và cả số điện thoại nữa.

Cô bạn gái chung thủy
Đôi tình nhân đang đi chơi vui vẻ, đột nhiên chàng trai hỏi cô gái:
– Nếu một ngày anh trở nên nghèo túng, em có rời xa anh không?
Cô bạn gái đáp:
– Anh nói gì kỳ vậy? Đương nhiên là không rồi!
Chàng trai hạnh phúc nói:
– Ôi, em thật tuyệt vời!
Cô bạn gái lại nói tiếp:
– Anh nói cứ như là bây giờ anh không nghèo túng ấy!
– !!!



Trả tiền đểu
Ông chồng đi tắm sau khi vợ vừa mới tắm xong, đúng lúc chuông cửa reo.
Vợ vội quấn khăn tắm vào và chạy xuống mở cửa. Cửa mở thì ra là ông hàng xóm Bob. Chị vợ chưa kịp nói gì thì Bob bảo:
– Tôi sẽ cho chị 800 đô nếu chị buông cái khăn tắm kia ra.
Suy nghĩ 1 chút rồi chị vợ buông khăn tắm, đứng trần truồng trước mặt Bob. Sau vài giây ngắm nghía, Bob đưa 800 đô cho chị vợ rồi đi.
Chị vợ quấn lại khăn tắm vào người rồi đi lên nhà.
Vào đến phòng tắm, chồng hỏi: “Ai đấy em?“
– Vợ: “ông Bob hàng xóm.“
– Chồng: “Tốt. thế hắn có nói gì đến số tiền 800 đô hắn nợ anh không?“

Bình thơ
Hôm bữa, ngồi uống nước ở một quán gần trường học. Nghe mấy đứa học trò vừa thi Văn trong trường ra bàn tán về việc bình luận bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm như vầy:
Ông viết: “Thu ăn măng trúc, Ðông ăn giá / Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao…”
Ðiều đó chứng tỏ ổng ăn uống thiếu điều độ và mất vệ sinh. Nửa năm trời chỉ có ăn, không tắm. Nửa năm sau mới chịu tắm, thì lại không ăn!
Trời, sao mà “hậu sinh khả úy” như vậy chớ! Hồi xưa mình đâu nghĩ ra nổi chuyện này đâu!

Giỏi Thơ Văn
Bốn người khách vốn thuộc hạng văn thi sĩ ... vào một quán nhậu. Trong khi chọn món ăn, cô hầu bàn đến cười duyên :
-“Em rót bia cho mấy anh nhé?”
Anh A liền tán :
-“Xin lỗi, em mỹ danh là gì, ở đâu ?”
Cô cười dịu dàng:
-“Hỏi quê… rằng biển xanh dâu,
 Hỏi tên… rằng mộng ban đầu đã xa”.
Anh B vỗ đùi:
-“Úi chà ! Giỏi thơ thiệt ! Tuyệt vời. Rót bia đi”.
-“Dạ . Cảm ơn quí anh”.
Anh C đon đả :
-“Lấy thêm ly. mời Em cùng ngồi uống cho vui”.
-“Dạ”.
Thế là bàn có một bông hồng giữa đám sỏi đá.
Anh D mời tất cả cụng ly :
-“Coi bộ em giỏi thơ văn nhỉ !”.
Cô cười rất duyên :
-“Em cũng học mót chút ít để góp chuyện cho vui mà.Quí anh không thấy phiền chứ ? Chắc quí anh giỏi văn thơ lắm thì phải?”
Anh A xoa bụng, ưỡn ngực :
-“Cũng đủ xài. Ai hỏi gì nói nấy. Nhất là lãnh vực văn học. Không bao giờ bị kẹt”.
-“Thế là quá giỏi rồi. Vậy, em đố các anh về lĩnh vực văn học nhé?”
Cả bàn nhốn nháo hẳn lên, vui như cá gặp nước. Họ là nhà giáo, nhà thơ , nhà văn cả … hớn hở cụng ly chờ đợi cuộc vui .
Cô gái cười, cất giọng oanh vàng :
-“Nếu có một ông khỏa thân” (trần truồng) cõng một ông cũng khỏa thân… Câu tục ngữ nào tả được cảnh này ?”.
Bốn vị khách  không tìm ra câu tục ngữ nói về trường hợp hy hữu 
này …
Anh C thẳng thắn :
-“Chúng tôi thua. Cô giảng đi.
Cô bình tĩnh giải thích:
-Này, một ông khỏa thân, cõng trên lưng một ông cũng khỏa thân… Lúc ấy sẽ có tình trạng mà tục ngữ nói: “Gậy ông đập lưng ông”.
-“Úi trời! Ðúng quá”
Cả bàn cười rộ .  Vừa rót thêm bia, cô vừa đố tiếp:
-“Cũng cái ông khỏa thân ấy, ông ta nhảy tõm xuống ao, tục ngữ nói sao nào?”
Bốn vị khách  lại bí … Họ lại yêu cầu cô giải đáp.
Cô cười tủm tỉm :
-“Ông khỏa thân mà nhảy xuống ao sẽ gây nên cảnh: “Chim sa cá lặn”.
Cả bàn cười vang như pháo tết.
-“ Úi trời ! Ðúng quá đi. Cá trông thấy chim hãi quá phải lặn là cái chắc !”
Thừa thắng xông lên, cô ta đố tiếp: 
-“Thưa quí anh, cũng cái ông khỏa thân ấy, ông ta ngồi lên hòn đá, tục ngữ bảo sao nào ?”
Bốn khuôn mặt thông minh kia lại đờ đẫn. Cô gái thong thả giải thích :
-“Ông khỏa thân ngồi lên hòn đá, lúc ấy tục ngữ phán rằng: “Trứng chọi đá !”
Cả bàn cười vang.
Ông D  hăm hở :
-“Ðúng quá đi chớ . Trứng này không bể được ! Còn nữa không ?
Cô gái tiếp :
-Cũng cái ông khỏa thân đó nữa, nay lại ngồi bệt xuống đất không chịu đứng dậy thì theo «tục ngữ» các ông nói sao ?
Bốn khuôn mặt sáng láng trông thật thảm thương, bí rị.
Cô gái tiếp :
-Cái ông khỏa thân ngồi bệt xuống đất diễn ra cảnh mà «tục ngữ» gọi là «Ðất lành chim đậu» . Ðúng chưa ?
Cả bọn cười vang...
ST