Trang

19/09/2022

Lời Phật dạy về nghiệp quả


 Đức Phật dạy: "Dầu chúng ta có ăn năn hối hận về những Nghiệp xấu đã làm trong quá khứ thì Nghiệp xấu cũ đó cũng không thể nào sữa chữa lại". 

Những việc chúng ta đã làm rồi thì chúng ta không thể trở lại quá khứ để làm lại. Cái gì đã làm thì đã làm rồi, bởi thế ăn năn hối hận càng làm cho tình thế tệ hại hơn, và càng tích lũy nhiều hành vi bất thiện hơn...Tôi có quen một người Ý Đại Lợi. Người này rất băn khoăn thắc mắc về vấn đề bất đồng của các cá nhân trong xã hội. Ông ta suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều. Ông tìm hỏi nhiều người về vấn đề này, nhưng không tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Một ngày nọ ông đọc được một cuốn sách về Phật Giáo trong đó có nói đến luật Nghiệp Báo.

Khi đọc về luật Nghiệp Báo ông ta rất thỏa mãn với những lời giải thích của luật Nghiệp Báo. Ông quyết định tìm hiểu thêm về đạo Phật. Ông sang Á Châu trở thành một nhà sư, và mất ở tuổi tám mươi. Luật Nghiệp Báo là động lực đầu tiên khiến ông trở thành một nhà sư Phật Giáo. Bài giảng về Nghiệp Báo hôm nay căn cứ vào Kinh Cūlakamma bhanga trong Trung Bộ Kinh. Đây là bài kinh Đức Phật giảng cho chàng thanh niên Bà La Môn Subha.


Chàng thanh niên Bà la Môn Subha hỏi Đức Phật:

1. Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu?

2. Tại sao có những người thường hay bị bịnh, có những người đầy đủ sức khỏe?

3. Tại sao có những người mặt mày xấu xí, có những người đẹp đẽ?

4. Tại sao có những người cô thế, có người đầy quyền uy.

5. Tại sao có người nghèo nàn đói khổ, có người giàu sang sung túc?

6. Tại sao có người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt, trong giai cấp bần cùng, có người sinh ra trong gia đình quyền quí, trong giai cấp cao sang?

7. Tại sao có người ngu dốt (những người thiếu trí tuệ), có người thông minh?

Đức Phật đã trả lời cho Subha một cách ngắn gọn về mười bốn hạng người trên:

Đức Phật nói: "Này người thanh niên. Chúng sinh có Nghiệp là tài sản của mình. Chúng sinh là kẻ thừa tự của Nghiệp của mình. Chúng sinh có nguồn gốc từ Nghiệp của mình. Chúng sinh sinh ra từ Nghiệp của mình hay chúng sinh là thân bằng quyến thuộc của Nghiệp mà mình đã tạo. Chúng sinh có Nghiệp là nơi nương nhờ. Ḍo Nghiệp mà có sự khác nhau giữa các chúng sinh hay Nghiệp đã tạo ra sự khác nhau giữa chúng sinh, Nghiệp đã tạo ra sự khác nhau giữa người và người".

Đức Phật đã trả lời cho Subha một cách ngắn gọn như vậy. Subha bạch với Đức Phật rằng anh ta không hiểu rõ những lời giải thích ngắn gọn của Đức Phật.

Subha nói: "Bạch Ngài, con không hiểu rõ những lời giải thích ngắn gọn của Ngài. Xin Ngài giảng giải rộng rãi, nhiều chi tiết hơn."

Đức Phật bèn giảng giải cho Subha nhiều chi tiết hơn. Sở dĩ Đức Phật trả lời cho Subha một cách ngắn gọn như vậy bởi vì Ngài biết rằng Subha là một người đầy cao ngạo. Subha nghĩ rằng mình là người thông minh sáng láng có thể hiểu tất cả những gì Đức Phật dạy dầu đó là những lời ngắn gọn. Đức Phật muốn làm cho tâm cao ngạo của Subha giảm xuống để Subha có thể khiêm nhường nghe những lời giảng giải của Ngài nên Đức Phật chỉ trả lời một cách ngắn gọn. Khi Subha thỉnh cầu Đức Phật giảng giải chi tiết, Đức Phật mới giảng giải chi tiết cho ông ta. Mặc dầu, những câu hỏi này được Subha hỏi, nhưng đây là những câu hỏi thường được mọi người thắc mắc và muốn được trả lời, bởi vì họ đã từng gặp những vấn đề này trong cuộc sống của con người.

