Trang

30/05/2023

Các chất ngọt thiên nhiên

Các chất ngọt thiên nhiên

1) Stevia (trong Rebiana, Truvia, PureVia) là một chất làm ngọt tự nhiên và thay thế đường, có nguồn gốc từ lá của cây Stevia rebaudiana, có nguồn gốc từ Paraguay và Brazil (Nam Mỹ).

Các hợp chất hoạt động là steviol glycoside (glycoside gồm một đường đơn giản kết hợp với một hợp chất khác; ở đây glucoside chủ yếu là stevioside và rebaudioside), có độ ngọt gấp khoảng 50 đến 300 lần đường, ổn định nhiệt, ổn định pH và không thể lên men. Cơ thể con người không chuyển hóa glycoside trong stevia, vì vậy nó được dùng như một chất làm ngọt không có giá trị dinh dưỡng. Hương vị của Stevia bắt đầu chậm hơn và kéo dài hơn so với đường, và ở nồng độ cao, một số chất chiết xuất của nó có thể có dư vị được mô tả là giống cam thảo hoặc đắng. Stevia được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm và đồ uống được gọi là “ ít đường” và “ ít calo” (sugar and calorie reduced food and beverage products)

Tình trạng pháp lý của stevia như một chất phụ gia thực phẩm (food additive) hoặc bổ sung chế độ ăn uống (nutritional supplement) khác nhau giữa các quốc gia. Tại Hoa Kỳ, một số chiết xuất stevia glycoside có độ tinh khiết cao được công nhận là an toàn một cách tổng quát (GRAS, generally recognized as safe) và có thể được tiếp thị và bổ sung hợp pháp vào các sản phẩm thực phẩm, nhưng lá stevia và chiết xuất thô không được công nhận là GRAS hoặc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt để sử dụng trong thực phẩm. Liên minh Châu Âu đã phê duyệt chất phụ gia Stevia rebaudiana vào năm 2011, trong khi ở Nhật Bản, stevia đã được sử dụng rộng rãi làm chất tạo ngọt trong nhiều thập kỷ. 

Steviol có thể gây đột biến (mutation) tế bào nhẹ ở liều cao, nhưng trên người thật thì chúng ta chưa có bằng chứng. Vào tháng 8 năm 2019, FDA Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo nhập khẩu đối với lá Stevia và chiết xuất thô (crude extract) – không được công nhận là an toàn (GRAS), (phân biệt với stevia glycoside có độ tinh khiết cao)– và đối với thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung có chứa chúng do lo ngại về tính an toàn và khả năng gây độc.

Các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Y tế Quốc tế, Cơ Quan An toàn Thực phẩm Châu Âu giới hạn mức tiêu thụ an toàn cho steviol glycoside là 4mg/kg cân nặng/ngày.

2) “La hán quả” hay “Monk fruit”( luo han guo, (羅漢果)) là một loại dưa chừng 5-7 cm, có nguồn gốc ở miền nam Trung Quốc, từng được dùng từ lâu trong đông y. Chất làm ngọt từ trái cây này là mogroside, là phần ngọt nhất của trái. Người ta nghiền trái cây, chiết xuất nước trái cây và sau đó chiết xuất mogroside từ nước trái cây. Mogroside ngọt hơn đường sucrose hơn 100 lần, nhưng không cung cấp calories vì không được ruột hấp thụ. Chất ngọt thay đường này mới trên thị trường Mỹ.

 

Hiện nay, có rất nhiều tranh cãi về vấn đề dùng chất ngọt thay thế đường. Tuy nhiên có thể nêu vài điểm chính:

 1) Có chuyên gia cho rằng dùng các chất thay thế đường làm cơ thể mất khả năng đếm lượng calories được thu nạp, do đó người uống chất thay thế đường lại ăn thứ khác nhiều hơn, và cuối cùng lại lên cân nhiều hơn. Ví dụ đi tiệm ăn fast food, uống diet coke, nhưng vì ngon miệng và tự tin (là mình kiêng đường ), nên lại ăn một cái hamburger lớn cho...đã miệng. Nếu như vậy thì không xuống cân được, và hành vi "lành mạnh" là uống nước lạnh, hay nước trà không đường, và chỉ ăn nếu mình đói, hay chỉ ăn một nửa hay một phần tư cái hamburger thôi. Nói một cách khác, tránh nước ngọt, và ăn vừa đủ no, hay đủ bớt đói, nếu muốn sụt cân.

2) Vì đường nhân tạo rất ngọt có thể làm chúng ta không còn tha thiết ăn những món lành mạnh hơn có giá trị dinh dưỡng cao hơn (ví dụ trái cây tươi có thể không ngọt bằng, nhưng ngon hơn, cung cấp một số năng lượng cần thiết, chứa nhiều sợi, nhiều vitamin và chất chống oxy hoá).

Ăn thức ăn ngọt nhờ chất nhân tạo có thể làm cho chúng ta mất khả năng tự chế trong việc ăn đồ ngọt, vì trong tâm lý chúng ta không còn liên hệ ăn uống đồ ngọt với tiếp nhận quá nhiều calories.

3) Có những bằng chứng mới xuất hiện cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ra tình trạng cơ thể khó dung nạp glucose (glucose intolerance) thông qua những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột (gut microbiome), do đó lại làm tăng nguy cơ bị tiểu đường, bệnh tim gia tăng (những bệnh mà chúng ta muốn tránh lúc dùng những chất này). Một nghiên cứu cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng đặc tính gây bệnh của vi khuẩn E. coli và E. faecalis là những vi khuẩn có ích trong ruột bình thường. 

