Năm nào nông dân Pháp cũng rên hạn hán để chuẩn bị tinh thần cho người tiêu dùng việc tăng giá rau quả. Năm nay, coi bộ cái cớ thiếu nước này khó bề chinh phục vì từ tháng Giêng tới quá nửa năm, mưa không ngớt. Trời đất ẩm thấp khiến ốc sên sinh sôi nảy nở vô kế hoạch.
Bước ra khỏi cửa, anh dặn mình đi đứng cẩn thận để tránh sát sinh. Nhưng lắm hôm vội, một mắt ngước lên coi trời sắp mưa chưa, một mắt ngó áp điện thoại xem chuyến xe lửa mình đi có bị trễ hoặc hủy hay không (chuyện như cơm bữa ở Paris) nên nhỡ chân mà nghe một cái rộp thì mong sao đó chỉ là chiếc lá khô để lòng đỡ áy náy. Khổ nỗi, trời ẩm thấp quá, cành lá nào khô cho kịp khi mưa sáng chưa tạnh mưa trưa đã tới. Chiều về qua ngõ, nhìn con ốc bị đạp còn nằm nguyên ở đó, anh không khỏi nhớ truyện cổ tích Tàu thuở bé được nghe người lớn trong nhà kể.
Rằng xưa có chàng trai nghèo, cần mẫn và hiền lương nhưng mãi vẫn sống thui thủi một mình. Một hôm, trên đường ra đồng trông thấy con ốc sên, không những không nỡ giẫm đạp mà còn nâng niu đem về, bỏ vô cái lọ làm… pet chơi. Hôm sau, đi làm về, chàng ngỡ ngàng nhìn thấy trên bàn có mâm cơm tươm tất ai đó đã dọn sẵn. Lấy làm lạ, chàng qua hỏi hàng xóm thì được đáp: «Vợ cậu chứ ai!». Chuyện lạ cứ thế lặp đi lặp lại mỗi ngày, chàng bèn rắp tâm rình thì thấy sau khi mình rời khỏi nhà, con ốc từ trong lọ chui ra ngoài, hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, xắn tay áo nhóm lửa, thổi cơm. Chàng liền chạy đến hỏi: «Nàng là ai vậy?» thì nàng đáp nàng là tiên ốc. Trời thương chàng tốt bụng, phái nàng xuống trần hoạt động bí mật. Nay bị phát giác, phải trở về sông làm ốc. Dứt lời, tiên ốc mượn cơn gió biến mất.
Anh nhủ thầm, sao nghe giống Tú Uyên Giáng Kiều của Việt Nam quá ta, chỉ khác là Giáng Kiều bước ra từ tranh vẽ, có phần lãng mạn hơn vỏ ốc.
Lạ,
con ốc buổi sáng bị bàn chân tội lỗi giẫm phải, mười mấy tiếng đồng hồ sau, hai
cọng râu vẫn thò ra khỏi vỏ, ngoe nguẩy Good Evening anh. Anh dừng lại, cúi xuống
xem xét, thấy vỏ tuy bể nhưng toàn thân con ốc được một lớp nhầy bao bọc và sự
sống của nó không có vẻ gì bị đe dọa cả. Mừng húm, anh nhẹ nhàng bốc con ốc
lên, cho vô lòng bàn tay, đem về nhà, đi kiếm cái lọ…
Em biết không, tại Nhật Bản, Hy Lạp, và một số quốc gia Châu Mỹ La Tinh, từ lâu phụ nữ đã biết chăm sóc da bằng cách bắt ốc sên, cho chúng đi dạo khắp 4 vùng chiến thuật trên người. Ốc nhả càng nhiều nhớt, các nàng càng thích vì chỉ cần nằm với ốc thời gian một giấc ngủ trưa, ngồi dậy soi gương sẽ thấy mụn nhọt tiêu tan, da dẻ mịn màng, láng o và sáng sủa như con gái đương xuân. Nàng nào mang thai, sinh con hoặc giảm cân bị nứt da những chỗ không nên nứt nhất, cứ việc bắt ốc sên thả lên người là sẽ nhanh chóng tai qua nạn khỏi.