Có những người mặc dầu được sinh ra trong cùng một gia đình, có cùng cha cùng mẹ, được nuôi dưỡng dưới cùng hoàn cảnh và điều kiện giống nhau, nhưng họ khác nhau; có người thông minh, có người ngu đần; có người sống lâu, có người chết sớm, người giàu, kẻ nghèo... Đây là những câu hỏi người ta thường đặt ra và muốn được trả lời thỏa đáng.

Nếu bạn đặt những câu hỏi này cho người tin tưởng vào Thượng Đế, vào ông Trời hay vào Đấng Sáng Tạo thì bạn sẽ được trả lời rằng: "Bởi vì Thượng Đế, Chúa Trời đã tạo ra như vậy."Câu trả lời này chắc chắn không làm bạn thỏa mãn.

Sẽ có nhiều câu hỏi tiếp theo khi bạn được nghe câu trả lời như vậy. Chỉ có những lời giải đáp của Đức Phật mới làm cho người ta thỏa mãn bởi vì những câu trả lời của Đức Phật không vô lý. Đức Phật trả lời từng câu hỏi một của chàng thanh niên Subha. Mặc dầu được sinh ra cùng cha cùng mẹ, được nuôi dưỡng cùng hoàn cảnh và điều kiện giống nhau, nhưng chúng ta không thể lấy những điều kiện và hoàn cảnh này làm nguyên nhân của sự bất đồng của họ, cũng không thể lấy lý do họ có cùng cha, cùng mẹ nên nói sự di truyền là nguyên nhân. Cùng được nuôi dưỡng dưới những điều kiện và hoàn cảnh giống nhau nhưng họ khác nhau. Như vậy, lý do của sự khác nhau của những người trong cùng một gia đình phải là cái gì nằm ngoài di truyền, và hoàn cảnh. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng: Có cái gì đó trong quá khứ đã làm cho chúng ta, và đời sống của chúng ta khác nhau.

 

Đức Phật đã giải thích cho Subha từng câu hỏi một:

1. Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu?"

Một số người giết hại chúng sinh khác, không phải chỉ giết hại chúng sinh một lần mà nhiều lần họ giết hại chúng sinh. Do hậu quả của sự giết hại này, họ tái sinh vào bốn đường ác. Họ bị tái sinh vào cảnh Súc Sinh, Ngạ Quỷ, A Tu La, Điạ Ngục. Sau khi ở các cảnh khổ này, nếu được tái sinh làm người trong kiếp hiện tại thì họ bị chết yểu (đoản thọ). Bởi vì họ đã giết hại chúng sinh, nghĩa là họ đã có ý muốn làm cho đời sống của chúng sinh bị ngắn lại, muốn chấm dứt mạng sống của chúng sinh sớm hơn, làm cho tuổi thọ của chúng sinh ngắn lại. Thay vì chúng sinh được sống lâu hơn, họ làm cho chúng sinh chết sớm. Do có ý muốn làm cho tuổi thọ của chúng sinh ngắn đi nên họ nhận hậu quả là đời sống của họ cũng bị ngắn đi hay bị chết yểu.

Có những người không bao giờ giết hại chúng sinh. Họ giữ giới sát sinh. Họ ngăn ngừa sự giết hại chúng sinh. Những người này sau khi chết sẽ được tái sinh vào cõi trời. Khi họ tái sinh làm người họ sẽ trường thọ. Những người chết sớm là những người đã giết hại chúng sinh trong những kiếp sống trước đây. Và những người trường thọ là những người giữ giới không sát sinh trong những kiếp trước đây. Khi họ ngăn ngừa hành động giết hại chúng sinh thì tâm họ có lòng mong muốn chúng sinh được sống lâu. Lòng mong muốn chúng sinh được sống lâu là nguyên nhân khiến họ được trường thọ khi họ tái sinh làm người.

