Có người đã nói: “Sống một cách khỏe mạnh không phải là một nghệ thuật ta phải
học, mà đó là một khuynh hướng bẩm sinh ta phải trở về với nó”.
Á Đông ta quan
niệm “nhân chi sơ, tính bản thiện”.
Khởi thủy, mọi sự
đều tốt đẹp. Sau khi sanh, mẹ tròn, con vuông. Con lớn lên theo nhịp điều hòa
của tạo hóa. Nếu không có những ngoại cảnh ngang trái, những vi phạm luật thiên
nhiên, thì con người cứ thuận buồm xuôi gió cho tới khi đi vào miền vĩnh cửu
với sự chết.
Nhưng, vì
những ngoại cảnh không tốt, những phung phí, vô độ, con người không còn cái
lành mạnh bẩm sinh. Người ta đau yếu, bệnh hoạn. Người ta không vui với cuộc
đời và người ta vội vàng đi tìm kiếm con đường trở lại cái an bình ban đầu:
những bài học Vệ Sinh Thường Thức, những quy luật sống, những kiêng khem, vận
động....Ðể có một Sức Khỏe Tốt.
Ta vẫn thường nghĩ
rằng, không khuyết tật, không cao huyết áp, tiểu dường, cholesterol, không ung
thư, loét bao tử...là khỏe mạnh. Nhưng thực ra như vậy chưa đủ. Sức khỏe đã
được khoa học quan niệm một cách rộng rãi hơn.
Theo Tổ Chức Y Tế
Thế Giới, Khỏe mạnh bao gồm sự gắn bó của ba khía cạnh: thể chất vẹn toàn, tâm
thần ổn định và gia đình xã hội hài hòa.
Một cơ thể không
có bệnh tật nhưng phần hồn thì luôn luôn tiêu cực bi quan thì liệu có khỏe mạnh
được không. Ấy là chưa kể nếu gia đạo bất an, bằng mặt không bằng lòng với lân
bang, chòm xóm. Làm sao mà ăn ngon ngủ yên, làm sao mà chẳng thường trực “vui
là vui gượng kẻo mà”..
Tổ chức The
American Health Foundation, một tổ chức y tế lớn ở Hoa Kỳ, đã nêu ra mười điều
mà họ gọi là The Ten Golden Rules for Good Health.
1- Cần có sự khám sức
khỏe tổng quát theo định kỳ.
Rất cần thiết
nhưng nhiều khi chúng ta cũng hay quên. Chiếc xe hơi, làm bằng kim loại bền
chắc, hàng năm đều được chính quyền nhắc nhở mang đi kiểm soát để có thể lưu
hành trên trục lộ, cũng như lâu lâu phải tự động mang tới bác thợ máy để chỉnh
trang tune up. Cơ thể con người bằng xương bằng thịt chắc là cũng cần sự định
kỳ chăm sóc như vậy.
a- Mục đích là để tìm ra những bệnh có thể chữa được mà triệu chứng
chưa lộ diện và điều chỉnh những yếu tố nguy hiểm có thể gây ra bệnh. Đồng thời
cũng để bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe chung của mình.
b- Bao lâu khám tổng quát một lần. Tùy theo tuổi và điều kiện sức
khỏe của mỗi người. Sau đây là đề nghị lịch trình cho những người không có
triệu chứng bệnh: Từ 18-24 tuổi thì cứ mỗi 5 năm; sau 30 tuổi thì mỗi 3 năm;
tuổi 40-60 thì cách năm khám một lần; ngoài 60 tuổi thì nên khám tổng quát hàng
năm. Có nhiều ý kiến cho rằng khám hàng năm cho mọi người cũng tốt thôi.
c- Cần sửa soạn gì trước khi đi khám. Ghi những điều gì mà mình muốn hỏi
bác sĩ, những khó khăn triệu chứng bệnh trạng, thuốc men đang uống. Giả dụ là
mình bị đau bụng thì ghi rõ đau bao lâu, lúc nào thì đau, đau kéo dài lâu mau,
đau có di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, làm gì để bớt đau, có yếu tố nào làm
đau tăng lên....Vì nhiều khi gặp thầy thuốc, quá xúc động lại quên đi vài điều.
d- Bác sĩ sẽ làm gì. Bác sĩ sẽ hỏi tình trạng sức khỏe, bệnh cũ,
bệnh mới, quá trình giải phẫu, tai nạn đã có, thói quen tốt xấu trong đời
sống, bệnh tình của thân nhân trực hệ, thuốc đang uống, dị ứng với thuốc hoặc
môi sinh...
Sau đó là phần
khám tổng quát toàn cơ thể. Sự khám này được thực hiện một cách hết sức chuyên
môn, đầy nhân tính và tôn trọng người bệnh. Chiều cao, sức nặng, huyết áp, nhịp
tim được ghi nhận.
Cũng như Đông Y,
bác sĩ sẽ áp dụng phương thức Vọng,Văn,Vấn, Thiết để chẩn bệnh. Nghe nhịp tim,
phổi, nắn bụng, nhìn mắt, khám tai, cuống họng, miệng. Đây là một cuộc khám xét
từ đầu tới chân, không sót một cơ quan, địa điểm nào. Ở nữ giới, còn khám ngực,
tử cung; nam giới, khám nhiếp tuyến. Rồi sẽ có việc thử máu, nước tiểu, và nếu
cần, chụp hình quang tuyến phổi.
e- Phần thảo luận. Sau khi có đủ các dữ kiện về tình trạng sức khỏe
của người bệnh, bác sĩ sẽ cho ta biết kết quả, rồi cho toa thuốc.
