Hàng năm, cứ tới mùa lễ, Tết thì người tiêu dùng lại háo hức rủ nhau đi mua sắm để “săn” hàng giảm giá, là cơ hội để những người ít tiền có thể sở hữu được món đồ mình yêu thích.
Ở Việt
Nam, nói đi “săn” hàng giảm giá là đi “chiến đấu,” người mua phải “xông lên”
nhưng phải luôn đề phòng, cảnh giác bị người bán lừa, và không ít trường hợp phải
“dẻo mồm dẻo miệng” trả giá, kỳ kèo được mua mức giá thấp nhứt. Nhìn thấy bảng
ghi “Giảm Giá,” “Sale Off,” “Off 50%” (hoặc 60%, 70%, thậm chí 80 -90% luôn) dựng
trước cửa tiệm vẽ chữ thiệt bự nhưng không hẳn là người mua được giảm giá như
quảng cáo.
Có
lần tôi vô vài tiệm bán quần áo dựng bảng “50% Off” gần khu Lăng Cha Cả (quận
Tân Bình, Sài Gòn) thì giá tiền (gắn trên món hàng) cao ngất ngưởng. Tôi hỏi chủ
tiệm sao ngoài cửa đề bảng “50% Off” mà giá này thì ngày nào tôi đi ngang đây
ghé vô coi cũng thấy y như vậy? Cô chủ tiệm chỉ đống đồ để dưới đất trong góc
tiệm nói chỉ “off” số đồ này thôi, đồ treo trên móc không “off.” Tôi cầm lên
coi những món đồ gọi là “off” thấy nó cũ ơi là cũ, màu bị phai, có cái đồ bị sờn
vải, rách, mất nút, vải nhăn nhúm bèo nhèo, có mùi hôi hôi như mới lượm ra từ
tiệm bán đồ si-đa (second hand). Có tiệm thì món nào họ cũng treo tem (labels)
“off” nhưng lại ghi tăng giá lên gấp đôi so với giá ngày thường rồi “off,” tức
là thực tế khách hàng không được giảm xu nào.
Người sống ở Mỹ hàng năm được hưởng thụ mua hàng giảm giá các kỳ lễ, Tết mà không phải mất công sức lẫn trí tuệ “chiến đấu” hoặc “đánh vật” với người bán. Luật ở Mỹ cấm người bán nâng giá khống (nâng giá không có thật) rồi lừa người mua bằng cách “off” giảm giá, nên việc nào ra việc nấy. Giảm là giảm thiệt, tăng là tăng thiệt, chớ không giỡn chơi.
Có
nhiều từ ngữ để chỉ sự bán hàng giảm giá. Thí dụ: “off,” “sale off,”
“discount,” “clearance” (hạ giá để bán nhanh và nhường chỗ cho những mặt hàng mới,
nói ngắn gọn là dọn kho) … Hoặc đơn giản hơn là dưới giá chính thức ghi thêm dấu
trừ và số tiền, phía dưới là kết quả của phép trừ, vậy là người mua ai cũng hiểu
được giảm bao nhiêu và số tiền còn lại phải trả là bao nhiêu.
Giới
trẻ ở Mỹ thường lập thành từng nhóm ít nhứt là 3 người để thay phiên nhau canh
me trước cửa tiệm chờ mở bán ngày Black Friday. Thông thường, họ “vớt” được những
món hàng điện tử mắc tiền như TV, laptop, loa, nồi cơm điện… với số lượng giới
hạn không quá 10 món hàng.
Hàng công nghiệp (máy móc, văn phòng phẩm, văn hóa phẩm, đồ gia dụng, quần áo, giày, nón…) không có thời hạn sử dụng. Muốn mua rẻ phải chờ kỳ lễ, Tết, các công ty, cửa tiệm sẽ “clearance” để họ lên kệ những mẫu mã mới. Mỹ phẩm cũng là mặt hàng có thể bán sale off nếu chúng sắp hết hạn sử dụng. Nếu bạn là người ngày nào cũng phải dùng mỹ phẩm thì mua mỹ phẩm thương hiệu uy tín (sắp hết hạn) dùng rất tốt. Nếu thỉnh thoảng mới sử dụng thì không nên mua, vì mỹ phẩm khi mở ra để xài sẽ nhanh chóng bị khô, đóng cục, không còn mịn mướt như ngày đầu. Tôi thấy có bạn gái lên mạng xã hội hỏi cô A, cô B nào đó (con nhà đại gia, người mẫu) thông báo “dọn kho” mỹ phẩm “hàng hiệu đã dùng rồi nhưng mới dùng tí xíu” nay bán lại giá rẻ “tình nghĩa chị em gái” (nghe tình cảm ghê) thì có mua được không? Theo ý tôi dù “hàng hiệu” cũng không nên mua mỹ phẩm đã mở ra dùng rồi. Thứ nhứt, mình không biết họ có bị bệnh nấm ngoài da hay không, họ có vô ý làm nhiễm khuẩn mỹ phẩm hay không, tốt nhứt mình không dùng lại mỹ phẩm của người khác để bảo vệ sức khỏe của mình. Thứ hai, thà mua mỹ phẩm tuy không phải “hàng hiệu” như Chanel, Dior, miễn hàng sản xuất ở các quốc gia đặt cao tiêu chuẩn an toàn như Mỹ, Pháp, Đức, Canada… bán giá rẻ thì mình an tâm mua xài hơn.