2. Tại sao có người thường hay bị bệnh hoạn, có người đầy đủ sức khỏe?

Có những người hay bị bệnh hoạn, hết bệnh này lại đến bệnh kia, hoặc sức khỏe họ luôn luôn yếu kém. Những người này, theo lời dạy của Đức Phật, là những người đã làm những chúng sinh khác bị thương. Họ không giết hại người hay chúng sinh khác, nhưng họ hành hạ đánh đập làm cho người khác, chúng sinh khác đau đớn, khổ sở, làm cho cơ thể chúng sinh khác bị tổn thương. Do hành động độc ác, hành hạ, đánh đập, làm hại cơ thể chúng sinh, làm cho chúng sinh bị thương nên họ bị tái sinh vào bốn ác đạo. Khi họ tái sinh làm người, họ luôn luôn bị đau ốm, bị tật nguyền, sức khỏe yếu kém.Có những người thân thể cường tráng, sức khỏe đầy đủ. Có người chẳng bao giờ đau ốm, chẳng bao giờ đến gặp bác sĩ, chẳng bao giờ vào nhà thương, chẳng bao giờ uống một viên thuốc nào. Họ có một cơ thể khỏe mạnh. Tại sao vậy? Trong kiếp sống này, họ có cơ thể khỏe mạnh, bởi vì trong những kiếp sống quá khứ họ không bao giờ hành hạ kẻ khác, không làm kẻ khác bị thương tật, không làm tổn thương thân thể kẻ khác. Họ đã có lòng bi mẫn đối với chúng sinh khác. Do những hành động thiện họ đã làm nên khi tái sinh làm người họ có đầy đủ sức khỏe.

3. Tại sao có người mặt mày xấu xí khó coi, có người mặt mày đẹp đẽ dễ nhìn?

Một số người thường hay giận dữ. Người ta chỉ chỉ trích một tí thôi là đã nỗi sân lên. Với bản chất sân hận, giận dữ như thế nên họ phải tái sinh vào bốn đường ác. Khi họ được tái sinh làm người, do Nghiệp giận dữ mà họ đã tạo, mặt mày họ trở nên xấu xí.

Như vậy, nóng giận, sân si là nguyên nhân làm cho người xấu xí. Chúng ta có thể dễ dàng để hiểu điều này. Ngay cả khi chúng ta đang sống trong đời sống hiện tại này, khi giận dữ thì mặt mày chúng ta thật là xấu xí; khi giận dữ mặt mày hung dữ, dễ sợ. Nếu chúng ta muốn biết khi giận dữ mặt mày chúng ta xấu xí như thế nào thì mỗi lần giận dữ hãy nhìn vào gương soi, lúc đó, chúng ta sẽ thấy chúng ta xấu xí?

Những người đẹp đẽ có bản chất không giận dữ. Họ là những người luôn luôn đối xử tốt với người khác, và họ không dễ dàng giận dữ. Bởi vậy, nếu bạn muốn đẹp đẽ ngay cả trong kiếp sống này thì đừng giận. Một trong những nguyên nhân giúp bạn có gương mặt đẹp đẻ là cố gắng hành thiền từ ái. Như vậy, nguyên nhân của sự xấu xí là giận dữ, và nguyên nhân của đẹp đẽ là không giận dữ, có lòng từ ái. Điều này chứng tỏ cho ta thấy rằng: Nếu chúng ta muốn đẹp đẽ, nếu chúng ta muốn gương mặt chúng ta vui vẻ dễ thương thì chúng ta đừng bao giờ dễ dàng giận dữ.

4. Tại sao có người cô thế, có người đầy quyền uy?

Đôi khi bạn gặp những người đầy quyền uy, lời họ nói ra đầy uy quyền, và họ ảnh hưởng đến người khác, khiến người khác phải nghe theo, đi theo họ. Cũng có những người không có quyền uy, họ không có uy quyền để làm việc gì. Có nhiều người, mặc dầu có chức vụ lớn, địa vị cao, có tiền của nhiều, nhưng họ nói không ai nghe. Nguyên nhân tại sao?

