Trang

30/01/2024

ĐỢI ĐẾN BAO GIỜ


 Ai thì cũng đến phiên thôi

Tay xuôi mắt nhắm xong rồi là xong

Cậy chi bạc nén vàng ròng

Khi đi ai đã một đồng đem theo

Cũng đừng trách khó than nghèo

Cuối cùng, cũng tựa bọt bèo thế gian!

Hồn kia rời khỏi xác phàm

Còn chi tài giỏi giàu sang thấp hèn

Còn chăng, thế tục bon chen

Ma chay khóc lóc chê khen thói đời

Chết là xong một kiếp người

Như nhau, cát bụi là nơi trở về

Khác nhau là giữa bến mê

Trầm luân có vượt nhiêu khê của đời

Thanh cao giữ đạo làm người

Thẳng ngay, đôn hậu, nói lời gấm hoa

Hay chi khẩu Phật tâm xà

Sân si ôm nghiệp ta bà vào thân

Đảo điên lạc hãm tinh thần

Vướng vòng hệ lụy thế nhân cõi đời

Nếu mình cao quí, tuyệt vời

Thì nên thương cảm cho người không may

Khoe chi mình tốt mình hay

Rồi đi ngậm máu phun đầy người ta

Nhân lành, quả tốt sinh ra

Cây mà sâu đục trái là chẳng ngon!

"Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"

Không tu, đợi đến bao giờ???

Ngô Minh Hằng

29/01/2024

Đám cưới của tỷ phú Ấn Độ tại Đà Nẵng xa hoa thế nào?

 Hàng chục cặp đôi tỷ phú Ấn Độ đã tới Đà Nẵng tổ chức đám cưới trong những năm gần đây. Đầu năm 2024, có 6 cặp đôi đăng ký “mở hàng”. Đây là thị trường khách rất chịu chi, mang lại nguồn thu lớn cho Đà Nẵng. Vậy tiệc cưới của tỷ phú Ấn Độ xa hoa ra sao?

Đám cưới của cặp đôi Tuisha Seksaria và Gaurav Palrecha tại một khách sạn

Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng - cho hay, tiệc cưới của những thị trường khách quốc tế khác thường chuộng gọn nhẹ, kín đáo, đơn giản, nhưng khách Ấn Độ hầu hết tổ chức dài ngày, có tiệc lên tới 5 ngày và lượng khách hàng trăm người.

“Mỗi bữa tiệc của họ đều có chủ đề riêng, mang đậm văn hóa vui tươi, rộn ràng của người Ấn Độ. Vì vậy họ thường thuê luôn cả khách sạn hoặc một khu vực riêng biệt để ca hát, nhảy múa”, ông Quỳnh nói.

Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng chia sẻ thêm, người Ấn Độ có văn hóa ẩm thực đặc thù nên thường mang theo đầu bếp từ đất nước họ sang phục vụ tiệc, hoặc chọn đầu bếp chuyên món Ấn tại resort. Đặc biệt, mức chi tiêu của các đám cưới tỷ phú rất “khủng”, lên tới hàng tỷ đồng. Cưới xong đoàn khách cả trăm người còn đi thăm thú, mua sắm, ăn uống, giải trí ở các địa điểm nổi tiếng tại Đà Nẵng.


Ông Lương Văn Trang - Giám đốc khối Inbound, Công ty Du lịch Vietnam Travelmart - cho biết, đoàn khách Ấn Độ tới Đà Nẵng tổ chức cưới đông nhất mà công ty đón lên đến hơn 800 người. Họ yêu cầu rất gắt gao việc tiếp đón, hỗ trợ giải quyết thủ tục nhanh gọn tại sân bay và di chuyển về khách sạn. Tháng 1/2024, công ty sẽ đón thêm đoàn 650 khách.


Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Furama resort cho hay, đầu năm 2024 sẽ tổ chức cưới cho 3 cặp đôi cô dâu chú rể Ấn Độ, mỗi đoàn hàng trăm khách và lưu trú dài ngày. Đơn vị này cũng đồng tình rằng khách Ấn Độ rất chịu chi cho tiệc cưới bởi đó là một trong những sự kiện trọng đại mà họ sẵn sàng chi tiêu rộng rãi. Mỗi đám cưới tổ chức tai resort đều ở con số tiền tỷ.

Đoàn khách từ Ấn Độ sang Đà Nẵng dự tiệc cưới. (Ảnh: Thanh Trần).

Đầu năm nay, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với cặp đôi tỷ phú Ấn Độ là cô dâu Tuisha và chú rể Gaurav. Cặp đôi này mời đoàn khách gần 500 người từ Ấn Độ sang, lưu trú gần một tuần trong một resort ven biển Đà Nẵng. Đội ngũ tổ chức cưới đã mang theo hơn 2 tấn nguyên vật liệu, trang phục, đạo cụ… từ Ấn Độ sang phục vụ bữa tiệc. Đi cùng gia đình tỷ phú là các nhiếp ảnh gia, blogger để quảng bá cho sự kiện. Cô dâu Tuisha bày tỏ rằng cô rất thích Đà Nẵng vì khí hậu dễ chịu, cảnh quan đẹp với núi, sông, biển... Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ở đây rất tốt, nhiều khách sạn sang trọng đem tới nhiều lựa chọn.

Theo Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, thị trường Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng. Vừa qua , theo báo cáo về xu hướng du lịch của Skyscanner tại Ấn Độ (trang web tìm kiếm vé máy bay, phòng khách sạn, thuê xe.. .) thì Đà Nẵng đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để dẫn đầu trong 10 điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ với tổng số lượt tìm kiếm tăng mạnh nhất trong những năm qua, tăng 1.141%, gấp đôi thành phố đứng thứ hai là Almaty (Kazakhstan).

Thanh Trần

27/01/2024

Sự thật Gia đình Chú Hỏa (Hui Bon Hoa)

Chú Hoả tên theo tiếng Việt là Huỳnh Văn Hoa, phiên âm theo tiếng Hoa là Hui Bon Hoa người Phước Kiến di cư sang Việt Nam ngay sau khi Pháp chiếm Sài Gòn. Lúc mới đến đất lạ quê người còn nghèo lắm, phải kiếm sống bằng đủ mọi nghề.

Văn phòng công ty gia đình Hui Bon Hoa (Ảnh Internet)

Chú Hoả và gánh ve chai chỉ là thêu dệt

Chuyện dân gian kể rằng, một lần chú Hoả mua được mớ tĩn nước mắm của một nhà nọ, trong đó có một tĩn còn hàn kín nắp sành. Khi về mở ra thì ôi thánh Quan Công ơi, bên trong toàn là vàng sáng chói. Nhờ có của Trời cho làm vốn, chú Hoả chuyển nghề mở các tiệm cầm đồ. Thời buổi bấy giờ, ở Sài Gòn nghề cầm đồ làm ăn phát đạt lắm. Người Pháp mở Sở Thuốc phiện, cho người Hoa kinh doanh hàng trăm tiệm hút khắp Sài Gòn Chợ Lớn để thu tiền thuế và làm cho dân chúng mê mệt “nàng tiên nâu” với mục đích làm cho dân Việt sức tàn lực kiệt, mất đi ý chí đấu tranh chống Pháp.

Dân nghiện xì ke (thuốc phiện), con bạc cháy túi, cầm cố đồ đạc trong nhà rất nhiều. Cầm rồi không bao giờ chuộc, nên chú Hoả bán ra lại càng giàu thêm. Sau nghề cầm đồ, có được vốn liếng lớn trong tay, chú Hoả chuyển sang nghề mua bán đất đai, xây cất nhà cho thuê. Ông cho xây một căn nhà to lớn trên đường A-sặc – Lô-rai (Alsace-Lorraine – Phó Đức Chính ngày nay), tầng dưới làm văn phòng công ty, tầng trên làm nơi ở cho gia đình, trên tường cạnh cánh cửa chính khắc nổi mấy chữ “SIHBH” (Société Immobilière Hui Bon Hoa).