Các
mặt hàng giảm giá mạnh ngày 9/11/2023 trong tiệm Costco, thành phố Garden
Grove.
Tôi đi coi “sale off” tất cả các dịp lễ, Tết ở Mỹ tại các chuỗi tiệm uy tín “không bao giờ bán hàng giả” thì tôi cũng chưa bao giờ thấy họ giảm giá mỹ phẩm. Riêng shampoo gội đầu và dầu xả tóc (conditioner) hàng năm tiệm Costco đều có hai lần giảm giá hàng tốt, tôi cứ mua tích trữ xài dần dần chờ tới đợt giảm giá lần sau.
Thực
phẩm có thời hạn sử dụng, bắt buộc phải “clearance” trước khi hết hạn dùng 3
tháng, nên thực phẩm cứ “sale off” quanh năm. Nếu chúng ta chịu khó để ý tìm
thì sẽ luôn mua được đồ ăn giá “ngon, bổ, rẻ.”
Hũ
kim chi nặng 1.2 kg tiệm Costco bán giảm giá $5/hũ, còn 1 tháng hết hạn. Tôi
mua 2 hũ đem về bỏ vô tủ lạnh ăn 3 tháng rồi vẫn ngon như mới. Tôi cũng thích
ăn bánh croissant (bánh mì sừng bò) bán trong tiệm Costco. Tuy nhiên, thời hạn
dùng của bánh có 3 ngày, mà hộp bánh rất bự, tôi không thể nào nhồi nhét hết
trong 3 ngày được. Mấy lần đầu, bánh ăn không kịp đều bị mốc phải đem bỏ thùng
rác. Sau này mua bánh về tôi mở ra lấy từng cái cho vô bịch nilon nhỏ rồi xếp
vô ngăn mát tủ lạnh, mỗi lần ăn lấy ra làm nóng lại, coi như tôi ăn bánh quá hạn
sử dụng mà ăn cả tháng bánh vẫn ngon.
Tôi
biết vài người có tật “no cái bụng đói con mắt”, “con mắt lớn hơn cái bụng”,
nên thường mua thực phẩm giảm giá nhiều quá mức có thể tiêu thụ hết, xong rồi
ăn nửa bỏ nửa, thì rõ ràng là mua đồ ăn kém ngon mà lại tốn tiền nhiều hơn là
mua đồ ăn mới nữa.
Mấy năm trước, ngày Black Friday, tôi mua được cái máy “printer and scanner” hiệu Canon giá $20. Loại này máy rẻ nhưng mực in mắc tiền, tôi xài hết mực in có sẵn trong máy thì không mua mực mới, chỉ xài chức năng scan tài liệu, máy hoạt động rất tốt.
Một
khách hàng đang chọn mua thực phẩm giảm giá.
Tuần rồi, tôi mua được một cái túi xách loại “crossbody” hiệu Jack Georges, bằng da trâu thiệt may thủ công, quai đeo rất chắc chắn, có phiếu bảo hành trọn đời, mà thương hiệu này bán quảng cáo trong tiệm Costco giảm giá 49%, còn giá chính thức trên website của họ là $195. Hôm nay tôi vô Costco coi thì họ đã dẹp quầy hàng quảng cáo rồi. Coi như tôi hên “Mèo mù vớ được cá rán.”
Mua
hàng công nghiệp trên các trang thương mại điện tử uy tín cũng là dịp không thể
bỏ qua trong mùa sale off mạnh dịp cuối năm. Những cái bàn phím máy tính, con
chuột (mouse) kim, chỉ, mực in, thẻ nhớ, thuốc nhuộm tóc, khoan, mũi khoan
thép… đều được mở bán giảm giá trước ngày lễ chánh thức, không cần phải chờ
đúng ngày lễ mới giảm giá. Cái lợi của việc mua hàng giảm giá online trên các
trang uy tín như Amazon, Walmart, Costco, Target… là khi chúng ta mua được món
hàng cùng loại rẻ hơn vào ngày giảm giá chính ở tiệm khác, thì chúng ta có thể
đem trả lại món hàng đã mua online mà không phải mất xu nào.
Tôi
cũng vừa mua một cái bàn phím “mechanical keyboard” bự full size hiệu RisoPhy,
loại dành cho người chơi games (tức hiệu năng và độ nhạy, độ bền của nó nhiều
hơn loại dùng văn phòng) được giảm giá còn $25. Mỗi lần tôi gõ phím, nó phát ra
tiếng kêu lạch cạch, lít chít như sấm động, nhưng khi cắm điện vô nó sáng lên
nhiều màu xanh đỏ tím vàng vui mắt lắm, làm tôi cảm thấy vui vẻ, nên tôi sẵn
lòng bỏ qua “lỗi lầm” ồn ào của nó.
Vì
vậy, mua hàng giảm giá vừa để tiết kiệm, vừa là thú vui của cư dân ở Mỹ trong
những ngày lễ cuối năm.
TPT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.