Trang

03/05/2023

Thánh Jeanne xứ Arc và Thần tích bị chế giễu

 

Tượng Thánh Jeanne d'Arc trong sân khách sạn Groslot ở Orleans, miền trung nước Pháp. (Ảnh: Guillaume Souvant / AFP)

Tòa tháp âm trầm cao ngất, bức tường đá xù xì phủ đầy dây leo, cánh cửa gỗ cũ kỹ dựa vào những thanh sắt và đinh tán hoen gỉ đã duy trì mấy trăm năm qua. Ở đây, quý vị sẽ sởn gai ốc, bởi vì có thể nghe thấy tiếng la hét thảm thiết và tiếng roi da rít lên trong không khí. Nhưng đây chưa phải là thời điểm rùng rợn nhất. Trong đêm tối, khi chỉ còn một mình yên tĩnh, nền đá xanh lạnh lẽo sẽ rỉ ra những giọt nước đỏ thẫm, ánh trăng xuyên qua từng song cửa sắt, tiếng bước chân leo lên cầu thang lộc cộc, lộc cộc, càng lúc càng gần, rồi đột ngột dừng lại trước cửa phòng của quý vị.

Những phiên tòa xét xử tôn giáo ở Âu Châu thời trung cổ luôn đầy sự thần bí và quái đản. Phù thủy luôn bị thiêu chết, ở dưới pháp trường là đám đông vui vẻ và ngọn lửa bừng bừng, giống như một hội chợ quê bình thường và náo nhiệt. Sau một lần kinh hãi, người ta sẽ nhanh chóng quên đi, và mong chờ niềm vui được thiêu chết phù thủy ở lần tiếp theo.

Tuy nhiên vào năm 1431, một phiên tòa ở Burgundy, miền Bắc nước Pháp, đã khiến cả thế giới không thể nào quên. Bởi vì họ đã thiêu sống một anh hùng, một vị cứu tinh, một thiếu nữ mới chỉ 19 tuổi, Jeanne d’Arc (Jeanne xứ Arc).

Câu chuyện bắt đầu từ việc Quốc vương nước Pháp Charles IV băng hà. Charles IV không có con trai. Vậy ai sẽ kế thừa vương quyền? Huyết thống gần nhất là cháu ngoại Edward của Quốc vương, vì vậy có thể để ông ấy thừa kế. Tuy nhiên có một vấn đề xuất hiện, người cháu ngoại này có thân phận đặc biệt, hiện tại ông ấy đang là Quốc vương Anh quốc. Các quý tộc Pháp quốc lúc bây giờ đương nhiên không đồng tình, bởi như vậy chẳng khác nào Anh quốc đang nuốt chửng Pháp quốc hay sao?

Do đó, các quý tộc Pháp quốc đã liên hiệp với Giáo hội để sửa đổi các quy tắc, đổi người lên làm Quốc vương. Họ còn muốn Anh quốc trả lại vùng đất vốn thuộc về Pháp quốc. Điều này khiến Anh quốc tức giận, vì vậy hai nước đã giao chiến, bất chấp mối quan hệ họ hàng thân thích. Cuộc chiến này kéo dài hơn một trăm năm, sử sách gọi là “Chiến tranh Trăm Năm” (Hundred Years’ War) giữa Anh và Pháp.

Jeanne chém tan hắc ám bằng thanh kiếm được Thánh nhân trao cho trong giấc mộng

Đến năm 1428, dưới sự hỗ trợ của Công tước xứ Burgundy, người Anh đã chiếm được một nửa lãnh thổ nước Pháp. Khi Vương quốc Pháp đang trong thời điểm nguy cấp nhất, một cô gái chăn cừu bình thường đã dùng thanh kiếm được Thánh nhân ban tặng trong giấc mộng để phá tan hắc ám, mang đến hy vọng cho cả nước Pháp với chiếc vương miện sáng chói. Đó chính là Jeanne d’Arc. Lời hứa và an bài của Chúa luôn khiến người thường không thể hiểu nổi, tại sao trọng trách giải cứu quốc gia lại để một cô nương nhỏ bé như vậy đảm đương?

Jeanne d’Arc từ nhỏ đã thích đến nhà thờ để cầu nguyện và xưng tội. Có lần cha xứ nói với cô ấy: “Hôm nay con đã đến đây mấy lần rồi, con còn điều gì muốn xưng tội nữa sao?” Jeanne nói rằng kỳ thực không có chuyện gì cần xưng tội, cô thích đến nhà thờ, bởi vì mỗi khi cô nghĩ tới việc đến nhà thờ, thì cô liền có thể nhìn thấy “Ngài ấy”. “Ngài ấy?” Cha xứ vội hỏi, “Ngài ấy trông như thế nào?” “Y phục màu trắng, trên đầu có vầng hào quang màu trắng.” Cha xứ liền hiểu rằng cả đời mình làm linh mục cũng chưa từng nhìn thấy Ngài ấy, nhưng Jeanne đã nhìn thấy rồi.


