Vũ khí nhiệt áp của Quân đội Nga tại triển lãm quốc phòng
ngày 25/8/2021.
Những cáo buộc rằng Nga có thể đang sử dụng vũ khí nhiệt áp
ở Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về khả năng tàn phá có thể xảy ra từ các cuộc
tấn công bằng cái gọi là bom chân không.
Oksana Markarova, đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội Nga đã sử dụng một quả bom chân không hút oxy từ không khí để kích hoạt một vụ nổ lớn. Markarova không cung cấp thêm thông tin chi tiết và NBC News chưa xác minh độc lập rằng vũ khí này có được sử dụng ở Ukraine hay không, nhưng các bệ phóng tên lửa nhiệt áp của Nga đã được một nhóm phóng viên CNN chụp ảnh khi tiến vào quốc gia này.
Dàn phóng "bom chân không" nhiệt áp của Nga được
nhóm CNN nhìn thấy ở Ukraine
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, R-Fla., Đảng viên Cộng hòa hàng
đầu trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, đã tweet hôm thứ Bảy rằng Nga đã triển
khai các phương tiện có vũ khí nhiệt áp. Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu
tên xác nhận rằng Mỹ đánh giá rằng Nga đã triển khai các dàn phóng có thể được
sử dụng cho vũ khí nhiệt áp, nhưng không thể xác nhận liệu các đầu đạn đó có
trong dàn phóng hay không.
Cáo buộc này làm gia tăng lo ngại của một số tổ chức nhân
quyền, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, rằng Nga
đang tiến hành các cuộc tấn công bừa bãi vào các khu vực đông dân cư có thể cấu
thành tội ác chiến tranh.
Một vụ nổ bom kinh hoàng trong cuộc tập trận chiến lược
Caucasus 2016. (Sergei Savostyanov / TASS via Getty Images)
Khả năng sử dụng bom chân không là mối quan tâm đặc biệt vì
những loại bom nhiệt hạch này được thiết kế để gây ra sự hủy diệt to lớn.
David Johnson, một đại tá quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là
nhà nghiên cứu chính tại RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu chính sách
phi lợi nhuận có trụ sở tại California cho biết: “Đó đúng là một vũ khí khủng
khiếp, có sức tàn phá lớn.”
Bom chân không là gì?
Vũ khí nhiệt áp, hay bom chân không, là một loại bom hai tầng
tạo ra sức nổ cực lớn. Được phóng bằng tên lửa hoặc đạn pháo, vụ nổ đầu tiên
bung rãi ra một đám sương chất hóa học giống như xăng phun sương khắp khu vực.
Lần nổ tiếp theo bung lửa đốt cháy đám sương hóa học đó, tạo ra một vụ nổ lớn,
với áp suất cao, hút cạn oxy trong không khí quanh vùng tạo ra chân không khiến
sinh vật nơi đó không thể sống sót.
Johnson cho biết các loại bom đạn nhiệt áp đôi khi được gọi
là "vũ khí hạt nhân của kẻ nghèo nàn", vì chúng có thể tiêu diệt bất
kỳ con người nào trong vùng lân cận. Nạn nhân có thể bị giết bởi vụ nổ hoặc làn
sóng xung kích đi kèm, và sự chân không của không khí tiếp theo (do oxy bị hút
hết) có thể làm vỡ phổi của mọi người.
Loại vũ khí nhiệt áp từng được phát hiện trong các đoàn xe
của Nga bên trong Ukraine được biết đến với tên gọi "bệ phóng tên lửa đa
năng TOS-1A". Nó có tầm bắn khoảng 2,5 dặm và bán kính vụ nổ rộng khoảng
1.000 bộ, “Mọi vật trong vùng bom nổ sẽ bốc hơi,” Johnson nói.
Chúng đã được sử dụng trước đây chưa?
Những loại vũ khí nhiệt áp này đã được phát triển từ những
năm 1970. Chúng được quân đội Nga sử dụng ở Chechnya vào những năm 1990 và
Johnson cho biết có một số bằng chứng cho thấy bom chân không đã được quân
chính phủ Syria và các đồng minh Nga của họ triển khai vào năm 2016 ở Aleppo. Lực
lượng Hoa Kỳ cũng đã sử dụng vũ khí nhiệt áp ở Afghanistan vào năm 2017 để phá
hủy các khu phức hợp hang động và đường hầm, Johnson nói.
Các loại vũ khí này đôi khi được đặt cho biệt danh là
"phá hầm trú ẩn" vì chúng có thể phá hủy các bức tường chắn phòng thủ
một cách hiệu quả.
“Nếu bạn đang tiến gần cách mục tiêu chừng 4 km, bạn có thể
phóng không chỉ một mà hàng chục quả đạn áp nhiệt là xuyên thủng được vị trí
phòng thủ của đối phương,” Johnson nói.
"Mặc dù ban đầu chúng không được thiết kế để sử dụng ở
các khu vực đô thị, nhưng bom chân không có thể gây chết chóc, đặc biệt nếu bắn
vào các khu cao ốc chung cư và các khu vực đông dân cư khác", ông nói thêm.
Johnson nói: “Bạn có thể tưởng tượng nếu thứ này được nổ
bên trong một không gian kín - thì sẽ không có gì tồn tại được bên trong không
gian đó. Nếu bạn không chết ngay lập tức, áp lực sẽ làm vỡ các cơ quan nội tạng
của bạn. Nó thực sự khủng khiếp.”
Những vũ khí này nguy hiểm như thế
nào?
Bất chấp sự tàn phá kinh hoàng mà các loại bom, đạn nhiệt
áp có thể gây ra, không có luật nào cấm sử dụng chúng trong chiến tranh, mặc dù
chúng bị các tổ chức phi chính phủ lên án rộng rãi. Tuy nhiên, việc sử dụng những
vũ khí như vậy để chống lại dân thường bị Công ước Geneva cấm và có thể cấu
thành tội ác chiến tranh.
“Nó giống như bom neutron: Không có lệnh cấm nào đối với
nó, nhưng mọi người đều nhận ra nó khủng khiếp như thế nào và họ không muốn điều
đó,” Johnson nói.
Mặc dù không rõ liệu các lực lượng Nga đã sử dụng bom chân
không ở Ukraine hay chưa, Johnson nói rằng ông lo ngại đó chỉ là vấn đề thời
gian.
“Tôi không nghi ngờ gì về việc họ sẽ sử dụng chúng,” ông
nói. “Họ đưa những vũ khí này đến đó vì chúng có lợi ích trong hành quân và chiến
đấu. Tại một số thời điểm, người Nga sẽ đụng độ với thứ gì đó, cho dù đó là ở một
trong các thành phố hay một vị trí phòng thủ, và đó sẽ là vũ khí mà họ lựa chọn
để tấn công.”
Tác giả : Denise Chow & Courtney Kube
Nguồn: NBC News
chi phí cho chiến tranh rất lớn
Trả lờiXóa