Đây là lúc
ta cần hỏi bác sĩ tất cả những thắc mắc về bệnh trạng của mình, kết quả thử
nghiệm, có phải uống thuốc không, uống trong thời gian bao lâu, phản ứng thuốc,
có cách chữa nào khác ngoài dược phẩm, bao giờ phải trở lại để tái khám.
Người được coi như
lương y tốt là người bỏ nhiều thì giờ cắt nghĩa tường tận cho bệnh nhân và trả
lời những câu hỏi một cách vui vẻ, cởi mở.
Cũng trong dịp
khám tổng quát này, ta nên hỏi bác sĩ về chủng ngừa các bệnh xem có cập nhật
không. Như là viêm gan A, B, phong đòn gánh, yết hầu, sưng phổi.Và nhớ chích
ngừa Cúm mỗi cuối năm.
Việc khám tổng
quát chỉ giản dị có vậy nhưng mang lại cho ta rất nhiều lợi ích, nhất là tránh
được những bệnh trầm kha.
2- Hãy đừng ghiền thuốc
lá
Tác dụng độc hại
của thuốc lá thì ai cũng biết, ngay cả quý vị hiện đang liên tục “nhớ nhà châm
điếu thuốc”. Vì hậu quả của cái món “khói vàng bay lên cây” này đã được chứng
minh cụ thể. So với không hút thuốc, người ghiền thuốc lá có tỷ lệ tử vong vì
ung thư phổi 22 lần nhiều hơn; gấp đôi bị tai biến não; 10 lần nhiều hơn
bị nghẹt phổi mãn tính; và nhiều nguy cơ bị ung thư miệng, cuống họng, thanh
quản, tụy tạng hơn.
Chẳng thế mà trên
mỗi bao thuốc lá đều có một lời nhắn nhủ, cảnh cáo: hút thuốc lá có
thể gây ung thư phổi, có hại cho sức khỏe, gây bệnh tim mạch, ảnh hưởng tới
thai nhi.
Tại mọi quốc gia,
ngân quỹ công tư đã tốn cả nhiều tỷ bạc để chữa những bệnh gây ra vì thuốc lá.
Ðồng thời các công ty sản xuất thuốc lá đang bị kiện bồi thường cả vài trăm tỷ
mỹ kim thiệt hại do thuốc lá gây ra cho nhân loại cũng như cho tài sản quốc
gia.
Nếu bỏ được thì ta
nên cố, dù biết rằng khó khăn vì đây là một thói quen nó vương vấn, như ta
thường nói: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên”.
Ghiền thuốc lá thì lại dễ tái diễn vì thuốc bán sẵn khắp nơi, trình bày hấp
dẫn, quảng cáo mời chào ân cần.
Trên thị trường có
bán nhiều dược phẩm giúp ta cai thuốc lá. Hoặc giản dị là dùng diệu kế “thuốc
xin thì hút, thuốc mua thì đừng” để giảm thiểu số lượng thuốc hút trong khi lập
kế hoạch giã từ nicotine.
3- Uống rượu vừa phải
thôi
Tranh luận, nghiên
cứu về ích lợi của rượu với sức khỏe đã diễn ra rất hào hứng, nhưng kết luận
chính xác chưa được thống nhất.
Sau một cuộc
nghiên cứu kéo dài 12 năm trên nhiều triệu người, Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ, đưa
ra một kết luận là uống rượu vừa phải dường như có tác dụng
tốt vào bệnh tim mạch. Một số các nhà chuyên môn y học cũng cho là một người
uống một, hai drinks mỗi ngày thì ít bị bệnh tim mạch hơn là người không uống.
Một drink tương đương với 150 cc rượu vang, 50 cc rượu mạnh 80 độ, hay 360cc
rượu bia.
Nhưng theo nhiều nhà
chuyên môn khác thì nếu chưa bao giờ uống, có lẽ cũng chẳng nên bắt đầu để hy
vọng có điều tốt. Vì ta nên nhớ là rượu ít có giá trị dinh dưỡng, lại nhiều
calories, nên được dự trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ. Ðồng thời rượu cũng làm
tiêu hao các sinh tố B, C, K và chất kẽm, potassium, magnesium là những chất
rất cần trong cơ thể.
Và uống nhiều rượu
làm tăng các bệnh ung thư vú, trực tràng; dễ gây ra tai biến mạch máu não, xơ
gan, ung thư thực quản cũng như là nguyên nhân của nhiều trường hợp tự tử, giết
người, gia phong rối loạn.
Nam vô tửu như kỳ
vô phong. Nhưng gió mạnh thì cờ cũng rách bươm; mà rượu nhiều thì gan cũng xơ
cứng, da vàng bụng trướng.
Bác sĩ Nguyễn Ý
Ðức
Mình không hút thuốc,thi thoảng cũng có chút rượu bia.Vân kiên trì giữ chế độ tập thể dục đều đặn.Ngoài nhức đầu sổ mũi ra,mình rất ít khi gặp bác sĩ,kể cả khám sức khỏe dự phòng...
Trả lờiXóaChúc Fa chiều Chúa nhật an bình !
http://cayvahoa.net/wp-content/uploads/2016/08/dep-tuoi-nhu-loai-hoa-pang-xe-chung-thuy-2.jpg
XóaChúc mừng anh có một sức khỏe tuyệt vời. Fa không khỏe bằng anh Quỳnh rồi.