FDA làm việc kỹ lưỡng và từ lâu từng xét đi xét lại nhiều lần các lợi hại có thể có của các chất thay thế đường. Hiện nay FDA vẫn chấp thuận các chất này được dùng cho thực phẩm tại Mỹ, cũng như những cơ quan kiểm soát thực phẩm tương tự khác (European Food Safety Authority của Châu Âu, UK Food Standard Agency, Canada Health, vv). Tuy nhiên, các quyết định này có thể sẽ thay đổi nếu có những kết quả nghiên cứu mới đáng tin cậy. 


Ngoài ra, vì muốn giới hạn đường thật trong các sản phẩm ăn uống của mình, các nhà sản xuất các đồ ăn uống chế biến càng ngày càng dùng chất thay thế đường nhiều hơn trước, kể cả các đồ ăn uống của trẻ em (low calorie cereal, juice, yoyurt). Hàn Lâm Viện Nhi Khoa (AAP) Hoa Kỳ đang vận động để các chất thay thế đường được liệt kê trong bản thành phần kèm theo các thức ăn uống cho trẻ em.

Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, càng ngày càng có nhiều thông tin về y khoa hay sức khỏe trái chiều, với ít nhiều động cơ kinh tế và chính trị trong mọi lãnh vực. Kỹ nghệ thức uống và thức ăn lại rất lớn, liên hệ đến hàng tỷ đô la hàng năm, trên toàn cầu.

Người tiêu thụ, và ngay cả giới bác sĩ cũng khó rút ra một kết luận xác đáng về mỗi tin tức, về mỗi “nghiên cứu” vừa được báo chí loan tin, kể cả các báo y học. Ví dụ, những tin tức nhấn mạnh về “biến chứng” của các chất thay thế đường có thể do kỹ nghệ đường (thiên nhiên) bảo trợ, những bản tin coi nhẹ các biến chứng này có thể do các hãng sản xuất bánh và nước ngọt (dùng đường giả) “sponsor” từ sau lưng.

Nói chung, trước đây, người ta cho rằng người tiêu dùng có thể an tâm dùng các thực phẩm có chứa các chất này trong giới hạn hợp lý (“acceptable daily intake”, [ADI], nghĩa là không áp dụng cho các liều quá cao). Tuy nhiên theo khuyến cáo mới nhất của Cơ Quan Y tế Quốc tế thì không nên dùng các chất thay thế đường vì cơ nguy gia tăng một số bệnh như tiểu đường, ung thư và tử vong, mặc dù sự gia tăng này nhỏ. WHO cho biết khuyến nghị mới này áp dụng cho tất cả mọi người, trừ những người đã mắc bệnh tiểu đường. 

Cuộc tranh luận sẽ tiếp diễn, nhất là kỹ nghệ thực phẩm sẽ phản kháng kịch liệt và phản bác. Nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu mình là bệnh nhân bệnh tiểu đường, trước khi dùng cho trẻ em và người mang thai, và chỉ dùng những chất được công nhận là an toàn.Tốt hơn hết là chọn thức ăn tươi, ít chế biến, giảm thiểu đường và các chất thay thế đường, tập cho mình quen với những thức ăn ít hoặc không có vị ngọt.

BS Hồ Văn Hiền

(17/5/2023)

 Tham khảo:

1) American Academy of Pediatrics: Pediatric Nutrition Handbook, 6th Edition

2) National Cancer Institute. https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/diet/artificial-sweeteners-fact-sheet

3) http://www.webmd.com/food-recipes/news/20130710/could-artificial-sweeteners-cause-weight-gain#1

4) http://www.snopes.com/medical/toxins/aspartame.asp

5)The Aspartame Controversy: https://www.chem.purdue.edu/courses/chm333/Spring%202012/Handouts/Aspartame%20Controversy.pdf

6) Assessment of Intakes of Artificial Sweeteners in Children With Type 1 Diabetes Mellitus

Lisa Devitt1 BSc RD, Denis Daneman1,2 MB BCh FRCPC, Jennifer Buccino1 BASc RD CDE

http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.624.3831&rep=rep1&type=pdf

7) Artificial sweeteners: sugar-free, but at what cost?

http://www.health.harvard.edu/blog/artificial-sweeteners-sugar-free-but-at-what-cost-201207165030

8) https://en.wikipedia.org/wiki/Splenda#:~:text=Splenda%20usually%20contains%2095%25%20dextrose,molecules%20with%20three%20chlorine%20atoms.

9) https://en.wikipedia.org/wiki/Stevia

10)https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/diet/artificial-sweeteners-fact-sheet#:~:text=In%202022%2C%20the%20NutriNet%2DSant%C3%A9,not%20consume%20aspartame%20(4).

11)https://health.clevelandclinic.org/why-you-should-use-monk-fruit-sweetener/

12)https://www.who.int/news/item/15-05-2023-who-advises-not-to-use-non-sugar-sweeteners-for-weight-control-in-newly-released-guideline

13)https://www.advisory.com/daily-briefing/2023/05/17/artificial-sweeteners#:~:text=The%20World%20Health%20Organization%20(WHO,risks%20in%20the%20long%20term

 

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.