Chuyện chú Hoả, sau này tôi còn nghe nhiều người khác kể lại. Thậm chí họ thêu dệt thành những chuyện rùng rợn ma quái trong ngôi nhà chú Hoả. Kỳ thật, báo chí trước đây từng đưa ra kiến giải, chú Hoả bí mật đưa con gái mình đến ngôi nhà nghỉ của gia đình gần nghĩa trang gia tộc khu vực ngã ba Bình Thung (Thủ Đức). Rồi không biết người con gái kia chết khi nào nhưng chuyện ma quái bắt đầu xuất hiện được người đời đồn đại xảy ra trên tầng lầu ngay chính căn phòng mà cô con gái của chú Hoả từng ở trước đây. (Sự thật chú Hoả không có con gái).

Một trong những dãy phố thương mại ở đầu đường Trần Hưng Đạo đối diện chợ Bến Thành của gia đình Hui Bon Hoa (Nguồn: Manhhaiflickr)

“Chuyện thật về Hui Bon Hoa và ngôi nhà chú Hoả”

Những chuyện làm ăn của chú Hoả, mỗi người mỗi phách nhưng tựu trung nói lên ý chí làm việc siêng năng để trở thành giàu có. Cách nay mấy năm tôi tình cờ đọc được bài viết “Chuyện thật về Hui Bon Hoa và ngôi nhà chú Hoả” bằng tiếng Anh do nhà báo Chen Bichiun liên lạc với người cháu cố (đời thứ 4) của chú Hoả, sống ở Paris. Ông Fernand Hui Bon Hoa cung cấp hình ảnh và nhiều chi tiết khá thú vị về các câu chuyện cũng như về dòng họ. Một chi tiết cần chú ý là ngay khi chú Hoả đến Sài Gòn không phải làm nghề mua bán ve chai mà là làm công cho công ty cầm đồ Antonio Ogliastro. Ông chủ đề nghị chú Hoả nhập tịch Pháp để cùng ông quản lý công ty. Làm ăn có tiền, chú Hoả mới bước sang lãnh vực mua đất cất nhà cho thuê. Chú Hoả chỉ có 3 người con trai và dòng họ Hui Bon Hoa không có người nào mang bệnh phong cùi. Một trong 3 người này, có cô con gái bệnh tâm thần và chết tại nhà.

Fernand Hui Bon Hoa từng về Sài Gòn thăm lại mồ mả cha ông chôn cất tại khu nghĩa trang gia tộc (Bình Trưng, Thủ Đức). Và hồi năm 2007 những anh em chú bác của Fernand từ Pháp về Sài Gòn tình cờ mua được tấm hoành ngoài chợ đồ cổ mang về Paris. Tấm hoành khắc hoạ bài thơ của ông chú Thắng Hưng nói về gia tộc Hui Bon Hoa làm ăn ở Sài Gòn trải qua trăm năm.

Một chi tiết thú vị khác là vào năm 2011, nhân chuyến du lịch sang Paris, một người Mỹ gốc Việt liên lạc được với Fernand Hui Bon Hoa, có ghé tặng cho ông một kỷ niệm chương ghi nhớ công lao của dòng họ Hui Bon Hoa. Số là hồi sống ở Sài Gòn, người này gia cảnh rất nghèo, mẹ bệnh thập tử nhất sinh, may mà đến bệnh viện chú Hoả (bệnh viện Sài Gòn) được bác sĩ tận tình chữa trị. Nay ghi ơn sâu, truy tìm dòng dõi họ Hui Bon Hoa chỉ để gặp mặt nói lời tri ân tận đáy lòng.

Khách sạn Majestic, một trong những cơ sở thương mại của gia đình Hui Bon Hoa (Nguồn: Manhhaiflickr)

Chú Hoả và công ty gia đình làm nghề xây cất nhà cửa

Sau khi bỏ nghề cầm đồ, chú Hoả chuyển sang nghề mua bán đất đai xây cất nhiều khu phố cho thuê hoặc bán đứt tại Sài Gòn và Chợ Lớn. Nghe đâu số nhà dân dụng của chú Hoả lên đến 30,000 căn và rất nhiều dãy phố mua bán, chung cư cũng như cơ sở thương mại, nhà hàng, khách sạn khác. Các công trình xây dựng này đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19.

Thật ra, chú Hoả đã qua đời hồi năm 1901 sau thời gian về Phước Kiến an hưởng tuổi già. Sau đó 3 người con trai là Huỳnh Trọng Tán, Huỳnh Trọng Huấn và Huỳnh Trọng Bình từ Phước Kiến qua Sài Gòn thừa kế gia sản và lập nên công ty gia đình Hui Bon Hoa chuyên về xây dựng (khi đó ngành này đang phát triển). Cuộc suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 1928 đến 1931 ảnh hưởng đến kinh tế Sài Gòn rất nhiều. Nhà cửa của các công ty xây dựng khác buôn bán không được, nhà cho người thuê không có tiền trả nên họ thu hồi bán tháo với giá rẻ để thu hồi vốn.

Và đây là một cơ hội đến với anh em nhà Hui Bon Hoa. Mặc dầu trước đó họ vẫn nắm giữ nhiều đất đai quanh vùng Sài Gòn Chợ Lớn và các tỉnh ở miền Nam. Công ty Hui Bon Hoa (hiện nay dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố) ra đời ngay trong năm 1929, 3 anh em Hui Bon Hoa cất nhà ở gần công ty để tiện đường làm việc. Hồi năm 1937, có bài báo viết thương gia Hui Bon Hoa (gia đình Hui Bon Hoa) hiến tặng mảnh đất rộng gần 2 héc ta trên đường Arras (nay Cống Quỳnh) để xây Bảo sanh viện Đông Dương đến năm 1946 đổi thành Maternité George Béchamps, người dân thường gọi Nhà bảo sanh Chú Hoả (nay là Bảo sanh Từ Dũ), Công ty gia đình chú Hỏa bỏ tiền mua đất xây Hospital Jean Baptiste Hui Bon Hoa (Bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, quận 1), xây cất chùa Phụng Sơn trên đường Nguyễn Công Trứ. Vào thời gian này, đời thứ 3 của dòng họ Hui Bon Hoa bắt đầu tiếp tục sự nghiệp của gia đình, quản lý và phát triển công ty Hui Bon Hoa.

Gia đình Hui Bon Hoa hiến 2 mẫu đất để xây dựng bệnh viện Từ Dũ (Nguồn: Manhhaiflickr)

Học giả Vương Hồng Sển: “Đến nay (năm 1960) các con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn, không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc (nay gọi là giải ngân)” (Sài Gòn năm xưa). Từ năm 1951, các thành viên gia đình và con cái của dòng họ Hui Bon Hoa đã dần dần chuyển sang các nước khác: Pháp, Mỹ… Ông Vương Hồng Sển nói thêm: “Tuy làm giàu cho họ đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thạnh vượng kinh tế miền Nam”.

Vào giai đoạn này, thế hệ cháu đời thứ 4 bắt đầu quản lý chuyện làm ăn của công ty Hui Bon Hoa. Có một chyện xảy ra hồi năm 1973 về chung cư An Đông đã khiến báo chí thời đó đưa tin đầy các trang báo. Chung cư là của gia đình Hui Bon Hoa theo hợp đồng cho thuê với thời hạn 20 năm (1953-1973), đến hạn thu hồi lại căn nhà, người thuê không chịu dọn ra, nên xảy ra vụ thưa kiện với chính quyền. Chuyện nhùng nhằng kéo dài cho đến trước biến cố chính trị xã hội năm 1975. Cuối cùng tất cả thành viên của dòng họ Hui Bon Hoa đành bỏ tài sản rời Việt Nam di tản ra nước ngoài.

