Lời giới thiệu
Đây là một câu chuyện hay, vui, và rất dễ thuơng… Chuyện này cũng có thể dùng để “quảng cáo” cho các anh “con trai thành thị” muốn lấy “gái quê miệt vườn.”
Thời xưa thấy có chuyện bất công là con gái không được đi học tới nơi tới chốn (?) như con trai, như cô Vi trong chuyện này, nhưng họ rất thông minh; với tài nghệ nắm ót / xỏ mũi chồng có thể được cấp bằng “Thạc sĩ hàm thụ!” rồi.
Nói gì thì nói. Tui thấy làm rể gia đình người miền Nam là sướng nhất vì các gia đình người Nam rất quý con rể (Mà thiệt hôn?!)
TVG
*
Hồi học lớp đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), tôi có đọc đâu đó truyện ngắn tựa là “Lấy Vợ Miền Quê,” của tác giả nào tôi quên. Tôi rất khoái truyện ngắn nầy và định bụng lớn lên mình cũng “lấy vợ miền quê” như tác giả kia.
Nói thì hơi xấu hổ, vừa đậu Tú Tài phần hai, lúc đó tôi mới 18 tuổi Tây, tức 19 tuổi Ta, mà tôi đã… “muốn vợ !” Con trai mà “muốn” chuyện gì thì thường vòi vĩnh với mẹ, như chiếc xe đạp, đồng hồ, quần áo mới, kể cả chiếc solex cáu cạnh tôi đang chạy, mà chỉ hàng “thiếu gia”… ở tỉnh như tôi mới có.
Những thứ đó tôi đều mạnh dạn nói với mẹ, và lần nào cũng vậy, mẹ tôi không cần suy nghĩ mà “ô kê” liền. Còn cái vụ “muốn vợ” nầy, tôi có miệng mà chẳng thốt nên lời! Tôi định bụng lúc nào mẹ vui và khi chỉ có hai mẹ con ở nhà thì tôi “tâm sự” liền. Mẹ lúc nào lại không vui!
Vả lại tôi là con một trong gia đình, chỉ cần ba tôi đi uống cà phê hay đi đâu đó thì có biết bao nhiêu dịp… may!
Thế mà khi thấy mẹ ngồi, tôi vừa xề lại thì bao dũng khí đã tiêu tan!
Bao lần như vậy, dường như bà để ý, giọng ngọt ngào cố hữu:
– Gì đó con trai cưng? Muốn gì nữa phải không?
Lúc đó tôi chỉ cần một “gờ-ram” dũng khí, thêm một tiếng “vợ” sau tiếng “muốn” của me tôi thì đòn cân cục diện đâu lại vào đấy rồi.
Đằng nầy tôi lại nhút nhát, rụt rè! – Điều nầy, vốn không phải là bản tính của tôi:
– Dạ… có “muốn” gì đâu mẹ!
Trả lời xong tôi thấy ấm ức, giận mình sao quá yếu gan! Thì may thay, vợ chồng anh hai Trân tới chơi. Anh với tôi là chú bác ruột tôi. Hai Trân là con trai trưởng của bác hai, còn cha tôi đến thứ chín, nên ảnh nhỏ hơn cha tôi chẳng bao nhiêu. Anh rất vui tính, cởi mở, lẹ làng, sốt sắng. Cái gì cũng chịu hoạch toẹt, không chịu úp úp mở mở, nên có khi hơi lố lố. Vậy mà tôi lại quý mến anh ở điểm nầy nhất, mới lạ!
Chưa chào hỏi mẹ tôi, anh nhìn tôi bôm bốp:
– Đậu (Tú Tài) rồi hả mậy? Là người lớn rồi, cưới vợ được rồi đó nghen!
Thuở đó đậu Tú Tài cũng oai lắm, kiếm việc làm dễ như chơi. Trong thân tộc có người đậu tú tài là niềm hãnh diện chung. Nghe anh nói, tôi khoái chí tử, nhưng cũng làm bộ:
– Mới bây lớn mà có vợ gì anh ơi!
– Sao lại “bây lớn”? Hồi tao cỡ mầy là con cu biết gáy rồi. Mầy hỏi chú chín….
Chị hai thúc mạnh vào hông chồng:
– Nói bậy không hà! Thím chín kìa! Chú nó còn nhỏ…
– Nhỏ nhỏ cái gì? Cỡ tuổi nó tôi có con rồi!
Tôi mỉm cười, thấy thích anh lạ! Anh hai quay sang mẹ tôi:
– Thím chín! Em lớn rồi nghen thím. “Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương” đó thím. Em nó đẹp trai, học giỏi, nhà giàu, mà thím không chịu cưới vợ cho nó là có ngày có người bồng cháu nội về cho thím nuôi đó!
