Trang

19/05/2023

BỆNH LÚ LẪN ALZHEIMER


 Đây là một bài tóm lược từ một tài liệu học tập của công ty dược phẩm Apotex Canada

Bài viết nầy chỉ để phổ biến kiến thức khoa học chớ không có mục đích chẩn đoán và chữa trị. Mọi thắc mắc hay nghi vấn về cách chẩn đoán và điều trị bệnh Alzheimer, xin quý bạn hãy tham khảo trực tiếp với bác sĩ gia đình.

Ngày xưa ở Việt Nam người viết cũng đã từng gặp rất nhiều bác lớn tuổi bị lú lẫn đi chơi trong xóm nhưng không biết đường về nhà. Có khi thì con cái đã dọn cơm ăn rồi, nhưng lại trách móc là tụi nó chưa dọn...Thuở đó, mình nghĩ rằng hễ già cả rồi thì ai cũng có thể bị lú lẫn hết. Có người bị nặng, có người bị nhẹ. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Cho đến sau ngày định cư tại Canada năm 1980, mình mới được nghe đến cái tên Alzheimer lần đầu tiên. 

Đây là một căn bệnh của người già nên ít ai quan tâm đến như bệnh tim mạch, ung thư hay tiểu đường.  

Người Việt Nam mình dù cho sống ở đâu đi nữa cũng vẫn có thể vướng bệnh Alzheimer như  mọi dân tộc khác...

Alzheimer, căn bệnh của thế kỷ

Alzheimer là bệnh thoái hóa (neurodegenerative), không phục hồi của hệ thần kinh. Bệnh nhân dần dần bị mất trí nhớ, thay đổi tâm tánh và sa sút trí tuệ (dementia, démence).

Bệnh do Bác Sĩ Alois Alzheimer (Đức Quốc) tìm ra vào năm 1906 sau khi giải phẫu khám nghiệm một người đàn bà chết vì chứng sa sút trí tuệ. 

Quan sát não bộ cho thấy có sự hiện diện của rất nhiều mảng thoái hóa amyloides (neuritic plaques, plaques amyloides) bên ngoài tế bào thần kinh chết và những xoắn sợi thần kinh (neurofibrillary tangles, écheveaux neurofibrillaires) do protein Tau tạo ra nằm trong tế bào. 

Các mảng amyloides và các xoắn sợi thần kinh làm tổn hại hệ thần kinh và ngăn trở sự dẫn truyền mệnh lệnh.  

Bệnh dần dần dẫn đến sự sa sút trí tuệ ở người già. 

Đây là một hội chứng phức tạp bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau như sự mất trí nhớ, mất khả năng phán xét, lý luận, thay đổi nhân cách, tâm tánh, cử chỉ, hành động.

Cả nhiều thế kỷ qua, người ta vẫn thường tuởng rằng hiện tượng trên là một giai đoạn bình thường trong tiến trình lão hóa.

Ngày nay, khoa học cho biết sự sa sút trí tuệ là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như: đứng đầu là Alzheimer, tai biến mạch máu não stroke, bệnh Parkinson, bệnh Hungtinton, bệnh Creutzfeldt –Jacob (còn gọi là bệnh bò điên), cancer não, chấn thương sọ não, lạm dụng rượu, và một vài loại thuốc Tây, v.v...  

Thống kê cho biết, tại Canada hiện có 300.000 người bị Alzheimer. Cứ 20 người tuổi trên 65 thì có một người bị Alzheimer. Theo ước đoán, vì tầng lớp người già không ngớt gia tăng thêm lên mãi, cho nên số bệnh nhân Alzheimer có thể lên đến 3-4 triệu người vào năm 2031.

Hoa Kỳ hiện có 5,3 triệu bệnh nhân Alzheimer, trong số nầy gồm có 5,1 triệu người trên 65 tuổi, và 200 000 người bệnh dưới 65 tuổi.

Alzheimer không những chỉ tàn phá bệnh nhân mà thôi, nhưng nó cũng ảnh hưởng nặng nề luôn đến sinh hoạt gia đình và cuộc sống của người thân nữa.  

Đó cũng là một gánh nặng về y tế phí.


Tại sao có bệnh Alzheimer?  

Cho tới ngày nay, các nhà khoa học cũng chưa tìm ra được nguyên nhân thật sự của căn bệnh quái ác nầy. Họ nghi ngờ bệnh có thể là do một loại virus  có biến chuyển chậm (lentivirus), do độc tố từ chất nhôm aluminium, ô nhiễm môi sinh (pesticides, nông dược), do hiện tượng tự miễn autoimmune, hoặc do di truyền (maladie d’Alzheimer familiale autosomique dominante) nếu đã từng có xảy ra cho những người thân trong gia đình, hay trong dòng họ qua nhiều thế hệ rồi, hoặc nếu cha mẹ mang gène Alzheimer thì con cái có thể có nguy cơ bị Alzheimer sau nầy.

Nhưng hình như các nhà chuyên môn thiên về phía giả thuyết «protéine bất thường» nhiều hơn hết, trong đó protéine beta amyloide không hoà tan đóng một vai trò then chốt trong sự làm phát sinh ra bệnh Alzheimer... Protéine nầy hiện diện một cách bình thường trong các tế bào thần kinh và cả trong tế bào của các cơ quan khác nữa.

Ở người khỏe mạnh bình thường, beta amyloide sẽ tự phân hủy và bị loại đi nên không thể tạo ra các mảng amyloide được. Còn đối với bệnh nhân Alzheimer, protéine beta amyloide không thể tự phân hủy mà còn kết hợp lại với nhau thành những mảng amyloides trong mô não.

Người ta cũng nhận thấy có sự tan biến tế bào thần kinh trong những vùng thuộc về trí nhớ, và các vùng tâm thần xung yếu khác của não bộ. Ngoài ra còn có sự tuột giảm nồng độ của acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters).

Còn tiếp

Bác Sĩ Thú y Nguyễn Thượng Chánh & Dược Sĩ Nguyễn Ngọc Lan

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.