Khi cô gái chăn cừu Jeanne d’Arc 16 tuổi, cô đã gặp Thiên sứ, từ đó nhận được khải thị của Chúa muốn cô thu hồi vùng đất Pháp đang bị người Anh chiếm đóng. Ảnh chụp một bức bích họa miêu tả cuộc đời của Jeanne d’Arc trong nhà thờ Domremy-la-Pucelle ở miền Đông nước Pháp. (Ảnh: Jean-Christophe Verhaegen / AFP)

“Ngài ấy đã nói gì với con sao?” Cha xứ rất muốn biết.

“Ngài ấy chỉ dẫn con, mỗi khi nhìn thấy Ngài ấy, con đều cảm thấy một sự ấm áp to lớn.”

Người trong làng đều biết rằng, cô thiếu nữ Jeanne d’Arc có thể nghe và nhìn thấy sự chỉ dẫn của Thánh nhân đối với cô. Một ngày nọ, người Anh đã đến, đốt cháy ngôi làng và hãm hiếp chị gái của Jeanne. Jeanne đã ngất đi trong cơn sợ hãi tột cùng, khi tỉnh dậy, cô nhìn thấy bên cạnh mình là một thanh trường kiếm. Kể từ đó, cô khoác lên mình bộ áo giáp của nam giới và bắt đầu chiến đấu. Cô yếu đuối, nhưng sức mạnh ‘chí thánh chí thiện’ của cô khiến ngày càng nhiều người đi theo.

Năm 1429, với sự hiệp trợ của Jeanne d’Arc, Charles VII đã cử hành lễ đăng quang long trọng. Sau khi Jeanne d’Arc thu hồi lại được lãnh địa của quý tộc Pháp bị người Anh chiếm đóng, nông dân đã thành lập các ngôi làng tự trị ở đó. Vì vậy nông dân và binh sĩ rất yêu mến Jeanne. Tuy Jeanne đã giúp quốc vương lấy lại vương quyền, nhưng cô cũng giúp người dân có được quyền lực, tước bỏ quyền lực độc tài của quốc vương. Charles VII muốn trao cho Jeanne danh hiệu Bá tước để đổi lấy binh quyền của cô. Tuy nhiên, Jeanne trả lời: “Không cần gì ngoài một nước Pháp tự do!” Câu trả lời này khiến Charles VII cảm thấy sức mạnh của nhân dân đang đe dọa vương quyền của ông ta. Vào thời điểm quan trọng khi Jeanne d’Arc chỉ huy cuộc vây hãm Paris, Vua Charles VII đã triệu hồi phần lớn quân đội và bán đứng Jeanne, Jeanne đã bị quân Anh bắt giữ.

Ngày 21 tháng 02 năm 1431, giáo chủ với tư cách là thẩm phán cùng với các nhà thần học của Đại học Paris, còn có tất cả các lực lượng tôn giáo và lực lượng thế tục do người Anh kiểm soát, đã thành lập một tòa án để xét xử Jeanne d’Arc với tội danh theo dị giáo và sử dụng vu thuật (thuật phù thủy).

Người đầu tiên công kích Jeanne là một linh mục. Ông ấy chất vấn về sự chỉ dẫn mà Jeanne nghe được từ Thánh nhân: “Ta hỏi cô, Jeanne, rốt cuộc có phải những vị Thánh như Thánh Michael, Thánh Margaret và Thánh Catarina muốn cô giao chiến với Anh quốc hay không?” Đối với Giáo hội, điểm mấu chốt là liệu lời nói kia của Thiên sứ là thật hay giả. Họ nhận định rằng những lời sấm mà Jeanne d’Arc tuân theo là chỉ thị của ác quỷ.

“Hồng y của Winchester đang thẩm vấn Jeanne d’Arc”. Tranh của Gillot Saint-Èvre, hiện lưu ở Viện bảo tàng Louvre, Paris. (Ảnh: Tài sản công)

Sau đó đến lượt các nhà thần học chất vấn. Họ ngạo mạn, trong đầu não chứa đầy những thứ dơ bẩn: “Thánh Margaret có nói tiếng Anh không? Cô nghe có hiểu không? Thánh Michael có tóc không? Cô ôm thân trên hay thân dưới của ngài ấy?” Họ nghĩ, những câu hỏi này bất kể trả lời như thế nào, cũng sẽ làm nhiễu loạn niềm tin của Jeanne và khiến người đời bị mê hoặc. Các nhà thần học hỏi Jeanne: “Thánh Catarina có khỏa thân không?” Jeanne hỏi lại: “Mấy người nghĩ rằng Thánh nhân không mặc quần áo sao?” “Cái này . . ta . . để ta hỏi cô lần nữa, cô cho rằng cô được Chúa ân sủng sao?” Jeanne thốt lên: “Nếu như không, cầu Chúa thương xót con; nếu như có, cầu Chúa tiếp tục ban ơn cho con.” Câu trả lời này quá hoàn hảo, nhà thần học đã bị đánh bại.

Đến lượt các Tiến sĩ Giáo hội, họ buộc tội Jeanne: “Cô không tuân theo mệnh lệnh của Giáo hội.” Jeanne đáp lại, “Không đúng, tôi tuân theo Giáo hội, nhưng trước hết, tôi nên vâng lời Thiên Chúa”. Cuối cùng thẩm phán lên tiếng: “Jeanne, tại sao cô luôn mặc quân phục của đàn ông?”

