Trang

17/01/2024

GIA ĐỊNH XƯA

Gia Định, tỉnh lớn nhất, giữ vị trí quan trọng trong Lục tỉnh Nam kỳ thời nhà Nguyễn. Thậm chí nơi đây từng là kinh đô thời chúa Nguyễn với tên gọi Gia Định kinh với thành Gia Định nằm giữa Sài Gòn …

Quận Gò Vấp khi bắt đầu có đường xe lửa đi Gò Vấp (Nguồn: Manhhaiflick)  

Tỉnh Gia Định đầu thế kỷ 20

Ngược về thời gian nhắc đến tỉnh Gia Định khá dài dòng, nên tôi chỉ muốn nói đến Gia Định từ thời gian Pháp bình định miền Nam cho đến 1975. Đến 1889, Gia Định vẫn là một trong 20 tỉnh của cả Nam kỳ Lục tỉnh cũ. Tỉnh Gia Định bao gồm 18 tổng với 200 xã, thôn. Khoảng năm 1900 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh, từ đó hạt tham biện Gia Định trở thành tỉnh Gia Định. Tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định vẫn đặt tại làng Bình Hòa, có dinh Tỉnh trưởng (nay là trụ sở UBND quận Bình Thạnh, nằm ở khu vực chợ Bà Chiểu).

Sau đó, để tiện việc điều hành, quản trị công việc hành chánh, chính quyền phân chia tỉnh Gia Định chia thành 4 quận: Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn. Vùng đất Bình Thạnh ngày nay thuộc về tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tương ứng với 2 làng Bình Hòa Xã và Thạnh Mỹ Tây, là trung tâm của Gia Định. Lúc này có một tuyến xe lửa (sau này là xe điện) đi từ trung tâm Sài Gòn về hướng Gò Vấp – Hóc Môn. So với thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn thì địa bàn tỉnh Gia Định vẫn rất rộng (1,840 km2).

Năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh vào Nam thăm thú viết trong tập du ký Một Tháng Ở Nam Kỳ nói về tỉnh Gia Định như sau: “Gần Sài Gòn có tỉnh lỵ Gia Định, cách đô thành một cây lô mét. Có con đường lớn đi vòng quanh, hồi xưa những người Tây ở Sài Gòn lấy làm chỗ đi chơi mát buổi chiều vui lắm, tức như con đường đê Parraud ở Hà Nội vậy. Nay có con đường xe lửa nhỏ, qua Gia Định, Gò Vấp, tới Hóc Môn. Đất Gia Định là đất cổ nhất ở Nam Bộ, có liên hệ lịch sử bản triều nhiều lắm. Khi bản triều mới khai thác xứ Nam dựng cơ sở ở đấy. Rồi sau Đức Cao Hoàng ta hưng đế nghiệp, đánh Tây Sơn, đặt Nam trấn cũng ở đó. Cho nên trước kia cái tên Gia Định thường dùng để chỉ chung cả đất Nam kỳ vậy”.

Ngày 11 tháng 5 năm 1944, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định tách một số vùng (nằm kế cận Khu Sài Gòn – Chợ Lớn) của tỉnh Gia Định để lập tỉnh Tân Bình, tỉnh lỵ tỉnh Tân Bình đặt tại làng Phú Nhuận (nay là quận Phú Nhuận). Tỉnh Tân Bình khi đó có duy nhất một quận là quận Châu Thành (lập ngày 19 tháng 9 năm 1944). Làng Bình Hòa Xã và làng Thạnh Mỹ Tây (tức Bình Thạnh ngày nay) khi đó thuộc tổng Bình Trị Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Tân Bình. Tỉnh Tân Bình tồn tại đến tháng 8 năm 1945 thì giải thể. Làng Bình Hòa Xã và làng Thạnh Mỹ Tây trở lại thuộc tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cho đến năm 1956.

Bản đồ tỉnh Gia Định năm 1920 (Nguồn: Manhhaiflick)

Phân chia các quận tỉnh Gia Định

Thủ Đức là một quận của tỉnh Gia Định, có một quá trình chia, tách, nhập ranh giới khá phức tạp giữa các vùng Gia Định, Biên Hòa và Sài Gòn. Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ, vùng đất Thủ Đức ngày nay tương ứng với phần lớn huyện Ngãi An của phủ Phước Long và huyện Long Thành của phủ Phước Tuy, đều thuộc tỉnh Biên Hòa. Thủ Đức nằm trên một vùng đất gò đồi tương đối cao. Theo lịch sử thì khoảng đầu thế kỷ 18 đã có một người Minh Hương tên là Tạ Dương Minh (Tạ Huy) cùng với một số cư dân người Việt, Champa, Chân Lạp khai khẩn đất hoang vùng đất này. Tên hiệu của ông là Thủ Đức, về sau được lấy để đặt tên cho vùng đất này. Khu vực chợ Thủ Đức trên đường Võ Văn Ngân ngày nay (trước là đường Hoàng Diệu) chính là trung tâm hành chánh của quận Thủ Đức.

Thủ Đức bao gồm luôn cả vùng Quận 2 và Quận 9 sau này. Năm 1966, xã An Khánh được cắt ra khỏi Quận Thủ Đức để ghép vào Quận 1 của Đô thành Sài Gòn, nhưng chỉ 1 năm sau thì An Khánh lại được tách ra để trở thành Quận 9 (Sài Gòn) vào năm 1967.