Chị hai nạt:
– Nói bậy không hà! Cái tật không bỏ!
Anh hai nói chuyện thường chêm vào mấy câu chữ nho, những lần đó tôi cũng bực mình, vì có câu tôi cũng không hiểu nghĩa rõ ràng.
Câu anh vừa nói tôi hiểu, xem ra nó cũng hay đó chứ! Còn chị hai, là người phụ nữ nết na, đẹp lại hiền, hay kìm chế chồng những khi anh quá trớn. Đặc biệt lần nầy tôi lại thấy chị hơi… quá trớn!
Mẹ mỉm cười:
– Biết nó chịu không mà cưới?
Tim tôi đập thình thịch. Không ngờ diễn tiến lại thuận lợi như vậy. Mẹ nói thế tức là nếu tôi “chịu” thì mẹ cưới chứ gì? Ôi con đường… cưới vợ sao mà hanh thông như vậy!
Anh hai quyết liệt:
– Sao lại hổng chịu thím? Hỏng lẽ nó muốn vợ nó lại la làng lên sao?
Hồi trước con muốn vợ, con cũng đâu dám nói cho má con mà phải nhờ chú chín mở hơi giùm. Thím quên rồi sao?
Quay qua tôi, anh dịu giọng:
– Nè cưng, anh hai hỏi thiệt nghen, cưng có muốn cưới vợ không?
Phải nói là nhờ anh hai mà lòng tôi tràn dũng khí. Tôi quyết không bỏ lỡ cơ hội. Chỉ cần tôi nói một tiếng “muốn” là bài toán có đáp số ngay, và bao nhiêu đè nén trong lòng bấy lâu chắc chắn giờ đây tan biến!
Nhưng như vậy xem phàm phu quá! Tôi cười cười, đợi cho mọi người chờ một lát, thần khẩu xui tôi phát ra một câu quá tuyệt vời:
– Thì hồi trước anh hai sao thì giờ em vậy thôi!
Mọi người cười rần và mang ý nghĩa khác nhau. Tôi cười cho… đỡ mắc cở. Chị hai cười xòa góp phần vui; anh hai cười ngất, cười sặc sụa của người thích chí; còn mẹ thì cười hiền hòa, sung sướng, lấy tay áo chậm hai khóe mắt rưng rưng. Tôi thấy thương mẹ vô cùng, sà vào lòng mẹ. Dù là một cậu tú, nhưng với mẹ, tôi vẫn thường thích mẹ vuốt ve như thuở lên ba. Mẹ vò tóc tôi, nói với anh chị hai:
– Bây thấy hôn? Nó làm còn như nhỏ lắm vậy!
Mẹ hỏi tôi:
– Bộ con có để ý bạn gái nào ở trường hả?
Tôi lắc đầu. Mẹ bảo:
– Vậy thì mẹ biết ai mà cưới cho con?
Anh hai nhanh nhẩu:
– Thì làm mai! Hồi trước chú chín cũng vậy, con cũng vậy. Có ai thương yêu ai trước đâu? (liếc sang chị hai) Chừng về ở chung cũng khoái thấy mồ…
Anh đẩy bàn tay chị hai định nhéo vào hông anh:
– Vậy chớ hỏng phải sao?
Rồi quay sang tôi, anh lại ngọt ngào và xôm tụ:
– Nè, bây giờ em chưa quen ai phải không? E hèm! Hồi trước anh cũng vậy thôi. Có sao? Nhưng em phải cho thím chín và anh chị hai đây biết mẫu người em ưng thế nào thì ở đây mới kiếm cho em được chứ! Thí dụ, hồi trước anh ra tiêu chuẩn là phải vừa đẹp, vừa hiền, vừa có chút học vấn. Em thấy hôn, chị hai đúng bon tiêu chuẩn đó, Anh thấy là khoái liền. Hề hề…!
Tôi thấy mặt chị hai đỏ lên vì sung sướng:
– Nói không biết mắc cở….
Sẵn đà, tôi tiếp:
– Mà phải ở miệt vườn nữa em mới chịu.
Anh hai có vẻ cụt hứng, còn mẹ thì có vẻ vui:
– Phải đó à bây, con gái ở vườn nó nết na, thùy mị, giỏi giang.
Anh hai cười, lại xông xáo:
– Trúng tủ bả rồi! Mà cũng dễ thôi! Thím bán tạp hóa lớn, mối mang miệt vườn biết bao nhiêu, nhờ họ mối lái giùm.
