Trang

18/09/2022

Những điều liên quan đến bức tường Berlin ít được nhắc đến

 Tháng 8/1961, quân đội CHDC Đức đã đóng cửa biên giới giữa Đông và Tây Berlin, bắt đầu xây dựng bức tường ngăn cách. Dưới đây là những điều liên quan đến bức tường Berlin đó mà bạn có thể chưa biết.

Sau Thế chiến II, phần phía Tây nước Đức do Mỹ, Pháp và Anh kiểm soát, được gọi là Cộng hòa Liên bang Đức; khu vực do Liên Xô kiểm soát được gọi là Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Không chỉ Đông Đức và Tây Đức mà thành phố Berlin cũng bị chia cắt. Mặc dù Berlin nằm trên phần lãnh thổ Liên Xô, Mỹ, Pháp và Anh yêu cầu Berlin phải được chia đều cho bốn quốc gia - Tây Berlin do ba đồng minh kiểm soát và Đông Berlin, do Liên Xô kiểm soát.


Bức tường Berlin - “nhân chứng sống” một thời.

Từ năm 1949 đến năm 1961, hơn 2 triệu người Đông Đức đã chạy trốn sang Tây Đức. Dịp tháng 8/1961, người ta ước tính, Đông Đức mất khoảng 2.000 công dân mỗi ngày, vì nền kinh tế Đông Đức yếu kém, chính phủ không đáp ứng đủ cho họ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; người dân không được phép sở hữu đất đai của riêng mình hoặc tham gia hoạt động buôn bán tự do khiến sự bất mãn của họ ngày càng tăng.

Nhiều người trong số họ là lao động có tay nghề cao hay các chuyên gia, vì vậy việc di cư của họ càng tàn phá nền kinh tế Đông Đức. Để “cầm máu”, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev khuyên Đông Đức cắt đứt đường tiếp cận giữa hai bên. Vì vậy, ngày 13/8/1961, Đông Đức đã đóng cửa biên giới giữa Đông và Tây Berlin để xây bức tường ngăn cách nhằm ngăn chặn công dân đào tẩu sang Tây Đức.

Đảm nhận xây dựng bức tường Berlin là một doanh nghiệp bí mật do Erich Honecker chỉ đạo. Chỉ khoảng 20 quan chức chính phủ biết bức tường đang được dựng lên. Tất cả người dân và phần còn lại của chính phủ đều được thông báo đó là “một cuộc tập trận”. Không có gì hoặc rất ít thông tin về việc xây dựng bức tường được thông báo. Người dân tin bức tường được cảnh sát tạo ra để giúp kiểm soát đám đông.

Ban đầu, một vành đai gấp rút được thiết lập, và bức tường ở trung tâm thành phố được làm bằng người và xe bọc thép, sau đó, những người lính Đông Đức đã giăng hàng rào thép gai trên con phố được gọi là Friedrich-Ebert Strasse, để xây dựng một bức tường tạm. Theo thời gian, bức tường Berlin được xây lên, cao 4 m và dài 107 km, một số điểm cao tới 4,5 m, gắn dây thép gai trên đỉnh tường khiến việc leo qua là không thể. Bức tường đi qua hơn 190 đường phố ở Đông Berlin.

Phía đối diện với Đông Berlin có các khu vực kiểm soát được chiếu sáng và bất cứ ai đến gần các khu vực này đều bị bắn mà không cần cảnh báo. Phía bên kia bức tường được đào một rãnh khiến các phương tiện không thể cố chạy qua bức tường. Phía trước chiến hào là các chốt tuần tra, chó nghiệp vụ, chòi canh và hầm trú ẩn. Một bức tường thứ hai được xây dựng trước bức tường thứ nhất nhằm đảm bảo an ninh hơn. Các lính canh có vũ trang tuần tra dọc theo bức tường, sẵn sàng bắn bất cứ ai có ý định vượt qua.