Quận Gò Vấp bao gồm 3 tổng: Dương Hòa Thượng, Bình Trị Hạ, Bình Trị Thượng với 37 làng trực thuộc. Từ năm 1940 đến năm 1953 nhiều làng được sáp nhập, còn lại 24 làng, bao gồm cả vùng đất các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Quận 12 và một phần các huyện Bình Chánh, Hóc Môn ngày nay. Vào thời gian này làng Tân Sơn Nhứt (ngày nay gọi là Tân Sơn Nhất) không còn sau khi thực dân Pháp trưng dụng để xây dựng sân bay Tân Sơn Nhứt.

Nhắc lại một chút về việc tách một phần quận Gò Vấp thành lập tỉnh Tân Bình đã nói ở trên. Năm 1944, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định tách 17 làng và một số vùng (nằm kế cận Khu Sài Gòn – Chợ Lớn) của tỉnh Gia Định để lập tỉnh Tân Bình. Lúc này, vùng đất quận Gò Vấp bao gồm toàn bộ tổng Dương Hòa Thượng (có 7 làng: Bình Hưng Hòa, Phú Nhuận, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Hoà, Tân Hòa, Vĩnh Lộc và Phú Thọ Hoà), 5 làng (Hanh Thông Xã, Hanh Thông Tây, Bình Hòa Xã, Thạnh Mỹ Tây và An Hội) thuộc tổng Bình Trị Thượng được giao cho tỉnh Tân Bình cai quản. Tỉnh Tân Bình khi đó có duy nhất một quận là quận Châu Thành. Tuy nhiên Tỉnh Tân Bình tồn tại đến tháng 8 năm 1945 thì giải thể. Các làng trên đều trở lại thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

Toà bố Gia Định đặt tại làng Bình Hoà nay là UBND quận Bình Thạnh (Nguồn: Manhhaiflick)

Quận Hóc Môn, trước thuộc huyện Bình Long, sau cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu (1885), chính quyền Pháp chính thức đổi tên huyện Bình Long thành quận Hóc Môn, có quận lỵ tại khu vực chợ Hóc Môn. Quận Hóc Môn giai đoạn 1885-1945 thuộc tỉnh Gia Định là một vùng đất rộng lớn bao gồm 4 tổng: Tổng Long Tuy Thượng, Tổng Long Tuy Hạ, Tổng Long Tuy Trung và Tổng Bình Thạnh Trung nằm trên địa bàn của 3 quận huyện: Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12 ngày nay.

Quận Nhà Bè có 4 tổng: Bình Trị Hạ, Dương Hòa Hạ, An Thít (còn gọi là An Thịt) và Cần Giờ. Trong đó, 2 tổng Bình Trị Hạ và Dương Hòa Hạ tương đương với địa bàn huyện Nhà Bè ngày nay. Năm 1947, hai tổng: Cần Giờ và An Thít của quận Nhà Bè tách khỏi tỉnh Gia Định, chuyển sang thuộc tỉnh Vũng Tàu, lập mới quận Cần Giờ thuộc tỉnh Vũng Tàu (đến năm 1952 tỉnh này đổi thành thị xã Vũng Tàu). Quận Cần Giờ gồm 2 tổng: Cần Giờ và An Thít.

Năm 1955, quận Nhà Bè có 11 làng: Tổng Bình Trị Hạ có 5 làng: Phú Mỹ Tây, Phú Xuân Hội, Phước Long Đông, Tân Quy Đông và Tân Thuận Đông; Tổng Dương Hòa Hạ có 6 làng: Long Kiểng, Phước Lộc Thôn, Nhơn Đức, Long Đức, Hiệp Phước và Phú Lễ. Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Quận lỵ Nhà Bè đặt tại xã Phú Xuân Hội. Năm 1957, chính quyền cắt 4 xã: Long Đức, Nhơn Đức, Hiệp Phước và Phú Lễ của tổng Dương Hòa Hạ, quận Nhà Bè chuyển sang thuộc quận Cần Giuộc, tỉnh Long An. Riêng 2 xã: Long Kiểng và Phước Lộc Thôn của tổng này nhập vào tổng Bình Trị Hạ, quận Nhà Bè. Quận Nhà Bè còn 01 tổng là Bình Trị Hạ với 7 xã. Vài năm sau đó, 2 xã Long Đức và Nhơn Đức thuộc tổng Dương Hòa Hạ, quận Cần Giuộc, tỉnh Long An trả lại cho quận Nhà Bè (nhập vào tổng Bình Trị Hạ). Như thế quận Nhà Bè có 9 xã.

Năm 1956, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Gia Định gồm có 6 quận, 10 tổng và 61 xã: Quận Gò Vấp có 1 tổng Bình Trị Thượng; quận lỵ: Hạnh Thông Xã. Quận Tân Bình có 1 tổng Dương Hòa Thượng; quận lỵ: xã Phú Nhuận. Quận Hóc Môn có 2 tổng: Bình Thạnh Trung, Long Bình; quận lỵ: Thới Tam Thôn. Quận Thủ Đức có 2 tổng: An Bình, An Điền; quận lỵ: Linh Đông Xã. Quận Nhà Bè có 1 tổng Bình Trị Hạ; quận lỵ: xã Phú Xuân Hội. Quận Bình Chánh có 3 tổng: Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung, Tân Phong Hạ; quận lỵ: xã Bình Chánh. Năm 1970, Gia Định chia thành 8 quận, ngoài các quận trên còn có: Quận Quảng Xuyên, quận lỵ: An Thới Đông. Quận Cần Giờ, quận lỵ: Cần Thạnh.

Khung cảnh đường làng của quận Thủ Đức đầu thế kỷ 20 (Nguồn: Manhhaiflick)

Trang Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.