Sưu tầm

26/01/2024

Chuyện về một cháu bé được mua về

   Hai anh chị là người nhà bệnh nhân của tôi. Hồi mới ra trường, tôi làm phòng mạch khám đa khoa. Cái nào không biết thì hỏi, nếu vượt quá sức mình thì tìm chỗ gởi bệnh nhân đi. Vì vậy, tôi trở thành bác sĩ “gia đình” cho rất nhiều gia đình. Tôi không chỉ biết bệnh nhân, mà biết cả người nhà của họ.

Anh chị cũng cỡ tuổi tôi, lấy nhau hơn chục năm mà không có con. Đối với anh chị, tôi không chỉ là “bác sĩ gia đình”, mà còn là chỗ để họ tâm sự, và hỏi ý kiến cả về những việc không thuộc chuyên môn y khoa. Điều mà anh chị muốn hỏi tôi, là anh chị có nên xin một cháu bé không? Và nếu có thì xin như thế nào?

Thực tình thì khi đi học sản khoa, tôi chỉ chăm chăm vô chuyên môn mà không để ý đến vụ cho, bán con. Tôi chẳng có chút kiến thức nào. Thì ra, theo họ điều tra, có hẳn một đường dây, bao gồm các “cò” ở cổng các bệnh viện có khoa sản, chuyên môi giới mua bán con. Điều này xuất phát từ việc có những người có con ngoài ý muốn hoặc nghèo quá, không nuôi nổi con, và những người hiếm muộn. Sau khi đồng ý mua bán thì khi có đứa trẻ, họ trao tiền, nhận đứa trẻ, và có thể có cả giấy chứng sanh để về làm khai sanh.

Cuối cùng thì anh chị cũng có được một cháu bé qua con đường đó. Theo quy định của nhóm “cò”, anh chị và mẹ cháu bé không được biết nhau, tất cả phải thông qua “cò”, tránh việc sau này mẹ cháu bé đổi ý. Đó là một bé gái, lớn hơn con trai đầu của tôi đúng 1 tháng. Anh chị bàn với nhau và quyết định xin con gái. Điều này hơi lạ vì họ là người Hoa. Thường thì người Hoa thích con trai hơn.

Ảnh minh họa: Cảnh chị Dậu bán cháu Tý cho nhà Nghị Quế trong phim “Chị Dậu”.

Sau này, phòng mạch tôi đông quá. Lúc ấy lại chưa có hình thức phòng khám tư nhân có nhiều bác sĩ, nên tôi phải giới hạn lại, chỉ khám chuyên khoa. Sau này, khi công việc nhiều, tôi lại giới hạn, mỗi buổi chỉ khám 30 bệnh nhân. Vì vậy, tôi ít gặp anh chị dần.

Tuy nhiên, năm nào thì tôi cũng gặp anh chị và cháu ít nhất một lần. Nhà anh chị bán giò chả. Quanh năm có mua ở đâu cũng được (thực ra thì trong năm tôi chẳng bao giờ tự tay đi mua giò chả cả), nhưng cứ Tết là nhất định tôi đến mua giò chả ở tiệm của gia đình anh chị. Vậy là gặp anh chị và cháu.

Năm vừa rồi tôi đến trễ. Mọi khi, thường là 28 hay 29 tôi đến, năm rồi, đến đầu giờ chiều 30 tôi mới đến. Chị nói cả nhà bảo là chắc năm nay tôi không mua giò chả chỗ anh chị. “Nhưng con bé này nói cứ để đó chờ chú đến hết giờ hãy bán”. Chị nói và chỉ cô bé con anh chị, lúc đó đã trên 30 tuổi. Năm nào gia đình cũng để sẵn cho tôi một cặp lụa và một cặp thủ. Tiệm của gia đình anh chị rất đắt hàng, không sợ ế, tôi không mua là có người lấy liền.

Cháu đã là một cử nhân marketing, làm việc cho một công ty lớn. Cháu cũng đã lập gia đình hồi dịch, đám cưới dự định tổ chức, chưa kịp đưa thiệp mời thì bị cấm tổ chức do dịch. Theo truyền thống gia đình anh chị, đến dịp bán Tết, cả nhà phải tập trung về để bán. Những ngày đó, con đường trước cửa nhà anh chị luôn đông nghẹt, kẹt đường.

Tôi chưa bao giờ hỏi anh chị, xem cháu có biết là anh chị xin (hay mua) cháu chứ không phải là sanh ra cháu không (hồi đó, anh chị có làm giấy chứng sanh và làm khai sanh cho cháu). Tuy nhiên, những gì tôi nhìn thấy, thì họ là một gia đình, rất đầm ấm.

Tác giả : Võ Xuân Sơn                

25/01/2024

Con trai Đan Trường diện kiến Giáo hoàng Francis

 ITALY

Con trai ca sĩ Đan Trường - bé Thiên Từ, sáu tuổi - diện kiến Giáo Hoàng Francis tại Tòa thánh Vatican.

Mẹ bé - doanh nhân Thủy Tiên - cho biết cô lập quỹ từ thiện mang tên con trai, có những hoạt động trong cộng đồng Công giáo ở San Jose, California, Mỹ. Tổng giám mục địa phương đã giới thiệu mẹ con cô đến Tòa thánh và có dịp diện kiến Giáo hoàng Francis.

"Thiên Từ ôm Giáo hoàng, được ngài nắm tay và gửi đến con những lời chúc phúc bình an. Tôi tin rằng con sẽ có những ký ức đẹp về dịp đặc biệt này. Đây sẽ là nguồn động lực lớn lao để mẹ con tôi cố gắng sống đẹp trong hành trình theo đạo", Thủy Tiên nói.

Giáo hoàng Francis sinh năm 1936. Ông được thụ phong linh mục vào năm 1969, từ đó đảm nhận nhiều vai trò trong giáo hội. Năm 1998, ông trở thành Tổng giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires. Năm 2001, Giáo hoàng John Paul II tấn phong ông làm Hồng y. Năm 2013, ông được bầu làm Giám mục Roma, trở thành vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, lấy tên hiệu Francis.


Thiên Từ và Giáo hoàng Francis tại Vatican. Ảnh: Thủy Tiên

Theo vợ cũ Đan Trường, mẹ con cô còn được đưa đi tham quan tại khu vườn của Đức Thánh Cha. Bé Thiên Từ được Giáo hoàng tặng một chiếc mũ làm kỷ niệm.

Đan Trường cho biết hạnh phúc khi hay tin. Anh hy vọng cuộc gặp gỡ giúp con trai học hỏi được nhiều điều hay. "Tôi vui vì hiện tại con trai lễ phép, ngoan hiền, không quá mong con sẽ tài giỏi hơn người", ca sĩ nói.

Doanh nhân Thủy Tiên (phải) và con trai Thiên Từ hạnh phúc khi được diện kiến Giáo hoàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thiên Từ hiện sống với mẹ tại Mỹ. Đan Trường bận rộn ca hát nhưng vẫn sắp xếp thời gian thăm con nhiều lần trong một năm. Anh và vợ cũ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho con học tập, phát triển các kỹ năng mềm như hát, chơi nhạc, tự tin hơn trong cuộc sống.

Ca sĩ cũng nỗ lực dạy con nói tiếng Việt, hiểu về giá trị truyền thống quê hương. Mỗi năm, anh tranh thủ đưa con về nước, tham gia hoạt động thiện nguyện để bé biết cách yêu thương, chia sẻ với mọi người.

Đan Trường nổi tiếng với nhiều bài như Kiếp ve sầu, Tình đơn phương và các ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Anh từng bảy lần liên tiếp nhận giải "Ca sĩ được yêu thích nhất" của Làn Sóng Xanh. Năm 2013, ca sĩ kết hôn với doanh nhân Thủy Tiên - kém anh 10 tuổi, sinh sống ở Mỹ. Họ thông báo ly hôn giữa tháng 7/2021, sau tám năm chung sống, có một con trai chung là Thiên Từ.