Có những người có quyền cao, chức trọng nhưng không làm người khác nể phục, không ảnh hưởng đến người khác bởi vì kiếp trước họ có tánh hay ganh tỵ: Thấy ai được lợi, được danh, được người khác tôn trọng, kính nể thì họ cảm thấy khó chịu và ganh ghét. Người nào hay ganh tỵ, đố kỵ, ganh ghét khi thấy người khác được lợi lộc, được vinh dự... thì chắc chắn người đó sẽ bị cô thế, không có thẩm quyền hay năng lực ảnh hưởng tới ngưòi khác trong kiếp sống tương lai. Những người có thẩm quyền được mọi người tùng phục nghe theo trong đời sống này là những người không ganh tỵ trước những thành công, lợi lộc, sự tôn trọng, hay sự kính nể của người khác. Ganh tỵ là nguyên nhân khiến trong kiếp sống này chúng ta trở thành người không có uy quyền, không ảnh hưởng đến người khác. Ngược lại, không ganh tỵ, không đố kỵ là nguyên nhân khiến trong kiếp sống này chúng ta có uy quyền, có ảnh hưởng đến người khác.

5. Tại sao có người nghèo nàn đói khổ, có người giàu sang sung túc?

Những người nghèo khổ trong kiếp sống này là những người kiếp trước không biết bố thí, giúp đỡ thực phẩm, áo quần, vật dụng khác cho Sa Môn, Bà La Môn và những người khác. Họ là những người không thực hành hạnh bố thí. Những người giàu có trong kiếp sống này là những người thực hành hạnh bố thí trong những kiếp trước. Họ đã bố thí cúng dường thức ăn, thức uống, áo quần, thuốc men, và những vật dụng khác cho mọi người. Thực hành hạnh bố thí là nguyên nhân của sự giàu có, và không thực hành hạnh bố thí hay bủn xỉn, keo kiệt là nguyên nhân của sự nghèo nàn. Như vậy, bủn xỉn, keo kiệt, không dám cho ai thứ gì là nguyên nhân của sự nghèo khổ.

6. Tại sao có người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt, trong giai cấp bần cùng, có người sinh ra trong gia đình quuyền quí, trong giai cấp cao sang? 

Những người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt vì kiếp trước họ tự cao, ngã mạn, kiêu căng, tự phụ. Họ chẳng hề tôn kính lễ bái những bậc đáng tôn kính. Họ không đứng dậy, tỏ vẻ kính trọng những người đáng được đứng dậy, đáng được kính trọng. Họ không biết nhường chỗ ngồi cho những người đáng được nhường chỗ. Họ không nhường lối đi cho những bậc đáng được nhường lối đi. Họ không tôn kính, lễ độ đối với những bậc đáng được tôn kính, lễ độ. Không biết tôn trọng, kính nhường là nguyên nhân của sự tái sinh vào giai cấp thấp kém. Nguyên nhân được sinh vào gia đình quyền quí, giai cấp cao sang thì do những nguyên nhân ngược lại. Những người này kiếp trước không kiêu hãnh, tự cao, tự đại. Họ thường tôn kính lễ bái những bậc đáng tôn kính lễ bái. Họ đứng dậy, tỏ vẻ tôn trọng những người đáng được đứng dậy tỏ vẻ tôn trọng. Họ biết nhường chỗ ngồi cho những người đáng được nhường chỗ ngồi. Họ nhường lối đi cho những bậc đáng được nhường lối đi. Họ tôn kính, lễ độ đối với những bậc đáng được tôn kính, lễ độ. Tóm lại, tự cao, tự đại là nguyên nhân của sự sinh trưởng trong gia đình thấp kém, và không tự cao tự đại, biết tôn kính là nguyên nhân được sinh ra ở những gia đình cao sang.

7. Tại sao có người ngu dốt, thiếu trí tuệ, có người thông minh sáng suốt?

Nguyên nhân của sư thiếu trí tuệ, ngu dốt, trì độn, và nguyên nhân của sự thông minh sáng suốt, trí tuệ minh mẫn là biết đặt câu hỏi hay không đặt câu hỏi. Những người không chịu gần bậc thiện trí thức để học hỏi. Không chịu đặt câu hỏi để biết thế nào là thiện, thế nào là ác, những gì cần phải làm, những gì không nên làm... Những người không chịu tìm tòi học hỏi, đặt câu hỏi thì sẽ tái sinh thành người chậm lụt, thiếu trí tuệ hoặc dễ trở thành ngu đần. Những người nào luôn luôn tìm tòi, học hỏi, biết hỏi han thế nào là hành động thiện, thế nào là hành động ác, điều gì thích nghi và điều gì không thích nghi, việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Những người đó tái sinh làm người thông minh sáng suốt, bậc trí tuệ. Như vậy, đặt câu hỏi, tìm hiểu giáo pháp là nguyên nhân của sự thông minh trí tuệ, không đặt câu hỏi, là nguyên nhân của sự kém trí tuệ. Như vậy, bây giờ các bạn đã biết, đã hiểu do nguyên nhân gì, do thực hành điều gì đưa đến kết quả gì?