Jeanne không trả lời, cô cúi đầu. Sau khi bị bắt, nếu không vì chiến bào thời trung cổ này rất khó cởi bỏ, Jeanne có thể đã bị người Anh hãm hiếp.

Quan niệm truyền thống của Giáo hội Công giáo nói rằng, người phàm bắt buộc phải thông qua Giáo hội mới có thể giao tiếp với Chúa. Jeanne d’Arc đã trực tiếp nghe thấy giọng nói của Thần Thánh và còn ‘dám nói’ rằng cô đã giao tiếp với Thiên sứ. Giáo hội đã quy cho cô là vi phạm luật tôn giáo và phạm vào đại tội; còn những giọng nói giao tiếp với cô đều được nhận định là lời của ma quỷ. Về phần cô mặc quần áo nam giới, họ không cần phân biệt đúng sai mà dứt khoát phán cô tội vi phạm pháp tắc thiêng liêng do Chúa định lập về giới tính nam nữ khác biệt.

“Chúa ơi, chúng ta đã thiêu sống một Thánh nữ”

Sáng sớm ngày 30 tháng 5 năm 1431, một giàn hỏa thiêu đã được dựng lên ở quảng trường cũ của thành phố Rouen, bên trên chất đầy củi lửa. Jeanne d’Arc, người đã kiệt sức vì bị thẩm vấn và tra tấn, bị trói vào giàn hỏa thiêu. Ngọn lửa đột nhiên bốc cháy. Trong ngọn lửa, Jeanne gọi lớn tên của Chúa, Thiên sứ và các Thánh nữ. “Những gì tôi nghe được là ý muốn của Chúa! Giọng nói tôi nghe được sẽ không bao giờ phản bội và lừa dối tôi!”


Jeanne d’Arc bị trói vào cột hành hình, tay nắm lấy cây Thánh giá cầu nguyện. Ảnh được vẽ bởi họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jules-Eugène Lenepveu. (Ảnh: Tài sản công)

Trong nỗi đau đớn tột cùng, Jeanne đã kết thúc cuộc đời 19 năm ngắn ngủi của mình. Ngọn lửa kéo dài liên tục bốn giờ đồng hồ vô tình nuốt chửng nhục thể của Jeanne d’Arc. Người ta không nghe thấy tiếng gào thét thê thảm của những phù thủy bị thiêu đốt năm xưa, nhưng tiếng gọi Chúa dịu dàng và kiên định của Jeanne d’Arc khiến mọi người đều cảm thấy mất mát. Cuối cùng, điều kỳ diệu nhất đã xảy ra. Tất cả những người chứng kiến ​​buổi hỏa thiêu đều vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra rằng, trong đống than đen, trái tim của Jeanne như một kỳ tích không hề bị thiêu cháy.

Một người lính Anh kêu lên: “Chúa ơi, chúng ta đã thiêu sống một Thánh nữ.” Người Anh ra lệnh: “Mau mang trái tim ném, ném, ném xuống sông Seine.” Geoffroy Thérage, kẻ hành hình phụ trách việc châm lửa biết rõ tội ác nghiêm trọng nên đã trốn vào tu viện kể từ đó.

Hai mươi lăm năm sau cái chết của Jeanne, Giáo hoàng Callixtus III tuyên bố rằng, Jeanne đã chết để bảo vệ tôn giáo, quốc gia và quốc vương của cô ấy. Cô ấy là một người tử vì Đạo. Nước Pháp đã mở lại phiên tòa để rửa oan cho Jeanne d’Arc, muốn khôi phục lại thanh danh cho Jeanne.

Từ giới quý tộc đến dân thường ở Paris, tất cả đều tập trung về Île de la Cité ở Paris. Nhà thờ Đức Bà trên đảo tập trung kín người, mẹ của Jeanne đã khóc không thành tiếng. Bà đã kể về cách mình nuôi nấng và dạy dỗ con gái kính Chúa, yêu Chúa và vâng theo ý chỉ của Chúa như thế nào. Tiếng khóc của mẹ Jeanne không chỉ vang vọng trong nhà thờ Đức Bà Paris, mà còn đánh thức tâm kính ngưỡng Chúa ẩn sâu trong lòng người dân Pháp, đánh thức niềm tin vào Thần tích, vun đắp cơ sở tín ngưỡng, khiến Pháp quốc trở thành đỉnh cao của văn hóa nghệ thuật nhân loại, đạt được những thành tựu đáng tự hào kéo dài suốt 500 năm.

Ngày nay trong dòng sông dài lịch sử, chúng ta hãy cùng bày tỏ lòng kính trọng đối với Thánh Jeanne xứ Arc: Người lương thiện thường bị xuyên tạc, hiểu lầm; Thần tích ở nhân gian thường bị cười nhạo. Quý vị, hãy mở rộng tấm lòng khoan dung cho những điều quý vị không tin, bởi có thể quý vị đã thực sự hiểu lầm rồi.

Bài viết được đăng lại từ Tân Kỷ Nguyên


1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.