Sau khi ly hôn, Đan Trường và vợ cũ cho biết giữ mối quan hệ và cư xử với nhau như bạn tốt. Có dịp thích hợp, họ vẫn gặp gỡ và đưa Thiên Từ đi dạo, ăn uống. Hồi tháng 6/2023, Đan Trường đưa vợ cũ và con trai đồng hành trong chuyến lưu diễn ở châu Âu. Ca sĩ từng nói biết ơn vợ cũ vì thay anh chăm sóc con.

Hoàng Dung

23/01/2024

Tạo tác tượng Phật

   Đạo Phật do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni Buddha) khai sáng ở Ấn Độ. Căn bản của giáo pháp là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo … Nhờ sự uyển chuyển của giáo pháp mà đạo Phật thích ứng với mọi giai tầng trong xã hội, khế hợp với nhiều nền văn hóa, phát triển mạnh ở các quốc gia khác nhau. Ngay cả những nước tân tiến nhất hiện nay như Mỹ, Canada, Tây Âu … Đạo Phật vẫn thích ứng và cùng đồng hành với những tôn giáo khác.

Tượng Phật ở Nepal   

Vài nét chính về giáo pháp

Ðạo Phật đặc biệt chú trọng việc chuyển hóa tâm, tu tập để từ cái tâm loạn động thành an lạc, tâm nhiễm ô thành thanh tịnh, tâm ràng buộc thành buông xả … Đạo Phật không có giáo điều cực đoan hay mê tín. Đạo Phật thoải mái, tự do dân chủ. Đức Phật khuyên mọi người chớ vội tin bất cứ điều gì, hãy kiểm nghiệm trước khi tin. Dĩ nhiên là trong đạo Phật không có trừng phạt hay ban ơn giáng họa. Mọi người tự chịu trách nhiệm những gì mà mình nói, làm và suy nghĩ.

Đạo Phật ban đầu chỉ trong vùng Bắc Ấn Độ, sau đó phát triển trên toàn cõi Ấn Độ và tiếp đến được truyền đi khắp các nước: Truyền về phương Nam như: Sri Lanka, Myanmar, Thailand. Laos … thì hình thành dòng Phật giáo Nam truyền; truyền về phương Bắc như: Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn … thì hình thành dòng Phật giáo Bắc truyền (Việt Nam có đủ cả hai dòng truyền).

Nguồn gốc về tượng Phật

Trong thời sơ kỳ của Phật giáo có lẽ khoảng 500 năm đầu chưa hề có tượng Phật hay tranh ảnh. Tu sĩ cũng như Phật tử chỉ sử dụng những biểu tượng như: hoa sen, dấu hai bàn chân, chữ vạn, bánh xe pháp luân … để thờ cúng và để tưởng nhớ Phật. Có nhiều thuyết về việc tạo tượng Phật, có một thuyết cho rằng vua Ưu Đà Diên nước Câu Diệm Di là người đầu tiên cho chế tác tượng Phật bằng gỗ chiên đàn. Nguyên do việc này là vì đức Phật lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp, thế gian vắng Phật, mọi người tưởng nhớ Phật nên mới khiến vua Ưu Đà Diên cho chế tác tượng Phật. Điều này căn cứ vào Đại Chính Tân Tu Tạng kinh (tập 16, trang 790a). Thuyết này nặng về tâm linh, thiếu chứng cứ khoa học, chỉ mang tính tôn thờ tín ngưỡng.

Thuyết thứ hai là vua A Dục (Ashoka, trị vì 273-232 AD) là người sùng Phật giáo, đã quy y, đã cho các con xuất gia, đã bảo hộ đạo Phật và cho tạc rất nhiều tượng Phật để tôn thờ. Ngày nay có 3 di chỉ Sanchi, Bharhut, Amaravati là những thánh địa có rất nhiều tượng Phật, có vô số pho tượng và phù điêu diễn tả cuộc đời của Đức Phật cũng như những nhân vật hay sự kiện liên quan đến Đức Phật.

Cũng có thuyết khác cho rằng tượng Phật được tạo tác sớm nhất cũng từ sau thế kỷ thứ I sau Công Nguyên. Lúc bấy giờ tượng Phật được tạc theo hai trường phái khác nhau. Trường phái thứ nhất Mathura tạo tác tượng Phật đầy đặn, có đường nét phồn thực, rất gần giống với những vị thần Ấn Độ giáo cũng như những vị thần khác của tín ngưỡng địa phương. Trường phái thứ hai Gandhara tạo tác tượng Phật rất thanh tú, sống mũi cao, mặt trái xoan, giữa hai chân mày có điểm trắng…Tượng Phật hao hao với vị thần tối cao Apollo của người Hy Lạp.

Theo các học giả nghiên cứu Phật học trên thế giới thì tượng Phật chỉ có sau 500 Đức Phật nhập diệt, tuy nhiên điều này có thể không đúng vì trong giai đoạn năm 356 – 323 trước Công Nguyên. Vua Alexandros III (A Lịch Sơn đại đế) đã đem quân từ Macedonia (Hy Lạp ngày nay) sang Châu Á chinh phục Ba Tư (Iran ngày nay) và xâm lăng Ấn Độ. Đoàn quân viễn chinh này đã mang theo nghệ thuật tạc tượng của người Hy Lạp đến Ấn Độ. Cũng chính đoàn quân viễn chinh Châu Âu này đã tiếp xúc với đạo Phật, hâm mộ đạo Phật và họ đã chế tác tượng Phật với phong cách Hy Lạp (Hellenism), tượng Phật nhìn khá giống vị thần tối cao của họ là Apollo. Có rất nhiều người trong đoàn viễn chinh này đã ở lại Ấn Độ và lập ra vương triều Greco-Bactria. Họ truyền nghệ thuật tạc tượng của Hy Lạp vào việc chế tác tượng Phật và dòng tượng Phật Gandhara này nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật Phật giáo. Địa danh Gandhara vô cùng nổi tiếng trong lịch sử thế giới cũng như Phật sử, nó thuộc vùng Tây Bắc Ấn, Pakistan, Afghanistan, thung lũng Peshawar nơi này kết nối các tuyến đường thương mại Trung Á, Trung Đông thời cổ đại, đã một thời là đất của đế chế Maurya, là trung tâm của vương quốc Ấn-Hy Lạp. Văn hóa Hy Lạp và Phật giáo gặp nhau tạo thành trung tâm Phật giáo Greco-gien, trung tâm Phật giáo Gandhara đã tạo tác tượng Phật với phong cách Gandhara nổi tiếng trong lịch sử.

Tượng Phật phong cách Gandhara

Sự đa dạng

Phật giáo có tính khế cơ khế lý, nói một cách nôm na dễ hiểu là có tính uyển chuyển để phù hợp với văn hóa, tập quán truyền thống của địa phương. Phật giáo truyền đến đâu thì pha trộn thêm màu sắc văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của địa phương ấy. Nghệ thuật tạo tác tượng Phật cũng thế, ngoài những đặc điểm chung căn cứ vào kinh điển là 32 tướng tốt 80 tùy hình hảo (vẻ đẹp) của Đức Phật, các nghệ nhân địa phương tạo tác tượng Phật mang phong cách văn hóa nghệ thuật và đặc điểm chủng tộc của dân tộc mình. Nếu như tượng Phật của người Ấn, người Tích Lan (tiêu biểu như tượng Phật tại tháp Đại Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng) mắt mở to, ngực vung, eo thon … thì tượng Phật của người Trung Hoa mắt nhỏ và dài, nhắm hờ, miệng hơi mỉm cười. Tượng Phật của người Nhật cũng gần giống như thế, tuy nhiên vẫn có nét khác. Tượng Phật Việt Nam, tiêu biểu như tượng Phật A Di Đà ở chùa Phật Tích- Bắc Ninh, đây là pho tượng Phật tạc vào đời nhà Lý và được cho là xưa nhất của Việt Nam. Pho tượng thanh thoát, mắt nhắm hờ, cổ cao 3 ngấn điều này người tạc tượng đã thể hiện quan điểm của người Việt về cái đẹp vào thời đó (mắt dài, cổ cao 3 ngấn). Nhìn các pho tượng Phật chúng ta dễ dàng nhận ra truyền thống dân tộc được thể hiện qua cách tạo tác. Thông qua các pho tượng Phật chúng ta cũng biết chính xác Phật giáo ở địa phương ấy thuộc dòng Bắc truyền hay Nam truyền. Nếu tượng Phật với áo cà sa hở ngực hay có chữ vạn trên ngực thì đó chính là dòng Phật giáo Bắc Truyền, còn những pho tượng Phật đắp cà sa kín toàn thân hay chỉ hở vai phải thì đó chính là dòng truyền thừa Nam Truyền.