Chị hai:
– Sao hăng hái dữ! Mai mốt anh hai chịu lạy đó nghen!
– Tất nhiên! Tất nhiên!
Thói thường người ta tin tưởng vào những gì mình hy vọng, và sợ mất những gì mình có. Mẹ đã xong rồi, còn ba thì sao? Ba thường hay chiều ý mẹ dù đôi khi ý mẹ có đôi chút ông chẳng hài lòng, nhưng đó là những việc nhỏ đời thường, còn đây là “hôn nhân đại sự,” liệu ba có còn chiều mẹ hay không?
Ngày hôm sau, tôi thấy ba có vẻ khác khác – vậy là mẹ nói với ba rồi!
Ba ít nói, có chiều nghĩ ngợi. Khi giáp mặt tôi, ba mỉm cười khó hiểu. Phúc hay là họa đây!
Rồi ngày tôi chờ đợi cũng đến. “Phái đoàn” gồm ba mẹ, anh chị hai và tất nhiên có vai chánh là tôi. Thật khó tả được bao cảm xúc bồn chồn lo lắng, hồi hộp, đủ thứ lộn xộn trong lòng tôi. Mẹ tôi cứ dặn dò đủ mọi việc, hết chuyện nọ tới chuyện kia, đến nỗi khó mà nhớ hết; còn anh hai thì cứ lải nhải bên tai “bình tỉnh, bình tỉnh, đừng có run.” Nhà ông nhạc tôi (tạm gọi vậy) ở xã Ngũ Hiệp, cách thành phố Mỹ Tho 30 cây số về hướng tây. Chợ Ngũ Hiệp nằm bên kia sông, muốn qua phải nhờ một phà nhỏ.
Từ chợ, theo lời bà mai, chúng tôi phải đi bộ thêm gần ngàn mét nữa. Nghe vậy anh hai nói với tôi:
– Như vậy là “vườn trong vườn” rồi phải không cưng? Tiêu chuẩn một đạt hai trăm phần trăm rồi hén!
Chị hai cau mặt:
– Cái ông nầy lúc nào cũng đùa được.
Thật vậy, đây là vùng trù phú đất đai, cây lành trái ngọt. không biết cơ man nào là cây trái quả mọng trĩu cành! Cam, bưởi, sa bô chê, dừa, vú sữa, nhãn, chôm chôm… Nhất là sầu riêng cây nào cây nấy chân tay đeo đầy nghẹt quả, theo gió thơm lừng. Bà mai chỉ tay về căn nhà ngói kiểu xưa (kiểu “chữ Đinh”) nói:
– Nhà đó đó.
Tất cả dừng lại “hội ý.” Mẹ khẩn trương thấy rõ, lại dặn dò:
– Nhớ những gì mẹ dặn nghen con!”
– Dạ!
Anh hai cũng thì thào:
– Nhà cất kiểu nầy mà gặp ông già củ tỏi thì mệt lắm à nghen!
Chị hai nạt nhỏ:
– Ông lo cái miệng ông đó. Vô đó nói bậy đi!
Bà mai vô trước, mẹ sửa lại áo quần tôi chưa xong thì có người ra mời vào. Giờ phút nầy tôi càng thấy tình mẫu tử bao la như thế nào. Mẹ hồi hộp như sắp bước vào nơi hang hùm nọc rắn không bằng, lại điệp khúc “Nhớ nghe con!” lại phát ra!
Vừa vào cổng, tôi bị hốt hồn vì hơn hai chục cặp mắt, đủ hạng tuổi, nhiều nhất là trẻ em chăm chú vào tôi, một bà trạc tuổi mẹ có lẽ thông cảm được điều ấy, bèn rầy đám nhỏ:
– Nè, mấy đứa làm gì tụ tập lại đây dữ vậy? Có đi hết không?
Đám trẻ tản đi vài bước rồi bẽn lẽn đứng nhìn. Phòng khách được bài trí hai bàn. Bàn giữa gồm ba mẹ tôi, bà mai, ông bà nhạc và hai vị cao niên. Bàn bên có anh chị hai tôi và bốn người bên gái cùng trang lứa.
Phần tôi nghe lời mẹ là không được ngồi, mà đứng sau ghế cha mẹ, hai tay xếp lại để dưới bụng (nếu đã mời trà xong), tư thế y như lính hầu ở phủ huyện, hay các thái giám ở cung đình hầu hạ đức vua!
Theo cách nói chuyện… lại có dịp đứng trước nhạc phụ mẫu; tôi biết ông bà là người cởi mở, dễ tính. Câu chuyện của hai “sui” càng lâu càng khởi sắc tốt đẹp. Dần dà khách khí không còn, mà như đã quen nhau từ trước vậy.