Nuôi
ốc sên – nguồn wikimedia.org
Ở
Pháp, thời chưa có thuốc đỏ hay cồn sát trùng, các cụ làm gì biết nước bọt ốc
sên có chất kháng khuẩn, nhưng nhờ quan sát và kinh nghiệm, họ thấy ốc sên có
biệt tài làm lành vết thương nên hễ trẻ nít té ngã trầy trụa hay trong nhà có
người bị bỏng là họ ra vườn bắt ốc sên bỏ lên chỗ bị thương ngay. Cũng giống
như việc dùng đỉa trị bệnh. Trước khi có thuốc kháng viêm, giảm đau, đỉa là cứu
tinh cho rất nhiều căn bệnh phiền toái như giãn tĩnh mạch, ứ máu, thấp khớp… Hiện
nay, tại các nước tiến bộ như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức… người ta lập trang trại
nuôi đỉa để cung cấp cho các bệnh viện, phòng khám tư hoặc cá nhân nào muốn tự
chữa bệnh bằng đỉa. Ở Mỹ, trị liệu bằng đỉa được FDA chuẩn thuận đàng hoàng. Y
khoa thẩm mỹ dùng đỉa để vá những nơi nào kim chỉ không vá nổi. Con đỉa được
nuôi bằng máu gà cho lớn rồi bắt nhịn ăn 3 tháng trước khi lên đường. Vì bị bỏ
đói lâu ngày, khi được cho ăn, nó ngoác cả ba cái hàm trời cho ra mà ngoạm. Đồng
thời lại nhả ra một thứ dịch có khả năng kết dính vết da rách, chống đông máu.
Hút mấy chục phút no nê rồi thì tự nó rút quân, nằm phè ra chờ chết, vào thời
xưa, người ta sẽ dùng lại nó bằng cách trích máu ra khỏi người để bắt nó lao động
tiếp. Ngày nay, xong nhiệm vụ rồi thì sẽ bị thủ tiêu vì cũng như một cái ống
chích, không ai dùng lại lần thứ hai.
Và
vì vậy mà gần đây, nhiều nông dân Pháp lập trại nuôi ốc sên, lấy nhớt để chế tạo
hàng loạt mỹ phẩm, từ xà bông, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, serum chống nhăn v.v…
và cung cấp cho một số thẩm mỹ viện chuyên chăm sóc da bằng cách cho ốc sên nhả
nước bọt lên chỗ nào mình muốn. Dứt lời, anh gạ: «Em à, bữa nào hai đứa mình rủ
nhau đi làm snail skin care đi!»
Snail
skin care
Chị
vợ bị trúng kế ly sơn, dỏng tai nghe ông chồng hươu vượn nhưng lòng vẫn hậm hực
vì cái lọ muối dưa bị cướp nên «Xười!» một tiếng rõ to xong tiếp: «Tưởng gì, ba
cái thứ cảm giác lạ, anh muốn care thì care một mình đi. Nhớ hồi phong trào
Fish Spa, anh cũng hăm hở đi thử. Ôi thôi ồn ào! Được vài năm, bây giờ chìm xuồng
luôn rồi. Trời sanh ra con cá để nó ăn rong ăn rêu, con người bày trò, bắt nó
ăn da chân, bao tử cá nào chịu nổi! Con ốc sên cũng vậy, chỗ nó thích bò là đất
ẩm, cỏ ướt, bắt nó lên cạn, bò trên da người, xì trét chết con người ta đi!»
Trong
lúc chờ nó khỏe lại để nhờ nó làm skin care thì hễ mỗi lần nhìn thấy nó nằm
ngoan ngoãn, yên ắng hay õng ẹo bò trườn, anh lại nghĩ đến cô tiên ốc mà thấy
vui vui trong bụng… Thật ra, nhà không phải không có người nấu cơm cho ăn, chỉ
là, người nấu cơm trong cổ tích khi gặp ý trung nhân thì thẹn thò khép nép, gọi
dạ bảo vâng, oõng a oõng ẽng chứ không có «Xười!»
HQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.