Các tượng Phật nổi tiếng

Đạo Phật từ Ấn Độ truyền đến Trung Á:  Pakistan, Afghanistan, Kazakhstan … đã tạo nên nhiều trung tâm Phật giáo trên con đường tơ lụa cổ xưa như hang động Đôn Hoàng, Bamyan, động Thiên Phật Bezeklik, Kucha… Đạo Phật truyền đến Trung Hoa thì hoàn toàn thay đổi từ trang phục, lễ nghi, dĩ nhiên là tượng Phật cũng tạo tác khác đi. Người Trung Hoa đã tạo tác nhiều pho tượng Phật to lớn kỳ vĩ và nổi tiếng không kém gì các pho tượng Phật ở Bamyan (Afghanistan), cụ thể như tượng Phật Lạc Sơn tạc vào núi Lăng Vân ở ngã ba sông Mân Giang, Đại Độ, Thanh Y. Tượng Phật phải mất hơn 90 năm mới hoàn thành. Ngoài ra những di tích Long Môn, Thiếu Lâm, Ngũ Đài Sơn … với hàng ngàn tượng Phật với phong cách đặc trưng của văn hóa nghệ thuật Trung Hoa. Người Nhật cũng tự hào với pho tượng Đại Phật Nara, tượng Phật Di Đà ở Ushiku (lớn gấp ba lần tượng nữ thần tự do New York), tượng Phật Kamakura, Takaoka … Toàn là những pho tượng to lớn kỳ vĩ mang đậm phong cách văn hóa Nhật Bản.

Người Miến Điện (Myanmar) cũng tự hào về pho tượng Phật Laykyun Sekkya ở vùng Monywa. Pho tượng cao đến 116 mét, khăn chít trên trán và áo cà sa rất đặc trưng cho y phục truyền thống của người Miến Điện, gương mặt tượng cũng thể hiện nét mặt của người Miến.

Người Thái Lan tự hào về pho tượng Phật ở Wat Pho, Wat Muang … Tượng Phật Thái Lan, Lào và Cambodia khá giống nhau từ phong cách tượng, y phục cà sa, mũ trụ nhọn, ngù vai … Điều này cho thấy 3 nước ấy không chỉ giống nhau về dòng truyền thừa Phật giáo Nam Truyền mà còn rất gần gũi và tương đồng về mặt văn hóa, nghệ thuật. Việc tạo tác tượng Phật như thế là một chứng minh cụ thể rất điển hình.

Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích (Việt Nam)

Tượng Phật khác biệt

Trong Phật giáo quan niệm rằng tính dục và sự ham muốn tính dục là nguồn gốc của tái sinh luân hồi, là sự dính mắc, là một trong những yếu tố làm cho tâm bất an, luôn vọng niệm, thân tâm luôn như lửa cháy (ngũ ấm xí thạnh)… nên cần phải tiết chế hoặc phải buông bỏ. Ấy vậy mà Phật giáo Nepal có tạo tác một pho tượng gây ra nhiều tranh cãi thị phi vì liên quan đến tính dục. Pho tượng Phật miêu tả một người nam và một người nữ ở tư thế làm tình, có nhiều lý giải rằng đó phương pháp tu đặc biệt của những bậc du già thượng thừa trên vùng Hy Mã Lạp Sơn, thông qua tính dục để đạt tới sự chứng đắc giác ngộ… Quả thật nhìn pho tượng này hầu hết mọi người đều phê phán nặng nề. Tôi thật sự không dám lạm bàn gì về pho tượng cũng như phương pháp tu thượng thừa của các bậc du già. Ở đây chỉ nói về phong cách nghệ thuật của pho tượng quả là thật táo bạo, độc đáo, rất đặc biệt, rất hiếm có thể nói là pho tượng Phật độc nhất vô nhị trên thế giới này.

Tất cả các pho tượng Phật trên thế giới này dù là dòng truyền thừa nào, dù là môn phái nào, dù ở quốc gia nào cũng đều căn cứ vào 32 tướng tốt và 80 tùy hình hảo của Đức Phật làm căn bản. Còn việc trang bị thêm những yếu tố văn hóa, nghệ thuật, đặc điểm chủng tộc … là phụ. Bởi vậy hễ nhìn thấy tượng Phật thì ta lập tức nghĩ đến yếu tố giác ngộ, giải thoát, chứng đắc … vẫn thường đề cập trong giáo lý Phật Đà. Nghệ thuật tạo tác tượng Phật nói riêng, nghệ thuật điêu khắc nói chung của các nước Châu Á đều mang tính ước lệ, biểu trưng, ẩn dụ … Điều này khác với nghệ thuật tạc tượng của Châu Âu (thời văn hóa phục hưng,  Michelangelo chẳng hạn). Điêu khắc phương Tây tả thực, chính xác từng nhóm cơ, sợi cơ, đường nét thân thể, vẻ mặt… đúng như giải phẫu học.

Đạo Phật đã và đang được xem là một tôn giáo hòa bình, xưa nay chưa từng gây chiến tranh. Đạo Phật chủ trương tôn trọng sự sống của muôn loài, kêu gọi mọi người sống trong tình thương và hiểu biết. Đạo Phật ngày nay lan tỏa khắp thế giới. Nhà bác học Albert Einstein đã từng nói: “Đạo Phật là tôn giáo của tương lai”*. Những pho tượng Phật khắp thế gian này không chỉ mang tính tâm linh tín ngưỡng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, những di sản văn hóa của nhân loại.

Pho tượng Phật Lạc Sơn (Trung Quốc)

Ất Lăng thành, 1123

* Câu nói của nhà bác học Albert Einstein thường thấy trích dẫn nhiều trên mạng NET, tuy nhiên điều này chưa kiểm tra được, có thể vì mến mộ mà gán ghép chứ không hẳn là sự thật.

Tiểu Lục Thần Phong              

22/01/2024

Mười Hai Phù Sinh Niệm Khúc

    

1.

Ta niệm phù sinh thưa sợi tóc,

Nến khuya giọt giọt nhỏ vô thường,

Đì đùng tiếng pháo khua trừ tịch,

Vang mãi một miền xa cố hương.

 

2. 

Ta niệm phù sinh nhòa mắt lệ,

Thế kỷ sắp qua một nửa rồi,

Ta vẫn bên trời trông cánh én,

Hay đâu ngày tháng lặng lờ trôi.

 

3.

Ta niệm phù sinh nghiêng nhánh cúc,

Buông lơi cánh mỏng gọi phù du,

Xuân đến xuân đi xuân lại đến,

Cõi người đau đáu mãi thiên thu.

 

4.

Ta niệm phù sinh sầu cỏ áy,

Áo lụa bay chiều ai ngẩn ngơ,

Bến sông ngày ấy nay biền biệt,

Lau lách đìu hiu gió phất phơ.

 

5.

Ta niệm phù sinh nhầu chiếc lá,

Rồi đây bụi đỏ phủ quanh mồ,

Người xưa biết có còn ai đó!

Ai cười ai khóc với hư vô?

 

6.

Ta niệm phù sinh mờ băng tuyết,

Sớm khuya vội vã áo lùa khăn,

Túc trái trả hoài mà không hết!

Người hỡi làm sao lánh thế gian?

 

7.