Bức tường Berlin được biết đến với nhiều cái tên như “Hệ thống bảo vệ chống phát xít”, “Bức tường xấu hổ”, “Biên giới bên trong nước Đức”, “Rèm sắt”. Tuy nhiên, nó không ngăn được tất cả mọi người muốn đào tẩu. Để đến Tây Berlin, các công dân chủ yếu là sinh viên đại học đã đào đường hầm dưới bức tường Berlin. Nghĩa địa là nơi nhìn thấy đường hầm đầu tiên có thể được sử dụng.

Người dân mang theo hoa và giả đám tang để ngụy trang cho việc đào hầm. Hầm nghĩa địa được phát hiện khi một người phụ nữ dắt con nhỏ trên xe bị rơi sụp xuống hầm. Đường hầm sau đó bị khóa, niêm phong và không bao giờ được sử dụng nữa. Một trong những đường hầm nằm trong tầng hầm của ngôi nhà số 60 Westerstrasse, đã giúp 29 người trốn sang Tây Berlin. Những nỗ lực khác để trốn thoát là bằng khinh khí cầu và 5.000 người khác trèo qua bức tường.


Bức tường Berlin - một chủ đề thu hút chú ý lớn của các phương tiện truyền thông.

Theo Trung tâm Lịch sử Đương đại Potsdam và Quỹ Bức tường Berlin, từ năm 1961-1989, hơn 140 người đã thiệt mạng hoặc chết tại bức tường. Trong khi nhiều người bị binh lính có vũ trang bắn, nhiều người khác thiệt mạng trong một loạt vụ tự sát sau những nỗ lực thất bại, tai nạn kỳ lạ và chết đuối. Có lẽ cái chết kỳ lạ nhất là cái chết cuối cùng được ghi lại vào ngày 3/8/1989, khi đối tượng chết trong một nỗ lực vượt biên bất thành bằng khinh khí cầu.

Dọc theo bức tường Berlin, có một số trạm kiểm soát nơi những người có giấy tờ thích hợp có thể qua lại giữa các bên. Trong số đó có Trạm kiểm soát Friedrichstrasse - thường được gọi là Trạm kiểm soát Charlie, được quay trong phim James Bond “Octopussy” và “The Spy Who Came In From The Cold” của John le Carré. Quân đội Mỹ duy trì Trạm kiểm soát Charlie, và đây là trạm kiểm soát duy nhất mà người nước ngoài và lực lượng đồng minh được phép đi qua Đông Đức.

Trạm kiểm soát Charlie cũng trở nên nổi tiếng vì đây là lối đi cho các vụ hoán đổi tù nhân. Vụ trao đổi tù nhân đáng chú ý nhất xảy ra vào năm 1962, trên Cầu Glienicke, chỉ cách Trạm kiểm soát Charlie một đoạn ngắn. Trong cuộc trao đổi này, phi công lái máy bay do thám U-2 của Mỹ, Francis Gary Powers đã được đổi lấy Rudolf Abel, một điệp viên Liên Xô bị kết tội làm gián điệp.

Khi Hungary cho phép những người từ Tây Âu vào đất nước của họ, biên giới rộng mở của Hungary cho phép người dân ở các nước xã hội chủ nghĩa và công dân Đông Berlin đi lại tự do về phía Tây. Các cuộc biểu tình bắt đầu ở thành phố Leipzig của Đức, gây sức ép buộc chính phủ phải giải phóng người dân. Ngày 9/11/1989, người đứng đầu đảng cộng sản Đông Berlin, Gunter Schabowski, cho biết mọi người có thể vượt sang Tây Berlin du lịch.

Khi nghe thấy thông báo này, người dân tập trung tại một số khu vực để phá bức tường, một số giữ những mảnh vỡ này làm đồ lưu niệm. Đến ngày 1/7/1990, Đông và Tây Berlin đã được thống nhất và mọi người được tự do đi lại. Ngày nay, các mảnh của bức tường Berlin đang được rao bán trên eBay. Người quan tâm có thể sở hữu một mẫu vật liệu từ bức tường lịch sử đó với giá 0,99 euro cộng với phí vận chuyển và xử lý.

Sưu tầm

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.