Bỗng Ông nhạc gọi:
– Con hai đâu, châm trà mới đi con!
Một tiếng “dạ” thảnh thót không kém Điêu Thuyền thời Tam Quốc từ nhà dưới vọng lên làm tim tôi rộn ràng. “Phái đoàn” nhà trai ai cũng hồi hộp chờ đợi. Bởi ai cũng biết bảo “châm trà” chẳng qua là lời nói khéo cho con mình ra chào để nhà trai “coi mắt” đó thôi!
Mẹ quay lại nhìn tôi mỉm cười, thầm bảo “hãy xem kỹ vì thời gian không lâu.” Tôi chưa kip mỉm cười với mẹ thì rèm hoa lay động, một kiều nữ vận bộ bà ba, không phấn không son mà má phấn môi hồng. Tóc dài phủ long gọn gàng bởi chiếc kẹp vàng có đính bông hồng chói lọi. Thoạt trông, tôi giật nẩy người, đến nỗi bố vợ nhìn thấy. Đợi giai nhân châm trà xong, ông vội bảo:
– À quên nữa, cháu qua bên ngồi uống nước, hay cứ ra ngoài dạo cho thoải mái.
Mẹ lại quay ra tôi, nhướng mày, thầm bảo “hãy đi đi con,” vì thực ra, ông nhạc cũng ngầm ý cho tôi và vợ tôi gặp nhau để “tìm hiểu,” dù thời lượng ít oi, nhưng nếu tri túc ắt tiện túc mà thôi! Mọi sự đều được người lớn sắp xếp có bài có bản và, có màn có lớp hẳn hoi!
Không khí bên ngoài thực thoải mái. Nhiều loại cây trái lớn nhỏ thi nhau che rợp ánh mặt trời làm mát rượi cả một không gian rộng. Vài tia sáng yếu ớt cố gắng chen vào đất tạo thành những đóm trắng lưa thưa đây đó tựa rãi hoa. Mùi sầu riêng thơm lừng. Hàng Sa Pô thẳng tắp trái nặng sai oằn. Mấy nhánh ổi cho trái bóng láng no tròn, rục mềm rơi rụng tứ tung, tỏa hương thơm bát ngát. Chim hót líu lo, bướm vờn thẳng cánh.
Đàn ong tranh nhau hút mật của trăm ngàn hoa đủ sắc đủ màu. Rõ ràng là vùng đất lành thừa mứa cây lành trái ngọt.
Bên sau một giọng êm đềm:
– Biết người ta ưng hay không mà dám đi hỏi vậy?
Tôi quay lại, thì ra là vợ tôi, (tạm gọi vậy), mà cũng là Vi, người đã làm tôi kinh ngạc đến đánh thót cả người khi nãy!
Vi là bạn học cùng lớp với tôi hồi năm đệ Tứ. Hồi đó lớp đệ Tứ được xem là cái “móc” của sự chia tay. Bởi con trai, nếu thi rớt thì cha mẹ thường cho nghỉ để học nghề, còn thi đậu (cấp bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp) thì cũng mỗi người một hướng đi: Vào sư phạm hoặc ngành nghề nào đó, hoặc học tiếp ba năm nữa để lấy Tú Tài rồi lên đại học. Con gái thì ít người được học đến nơi đến chốn. Rớt hay đậu cũng thường bị cha mẹ cho nghỉ mà lo phụ việc nhà, viện lẽ con gái “học cao” khó có chồng! Vi cũng nằm trong số phận nầy. Bởi vậy cuối năm đệ Tứ, chúng tôi thường trao nhau lưu bút, mọi người đều nắn nót tuồng chữ cho trang mình thường tặng cả ảnh, dán vào giữa trang viết, dưới đề:
“Thương nhau mới tặng ảnh nầy,
Để làm kỷ niệm những ngày xa nhau’
Dù cho ảnh có phai màu,
Cũng đừng xé bỏ mà đau lòng người!”
Không biết bốn câu thơ ấy là của tác giả nào, sáng tác tự bao giờ, mà đến nay, thỉnh thoảng tôi lại thấy sau bức ảnh ”tặng nhau” của các em cũng có đề như vậy.
Hơi lạc đề, nhưng nói thêm cho vui: Hồi đó tôi cũng có quyển lưu bút, tất nhiên khi ai nhận thì cũng nắn nót từng chữ và giữ sạch sẽ như nói ở trên. Khi tôi đưa cho thằng Nhứt, ngày sau nó trả (thường thì vậy), nó viết vào trang đôi mấy chữ tổ bố: “Lưu niệm làm cái xê bình phương gì?”, rồi láu cá ký tên giáp cả hai trang giấy!