Ta niệm phù sinh lay cánh gió,

Một trời mộng ảo khối tình say.

Người tung cánh nhạn trời phương ngoại,

Trăm năm dõi một bóng trăng gầy.

 

8. 

Ta niệm phù sinh ngùi tụ tán,

Một lần gặp gỡ gió mây bay,

Vẫy tay chia biệt thành dĩ vãng,

Bao giờ trở lại phút giây này?

 

9. 

Ta niệm phù sinh ngời ước mộng,

Quay đầu nhẹ hẩng bàn tay trơn,

Mới hay nhiều thứ trừ hơn cộng,

Nhân sinh này hỡi có chi tròn?

 

10. 

Ta niệm phù sinh mòn tuế nguyệt,

Thềm rêu thăm thẳm nẻo luân hồi,

Tử sinh rượt đuổi dường bắt kịp,

Bóng câu mờ mịt vút qua rồi.

 

11. 

Ta niệm phù sinh tròn hơi thở,

Mốt mai sương khói có phiêu phong,

Cũng chỉ là một manh áo cũ,

Thản nhiên trút bỏ bận chi lòng.

 

12. 

Ta niệm phù sinh xiêu bước nhỏ,

Cho dẫu đường trần lắm bể dâu,

Ta cúi đầu tri ân tất cả,

Phút an bình lẫn buổi thương đau!

Cư sĩ Lăng Già Nguyệt

 

21/01/2024

Lịch sử đằng sau 'đường kẻ màu xanh lam' chia cắt nước Mỹ


B
a năm trước đây, giữa những lá cờ mà những người ủng hộ Donald Trump mang theo khi họ xông vào Điện Capitol – gồm cờ Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) năm 2016 và cờ Keep America Great (Giữ cho nước Mỹ luôn vĩ đại) năm 2020, cờ chiến đấu của Hợp bang miền Nam, cờ Gadsden, cờ Cây thông, và cờ Sao và Sọc (Quốc kỳ) – đã xuất hiện một biến thể quen thuộc của lá cờ Mỹ: các ngôi sao trắng trên nền đen, các sọc đen trắng xen kẽ nhau, ngoại trừ sọc đầu tiên có màu xanh lam.

Xét về thiết kế, lá cờ này trông khá lạ. Sọc màu xanh này cố gắng tạo ra tính đối xứng lên một hình ảnh về cơ bản là bất đối xứng. Nhưng với tư cách là một biểu tượng chính trị, nó có sức mạnh không thể phủ nhận. Là sự kết hợp của Quốc kỳ Mỹ với biểu tượng đại diện cho cảnh sát, lá cờ với đường kẻ màu xanh lam (cờ Blue Lives Matter) đã thực sự trở thành một tuyên bố mạnh mẽ.

Được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 2010, nó nhanh chóng trở thành biểu tượng phổ biến của cảnh sát, thể hiện niềm tự hào, tình đoàn kết, tưởng nhớ, và thách thức. Nhưng nó còn đại diện cho nhiều hơn thế. Ngoài việc là dấu hiệu ngành nghề, lá cờ còn là biểu tượng của bản sắc cá nhân, một biểu tượng không chỉ dành riêng cho các thành viên của cơ quan hành pháp – mà sau cùng, còn có thể được sử dụng để chống lại họ.

Làm thế nào mà một biểu tượng ủng hộ cảnh sát lại được những kẻ bạo loạn mang theo khi họ đối đầu với cảnh sát? Đó là một câu chuyện kéo dài suốt 70 năm về cảnh sát, tội phạm, và chính trị trong việc tạo ra một bản sắc nhóm mới – một bản sắc giúp Trump được bổ nhiệm làm tổng thống và cố gắng giữ ông ở vị trí đó. Và nó đã bắt đầu ở phía bên kia đại dương xa xôi, trong Chiến tranh Crimea từ 169 năm trước.

Những mâu thuẫn ẩn chứa trong lá cờ Blue Lives Matter đã được minh hoạ trong cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1. ©Lev Radin/Zuma Press

Năm 1854, liên minh Ottoman, Anh, và Pháp đã cố gắng ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga vào thành phố cảng nhỏ Balaclava. Phóng viên chiến trường William H. Russell đã quan sát trận chiến từ một sườn núi gần đó, và bài viết mà ông gửi về cho tờ Times of London đã thể hiện khung cảnh trận chiến một cách vô cùng sống động – kỵ binh Nga tựa “những đám mây ngồi trên lưng ngựa, quay cuồng trong cuộc hành quân như những chiếc lá mùa thu bị gió thổi bay;” và cuộc tiến công của họ trông như “những vệt người đang di chuyển, chạy khắp thung lũng như ánh trăng trên mặt nước.”

Vào thời điểm quan trọng nhất của trận chiến, kỵ binh Nga với quân số áp đảo đã ồ ạt tiến về phía Trung đoàn 93 của Anh, những người đang đứng chắn để bảo vệ căn cứ. Russell viết rằng trung đoàn áo đỏ – được xếp thành hai hàng, thay vì bốn hàng như thường lệ – trông giống như một “vệt màu đỏ đứng bên cạnh một hàng súng thép.” Trung đoàn 93 đã bắn hai loạt đạn vào quân Nga. Sang loạt đạn thứ hai, kỵ binh Nga đã chuyển hướng, thế là căn cứ được giữ vững và một huyền thoại ra đời.

Vài tháng sau, Times đưa tin rằng trong một cuộc tranh luận ở Hạ viện Anh về việc chiến công dũng cảm nào nên được vinh danh bằng huy chương, Bá tước Ellenborough đã ca ngợi sự anh hùng của “'đường kẻ màu đỏ' đã đối đầu và đánh tan quân Nga.” Gần như chắc chắn, bá tước đã đề cập đến câu chuyện của Russell, nhưng việc Ellenborough diễn đạt lại từ 'vệt' (streak) thành 'đường kẻ' (line) là ngẫu nhiên, hay thực sự có chủ ý vẫn sẽ là bí mật của lịch sử. Dù thế nào đi nữa, phiên bản 'đường kẻ màu đỏ' đã chiếm ưu thế trong ngôn từ thông dụng, đến mức nhiều năm sau, ngay cả Russell cũng đã quên mất rằng đường kẻ đó từng là một vệt.

Gần như ngay sau khi cụm từ này được đặt ra, định nghĩa của nó đã được mở rộng để trở thành từ đồng nghĩa với quân đội Anh nói chung, và thường được dùng để mô tả lòng dũng cảm của họ khi đối mặt với kẻ thù có quân số vượt trội. Thế rồi các màu sắc mới liên tục được thêm vào – đường kẻ màu trắng để chỉ thực dân Anh, trong khi đường kẻ màu vàng là các nhà hoạt động bảo thủ.

Lá cờ Mỹ màu đen và trắng, biểu tượng của phong trào Black Lives Matter, là hình ảnh tiền thân gần gũi nhất với cờ Blue Lives Matter có đường kẻ màu xanh lam. © Jewel Samad/Agence France- Presse — Getty Images

 

Lá cờ Mỹ màu cầu vồng, biểu tượng của cộng đồng LGBT, đã thay thế các sọc màu thông thường của cờ Mỹ bằng các màu đại diện cho LGBTQ. © Don Emmert/Agence France Presse – Getty Images

 

Lá cờ có một đường kẻ màu xanh lam, hoặc một đường kẻ màu xanh lam trên nền đen từ lâu đã là biểu tượng của cơ quan hành pháp. © Erik McGregor/ LightRocket – Getty Images

 

Cách phối màu trên cờ Blue Lives Matter cũng tương tự như các huy hiệu quân sự được thiết kế để phù hợp với mục đích nguỵ trang. © Paulius Peleckis/ Getty Images

Còn tại Mỹ, Willis John Abbot, một nhà báo quân sự, đã viết về Trận Vicksburg, nơi “quân miền Nam đã rơi vào tình trạng bối rối, dao động, và thất bại trước một đường kẻ màu xanh lam” – có ý chỉ lực lượng của Liên minh miền Bắc. Các nhà báo khác lại sử dụng khái niệm này để chỉ những Kỵ sĩ Rough Rider ở Cao nguyên San Juan và các đồn trú biên giới của Mỹ trải dài khắp miền Tây.