- Giết hại chúng sinh đưa đến chết yểu hay có đời sống ngắn ngủi. Thực hành giới không sát sinh sẽ đưa đến sự trường thọ. Như vậy, có hai sự lựa chọn:

- Nếu bạn muốn sống lâu thì đừng giết hại chúng sinh khác. Nếu bạn không cần sống lâu; cho rằng sống lâu hay chết sớm cũng không thành vấn đề thì đừng giữ giới này.

- Nếu bạn muốn được khỏe mạnh trong tương lai thì đừng đánh đập hay làm tổn thương đến thân thể người khác.

- Nếu bạn muốn đẹp đẽ thì đừng sân hận.

- Nếu bạn muốn có uy quyền, ảnh hưởng đến người khác và được người khác tôn trọng thì đừng ganh tỵ hay đố kỵ.

- Nếu bạn muốn giàu có thì hãy bố thí.

- Nếu bạn muốn sinh trưởng trong gia đình quyền quí, cao sang thì phải biết khiêm nhường, không tự cao, tự đại.

- Nếu bạn muốn thông minh, trí tuệ thì hãy đặt câu hỏi.Đó là những nguyên nhân đã tạo ra sự chênh lệch, sự bất đồng giữa người này và người khác.

Đức Phật đã trả lời câu hỏi do chàng thanh niên Subha đặt ra và cuối bài giảng, một lần nữa, Đức Phật dạy rằng: Tất cả chúng sinh đều có Nghiệp là gia tài của họ. Họ là kẻ thừa kế của Nghiệp mà họ đã tạo. Chính Nghiệp đã làm cho người này khác với người kia. Như vậy, Đức Phật đã trả lời cho chàng thanh niên Shuba hiểu rằng: Tất cả sự bất đồng của con người không phải được tạo ra bởi Thượng Đế, Chúa Trời, Thần Thánh hay một cái gì cả. Do Nghiệp hay những hành vi tạo tác bởi thân, khẩu, ý của mỗi người mà họ sẽ nhận chịu những kết quả khác nhau. Do Nghiệp của chính họ trong quá khứ khiến họ sống lâu hay chết yểu, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay ngu dốt. Chính Nghiệp đã tạo ra sự bất đồng trong kiếp hiện tại này.

Hòa thượng Silānanda giảng 

 Sư Khánh Hỷ soạn dịch 


7 nhận xét:

  1. Cảm ơn Fa đã chia sẻ.
    Chúng ta phải chịu trách nhiệm những gì đã làm trong quá khứ.
    Từ đó thận trọng hơn những việc làm trong hiện tại,nếu muốn có được tương lai thiện lành.
    Chúc Bạn ngày mới an vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Lý lãng nói đúng như lời Phật dạy.
      Chúc anh tâm thường an lạc.
      https://1.bp.blogspot.com/-PCEzpqYEK44/WzOX_qgBxBI/AAAAAAAAI1E/yq_L3YlxrKsi2LYydGUrFm4rZBB0Ul-mQCLcBGAs/s1600/Hinh-anh-hoa-sen-dep-nhat%2B%25281%2529.gif

      Xóa
  2. MN ghé Fa đọc bài Lời dạy của Phật ,MN cũng hiểu đôi chút về Nghiệp quả .Chút Fa luôn an lành nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mong bài viết giúp chút ít cho Mặc Nhiên.
      https://2.bp.blogspot.com/-MGz29JZeGLY/VU4DUJ5OrKI/AAAAAAAAJnk/zFYPWG_8BvY/s1600/sengif.gif

      Xóa
  3. Rất công bằng!

    https://www.lovethispic.com/uploaded_images/397215-Happy-Tuesday-Gif-With-Flowers-In-Barrel.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc anh Đỗ Văn Thân Tâm an lạc.
      https://hocdetu.files.wordpress.com/2015/08/lotus.gif

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.