Tôi xem giận run. Cự nó. Nó cười: “Để sau nầy mầy nhớ tao.”
Tôi nghe cũng xìu lòng. Quả thật, đến giờ, nó là người tôi nhớ nhất.
Và đến ngày cuối, chúng tôi tổ chức tiệc liên hoan cuối khóa tại lớp.
Văn nghệ xung quanh các bài hát về “Mùa chia tay,” “Tạm biệt,” “Nỗi buồn hoa phượng”… Tôi có sở trường ngâm thơ, ngâm hai bài thơ Đường Luật, bài đầu của Thầy H.C, giáo sư Sử Địa, bài nầy tôi chỉ nhớ hai câu cuối:
“Rồi đây nếu chẳng sau mùa phượng,
Tất cũng mai kia ở chợ đời!”
Và bài họa của tôi:
“Việc cũ, ngàn sau vẫn đổi dời.
Chút tình tâm huyết nói sao vơi?
Luyến lưu kẻ ở đôi dòng lệ,
Tiếc nhớ người đi một góc trời
Chín tháng vui buồn trong một lớp,
Vài giây ly biệt rẽ ngàn khơi,
Đường mây một kẻ hanh thông bước,
Một kẻ lang thang giữa chợ đời!”
(Thơ Kha Tiệm Ly)
Đám con gái mắt đỏ hoe, có đứa khóc thành tiếng. Chúng tôi lại tặng quà lưu niệm cho các bạn “nghỉ luôn.” Tôi tặng Vi cái kẹp tóc bằng vàng 14 (tôi là… “thiếu gia” mà! Vàng hồi đó rẻ lắm, đàn bà con gái chẳng thấy ai đeo, có đeo thì cũng sơ sài, đeo nhiều mắc cở, bị coi là “quê”; không thấy ai đeo cục cục như giờ. Vi tặng lại cho tôi cây bút “Pilot” nắp vàng, loại tốt nhất thời ấy.
– Sao không trả lời?
Vi nghiêm trang như thuở nào, tôi hơi chột dạ:
– Thật lòng tôi không ngờ mình đi hỏi cưới Vi. Đã bao năm rồi, vả lại lúc đó mình còn nhỏ cả mà!
– Bộ mấy năm qua không nhớ chút gì về Vi sao?
– Vẫn nhớ về người bạn nhỏ hiền lành, nhiều nước mắt.
Vi vừa đưa tay rút cây viết trên túi áo tôi, vừa nói:
– Xin lỗi nghe, cho Vi mượn.
Rồi xoay cán viết, nhìn những dòng chữ khắc trên ấy, Vi có vẻ xúc động:
– Vẫn còn giữ của Vi à?
Tôi không đáp, nhìn hai rèm mi chơm chớp, tôi thấy Vi đẹp não nùng.
Tôi nắm lấy tay Vi:
– Không ngờ lại gặp lại Vi. Chẳng phải không có duyên số hay sao? Vi đồng ý nhé!
Vi tủm tỉm cười:
– Nếu em không ưng thì sao?
– Thì anh về, nhưng xin gởi trái tim anh lại.
Lại cười:
– Rõ là thi sĩ! Em đã đồng ý từ khi bà mai nói chuyện với ba mẹ, đâu phải đến bây giờ.
– Không biết mặt làm sao ưng?
Vi kéo mái tóc về phía trước ngực:
– Khờ quá đi! Mọi người ở đây ai không biết con trai một của tiệm tạp hóa Vạn Phát, chứ em thì rành lắm. Vị “công tử” ấy còn tặng cho em chiếc kẹp xinh đẹp nầy nữa phải không?
Trên đường về, mẹ luôn miệng với ba:
– Con nhỏ xem nết na và lịch sự ghê ông há?.
Lại lo ngại:
– Hổng biết nó có ưng thằng con trai cưng tôi không nữa?”
Nãy giờ tôi lặng thinh, nhớ lại những lời nói của Vi mà thấy lòng hân hoan lạ.
Nhưng thấy mẹ cứ lo lắng mãi, tôi mói nói:
– Chắc ăn rồi mẹ ơi! Mẹ đừng lo!
Mẹ nghi ngờ. Anh hai nói:
– Hồi nãy ngoài vườn tụi nó nói chuyện, chỉ cần khi về, đá lông nheo một cái là kể như xong. Thím lo gì!
Ba châm vào:
– Hồi trước bả cũng vậy, sao bả mau quên quá!
Không biết mẹ đánh hay phủi bụi cho ba:
– Cha già mất nết!
Còn tiếp