Khi tuổi già khiến cho hàng ngũ cựu binh thời Nội chiến Mỹ dần thưa thớt, và màu ô liu và nâu dần thay thế màu xanh lam trên quân phục, “đường kẻ màu xanh lam” đã được dùng để chỉ một nhóm mới: các sĩ quan cảnh sát.

Gần một thế kỷ sau Trận Balaclava, William H. Parker, một sĩ quan cảnh sát chuyên nghiệp và một cựu binh Thế chiến II từng bị thương ở Normandy, đã trở thành người đứng đầu Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD). Năm 1950, sự thăng tiến của ông đi kèm với nhiệm vụ nhổ tận gốc nạn tham nhũng và khôi phục hình ảnh đã bị tổn hại của Sở. Và trên chiến trường Crimea, ông đã tìm thấy một phép ẩn dụ để thực hiện cả hai nhiệm vụ này.

Parker tuyên bố: “Giữa các công dân tuân thủ pháp luật và những tên tội phạm chuyên săn lùng họ, có một đường kẻ màu xanh lam – chính là các sĩ quan cảnh sát.” Theo tầm nhìn của ông, cảnh sát không chỉ bảo vệ an toàn công cộng, mà còn chống lại sự suy tàn của nền văn minh phương Tây, sự thờ ơ về mặt đạo đức của nước Mỹ thời hậu chiến, sự suy tàn của gia đình hạt nhân…

Parker đã xây dựng lại Sở Cảnh sát Los Angeles theo hình ảnh chuyên nghiệp của “đường kẻ màu xanh lam.” (Nhằm quảng bá cho sự chuyển đổi này, ông đã tạo ra chương trình trò chuyện The Thin Blue Line, và đồng sáng tạo thuật ngữ Dragnet, để chỉ các thủ tục phá án của cảnh sát.) Ông rút các sĩ quan của mình khỏi các sự kiện cộng đồng và các cuộc đi bộ tuần tra, thay vào đó bố trí xe hơi cho họ, và cách ly họ khỏi sự giám sát chính trị. Những thay đổi này quả thực đã làm giảm tham nhũng, nhưng chúng còn có một tác động khác: biến LAPD thành một đội quân.

 

Lá cờ của người Mỹ gốc Phi và lá cờ Blue Lives Matter cùng xuất hiện tại một cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter vào năm 2020. © Paul Weaver/Pacific Press/LightRocket – Getty Images

Đường kẻ màu xanh lam sẽ trở thành phép ẩn dụ chủ đạo cho cảnh sát. Năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan cho biết “đường kẻ màu xanh lam đã ngăn chặn một khu rừng chiếm lại vùng đất trống mà chúng ta gọi là nền văn minh.” Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton gọi lực lượng này “không gì khác hơn là tấm đệm của chúng ta nhằm chống lại sự hỗn loạn, chống lại những xung động tồi tệ nhất của xã hội này.”

Nhưng tầm nhìn của Parker đã vượt ra ngoài phạm vi nghề nghiệp của cảnh sát. Năm 1965, ông nói với một ủy ban dân quyền đang điều tra Bạo loạn Watts rằng “theo quan điểm của tôi, cảnh sát là nhóm thiểu số bị chà đạp, bị áp bức, và bị ngăn trở nhiều nhất ở nước Mỹ.” Nửa thế kỷ sau, niềm tin này sẽ khơi dậy một nền chính trị bản sắc làm mờ đi đường kẻ màu xanh lam. Đối với những người ủng hộ tư tưởng này, trở thành cảnh sát không nhất thiết là trở thành một người lính trong cuộc chiến giữa trật tự và hỗn loạn, mà còn hơn thế nữa. Trong một số trường hợp, điều này thậm chí có thể bị coi là phi pháp. Nhóm này vì thế sẽ có một lá cờ thể hiện phép ẩn dụ yêu thích của Parker.

Chí ít là kể từ thập niên 1980, các sĩ quan cảnh sát đã bắt đầu thêm một sọc màu xanh lam vào dải băng tang màu đen gắn trên huy hiệu của họ, nhằm tưởng nhớ những đồng nghiệp đã hy sinh. Đến những năm 1990, Steve Bollinger, một huấn luyện viên bắn súng của cảnh sát ở Hạt DeKalb, Georgia, đã bán những chiếc ghim cài ve áo và đề can xe hơi hình sọc xanh trên nền đen – nhưng chỉ bán cho các sĩ quan đồng nghiệp. (Tuy nhiên, những thường dân nhanh nhạy đã phát hiện ra rằng việc dán đề can lên xe có thể giúp bạn tránh bị phạt vì chạy quá tốc độ). Nhưng vào cuối năm 2014, Andrew Jacob, sinh viên Đại học Michigan, đã nhìn thấy cơ hội tiếp thị một phiên bản khác của biểu tượng này.

Trong lúc nước Mỹ sôi sục giữa làn sóng biểu tình sau quyết định không truy tố các sĩ quan cảnh sát về cái chết của Michael Brown và Eric Garner, cũng như trong vụ Tamir Rice, Jacob đã phác thảo một lá cờ Mỹ có hai màu đen trắng với một sọc xanh chạy ngay bên dưới các ngôi sao. Nhiều tuần sau, khi hai sĩ quan cảnh sát New York bị giết bởi một người đàn ông thề sẽ trả thù cho Brown và Garner, Jacob đã bắt đầu sản xuất và bán lá cờ của mình, từ đó giúp thúc đẩy một phong trào mới.

Blue Lives Matter không chỉ thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết đối với cảnh sát, mà còn là một phản ứng và phản đối Black Lives Matter. Nó gợi ý rằng không phải chỉ có mạng sống của người da đen mới bị xã hội đánh giá thấp, mà mạng sống của các sĩ quan cảnh sát cũng vậy.

Khẩu hiệu nghe có vẻ vô hại của Black Lives Matter có thể đại diện cho một loạt các vấn đề chính trị, từ yêu cầu đơn giản là giảm số người bị cảnh sát giết chết, đến một quan điểm rộng hơn, rằng hệ thống tư pháp hình sự – và gần như mọi thể chế của Mỹ – đều phân biệt chủng tộc và phải bị bãi bỏ.

Tương tự, Blue Lives Matter cũng là một phong trào đi ngược lại sự đơn giản trong tên gọi của nó: Nó chắc chắn có nghĩa là các cảnh sát xứng đáng được tôn trọng, vì đã đảm nhiệm một công việc quan trọng và nguy hiểm. Nhưng nó cũng có thể có nghĩa là nền chính trị mang tính chủng tộc quá mức đã đảo ngược hệ thống tư pháp hình sự, trừng phạt những người gìn giữ hòa bình, chiều chuộng bọn tội phạm, và biến những người mang huy hiệu cảnh sát trở thành những nạn nhân bị cô lập trên toàn quốc. Blue Lives Matter đã biến cảnh sát thành một nhóm liên kết.

Đây là lý do tại sao lá cờ có đường kẻ màu xanh lam này lại có thể hoà hợp với các biểu tượng khác xuất hiện trong cuộc biểu tình Unite the Right (Hữu khuynh Hợp nhất) của liên minh cực hữu tại Charlottesville, Virginia vào năm 2017. Chúng bao gồm cờ Kekistan, được dùng như một sự tôn kính đối với Quốc Xã; cờ Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia, một kết hợp lộn xộn giữa lá cờ của Đức Quốc Xã và cờ Mỹ; cờ Mắt Rồng của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng thuộc phong trào Bản sắc Mỹ; cờ chữ vạn và mặt trời đen; cờ chiến đấu của Hợp bang miền Nam. Jacob ngay lập tức lên án việc những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng sử dụng cờ Blue Lives Matter, nhưng tiềm năng biểu tượng của nó đã được chứng minh từ nhiều tháng trước. Khi Hạ nghị sĩ Steve King bị chỉ trích vì để một lá cờ chiến đấu của Hợp bang miền Nam trên bàn làm việc của mình – ông vốn là đại diện của Iowa, một bang thuộc Liên minh miền Bắc, không có di sản miền Nam – ông đã lặng lẽ thay thế nó bằng một lá cờ có đường kẻ màu xanh lam.

“Tổ tiên” gần nhất của cờ Blue Lives Matter là lá cờ Mỹ có hai màu đen trắng, mà nay đã bị lãng quên, nhưng từng được dùng bởi những người biểu tình Black Lives Matter ngay sau vụ giết hại Brown ở Ferguson, Missouri. Về mặt chức năng, nó gợi nhớ đến sự hoán đổi màu sắc trong lá cờ của người Mỹ gốc Phi của nghệ sĩ David Hammons, đổi màu đỏ, trắng, và xanh lam thành màu đỏ, đen, và xanh lục của phong trào châu Phi. Qua bảng màu tối giản này, nó đã gợi lại hình ảnh những huy hiệu cờ Mỹ nhạt màu trên trang phục nguỵ trang của quân đội. Giống như lá cờ LGBT của Mỹ, nó cũng là một cách chơi chữ bằng hình ảnh, nhưng mang thông điệp nghiêm túc hơn: Đường màu xanh đã chia rẽ nước Mỹ với chính nó.

Giống như các phiên bản kết hợp khác của cờ Mỹ, lá cờ có đường kẻ màu xanh lam là một điểm tập hợp cho một bản sắc bị gạt ra ngoài lề xã hội, một cách để khẳng định các quyền của người Mỹ, và một yêu cầu được tôn trọng vốn đã bị phủ nhận từ lâu. Và bạn không cần phải là một cảnh sát thì mới có thể ủng hộ quan điểm đó.

 

Donald Trump tại một cuộc vận động tranh cử ở Waukesha, Wisconsin. Cờ Blue Lives Matter đã xuất hiện nổi bật trong bài phát biểu cuối cùng của Trump trong cuộc bầu cử năm 2020. © Mandel Ngan/ AF – Getty

Bản sắc đang nở rộ này là cơ hội cho bất kỳ chính trị gia nào đủ táo bạo để nắm bắt nó. Trong khi người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha ngày càng mất niềm tin vào cảnh sát, thì niềm tin đó lại đang tăng lên đối với người Mỹ da trắng. Donald Trump đặc biệt thích hợp để tận dụng sự trỗi dậy của cảnh sát trong chính trị bản sắc. Ông bước vào chính trường từ những năm 1980, với lời kêu gọi khôi phục án tử hình và giảm bớt sự giám sát lên cảnh sát. Vì vậy, cũng chẳng ngạc nhiên khi chương trình tranh cử của Trump lại đi kèm với những lời kêu gọi cảnh sát “cứng rắn hơn”, mở rộng các biện pháp rà soát nghi can (stop and frisk), yêu cần án tử hình cho những kẻ giết chết các sĩ quan cảnh sát, “kiểm tra nghiêm ngặt” những người tị nạn, xây dựng bức tường biên giới phía nam, và cấm người nhập cư từ các quốc gia có đông dân số theo đạo Hồi.

Tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa năm 2016, sau khi Trump giành được đề cử, David Clarke, cảnh sát trưởng gốc Phi của Hạt Milwaukee, đã đứng trước đám đông, đeo một chiếc ghim có hình lá cờ với đường kẻ màu xanh lam trên đồng phục của mình, và lên tiếng phản đối “tình trạng hỗn loạn” của phong trào Black Lives Matter cũng như “sự sụp đổ của trật tự xã hội”.

Đến khi Trump bắt đầu chiến dịch tái tranh cử năm 2020, phong trào Black Lives Matter đã nổi lên trở lại sau cái chết của George Floyd, bởi nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã mang lại sự cấp bách mới và tình hình khó khăn hơn do Covid gây ra. Chiến dịch tranh cử của Trump mô tả các thành viên Đảng Dân chủ là kẻ thù của luật pháp và trật tự, những người tìm cách gây bạo loạn ở các thành phố của Mỹ và gây hỗn loạn ở biên giới.

Tại một cuộc biểu tình ở Waukesha, Wisconsin, lá cờ có đường kẻ màu xanh lam đã chiếm vị trí trung tâm, được treo phía trên đám đông, ngay phía sau bục phát biểu của Trump, ở vị trí mà theo truyền thống phải là Quốc kỳ Mỹ. Tại Macon, Georgia, nó được treo thẳng đứng phía sau sân khấu, song song với cờ Sao và Sọc. Tại một cuộc mít tinh ở Thành phố Bullhead, Arizona, nó được dùng để trang trí khán đài cạnh bục phát biểu, trong khi một phiên bản khổng lồ đã được giương cao bằng cần cẩu phía trên đám đông. Từ trên sân khấu, Trump tuyên bố rằng trong khi ứng viên của Đảng Dân chủ đứng về phía “những kẻ bạo loạn và phá hoại,” thì ông đứng về phía “những anh hùng của lực lượng hành pháp”.

Tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa, Phó Tổng thống Mike Pence đã nói rõ những hậu quả nếu Trump thua trong cuộc bầu cử: “Có một sự thật phũ phàng là bạn sẽ không được an toàn ở nước Mỹ của Joe Biden. Dưới quyền Tổng thống Trump, chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng những người đang đại diện cho đường kẻ màu xanh lam.”

Để bảo vệ người Mỹ khỏi những gì ông nói là âm mưu đánh cắp cuộc bầu cử và phá hủy đất nước, Trump đề nghị những người ủng hộ ông – cảnh sát, quân đội, người đi xe đạp, công nhân xây dựng – đối đầu với kẻ thù của ông trên đường phố, theo đó xem những người ủng hộ ông như là các đại diện của luật pháp “Họ là những người ôn hòa, chống phát xít (antifa), và nhiều hơn thế – tốt hơn hết hãy hy vọng họ sẽ luôn như vậy.”

Sau khi lời tiên tri của Trump trở thành hiện thực, và “cuộc đảo chính” của nền dân chủ đại diện đã từ chối trao cho ông nhiệm kỳ thứ hai, khi những người ủng hộ ông tập hợp lại trên bãi cỏ trước Điện Capitol, khó tránh khỏi việc họ coi mình là người thực thi luật pháp và trật tự, và thế là một đường kẻ màu xanh lam đối đầu với một đường kẻ màu xanh lam khác.

Sau ngày 6/1, khi cả nước Mỹ chứng kiến cờ Blue Lives Matter được giương cao bởi những kẻ bạo loạn đã tấn công sĩ quan Cảnh sát Thủ đô Michael Fanone (ông nói rằng họ đã dùng lá cờ đó để đánh ông theo đúng nghĩa đen), lá cờ có đường kẻ màu xanh lam đã ngày càng gây nhiều tranh cãi giữa các sĩ quan cảnh sát. Năm 2023, Sở Cảnh sát Los Angeles quyết định cấm trưng bày lá cờ này tại các nơi làm việc công cộng của cảnh sát. Trong một email giải thích quyết định của mình với các sĩ quan, Cảnh sát trưởng Michel Moore than thở rằng “các nhóm cực đoan” đã “cướp mất” lá cờ của họ.

Tuy nhiên, không phải những kẻ cơ hội đã biến sọc xanh trên lá cờ thành thứ gây chia rẽ nước Mỹ, bởi ý tưởng đó ngay từ đầu đã được dệt vào tấm vải.

Nguồn: Ezekiel Kweku, “The Thin Blue Line That Divides America,” New York Times, 04/01/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ezekiel Kweku là biên tập viên phụ trách các dự án đặc biệt trên chuyên mục bình luận của New York Times.